PDA

View Full Version : Nghệ thuật sửa lỗi



Pere Joseph
02-09-2011, 04:28 PM
NGHỆ THUẬT SỬA LỖI



(Mt 18:15-20)



Đổ vỡ, lỗi lầm, sai phạm là những điều phổ biến nơi cuộc sống con người. Sửa lỗi cho nhau cũng là một điều phổ biến. Đáng tiếc thay, nhiều khi sửa lỗi lại gây thêm đổ vỡ vì không biết cách. Vì vậy, sửa lỗi như thế nào để tạo dựng lại sự hoà hợp bình an là cả một nghệ thuật. Xin được mời bạn cùng suy tư về “nghệ thuật sửa lỗi” qua một trường hợp thực tế sau đây. Câu hỏi giúp gợi ý suy tư là: Bạn có đồng tình với cách làm của những người sửa lỗi ấy không?

Trường hợp 1: Hôm ấy, khi đang có mặt nhiều người, chị lên tiếng chỉ trích nó: “Em là giáo lý viên mà không giữ tư cách. Tuần trước chị thấy em nhậu say liểng xiểng.” Nó quê tím mặt, không biết trốn vào đâu. Lúc đó mà độn thổ được thì chắc chắn nó sẽ làm.

Trường hợp 2: Có bà hàng xóm góp ý với P: “Cháu làm dâu mà sao lại hỗn với mẹ chồng thế? Có gì thì cũng phải lễ phép nhỏ nhẹ giải thích cho bà cụ hiểu chứ.”
“Thưa cô, cô thấy cháu hỗn với mẹ chồng lúc nào?”
“Ừ thì tôi nghe đồn như thế.”
“Ai đồn vậy cô?”
“À… tôi cũng không nhớ rõ nữa.”

Trường hợp 3: Anh R góp ý với bạn: “Mày đừng có bài bạc nữa. Tiền mồ hôi nước mắt làm ra đâu phải dễ mà đi nướng vào mấy sòng bạc. Coi chừng con cái thấy gương xấu của mày lại bắt chước thì hư hỏng hết.” Bạn anh tỏ vẻ không hài lòng về lời góp ý ấy. Thế là anh nổi giận: “Tao nói chân thành mà mày không nghe thì từ nay tao mặc kệ.” Từ đó trở đi, anh không liên hệ gì với bạn nữa để khỏi bị mang tiếng và phiền phức.

Bạn có đồng tình với những cách góp ý, sửa lỗi trên không?

+++

Bây giờ, ta cùng học hỏi một trong những cách sửa lỗi được áp dụng trong các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi dựa trên tinh thần của Thầy Giêsu: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi họ, một mình anh với họ mà thôi. Nếu họ chịu nghe anh, thì anh đã được món lợi là người anh em mình. Còn nếu họ không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu họ cũng không nghe luôn, thì hãy đi thưa Hội Thánh.” (Mt 18:15-17)

