+ Trả Lời Ðề Tài
Hiện kết quả từ 1 tới 6 của 6

Chủ đề: Nơi mặt trời mọc hướng tây

  1. #1
    Benedictus's Avatar
    Trạng thái :   Benedictus đã thoát
    Tham gia : Dec 2010
    Bài gửi : 147
    Tên thật:
    Lê Hoàng Hải
    Đến từ: Gx Phong Hòa, Gp Vĩnh Long
    Sở thích: ăn và ngủ
    Nghề nghiệp: lăng xăng
    Cảm ơn
    619
    Được cảm ơn 908 lần
    trong 147 bài viết

    Nơi mặt trời mọc hướng tây

    NƠI MẶT TRỜI MỌC HƯỚNG TÂY


    Cảnh mặt trời lặn ở phía sau nhà thờ Long Thắng

    Lẽ thường, mặt trời mọc hướng đông, Chúa định như vậy, muôn đời nay chưa nghe có chuyện trái ngược với điều đó. Nên người đời khéo bày đặt trò chơi chữ nghĩa, ví von rằng những chuyện khó tin giống như mặt trời mọc hướng tây vậy, hoặc giả câu nói ấy cũng mang hàm ý mỉa mai sự biến đổi của một con người hay một tổ chức, một sự vật gì đó. Âu cũng là lẽ thường tình.

    Có một lần, tôi đem chuyện ở nhà thờ Long Thắng, người ta làm nước uống đạt tiêu chuẩn của các viện khoa học cao cấp, rồi kính cẩn dán nhãn đóng bình mà phát không cho bà con xung quanh vùng và cả các vùng phụ cận; thì có người không tin bĩu môi mà rằng: "Chỗ đó chắc mặt trời mọc hướng tây quá!". Tôi thấy cũng buồn cười, nhưng cố công thuyết phục người ấy đến tận nơi xem thấy để mà tin. Vì ít ra, người Công giáo như tôi còn cái nhà thờ bé nhỏ ấy để khoe với anh em Phật giáo, Cao Đài, Hòa Hảo.

    Nhà thờ Long Thắng nhỏ xíu, cái tháp chuông cao lưng lửng và rất mất cân đối, các tỉ lệ kiến trúc chuẩn mực dường như bị lãng quên khi xây căn nhà thờ này. Nhà thờ không đẹp lắm, lại nằm trong một vùng đất hẻo lánh, nắng thì chói chang đổ lửa, mưa thì dầm dề dai dẳng. Người giáo dân nơi đây sống quen nghề đồng áng, có mấy cô cậu bé được gia đình cho ăn học tới đại học, có lẽ đó là tương lai của cả xứ đạo này. Nhưng tương lai chưa tới và cũng không biết chừng nào mới tới, còn hiện tại, sẽ chẳng biết thế nào, nếu hai năm trước không có một tờ bài sai của Đức Cha Tô-ma Nguyễn Văn Tân, điều Linh Mục Phê-rô Nguyễn Văn Tường _ một ông Cha trẻ như măng, cả tuổi đời lẫn tuổi giáo sỹ _ về coi sóc chăm nom cho phần hồn của bà con giáo dân nơi đây.

    Nghe nói và xem hình ảnh, nhà thờ Long Thắng lúc ấy hoang sơ và khô khan lắm. Lễ Chúa Nhựt lèo tèo vài chục người, sân nhà thờ chỉ có lối vào lót dale, hai bên là hai hàng dương còi cọc vàng hoe như cỏ bị xịt thuốc khai hoang, không có sức sống. Hai bên nhà thờ cỏ dại mọc hết lối đi, mùa nước nổi là bơi xuồng trên sân nhà thờ như chơi, không chừng trẻ con có thể tập tõm lội cũng nên.



