PDA

View Full Version : Bàn giải đôi lời về : câu chuyện Sáng Thế



Jade
02-09-2011, 01:39 AM
Sáng Thế là quyển sách được kể đầu tiên trong bộ Thánh Kinh. Và nổi tiếng hơn hết chính là câu chuyện sáng tạo trời đất và con người mà nhiều ngừơi thường gọi là “Câu chuyện Sáng Thế” để chỉ cho việc này. Ở đây, trong khuôn khổ những bài viết này chỉ xin đề cập đến cách hiểu Thánh Kinh sao cho đúng và hợp với nguyên tắc khoa học khi bắt đầu tìm hiểu đức tin Công Giáo; cùng bàn thêm vài điều về Ađam và con cháu của Ađam đến trước thời Nôê thì dừng. Đồng thời xin bàn giải vài điều giữa Thánh Kinh và khoa học cùng với thuyết tiến hóa để thấy giữa Thánh Kinh, triết học và khoa học có điểm không trái nhau, nhưng mỗi bên nói về cùng một điều bằng ngôn ngữ của riêng mình

Điều đầu tiên xin được bàn đến là mối tương quan giữa đức tin và khoa học, cùng con đường nghiên cứu đức tin Công Giáo sao cho luôn đúng đắn và hoàn toàn phải tuân theo đức tin mà không phản khoa học.

A- Phương pháp tìm hiểu tôn giáo đúng đắn.

Đức tin và khoa học thì không bao giờ là trái nhau, cả hai luôn đi cùng và bổ túc cho nhau. Có những người không nắm vững được điều căn bản này lại cho là một điều mà người ta tin là phản khoa học, bởi vì họ đem cả hai hoà nhập với nhau làm một, trong khi đức tin và khoa học lại nghiên cứu cùng một vấn đề nhưng trong hai phạm trù khác nhau. Một bên được sống động bằng tinh thần thiêng liêng vô hình, còn một bên chỉ có thể nói được với những thứ hữu hình thực nghiệm. Khi nắm được chìa khoá này người ta sẽ dễ dàng nắm bắt được những điều mà đức tin muốn chuyển tải và thấy rằng nó không hề trái khoa học.

Những ai muốn bước vào tìm hiểu một tôn giáo thì phải nắm vững điều này. Nếu không thì cho dù là biện minh bằng bất cứ lý lẽ khoa học nào đi chăng nữa họ vẫn sai lầm khi nói rằng đức tin có những điều trái với khoa học. Bởi vì “Nguyên tắc căn bản của những Nhà Khoa Học là gì, nếu không không phải là : nỗ lực và suy nghĩ đúng.”. Do đó khi nghiên cứu một tôn giáo thì phải đặt mình vào chính niềm tin của tôn giáo đó làm căn bản, sau đó mới bắt đầu phân tích xem những điều mà đức tin của tôn giáo đó nói đến có những khác biệt gì so với khoa học. Lại nữa vì đức tin dựa trên những nền tảng thiêng liêng vô hình nên không thể áp cái hữu hình vào mà phán đoán đó là vô lý hay hữu lý. Người ta chỉ có thể dùng khoa học để khảo sát xem trong đức tin của tôn giáo đó có một trật tự logic hay không, tự bản thân nó có mâu thuẫn với nhau hay không .

Như thế mới thực là dùng phương pháp khoa học để nghiên cứu một tôn giáo, còn nếu cứ đi theo cái vòng luẩn quẩn dùng khoa học để lên tiếng nói rằng : “đức tin đó phản khoa học” thì việc tìm hiểu tôn giáo chỉ như một nói của Phật giáo là : “Cáp như cầu thố giác” (ví như đi tìm sừng thỏ, vốn là thứ không có thực trong đời) mãi mãi cũng không đạt được kết quả để thành một người nghiên cứu theo phương pháp khoa học đích thực và chân chính. Và đối với bản thân những người Công Giáo cũng vậy, tuy có đức tin nhưng cũng phải hiểu rõ là mình tin những gì, như thế mới thấy rõ được rằng đức tin của mình không hề phản khoa học. Và sẽ trưởng thành hơn trong đời sống đức tin, không phải mãi cứ tin mù quáng theo kiểu : có đức tin là được rồi, ai nói gì mặc kệ, đức tin đúng tất cả. Như thế sẽ có lúc cũng sẽ bị lầm lẫm do không biết rõ những gì mình tin là như thế nào; như Thánh Augustin đã nói : "crede ut intelligas, intellige ut credas" (tin để hiểu, hiểu để tin) là vậy.

