PDA

View Full Version : Ân Sủng Qua Thập Tự



Forever
07-02-2011, 02:21 PM
Ân Sủng Qua Thập Tự
Lm Lou Cerulli - SCRC 2004
Marie Dương chuyển ngữ

‘Thật vậy lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đường hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được ơn cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa’ (1Cor 1:18).

‘Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Chúa. Tức thì máu cùng nước chảy ra’ (Gioan 19:34).

‘Người gục đầu xuống và trao Thần Khí’ (Gioan 19:30).

Thánh Gioan muốn dùng nước để chỉ Thánh Thần, nước và Thánh Thần luôn đi đôi với nhau. Nước và máu chảy ra từ cạnh sườn của Chúa nói lên sự tuôn đổ Thần Khí từ trong sâu thẳm của Thiên Chúa cho chúng ta. Chúa Giêsu không những chết cho chúng ta, nhưng Ngài muốn được sống mãi trong chúng ta. Chúng ta hãy luôn mở lòng ra để đón nhận Thần Khí Ngài.

Khi chúng ta nhìn lên thập tự, nhìn lên vết thương cạnh sườn của Chúa Giêsu, thì chúng ta hãy nhớ rằng, Chúa đã hiến ban mạng sống của Ngài cho chúng ta, và từ vết thương đó, Thần Khí của Ngài cũng đang tuôn đổ xuống trên chúng ta. Từ nơi đó, hồng ân của Ngài như dòng suối, đang chảy lan tràn xuống trên từng người chúng ta.

‘Ta sẽ đổ ơn xuống cho nhà Đavít và dân cư Giêrusalem.’ (Dacaria 12:10). Chúa muốn đổ tràn ơn của Ngài cho chúng ta, vì Chúa yêu chúng ta, chúng ta là con cái của Ngài, mang hình ảnh của Ngài. Chúa muốn chúng ta giống Ngài, sống trong Thần Khí của Ngài. Chúa muốn chúng ta có những gì Ngài có, muốn chia sẻ Thiên Tính của Ngài trong chúng ta.

Trong khi Chúa muốn cho chúng ta cả một dòng sông tràn đầy ân sủng, muốn quạt cho ngọn lửa trong lòng chúng ta bùng lớn, thì chúng ta lại muốn thổi ngọn lửa chúng ta cháy nhỏ lại.

Êdêkiên 36:25 ‘Ta sẽ rảy nước thanh sạch trên các ngươi và các ngươi sẽ được thanh sạch, các ngươi sẽ được sạch mọi ô uế và mọi tà thần’.

Dòng nước trong sạch đó chính là dòng nước thánh từ cạnh sườn của Chúa Giêsu. Thiên Chúa đã chọn mang vết thương này vì chúng ta. Tại sao, vì Ngài muốn sau khi Ngài chết, vết thương ở cạnh sườn của Ngài vẫn luôn mở ra, để từ vết thương đó biến thành mạch nước trường sinh cho chúng ta.

Dòng nước không bao giờ ngừng chảy, cho chúng ta, là những người mệt mỏi, đói khát, để chúng ta được đến an nghỉ, được đến uống dòng nước trong lành.

Dòng nước tuôn chảy cho mọi người, qua mọi thế hệ, nhưng chúng ta phải tự tìm đến. Như khi chúng ta muốn tắm biển, chúng ta phải tìm đến bãi biển, có nhiều người muốn tới nhúng thử bàn chân vào, có người đến để trầm mình trong lòng biển cả, tùy ở nơi mỗi người chúng ta. Nhưng chúng ta phải tự tìm đến dòng nước trường sinh này. Và đừng dừng lại, hãy tiến sâu hơn vô dòng nước, nếu chúng ta muốn lãnh nhận hồng ân của Thiên Chúa, hãy tiến sâu hơn và để Chúa sức dầu cho chúng ta. Vì Thiên Chúa muốn tuôn đổ hồng ân cho tất cả mọi người.

Chúng ta phải đi đến dòng nước, đó chính là Mình Thánh Chúa. Đó chính là cạnh sườn của Ngài.

Trong mỗi Thánh Lễ, Mình Thánh Chúa chính là hồ tắm chữa lành cho chúng ta, ở nơi đây linh hồn chúng ta được rửa sạch, được thêm sức sống mới, chúng ta được hít thở Thần Khí của Thiên Chúa, vô trong tim, vô trong gia đình, vào trong cộng đoàn của chúng ta, vô trong những hoàn cảnh mà chúng ta phải đương đầu trong cuộc sống.

