PDA

View Full Version : Vị thánh trong ngày!



Teresa Nhỏ Bé
09-02-2012, 11:26 AM
Hôm nay Teresa xin post những hạnh tích và lời suy niệm theo cuộc đời các thánh. Mỗi ngày sẽ là 1 bài viết giới thiệu về các thánh cùng ngày lễ kính của các ngài. Mong cả nhà ủng hộ và cùng góp ý cho Teresa. Cám ơn mọi người!
Nguồn hạnh tích từ: http://tongdosongdaovt.blogspot.com/

Ngày 09-02


Thánh Giles Mary của Thánh Giuse



http://2.bp.blogspot.com/-CFDjOGeTsGY/TzIsuKei_oI/AAAAAAAAKr8/5IKROTXwzRU/s1600/giles+mary+of+st.+joseph.jpg (http://2.bp.blogspot.com/-CFDjOGeTsGY/TzIsuKei_oI/AAAAAAAAKr8/5IKROTXwzRU/s1600/giles+mary+of+st.+joseph.jpg)

(1729-1812)


Lược sử:

Chính trong năm Napoleon Bonaparte dẫn quân vào Nga thì Giles Mary của Thánh Giuse chấm dứt cuộc đời khiêm hạ phục vụ cộng đồng Phanxicô và người dân thành Naples.

Tên thật của ngài là Francesco, sinh ở Taranto trong gia đình rất nghèo, và mồi côi cha khi 18 tuổi. Để đảm bảo tương lai, ngài gia nhập dòng Phanxicô Khất Thực (Anh Em Hèn Mọn) ở Galatone năm 1754. Trong 53 năm, ngài phục vụ ở Nhà Tế Bần Thánh Paschal ở Naples trong nhiều vai trò, như nấu nướng, gác cửa hoặc thường xuyên nhất là đi khất thực cho cộng đồng.

"Mến yêu Chúa" là đặc tính của ngài trong khi góp nhặt thực phẩm cho các tu sĩ dòng và chia sẻ lòng quảng đại với người nghèo -- đồng thời an ủi người gặp khó khăn và khuyến khích mọi người sám hối. Đức tính mà ngài thể hiện trên đường phố ở Naples được phát sinh từ sự cầu nguyện và được nuôi dưỡng trong đời sống cộng đồng của anh em hèn mọn. Những người gặp ngài đi xin ăn thường gọi ngài là "Người an ủi của Naples". Ngài được phong thánh năm 1996.

Lời Bàn

Người ta thường trở nên kiêu ngạo và thèm khát quyền lực khi họ không thành thật trong lối sống, tỉ như, khi họ quên đi tội lỗi của mình và làm như không biết đến các ơn sủng mà Thiên Chúa ban cho người khác. Thánh Giles có một nhận thức lành mạnh về tội lỗi của chính mình -- không làm tê liệt cũng không quá hời hợt. Ngài mời gọi mọi người nhận ra ơn sủng của mình, và sống xứng đáng với phẩm giá của chúng ta là những người được tạo dựng trong hình ảnh của Thiên Chúa.

Lời Trích

Trong bài giảng nhân dịp lễ phong thánh, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói rằng hành trình tâm linh của Thánh Giles phản ảnh "đức khiêm hạ của sự Nhập Thể và sự độ lượng của Thánh Thể" (L'Observatore Romano 1996, tập 23, số 1).
__________

Suy niệm hạnh thánh (của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)

Suy niệm 1: Phục vụ

Trong 53 năm, Giles Mary của Thánh Giuse phục vụ ở Nhà Tế Bần Thánh Paschal ở Naples trong nhiều vai trò, như nấu nướng, gác cửa hoặc thường xuyên nhất là đi khất thực cho cộng đồng.

Một người có tinh thần phục vụ thì không bao giờ chú trọng đến tính chất trọng hèn của công việc, mà chủ yếu là có việc để phục vụ, cho dầu đó là nấu nướng, gác cửa hoặc đi khất thực cho cộng đồng.

Để được thế, người phục vụ phải có đức khiêm tốn thẳm sâu, để sẵn sàng nhận việc chứ không chọn việc, nhất là không so đo tính toán việc trọng hèn. Việc hèn mà chu toàn thì còn có giá hơn là việc trọng mà không làm.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn khiêm tốn tìm vui trong công việc phục vụ.

Suy niệm 2: Đi khất thực

Trong 53 năm, Giles Mary của Thánh Giuse phục vụ ở Nhà Tế Bần Thánh Paschal ở Naples trong nhiều vai trò, như nấu nướng, gác cửa hoặc thường xuyên nhất là đi khất thực cho cộng đồng.

Thái độ của người bố thí thường thế nào? Thường lo nghĩ là bị lừa dối. Đã tốn của lại bị cười chê. Thế nhưng người có căn bản đạo đức phải vượt qua cản trở đó, nghĩa là phải xem đối tượng đang xin không phải là người thụ ân mà là ân nhân giúp ta thực thi được tình bác ái, được tích lũy phần thưởng giá trị và lớn lao hơn (Mt 10,42).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thà bố thí mà bị lừa còn hơn là vì sợ bị lừa mà không bố thí.

Suy niệm 3: Quảng đại

"Mến yêu Thiên Chúa" là đặc tính của Giles Mary trong khi góp nhặt thực phẩm cho các tu sĩ dòng và chia sẻ lòng quảng đại với người nghèo.

Lòng quảng đại được thể hiện rõ nét trong hành vi chia sẻ của cải vật chất với tha nhân, đặc biệt với người nghèo khổ thiếu thốn, chứ không dừng lại ở đầu môi chót lưỡi (Gc 2,15-16; 1Ga 3,18).

Lòng quảng đại không chỉ được thể hiện ở việc chia sẻ của cải vật chất mà còn ở mặt tinh thần, đặc biệt ở tấm lòng bao dung độ lượng sẳn sàng thứ lỗi cho tha nhân, điều mà tiền của không thể mua lấy được.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thực thi lòng quảng đại cả về mặt tinh thần cũng như vật chấThánh

Suy niệm 4: Sám hối

Giles Mary an ủi những người gặp khó khăn và khuyến khích mọi người sám hối.

Người ta thường trở nên kiêu ngạo và thèm khát quyền lực khi họ không thành thật trong lối sống, tỉ như, khi họ quên đi tội lỗi mình và làm như không biết đến các ơn sủng mà Thiên Chúa ban cho người khác.

Thánh Giles có một nhận thức lành mạnh về tội lỗi của chính mình -- không làm tê liệt cũng không quá hời hợThánh Ngài mời gọi mọi người nhận ra ơn sủng của mình để rồi sám hối ăn năn, và sống xứng đáng với phẩm giá của chúng ta là những người đã được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn sống tinh thần sám hối về các lầm lỗi mình, hầu càng ngày càng tỏ ra xứng đáng với các hồng ân Chúa ban.

Suy niệm 5: Cầu nguyện

Đức tính mà ngài thể hiện trên đường phố ở Naples được phát sinh từ sự cầu nguyện và được nuôi dưỡng trong đời sống cộng đồng của anh em hèn mọn.

Để sống, thân xác con người cần phải thở. Còn hơi thở của đời sống tâm linh lại là sự cầu nguyện. Càng cầu nguyện, con người càng hấp thụ được Thần Khí Thiên Chúa, để có thể chiến thắng ma quỷ và không sa vào chước cám dỗ (Mc 9,29; Lc 22,46).

Như thế một tâm hồn xa rời đời sống cầu nguyện để sống theo tính xác thịt, thì sớm muộn gì cũng lìa xa Thiên Chúa là nguồn sống, vì tử thần vốn đã ngự trị bản thân đương sự rồi (Rm 8,13), vì họ vốn là một người đã chết rồi (Dt 11,12).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chuyên lo cầu nguyện để được sống nhờ Thần Khí (Gl 5,25).

Suy niệm 6: Cộng đồng

Đức tính mà ngài thể hiện trên đường phố ở Naples được phát sinh từ sự cầu nguyện và được nuôi dưỡng trong đời sống cộng đồng của anh em hèn mọn.

Đời sống cộng đồng có mặt tích cực là giải tỏa được nỗi cơ đơn hiu quạnh, và hâm nóng sinh lực nhờ niềm vui đoàn tụ, cũng như những lời động viên và cảm thông chia sẻ về cuộc sống.

Nhưng mặt tiêu cực cũng vẫn hằng tồn tại do bá nhân bá tánh. Vấn đề quyền bính lớn nhỏ cũng thường cám dỗ không ngừng những người cùng sống chung. Các tông đồ dầu sống kề cận Chúa cũng đã từng không tránh khỏi tệ nạn này (Lc 9,46; 22,24).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con theo gương Thánh Giles, để phản ảnh "đức khiêm hạ của sự Nhập Thể và sự độ lượng của Thánh Thể", hầu sống tốt nếp sống cộng đồng.

Teresa Nhỏ Bé
10-02-2012, 09:22 AM
Ngày 10-02


Thánh SCHOLASTICA



http://3.bp.blogspot.com/-Plng0nJEGps/TzNuBC66eJI/AAAAAAAAKtc/kAfDQnBZ-Y8/s1600/scholastica.jpg (http://3.bp.blogspot.com/-Plng0nJEGps/TzNuBC66eJI/AAAAAAAAKtc/kAfDQnBZ-Y8/s1600/scholastica.jpg)

(480-542?)







Lược sử:

Anh em sinh đôi thường giống nhau về tính nết và tư tưởng cũng như nhiệt huyết. Do đó, người ta không ngạc nhiên khi Thánh Scholastica và người anh sinh đôi là Thánh Biển Đức (Benedict), đều sáng lập các tu hội chỉ cách nhau có vài dặm.

Sinh trong một gia đình giầu có, Scholastica và Benedict cùng lớn lên cho đến khi Benedict xa nhà đi học ở Rôma. Chúng ta không biết nhiều về thời niên thiếu của Thánh Scholastica. Sau này, ngài sáng lập dòng nữ tu ở Ý gần rặng Cassino, thuộc Plombariola, cách tu viện của anh ngài chỉ có năm dặm.

Mỗi năm hai anh em chỉ gặp nhau có một lần, trong một nông trại, vì Scholastica không được phép vào tu viện. Cả hai dành thời giờ để thảo luận về các vấn đề tinh thần.