    Thế rồi, với sức trẻ của vị Linh Mục, sân nhà thờ được tráng xi-măng toàn bộ, lại thêm tài phối cảnh, ngài chặt bỏ hết mấy cây dương còi xấu xí, trồng lại giống cây khác, xây nhà xứ, xây trụ đèn chiếu sân, xây đài Đức Mẹ, xây đài Thánh Giu-se... dần lấy lại vẻ uy nghi phải có của nơi thờ phượng Chúa. Nhưng chưa đủ, lòng dân còn tản mác nơi ruộng đồng chứ chưa thực sự đạo đức, vì nói bằng đúng, có thực mới vực được đạo, đời trước nhà thờ này còn cấp cho giáo dân cả ngàn công đất cơ mà.


    Sau nhiều sự đắn đo, nhìn thấy được nhu cầu cấp thiết và yếu tố khả thi để thực hiện, chỉ có công trình Nhà máy nước uống là thiết thực nhất. Cha Tường đã bạo gan thuê thợ vẽ lên đề án, rồi thuê thợ khoan, khoan một giếng ngầm có độ sâu thiết kế gần 400 mét với chi phí trên 300 triệu đồng (hơn 16 ngàn Mỹ kim theo thời giá lúc đó), và kèm theo đó là các thiết bị xử lý nước với công nghệ hiện đại của Mỹ, các hạng mục phụ như nhà xưởng, sân bãi... tất cả xấp xỉ 700 triệu nữa.


    Tấm hoành phi này được đặt trang trọng dưới bàn thờ ảnh Lòng Chúa Thương Xót, trong nhà máy nước của giáo xứ Long Thắng

    Nông dân như tôi nghe tiền tỉ thì chóng mặt, nhưng nghe ông Cha này nói rằng khi làm xong sẽ phát không cho bà con uống, chứ nhất quyết không lấy một đồng nào, thì tôi còn chóng mặt hơn nữa. Đúng là bản lãnh cùng mình mới dám làm, hay nói theo cách nói có màu sắc đạo hạnh, thì đây là một con người với ơn sủng Chúa phi phàm, đức tin mãnh liệt...


    Thời gian ấp ủ và chuẩn bị thi công, hầu như 99% trong số tất cả những người gặp Cha Tường đều tỉ tê khuyên nên bán rẻ chớ đừng cho không, hoặc có người quyền chức cao thì nói rằng Cha Tường "chỉ giỏi nổ chứ làm được gì". Ôm triết lý "thôi kệ, miệng đời mà" và tin vào Chúa quan phòng, ông Cha miền Tây này quyết chí làm luôn, mà theo lời kể của một chứng nhân là chú tiểu ở nhà xứ với Cha, thì nhiều đêm ông Cha ngồi ngoài bàn nước làm việc tới sáng, có khi mệt quá thì nằm vật xuống ghế bố ngoài hiên nhà xứ mà ngủ luôn chớ không vô phòng. Thế rồi, bao đêm nếm mật nằm gai, cũng tới ngày khởi công giếng nước, giáo dân thấp thỏm chờ đợi, ông Cha cương quyết, giếng nước đều đều mỗi ngày một sâu thêm vài chục mét, rồi Cha đi cấm phòng năm...


    Đùng một cái, ở nhà giếng nước đang khoan gặp trục trặc, mũi khoan đụng đá ngầm ở độ sâu 300 mét mà cạn hơn thì chưa có giọt nước nào! Cả họ đạo lo lắng, ông Trùm hỏa tốc điện thoại cho Cha, bất biết giờ đó Cha có đang lễ lạt gì hay không. Cha Tường hồi hộp; một mặt kêu cộng đoàn giáo dân hợp nhau cầu xin lòng thương xót của Chúa, xin nhìn đến họ đạo khắc khổ; một mặt ủy lạo tinh thần của anh em công nhân khoan giếng, tuyệt đối không được bỏ cuộc, vì lúc đó sau mấy ngày vật lộn với lòng đất sâu thẳm, tất cả đang rã rời...