Ở đây có ba bước cụ thể ở đây. Bước thứ nhất là gặp riêng tư, kín đáo đối với anh chị em sai phạm. Gặp riêng là phương pháp rất hợp tâm lý vì nó có khả năng tạo ra một không gian để cả hai cùng bình tĩnh, lắng nghe và giúp vấn đề khai thông dễ hơn. Một trong những sai lầm thiếu cả bác ái lẫn nghệ thuật hay xảy ra là sự nóng vội phơi bày lỗi của người khác trước mặt đám đông làm cho người ấy “mất mặt”. Khi gặp riêng, một trong những điều nên tránh tối đa là thái độ phán xét, trách cứ vội vàng vì nó sẽ lập tức đóng mọi cánh cửa của đối thoại cảm thông, sẽ dồn tâm lý của người mắc lỗi vào khuynh hướng ‘tự vệ’ thay vì bình tĩnh suy xét lại. Và, một trong những câu hỏi rất căn bản cần hỏi người phạm lỗi trước khi hỏi các câu khác là: “Bạn có khó khăn gì trong cuộc sống liên quan đến vấn đề này mà tôi có thể giúp không?” Câu hỏi này sẽ cho người ấy một cơ hội để phân giải những uẩn khúc đàng sau lỗi phạm. Một khi người ấy mở lòng tâm sự riêng, ta nên bảo đảm cho người ấy rằng ta sẽ giữ bí mật về tâm sự này và sẽ không nói cho ai khác biết trước khi được sự đồng ý của người ấy. Thái độ rộng lượng chân thành của ta là điều kiện tốt lành để mở ra sự hoán cải sâu xa cho người anh chị em. Chỉ khi trường hợp bước thứ nhất này thất bại thì bước thứ hai mới được áp dụng: mời thêm một hoặc hai nhân chứng khách quan về sự việc đến để cùng tìm cách giúp đỡ. Cần tránh tuyệt đối việc ta đi nói lại câu chuyện ấy cho những người khác rồi mời họ cùng ta lên tiếng gây áp lực đối với người phạm lỗi. Vậy, những nhân chứng được ‘mời’ phải là những người chứng kiến sự việc một cách khách quan và đến vì yêu thương chứ không phải để tạo thêm ‘sức mạnh đồng minh’ cho ta. Thêm nhiều trái tim yêu thương thì sẽ thêm nhiều sáng suốt để giúp đỡ. Nếu bước thứ hai này không thành, bước thứ ba được đề nghị ở đây là: đem chuyện ấy ra thưa với cộng đoàn Hội Thánh nhờ cộng đoàn thêm lời cầu nguyện, góp ý kiến để đưa ra giải pháp hỗ trợ việc hoán cải của anh chị em lỗi phạm. Lý do đưa ra cộng đoàn vì cộng đoàn Kitô hữu (đúng nghĩa) là nguồn mạch của tình bác ái huynh đệ, nơi mọi thành viên quan tâm khuyến khích nhau sống tốt và sống thánh. Ta có thể thấy, từ bước thứ nhất cho đến lúc này là cả một tiến trình dài của lòng kiên nhẫn và tình yêu thương nhằm ‘giải cứu’ người anh chị em khỏi con đường lầm lỗi. Bây giờ còn một bước thứ tư nữa và bước này mới là quyết liệt. Thầy Giêsu bảo: “Nếu Hội Thánh mà họ cũng chẳng nghe, thì hãy kể họ như một người ngoại giáo hay một người thu thuế.” (Mt 18:17b) Đây là ‘biện pháp cuối cùng’ trong nghê thuật sửa dạy. Thoáng nghe câu này, với thói quen đánh giá thông thường, ta có thể sẽ cảm thấy khó hiểu vì có vẻ như Thầy Giêsu đang dạy ta ‘loại trừ’ người ấy ra khỏi cộng đồng. Bạn nghĩ sao?

Thật ra vấn đề rất đơn giản. Để hiểu được bản chất lời dạy này, ta chỉ cần trả lời câu hỏi sau: “Thầy Giêsu đối xử như thế nào với người ngoại giáo, thu thuế và tội lỗi?” Thầy có bao giờ loại trừ họ? Không, không bao giờ. Ngược lại, Thầy yêu thương họ hết cả tâm hồn. Thầy đến gần họ, hoà đồng, lắng nghe, kiên nhẫn, cảm thông, tha thứ, nâng đỡ trong lòng quảng đại và tôn trọng. Thầy ôm họ vào lòng, cùng khóc cùng đau với họ. Hoá ra đây chính là đỉnh cao của nghệ thuật sửa lỗi: Sau khi mọi lời góp ý chân tình đã trở nên vô hiệu, sự sửa lỗi bản lĩnh và giá trị nhất chính là tình yêu bền vững dành cho người có lỗi. Như thế, ẩn sâu bên dưới tất cả mọi hành động là lòng cảm thương vô điều kiện dành cho người anh chị em ấy, ngay cả khi mọi thiện chí của mình đã bị chối từ hay phủ nhận.

