PDA

View Full Version : Cẩn thận với từ AN BÀI, TIỀN ĐỊNH



Pere Joseph
26-12-2011, 09:49 AM
Anh chị em trong gia đình thân mến,

Sau một thời gian quan sát về khía cạnh này, Việt thấy nhiều người dùng chữ “an bài”, “tiền định” hoặc “định” để quy gán cho ý Thiên Chúa. Thỉnh thoảng, trong một số bài hát khá phổ biến cũng xuất hiện những chữ này (đáng tiếc!). Không biết tác giả khi sử dụng như thế có ý thức hết được trọng lượng của những từ ngữ ấy không. Ở đây, Việt xin không bàn đến chủ ý của tác giả vì chỉ có Chúa mới hiểu thấu được ý của họ. Việt chỉ xin ngắn gọn đưa ra một vài điểm cơ bản để cùng nhau suy tư và rút kinh nghiệm.

Theo Thần Học Công Giáo chính thống, những từ này không đúng đắn để diễn tả chân lý đức tin. Một vài điểm quan trọng:


Chữ “tiền định”, “định”, “an bài” thường mang nghĩa: mọi sự đã được sắp xếp cố định theo một chương trình bất di bất dịch nào đó (của Ông Trời), cứ đến thời đến buổi thì phải xảy ra như thế, không ai có thể đổi lại hay tránh khỏi, tốt xấu gì thì cứ phải chịu, oan ức thì cũng ráng cắn răng mà gánh. Nếu ta xem phim kiếm hiệp, sẽ để ý thấy nhiều lần các nhân vật phải đưa mắt lên trời mà than oán rằng: “Ông Trời ơi, tôi có tội tình gì mà lại bắt tôi phải chịu thế này? Tại sao, tại sao? hu hu hu…”…
Trong Kinh Thánh cũng có chỗ (nhưng rất hiếm) xuất hiện từ “tiền định”, chẳng hạn thư của Thánh Phaolo gửi các tín hữu thành Rôma (8,30) và Ê-phê-xô (1,5). Nhưng ý nghĩa của những từ này hoàn toàn khác với nghĩa ở trên. Ở đây, “tiền định” mang nghĩa tích cực để diễn tả kết quả của tình yêu Thiên Chúa. Ví dụ trong thư Ê-phê-xô, Thánh Phaolo nói: “Thiên Chúa tiền định (predestined) cho ta làm nghĩa tử trong Đức Kitô…”, nghĩa là từ trước muôn đời Thiên Chúa Ba Ngôi, đã muốn mọi sự được tràn ngập trong tình yêu, tràn ngập và sung mãn như Ba Ngôi yêu nhau. “Tiền định” cho ta làm nghĩa tử là nhận ta làm con của Chúa theo khuôn mẫu tình yêu dành cho Con Một của Người (quá tuyệt!), là muốn cho ta ngập chìm trong tình yêu của Chúa Cha yêu Chúa con (còn gì lớn lao hơn!). Chính Chúa Giêsu đã tỏ ra khao khát được yêu thương con người ngập tràn (khi Người cầu nguyện với Cha) trong chương 17 của Tin Mừng Gioan. Chúa Cha yêu Chúa Con thế nào thì Người cũng muốn yêu nhân loại như thế (“trong Đức Kitô”). Tóm lại, tiền định ở đây là một tin mừng tình yêu có sức cứu rỗi chứ không phải là đặt đâu phải ngồi đó, có khó cũng cắn răng chịu đựng…

Thuật ngữ thông dụng hơn vẫn được dùng trong thần học Kitô là “quan phòng” (providence). Quan phòng hiểu một cách chung là: dẫn dắt, mời gọi con người phát triển khả năng làm chủ cuộc đời của mình theo hướng tốt nhất và trọn vẹn nhất. Cho nên, ta cần nói “Thiên Chúa quan phòng” chứ không nên nói “Thiên Chúa an bài/tiền định”

Một lý do căn bản khác làm vô hiệu hoá cách dùng từ “an bài/tiền định/định” theo cách hiểu bình dân (ảm đạm, tiêu cực) là: Thần Học Kitô luôn xác tín chiều kích TỰ DO của con người. Con người được Thiên Chúa ban cho tự do trọn vẹn để quyết định vận mệnh đời mình. Nếu phải lấy một ví dụ cụ thể thì ta chỉ cần nhìn biến cố Thập Giá trên đồi Can-vê năm ấy. Thiên Chúa đã tôn trọng tự do của con người đến mức tuyệt đối khi để cho họ ra tay giết hại Con Yêu Dấu của mình. Trong tình thương dành cho con người và sự hiểu biết khôn ngoan tuyệt đối, Thiên Chúa đã trao cho con người tự do ấy và tôn trọng nó đến mức khủng khiếp như thế. Có tự do, con người mới thật sự biết yêu thương, mới có khả năng chịu trách nhiệm về quyết định của mình, mới thực sự làm chủ cuộc đời mình,…

Ắt hẳn còn những lý do và ví dụ khác mà chúng ta có thể đưa ra để thảo luận, nhưng Việt xin dừng lại ở đây.

Mến chúc cả nhà tiếp tục tràn ngập trong tình yêu thương của Thiên Chúa làm người.