    Một mũi khoan khủng được đưa đến hiện trường, toàn bộ giàn ống khoan dài 300 mét được rút lên khỏi đất để lắp mũi khoan mới và khoan lại, vẫn ngay miệng giếng đó. Tiếp tục ba ngày ba đêm không nghỉ, đội thi công vẫn hì hục khoan từng tấc đá, bà con giáo dân vẫn liên lỉ cầu nguyện, và Cha Tường nơi Tòa Giám Mục vẫn ngồi đứng không yên...

    Ngạn ngữ cổ nói rất hay: "Hoàng Thiên bất phụ hảo tâm nhân" (Chúa Trời không phụ người có lòng tốt), sau ba ngày ba đêm với nhiều ơn Chúa bổ sức cho bà con, mạch nước ngọt đã tuôn trào lên từ lòng đất, xuyên qua lớp đá khó ưa ở độ sâu 360 mét, dòng nước đã tưới mát bao nhiêu cõi lòng đang nóng hơn lửa đốt, và lúc đó, Cha Tường cũng vừa ra phòng.

    Về tới, Cha Tường gởi mẫu nước vừa khoan lên Sài Gòn, nhờ GS-TS Đỗ Tường Trị lại Viện Pastuer kiểm nghiệm. Một hồng ân quá lớn lao nữa lại đến với họ đạo Long Thắng, mười bảy tiêu chí nước uống của Viện Pastuer đề ra thì nguồn nước này đều đạt yêu cầu, lưu ý, nước đem xét nghiệm chưa hề có xử lý nào trước đó, chỉ đơn giản là lấy trực tiếp từ giếng lên rồi vô thùng đem xét nghiệm!

    Sau đó, để chắc chắn, Cha Tường lại theo lời tư vấn của GS-TS Trị mà tiếp tục gởi mẫu nước này thử ở Viện Y Tế Cộng Đồng với bốn mươi ba tiêu chí, và một lần nữa, bản kết quả đã xác định nguồn nước quý giá này có thể uống mà không cần lọc! (Nếu bạn có dịp tới Long Thắng này và có dịp ở lại, hãy nhớ nếm thử nguồn nước giếng tự nhiên này nhé, để thấy cái sự ngọt lành kỳ diệu của nó, mà theo nhiều người, đó là vị ngọt của tình thương, của Lòng Chúa thương xót...).

    Trên lý thuyết là vậy, nhưng để phục vụ cho bà con uống, và chu toàn về mặt xã hội, Cha Tường vẫn phải chạy xất bất xang bang để xin tiền mua thiết bị, xây nhà xưởng, mua thùng, mua chai, trả tiền điện, thuê nhân công... Cả một đống ngổn ngang với hàng ngàn việc không tên trước mặt, mà theo cách nhìn đức tin, chỉ có Chúa mới làm nổi ngần ấy việc, để ngày 13 tháng 9 năm 2010, thùng nước đầu tiên được phát không cho bà con.

    Giờ đây, đã tròm trèm một năm ngày nhà máy nước đi vào hoạt động, mỗi ngày nhà máy xuất xưởng trung bình khoảng 300 thùng 21 lít cho bà con trong vùng. Mỗi tháng tổng kết phục vụ nước uống cho hơn 60 000 lượt người bất phân lương giáo, đảm bảo vệ sinh an toàn. Nhà máy nước hiện có bốn người làm việc toàn thời gian và hơn 30 người làm việc bán liên tục, tất cả đều được trả lương sòng phẳng xứng hợp.

    Còn Cha Tường thì sao nhỉ? Đọc đến đây, hẳn ai cũng vui lây với bà con vùng Long Thắng mà quên vai trò của ông Cha này rồi. Hiện giờ, Cha Tường đang tổ chức hành hương kính Lòng Chúa Thương Xót mỗi thứ bảy hàng tuần tại nhà thờ Long Thắng. Tại nơi giếng nước đó, ngài đang xây một tượng đài Thánh Tâm Chúa Giê-su cao gần 10 mét để kính nhớ "phép lạ" nước tinh khiết này, một phép lạ theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng!