Theo cuốn Đối Thoại của Thánh Grêgôriô Cả, trong lần sau cùng hai anh em gặp nhau để cầu nguyện và chuyện trò, Thánh Scholastica cảm thấy cái chết của mình gần kề nên nài xin anh Benedict ở với ngài cho đến ngày hôm sau.

Thánh Benedict từ chối lời yêu cầu ấy vì ngài không muốn ở đêm bên ngoài tu viện, vì như thế chính ngài sẽ phá vỡ quy luật do ngài đặt ra. Thánh Scholastica xin Thiên Chúa cho phép anh mình ở lại, và một trận mưa lớn đổ xuống như thác khiến Benedict và các tu sĩ đi theo ngài không thể trở về tu viện.

Thánh Benedict kêu lên, "Xin Chúa tha tội cho em. Em làm cái gì vậy?" Thánh Scholastica trả lời, "Em xin anh một ơn huệ và anh từ chối. Em xin Chúa, và Chúa nhận lời."

Ba ngày sau, khi Thánh Benedict cầu nguyện trong tu viện thì ngài nhìn thấy linh hồn của em mình bay lên trời trong dạng chim bồ câu trắng. Thánh Benedict sai các tu sĩ đem xác của em mình về dòng và chôn trong ngôi mộ mà ngài đã chuẩn bị cho mình.

Thánh Scholastica từ trần vào khoảng năm 543, và sau đó không lâu Thánh Benedict cũng lìa trần.

Lời Bàn

Thánh Scholastica và Benedict đã hiến mình trọn vẹn cho Thiên Chúa, và coi trọng việc kết giao bằng hữu với Chúa qua sự cầu nguyện. Các ngài đã hy sinh một số cơ hội sẵn có để cùng nhau thực hiện ơn gọi tu trì. Tuy nhiên, khi càng gần gũi với Ðức Kitô bao nhiêu, họ càng cảm thấy gần nhau hơn. Khi gia nhập cộng đồng tu sĩ, họ đã không quên và cũng không bỏ rơi gia đình mà trái lại họ có thêm các anh chị em mới.

Lời Trích

"Mọi tu sĩ đều có bổn phận, tùy theo ơn gọi thích hợp, để cộng tác cách nhiệt thành và siêng năng trong việc xây dựng và gia tăng Nhiệm Thể Ðức Kitô, và vì lợi ích tốt lành riêng của các cộng đồng… Họ có nhiệm vụ ấp ủ các mục tiêu này một cách chính yếu qua sự cầu nguyện, việc đền tội và sống gương mẫu" (Sắc Lệnh về các Giám Mục, 33).

__________



Suy niệm hạnh thánh (của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)




Suy niệm 1: Giống nhau

Anh em sinh đôi thường giống nhau về tính nết và tư tưởng cũng như nhiệt huyết. Do đó, người ta không ngạc nhiên khi Thánh Scholastica và người anh sinh đôi là Thánh Biển Đức (Benedict), đều sáng lập các tu hội chỉ cách nhau có vài dặm.

Điểm giống nhau nổi bật cần phải được nêu lên ở hai anh em sinh đôi này, đó là lòng yêu mến Thiên Chúa, nguồn của mọi điều thiện hảo, khiến giúp họ gần nhau và cùng sáng lập các tu hội.
Không như hai anh em sinh đôi Exau và Giacóp, ngay từ trong lòng mẹ đã chống đối nhau, để rồi lớn lên thì đành phải lìa xa nhau để tránh họa sát thân (St 25,22-23; 27,41-44).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đào sâu lòng mến Chúa, như là mối giây liên kết tình huynh đệ giữa chúng con với nhau, vì có cùng Cha chung trên trời

Suy niệm 2: Gặp gỡ

Mỗi năm hai anh em chỉ gặp nhau có một lần, trong một nông trại, vì Scholastica không được phép vào tu viện. Cả hai dành thời giờ để thảo luận về các vấn đề tinh thần.

Mục tiêu gặp gỡ có thể nhiều, nhưng đâu là mục tiêu cao cả nhất. Hai anh em sinh đôi Benedict và Scholastica đã chọn phần trọn hảo là thảo luận về các vấn đề tinh thần, hầu giúp tu hội cách hữu hiệu hơn.

Nicôđêmô cũng từng xin gặp gỡ Đức Giêsu ban đêm để thảo luận về vấn đề tinh thần, cụ thể vấn đề tái sinh để được vào Nước Trời (Ga 3,3). Nhờ tiếp thu, Nicôđêmô đã can đảm bênh vực Đức Giêsu (Ga 7,50-51) và nhất là lo việc táng xác Đức Giêsu (Ga 19,39).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con can đảm tránh những cuộc gặp gỡ vô bổ và tai hại, để chỉ chọn những cuộc gặp gỡ hướng thượng.

Suy niệm 3: Cầu nguyện

Theo cuốn Đối Thoại của Thánh Grêgôriô Cả, trong lần sau cùng hai anh em gặp nhau để cầu nguyện và truyện trò, Thánh Scholastica cảm thấy cái chết của mình gần kề nên nài xin anh Benedict ở với ngài.

Thánh Scholastica và Benedict đã hiến mình trọn vẹn cho Thiên Chúa, và coi trọng việc kết giao bằng hữu với Chúa qua sự cầu nguyện. Các ngài đã hy sinh một số cơ hội sẵn có để cùng nhau thực hiện ơn gọi tu trì. Tuy nhiên, khi càng gần gũi với Đức Kitô bao nhiêu, họ càng cảm thấy gần nhau hơn. Khi gia nhập cộng đồng tu sĩ, họ đã không quên và cũng không bỏ rơi gia đình mà trái lại họ có thêm các anh chị em mới.

"Mọi tu sĩ đều có bổn phận, tùy theo ơn gọi thích hợp, để cộng tác cách nhiệt thành và siêng năng trong việc xây dựng và gia tăng Nhiệm Thể Đức Kitô, và vì lợi ích tốt lành riêng của các cộng đồng… Họ có nhiệm vụ ấp ủ các mục tiêu này một cách chính yếu qua sự cầu nguyện, việc đền tội và sống gương mẫu" (Sắc Lệnh về các Giám Mục, 33).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con tha thiết với việc cầu nguyện, để nhờ đó được gần gũi với Đức Kitô và với mọi người.

Suy niệm 4: Quy luật

Thánh Benedict không muốn ở đêm bên ngoài tu viện, vì như thế chính ngài sẽ phá vỡ quy luật do ngài đặt ra.

Đặt ra luật là một nỗ lực lớn nhưng giữ được luật mới là kỳ công, nhất là phải giữ luật như một tấm gương soi sáng người khác. Thà phế bỏ luật mình đặt ra còn hơn là vi phạm luật đã đặt.

Ý thức được thế nên Thánh Benedict nén lòng hy sinh tình anh em ruột thịt, để phục vụ tình huynh đệ thiêng liêng trong cộng đoàn tu hội.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con có giải thích luật, thì luôn giải thích rộng cho người, và thật khắt khe cho chính mình.

Suy niệm 5: Chúa và người

Thánh Benedict kêu lên, "Xin Chúa tha tội cho em. Em làm cái gì vậy?" Thánh Scholastica trả lời, "Em xin anh một ơn huệ và anh từ chối. Em xin Chúa, và Chúa nhận lời".

Tư tưởng Thiên Chúa vốn khác tư tưởng con người (Is 55,8), vì tâm khảm con người đã khôn dò, suy tưởng con người đã khôn thấu, nhưng Thiên Chúa lại càng siêu việt không lường (Gđt 8,14), rộng hơn đại dương, sâu hơn vực thẳm (Hc 24,29). Trời cao hơn đất chừng nào thì tư tưởng của Thiên Chúa cũng cao hơn tư tưởng con người chừng ấy (Is 55,9).

Tư tưởng đã khác, lối hành xử càng quảng đại và dễ dãi bao la. Người tha bảy lần, còn Chúa tha không tính lần (Mt 18,21-22). Thánh Scholastica xin anh chỉ một ơn huệ thì không được, nhưng Chúa lại nhận lời.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con tập sống khó cho mình, còn luôn dễ với người.

Suy niệm 6: Bồ câu

Ba ngày sau, khi Thánh Benedict cầu nguyện trong tu viện thì ngài nhìn thấy linh hồn của em mình bay lên trời trong dạng chim bồ câu trắng.

Bồ câu biểu hiện sự hòa bình, ngoài ra còn biểu hiện sự trong trắng nữa. Chính vì ý nghĩa này mà chim bồ câu thường được dùng làm lễ vật toàn thiêu (Lv 1,14), lễ vật đền tội (Lv 5,7), lễ vật tạ tội (Lv 12,6), lễ vật xá tội (Lv 12,8), để mang lại sự thanh sạch cho đương sự.

Vẻ đẹp bên ngoài làm sao sánh được với nét đẹp tinh thần như người đời thường đánh giá “Cái nết đánh chết cái đẹp”. Một cái nết tuyệt đẹp bên trong thường được biểu hiện bằng lòng trong trắng, nên bồ câu cũng được nhân cách hóa thành một nữ tình nhân tuyệt mỹ (Dc 4,1; 5,2; 6,9).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn quý trọng sự trong sạch tâm hồn, đến mức dầu phải chết cũng quyết bảo vệ, như các thánh trinh nữ tử đạo Anê và Agatha.

Teresa Nhỏ Bé
11-02-2012, 09:42 AM
Ngày 11-02


ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC


http://4.bp.blogspot.com/-LYirTfMkhWU/TzUFVnt4rJI/AAAAAAAAKwE/G6ShrvPQHto/s1600/lourdes.jpeg (http://4.bp.blogspot.com/-LYirTfMkhWU/TzUFVnt4rJI/AAAAAAAAKwE/G6ShrvPQHto/s1600/lourdes.jpeg)



Lược sử:

Vào ngày 8 tháng Mười Hai 1854, Đức Giáo Hoàng Piô IX tuyên bố tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội trong Hiến Chế Ineffabilis Deus. Khoảng hơn ba năm sau, vào ngày 11 tháng Hai 1858, một trinh nữ đã hiện ra với Bernadette Soubirous, mở đầu cho một chuỗi thị khải. Trong lần hiện ra ngày 24 tháng Ba, trinh nữ này tự xưng là: "Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội."

Bernadette là một thiếu nữ yếu ớt, con của hai ông bà người nghèo và không có tham vọng. Việc sống đạo của họ cũng không có gì đáng nói. Bernadette chỉ biết đọc kinh Lạy Cha, Kính Mừng và kinh Tin Kính. Cô còn biết đọc kinh cầu Linh Anh (ảnh tượng Đức Mẹ làm phép lạ): "Ôi Đức Maria được thụ thai mà không mắc tội."

