PDA

View Full Version : Tin Và Hiểu Có Xa Nhau Không ?



Jade
02-04-2011, 11:17 PM
"crede ut intelligas, intellige ut credas" (hiểu để tin, tin để hiểu)

Đây là câu châm ngôn mà Thánh Augustin đã nói. Điều đó cho thấy giữa đức tin và sự hiểu biết có một mối liên hệ với nhau nhưng sẽ liên hệ đến mức nào và ảnh hưởng nhau như thế nào ?

Cổ ngữ Ấn Độ có câu : “Không có gì nâng cao con người lên bằng sự hiểu biết”. Kinh nghiệm của người xưa đã chứng minh rằng nhờ có hiểu biết mà con người đã tiến xa về mọi mặt. Kinh tế, xã hội, đời sống và cả tinh thần tất cả những thứ đó phát triển được rực rỡ như ngày hôm nay là nhờ biết bao tri thức của nhân loại xây dựng nên. Vậy câu nói này đã thật không sai cho những sự hiểu biết của con người về đời sống vật chất nhưng còn đời sống tâm linh sẽ ra sao ?

Trước hết, đối với người Công Giáo, đức tin là một ân sủng vì nhờ “có ân sủng Thiên Chúa đến trước giúp đỡ và sự trợ giúp bên trong của Chúa Thánh Thần : Ngài đánh động và quy hướng con tim về cùng Thiên Chúa, Ngài mở mặt lý trí và cho mọi người cảm thấy dịu ngọt khi ưng thuận và tin vào chân lý” (Dei Verbum, số 5). Có người sẽ đặt vấn đề ở điểm này : vậy những ai được gia nhập vào Hội Thánh từ thuở sơ sinh thì đã có ân sủng này từ khi còn trong lòng mẹ, còn những ai đã sống trên đời này rất lâu cho đến trước khi biết Chúa thì sao ? Điều đó cũng không nằm ngoài đặt tính chính yếu của đức tin : ân sủng. Bởi vì không phải con người chọn Thiên Chúa nhưng là do chính Thiên Chúa đã gọi con người (Ga 15, 16).

Và đức tin cũng là một hành vi nhân linh, tức là nó luôn gắn bó chặt chẽ với những chân lý từ Thiên Chúa mà không đi ngược với tự do và lý trí của con người. “Tin là một hành vi của lý trí chấp nhận chân lý của Thiên Chúa theo lệnh của ý chí được Thiên Chúa tác động nhờ ân sủng” (St. Thomas Aquino). Do đó đức tin, lý trí, ý chí con người và ân sủng của Thiên Chúa cùng cộng tác với nhau. Lý trí và ý chí của con người thì có quyền tự do của nó do được Thiên Chúa ban, tất nó sẽ không phải tin một cách mù quáng nhưng nó luôn tự đặt cho mình một câu hỏi là : ta đang tin điều gì ? Thì để trả lời câu hỏi này, con người lại cần đào sâu hơn về sự hiểu biết để nâng cao đời sống tâm linh đó là quy hướng về một Thiên Chúa duy nhất.

Tuy nhiên khi đào quá sâu vào sự hiểu biết thì đôi lúc người ta lại dễ quá sa đà vào sự hiểu biết thay vì phải làm trưởng thành đời sống đức tin. Vậy chính sự hiểu biết đây phải là phương tiện chứ không phải là mục đích tối cần là đức tin. Nhưng nói như thế không phải chỉ cần tin mà không cần hiểu, mặc dù những thắc mắc về đức tin thì đã được biết bao nhiêu tâm sức, giấy mực giãi bày suốt gần 2000 năm qua. Chẳng lẽ đến hôm nay con người mới nhận ra là những đức tin của họ là vô lý sao ? Không phải vậy, mà là câu hỏi giữa sự hiểu biết và đức tin thì luôn luôn được đặt ra khi nào con người vẫn còn có tự do được Thiên Chúa ban. Vậy sẽ có 3 hạng người :

1- Chỉ có tin mà không hiểu là mình tin những gì.
2- Tin và có hiểu biết về điều mình tin, nhưng quá sa đà vào hiểu biết mà không tiến xa hơn.
3- Tin và có hiểu biết về điều mình tin, nhưng dùng cái hiểu biết để làm trưởng thành đời sống đức tin.
Mẫu người thứ 3 quả thật là một mẫu người lý tưởng. Còn mẫu người thứ 1 thì hơi yếu đuối và nguy cơ của họ là dễ bị sai lạc vì không phân định rõ được những điều mình nghe, mình tiếp xúc là đúng hoặc sai, nếu không may mắn sẽ rơi vào sự mù quáng. Riêng đối với mẫu người thứ 2 để tiến lên bứơc nữa để trở thành mẫu người lý tưởng không phải là không thể nhưng có nhiều cản trở đối với họ.