Vậy khi bắt đầu muốn tìm hiểu về Công Giáo và những điều được nói đến trong Kinh Thánh Công Giáo, như nguyên tắc căn bản đã nói ở trên, thì phải nắm biết được Hội Thánh Công Giáo tin gì nơi Kinh Thánh và giải thích ra sao trước tiên. Vì nếu không nắm được điều này thì người tìm hiểu rất dễ đi vào sai lầm khi mà phải đưa ra một phát đoán hay nhận xét về niềm tin của người Công Giáo. Vậy trước tiên phải giải quyết được câu hỏi : Thánh Kinh là gì và Thánh Kinh khác các sách khác ở điểm nào ?

Jade
02-09-2011, 01:41 AM
B – Cách hiểu Thánh Kinh.

Thánh Kinh là loại sách do Thiên Chúa linh ứng mà được viết ra và đã được Hội Thánh Công Giáo công nhận tính cách linh ứng của nó. Viết do ơn linh ứng và được công nhận là linh ứng, đó là hai đặc điểm của Thánh Kinh. Thiên chúa đã chọn một số người, Ngài soi sáng lòng trí họ để ghi chép lại nhưng chân lý Ngài muốn mạc khải cho con người bằng ngôn ngữ của con người, và Ngài đã gìn giữ họ cho khỏi viết sai sự thật. Do được Thiên Chúa linh ứng, nên chính Thiên Chúa là tác giả thực sự của Thánh Kinh, những người được linh ứng có thể gọi là “ngọn bút” của Thiên Chúa dùng. Tuy Thiên Chúa dùng họ là ngòi bút nhưng Ngài vẫn tôn trọng tự do của con người, cho nên những người được linh ứng vẫn tự do diễn đạt tư tưởng, hành văn theo phương pháp và tài năng riêng của mình, do đó họ là những “tác giả tuỳ” còn Thiên Chúa đích thực là ”tác giả chính”. Theo truyền thống thì người ta gọi những người được linh ứng đó là “Thánh ký” nghĩa là tác giả Thánh Kinh.

Và đâu chính là trọng tâm của Thánh Kinh ? Xin thưa đó chính là : Chúa Giêsu Kitô. Toàn bộ 73 quyển sách trong bộ Thánh Kinh đều qui hướng về một mối duy nhất, cho dù là sách đó thuộc về phần Cựu Ước hay là phần Tân Ước. Các sách Cựu Ước được viết trước thời Chúa Giêsu đều quy hướng về Ngài như Đấng Cứu thế mà dân tộc Do Thái đợi trông. Các sách viết sau Ngài cũng đều trình bày Ngài là chính Đấng Cứu Thế phải đến thế gian như lời Thiên Chúa đã hứa ban cho nhân loại.

“Vậy Thiên Chúa, Đấng linh ứng và tác giả các sách Cựu và Tân Ước, đã khôn ngoan xếp đặt điều này : Tân Ước tàng ẩn trong Cựu Ước và Cựu Ước tỏ hiện trong Tân Ước (T.Aug). Thật thế, tuy Chúa Kitô đã thiết lập Giao Ước mới trong Máu Ngài (Lc 22, 20 ; 1Cor 11, 25) nhưng các sách Cựu Ước, một khi đã được thâu dụng toàn vẹn trong lời rao giảng Tin Mừng (T.Irénée), thì đạt được và giải bày ý nghĩa đầy đủ của mình trong Tân Ước (Mt 5, 17 ; Lc 24, 27 ; Rm 16, 25-26 ; 2Cor 3, 14-16) và ngược lại làm sáng tỏ và cắt nghĩa Tân Ước.” (Dei Verbum, số 16)

Nắm rõ nguyên tắc : “Thánh Kinh không sai lầm bời do Thiên Chúa là tác giả chính” và trọng tâm của Thánh Kinh là “tất cả đều quy hướng về Chúa Kitô” thì người ta đã có một bước tiến lớn trong việc bắt đầu tìm hiểu về đức tin Công Giáo.

