PDA

View Full Version : Tháng 10 - KINH MÂN CÔI



migoi_sg
30-09-2010, 11:09 PM
http://www.mucvu.ch/zuerich/images/trang%20hat%20man%20coi.jpg

Hội Thánh dành riêng tháng Mười để tôn kính Đức Trinh Nữ Maria Rất Thánh Mân Côi. Kinh Mân Côi được mọi người: không phân biệt già trẻ, giàu nghèo, địa vị trong xã hội đọc bất cứ giờ nào hay bất cứ nơi đâu. Càng tìm hiểu nguồn gốc kinh Mân Côi, chúng ta càng được Mẹ Maria dẫn đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Khoảng giữa thế kỷ thứ ba là thời kỳ Hội Thánh đang bị bách hại gay gắt, các Kitô hữu hoặc phải bỏ đạo, hoặc phải di tản, trốn dưới các hang toại đạo. Những người tu hành cũng phải chạy vào sa mạc hay ẩn cư trong các vùng đồi núi. Dần dần, họ quy tụ lại sống thành cộng đoàn để cùng nhau cầu nguyện, lao động. Cách cầu nguyện của họ dựa trên nền tảng cựu ước là mỗi ngày đọc đủ 150 thánh vịnh. Tuy nhiên, nếu đọc hết một lần thì quá dài, nên họ đã chia thành ba phần: mỗi phần gồm năm mươi thánh vịnh được đọc vào rạng sáng, trưa và chiều tối. Trước khi đọc thánh vịnh, họ đọc kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng là lời chào của sứ thần khi truyền tin: “Kính mừng Maria, đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng bà” (Lc. 1:28). Đến cuối thế kỷ thứ ba, lời nói của bà Êlisabét được thêm vào: “Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Con lòng bà gồm phúc lạ”. Đây chính là phần đầu của kinh Kính Mừng ngày nay.
Khi thời kỳ bách hại đạo chấm dứt (năm 324), lối cầu nguyện của các đan sĩ ngày càng được nhiều người biết tới. Thế nhưng không phải ai cũng có thể bắt chước vì thánh vịnh được viết và nguyện bằng tiếng Latinh, ngôn ngữ chung của Giáo Hội thời bấy giờ. Vì thế, thay vì đọc 150 thánh vịnh, các giáo dân chỉ đọc 150 kinh Lạy Cha, hoặc về sau là 150 kinh Kính Mừng, dần dà kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng trở nên phổ biến rộng rãi trong giới bình dân.
Có thể nói vào thời điểm này, tuy chưa đầy đủ mà chỉ gồm kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng phần một, chưa có phần “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử. Amen”, kinh Mân Côi đã bắt đầu hình thành.
Không lâu sau đó, bè rối Nestorius vùng lên chống phá Giáo Hội. Họ cho rằng không được gọi Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, vì Mẹ chỉ có thể sinh Chúa theo bản tính nhân loại. Nếu gọi như thế là phạm thượng!
Chúng ta biết rằng Chúa Giêsu là một Ngôi Vị duy nhất. Nhưng trong ngôi vị đó lại tồn tại hai bản tính: bản tính Thiên Chúa thật và bản tính con người thật. Hai bản tính đó không trộn lẫn vào nhau, không đối nghịch nhau nhưng cùng tồn tại trong Ngôi Lời của Thiên Chúa. Từ đó chúng ta có mầu nhiệm ngôi hiệp: Thiên Chúa Làm Người. Nếu chúng ta tách một trong hai bản tính đó ra khỏi Đức Giêsu, thì chẳng khác gì chúng ta phủ nhận luôn mầu nhiệm nhập thể.
“Đức Maria thực sự trở thành Mẹ Thiên Chúa qua việc Con Thiên Chúa làm người trong lòng Mẹ. Mẹ là Mẹ Thiên Chúa không phải vì Ngôi Lời đã nhận bản tính Thiên Chúa từ nơi Mẹ. Nhưng chính từ Mẹ mà Ngôi Lời đã nhận được một thân xác thánh thiêng có linh hồn. Ngôi Hai Thiên Chúa đã liên kết với thân xác ấy ngay trong Ngôi Vị mình. Vì thế chúng ta nói: ‘Ngôi Hai xuống thế làm người’ ” (DS. 251).
Hơn nữa trong Kinh Thánh, chính Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta qua lời nói của bà Êlisabét: “Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm” (Lc. 1:43). Giáo Hội xác quyết như vậy, nên Công Đồng Ê-phê-sô (năm 431) một lần nữa khẳng định tước hiệu Mẹ Thiên Chúa đồng thời lên án bè rối Nestorius.