Cản trở đầu tiên chính là cái tôi : thường cậy dựa vào khả năng của bản thân mà quên mất một điều là cần phải cộng tác với ân sủng để : “dâng lên Thiên Chúa, Đấng mạc khải, sự quy phục trọn vẹn của lý trí và ý chí” (Dei Filius).

Cản trở thứ hai là : chính sự hiểu biết. Vì quá hiểu biết nên thường câu nệ, chấp nhặt, so đo giữa những điều đang tiếp xúc bằng lý trí nhiều hơn là phải tin : “vì uy quyền của chính Thiên Chúa, Đấng mạc khải, Đấng không thể sai lầm cũng như không thể lừa dối chúng ta” (Dei Filius). Mặc dù là để đức tin của chúng ta quy phục phù hợp với lý trí, Thiên Chúa đã muốn có những bằng chứng bên ngoài và sự trợ giúp kèm theo của Chúa Thánh Thần.
Để kết lại điều này có lẽ câu chuyện của nhà Phật mượn ở dưới đây sẽ để tóm kết được phần nào về con đường khó khăn của hạng người thứ 2. Và mượn cả lời của Trang Tử để mở ra lối đi cho hạng người thứ 2 bước lên thêm một bậc nữa để thành một mẫu người lý tưởng trong đời sống đức tin :


- Ngày kia, Phật Tổ tại núi Linh Thứu, trước đông đảo đệ tử Phật bắt đầu thuyết pháp bằng cách im lặng (vô ngôn) và cầm một cảnh hoa đưa lên trước mọi người (niêm hoa). Mọi người còn đang ngơ ngác chưa hiểu ý chi, chỉ duy có Ca-diếp mỉm cười (vi tiếu). Phật thấy Ca-diếp đã lãnh ngộ được bèn truyền tâm ấn cho ông với những lời sau : “Ngã hữu chánh pháp nhãn tạng, niết bàn diệu tâm, vi diệu pháp môn, thực tướng vô tướng, kim phó chúc ma Ha Ca-Diếp” (Ta có kho tàng con mắt của chánh pháp, tâm huyền diệu của niết bàn, cửu pháp vi diệu, thực tướng vô tướng, nay đem trao lại cho đại Ca-Diếp). Đến sau Phật Thích ca tịch diệt, do nhu cầu truyền giáo, các đại để tử mới tổ chức ghi chép lại lời dạy của Phật. Công lao này đứng đầu là A-nan, vì khi Phật còn tại thế thì ông là thị giả hầu cận, nên được nghe thuyết pháp nhiều hơn hết. Nhờ thông tuệ và trí nhớ tuyệt vời nên ông nhớ được trọn vẹn không sót một lời và được tôn là “Đa văn đệ nhất” trong 10 đại đệ tử của Phật. Tuy có sự hiểu biết đệ nhất so với những đệ tử của Phật nhưng lại là ngừơi chứng ngộ rất trễ và xếp sau chót trong 10 đại đệ tử.

Ca-diếp đã dùng nhãn giới của lòng tin và trí tuệ mà thấu triệt được điều Phật tổ muốn truyền giảng qua bông hoa : pháp môn chánh pháp của Phật là giác ngộ và bắt đầu từ nội tâm, hễ tự thấy được chân tâm bản tánh thì thành Phật, ba ngàn thế giới cũng có thể thấy qua một bông hoa và bông hoa thấy đó nhưng không phải đó. A-nan có lẽ vì thông tuệ kinh văn (hiểu biết) nên chứng ngộ trễ hơn, cố chấp, câu nệ câu kinh con chữ quá nhiều thành ra lý thuyết kém thực hành là vì lẽ này sao ?

- “Có nơm vì cá, được cá hãy quên nơm. Có dò vì thỏ, được thỏ hãy quên dò. Có lời vì ý, được ý hãy quên lời”.



Phải chú tâm hướng cái mục đích cuối cùng thay vì là chú tâm vào phương tiện. Cũng như dùng ngón tay để chỉ trăng, nếu đã thấy mặt trăng thì có thể biết rằng ngón tay (hiểu biết) rốt cuộc chẳng phải mặt trăng (đức tin).

Đức tin và khoa học như ở hai thái cực nhưng không xa nhau là vậy.