Jade
02-09-2011, 01:44 AM
C- Câu chuyện sáng tạo.
1- Sáng tạo vũ trụ
Phần đầu tiên trong Sáng Thế từ (St 1, 1 - 2, 4) với lời văn đơn sơ, dễ hiểu, đôi khi người ta còn có cảm tưởng như là một câu truyện cổ tích chỉ để dành kể cho trẻ con. Nhưng đối với người Do Thái, Công Giáo, Chính Thống hay Tin Lành, dù trí thức hay bình dân, ai cũng đều tin đó là thực. Lẽ dĩ nhiên, không phải là tin theo sát từng con chữ, nhưng tin theo những lớp nghĩa ẩn chứa trong hình bóng của những lời đó. Vì có một điều chắc chắn rằng người viết Thánh Kinh không phải là sử gia hay nhà thông thái, nhưng muốn viết cho người thời đó và những thời sau nữa có thể hiểu được, mà không trái với chân lý. Cho nên câu chuyện được viết ra cho người đọc sẽ tuỳ vào tuổi tác, trình độ hiểu biết của mình mà nắm bắt lấy điều chính yếu. Rồi sau đó khi mà tuổi tác hay học vấn được mở mang, sẽ càng hiểu thêm từng chi tiết luôn phù hợp với các môn trong khoa học mà không hề có mâu thuẫn. Đó chính là cái cốt yếu mà tác giả đã sử dụng để đưa những chân lý vào câu chuyện kể của mình.

Theo nguyên tắc khoa học thì phải biết tác giả và độc giả là ai, là người thế nào, thuộc vào thời đại nào mới có thể tìm thấy đúng nghĩa, đúng nội dung của văn bản muốn truyền tải. Ví dụ như : không thể áp định nghĩa nhật thực của khoa thiên văn học hiện đại cho người thời xưa hiểu được rõ ràng khi thiếu các phương pháp thực nghiệm của khoa học, và cũng không vì thế mà chê quan niệm “thiên cẩu thực nhật” của ngừơi xưa là “cổ lỗ xỉ hay sai lầm” vào thời đó được. Chỉ là vì cách suy nghĩ đơn giản nên người xưa mới có việc là đánh động ồn ào để xua đuổi con chó đang ăn mất mặt trời, nhưng thật ra họ không làm gì thì mặt trời cũng có mất đâu ? Hay quan niệm “trời tròn đất vuông” trong “bánh chưng bánh dầy” cũng tương tự thế.

Vậy ra điều gì là chân lý chính yếu tác giả muốn truyền tải trong đoạn văn (St 1, 1 - 2, 4) kể việc sáng tạo vũ trụ này chính là : Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất và Ngài là Đấng đã tạo dựng nên vũ trụ, vạn vật. Những chi tiết đó được tác giả viết cách đơn sơ, mộc mạc cho những người đương thời của ông và hôm nay chúng ta cũng không thể chối cãi được cái nội dung này.

Đi sâu vào hơn nữa thì người có trí suy luận sẽ thấy : không ai hiểu rằng Thiên Chúa có phán ra từng lời một như người ta nói. Ngài không đặt tên vạn vật theo cách nói của nhân loại như : “Ngày , Đêm, Trời, Đất, Biển, Trăng, Sao…”, và 7 ngày cũng không phải là 7 ngày trong một tuần. Vì tiếng nói là của nhân loại, khi chưa có con người thì Thiên Chúa phán với ai mà dùng tiếng của nhân loại để các tác giả có thể ghi chép lại ? Thế nên 7 ngày đó chác chắn là một khoảng thời gian rất dài hằng nhiều triệu năm. Và chắc chắn là có trật tự : có sáng tối, rồi đến bầu trời, có nước, có đất, cỏ cây; rồi có những sinh vật dưới nước trước hết, rồi đến trên mặt đất, và cuối cùng mới có loài người. Hiểu được trật tự như thế, mới thấy là Thiên Chúa đã sáng vạn vật cho con người, không để con người sinh ra mà lại phải thiếu thốn các thứ cần dùng, vì thiếu một trong những thứ ấy thì không thể tồn tại. Quá trình sáng tạo này xét về thứ tự hình thành vạn vật trong vũ trụ theo khoa học thì không có gì là trái nghịch, mặc dù vào thời đoạn văn này được viết ra trình độ con người còn thấp kém so với ngày nay.

Đến đây chắc hẳn sẽ phải quay lại thắc mắc rằng : việc sáng tạo vũ trụ trình bày phía trên là theo đức tin Công Giáo, vậy thực ra có hay không việc vũ trụ được sáng tạo hay là từ trong vĩnh viễn vụ trụ đã tự thân nó có mà không do sáng tạo ? Câu trả lời chính là : Dựa vào tư tưởng hay khoa học cũng đều không thể phủ nhận việc sáng tạo. Thứ nhất : tư tưởng phải thừa nhận rằng vật gì không do tự mình mà có thì phải do một ai làm mình, vậy là có khởi sự. Thứ hai : khoa học là tìm hiểu các sự vật, sự việc bằng phương pháp thực nghiệm cụ thể, như thế là có giới hạn thời gian, cho nên không có quyền và không có cơ sở nói đến vĩnh viễn; vì điều này không có phương pháp tính toán hay thực nghiệm để nói lên điều đó.