Trong những lần phỏng vấn, Bernadette cho biết những gì cô được nhìn thấy. Cô cho biết "cái gì đó mầu trắng trong hình dạng một thiếu nữ." Cô dùng chữ "Aquero," tiếng địa phương có nghĩa "cái này." Đó là "một thiếu nữ xinh đẹp với chuỗi tràng hạt trên tay." Áo choàng trắng của ngài có viền xanh. Ngài đội khăn trắng. Trên mỗi bàn chân đều có hoa hồng màu vàng. Bernadette cũng ngạc nhiên ở sự kiện là trinh nữ này không gọi cô với danh xưng bình dân "tu", nhưng với ngôn từ rất lịch thiệp "vous". Người trinh nữ khiêm tốn ấy hiện ra với một cô gái bình dân và đã đối xử với cô như một người có phẩm giá.

Qua một cô gái bình dân, Đức Maria đã làm hồi sinh và tiếp tục làm sống dậy đức tin của hàng triệu người. Dân chúng bắt đầu đổ về Lộ Đức từ khắp nơi trong nước Pháp cũng như toàn thế giới. Vào năm 1862, giới thẩm quyền Giáo Hội công nhận tính cách xác thực của những lần hiện ra và cho phép sùng kính Đức Mẹ Lộ Đức. Năm 1907, lễ Đức Mẹ Lộ Đức được cử mừng khắp hoàn vũ.

__________


Suy niệm hạnh thánh (của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)





Suy niệm 1: Thị khải

Khoảng hơn ba năm sau, vào ngày 11 tháng Hai 1858, một trinh nữ đã hiện ra với Bernadette Soubirous, mở đầu cho một chuỗi thị khải.

Thị khải vốn là một đặc ân. Đã là một đặc ân thì thường được hiểu là không nhiều, thế nhưng Bernadette Soubirous lại nhận được cả một chuỗi thị khải, nghĩa là khá nhiều. Thật là một diễm phúc cho Bernadette.

Tuy nhiên cũng thật xứng đáng, vì Bernadette Soubirous đã gánh chịu rất nhiều đắng cay và khổ đau, trong suốt quá trình được thị khải. Đúng như câu nói: càng cao danh dự càng nhiều gian nan.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sẵn lòng đón nhận con đường thập giá để qua đó hưởng được quang vinh.

Suy niệm 2: Đọc kinh

Bernadette chỉ biết đọc kinh Lạy Cha, Kính Mừng và Tin Kính. Cô còn biết đọc kinh cầu Linh Anh.

Đọc kinh là một việc đạo đức rất có giá trị theo truyền thống xưa nay, và dồng thời lại rất vừa tầm với mọi hạng người, không phân biệt tuổi tác, kể cả những người chẳng những ít học vấn mà còn vô học nữa.

Số lượng kinh được đọc không quan trọng bằng cách đọc là miệng đọc mà tâm suy, lòng quy hướng về Đấng tôn thờ để sống hết mình cho Người. Chính đó là mẫu gương mà Bernadette để lại, và như thế thật là xứng đáng để nhận được đặc ân thị khải.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết sử dụng phương cách đọc kinh để xây dựng nếp sống đạo đức mỗi ngày một vươn cao.

Suy niệm 3: Chuỗi tràng hạt

Đó là "một thiếu nữ xinh đẹp với chuỗi tràng hạt trên tay." Áo choàng trắng của ngài có viền xanh. Ngài đội khăn trắng. Trên mỗi bàn chân đều có hoa hồng màu vàng.

Chuỗi tràng hạt là một kinh nguyện Thánh Mẫu tuy cổ kính, nhưng có giá trị vượt thời gian và không gian, vì nếu con đường ngắn nhất để đến với Đức Giêsu là Đức Maria, thì con đường ngắn nhất để đến với Đức Maria là chuỗi tràng hạt Thánh

Thật vậy chuỗi tràng hạt nắm giữ một địa vị rất quan trọng đối với Giáo Hội và dĩ nhiên với hết mọi người, ngay cả đối với chính Đức Maria, vì không những Mẹ hiện ra nhiều lần với chuỗi tràng hạt trên tay mà còn lần hạt với nhân vật được thị khải nữa.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con siêng năng lần chuỗi tràng hạt theo như lời Mẹ dạy lúc Mẹ hiện ra ở Phatima vào ngày 13 tháng 10 năm 1917.

Suy niệm 4: Chuỗi tràng hạt

Đó là "một thiếu nữ xinh đẹp với chuỗi tràng hạt trên tay." Áo choàng trắng của ngài có viền xanh. Ngài đội khăn trắng. Trên mỗi bàn chân đều có hoa hồng màu vàng.

Chuỗi tràng hạt gồm có 150 kinh Kính Mừng được xen kẻ với việc suy ngắm 15 Mầu Nhiệm Vui Thương Mừng. Và sau này chuỗi tràng hạt được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thêm vào 5 Mầu Nhiệm Sáng nữa.

Lần chuỗi tràng hạt giúp chúng ta học cách ngắm nhìn và yêu mến Đức Giêsu với đôi mắt và quả tim của Đức Maria, để rồi sống như Đức Maria đã sống. Lần chuỗi tràng hạt không những giúp chúng ta gia tăng lòng sùng kính Mẹ mà còn được hưởng nhờ nhiều ơn ích qua bàn tay từ ái của Mẹ nữa.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con tận dụng việc lần chuỗi tràng hạt để mỗi ngày được gia tăng lòng yêu mến Chúa và Đức Maria Mẹ Chúa hơn.
Suy niệm 5: Lịch thiệp

Bernadette cũng ngạc nhiên ở sự kiện là trinh nữ này không gọi cô với danh xưng bình dân "tu", nhưng với ngôn từ rất
lịch thiệp "vous". Người trinh nữ khiêm tốn ấy hiện ra với một cô gái bình dân và đã đối xử với cô như một người có phẩm giá.

Lịch thiệp là nét đặc trưng của một người có lòng đạo đức cao độ, đến mức nhận ra nơi tha nhân không chỉ là hình ảnh mà thật sự là chính Thiên Chúa, vì thế đâu có thể xử đối cách khác được, ngoài việc tôn kính.

Sứ thần từ trời xuống cũng mở lời kính chào Đức Maria vốn là một phàm nhân để rồi sẵn lòng chờ đợi câu trả lời tự do của Mẹ chứ không cưỡng bước. Đức Giêsu là Thầy là Chúa nhưng vẫn kính trọng các tông đồ như là bạn hữu.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nhận ra thân phận chúng con chẳng qua chỉ là bụi tro, để đừng bao giờ vênh vang lên mặt coi khinh người khác.

Suy niệm 6: Đức tin

Qua một cô gái bình dân, Đức Maria đã làm hồi sinh và tiếp tục làm sống dậy đức tin của hàng triệu người. Dân chúng bắt
đầu đổ về Lộ Đức từ khắp nơi trong nước Pháp cũng như toàn thế giới.

Lộ Đức đã trở nên trung tâm hành hương và chữa lành, nhưng nhất là đức tin. Giới thẩm quyền của Giáo Hội công nhận 64 phép lạ chữa lành, mặc dù trên thực tế có lẽ nhiều hơn thế. Đối với những người có đức tin thì không có gì ngạc nhiên.
Đó là sứ vụ chữa lành của Chúa Giêsu được tiếp tục thể hiện qua sự can thiệp của mẹ Người.

Nhiều người cho rằng các phép lạ lớn lao hơn thì rất bàng bạc. Nhiều người đến Lộ Đức và trở về với một đức tin được đổi mới, sẵn sàng phục vụ Thiên Chúa trong các nhu cầu của tha nhân. Tuy nhiên vẫn còn nhiều người nghi ngờ việc hiện ra ở Lộ Đức. Để nói với họ, có lẽ tốt hơn là dùng những lời mở đầu của cuốn phim "Song of Bernadette": "Với những ai tin vào Chúa thì không cần giải thích. Với những người không tin, thì chẳng sự giải thích nào đầy đủ."

* Lạy Chúa Giêsu, xin gia tăng lòng tin cho chúng con, để chúng con không dừng lại ở phép lạ, mà qua phép lạ tìm đến với Đấng ban cho phép lạ.

Teresa Nhỏ Bé
12-02-2012, 12:10 PM
Ngày 12-02


THÁNH PHÊRÔ BAPTIST VÀ CÁC BẠN


http://4.bp.blogspot.com/-A9Aoqg0BPt8/TzZ3dsCZFRI/AAAAAAAAKyc/dwDZTVFvSjY/s1600/peter+baptist.jpg (http://4.bp.blogspot.com/-A9Aoqg0BPt8/TzZ3dsCZFRI/AAAAAAAAKyc/dwDZTVFvSjY/s1600/peter+baptist.jpg)


(c. 1597)



Lược sử:

Nagasaki nổi tiếng đối với chúng ta vì một trái bom nguyên tử đã thả xuống đây năm 1945. Thành phố ấy cũng nổi tiếng đối với dòng Phanxicô vì một số tu sĩ và anh chị em dòng ba đã được tử đạo ở đây năm 1597.

Cha Phêrô Baptist Blasquez sinh năm 1542 trong một gia đình quyền quý ở Tây Ban Nha; ngài gia nhập dòng Phanxicô ở quê nhà. Ngài làm việc vài năm ở quần đảo Phi Luật Tân, và năm 1592 ngài được cử làm đại diện cho Vua Philip II của Tây Ban Nha để thương thảo hòa bình với Hideyoshi, đang nắm quyền ở Nhật.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Cha Phêrô Baptist và một vài tu sĩ ở lại Nhật để truyền bá tin mừng. Sự thành công của họ trong công cuộc truyền giáo, qua việc thành lập các tu viện, nhà thờ cũng như bệnh viện khiến Hideyoshi lo sợ. Vào tháng Mười Hai 1596, ông ra lệnh bắt giam Cha Phêrô Baptist, hai vị linh mục Phanxicô khác, hai thầy, một giáo sĩ, 17 người Nhật thuộc dòng Ba Phanxicô và ba vị linh mục dòng Tên.

Tất cả bị kết án tử hình vào đầu tháng Giêng ở Miyako, họ bị đưa về Nagasaki trong chuyến hành trình bằng đường thủy lâu đến 4 tuần lễ. Vào ngày 5 tháng Hai 1597, tất cả bị treo trên thập giá và bị đâm thâu qua bằng giáo. Tất cả được phong thánh năm 1862.

