PDA

View Full Version : Nhà thờ - Giới trẻ: Dĩ bất biến - Ứng vạn biến



hoamuoi
25-02-2011, 01:35 AM
Nhà thờ - Giới trẻ : Dĩ bất biến - ứng vạn biến

Có một câu hỏi được mọi người đặt ra " Làm sao nhà thờ hấp dẫn được người trẻ?” (http://gioitreconggiao.org/forum/threads/1017-Lam-the-nao-de-nha-tho-hap-dan-nguoi-tre)và các phương án được đưa ra. Là một người trẻ, vấn đề đặt ra liên qua trực tiếp tới mình nên khi đọc tôi có đôi điều suy nghĩ về cả câu hỏi lẫn những giải pháp đưa ra cho vấn đề này.

Nhiều cách được nêu ra và mẫu số chung là: “Nhà thờ phải thay đổi để phù hợp với giới trẻ”. Nhưng như vậy là không toàn diện vì như thế khác nào “Chạy theo giới trẻ” mà giới trẻ cứ thay đổi “xoành xoạch” nên chạy theo có lẽ cũng “ Hụt hơi” nên mới có tâm lý chán nản, buông xuôi đối với giới trẻ. Vì vậy giải quyết vấn đề như vậy chỉ mang tính nhất thời chứ không lâu dài , giải quyết cái bề nổi chứ không giải quyết gốc rễ vấn đề

Nguyên nhân sâu xa và quan trọng nhất có lẽ là hiểu sai về khái niệm “Hấp dẫn” hay “Sức hút“ của nhà thờ ở giới trẻ nói riêng và nhiều người khác nói chung. Nếu nói nhà thờ không có sứ hút, sức hút giảm hay sức hút ít đối với giới trẻ thì không chính xác. Sức hút, sự hấp dẫn với một số người là: cha giảng hay, nhà thờ to đẹp, giới trẻ được quan tâm, đoàn hội hoành tráng, ca đoàn hát như ca sĩ chuyên nghiệp…nhưng giá trị của nhà thờ không nằm ở đấy. Và mục đích ta tới nhà thờ thì càng không phải. Bản chất nhà thờ vốn dĩ là luôn luôn đẹp và hấp dẫn dù đó chỉ là ngôi Thánh Đường được lợp bằng lá cây hay mái tôn dột nát đi nữa. Gía trị nhà thờ là giá trị thiêng liêng nằm ở chỗ đây là “Nhà Chúa”. Là nơi những người con của Người tới thăm Người và những người anh em của mình sau những ngày làm việc mệt nhọc. Cùng nhau cầu nguyện để trò chuyện với Người, lắng nghe lời Người bảo ban……

Tới nhà thờ gặp gỡ anh em mình, liệu ai không muốn? Tới nhà thờ gặp Chúa, mà chúa là TÌNH YÊU. Thử hỏi trên thế giới này có ai là người không khao khát tình yêu ? nên nếu nói « Nhà thờ không hấp dẫn giới trẻ » thì ở một khía cạnh nào đó chúng ta nói rằng « Tình yêu không hấp dẫn giới trẻ ». Tới đây thì rõ ràng là không phải vì tuổi trẻ thì khát vọng yêu và được yêu là mãnh liệt nhất. Vậy họ khát khao tình yêu thì cũng là khát khao Chúa đấy chứ ! MÃNH LIỆT là đằng khác. Tình yêu không chỉ gói gọn trong tình yêu nam nữ mà còn là yêu nước, yêu gia đình, yêu đồng loại.... nói chung là yêu tất cả mọi người mà yêu người chính là yêu Chúa ! mà đã yêu rồi thì họ sẵn sàng làm tất cả vì những người mình yêu thậm chí cả cái chết. Vậy tại sao họ lại không sẵn sàng để tới gặp Chúa nếu họ yêu Người ?