Đến đây, có thể bạn sẽ đặt thêm một câu hỏi như sau: “Liệu bước thứ tư này có khả thi không, hay nó chỉ đẹp về mặt lý thuyết thôi?” Một câu hỏi rất thực tế! Mời bạn tìm ngay câu trả lời trong chính kinh nghiệm sống của bản thân. Bạn có bao giờ thấy lòng chai đá trước lời khuyên dạy của Thầy Giêsu chưa? Có bao giờ những lời tốt lành khôn ngoan của Thầy cứ như thể “nước đổ đầu vịt” đối với bạn? Nếu có thì bạn đang cùng chia sẻ một điểm chung với mình! Nhưng bạn thân mến, có bao giờ bạn cảm thấy thực sự rung động và được biến đổi để ‘làm lại cuộc đời’ chỉ vì Thầy cứ mãi yêu thương và kiên nhẫn đón nhận bạn cho dù bạn có thế nào đi nữa? Nếu có, bạn và mình lại chia sẻ thêm một điểm chung nữa! Chính điểm chung này khẳng định hiệu quả của bước thứ bốn ở trên: Sau khi mọi lời góp ý chân tình đã trở nên vô hiệu, sự sửa lỗi bản lĩnh và giá trị nhất chính là tình yêu bền vững của ta dành cho người lầm lỗi.

Bạn thân mến, mục đích căn bản của việc góp ý sửa lỗi là mong muốn giúp đỡ, là nỗ lực giải thoát người anh chị em khỏi những khó khăn vấp váp trong đời chứ không phải để trù dập đè bẹp một tâm hồn đã vương vào đổ vỡ khổ đau. Ta hãy xin Thầy Giêsu giúp ta sống khiêm tốn hơn qua những lầm lỗi của bản thân và nhất là biết cảm thông hơn với những khiếm khuyết của anh chị em. Trong trường hợp cần giúp người khác sửa lỗi, xin cho ta được làm điều ấy một cách có nghệ thuật trong tình bác ái chân thành nhất.



Giuse Việt, O.Carm.




Đọc trong Blog:
Tiếng Việt: http://only3minutes.wordpress.com/tieng-viet/nghe-thuat-sua-loi/
English: http://only3minutes.wordpress.com/english/art-of-fraternal-correction/
Français: http://only3minutes.wordpress.com/french/art-de-la-correction-fraternelle/


http://www.youtube.com/watch?v=30GYe5Q-j9Q&feature=player_embedded

Lan Anh
03-09-2011, 02:09 AM
Sửa lỗi là để ngườí phạm lỗi nhận ra sai lầm, và để người ấy "Tâm phục, khẩu phục" sửa chữa những sai lầm. Và là cả một nghệ thuật sống, thật..."đắc nhân tâm".

Ngày xửa, ngày xưa, cái ngày mà con còn là một cô giáo trẻ của một trường điểm trong thị xã. Đúng là tuổi trẻ nên thường hay bốc đồng, ham vui, và chẳng sợ hậu quả.

Bọn con bốn cô giáo trẻ và một cô "cấp dưỡng". Con kỳ cựu nhất, lại là giáo viên giỏi của Tỉnh mà dám cho học sinh nghĩ học, lý do "cô đi họp" chỉ để đi chơi. Xui xẻo bị phát giác, nhưng con không bị làm kiểm điểm hay bị xét hạ bậc đạo đức. Chị Hiệu trưởng gọi vào và nhắc nhỡ riêng: "A. chị biết em là GV có năng lực, nhớ đừng làm ảnh hưỡng đến tương lai tươi sáng của em!"

Dù hơi cứng đầu, và hơi bướng một tí. Nhưng nghe chị Hiệu trưởng nhắc nhỡ nhẹ nhàng, với tất cả tình yêu thương và cả sự trìu mến...nên chẳng ai dám tái phạm.

Chỉ thế thôi mà con vẫn nhớ cho đến tận bây giờ và chúng như những kỷ niệm đẹp trong đời và cả của một thời tươi đẹp. Chị hiệu trưởng ấy, bây giờ...là Sr. Maria Kim Chi.

Cám ơn cha đã chia sẻ cho chúng con những bài học qúi giá, chúng như kim chỉ nam của cuộc đời.
Ước mong sao, qua bài chia sẻ thật ý nghĩa và sâu sắc của cha Pere Joseph. ACE trong gia đình GTCG chúng mình biết sử dụng chúng một cách thật hữu ích, thật tích cực trong cuộc sống và ngoài xã hội.
Xin Chúa luôn gìn giữ cha!


PS. Cha nhớ cha chia sẻ cho ACE chúng con thật nhiều nhiều những bài học thiết thực và hữu ích như thế, cha nhé!