Lời Bàn

Sự "hy sinh" mà Thánh Phêrô Baptist đề cập đến đã sinh kết quả (xem Lời Trích bên dưới). Trong thập niên 1860, các nhà truyền giáo lại đến Nagasaki và họ tìm thấy một cộng đoàn Kitô Giáo tuy nhỏ nhưng thật vững mạnh, được khai sinh vào lúc các vị chịu tửđạo. Những người Công Giáo này, thường xuyên đến với nhau, đọc Sách Thánh và lần chuỗi mai khôi để giữ vững đức tin. Các nhà truyền giáo luôn tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ hoàn tất công trình của họ. Một công việc tốt lành - trong sứ vụ truyền giáo hoặc bất cứ nơi đâu - thì không bao giờ uổng phí.

Lời Trích

Ba ngày trước khi bị tử hình, Thánh Phêrô Baptist viết cho các bạn ở ngoài nước Nhật: "Vì tình yêu Thiên Chúa, ước mong sao nhân đức của các bạn sẽ phó thác chúng tôi cho Thiên Chúa, để Ngài chấp nhận hy lễ cuộc đời chúng tôi. Qua những gì tôi nghe được ởđây, tôi nghĩ chúng tôi sẽ bị treo trên thập giá vào thứ Sáu này, vì chính vào ngày thứ Sáu mà họ cắt tai mỗi người ở Miyako, là một biến cố chúng tôi chấp nhận như món quà của Thiên Chúa. Do đó, vì tình yêu Thiên Chúa, chúng tôi xin các bạn hãy tha thiết cầu nguyện cho chúng tôi."


__________



Suy niệm hạnh thánh (của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)




Suy niệm 1: Nổi tiếng

Nagasaki nổi tiếng đối với dòng Phanxicô vì một số tu sĩ và anh chị em dòng ba đã được tử đạo ở đây năm 1597.

Nổi tiếng là một chước cám dỗ thông thường của mọi người ở mọi thời, mọi đời và mọi nơi. Tuy nhiên người khôn ngoan phải biết chọn lựa tiếng tốt hay là tiếng xấu khi được nổi tiếng.

Cụ lão Elada 90 tuổi đã chấp nhận thà chết vinh hơn là sống nhục. Bằng cái chết tử đạo, cụ đã lưu danh muôn thuở như là một tấm gương sáng cho giới trẻ và cho cả hậu thế (2Mcb 6,31).

Ngược lại thượng tế Mêlênaô tham sống sợ chết nên chẳng những dùng vàng bạc mua chuộc chức tước, mà còn phản bội Lề Luật và dân tộc. Ông đã chuốc lấy cái chết ô danh ngàn đời, và ngay cả một tấc đất để chôn cũng không có (2Mcb 4,24; 13,7).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con can đảm chọn sống theo tiếng tốt chứ đừng tìm hư danh, cho dầu phải đón nhận cái chết, nhưng là một cái chết anh dũng và vinh quang vì Chúa và vì Giáo Hội.

Suy niệm 2: Tử đạo

Nagasaki nổi tiếng đối với chúng ta vì một trái bom nguyên tử đã thả xuống đây năm 1945. Thành phố ấy cũng nổi tiếng đối với dòng Phanxicô vì một số tu sĩ và anh chị em dòng ba đã được tử đạo ở đây năm 1597.

Ba ngày trước khi bị tử hình, Thánh Phêrô Baptist viết cho các bạn ở ngoài nước Nhật: "Vì tình yêu Thiên Chúa, ước mong sao nhân đức của các bạn sẽ phó thác chúng tôi cho Thiên Chúa, để Ngài chấp nhận hy lễ cuộc đời chúng tôi.

Qua những gì tôi nghe được ở đây, tôi nghĩ chúng tôi sẽ bị treo trên thập giá vào thứ Sáu này, vì chính vào ngày thứ Sáu mà họ cắt tai mỗi người ở Miyako, là một biến cố chúng tôi chấp nhận như món quà của Thiên Chúa.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đón nhận những thánh giá lớn nhỏ hằng ngày như là món quà Chúa gởi đến để thanh luyện chúng con.

Suy niệm 3: Hòa bình

Năm 1592 Thánh Phêrô Baptist được cử làm đại diện cho Vua Philip II của Tây Ban Nha để thương thảo hòa bình với Hideyoshi, đang nắm quyền ở Nhật Bản.

Theo sứ điệp hòa bình ngày 01/01/1991 của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, chỉ nơi lương tâm mà vấn đề bảo đảm một nền hòa bình vững chắc và lâu bền được đặt ra, vì không tôn trọng lương tâm người khác là một trong những nguồn mạch gây xáo trộn thế giới.

Như thế hòa bình xã hội, đất nước và ngay cả thế giới phải được xây dựng tự căn bản nội tâm. Dĩ nhiên người thương thảo hòa bình chẳng những phải có một tâm hồn hiếu hòa, và còn phải dẹp bỏ được nơi hai đối phương tinh thần hiếu chiến và hiếu thắng nữa.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con có hiếu chiến và hiếu thắng, thì hiếu chiến đối với ma quỷ và tội lỗi cũng như hiếu thắng đối với các tính mê tật xấu, còn đối với tha nhân thì luôn hiếu hòa.

Suy niệm 4: Truyền bá tin mừng

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Cha Phêrô Baptist và một vài tu sĩ ở lại Nhật để truyền bá tin mừng. Sự thành công của họ trong công cuộc truyền giáo, qua việc thành lập các tu viện, nhà thờ cũng như bệnh viện.

Để ủy lạo tinh thần truyền bá tin mừng, Chúa vẫn thường ban cho công cuộc rao giảng được gặt hái thành công, như xưa Chúa cũng cho các tông đồ được chứng kiến cuộc biến hình vinh quang của Ngài, để chuẩn bị cho họ đi vào mầu nhiệm Tử Nạn.

Sự thành công chỉ mang ý nghĩa đó, vì thế đừng dừng lại đó để tự hào hay ỷ lại, mà phải nhìn xa hơn, như có lần chính Chúa đã nhắc nhở: “Anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời" (Lc 10,20).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con kiên trì truyền bá tin mừng cho dầu thành công hay thất bại.

Suy niệm 5: Thành công

Sự thành công của họ trong công cuộc truyền giáo, qua việc thành lập các tu viện, nhà thờ cũng như bệnh viện khiến Hideyoshi lo sợ.

Sự "hy sinh" mà Thánh Phêrô Baptist đề cập đến đã sinh kết quả. Trong thập niên 1860, các nhà truyền giáo lại đến Nagasaki và họ tìm thấy một công đoàn Kitô Giáo tuy nhỏ nhưng thật vững mạnh, được khai sinh vào lúc các vị chịu tử đạo.

Các nhà truyền giáo luôn tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ hoàn tất công trình của họ. Một công việc tốt lành - trong sứ vụ truyền giáo hoặc bất cứ nơi đâu - thì không bao giờ uổng phí.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn miệt mài làm việc theo chí hướng của Chúa: “Kẻ trồng người tưới đều như nhau, nhưng ai nấy sẽ được thù lao theo công khó của mình” (1Cr 3,8).

Suy niệm 6: Thập giá

Vào ngày 5 tháng Hai 1597, tất cả bị treo trên thập giá và bị đâm thâu qua bằng giáo.

Thập giá là điều ô nhục đối với người Do thái và là điên rồ đối với người Hy lạp (1Cr 1,23) cũng như là một bản án nặng nề nhất đối với người bách hại. Nhưng thập giá lại là niềm vinh dự cho các vị tử đạo, vì được giống với cách chết của Đức Kitô nhiều hơn cả.

Thánh Phêrô cũng đồng quan điểm đó khi bị án phải chết treo trên thập giá, nhưng vì cảm thấy bất xứng với Thầy chí thánh, nên xin được chết theo cách bị treo ngược, đầu ngài ở vị trí phía dưới chân cây thập tự giá.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con học cách trở nên giống Đức Kitô chịu tử nạn, ít ra là bằng cách vui lòng vác lấy thập giá hằng ngày của mình.

Teresa Nhỏ Bé
13-02-2012, 09:54 AM
Ngày 13-02


THÁNH CIRYL VÀ THÁNH METHODIUS

http://3.bp.blogspot.com/-2aVY4sfnyXA/TzfC2bZe1gI/AAAAAAAAK1M/9BsXsb6SwFs/s1600/cyril+methodius01.jpg (http://3.bp.blogspot.com/-2aVY4sfnyXA/TzfC2bZe1gI/AAAAAAAAK1M/9BsXsb6SwFs/s1600/cyril+methodius01.jpg)


(c. 869, c. 884)



Lược sử:

Vì thân phụ của hai thánh nhân là một sĩ quan trong phần đất của Hy Lạp nhưng có nhiều người Slav chiếm ngụ, do đó hai anh em thánh nhân đã trở nên nhà truyền giáo, thầy dạy và quan thầy của người Slav.

Sau thời gian học tập, Cyril (thường được gọi là Constantine cho đến khi ngài trở thành tu sĩ ít lâu trước khi từ trần) đã từ chối địa vị trong chính quyền mà anh ngài đã chấp nhận làm việc cho những người nói tiếng Slav. Ngài gia nhập một đan viện là nơi anh ngài, Methodius, đã là một đan sĩ sau thời gian giữ chức vụ trong chính quyền.

Một quyết định đã thay đổi cuộc đời của các ngài khi Công Tước của Moravia xin Hoàng Đế Micae của Đông Phương cho được độc lập về chính trị với nhà cầm quyền Đức, và được tự trị về phương diện tổ chức giáo hội (có giáo sĩ và phụng vụ riêng). Cyril và Methodius đã lãnh nhận công việc truyền giáo này.

Công việc đầu tiên của Cyril là sáng chế ra bản mẫu tự, giống như mẫu tự vẫn được dùng trong phụng vụ ở các phần của Nam Tư cũ. Những người theo ngài có lẽ đã hình thành mẫu tự Cyrillic từ các chữ cái của Hy Lạp. Ngày nay, họ dịch Phúc Âm, Thánh Thi, Thánh Thư và các sách phụng vụ sang tiếng Slav, và sáng tác phần phụng vụ bằng tiếng Slav rất đặc biệt.