Nói về tình yêu với con người ta thấy xét về khía cạnh xưa và nay. Ngày xưa khi còn chiến tranh hàng thì hàng triệu triệu người con Việt Nam đã cùng nhau lên đường chiến đấu bảo vệ tổ quốc và họ sẵn sàng hy sinh tất cả thậm chí cả mạng sống của mình. Vì sao? Vì họ yêu nước ! họ hiểu những giá trị của đất nước mình và họ hiểu giá trị của việc họ làm là mang lại cơ hội sống cho người thân yêu, là bảo vệ đất nước mình... nên dù phải hy sinh tính mạng họ cũng vui vẻ chấp nhận. Ngày nay, một người sinh viên xa gia đình nỗ lực học trập, vượt qua mọi khó khăn gian khó để đạ kết quả tốt. Vì sao ? vì họ yêu gia đình ! họ hiểu được giá trị của đồng tiền là mồ hôi và nước mắt của bố mẹ, họ hiểu được giá trị của việc học tập của mình. Tất cả những điều ấy nói lên điều gì ? đó tầm quan trọng của việc HIỂU GÍA TRỊ vì từ đó tạo ĐỘNG LỰC và cuối cùng HÀNH ĐỘNG ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC GIÁ TRỊ. Nếu so sánh hai trường hợp bên trên với câu hỏi « Tại sao giới trẻ hiện nay không muốn tới nhà thờ ? » thì ta sẽ thấy ngay nguyên nhân sâu xa là họ không hiểu giá trị của việc đi nhà thờ nên không có động lực. Mà không có động lưc, không có mục đích thì moị cố gắng và nỗ lực chỉ là một sự hành xác ! Ngược lại một khi họ hiểu được giá trị của việc đi nhà thờ đối với bản thân họ thì họ sẵn sàng từ bỏ tất cả thú vui khác như chơi game, xem tivi....để tới nhà thờ gặp Chúa. Chắc hẳn chúng ta đều rõ về một dụ ngôn trong Kinh thánh kể về một người làm ruộng thấy một kho báu dưới ruộng......họ về nhà bán tất cả ruộng vườn đi để mua thửa ruộng ấy. Đơn giản vì anh ta đã hiểu được gía trị của thửa ruộng là rất lớn. Hiểu giá trị quan trọng là vì vậy !

Giới trẻ là thành phần rất quan trọng, là tương lai của Giaó Hội vậy mà ngày nay nhiều bạn trẻ không muốn tới nhà thờ hoặc tới nhà thờ với tinh thần thiếu sự sốt sắng. Thực trạng này thực sự là một sự nguy hiểm với tương lai của Giaó Hội. Đồng thời nhiều nơi sự phát triển của giới trẻ không được coi trọng, thậm chí là « Buông » giới trẻ....Giúp giới trẻ hiểu Chúa, yêu Chúa thì như một lẽ tự nhiên họ sẽ tìm tới Chúa và lấy Chúa làm điểm quy chiếu cho đời mình. Và đây sẽ không phải là trách nhiệm của riêng Giáo Hội mà còn từ phía gia đình cần giúp các bạn trẻ hiểu Chúa, yêu Chúa. Và nhất là các bạn trẻ phải nhận thức rằng mình đã, đang và luôn luôn khao khát Chúa, mong gặp Chúa trong cuộc sống nói chung và trong Thánh Đường nói riêng . Hiển nhiên khi có được điều ấy thì những người trẻ sẽ tới nhà thờ với niềm hăng say và tình cảm nồng nhiệt nhất. Đây chính là cách lấy những giá trị không bao giờ biến đổi mà ứng phó với những cái thường xuyên thay đổi : Dĩ bất biến - ứng vạn biến

Pere Joseph
25-02-2011, 02:52 AM
Một bài viết nhiều suy tư và mạch lạc trong phân tích vấn đề. Cảm ơn bạn nhiều.
Đọc đến cuối bài, mình thấy một điểm bạn đưa ra rất đáng để người trẻ chúng ta thấy rộng hơn vấn đề : “Giúp giới trẻ hiểu Chúa, yêu Chúa thì như một lẽ tự nhiên họ sẽ tìm tới Chúa và lấy Chúa làm điểm quy chiếu cho đời mình. Và đây sẽ không phải là trách nhiệm của riêng Giáo Hội mà còn từ phía gia đình cần giúp các bạn trẻ hiểu Chúa, yêu Chúa.”
Vâng, việc thực hành đạo của bất cứ một bạn trẻ nào cũng là kết quả của nhiều yếu tố giáo dục đến từ nhiều môi trường, trong đó gia đình là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Mình xin được mạo muội gợi ý thế này: Bên cạnh vai trò của Giáo Hội và gia đình trong việc giáo dục các bạn trẻ chưa hiểu nhiều về giá trị của Nhà Thờ thì vai trò của chính các bạn trẻ đang thao thức một cách tích cực về giới trẻ rất rất rất quan trọng. Chính các bạn trẻ tích cực sẽ là động lực vô cùng sống động cho các bạn trẻ khác trở lại với Tình Yêu trong Nhà Thờ. Các bạn nghĩ sao?

allihavetogive
03-03-2011, 07:10 PM
Ở một mặt nào đó thì All đồng tình với suy tư của hoamuoi. Nhưng ở một phương diện khác, chúng ta cũng phải thấy rằng các yếu tố khác nơi nhà thờ cũng hết sức quan trọng. All biết có nhiều bạn rất yêu mến Chúa, nhưng lại không thích đến nhà thờ, chỉ đến giữ lễ ngà Chúa nhật. Vì sao vậy?