Không lâu sau đó, xảy ra một nạn đói lớn hoành hành khắp thành Rôma. Trong vòng chưa đầy chín tháng, số người chết đã lên tới mười bảy ngàn người. Ngay sau khi lên ngôi giáo hoàng, đứng trước nạn đói khủng khiếp, Đức Grêgôriô Cả kêu gọi toàn thể dân chúng trong thành Rôma sám hối và tổ chức cuộc rước kiệu Đức Mẹ đến các vùng nạn đói đang giết chóc nặng nề. Ngài dẫn đầu đoàn rước. Mọi người đọc kinh Kính Mừng để cầu xin Mẹ. Lúc này phần hai của kinh được thêm vào: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử. Amen”. Tiếng kinh nguyện hòa lẫn tiếng than khóc cầu xin Mẹ thống thiết thấu tận trời cao. Khi đoàn rước kiệu đến chân cầu Saint Peter, Tổng Lãnh Thiên Thần Mi-ca-en đã hiện ra đầy uy linh như một dấu chỉ trọng đại báo hiệu Đức Mẹ Chúa Trời đã nghe lời kêu xin. Chẳng bao lâu sau, nạn đói chấm dứt.
Từ Công Đồng Êphêsô khẳng định tước hiệu: Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, đến sau nạn đói cuối thế kỷ VI (590), kinh Kính Mừng đã có hai phần: phần đầu là lời chào của sứ thần và lời khen ngợi của bà Êlisabét, phần sau là lời cầu xin nhờ vào thánh danh Đức Mẹ Chúa Trời.
Lời khen ngợi của bà Ê-li-sa-bét với Mẹ Maria: “Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Con lòng Bà gồm phúc lạ”, xảy ra trong lúc Mẹ Maria đang mang thai và Ngôi Hai Thiên Chúa chưa được sinh ra. Vì thế chúng ta không thấy có từ “Giêsu” trong lời khen đó. Điều này cũng dễ hiểu vì bà Êlisabét không biết tên Chúa Giêsu vì lúc đó Hài Nhi chưa ra đời. Đến thế kỷ XI, Thánh Danh Chúa Giêsu được trang trọng thêm vào kinh Kính Mừng: “Kính mừng Maria, đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu Con lòng Bà gồm phúc lạ”.
Như vậy, tới thời điểm này, kinh Mân Côi bao gồm kinh Lạy Cha, và kinh Kính Mừng hai phần tương đối hoàn chỉnh.
Thế kỷ thứ mười ba là thời gian các lạc thuyết mà từ lâu đã âm ỉ bắt đầu bùng lên. Lạc thuyết Vaulois nổi lên chống đối quyền lực của Giáo Hội và ly khai. Lạc thuyết Cathare có nguồn gốc Đông phương lan đến Tây phương. Lạc thuyết Albigian có nguồn gốc tại Albi lan rộng xuống miền nam nước Pháp.
Cả nhóm Albigian lẫn Cathare là những tổ chức bí mật. Họ thề chống lại Giáo Hội Công Giáo, phủ nhận mọi quyền bính quốc gia cũng như quyền sở hữu. Theo thuyết của họ, thế giới vật chất là của ma quỷ nên phải từ bỏ. Họ cho rằng trên đời chỉ có hai vị thần: thần lành ở trên, thần dữ ở dưới. Muốn tránh thần dữ thì phải thoát tục, khinh chê xác thịt, từ bỏ hôn nhân, chán ghét sự sống. Từ “Cathare” có nghĩa là “siêu thoát”, nên muốn được cứu rỗi phải diệt hết nhục dục.
Giáo Hội cử hết nhóm này đến nhóm khác để dẹp lạc giáo, kể cả dùng vũ lực nhưng vẫn bị thất bại thảm hại. Thánh Đaminh được chính Đức Mẹ Maria hiện ra và dạy cho phương thế để chiến đấu: đó là giảng thuyết và cầu nguyện bằng kinh Mân Côi.
Mẹ còn dạy cho thánh nhân kết hợp cuộc đời của Chúa và các đặc ân Mẹ được Thiên Chúa trao ban vào kinh Mân Côi để hình thành các mầu nhiệm: Vui – Thương – Mừng. Mỗi mầu nhiệm gồm năm chục kinh, và mỗi một chục kinh diễn tả một đặc ân, mở đầu bằng biến cố “Truyền Tin” và kết thúc bằng việc “Mẹ được vinh thưởng trên trời”. Nhờ sự cổ võ không mệt mỏi của Thánh Đaminh, kinh Mân Côi được đọc rộng khắp. Không bao lâu sau đó, các bè rối lạc thuyết tan rã và Giáo Hội được canh tân.