Vì lý do đó và vì việc sử dụng tiếng mẹ đẻ đã dẫn đến việc chống đối của hàng giáo sĩ Đức. Các giám mục Đức từ chối việc tấn phong các giám mục và linh mục Slav, và Cyril buộc phải thỉnh cầu lên Rôma. Trong chuyến viếng thăm Rôma, hai anh em thánh nhân đã vui sướng khi thấy bản văn phụng vụ mới của họ được Đức Giáo Hoàng Adrian II chấp thuận. Nhưng Cyril không bao giờ trở lại Moravia nữa, ngài từ trần ở Rôma sau 50 ngày nhận áo dòng.

Methodius tiếp tục công cuộc truyền giáo trên 16 năm nữa. Ngài là đại diện giáo hoàng đối với toàn thể người dân Slav, được tấn phong giám mục và được giao cho trông coi một giáo phận cũ (thuộc Nam Tư). Khi lãnh thổ trước đây thuộc về họ nay bị tước khỏi quyền tài phán, vị giám mục Bavaria đã trả thù với hàng loạt điều cáo buộc Đức Methodius. Kết quả là Hoàng Đế Louis của Đức đã lưu đầy Đức Methodius trong ba năm. Sau đó Đức Giáo Hoàng Gioan VIII đã đảm bảo sự tự do cho ngài.

Hàng giáo sĩ người Frank vẫn còn ấm ức nên họ tiếp tục chụp mũ, và Đức Methodius phải sang Rôma để bảo vệ ngài khỏi điều cáo buộc về tội lạc giáo và xin duy trì việc dùng bản văn phụng vụ Slav. Một lần nữa ngài lại thành công.

Truyền thuyết nói: trong một giai đoạn cực kỳ hăng say, Đức Methodius đã chuyển dịch toàn bộ Phúc Âm sang tiếng Salv chỉ trong vòng 8 tháng. Ngài từ trần vào ngày thứ Ba Tuần Thánh, với các môn đệ tụ tập chung quanh. Sau khi ngài chết sự chống đối vẫn chưa dứt, và công trình của 2 anh em thánh nhân ở Moravia đã đi vào chỗ tận tuyệt, các môn đệ của 2 ngài phải phân tán khắp nơi. Nhưng sự trục xuất ấy đã có ảnh hưởng tốt đẹp trong việc phổ biến các công trình về phụng vụ, về tâm linh và văn hóa của 2 anh em thánh nhân đến các vùng Bulgaria, Bohemia và nam Ba Lan.

Là quan thầy của Moravia, và được đặc biệt sùng kính bởi người Công Giáo Czech, Slovak, Croatia, Chính Thống Giáo Serb và người Bulgaria, Thánh Cyril và Methodius thật xứng đáng là người bảo vệ sự hiệp nhất Đông và Tây, là điều được mọi người khao khát.

Lời Bàn

Thánh thiện có nghĩa dùng tình yêu Thiên Chúa để đối xử với thói đời: đời sống con người lúc nào cũng vậy, luôn chằng chịt những vấn đề chính trị và văn hóa, sự mỹ miều cũng như sự xấu xa, sự ích kỷ cũng như sự thánh thiện. Với Thánh Cyril và Methodius, hầu như thập giá hàng ngày của các ngài là phải đương đầu với những khó khăn giống như của chúng ta ngày nay: vấn đề ngôn ngữ trong phụng vụ. Các ngài là thánh không phải vì đã đưa phụng vụ vào tiếng Slav, nhưng vì các ngài đã thi hành điều ấy với sự can đảm và khiêm tốn của Ðức Kitô.

Lời Trích

"Ngay cả trong phụng vụ, Giáo Hội không muốn áp đặt một sự đồng nhất cứng rắn nào trong các vấn đề không liên hệ đến đức tin hay không có lợi cho toàn thể cộng đoàn. Ðúng hơn, Giáo Hội tôn trọng và khuyến khích những tinh hoa và những đặc tính riêng của các chủng tộc và dòng giống... Miễn sao sự hợp nhất cốt yếu của nghi lễ Rôma vẫn được duy trì, việc tu chỉnh các sách phụng vụ phải được phép thay đổi và thích nghi với các tổ chức khác nhau, sự sùng bái và các dân tộc khác nhau, nhất là trong xứ truyền giáo" (Hiến Chế về Phụng Vụ, 37, 38).

__________


Suy niệm hạnh thánh (của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)






Suy niệm 1: Truyền giáo

Vì thân phụ của hai thánh nhân là một sĩ quan trong phần đất của Hy Lạp nhưng có nhiều người Slav chiếm ngụ, do đó hai anh em thánh nhân đã trở nên nhà truyền giáo, thầy dạy và quan thầy của người Slav.

Nhà truyền giáo chủ yếu là mang Tin Mừng Đức Kitô đến cho tha nhân, chứ không hẳn là tập tục và văn hóa của mình. Vì thế nhà truyền giáo hãy có cái nhìn sáng suốt để phân biệt đâu là nội dung Tin Mừng và đâu là những điều phụ tùy không chính yếu.

Do đó nhà truyền giáo chẳng những phải tôn trọng những điều hay lẽ phải trong truyền thống văn hóa của người dân bản xứ mà không phương hại đến đức tin chính thống. Nghĩa là nhà truyền giáo cần phải có tinh thần hội nhập văn hóa nữa.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con học lấy tinh thần các tông đồ xưa kia, khi cho phép dân ngoại chỉ cần được Rửa Tội là điều chủ yếu, chứ không cần phải chịu phép cắt bì như người Dothái (Cv 15tt; Gl 5,6; Cl 3,11).

Suy niệm 2: Địa vị

Cyril đã từ chối địa vị trong chính quyền mà anh ngài đã chấp nhận làm việc cho những người nói tiếng Slav. Ngài gia nhập một đan viện.

Danh vọng và quyền lợi thường là chước cám dỗ mãnh liệt đối với người đời mọi thời. Thấu hiểu điều đó nên ma quỷ cũng không ngần ngại dùng thủ đoạn này để tấn công Đức Giêsu (Mt 4,8-10).

Thắng vượt được chước cám dỗ này quả là một bước tối quan trọng, vì không thiếu người đã bị ngã gục trước mồi nhử đó. Theo gương Đức Giêsu, Cyril và Methodius đã làm được điều này cũng như tông đồ Matthêu (Mt 9,9).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng sa vào chước cám dỗ danh lợi và địa vị trần thế này.

Suy niệm 3: Mẫu tự

Công việc đầu tiên của Cyril là sáng chế ra bản mẫu tự, giống như mẫu tự vẫn được dùng trong phụng vụ ở các phần của Nam Tư cũ.

Thiên Chúa nhập thể làm người ở địa danh Ítraen, nhưng Thiên Chúa không phải chỉ là Thiên Chúa của Ítraen mà là của mọi người ở mọi dân mọi nước (2V 19,15; Et 4,17b; Ml 1,5).

Do đó việc dùng tiếng mẹ đẻ sẽ giúp người bản xứ tiếp thu dể dàng hơn các mặc khải của Thiên Chúa, cũng như cảm thấy gần gũi với Đấng mình tôn thờ hơn. Đó cũng là một thành quả của Công Đồng Vaticanô II.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con tận dụng phương cách mẫu tự này, để đào sâu lòng hiểu biết và lòng yêu mến Thiên Chúa.

Suy niệm 4: Cáo buộc

Khi lãnh thổ trước đây thuộc về họ nay bị tước khỏi quyền tài phán, vị giám mục Bavaria đã trả thù với hàng loạt điều cáo buộc Đức Methodius. Kết quả là Hoàng Đế Louis của Đức đã lưu đầy Đức Methodius trong ba năm. Sau đó Đức Giáo Hoàng Gioan VIII đã đảm bảo sự tự do cho ngài.

Một thánh giá thường gặp là bị biểu lầm, bị cáo buộc cách bất công do lòng ganh ghét. Đức Giêsu đã từng bị các đầu mục người Do thái cáo buộc và kết án bất công, thậm chí phải bị xử án tử hình thập giá.

Cha thánh Gioan Maria Vianê cũng bị các địch thủ ngài gán cho cái tội là tác giả của một đứa con do một phụ nữ trắc nết ở gần nhà xứ Ars đi hoang sinh ra. Thật là một oan trái quá nặng đè lên thanh danh ngài.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con kiên tâm chịu đựng lúc bị hiểu lầm, chờ thời gian trả lời, vì thanh dã tự thanh. Và chớ bao giờ cáo oan người khác.

Suy niệm 5: Phụng vụ

Sự trục xuất ấy đã có ảnh hưởng tốt đẹp trong việc phổ biến các công trình về phụng vụ, về tâm linh và văn hóa của hai anh em thánh nhân đến các vùng Bulgaria, Bohemia và nam Ba Lan.

"Ngay cả trong phụng vụ, Giáo Hội không muốn áp đặt một sự đồng nhất cứng rắn nào trong các vấn đề không liên hệ đến đức tin hay không có lợi cho toàn thể cộng đoàn. Đúng hơn, Giáo Hội tôn trọng và khuyến khích những tinh hoa và những đặc tính riêng của các chủng tộc và dòng giống...

Miễn sao sự hợp nhất cốt yếu của nghi lễ Rôma vẫn được duy trì, việc tu chỉnh các sách phụng vụ phải được phép thay đổi và thích nghi với các tổ chức khác nhau, sự sùng bái và các dân tộc khác nhau, nhất là trong xứ truyền giáo" (Hiến Chế về Phụng Vụ, 37, 38).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con có tâm hồn quảng đại và tôn trọng chân lý, để sống được tinh thần đại kết theo hướng của Công Đồng Vaticanô II.

Suy niệm 6: Hiệp nhất

Là quan thầy của Moravia, và được đặc biệt sùng kính bởi người Công Giáo Czech, Slovak, Croatia, Chính Thống Giáo Serb và người Bulgaria, Thánh Cyril và Methodius thật xứng đáng là người bảo vệ sự hiệp nhất Đông và Tây, là điều được mọi người khao khát.

Hiệp nhất theo mẫu gương Thiên Chúa Ba Ngôi có thể nói là ước mơ lớn nhất trong đời Đức Giêsu, để trở thành di chúc quan trọng của Ngài (Ga 17,11.21-23). Vì thế Ngài chấp nhận cái chết bị treo cao, để lôi kéo mọi người lên cùng Ngài, và qua Ngài đến cùng Thiên Chúa (Ga 12,32).