    Bạn hãy một lần đến Long Thắng vào thứ bảy, để cảm nhận được tình người, tình Chúa nơi đây. Tôi cam đoan, nơi đó dù không có mặt trời mọc hướng tây, nhưng chuyện cho không vẫn cứ tiếp diễn hàng ngày hàng ngày, và tôi hứa rằng, bạn sẽ không thất vọng khi đến đó vì đọc bài viết này của tôi. Welcome to Long Thắng!



    Một bà cụ không Công giáo đi hành hương ở nhà thờ Long Thắng lên làm chứng về sự khỏi bệnh tâm thần cách kỳ diệu của con bà - đứa con mà trước đó cầm dao rượt chém bà vài ngày một lần và kêu bà bằng "con đĩ" thường xuyên, nay đã tỉnh táo, không còn quậy phá, biết nấu cơm cho bà ăn, biết nấu cháo khi bà mệt, năn nỉ bà khi bà không thèm nói chuyện... Ơn chữa lành đó làm nức lòng bao nhiêu người Công giáo nơi đây!

    Các chủ đề tương tự trong chuyên mục này:


  2. 21 thành viên đã cảm ơn Benedictus vì bài viết này:

    allihavetogive (23-09-2011),Chồi non (04-01-2013),Doan Quan (25-09-2011),echcon1690 (30-09-2011),guess1 (02-10-2011),JB. Sĩ Trọng (04-01-2013),Katherine (03-10-2011),kennyquy (25-09-2011),LamPhuong (24-09-2011),Lan Anh (24-09-2011),maria_thtruc (24-09-2011),Ngôi Sao (03-01-2013),Người Mua Diêm (09-10-2011),Pere Joseph (24-09-2011),Phù thủy nhỏ (03-01-2013),Sky (10-10-2011),smiles (27-09-2011),Teresa Nhỏ Bé (24-09-2011),Thánh Thư (25-09-2011),Tin Yêu Ca (03-01-2013)

  3. #2
    Benedictus's Avatar
    Trạng thái :   Benedictus đã thoát
    Tham gia : Dec 2010
    Bài gửi : 147
    Tên thật:
    Lê Hoàng Hải
    Đến từ: Gx Phong Hòa, Gp Vĩnh Long
    Sở thích: ăn và ngủ
    Nghề nghiệp: lăng xăng
    Cảm ơn
    619
    Được cảm ơn 908 lần
    trong 147 bài viết

    Giáo xứ Long Thắng - Khi hoàng hôn xuống dần...

    GIÁO XỨ LONG THẮNG - KHI HOÀNG HÔN XUỐNG DẦN...


    "Dù sống trong danh vọng,
    Con người cũng không thể trường tồn.
    Thật nó chẳng khác chi
    Con vật một ngày kia phải chết.
    "
    (Lời Chúa trong thánh vịnh 49, câu 13)




    Cuộc đời, gió thoảng mây bay, chẳng mấy chốc nhìn lại đã thấy mình chỉ là thân bèo bọt trong vòng xoáy vô thường vũ trụ, đời sống con người chẳng mấy chốc tan biến, hơn thua thành bại rồi cũng trở về hư không hết thảy...

    Cho dù đời này có của cải chất cao như núi, tiền bạc có nhiều như nước biển, thì khi chết rồi cũng chỉ là một đống thịt hôi thối mà thôi. Cái chết của con người sẽ chẳng có giá trị gì hơn cái chết của một con vật, nếu lúc còn sống người đó không có công nghiệp gì giúp ích cho linh hồn mình. "Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì có ích gì?" (Mt 16, 26).

    Ở đây chúng ta không tìm thêm triết lý hay tư tưởng cao siêu nào nữa, vì với những điều Chúa Giê-su đã mặc khải đã đủ để tin và được cứu độ rồi. Nhưng một đức tin không có việc làm là một đức tin chết, cả đời không có công phúc gì sao ước ao nước Thiên đàng cho đặng, nói theo kiểu dân dã Tây Nam Bộ là "làm biếng mà kiếm miếng cho ngon"!