Đúng mười thế kỷ, qua nhiều giai đoạn và nhiều lần Mẹ hiện ra dạy bảo: kinh Mân Côi trở nên đầy đủ và trọn vẹn mà chúng ta đọc ngày nay.
Vào thế kỷ mười sáu, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ theo đạo Hồi là một lực lượng hùng mạnh, được trang bị các vũ khí tối tân thời đó, cộng thêm các chiến binh được thao lược kỹ càng và dày dặn kinh nghiệm trận mạc. Chỉ trong vòng tám năm (1521-1529), Bỉ, Rhodes, Hungary, Persia và một số nước khác đã rơi vào tay quân Thổ. Chúng giết hại Kitô hữu, đập phá nhà thờ, xâm chiếm Châu Âu với cao vọng tận diệt đạo Công Giáo.
Đến năm 1571, khi lực lượng quân đội Thổ ở vào giai đoạn hùng mạnh nhất, chúng lại tiếp tục cướp bóc, tàn phá. Đảo Syprus, một đảo được phòng thủ chắc chắn và kiên cố, vậy mà cũng bị bọn chúng đánh chiếm. Mục tiêu kế tiếp chính là Rô-ma: “trái tim” của Công Giáo.
Đứng trước cuộc chiến không thể tránh khỏi đó, Đức PIO V, một vị Giáo Hoàng xuất thân từ Dòng Đaminh đã kêu gọi mọi người thành lập Đạo Binh Thánh Giá để chống trả, đồng thời ngài cũng mời gọi tín hữu hãy lần hạt Mân Côi để xin sự trợ giúp của Mẹ Maria.
Lực lượng của cuộc chiến nghiêng hẳn về phía quân Thổ với hơn ba trăm chiến thuyền có trang bị đại bác, lính đã dày dạn kinh nghiệm trận mạc; trong khi lực lượng của Đạo Binh Thánh Giá chỉ có sáu mươi hai chiếc thuyền ở khu vực trung tâm được yểm trợ bởi ba mươi chiếc với tổng cộng sáu khẩu đại bác, với đội quân mới không thạo nghề chinh chiến.
Cuộc chiến nổ ra vào rạng sáng ngày 7 tháng 10 năm 1571 tại vịnh Lê-pan-tô sau một đợt đại bác của quân Thổ. Phía Đạo Binh cũng đáp trả bằng hai quả là dấu hiệu để bắt đầu cuộc chiến. Trong khi quân Thổ với cờ xí, băng rôn, còi, tù và ầm vang trời, thì Đạo Binh Thánh Giá sau một hiệu trống, tất cả đều quỳ gối xuống để cầu nguyện.
Trong khi hai bên giao chiến, ở hậu phương, từ Đức Giáo Hoàng đến mọi người dân: già trẻ, lớn bé đều đọc kinh Mân Côi để cầu nguyện xin Thiên Chúa thương và xin Mẹ trợ giúp. Cuộc chiến kéo dài đến quá nửa trưa thì các cơn gió mạnh thổi từ những hướng khác nhau liên tục dồn các chiến thuyền của quân Thổ lại, khiến chúng không thể tiến lui được. Đến khoảng bốn giờ chiều, trong tổng số ba trăm chiếc thuyền của quân Thổ, chỉ có năm mươi chiếc tìm được cách để thoát thân, một trăm mười bảy chiếc bị bắt, những chiếc còn lại va đập vào nhau và chìm xuống đáy biển. Chiến thắng vang dội tại Lê-pan-tô tạo đà để đẩy lui quân Hồi giáo ra khỏi các lãnh thổ Công Giáo ở khắp Châu Âu.
Hơn ai hết, Đức Giáo Hoàng PIO V nhận biết chiến thắng này rõ ràng là do Thiên Chúa quan phòng qua lời cầu bầu của Mẹ Maria. Vì thế, ngài chính thức tuyên bố chọn ngày 7 tháng 10 hằng năm là ngày kính nhớ Đức Mẹ Chiến Thắng. Sau này Đức Giêgôriô XIII đổi tên lại thành ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi.
Qua một số điển tích lịch sử, chúng ta đã thấy được hiệu quả rất lớn lao của kinh Mân Côi. Tại sao vậy?
Trước tiên vì kinh Mân Côi là một kinh mà thời gian để hình thành lâu nhất trong lịch sử (10 thế kỷ). Hơn nữa, kinh Mân Côi gồm kinh Lạy Cha do chính Chúa Giêsu đã dạy các tông đồ, cùng với kinh Kính Mừng: là lời chào của Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel mà ta hay gọi là thánh vịnh thiên thần: “Kính mừng Maria, đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà”, lời ngợi khen của bà Êlisabét đã được thêm thánh danh Chúa Giêsu: “Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu Con lòng Bà gồm phúc lạ”, và lời cầu xin cậy dựa vào thánh danh Mẹ Thiên Chúa: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi này và trong giờ lâm tử. Amen”.