Một hỗ trợ và cũng là một nhắc nhở tiên khởi cho các tông đồ khi tiếp nối sứ vụ của Đức Giêsu, đó là sự hiệp nhất các dân tộc trên toàn thế giới (Cv 2,1-46). Tông đồ Phaolô hiểu ý nên không ngừng rao giảng và kêu mời mọi người thực hiện di chúc ấy (Ep 4,1-16).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn hiệp nhất và đoàn kết với nhau để được sống, chứ đừng chia rẽ kẻo bị chết.

Teresa Nhỏ Bé
14-02-2012, 09:32 AM
Ngày 14-02


Thánh VALENTINE


http://3.bp.blogspot.com/-TIhdzDtTr0Q/TzjWBcQhyBI/AAAAAAAAK38/5P3aRd1zvsI/s1600/st.valentine.jpg (http://3.bp.blogspot.com/-TIhdzDtTr0Q/TzjWBcQhyBI/AAAAAAAAK38/5P3aRd1zvsI/s1600/st.valentine.jpg)


(c. 269)




Lược sử:

Người ta nghĩ rằng Thánh Valentine đã từng là linh mục ở Rôma cũng như là một y sĩ. Vì không chịu từ bỏ đức tin, ngài được tử đạo vào ngày 14 tháng Hai. Chúng ta không biết gì nhiều về ngài, nhưng ngay vào khoảng năm 350, một nhà thờ đã được xây cất nơi ngài tử đạo.

Truyền thuyết nói rằng ngài là một linh mục thánh thiện đã cùng với Thánh Marius giúp đỡ các vị tử đạo trong thời Claudius II. Ngài bị bắt, và bị gửi cho tổng trấn Rôma xét xử. Sau khi dụ dỗ mọi cách nhưng đều vô hiệu, quan tổng trấn đã ra lệnh cho lính dùng gậy đánh đập ngài, sau đó đưa đi chém đầu vào ngày 14 tháng Hai, khoảng năm 269. Người ta nói rằng Đức Giáo Hoàng Julius I đã cho xây một nhà thờ gần Ponte Mole để kính nhớ ngài.

Nhiều giả thuyết khác nhau về nguồn gốc việc cử hành ngày Valentine. Một số cho rằng người Rôma có một tập tục vào giữa tháng Hai, trong ngày ấy các con trai tô điểm tên các cô con gái để tỏ lòng tôn kính nữ thần dâm dục là Februata Juno. Các tu sĩ thời ấy muốn dẹp bỏ tập tục này nên đã thay thế bằng tên các thánh tỉ như Thánh Valentine. Một số khác cho rằng thói quen gửi thiệp Valentine vào ngày 14 tháng Hai là vì người tin tin rằng các con chim bắt đầu sống thành cặp vào ngày này, là ngày Thánh Valentine bị chém đầu. Dường như chắc chắn hơn cả là vào năm 1477, người Anh thường liên kết các đôi uyên ương với ngày lễ Thánh Valentine, vì vào ngày này, 14 tháng Hai, "mọi chim trống đi tìm chim mái." Tục lệ này trở thành thói quen cho các đôi trai gái viết thư tình cho nhau vào ngày Valentine. Và ngày nay, các cánh thiệp, quà cáp và thư từ trao cho nhau là một phần của việc cử hành Ngày Valentine.


_________


Suy niệm hạnh thánh (của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)




Suy niệm 1: Y sĩ


Người ta nghĩ rằng Thánh Valentine đã từng là linh mục ở Rôma cũng như là một y sĩ. Vì không chịu từ bỏ đức tin, ngài được tử đạo vào ngày 14 tháng Hai.

Y tá là một nghành nghề thật hữu dụng, vì xã hội nào ở bất cứ thời đại nào cũng không hề thiếu bệnh nhân, do đó làm y sĩ để lập kế sinh nhai thật thích hợp. Tuy nhiên làm y sĩ mà có y đức hay không, và có y đức bao nhiêu là một chuyện khác.

Đức Giêsu không chủ trương làm y sĩ, nhưng cũng đã từng làm phép lạ chữa lành bao bệnh nhân với đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền. Dầu vậy chẳng những Ngài không nhận tiền thù lao, mà cũng chẳng bao giờ chờ đáp trả: một y đức thật tuyệt vời.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con dầu sống bằng ngành nghề gì cũng hằng chú tâm hành nghề với y đức hơn là lợi nhuận.

Suy niệm 2: Thánh thiện

Truyền thuyết nói rằng ngài là một linh mục thánh thiện đã cùng với Thánh Marius giúp đỡ các vị tử đạo trong thời Claudius II.

Thánh thiện có nghĩa là dùng tình yêu Thiên Chúa để đối xử với thói đời: đời sống con người lúc nào cũng vậy, luôn chằng chịt những vấn đề chính trị và văn hóa, sự mỹ miều cũng như sự xấu xa, sự ích kỷ cũng như sự thánh thiện.

Với Thánh Valentine, hầu như thập giá hàng ngày của ngài là phải đương đầu với những khó khăn của thời bách hại. Ngài là thánh không phải chỉ vì đã chịu tử đạo, nhưng vì ngài đã sống mầu nhiệm Tử Nạn của Đức Kitô qua việc giúp đỡ các vị tử đạo.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết sống thánh bằng việc chu toàn bổn phận theo đấng bậc mình.

Suy niệm 3: Dụ dỗ

Sau khi dụ dỗ mọi cách nhưng đều vô hiệu, quan tổng trấn đã ra lệnh cho lính dùng gậy đánh đập ngài, sau đó đưa đi chém đầu vào ngày 14 tháng Hai, khoảng năm 269.

Dụ dỗ là một liều thuốc ru ngủ rất công hiệu, còn hơn cả áp lực tra tấn đòn vọt Thánh Cả đạo quân hùng mạnh của Philitinh cũng không làm gì được Samsôn, ngược lại phải tháo chạy trước phản ứng của Samsôn (Tl 15,15). Nhưng Samsôn lại bị khuất phục trước những lời dụ dỗ dịu ngọt của tình nhân Đalila (Tl 16,15-21).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi phải sa chước dụ dỗ.

Suy niệm 4: Kính nhớ

Người ta nói rằng Đức Giáo Hoàng Julius I đã cho xây một nhà thờ gần Ponte Mole để kính nhớ ngài.

Việc sùng kính một vị thánh chủ yếu nhằm giúp mọi người chiêm ngắm tấm gương sáng ngài để lại để học đòi bắt chước các nhân đức của ngài hầu có thể trở nên thánh thiện như ngài.

Ngoài ra địa điểm sùng kính cũng tạo điều kiện cho mọi người dễ dàng tập trung lòng đạo đức, để dâng lên Thiên Chúa những lời cầu xin, qua lời cầu bàu và công nghiệp của vị thánh được sùng kính.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chuyển lòng sùng kính vị thánh sang hành động theo gương vị thánh.

Suy niệm 5: Tập tục

Một số cho rằng người Rôma có một tập tục vào giữa tháng Hai, trong ngày ấy các con trai tô điểm tên các cô con gái để tỏ lòng tôn kính nữ thần dâm dục là Februata Juno. Các tu sĩ thời ấy muốn dẹp bỏ tập tục này nên đã thay thế bằng tên các thánh tỉ như Thánh Valentine.

Tập tục địa phương vốn đáng tôn trọng, nhưng cũng đừng quá cố chấp và câu nệ, nếu vì đó mà đi vào con đường hư hỏng. Chính vì thế mà các tu sĩ thời Valentine đã mạnh dạn thay đổi tập tục không lành mạnh của người Rôma.

Đức Giêsu cũng từng tranh luận về truyền thống người Pharisêu, khi họ duy trì truyền thống người phàm, mà lại coi thường đến mức gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa (Mc 7,8-9).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con phải luôn biết vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm.

Suy niệm 6: Uyên ương

Vào năm 1477, người Anh thường liên kết các đôi uyên ương với ngày lễ Thánh Valentine, vì vào ngày này, 14 tháng Hai, "mọi chim đực đi tìm chim mái."

Chim đực đi tìm chim mái thì theo bản năng tự nhiên và theo mùa. Nhưng con người thì không được như thế, vì con người không chỉ là con vật mà là một con vật có lý trí.

Hôn nhân có giá trị thần thiêng vì do chính Đấng Tạo Hóa thiết lập khi nhận định: “Con người ở một mình thì không tốt” (St 2,18). Nhưng không tốt chứ không phải là xấu, vì thế vẫn có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời (Mt 19,12).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con có đủ sáng suốt và nghị lực, để sống đúng ơn gọi hôn nhân hoặc độc thân mà Chúa đã định liệu cho chúng con.

Teresa Nhỏ Bé
15-02-2012, 09:50 AM
Ngày 14-02
Thánh Cyrilô


Xin làm cho Hội Thánh được thêm đông
và xin liên kết tất cả nên một.

http://3.bp.blogspot.com/-Qt7nF6iewtQ/Tzn2BeU_wvI/AAAAAAAAK5w/T_3xjls1is8/s1600/constantin+cyril.jpg (http://3.bp.blogspot.com/-Qt7nF6iewtQ/Tzn2BeU_wvI/AAAAAAAAK5w/T_3xjls1is8/s1600/constantin+cyril.jpg)




Thánh Côngtăntinô Syrilô vì phải gánh vác nhiều công việc, nên đã ngã bệnh. Trong lúc đau yếu lâu ngày, một hôm ngài đã thấy một thị kiến về Thiên Chúa, nên ngài cất tiếng hát : Thiên hạ bảo tôi : Nào chúng ta hãy vào nhà Chúa, thần trí tôi hân hoan và tâm hồn tôi nhảy mừng.

Sau khi được mặc áo thánh, ngài cứ giữ nguyên như thế suốt cả ngày và hớn hở nói rằng : “Từ nay tôi chẳng còn là bề tôi của hoàng đế hay của một người nào trên mặt đất nữa, nhưng chỉ là bề tôi của Thiên Chúa toàn năng. Trước kia tôi đã không hiện hữu, rồi tôi đã hiện hữu, và tôi sẽ còn hiện hữu đến muôn đời. Amen.” Hôm sau, ngài tự mặc áo đan sĩ rồi tự đặt cho mình một tên mới là Syrilô, như thêm ánh sáng cho ánh sáng. Ngài mặc tu phục ấy năm mươi ngày.