    Là người Ki-tô hữu, chúng ta không thể không nhớ một mệnh lệnh mà Chúa Giê-su đã truyền trong Tin Mừng thánh Mát-thêu chấp bút: "Anh em đã được cho không thế nào thì cũng hãy cho không như vậy." (Mt 10, 8). Đi kèm với mệnh lệnh này là lòng tin tưởng tuyệt đối vào sự quan phòng của Thiên Chúa.

    Chính vì thế, có nhiều chủ chăn đã làm việc cho không con cái qua nhiều hình thức. Ở vùng Kinh Tư nghe nói có ông Cha châm cứu trị bịnh, cho bịnh nhân lưu trú miễn phí; ở Năm Căn nghe nói có ông Cha bắc cả trăm cây cầu để xóa cầu khỉ... Đó là các Cha ở thôn quê; còn ở thành thị, ít thấy nhà thờ nào có hình thức từ thiện mà miễn 100% chi phí cho giáo dân, hình như mọi phúc lợi từ nhà Chúa đều được dịch vụ hóa, từ việc gởi chiếc xe để tham dự Thánh lễ đến việc cho học sinh lưu trú, hoặc bán rẻ, hoặc bán đúng giá... Xin nhắc lại, người viết không bày tỏ thái độ khích bác hay chê trách gì cả, mà vì việc-từ-thiện-cho-không như lời Chúa dạy quá ít thấy, đến nỗi chưa thể coi đó là nét chính của Công giáo. Chúng ta cần nhìn lại, tự vấn lương tâm mình xem, đã có nhà thờ nào là niềm tự hào của chúng ta về mặt bác ái xã hội hay chưa? Nếu có nhiều, thì đó thật sự là một sự may mắn lớn lao. Nếu chúng ta chưa thấy cái nào, thì cũng đáng buồn, nhưng hãy cố gắng tìm và giúp đỡ chút gì đó cho căn nhà thờ mà chúng ta tìm được, (một lời cầu nguyện chẳng hạn...), để sau này, lỡ có gặp người anh em đạo khác, chúng ta còn có một nơi nào đó của Công giáo để nói về, và hơn hết, để sau này còn có cái mà trình bày trước tòa Chúa...

    Chúng tôi (những người viết bài này) cũng đã từng hoang mang thực sự, khi nhìn thấy có những ngôi chùa đổ ra hàng tỉ để cứu trợ Phật tử, và nhà thờ cũng đổ ngần ấy tiền, thậm chí hơn, nhưng để xây dựng nhà thờ cho hoành tráng, xây tháp chuông cao vút, mua xe xịn chỉ để làm xe tang... tất cả, với con mắt nhà quê của chúng tôi, là một sự phí phạm đáng kể và tàn nhẫn, nếu giáo dân xứ đó còn nghèo còn đói, trẻ con xứ đó còn thất học, sinh viên xứ đó còn phải đi làm nhiều hơn đi học, người bệnh xứ đó còn phải nằm chờ phép lạ để có tiền trị bệnh...

    Nếu có bạn nào cảm thấy khó chịu vì cách nhìn của chúng tôi, cũng xin nhớ lại rằng, chúng tôi không phát biểu bằng cảm tính, mà đứng trên nhân sinh quan Ki-tô giáo: "Ngày Sa-bát làm ra vì con người, chứ con người không vì ngày Sa-bát." (Mc 2, 27). Ở bất cứ thời buổi nào hoặc bất cứ nơi đâu mà đề cao giá trị con người hơn giá trị vật chất, thì nơi đó xứng đáng gọi là xã hội văn minh. Trong ngữ cảnh này, ngược lại với "văn minh", ta có từ nào sát nghĩa hơn "man rợ"?

    Nhưng nói như thế, không phải là hô hào làm những công cuộc bác ái vĩ đại vượt sức, mà là làm những việc vừa sức mình, mà sinh ích lợi cho kẻ khác, lại không ràng buộc người ta vì hưởng phúc lợi mình tạo ra mà phải thế này thế kia. Chỉ như thế, là đủ với tinh thần "cho không", được Chúa Giê-su dạy, và được các Thánh lưu truyền lại xưa tới nay.

