PDA

View Full Version : "Biết ai rằng dại, biết ai khôn !"



Jade
30-10-2011, 04:18 AM
Cảm hứng từ (Mt 23, 1-12)


Có một câu chuyện kể như sau : một ông giáo sư nọ đến và xin gặp một vị thiền sư để trò chuyện. Vị giáo sư ngạc nhiên trước vẻ bề ngoài bình dị của vị thiền sư và những lời nói đầu tiên của ông là những tri thức to lớn của khoa học, dường như để chứng minh vị thiền sư kia kém hiểu biết so với lời mô tả là : vị thiền sư là một người rất thông tuệ. Vị thiền sự nhẹ nhàng và khiêm tốn lắng nghe, đến khi khay trà được bưng ra, vị thiền sư cứ rót mãi không ngừng làm trà tràn cả ra ngoài khiến cho ông giáo sư thắc mắc hành động của nhà sư. Vị thiền sư ôn tồn đáp lại : tri thức của ngài nhiều quá như ly nước đầy không thể chứa thêm gì nữa.

Hình ảnh của vị giáo sư nọ cũng giống với hình ảnh các kinh sư và luật sĩ giả hình. Cả hai hình ảnh giống nhau bởi vì họ chỉ chăm vào cái kiến thức đang nằm trên mặt chữ mà không đi xuyên qua mặt chữ để đến với cái tâm thức cần đạt tới. Thánh Kinh hay Lề Luật tuy đáng trọng, đáng phải giữ nhưng chỉ là con thuyền đưa con người đến cùng Thiên Chúa. Nói như thế không có nghĩa là huỷ báng Lời Chúa nhưng nếu Lời Chúa không sinh hoa kết quả thì có ích gì cho người đang đọc những Lời đó ? Thay đổi tâm thức không phải là điều dễ dàng, nó gian nan gấp bội việc một đứa bé chưa biết bò nhưng lại lo học chạy. Vì thế thay đổi cái kiến thức là sự hiểu biết để đi dần đến tâm thức là cái dễ hơn, là con đường mà người ta có thể tiến lên từng bước một, dù là chậm nhưng vẫn là có sự tiến bộ. Tuy nhiên cái kiến thức mà người ta tích luỹ được trong đời sống dường như mỗi lúc một dầy lên, một cao hơn, một chắc chắn hơn nên càng khó xoay chuyển. Vậy chỉ có cách phải tháo gỡ từng tầng cao một của cái tri thức đang bám víu lấy con người mà xoay dần cái nhìn chăm chăm vào tri thức trở thành cái nhìn vào tâm thức chân thật.

Càng bám chặt vào tri thức, con người càng dễ kiêu ngạo, dễ cảm thấy mình đang đứng ở một đỉnh trời nào đó so với mọi người. Trong khi đó thực ra ta có khác chi mọi người đâu, vẫn là như nhau đó thôi. Chỉ là hơn nhau trong một mặt chuyên biệt nào đó, không phải người khác thua ta vì cái tri thức đó có trong ta và ta là cái tri thức đó, người khác thua kém ta vì họ chưa học đến đó. Nhưng thấy được vậy có phải là dễ dàng đâu, mà thấy rồi thì cũng đâu phải là hết cố chấp với cái đỉnh cao ảo tưởng mà ta đang nắm giữ đâu. Càng kiêu ngạo thì càng sợ mất đi những cái ảo tưởng đang vây quanh bám víu lấy con người và càng hành động như thể những cái ấy sẽ là cứu cánh của đời người. Như các nhà kinh sư và luật sĩ thì đó là gì ngoài : toà ông Môsê, hộp kinh thật lớn, tua áo thật dài, ngồi cỗ nhất, hàng ghế đầu, lời chào hỏi và cách xưng hô. Những cái đó sẽ có ích gì vì nó không phải là con người thật, không mang lại sự sống trường tồn ? Khi sự chết đến thì còn những cái đó nữa không ? Toà cao không mang lại sự sống, lời chào không kéo thêm một phút nào cho hơi thở vậy bám víu vào đó để làm gì ? Rốt cuộc ra tri thức cuối cùng vẫn là một con thuyền, người ta đứng trên nó và khôn ngoan nhận ra nó là phương tiện đưa đến sự sống, sự giải thoát cho kiếp nhân sinh mà không phải đó chính là đỉnh cao của kiếp người làm cho người ta phải bám vào mãi.

Lời Chúa, là Kinh Thánh, cũng là một tri thức đó, một tri thức siêu việt đưa con người đến cùng Thiên Chúa một cách dễ dàng nhất. Chính vì là tri thức nên cũng sẽ cùng một cách tiếp cận con người như vị giáo sư ở trên và làm cho con người dễ bị ngủ quên trên đó. Càng ngủ quên thì lại càng dễ so đo và miễn cưỡng đạt những Lời đó một cách máy móc. Càng cố làm cho mình ra vẻ khiêm hạ thì chướng ngại làm cho con người tự mãn càng cao. Vì sao ư ? Vì khiêm hạ tự nó vẫn có đó, không cần cố gắng đạt chỉ cần quay nhìn lại là thấy nó. Như đồng tiền có hai mặt thì khiêm hạ tồn tại vì có kiêu căng, nếu không có kiêu căng thì đâu còn khiêm hạ nữa. Một đồng tiền của bà goá cho đi rất bình dị nhưng là sự khiêm hạ tột cùng là vậy.

Ôm giữ mãi cho riêng mình có chắc là khôn ngoan, hay cho đi mãi sẽ luôn là ngu dốt ? Khôn với ai và dại với ai đây trong cõi đời này nếu không biết cho đi có khác chi là nhận lại, phục vụ có khác gì được phục vụ cho chính mình. Ai sẽ ra ngu và ai sẽ là khôn ngoan vì : "Biết ai rằng dại, biết ai khôn !" (Nguyễn Bỉnh Khiêm) hay như Lão Tử sẽ là "đại trí nhược ngu" vậy !