Khi đến giờ được an nghỉ và bước vào nơi cư ngụ vĩnh cửu, ngài nâng hai tay lên, hướng về Thiên Chúa mà cầu nguyện trong nước mắt rằng :

“Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, Chúa đã tạo dựng mọi phẩm trật thiên thần và mọi quyền lực vô hình, Chúa đã trải rộng bầu trời và đặt nền móng vững vàng cho trái đất. Những gì đang có đây, Chúa đã đưa từ hư vô vào hiện hữu. Chúa luôn nhậm lời những ai thi hành ý Chúa, kính sợ Chúa và tuân giữ những điều răn của Chúa. Xin nhậm lời con cầu nguyện, và gìn giữ đoàn chiên trung tín của Chúa, chính Chúa đã đặt con làm người hướng dẫn, dù con chỉ là tôi tớ bất xứng bất tài.

Xin giải thoát họ khỏi lòng độc ác của dân ngoại, là những kẻ nói phạm đến Chúa. Xin làm cho Hội Thánh Chúa được thêm đông và xin liên kết tất cả nên một. Xin cho họ trở thành một dân tuyển chọn, được đồng tâm nhất trí trong một đức tin chân thật và trong đạo lý chân chính. Xin gợi lên nơi lòng họ giáo huấn của Chúa : vì nhờ ân huệ của Chúa mà Chúa đã cho chúng con được rao giảng Tin Mừng Đức Kitô, biết thúc giục anh em làm những việc lành, và cho chúng con thực hiện những gì đẹp lòng Chúa. Những người mà Chúa đã trao cho con, con xin dâng lại cho Chúa, họ là những người của Chúa. Xin lấy cánh tay hữu hùng mạnh của Chúa mà hướng dẫn họ, và xin cho họ được núp bóng Ngài, để mọi người ca ngợi và tôn vinh Chúa là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Amen.”

Sau khi đã hôn chào mọi người, thánh Syrilô nói : “Chúc tụng Thiên Chúa là Đấng đã không trao chúng con làm mồi ngon cho nanh vuốt những kẻ thù vô hình, nhưng đã phá tan lưới dò của chúng và đã giải thoát chúng con khỏi họa diệt vong.” Sau đó, ngài an nghỉ trong Chúa lúc mới bốn mươi hai tuổi.

Đức Giáo Hoàng đã truyền cho mọi người Hy lạp cư ngụ ở Rôma hãy cùng với dân Rôma cầm nến ca hát và tham dự đám tang của ngài như chính đám tang của Đức Giáo Hoàng. Và mọi người đã làm như vậy.

Teresa Nhỏ Bé
16-02-2012, 09:02 AM
Ngày 16-02


Thánh GILBE ở Sempringham


http://2.bp.blogspot.com/-BSdiK1Q7kgM/TztzbbAVjgI/AAAAAAAAK9I/IAfk07HLo8E/s1600/StGilbertSempringham.jpg (http://2.bp.blogspot.com/-BSdiK1Q7kgM/TztzbbAVjgI/AAAAAAAAK9I/IAfk07HLo8E/s1600/StGilbertSempringham.jpg)


(1083-1189)




Lược sử:

Thánh Gilbe sinh ở Sempringham, Anh Quốc, con của hiệp sĩ Jocelin người Norman nổi tiếng giầu có. Nhưng ngài lại theo đuổi một con đường khác hẳn với những gì mà gia đình ngài dành sẵn. Được gửi sang Pháp để tiếp tục học lên cao, nhưng ngài lại quyết định theo đuổi ơn gọi tu trì.

Ngài trở về Anh dù chưa là linh mục, và được thừa hưởng nhiều bất động sản của cha ngài để lại. Nhưng Gilbe không muốn một đời sống thoải mái như bất cứ lúc nào ngài cũng có thể. Thay vào đó, ngài sống một cuộc đời đơn giản tại một giáo xứ, và chia sẻ của cải với người nghèo bao nhiêu có thể. Sau khi được thụ phong linh mục, ngài phục vụ ở Sempringham.

Trong giáo xứ có bảy cô thanh nữ muốn sống đời tu trì và họ đã đến xin Cha Gilbe giúp đỡ. Ngài cho xây một căn nhà cạnh nhà thờ. Ở đó họ sống khắc khổ, nhưng lại thu hút nhiều người đến với họ; dần dà số nam nữ giáo dân đến giúp đỡ họ ngày càng đông. Sau khi một vài cơ sở được thành hình, Cha Gilbe đến Citaux để xin các tu sĩ ở đây tiếp tục trông coi Cộng Đoàn. Khi các tu sĩ Xitô từ chối việc dẫn dắt nhóm phụ nữ này, với sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng Eugene III, Cha Gilbe tiếp tục trông coi Cộng Đoàn với quy luật riêng mà ngài là bề trên. Cộng đoàn được biết đến dưới tên Dòng Gilbertin, và là tu hội duy nhất được thành lập ở Anh trong thời Trung Cổ. Trước khi tu hội phải giải tán vì Vua Henri VIII ngăn cấm tất cả các tu viện Công Giáo ở Anh, Dòng Gilbertin có đến hai mươi sáu tu viện.

Quy luật của dòng rất nghiêm nhặt, nổi tiếng khắc khổ và lưu tâm đến người nghèo. Một thói quen đặc biệt dần dà xuất hiện trong các tu viện của Dòng Gilbertin được gọi là "đĩa của Chúa Giêsu." Trong đĩa đặc biệt ấy là các phần chia sẻ thức ăn của mỗi tu sĩ và sau đó họ chia sẻ thức ăn trong đĩa ấy cho người nghèo, nói lên sự lưu tâm đặc biệt của Cha Gilbe đối với những người kém may mắn.

Trong suốt cuộc đời, Cha Gilbe sống thật đơn giản, ăn rất ít và dành nhiều thời giờ ban đêm để cầu nguyện. Bất kể những khắc khổ của cuộc sống, ngài từ trần khi trên 100 tuổi.
Ngài được phong thánh năm 1202.

__________


Suy niệm hạnh thánh (của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)





Suy niệm 1: Ơn gọi

Thánh Gilbe sinh ở Sempringham, Anh Quốc, con của hiệp sĩ Jocelin người Norman nổi tiếng giầu có. Nhưng ngài lại theo đuổi một con đường khác hẳn với những gì mà gia đình ngài dành sẵn. Được gửi sang Pháp để tiếp tục học lên cao, nhưng ngài lại quyết định theo đuổi ơn gọi tu trì.

Bí tích Truyền Chức Thánh in vào linh hồn một “ấn tích” hay “ấn tín”, nhờ đó, người tín hữu được tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô và trở nên thành viên của Hội Thánh với cấp bậc và phận vụ khác nhau.

Nhờ Thánh Thần, dấu ấn này làm cho người tín hữu nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Dấu ấn này không thể xóa đi được, luôn tồn tại trong người kitô hữu như bảo chứng tích cực của ân sủng.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các bậc phụ huynh luôn cổ võ ơn gọi riêng của từng đứa con và phải đặc biệt chăm sóc đến ơn kêu gọi làm linh mục.

Suy niệm 2: Đơn giản

Gilbe không muốn một đời sống thoải mái như bất cứ lúc nào ngài cũng có thể. Thay vào đó, ngài sống một cuộc đời đơn giản tại một giáo xứ.

Đức Giêsu vốn là Chúa các chúa và Vua các vua (Kh 17,14; 19,16), thế nhưng khi chấp nhận kiếp phàm nhân, Ngài không chọn lối sống quan liêu và kiêu sa của một đế vương mà vui sống cách rất đơn giản.

Nơi ở của Ngài chẳng những không phải là một cung điện nguy nga mà thậm chí một nơi gối đầu cũng chẳng có (Mt 8,20). Khi nhọc mệt, Ngài cũng vui lòng dựa đầu vào chiếc gối ở đàng lái thuyền mà ngủ (Mc 4,38).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con dừng sa vào chước cám dỗ chạy tìm lối sống quan liêu, nhưng hãy tập sống đơn giản theo gương Chúa.

Suy niệm 3: Giúp đỡ

Trong giáo xứ có bảy cô thanh nữ muốn sống đời tu trì và họ đã đến xin Cha Gilbe giúp đỡ.

Vì không đi theo con đường cha mẹ dự định sẵn, nên Gilbe không được sự giúp đỡ tận tình. Từ kinh nghiệm khổ tâm bản thân, Gilbe không muốn tái hiện thực trạng này nơi tha nhân, vì thế sẵn lòng giúp đỡ ngay bảy cô thanh nữ muốn sống đời tu trì.

Chính Đức Giêsu cũng từng giúp đỡ những ai cần đến trên bước đường truyền giáo của Ngài (Mc 9,24), và Ngài cũng bằng lòng nhận lấy sự giúp đỡ của các phụ nữ đạo đức (Mt 27,55).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn tìm giúp người hơn là chờ người giúp mình.

Suy niệm 4: Khắc khổ

Ngài cho xây một căn nhà cạnh nhà thờ. Ở đó họ sống khắc khổ, nhưng lại thu hút nhiều người đến với họ; dần dà số nam nữ giáo dân đến giúp đỡ họ ngày càng đông.

Người đời thường dị ứng với lối sống khổ hạnh. Không lạ gì, khi thấy lối sống khắc khổ của Gioan Tiền Hô, người đương thời đã đánh giá là ngài bị quỷ ám (Mt 11,18).

Nhưng số người thiện tâm dầu ít lại chọn sống theo hướng khổ hạnh, chính vì thế lối sống các thanh nữ tu trì đã thu hút nhiều người đến với họ, như Đức Giêsu từng nói: Cửa hẹp thì đưa đến sự sống nhưng ít người vào, còn cửa rộng thì dẫn tới diệt vong nhưng lại lắm kẻ chen vào (Mt 7,13-14).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thực hành lời Chúa dạy, quyết tâm đi vào cửa hẹp bằng đời sống khổ hạnh, để hưởng được sự sống đời đời.

Suy niệm 5: Nghèo khó

Trong đĩa đặc biệt ấy là các phần chia sẻ thức ăn của mỗi tu sĩ và sau đó họ chia sẻ thức ăn trong đĩa ấy cho người nghèo, nói lên sự lưu tâm đặc biệt của Cha Gilbe đối với những người kém may mắn.

Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Tình thương không đo lường bằng số lượng thực phẩm ban tặng, mà bằng tinh thần chia sẻ gói ghém bên trong. Đức Giêsu đã nhấn mạnh điểm này khi mở lời khen tặng bà góa nghèo vói hành vi dâng cúng đền thờ (Mc 12,42-44).