Điều thứ hai kinh Mân Côi có giá trị vì là cuốn Phúc Âm thu nhỏ: từ ngày Đức Giêsu được chịu thai trong lòng Mẹ Maria đến khi Chúa về trời. Rõ ràng trong kinh đó có “Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng quyền năng là nguồn mạch mọi ơn phúc” và có “Mẹ Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, Đấng đầy ơn phúc, Đấng có phước hơn mọi người chuyển cầu” cho chúng ta. Nếu kể hết những ơn ích mà qua kinh Mân Côi loài người đã nhận được, thì sợ rằng không ai và cũng chẳng ngòi bút nào có thể viết hết và đầy đủ được.
Trong quá khứ cũng đã có rất nhiều thánh nhân cổ võ phong trào đọc kinh Mân Côi. Người đầu tiên có thể kể đến là Thánh Đaminh, Chân Phước Alan de la Roche, Thánh Louis Maria Monfort, rất nhiều Giáo Hoàng có lòng sùng kính Mẹ qua kinh Mân Côi, đặc biệt Đức Gioan Phaolô II, ngài đã thêm một mầu nhiệm: Năm Sự Sáng mới cho kinh Mân Côi khi khai mạc Năm Mân Côi (2002 – 2003). Rất nhiều các vị thánh là những người có lòng sùng kính Đức Mẹ qua kinh Mân Côi. Thế nhưng nhân vật cổ võ mạnh mẽ nhất cho việc đọc kinh Mân Côi không ai khác hơn chính là Đức Trinh Nữ Maria Rất Thánh Mân Côi.
Vào tháng Hai năm 1858 tại một hang đá ở Lộ Đức, nước Pháp, Mẹ Maria đã hiện ra với Bernadette Soubirous mười bốn tuổi, một cô bé chăn cừu bị bệnh suyễn. Mẹ mặc áo và khăn phủ đầu màu trắng. Áo choàng và khăn thắt lưng màu xanh dương. Dưới chân Mẹ là hai bông hồng màu vàng. Trên tay Mẹ là một cỗ tràng hạt lớn.
Năm 1917, tại đồi Cova da Iria, thuộc làng Fatima nước Bồ Đào Nha, Mẹ Maria đã hiện ra với ba trẻ: Lucia, Giaxintô và Phanxicô vào các ngày mười ba từ tháng Năm cho đến tháng Mười. Vào ngày mười ba tháng Bảy, Mẹ đã dạy cho các em thêm lời này vào sau mỗi chục kinh Mân Côi: “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội lỗi chúng con, giữ gìn chúng con khỏi lửa hỏa ngục, và đưa hết thảy các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng thương xót Chúa hơn”. Qua Lucia, Mẹ đã cho thế giới biết Sứ Điệp Fatima: “Hãy siêng năng lần hạt. Mau cải thiện đời sống. Tôn sùng Thánh Tâm Mẹ. Hòa bình sẽ đến mau”.
Kinh Mân Côi không thay thế cho các bí tích và thánh lễ, nhưng được mọi người đón nhận như một việc đạo đức bình dân, dễ thực hiện. Khi đọc kinh Mân Côi với thái độ “khẩu niệm, tâm suy” là lúc chúng ta cùng với Mẹ Maria học hỏi, gắn bó và phó thác cuộc đời bước theo Chúa: cả lúc vui mừng, lẫn những lúc đau khổ, nghèo đói, bị sỉ nhục và thậm chí bị giết chết. Kết thúc kinh Mân Côi là việc Thiên Chúa trao cho Mẹ vương miện Nữ Vương Thiên Quốc, Mẹ được vinh thưởng trên thiên đàng. Chúng ta cùng cầu xin Mẹ bầu cử cho chúng ta một ngày kia sẽ được chiêm ngắm vinh quang của Chúa Giêsu. Âu đó là cùng đích và là niềm hy vọng của Hội Thánh và của mỗi người chúng ta.

“Kính mừng Maria đầy ơn phúc,
Đức Chúa Trời ở cùng Bà.
Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ,
và Giêsu Con lòng Bà gồm phúc lạ.

Thánh Maria! Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con
là kẻ có tội, khi này và trong giờ lâm tử. Amen”.


Francis X. Pio Nguyễn Văn Khoa, O.Carm.
www.dongcatminh.org