    Chúng tôi đã tìm và gặp, một ngôi nhà thờ nhỏ, một ông Cha nhỏ, ở vùng thôn quê hẻo lánh của tỉnh Đồng Tháp. Nơi đó, giáo dân ghi lễ không được bỏ tiền vào bao thơ, tới nhận nước đóng bình về nhà uống không phải trả tiền, mỗi chiều thứ Bảy lễ xong cả cộng đoàn cả ngàn người cùng ở lại ăn cơm nhưng không để thùng "hiệp thông" nào cả. Nơi đó, người bịnh nghèo được giới thiệu đi chữa trị, học sinh sinh viên có học bổng hàng năm, các cháu mầm non được gởi bán trú mà cha mẹ không phải đóng tiền...



    Bàn ghi ý lễ tại nhà thờ Long Thắng


    Thắc mắc lớn nhất đặt ra là ông Cha đó tiền ở đâu ra mà nhiều vậy, rồi ổng sống bằng gì?

    Ở lại Long Thắng (xứ đạo nói trên) một ngày, ăn cơm chung với ông Cha, bạn sẽ thấy thương ổng nhiều. Vì không dặn ông bếp có khách nên bữa cơm dọn ra như thường nhật, hết sức sơ sài. Hai ba trái ớt, vài con cá rô chiên, một bát canh rau má nấu suông. Chỉ vậy thôi! Nếu là ngày bình thường có người tới làm ở nhà máy nước hoặc có người tới làm việc ở nhà thờ, thì Cha ăn chung với họ, họ ăn gì Cha ăn nấy, không có phân chia mâm riêng bàn riêng. Hỏi ông bếp, được nói rằng: "Gạo này giáo dân cho, nếu hết thì mua; đồ ăn cũng mua ở chợ gần đó, có khi giáo dân cho cá bắt được thì khỏi đi chợ!"










    Quang cảnh nhà thờ Long Thắng mỗi ngày thứ bảy


    Đem thắc mắc "tiền ở đâu Cha có?" ra hỏi, Cha cười, trả lời "tiền của Cha các từng trời chứa còn không đủ". (Nhưng được ông Trùm kể lại, đầu tuần Cha đi Sài Gòn xin tiền, nhờ các ân nhân, các mạnh thường quân hỗ trợ. Có lần, phụng lịnh Đức Cha đi xin tiền cất một nhà thờ ở xứ khác, có cả ban Quới Chức cùng đi. Lần đó đi làm lễ và quyên góp ở nhà thờ C.K. quận I, Cha Tường và cả đoàn phải ngủ ở nhà kho của nhà thờ, không có mùng mền chi cả, ngột ngạt quá nên Cha Tường cùng các ông đi cùng ngủ luôn ngoài trời cho mát, sáng vẫn làm lễ khỏe re).

    Có khi Cha cũng than: "Xin tiền bây giờ cực lắm các ông ơi, mấy ngày nay tôi đi tới Đức Trọng, vòng về Hố Nai, rồi về Sài Gòn, mà không xin được một cắc. Người ta thấy số điện thoại mình thì người ta không bắt máy, hoặc người ta nói không có nhà... Mình tới đại thì người ta than bịnh than mệt không tiếp được, có người thí cho tôi một trăm ngàn như đuổi tà. Bây giờ người ta truyền tai nhau: 'Thấy số điện thoại Cha Tường hiện lên trong máy là phát ớn rồi!' ..."

    Nghĩ cũng cám cảnh, tôi nhìn quanh, trời đã tối, sân nhà thờ vắng hoe, phía sau nhà thờ là đồng ruộng đang ngập mênh mông nước...




    Trong cơn giông...