Dĩ nhiên có những lúc chúng ta mệt mỏi, kéo lê gót chân nặng trĩu đến trước cửa nhà tạm. Đừng bỏ cuộc, nhưng hãy đến, vì Chúa nói: ‘hãy đến với Ta hỡi những người mọi mệt, Ta sẽ cho các con sự an nghỉ, và ơn của Ta sẽ đủ cho các con.’

Vết thương ở cạnh sườn của Chúa, cũng là con đường để dẫn chúng ta nhìn được những sự huyền nhiệm của Thiên Chúa, và nhờ đó chúng ta mới nhìn được những màu nhiệm tuyệt vời qua bí tích Mình Thánh Chúa. Máu và nước trên vết thương của Ngài - máu là dấu chỉ của Thánh Thể Chúa, và nước cho chúng ta nhớ lại bí tích rửa tội của chúng ta. Vết thương của Ngài cũng là cánh cửa cho chúng ta thấy được bên kia của thiên đàng, nên chúng ta phải bước vô và tiến sâu vô cung lòng của Chúa Giêsu, để chúng ta có thể nếm trước thiên đàng tại trần thế.

Mình Thánh Chúa không phải chỉ là nơi chúng ta đến vài lần trong tuần. Nhưng Mình Thánh Chúa chính là nguồn sống của chúng ta, đó là sự hiện hữu của chúng ta. Nếu không có ân sủng tuôn đổ cho chúng ta qua Chúa Giêsu, chúng ta sẽ không có sự sống. Có thể, đôi chân chúng ta vẫn cử động, cánh tay chúng ta vẫn di chuyển, đôi môi chúng ta vẫn mấp máy, nhưng nếu không có niềm vui trên bước chân đi, không có tình yêu trong những vòng tay ôm; không có sự bình an trên đôi môi, thì đó không còn là sự sống nữa. Chúa đã nói, ‘Ta đến để ban cho chúng con sự sống, một sự sống dồi dào’.

Chúng ta đuợc kêu gọi để đi trong Chúa, vì Chúa là đường, là sự sống, và là sự thật. Khi chúng ta lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta được biến đổi, không như những bánh rượu bình thường, khi chúng ta ăn, những bánh đó bị biến đổi trở thành giống chúng ta. Ngược lại, khi chúng ta ăn Mình Máu Thánh Chúa, thì chúng ta lại được biến đổi giống như Chúa. Thật là tuyệt vời, vì mỗi người chúng ta được biến đổi trở nên giống Chúa Kitô, và được tỏa ánh sáng Chúa Kitô trong cuộc sống của chúng ta, qua ánh mắt, qua lời nói, qua hành động, qua tư tưởng, qua cách cư xử của chúng ta.

Hồng ân Thiên Chúa đang tuôn đổ từ thập giá xuống cho chúng ta, ngay trong giây phút này. Hãy mở con tim để lãnh nhận. Chúng ta càng đến gần Mình Thánh Chúa, chúng ta càng cảm nhận là chúng ta chỉ cần ơn Chúa là đủ cho chúng ta rồi.

Trong Mình Thánh Chúa, có con tim của Chúa Giêsu đang đập, trong đó có linh hồn và Thiên tính của Ngài.

Trên 70% người công giáo, không tin sự hiện diện của Thiên Chúa trong Mình Máu Thánh Chúa. Mình Máu Thánh Chúa là một màu nhiệm. Hầu như ai trong chúng ta cũng tin là Chúa tạo dựng nên muôn vật, chúng ta cũng tin là Chúa đã tạo nên rượu bánh. Vậy tại sao chúng ta lại không thể tin được, là Chúa có thể làm lại rượu bánh trở thành thịt máu của Ngài??

Chúng ta phải tin là có sự hiện diện thật sự của Thiên Chúa trong Mình Máu Thánh, chúng ta không thấy nhưng chúng ta tin, qua đức tin vì đó là màu nhiệm.