Để trả lời câu hỏi này, All mạn phép phân tích dựa trên một câu quan trọng trong bài viết của hoamuoi.

Tất cả những điều ấy nói lên điều gì ? đó tầm quan trọng của việc HIỂU GÍA TRỊ vì từ đó tạo ĐỘNG LỰC và cuối cùng HÀNH ĐỘNG ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC GIÁ TRỊ. Nếu so sánh hai trường hợp bên trên với câu hỏi « Tại sao giới trẻ hiện nay không muốn tới nhà thờ ? » thì ta sẽ thấy ngay nguyên nhân sâu xa là họ không hiểu giá trị của việc đi nhà thờ nên không có động lực.
Có lẽ là hơi khập khiễng một chút, nhưng All xin đưa ra một vài ví dụ để phản biện nhé:
_ Người anh họ của All là một thanh niên ưu tú, anh giỏi trong mọi việc. Trước đây anh là trưởng ban giáo lý của Qui Nhơn, anh cũng được đề cử và tài trợ đi tham dự Đại hội Giới trẻ Thế Giới ở Roma năm 2000. Anh yêu Chúa vô cùng, và anh đã ước ao đượng hiến mình cho Chúa, thế là anh đi tu. Nghe anh đi tu gia đình ai cũng vui mừng. Nhưng mấy năm sau khi tu ở Đà Lạt, anh khăn gói trở về và nói trong nước mắt: "Đi tu mà nghèo cũng nhục lắm!". All không dám bàn sâu vào chuyện này, chỉ muốn nhắc lại để thấy rằng ngoài việc yêu Chúa và muốn đến với Chúa thì người trẻ còn bị nhiều tác nhân khác tác động lắm.
_ Quê All ở Cần Thơ là một làng thuần giáo. Từ thưở nhỏ 4g sáng đã dậy mắt nhắm mắt mở đọc kinh gia đình, 4h30 đi lễ sáng, tối đến cũng đọc kinh cả gia đình không ngày nào thiếu, không người nào được vắng. "Giê-su-ma" (gọi tắt Giêsu-Maria) là câu nói trên môi từ người nhỏ đến người lớn. Hỏi ra nếu có ai nói không yêu mến Chúa thì All chịu gì cũng chịu. Nhưng thanh niên và người lớn không ai muốn đến làm việc này việc nọ ở nhà thờ, cũng chẳng muốn sinh hoạt cộng đoàn gì hết, lý do là vị Linh mục ở đó giống như ông vua, ai đến đều phải cung phụng, trong nhà thờ thì nơi giáo dân đứng lát gạch loại 3-cung thánh loại 2-phòng cha loại 1, bên ngoài cha không mở quạt để tiết kiệm điện, nhưng trong phòng lúc nào máy lạnh cũng chạy o o...
_ Không đâu xa xôi, ngay ở thành phố này, có một số giáo xứ có giới trẻ rất mạnh, người trẻ đi lễ rất đông. Nhưng cũng có xứ vào nhà thờ chỉ thấy toàn ông bà cụ. Phải chăng người trẻ ở các xứ có giới trẻ mạnh "hiểu chân giá trị" hơn là người trẻ ở các xứ khác?
_ All có một số bạn khi ở xứ này thì không bao giờ muốn tham gia các hoạt động ở nhà thờ, nhưng khi chuyển chỗ ở đến xứ khác thì lại rất hăng say nhiệt tình. Phải chăng các bạn ấy chỉ ham vui? Kết luận như vậy thì tội lắm!
_ Hôm rồi một số học sinh cũ của All tâm sự sẽ nghỉ học giáo lý ở Hàng Xanh. All rất ngạc nhiên, vì các em đó học rất giỏi, và rất siêng năng. All hỏi các em lý do, các em mới trình bày là sẽ qua DCCT học, vì bên ấy tiết học giáo lý rất hấp dẫn, các em không chỉ ngồi nghe giảng và chép bài, mà còn được ca hát, đóng kịch, chơi trò chơi Kinh Thánh...
Nếu chỉ cần hiểu chân giá trị của việc đến lớp giáo lý là học giáo lý, có lẽ đoàn TNTT cũng không cần phải có ban nghiên huấn, không cần bày ra cái Khung Cảnh Thánh Kinh, Trò Chơi Thánh Kinh, hay nghiên cứu về tâm lý lứa tuổi làm gì cho mệt xác?

Một số ví dụ như thế để thấy rằng, ngoài CHÂN GIÁ TRỊ của việc đến nhà thờ là để gặp gỡ Chúa ra, thì các yếu tố khác cũng rất quan trọng. Một mục tử tốt lành, yêu thương và hăng say sẽ giúp cho đoàn chiên nhiệt thành hơn. Một khung cảnh cầu nguyện tốt cngx giúp người trẻ dễ hướng tâm hồn lên. Một phương pháp truyền đạt hấp dẫn, gần gũi, ý nghĩa cũng sẽ kéo các bạn đến để nghe. Vân vân và vân vân...

Nếu các bạn có học các khóa huấn luyện Huynh trưởng của TNTT, đào sâu vào phương pháp truyền đạt của Chúa Giêsu, mới thấy rằng Ngài là một nhà giáo dục và thuyết giảng tuyệt vời. Ngài không ỷ mình là Chúa mà lớn lối, nhưng Ngài hạ mình cho bằng, thậm chí thấp hơn mọi người. Ngài cũng không nói những điều cao siêu khó hiểu, Ngài dùng các câu chuyện và dụ ngôn rất gần gũi để thu phục lòng dân. Những lời Ngài nói ra đều hợp với khung cảnh, tập quán, trình độ, lứa tuổi người nghe. Chúa yêu và hiểu mọi người, nên mới có thể thu hút "năm ngàn đàn ông, không kể phụ nữ và trẻ em".

Đồng ý rằng nếu người trẻ có đủ tình yêu đối với Thiên Chúa, thì bất chấp có bao nhiêu khó khăn họ cũng đến với Ngài. Nhưng chúng ta cũng không thể trút hết trách nhiệm cho người trẻ hay cho gia đình họ thiếu giáo dục về mặt thiêng liêng, chúng ta phải nhìn nhận vai trò hết sức to lớn của Giáo Hội, của các Đấng-Bậc, và các điều kiện khác nơi nhà thờ trong việc giáo dục, hướng dẫn, và đưa người trẻ đến với Chúa.

Người trẻ mau thay đổi, nhưng All tin rằng nếu có đủ quan tâm, thì các chương trình hoạt động ở nhà thờ hoàn toàn có thể bắt kịp hoặc thậm chí là đi trước giới trẻ. Ngoài Thiên Chúa thì không gì có thể gọi là bất biến theo thời gian. Giáo Hội cũng đã có rất nhiều lần thay đổi các huấn giáo của mình để hợp với phong tục tập quán của các dân tộc, hợp với nhận thức mới của thời đại mới,... điều quan trọng là tùy theo hoàn cảnh, Giáo Hội làm những gì tốt nhất có thể để giúp mọi người đến gần Chúa hơn.

Mong lắm một ngày vào nhà thờ thấy ngập tràn bạn trẻ!

San San
04-03-2011, 01:28 AM
Cám ơn các bạn đã băt đầu... hăng say gay cấn, vì ai cũng có cái lý của mình. Đọc bài của hoamuoi rồi bài của All, bệnh nghề nghiệp của mình nổi lên. Cho mình túm lại một chút, một chút thôi, dưới cái nhìn một người đang bị bênh nghề nghiệp hoành hành. Hehe...

Theo mình, một giáo sư tốt mà học trò không chịu học thì thầy cũng potay, một học trò giỏi mà giáo sư lại dở thì học trò cũng không bao giờ phát huy hết khả năng của mình. Cho nên, cả hai cần bổ túc cho nhau.

Con người ngày nay cũng thế. Họ không còn muốn nghe giảng về một Đức Kitô lịch sử nhưng là một Đức Kitô sống động - yêu thương, thấu hiểu, và nhìn xuống cuộc đời nhân sinh của họ bằng những việc làm cụ thể.

Giới trẻ, tương lai của xã hội và Giáo Hội, cũng có những khao khát như thế. Họ muốn yêu và muốn cống hiến, nhưng họ cũng "nắng mưa thất thường, ngã lòng, và cả bất mãn, ù lì, nếu không có một "đầu tàu" vững vàng lèo lái và hướng dẫn họ. Khổ nổi, có phải tất cả những "đầu tàu" đều đáp ứng được nhu cầu của ta đâu. Là con người, ai cũng có giới hạn mà.

Mình thích cái lý này của hoamuoi,


“Nhà thờ phải thay đổi để phù hợp với giới trẻ” là không toàn diện vì như thế khác nào “Chạy theo giới trẻ” mà giới trẻ cứ thay đổi “xoành xoạch” nên chạy theo có lẽ cũng “ Hụt hơi” nên mới có tâm lý chán nản, buông xuôi đối với giới trẻ. Vì vậy giải quyết vấn đề như vậy chỉ mang tính nhất thời chứ không lâu dài , giải quyết cái bề nổi chứ không giải quyết gốc rễ vấn đề.

Mình xót xa với thực tại đáng buồn này mà All đã nêu lên.


mấy năm sau khi tu ở Đà Lạt, anh khăn gói trở về và nói trong nước mắt: "Đi tu mà nghèo cũng nhục lắm!"... Linh mục ở đó giống như ông vua, ai đến đều phải cung phụng, trong nhà thờ thì nơi giáo dân đứng lát gạch loại 3-cung thánh loại 2-phòng cha loại 1, bên ngoài cha không mở quạt để tiết kiệm điện, nhưng trong phòng lúc nào máy lạnh cũng chạy o o...

Mình đồng ý với ý kiến này của All.


ngoài CHÂN GIÁ TRỊ của việc đến nhà thờ là để gặp gỡ Chúa ra, thì các yếu tố khác cũng rất quan trọng. Một mục tử tốt lành, yêu thương và hăng say sẽ giúp cho đoàn chiên nhiệt thành hơn. Một khung cảnh cầu nguyện tốt cngx giúp người trẻ dễ hướng tâm hồn lên. Một phương pháp truyền đạt hấp dẫn, gần gũi, ý nghĩa cũng sẽ kéo các bạn đến để nghe.
Chúa Giêsu là một nhà giáo dục và thuyết giảng tuyệt vời. Ngài không ỷ mình là Chúa mà lớn lối, nhưng Ngài hạ mình cho bằng, thậm chí thấp hơn mọi người. Ngài cũng không nói những điều cao siêu khó hiểu, Ngài dùng các câu chuyện và dụ ngôn rất gần gũi để thu phục lòng dân. Những lời Ngài nói ra đều hợp với khung cảnh, tập quán, trình độ, lứa tuổi người nghe. Chúa yêu và hiểu mọi người, nên mới có thể thu hút "năm ngàn đàn ông, không kể phụ nữ và trẻ em."

Và mình tin rằng điều này All cũng nói đúng, nếu thêm vào "chúng ta cũng không thể trút hết trách nhiệm cho các vị mục tử, bởi vì các ngài cũng là con người với những giới hạn của mình, và bởi vì nếu "mình cứ theo đuổi ý tưởng của mình về thực tại, cho nên mình tìm Đấng đã gọi mình, Thực Tại Bao La, mà chẳng gặp là phải" (Pet. Trí Dũng, Đi Tìm (http://gioitreconggiao.org/forum/threads/1087-Di-Tim)). Cái Thực Tại Bao La đó có là lý do cho người anh họ của All ở lại cho dù bị nhục nhã hay không? Cái Thực Tại Bao La đó có đủ sức lôi cuốn các bạn trẻ dấn thân trong bất cứ hoàn cảnh nào hay không? Đó là điều quan trọng!


Đồng ý rằng nếu người trẻ có đủ tình yêu đối với Thiên Chúa, thì bất chấp có bao nhiêu khó khăn họ cũng đến với Ngài. Nhưng chúng ta cũng không thể trút hết trách nhiệm cho người trẻ hay cho gia đình họ thiếu giáo dục về mặt thiêng liêng, chúng ta phải nhìn nhận vai trò hết sức to lớn của Giáo Hội, của các Đấng-Bậc, và các điều kiện khác nơi nhà thờ trong việc giáo dục, hướng dẫn, và đưa người trẻ đến với Chúa.

Chúc các bạn bình an và vui nhiều.