+ Trả Lời Ðề Tài
Hiện kết quả từ 1 tới 2 của 2

Chủ đề: Tu tịnh độ cần biết

  1. #1
    lyquochoang
    Guest
    Trạng thái :  

    Smile Tu tịnh độ cần biết

    Pháp Ngữ Của Tổ Pháp Nhiên
    Tổ Pháp Nhiên

    Để đời này thoát khỏi sinh tử, không gì hơn vãng sanh Tịnh Độ. Để được vãng sanh Tịnh Độ, không gì hơn niệm Phật.

    Niệm Phật là bổn nguyện của Đức A Di Đà, nên mười phương hằng sa chư Phật đều chứng thành. Các hạnh khác chẳng phải là bổn nguyện, nên chư Phật chẳng chứng thành. Bởi thế nên thường niệm Phật để được mười phương chư Phật hộ niệm.

    Niệm Phật không có hình thức, ngoài việc xưng danh hiệu, không có hình thức gì cả.

    Niệm Phật lấy không hình thức làm hình thức, chỉ biết rằng thường niệm Phật, thì đến lúc lâm chung nhất định Phật lai nghinh, mà vãng sanh cõi Cực Lạc.

    Tất cả căn cơ tùy theo thiên tính mà niệm Phật vãng sanh. Cái thân hiện nay do túc nghiệp đời trước mà có, nên trong đời này không thể thay đổi. Như người nữ mà muốn đổi thành người nam trong đời này thì không thể được, cứ tùy theo thiên tính mà niệm Phật: người trí thì lấy trí mà niệm Phật vãng sanh, người ngu thì dùng ngu mà niệm Phật vãng sanh, có đạo tâm cũng niệm Phật vãng sanh, không đạo tâm cũng niệm Phật vãng sanh, người có tà kiến cũng niệm Phật vãng sanh, hàng phú quý, hạng bần cùng, người tham lam, kẻ tánh nóng, bậc có từ bi, hạng không có từ bi, do bổn nguyện không thể nghĩ bàn của Đức A Di Đà, hễ niệm Phật thì đều được vãng sanh.

    Tâm của hạng phàm phu làm sao mà không tán loạn được, cũng chính vì thế mới gọi là pháp môn dễ tu.

    Đã sanh làm người trong cõi dục giới tán địa này thì tâm đều làm tán loạn cả, nếu bảo rằng phải bỏ cái tâm tán loạn mới vãng sanh được thì thật vô lý. Tán tâm niệm Phật mà được vãng sanh đó là chỗ đáng quý của bổn nguyện vậy.

    Chẳng phải thanh tịnh cái tâm của mình, trừ đi nghiệp chướng này rồi mới niệm Phật, mà do thường niệm Phật thì tội chướng tiêu diệt.

    Trong khi niệm Phật mà tâm vọng động là thông bệnh của tất cả hạng phàm phu. Nhưng hễ có chí nguyện vãng sanh mà niệm Phật thì tuyệt đối không chướng ngại. Ví như chỗ thâm tình của cha con, dù có bất hòa đôi chút, thì chỗ thâm tình đó vẫn không thay đổi, vẫn là cha con.

    Không cần để ý đến vọng niệm, tán loạn, mà chỉ chuyên cần xưng danh hiệu. Nếu thường xưng danh hiệu thì do công đức của Phật danh, vọng niệm tự dừng, tán loạn tự yên, tam nghiệp tự điều, nguyện tâm tự phát. Bởi thế khi nguyện tâm còn yếu cũng Nam Mô A Di Đà Phật, khi tâm tán loạn nhiều cũng Nam Mô A Di Đà Phật, khi vọng niệm sinh khởi cũng Nam Mô A Di Đà Phật, khi thiện tâm phát sinh cũng Nam Mô A Di Đà Phật, khi bất tịnh cũng Nam Mô A Di Đà Phật, khi thanh tịnh cũng Nam Mô A Di Đà Phật, khi tam tâm(1) còn thiếu kém cũng Nam Mô A Di Đà Phật, khi tam tâm đầy đủ cũng Nam Mô A Di Đà Phật, khi tam tâm hiện khởi cũng Nam Mô A Di Đà Phật, khi tam tâm thành tựu cũng Nam Mô A Di Đà Phật. Đây là phương tiện để chắn chắn được vãng sanh, xin ghi khắc vào tâm can chớ quên!

    Người lười biếng niệm Phật là người đánh mất đi vô lượng châu báu. Người siêng năng niệm Phật là người khai mở vô biên sáng suốt. Nên dùng cái tâm cầu vãng sanh mà tương tục niệm Phật.

    Hạnh trì giới chẳng phải là hạnh bổn nguyện của Đức Phật A Di Đà. Do đó cứ theo khả năng của mình mà giữ là được rồi. Điều quan trọng là chuyên cần niệm Phật.

    Không để ý đến thiện ác của bản thân, chỉ một lòng cầu vãng sanh mà niệm Phật, đó gọi là tha lực niệm Phật. Cho rằng bản thân bị tội chướng khó được vãng sanh, là điều sai lầm rất lớn.

    Chẳng cần để ý là tâm mình thiện hay ác, tội chướng nặng hay nhẹ, mà chỉ nên dùng miệng xưng Nam Mô A Di Đà Phật và phát khởi cái tâm quyết định nương Phật thệ nguyện chắc chắn vãng sanh.

    Hạng vô trí tội chướng niệm Phật mà vãng sanh là ý chánh của bổn nguyện.

    Thâm tâm là cái tâm tin sâu, tin sâu điều gì ? Tin rằng hạng phàm phu phiền não sâu dày, nghiệp chướng nặng nề, thiện căn thiếu kém, nhờ tin vào đại bi nguyện lực của Đức Phật A Di Đà. Rồi chấp trì danh hiệu. Hoặc một trăm năm, hoặc bốn mươi lăm năm, hai mươi năm, mười năm, cho đến một hai năm. Từ khi phát tâm cho đến lúc lâm chung không thối chuyển. Hoặc bảy ngày, hoặc một ngày, cho đến mười niệm, một niệm. Dù nhiều hay ít, người xưng danh niệm Phật chắc chắn được vãng sanh. Tóm lại đối với chuyện vãng sanh mà không nghi ngờ gọi là thâm tâm.

    Phút lâm chung nỗi khổ của cái chết bức bách, thân thẻ chịu vô lượng thống khổ, giống như trăm nghìn lưỡi dao đâm vào, mắt mũi bỗng nhiên mờ mịt, muốn thấy cũng không thể thấy, miệng lưỡi co cứng, muốn nói cũng không nói được. Đây là tử khổ trong tám sự khổ của kiếp người. Dù người tu niệm Phật tin bổn nguyện cầu vãng sanh chăng nữa, cũng khó tránh khỏi nỗi khổ này. Nhưng dù mờ mịt, đến khi sắp tắt thở, do nguyện lực Đức Phật A Di Đà sẽ thành chánh niệm mà vãng sanh. Sát na lâm chung dễ như cắt sợi tơ, điều này người khác không thể biết được, chỉ có Phật và người tu niệm Phật biết mà thôi.

    Người niệm Phật mà có lòng cầu vãng sanh và không nghi Di Đà bổn nguyện. Thì khi lâm chung không bị điên đảo. Sở dĩ được như vậy là nhờ Phật lai nghinh! Phật lai nghinh là để người tu niệm Phật lúc lâm chung được chánh niệm, chứ không phải lúc lâm chung cần phải chánh niệm thì Phật mới lai nghinh. Người không biết nghĩa này đều cho rằng lúc lâm chung cần phải chánh niệm niệm Phật, Phật mới lai nghinh. Kiến giải như vậy là không tin vào Phật nguyện và không biết kinh văn nữa.

    Người tu Tịnh Độ trước hết nên biết hai điều này: Thứ nhất – vì người có duyên, dù phải bỏ thân mệnh, tài sản, cũng nên vì họ mà nói pháp môn Tịnh Độ. Thứ hai – vì sự vãng sanh của mình, nên xa lìa mọi phiền nhiễu, mà chuyên tu hạnh niệm Phật, ngoài hai điều trên không tính toán gì khác.

    Đã tu Tịnh Độ thì mọi chuyện trong đời đều y theo niệm Phật mà quyết định. Tất cả đều là trợ duyên cho niệm Phật. Hễ làm chướng ngại thì nên từ bỏ: Sống một mình không niệm Phật được thì ở chung mà niệm Phật, sống chung không niệm Phật được thì ở một mình mà niệm Phật. Tại gia không niệm Phật được thì xuất gia mà niệm Phật, xuất gia không niệm Phật được thì tại gia mà niệm Phật. Sống giữa đời không niệm Phật được thì trốn đời mà niệm Phật, trốn đời không niệm Phật được thì sống giữa đời mà niệm Phật.

    Nguyện rằng người tu Tịnh Độ gặp bệnh hoạn nên vui.

    Thánh Đạo môn tức các tông phái khác, đều tu cái nhân của tam thừa, tứ thừa, để được cái quả của tam thừa, tứ thừa. Do đó không thể so sánh với hạnh niệm Phật. Còn trong Tịnh Độ môn, các hạnh như đọc tụng kinh điển, lễ bái, quán tưởng, quán tượng, và hạnh niệm Phật đều là nhân để vãng sanh, nên có thể sánh. Nhưng tất cả các hạnh đều chẳng phải là Di Đà bổn nguyện, do đó quang minh của Đức Di Đà chẳng thu nhiếp, mà đức Thích Ca cũng chẳng phó chúc. Bởi thế Thiện Đạo đại sư dạy: “Tất cả các hạnh khác tuy gọi là thiện, nhưng nếu so với niệm Phật thì hoàn toàn không thể so sánh nổi”.

    Vãng sanh chánh nghiệp thì trọng yếu là xưng danh. Rõ ràng là chẳng cần phân biệt có trí huệ hay không trí huệ. Cần gì phải học hành cho lắm, chi bằng cứ lo niệm Phật thì sẽ mau được vãng sanh Tịnh Độ, gặp mặt Thánh chúng, được nghe pháp môn. Hơn nữa cõi nước trang nghiêm, ngày đêm thuyết pháp sâu xa, do đó sẽ tự nhiên khai phát thắng giải mà chứng Vô Sanh Nhẫn. Nếu chưa biết ý nghĩa của niệm Phật vãng sanh, thì học cho biết đơn sơ là đủ. Nếu ham học rộng, biết bao nhiêu cho cùng. Hãy siêng năng niệm Phật là hơn cả.

    Năm điều quyết định chuyện vãng sanh:

    Bổn nguyện của Đức A Di Đà quyết định
    Lời dạy của Đức Thích Ca quyết định.
    Sự chứng minh của chư Phật quyết định.
    Giáo thích của tổ Thiện Đạo quyết định.
    Tín tâm của chúng ta quyết định.

    Do năm nghĩa trên, nên quyết định vãng sanh.

    Niệm Phật là chuyện mình làm, vãng sanh là chuyện Phật làm. Vãng sanh là do Phật lực ban cho, lại cứ tính toán trong tâm mình, thì đó là tự lực. Chỉ nên xưng danh để chờ Phật lai nghinh.

    Tuy tam học Giới, Định, Huệ hoàn toàn đầy đủ, nhưng nếu không tu bổn nguyện niệm Phật thì không được vãng sanh. Tuy không có Giới, Định, Huệ mà một mực xưng danh thì chắc chắn được vãng sanh.

    Di Đà bổn nguyện phát ra không phải vì hạng thiện nhân có phương tiện, có thể dùng tự lực để thoát ly sinh tử. Mà là vì hạng tội chướng, ác nhân, không có phương tiện để giải thoát. Nhưng hàng Bồ Tát, Thánh Hiền cũng có thể nương vào đó mà cầu vãng sanh, hạng thiện nhân, phàm phu cũng hướng về lời nguyện này mà được vãng sanh, huống gì hạng ác nhân, phàm phu lại càng nên nương vào tha lực này. Chớ nên hiểu sai lầm mà bám chấp vào tà kiến. Hãy nhớ Di Đà bổn nguyện căn bản là vì hạng phàm phu, mà gồm luôn cả Thánh nhân, xin hiểu rõ lý này.

    Yếu đạo để ra khỏi sanh tử không gì hơn vãng sanh Tịnh Độ. Hạnh tu để vãng sanh Tịnh Độ tuy nhiều không gì hơn xưng danh, vì đó là hạnh của Di Đà bổn nguyện. Bởi vậy hòa thượng Thiện Đạo dạy rằng: Kinh Vô Lượng Thọ chép: “Khi tôi thành Phật, nếu mười phương chúng sanh, xưng danh hiệu của tôi, dù chỉ có mười lần, mà không được vãng sanh, thì tôi chẳng ở ngôi Chánh Giác”. Đức Phật kia hiện tại thế thành Phật. Nên biết rằng bổn nguyện trọng thệ chẳng hư dối. Chúng sanh xưng niệm tất nhiên được vãng sanh. Do đó ngoài xưng danh không cần quán tưởng gì khác. Hiểu và tin như trên lâm chung chắc chắn Phật lai nghinh. Nếu bình thường xưng danh tích lũy công đức thì cho dù lúc lâm chung không xưng được Phật danh vẫn quyết định vãng sanh.