Khi chúng ta nói chữ Amen, có nghĩa là ‘đúng như vậy’, là ‘tôi tin’. Khi chúng ta lên lãnh nhận Mình Thánh Chúa, chúng ta nói ‘Amen’ có nghĩa là chúng ta muốn nói rằng ‘Vâng tôi tin đây chính là Mình Máu Chúa Giêsu thật, tôi tin chắc điều đó’, và khi nói tiếng ‘Amen’, chúng ta cũng thề hứa với từng người có mặt ở nơi đây, mọi người đã thấy tôi lên lãnh nhận Mình Thánh Chúa, tôi cũng chứng kiến từng người lên lãnh nhận Mình Thánh Chúa, và khi chúng ta nói chữ Amen có nghĩa là ‘tôi bằng lòng sống theo tin mừng phúc âm và trở thành Mình Thánh Chúa trong cuộc sống’. Và cũng có nghĩa là ‘tôi chuẫn bị, sẵn sàng chết đi chính tôi, để sống cho những người chung quanh tôi, để đời sống của tôi, thành những Tin Mừng sống động trong thế giới này’.

Chúng ta hãy suy nghĩ những điều trên khi chúng ta lên lãnh nhận Mình Thánh Chúa.

Thập tự là cách duy nhất để chúng ta có thể vô trái tim của Thiên Chúa. Muốn vô trong con tim của Ngài, chúng ta phải leo lên thập tự và sống với thập tự, ở đó, qua vết thương cạnh sườn của Chúa, chúng ta sẽ đi vào con tim của Ngài. Và khi chúng ta vô con tim của Ngài, chúng ta sẽ chia sẻ thập tự nằm ở trong tim ngài.

Chúng ta thấy một thập tự Chúa Giêsu chịu đóng đanh, nhưng còn một thập tự nữa, đó là thập tự trong tim Ngài. Và đó chính là thập giá Ngài đã vác trong vườn cây dầu, thập tự đó đã làm cho Ngài đau khổ, đến nỗi phải chảy mồ hôi máu. Vì Ngài thấy được những gì chúng ta sẽ gặp phải, những gì chúng ta sẽ phải trải qua, và Ngài đã đổ máu chính Ngài cho chúng ta.

Vì chúng ta muốn chia sẻ thánh giá bên trong của Ngài, nên chúng ta phải bước sâu vô trái tim của Ngài. Chúng ta phải sống, phải ở, trong con tim của Ngài, để liên lỉ cảm nhận những cảm xúc và từng tiếng tim đập của Ngài. Để nhịp tim của Ngài, là nhịp tim của chúng ta, giống như ‘Thánh Phaolô đã nói, tim tôi không còn là của tôi nữa, nhưng là của Chúa Giêsu Kitô’.

Hãy để ý đến nhịp đập của con tim chúng ta, và khi chúng ta cảm nhận từng tiếng tim đập, hãy tự nhủ với chính mình, đó là nhịp đập của Thiên Chúa. Hãy để con tim của chúng ta đập cùng nhịp với Thiên Chúa, hai con tim thành một, chỉ một nhịp đập mà thôi.

Chúa Thánh Thần là tất cả những gì biểu tượng cho thập tự. Vì ở đó, là phần thưởng của chúng ta, là sự an nghỉ, là sự bình an cho mỗi một linh hồn.

Chúng ta leo lên thập tự, qua vết thương của Chúa, chúng ta vào sâu trong con tim của Chúa Giêsu, và trong con tim của Ngài, chúng ta leo lên cây thập tự ở bên trong của Ngài, và từ thập tự đó, sẽ mang chúng ta tới với Chúa Thánh Thần. Đó chính là mạch nước, đó chính là nguồn ân sủng, đó chính là sự sức dầu, đó chính là khi Chúa nói với chúng ta: ‘Con chỉ cần ơn Ta là đủ’.

Hồng ân đó chính là quyền năng, là lửa, là sự sức dầu của Chúa Thánh Thần. Chúa quá yêu chúng ta, chúng ta vô cùng quý giá nên Thiên Chúa muốn ban chính thân Ngài cho chúng ta, để Ngài có thể sống qua chúng ta, trong chúng ta, với chúng ta; để Ngài chúc phúc cho chúng ta, hướng dẫn chúng ta, sức dầu cho chúng ta, dùng chúng ta để trở thành một Mình Thánh Chúa trong nhân loại.

Hồng ân là tình yêu là quyền năng của Thiên Chúa. Ngài cho chúng ta miễn phí, Chúa đã tự nguyện cho chính bản thân của Ngài cho chúng ta, nên Ngài cũng muốn chúng ta đến với Ngài một cách tư do. Chúa muốn cho chúng ta món quà của Ngài, nhưng chúng ta phải thưa tiếng xin vâng, như Mẹ Maria, như Chúa Giêsu.

Chúa đã tạo dựng chúng ta qua hình ảnh của Ngài, để ban cho chúng ta sự tự do, và cho chúng ta có khả năng để biết Ngài, để yêu Ngài. Chỉ qua ân sủng của Chúa, chúng ta mới có thể yêu Ngài, theo cách mà Ngài muốn mời gọi chúng ta. Ngài muốn nói với chúng ta là ‘ơn Ta đủ cho con’. Chúng ta đáp lại tình Ngài ra sao??

Trái tim của Chúa Giêsu đang tuôn đổ ngàn hồng ân xuống con tim của chúng ta, ngay trong giây phút này. Hãy cảm nhận ngay bây giờ trái tim của chúng ta đang biến đổi, đang được sức dầu, đang được chữa lành, đang được rửa lại trong Chúa Thánh Thần, nếu chúng ta đã được rửa lại trong Chúa Thánh Thần rồi, thì chúng ta hãy lặp lại lời ca Fiat, ‘xin vâng’, ‘lạy Chúa con đây’.

Ân sủng chữa lành đang tuôn đổ từ con tim của Giêsu cho chúng ta ngay trong giây phút này. Mạch nước trường sinh, nguồn chữa lành đang tuôn đổ từ vết thương ở cạnh sườn Ngài, đang rửa sạch tỗi lỗi chúng ta, đang giải thoát chúng ta, để chữa lành chúng ta.

Đó là dòng sông lửa, dòng sông sự sống, dòng sông sức dầu, dòng sông với sức sống dồi dào, hãy bước vào dòng sông, hãy nhận chìm trong dòng nước Thánh Thần, và hãy lãnh nhận ân sủng, hãy lãnh nhận sự chúc phúc, hãy lãnh nhận sự sức dầu của Thánh Thần.

Chữa Lành qua Thánh lễ:

Khi người bưng của lễ dâng trên bàn thờ, chúng ta cũng hợp ý với họ, cùng dâng lên Chúa những gì chúng ta muốn Ngài chữa lành. Thí dụ như sự giận dữ, (hay những bệnh tật của chúng ta).

Khi linh mục trên bàn thờ dâng bánh và rượu, chúng ta cũng dâng lên Chúa những của lễ của chúng ta (cả sự giận dữ). Chúng ta có thể cầu nguyện theo Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Thí dụ như ‘Lạy Chúa Giêsu, con xin dâng lên Chúa sự giận dữ của con, con không muốn giữ lại sự giận dữ này trong con, con muốn bỏ đi, con xin thần phục Chúa’. Nếu chúng ta cảm được một điều gì đó thì tốt, mà nếu chúng ta không cảm thấy gì sau khi chúng ta cầu nguyện hoặc sau khi ra về, chúng ta đừng lo lắng, nhưng mỗi thánh lễ hãy tiếp tục dâng lên cho Chúa. Có thể, một vài tuần, có thể 5,6 tháng, Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn chúng ta. Và Ngài sẽ cho chúng ta biết khi nào phải dâng những điều khác.

Khi chúng ta lên rước lễ, một lần nữa chúng ta lại trao cho Chúa Giêsu những gì chúng ta muốn được chữa lành, và xin lại trái tim của Chúa Giêsu, như một sự trao đổi, Ngài sẽ gánh lấy bệnh tật của chúng ta, còn chúng ta sẽ trở nên giống Ngài hơn.

Tại sao chúng ta phải làm những việc trên, điều này rất quan trọng, vì khi chúng ta dâng lên Chúa Giêsu những của lễ (những bệnh tật, những gì chúng ta muốn Ngài cất khỏi chúng ta), Chúa Giêsu sẽ lấy những gì chúng ta dâng, mang lên thập tự, Ngài sẽ dùng những thương tích và máu của Ngài để thanh tảy của lễ của chúng ta, rồi Ngài sẽ dâng lên Chúa Cha.

Chúa Cha sẽ chúc phúc, thánh hóa trên những của lễ, sau đó Ngài sẽ ban lại cho chúng ta một phần vô trong đời sống của chúng ta, như vậy chúng ta sẽ có thêm những phần trống trong tâm hồn để chứa đựng tình yêu của Thiên Chúa. Khi chúng ta cứ làm đi làm lại việc này, thì chúng ta càng chứa đựng được thêm nhiều tình yêu của Thiên Chúa trong chúng ta, và chúng ta càng trở nên giống Chúa.