  4. 14 thành viên đã cảm ơn Benedictus vì bài viết này:

    echcon1690 (30-09-2011),guess1 (02-10-2011),JB. Sĩ Trọng (04-01-2013),Katherine (03-10-2011),LamPhuong (03-10-2011),Lan Anh (04-01-2013),Ngôi Sao (03-01-2013),Người Mua Diêm (09-10-2011),Phù thủy nhỏ (03-01-2013),Sky (10-10-2011),smiles (04-10-2011),Teresa Nhỏ Bé (30-09-2011),thiensu (07-01-2013),Tin Yêu Ca (03-01-2013)

  5. #3
    Benedictus's Avatar
    Trạng thái :   Benedictus đã thoát
    Tham gia : Dec 2010
    Bài gửi : 147
    Tên thật:
    Lê Hoàng Hải
    Đến từ: Gx Phong Hòa, Gp Vĩnh Long
    Sở thích: ăn và ngủ
    Nghề nghiệp: lăng xăng
    Cảm ơn
    619
    Được cảm ơn 908 lần
    trong 147 bài viết

    Kiệu Đức Mẹ

    Tháng 10, tháng nhiều "ân oán" của những đứa con xa...

    Mùa đầu quý cuối, tiền bạc chật vật để chuẩn bị hết năm, nợ nần phải thanh toán cho xong trong quý nầy.

    Tháng 10 Tây, tháng 9 Mình, dân miền Tây xăn quần lội bắt cá trên sân, bơi xuồng trên ruộng, giăng lưới ngoài đồng...

    Và tháng 10 Tây, cha má nhắc đám con nhớ siêng năng lần chuỗi kính Đức Mẹ, các bà đạo đức xúm nhau hát Kinh Cầu Đức Bà...

    Nhà thờ Long Thắng năm nay hỏng có ngập sân, nhưng nhà bếp thì ngập như cái đìa. Và đoàn con cái của mẹ quỳ dưới nắng trưa gay gắt lần chuỗi kính Đức Mẹ.

    Xin Mẹ nhơn lành che chở hộ phù, thương vì mà cầu thay nguyện giúp, chữa lành những khó khăn gian khổ của chúng con.

    Mời quý ông bà cô bác anh chị em hiệp ý cùng lần năm sự Vui với chúng tôi trong tuần này. Giữa bốn bề Nước Nổi, gió Chướng thét gào, cùng nhau hòa lời ca tiếng hát dâng lên Hòm Bia Thiên Chúa!
























































    Kiệu trong lúc trời nắng 40 độ, kiệu xong chầu Thánh Thể nửa tiếng, Cha Xứ chia sẻ chủ đề "Nếu Con Không Về" hơn một tiếng nữa, rồi thánh lễ, có hơn 500 người tham dự.

    Vậy mà không ai than mệt than khổ, có rất nhiều người trong lúc đi kiệu khóc nức nở vì thương Đức Mẹ. Người cứng lòng nhìn vào cũng không khỏi xúc động. Có thể nhìn bằng con mắt Đức Tin để kết luận rằng ơn Chúa quá lớn lao chốn này.

    Thứ Bảy tuần này (08-10-2011) tiếp tục kiệu và đọc kinh 5 sự Sáng. Xin Đức Mẹ tiếp tục ở cùng chúng con!

    Thay đổi nội dung bởi: Benedictus, 02-10-2011 lúc 11:01 AM

  6. 12 thành viên đã cảm ơn Benedictus vì bài viết này:

    guess1 (02-10-2011),JB. Sĩ Trọng (04-01-2013),Katherine (03-10-2011),LamPhuong (03-10-2011),Lan Anh (04-01-2013),Ngôi Sao (03-01-2013),Người Mua Diêm (09-10-2011),Sky (10-10-2011),smiles (04-10-2011),Teresa Nhỏ Bé (02-10-2011),thiensu (07-01-2013),Tin Yêu Ca (03-01-2013)

  7. #4
    Benedictus's Avatar
    Trạng thái :   Benedictus đã thoát
    Tham gia : Dec 2010
    Bài gửi : 147
    Tên thật:
    Lê Hoàng Hải
    Đến từ: Gx Phong Hòa, Gp Vĩnh Long
    Sở thích: ăn và ngủ
    Nghề nghiệp: lăng xăng
    Cảm ơn
    619
    Được cảm ơn 908 lần
    trong 147 bài viết
    Kiệu Đức Mẹ, tuần thứ II, lần chuỗi Năm Sự Sáng.
