    Chúng sanh thời mạt pháp là đương cơ của vãng sanh Cực Lạc. Hạnh tuy ít xin chớ nghi, một niệm, mười niệm đã đủ. Tuy tội chướng xin chớ nghi, tội dù nặng cũng được cứu. Thời tuy mạt xin chớ nghi, chúng sanh sau thời mạt pháp còn được cứu huống gì hiện nay. Thân tuy ác xin chớ nghi, tổ Thiện Đạo nói: “Bản thân tôi là phàm phu đầy đủ phiền não”. Trong mười phương mà nguyện về Tây Phương vì đó là chỗ mà chúng sanh ngũ nghịch thập ác được vãng sanh. Trong chư Phật mà quay về với Đức A Di Đà vì năm niệm, ba niệm Ngài cũng lai nghinh. Trong các hạnh tu Tịnh Độ mà chọn niệm Phật, vì đó là bổn nguyện của Đức A Di Đà.

    Được thân người khó được, gặp bổn nguyện khó gặp, phát đạo tâm khó phát, lìa luân hồi khó lìa, sanh Tịnh Độ khó sanh, vui mừng không tả xiết. Tin rằng tội tuy thập ác, ngũ nghịch, vẫn được vãng sanh mà không phạm tội nhỏ. Kẻ ác còn được vãng sanh huống gì người lành. Tin rằng niệm một lần hay mười lần vẫn được cứu mà niệm liên tục suốt đời. Một niệm còn được vãng sanh huống gì nhiều niệm.

    Đức Phật A Di Đà đã thành tựu thệ nguyện của Ngài, hiện đang ở cõi kia, đến lúc lâm chung chắc chắn Ngài sẽ lai nghinh. Bổ sư Thích Tôn cũng hoan hỷ: Tùy thuận lời ta dạy được lìa khỏi sinh tử. Mười phương chư Phật cũng mừng vui: Tin sự chứng thành của chúng ta mà sanh về cõi Tịnh Độ bất thối chuyển.

    Hoan hỷ biết bao hiện đời được gặp bổn nguyện của Đức A Di Đà. Đi, đứng, nằm, ngồi đều xin báo đáp ân đức của Ngài. Lời dạy mười niệm càng để làm bằng cớ, tất được vãng sanh, tin lại càng tin!



    Chú thích: (1) Tam tâm: 1- Chí thành tâm, 2- Thâm tâm, 3- Hồi hướng phát nguyện tâm.

    Các chủ đề tương tự trong chuyên mục này:


  • Thành viên đã cảm ơn lyquochoang vì bài viết này:

    Phù Vân (19-08-2011)

  • #2
    Benedictus's Avatar
    Trạng thái :   Benedictus đã thoát
    Tham gia : Dec 2010
    Bài gửi : 147
    Tên thật:
    Lê Hoàng Hải
    Đến từ: Gx Phong Hòa, Gp Vĩnh Long
    Sở thích: ăn và ngủ
    Nghề nghiệp: lăng xăng
    Cảm ơn
    619
    Được cảm ơn 908 lần
    trong 147 bài viết
    Bạn thân mến, việc trích dẫn toàn văn không ghi bình luận như thế này làm người đọc rất phân vân khi thấy topic của bạn.
    Xin bạn giải thích nguyên nhân post bài này và giải thích rõ ràng, để chúng tôi (nhiều bạn trẻ Công giáo) có thể giao lưu với bạn.
    Thân mến!

  • Thành viên đã cảm ơn Benedictus vì bài viết này:

    echcon1690 (17-09-2011)

  • + Trả Lời Ðề Tài

    Quyền viết bài

    • Bạn không thể gửi chủ đề mới
    • Bạn không thể gửi trả lời
    • Bạn không thể gửi file đính kèm
    • Bạn không thể sửa bài viết của mình