Vậy nhiều nhà tư tưởng hay nhà khoa học chân chính ngày nay đều thửa nhận là không biết vũ trụ đã có từ bao giờ, chỉ suy đoán tương đối nhưng chắc chắn là có điềm khời đầu. Tư tưởng thì nói là có thể có Đấng Sáng tạo, khoa học thì nói vấn đề đó không thuộc lĩnh vực của mình vì là siêu hình không thể thực nghiệm. Vậy là cả đôi bên đều không thể phủ nhận việc sáng tạo và có Đấng Sáng Tạo, cũng như việc sáng tạo xảy ra bằng cách nào hay từ bao giờ. Và Đấng Sáng Tạo đó đối với người Công Giáo chính là Thiên Chúa.

Jade
02-09-2011, 01:47 AM
2- Sáng tạo con người
a) Theo ngôn ngữ Thánh Kinh
Kinh Thánh diễn tả việc sáng tạo con người (St 2, 7-25) thật lạ lùng. Sau khi đã dựng nên vũ trụ, Thiên Chúa đã bàn tính với bản thân mình : “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống bò dưới đất (St 1,26). Và Thịên Chúa đã chúc phúc cho con người : “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất” (St 1, 28). Như vậy conon người được Thiên Chúa đặt vào địa vị cao trọng nhất trong các loài thụ tạo và trao cho con người quyền đại diện của Thiên Chúa trên mặt đất này.

Cách Thiên Chúa tạo thành con người và các loài vật cùng một cách như nhau : “Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn nên con người” (St 2, 7) và “Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời” (St 2, 19). Nhưng điểm khác biệt chính yếu ở đây là : với con người thì “thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2, 7). Sự khác biệt này nói lên chiều kích cao cả của con người : được thông phần sự sống của Thiên Chúa.

Trong câu chuyện sáng tạo vũ trụ và vạn vật (St 1, 1 -2, 4) trong sáu ngày, người nam và người nữ được sáng tạo đồng lúc, vào cuối công trình của Thiên Chúa, như là đỉnh cao của công trình Sáng Tạo. Trái lại, trong chuyện kể thứ hai kể riêng về việc sáng tạo con người (St 2, 4 – 25) : người nam được sáng tạo đầu tiên trước mọi sinh vật, và được sáng tạo một mình, không có người nữ; người nữ được dựng nên sau người nam và sau cả loài vật. Điều này ngụ ý người nữ là người bạn thích hợp nhất cho người nam.

Trước khi dựng nên người phụ nữ, Thiên Chúa “cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người và con người thiếp đi”; Công việc sáng tạo là một hành vi cao cả và huyền bí. “Thiên Chúa rút một cái xương sườn của con người ra… và làm thành người đàn bà”. Chi tiết này ngụ ý : Người nam và người nữ tuy khác nhau nhưng cùng chung một loài. Vì thế họ bình đẳng về phẩm giá. Vợ chồng phải yêu thương nhau vì là “một xương, một thịt”. Theo ý định của thiên Chúa, hôn nhân chỉ gồm một vợ, một chồng và vợ chồng không bao giờ được lìa bỏ nhau, phải gắn kết với nhau như xương với thịt.

Theo lời chép từ Thánh Kinh, ta có thể thấy thân thể con người do Thiên Chúa sáng tạo ra với một chất thể có trứơc là đất, còn linh hồn là Ngài trực tiếp tạo ra sau khi đã có thân thể. Ngày nay con ngừơi trực tiếp cộng tác với Thiên Chúa trong công việc này bằng việc truyền sinh. Có người sẽ nói mỗi lần có một thân thể con người (bào thai) thì Thiên Chúa sáng tạo một linh hồn cho kết hợp với thân thể ấy để thành con người. Nói như thế không sai nhưng phải hiểu rõ là Thiên Chúa không lệ thuộc vào con người, nhưng là thân xác của của con người và linh hồn thiêng liêng thì đều nằm trong qui luật do Thiên Chúa ấn định. Nghĩa là hễ có một thân thể hình thành (bào thai) do quá trình truyền sinh thì cũng có một linh hồn con người. Và linh hồn đó con người không lãnh nhận từ ai khác ngoài Thiên Chúa.