  8. 5 thành viên đã cảm ơn Benedictus vì bài viết này:

    JB. Sĩ Trọng (04-01-2013),Ngôi Sao (03-01-2013),Người Mua Diêm (09-10-2011),Phù thủy nhỏ (03-01-2013),Sky (10-10-2011)

  9. #5
    Benedictus's Avatar
    Trạng thái :   Benedictus đã thoát
    Tham gia : Dec 2010
    Bài gửi : 147
    Tên thật:
    Lê Hoàng Hải
    Đến từ: Gx Phong Hòa, Gp Vĩnh Long
    Sở thích: ăn và ngủ
    Nghề nghiệp: lăng xăng
    Cảm ơn
    619
    Được cảm ơn 908 lần
    trong 147 bài viết


    cảnh mặt trời lặn ở nhà thờ Long Thắng - hình chụp 1 năm trước

  10. 8 thành viên đã cảm ơn Benedictus vì bài viết này:

    Chồi non (04-01-2013),JB. Sĩ Trọng (04-01-2013),Lan Anh (04-01-2013),Ngôi Sao (03-01-2013),Người Mua Diêm (09-10-2011),Phù thủy nhỏ (03-01-2013),Sky (10-10-2011),Tin Yêu Ca (03-01-2013)

  11. #6
    Tin Yêu Ca's Avatar
    Trạng thái :   Tin Yêu Ca đã thoát
    Tham gia : Dec 2012
    Bài gửi : 46
    Tên Thánh:
    Martino
    Tên thật:
    Tin Yêu Ca
    Đến từ: Vũng Tàu
    Sở thích: Chân thật
    Nghề nghiệp: Phụ việc cho Thầy
    Cảm ơn
    242
    Được cảm ơn 468 lần
    trong 68 bài viết
    Đọc lại những bài của Benedictus, mình quá xúc động.
    Có những điểm gì đó giống giáo xứ mình quá. Chỉ có khác hiện giờ:

    1. Cha xứ của mình đang nằm bệnh viện, và ngày càng nguy kịch hơn. Một cái ống xuyên thẳng vào đầu để hút dịch từ khối u giờ đã chiếm hơn nửa đầu; và một ống khác xuyên qua cổ họng, xuống bao tử để truyền thức ăn. Lạ lùng, mới ngày 22/12 (trước Giáng Sinh, cha còn đi giảng cho Hội Lòng Chúa Thương Xót bên xứ Phước Lâm)...

    2. Benedictus mến, nếu đọc được những dòng này, hãy quay trở lại nơi đấy nhé!

    No Avatar

    Honesty

     20:15, 3rd Jan 2013 #1649 

    Cám ơn Tin Yeu Ca đã mở lại bài này, bây giờ mình mới được đọc. Thật cảm động! Xin Chúa chúc lành cho những Mục tử tốt lành của Ngài !

    No Avatar

    Honesty

     20:18, 3rd Jan 2013 #1650 

    ACE chúng mình tiếp tục cầu nguyện thật nhiều cho Cha Chánh Xứ Hải Lâm nhé !



  12. 8 thành viên đã cảm ơn Tin Yêu Ca vì bài viết này:

    Chồi non (04-01-2013),Honesty (03-01-2013),JB. Sĩ Trọng (04-01-2013),Lan Anh (04-01-2013),Ngôi Sao (03-01-2013),Phù thủy nhỏ (03-01-2013),Teresa Nhỏ Bé (04-01-2013),thiensu (07-01-2013)

+ Trả Lời Ðề Tài

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình