PDA

View Full Version : Đón Tết Việt



Jade
27-12-2011, 06:54 PM
Hôm nay đã là những ngày đầu tháng Chạp âm lịch, trong cái không khí se se lạnh của một mùa đông sắp qua, người dân đất Việt tuy bộn bề những lo toan cuộc sống, nhưng bên cạnh đó là những háo hức chuẩn bị cho ngày xuân mới. Chào đón một cái Tết cổ truyền của dân tộc với bao ước vọng xuân mới đến mang nhiều niềm vui mới cho mọi người. Bên cạnh cái mới là những giá trị truyền thống và những phong tục xưa cũ đã đi vào lòng người mà mỗi khi đi xa quê hương người dân Việt vẫn không thể quên.

Từng hình ảnh, từng món ăn, từng hương vị rất quen thuộc đã trải nhiều năm tháng mà mỗi người đều có thể thấy từ lúc bé thơ đến khi trưởng thành, nhưng nếu vắng đi trong ngày Tết thì cũng cảm thấy như thiếu vắng chút gì đó. Loạt bài viết này ghi nhận lại những hình ảnh của một gia đình Việt chuẩn bị đón Tết. Từ việc làm những món ăn nhỏ từ đầu tháng Chạp đến những ngày cận Tết là gói những chiếc bánh chưng, làm từng món ăn truyền thống đến những nét văn hóa khác như cách sửa dọn bàn thờ tổ tiên, cho đến sắp đặt mâm cơm ngày Tết.

Một chút ghi nhận nho nhỏ đồng thời chú thích vài bí quyết chuẩn bị món ăn của gia đình này, qua đó đưa đến cho quý bạn đọc một chút hương vị ngày Tết cũng với những kỉ niệm và truyền thống qua việc chuẩn bị các món ăn ngày Tết. Loạt bài viết sẽ có những tiểu mục sau :
- Dưa kiệu (trước 15 ÂL)
- Dưa hành (trước 15 ÂL)
- Gói bánh chưng (28 ÂL)
- Thịt nấu đông (28 ÂL)
- Giò rút xương (28 ÂL)
- Khổ qua hầm (28 ÂL)
- Thịt kho Tàu (28 ÂL)
- Dọn bàn thờ tổ tiên (23 ÂL và 28 ÂL)
- Mâm cơm ngày Tết (29 ÂL và mùng 1 Tết)

Có lẽ loạt bài này là mục "Nấu ăn ngày Tết" đúng hơn thì phải ? Nhưng với câu đối thời danh : "Thịt mỡ (http://vi.wikipedia.org/wiki/Thịt_mỡ), dưa hành (http://vi.wikipedia.org/wiki/Dưa_hành), câu đối đỏ (http://vi.wikipedia.org/wiki/Câu_đối). Cây nêu (http://vi.wikipedia.org/wiki/Cây_nêu), tràng pháo (http://vi.wikipedia.org/wiki/Tràng_pháo), bánh chưng xanh (http://vi.wikipedia.org/wiki/Bánh_chưng)." Thì trừ cây nêu và tràng pháo là không thể thực hiện được, còn lại 4 mục kia đều đủ cả. Do vậy chắc sẽ hợp với từ cửa miệng của người Việt : "ăn Tết" !

Lan Anh
03-01-2012, 09:45 PM
Cám ơn Jade đã gợi nhớ. gợi thèm những món ăn, những hương vị, và những truyền thống vào ngày Tết cổ truyền Việt Nam.
Xin Chúc mọi người trên khắp các nẻo đường đất nước được hưởng những ngày đầu một năm mới An Lành và tràn đầy hương vị của mùa Xuân Yêu Thương, chan chứa những ân tình.

Jade
05-01-2012, 06:23 PM
Dưa kiệu là một món rất ăn và rất ngon. Không cầu kỳ và phức tạp như dưa món nhưng vị chua dịu nhẹ cùng vị thơm nồng cùng âm thanh giòn tan khi cắn kích thích vị giác của người dùng, giúp cho bữa ăn thêm phần ngon miệng. Món này dễ làm, bảo quản được lâu và thời gian khá dài tùy theo cách chế biến nên thông thường món này sẽ được các bà, các mẹ, các chị chuẩn bị sớm nhất trong các món ăn không thể thiếu trong ngày Tết. Ngày nay giao thương thuận lợi nên việc mua kiệu ngon và chế biến sẵn không khó, nhưng cách chế biến riêng theo bí quyết của từng gia đình lại cho ra một hương vị đặc trưng mà chỉ duy gia đình đó mới có được.

Kiệu sống khi mua về sẽ tùy theo thói quen của mỗi gia đình mà có cách sơ chế khác nhau, tuy nhiên mục đích cuối cùng đều là làm cho củ kiệu trắng, sách và khô săn, nhằm đảm bảo cho việc ngâm trong quá trình lên men không làm củ kiệu hư và giữ độ trắng, giòn, thơm vốn có.

Xin giới thiệu với các bạn một vài hình ảnh sơ lược của việc chế biến món ăn này :


http://i637.photobucket.com/albums/uu92/phantom13th/Image_515.jpgKiệu sống mua về chưa chế biến, được ngâm qua nước pha tro bếp và muối trắng có độ mặn cao trong thời gian 2 ngày. Sau đó vớt ra, xả qua vài lần nước cho bớt cát.

Có người thường phơi kiệu trước qua 2 nằng cho khô rồi mới cắt gọt sạch, nhưng việc ngâm nước tro và muối giúp cho kiệu trắng và giòn hơn là không ngâm.

http://i637.photobucket.com/albums/uu92/phantom13th/Image_516.jpg
Sau khi xả kiệu dơ do phần bị ở phía đuôi nhưng không nên vội cắt bỏ (vẫn chừa lại đó), chỉ cắt bỏ phần rễ ở đầu sẽ giúp công việc nhanh hơn gọt sạch toàn bộ.

Cắt gọt phần rễ ở đầu cũ xong thì phần đuôi lúc này còn rất dơ, nhưng hãy yên tâm vì sau đó sẽ đem xả lại với nhiều lần nước cho trôi sạch những tạp chất còn bám dính. Rửa xong thì đổ ra rỗ và sẽ dùng kéo cắt bỏ phần đuôi còn thừa đi, không cắt sát quá vì sau khi phơi sẽ còn cắt gọt lại một lần nữa cho đẹp đẽ.

Dùng kéo cắt xong thì đem rửa sơ vài lần với nước để loại bỏ các chất dơ, kết quả "em nó" trắng trẻo và xinh tươi thế này đây
http://i637.photobucket.com/albums/uu92/phantom13th/Image_517.jpg


Trải ra mâm và phơi qua 2 lần nắng là xong giai đoạn sơ chế. Phơi xong ta dùng dao để tỉa gọt lại phần chưa sạch của củ kiệu và dùng kéo cắt sơ phần đuôi cho đẹp. Lưu ý không chừa đuôi dài quá thì củ kiệu sau nè sẽ bị vàng không đẹp mắt. Cuối cùng rửa lại qua vài lần nước cho sạch và để ráo.

Kiệu đã thật ráo đem cân và trộn với đường theo tỷ lệ 1kg kiệu / 0.8kg đường, nếu muốn nước kiệu nhiều hơn có thể dùng tỷ lệ 1:1 nhưng như vậy kiệu sẽ lâu chua hơn.

http://i637.photobucket.com/albums/uu92/phantom13th/Image_518.jpg


Kiệu đã trộn đường có thể thêm vào vài trái ớt tươi, dùng bao nilon bịt kín miệng cho khỏi bụi bẩn và đem phơi nằng khoảng 5-6 ngày cho đường tan hết. Sau khi đường tan hết đem xếp vào hũ nhỏ cùng với nước kiệu đã ra trong quá trình phơi, dùng nẹp tre phủ trên mặt cho nước ngập phần kiệu. Với cách làm không dùng dấm này kiệu sẽ có mùi thơm hơn, chua dịu và không gắt cổ khi ăn như làm với dấm, để lâu kiệu vẫn ngon, nếu bảo quản trong tủ lạnh thì qua 1 năm kiệu vẫn không đổi màu và mùi vị vẫn như mới. Cách làm này mất khoảng 15-18 ngày mới cho ra kiệu có độ chua để dùng được thay vì 7 ngày như dùng dấm.

Jade
16-01-2012, 09:36 PM
Huhu sư tỉ Lan Anh ơi, gần Tết công việc của Jade dồn dập nên vắng nhà miết, huhu không chụp hình được gì để viết bài cả :((
Thôi đành hẹn ngày 27 Tết này được nghỉ ở nhà xắn tay áo lên gói nồi bánh chưng chụp hình trình làng heng. Vụ bánh chưng này là chắc chắn phải làm rồi nè vì Jade đã nhận order của khách hơn 60 cái rồi hihi :bye

Lan Anh
21-01-2012, 01:35 AM
Jade có phải là gương sáng cần cho sư tỉ học hỏi không nhỉ? Chưa một lần sư tỉ vào bếp làm dưa kiệu chứ dừng nói ngồi gói bánh chưng hay bánh tét, thậm chí cả làm mứt cũng chưa từng...Để bây giờ hồi tưởng lại cũng có đôi điều hối tiếc.
Jade ơi, tuổi trẻ như Jade mà ngồi làm chừng ấy món thật quả chẳng phải dễ. Và thời buổi @ kiếm đâu ra tro bếp, và kiệu tươi để thử trổ tài bây giờ.
Cám ơn Jade đã mang hương Xuân đến cho người cùng khổ như sư tỉ.
Chúc Jade một mùa Xuân An Lành, và thật trọn vẹn.