Người phú hộ giàu có ngày ngày yến tiệc linh đình sau khi chết đã phải bị sa vào chốn cực hình, chẳng qua cũng chỉ vì không biết quan tâm đến anh Ladarô nghèo đói, để rồi không biết chia sẻ những gì anh cần phải có để tiếp tục được sống (Lc 16,19-24).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn biết chia sẻ với mọi người thiếu may mắn, để không bị vào lửa đời đời mà được thừa hưởng hạnh phúc Nước Trời (Mt 25,31-46).

Suy niệm 6: Cầu nguyện

Trong suốt cuộc đời, Cha Gilbe sống thật đơn giản, ăn rất ít và dành nhiều thời giờ ban đêm để cầu nguyện.

Con người được Thiên Chúa tạo dựng nên không chỉ bằng chất liệu vật chất mà còn bằng yếu tố thần linh (St 2,7), nghĩa là con người không chỉ có xác mà còn có hồn, như thế con người là một hữu thể tôn giáo.

Đã là một hữu thể tôn giáo, Gilbe chú trọng đến lương thực thiêng liêng là việc cầu nguyện hơn là thực phẩm nuôi xác, nên ngài ăn rất ít và dành nhiều thời giờ ban đêm để cầu nguyện.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con theo gương Chúa để chọn lương thực thiêng liêng hơn thực phẩm nuôi xác (Ga 4,32-34).

Teresa Nhỏ Bé
17-02-2012, 10:03 AM
Ngày 17-02


BẢY VỊ SÁNG LẬP DÒNG TÔI TỚ ĐỨC MẸ


http://1.bp.blogspot.com/-znIyg_mG8aU/TzyqSB0Oa1I/AAAAAAAAK_Y/HlcPrkI-xso/s320/seven+saints.jpg (http://1.bp.blogspot.com/-znIyg_mG8aU/TzyqSB0Oa1I/AAAAAAAAK_Y/HlcPrkI-xso/s1600/seven+saints.jpg)


(thế kỷ 13)




Lược sử:

Có thể nào bạn tưởng tượng được có bảy người nổi tiếng của thành phố Saigon hoặc Hoa Thịnh Đốn cùng tụ nhau lại, từ giã gia đình sự nghiệp và sống cô độc trong một cuộc đời tận hiến cho Thiên Chúa không? Điều đó đã xảy ra trong thế kỷ XIII, ở thành phố Florence phồn thịnh và văn vậ Thánh Lúc ấy, thành phố này tan nát vì tranh chấp chính trị cũng như vì lạc giáo Cathari (trong những điều lầm lạc, họ cho rằng ma quỷ là chúa đối nghịch và Đức Giêsu chỉ là một thiên thần).
Đời sống luân lý thời ấy thật thấp và tôn giáo dường như không có ý nghĩa gì.

Năm 1240, bảy người quý phái của Florence cùng quyết định ra khỏi thành phố đến môt nơi cô quạnh để cầu nguyện và phục vụ Thiên Chúa. Sự khó khăn đầu tiên của họ là việc cấp dưỡng cho thân nhân, vì 2 người vẫn còn lập gia đình và 2 người nữa góa vợ.

Mục đích của họ là sống ăn năn đền tội và cầu nguyện, nhưng không bao lâu họ bị quấy rầy bởi những người hiếu kỳ đến từ Florence. Sau đó họ di chuyển đến một nơi vắng vẻ khác là sườn núi Senario.

Năm 1244, dưới sự linh hướng của Cha Phêrô ở Verona, O.P. (sau này được phong thánh), nhóm này theo thói quen đạo đức tương tự như của các cha Đa Minh, sống dưới quy luật của Thánh Augustine và lấy tên là Tôi Tớ Đức Maria. Tu hội này có hình thức tổ chức giống như các tu sĩ khất thực hơn là các đan viện thời xưa.

Năm 1852, các thành viên của tu hội từ Áo đến Hoa Kỳ và định cư ở Nữu Ước, sau đó ở Philadelphia. Hai tỉnh dòng Hoa Kỳ được phát triển từ một tổ chức nhỏ bé của Cha Austin Morini được thành lập ở Wisconsin năm 1870.

Các thành viên của tu hội phối hợp giữa đời sống đan viện và sự hoạt động tích cực. Trong đan viện, họ sống đời cầu nguyện, làm việc và giữ thinh lặng nhưng trong công tác tông đồ họ tham dự các công việc của giáo xứ, dạy học, rao giảng và các sứ vụ khác.


__________

Suy niệm hạnh thánh (của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)





Suy niệm 1: Lạc giáo

Thành phố Florence phồn thịnh và văn vậThánh Lúc ấy, thành phố này tan nát vì tranh chấp chính trị cũng như vì lạc giáo Cathari

Thời gian mà bảy vị sáng lập dòng Tôi Tớ Đức Mẹ sinh sống, đó là "thời gian tốt nhất và xấu nhất." Có lẽ nhiều người cảm thấy như bị lôi cuốn đến một cuộc sống phi văn hóa, ngay cả phi tôn giáo.

Từ đó nảy sinh lạc giáo Cathari cho rằng ma quỷ là chúa đối nghịch và Đức Giêsu chỉ là một thiên thần. Nhưng lại dấy lên những tâm hồn thánh thiện như bảy vị sáng lập dòng Tôi Tớ Đức Mẹ. Trong một phương cách mới hơn và khẩn thiết hơn, tất cả đều phải đối diện với những thử thách của một cuộc đời mà tâm điểm là Đức Kitô.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các người lạc giáo hồi tâm quay trở về ràn chiên của Chúa.

Suy niệm 2: Quyết định

Năm 1240, bảy người quý phái của Florence cùng quyết định ra khỏi thành phố đến môt nơi cô quạnh để cầu nguyện và phục vụ Thiên Chúa.

Đời người không thiếu những lần phải quyết định. Cần phải cân nhắc và suy nghĩ chín chắn với sự hỗ trợ của ơn Chúa để đi đến quyết định, vì sai một li thì đi cả một dặm.

Dầu muốn thả Đức Giêsu, nhưng trước sức ép của quần chúng, Philatô đã có một quyết định là thả Baraba vốn là một tên cướp và giết Đức Giêsu vô tội với bản án tử hình thập giá (Lc 23,24).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn có những quyết định sáng suốt và tốt lành hầu mưu ích cho bản thân và tha nhân.

Suy niệm 3: Ăn năn

Mục đích của họ là sống ăn năn đền tội và cầu nguyện, nhưng không bao lâu họ bị quấy rầy bởi những người hiếu kỳ đến từ Florence.

Chúa Kitô thánh thiện, vô tội, tinh tuyền, không hề phạm tội, chỉ đến để đền tội cho dân, còn Hội Thánh vì ôm ấp trong lòng những người tội lỗi, nên vừa thánh thiện vừa phải luôn thanh luyện mình. Do đó Hội Thánh luôn nỗ lực sám hối và canh tân.

Trong tất cả mọi người, cỏ lùng tội lỗi còn lẫn lộn với lúa tốt của Tin Mừng cho đến tận thế. Do đó Hội Thánh quy tụ những người tội lỗi đã được lãnh nhận ơn cứu độ của Chúa Kitô, nhưng còn đang trên đường thánh hóa (Sách Giáo Lý số 827).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con theo gương Hội Thánh luôn nỗ lực sám hối và canh tân.

Suy niệm 4: Tu hội

Tu hội này có hình thức tổ chức giống như các tu sĩ khất thực hơn là các đan viện thời xưa.

"Mọi tu hội hãy loan truyền tin mừng của Đức Kitô trên toàn thế giới bằng đức tin chính trực, bằng tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, bằng sự thành tâm với Thánh Giá và qua niềm hy vọng vào vinh hiển tương lai…

Do đó, với lời cầu bầu mạnh mẽ của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, mà 'cuộc đời ngài là quy luật cho mọi đời sống,' các cộng đồng tôn giáo sẽ cảm nghiệm sự gia tăng về số lượng, và sẽ gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp mà từ đó dẫn đến sự cứu độ" (Sắc Lệnh về Đời Sống Tu Trì, 25).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nhận ra sự đóng góp tích cực của các tu hội trong Giáo Hội.

Suy niệm 5: Nhỏ bé

Hai tỉnh dòng Hoa Kỳ được phát triển từ một tổ chức nhỏ bé của Cha Austin Morini được thành lập ở Wisconsin năm 1870.

Dầu nhỏ bé nhưng với quyền năng Thiên chúa thì đều có thể trở nên lớn lao và vĩ đại, đúng như hình ảnh hạt cải bé nhỏ nhất được Đức Giêsu dùng để ví với Nước Trời (Mt 13,32).

Chẳng những tổ chức nhỏ bé của Cha Austin Morini đã phát triển thành hai tỉnh dòng Hoa Kỳ, mà nhất là Giáo Hội tuy khởi đầu nhỏ bé nhưng đã lan rộng đến mọi dân nước trên khắp cả địa cầu.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn vững tin vào quyền năng Thiên Chúa, để chấp nhận tiến hành các việc bổn phận dầu bé nhỏ tầm thường.

Suy niệm 6: Phối hợp

Các thành viên của tu hội phối hợp giữa đời sống đan viện và sự hoạt động tích cực.

Trước đó vào hạ bán thế kỷ V, thánh Biển Đức đã đưa ra một quy luật liên kết đời sống cầu nguyện phụng vụ, học hỏi, và lao động chân tay, với châm ngôn “Orare et laborare” có nghĩa là cầu nguyện và làm việc theo gương Đức Giêsu.

Thật vậy Đức Giêsu đã từng sống tinh thần ấy. Thấy dân chúng đông đảo đang không có gì ăn, Ngài đã cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn rồi phân phát cho những người ngồi ở đó (Ga 6,11).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn đan xen việc cầu nguyện và làm việc, để mọi việc làm đều được thánh hóa.

Teresa Nhỏ Bé
18-02-2012, 10:07 AM
Ngày 15-02


Thánh GIOAN ở VALOA


http://2.bp.blogspot.com/-UFqqfjgquWI/Tz5SCCL3gjI/AAAAAAAALCo/kJ5pVxPyoZg/s320/jeanne+de+valois.jpg (http://2.bp.blogspot.com/-UFqqfjgquWI/Tz5SCCL3gjI/AAAAAAAALCo/kJ5pVxPyoZg/s1600/jeanne+de+valois.jpg)


(1464-1505)




Lược sử:

Thánh Gioan là cô con gái thứ hai của Vua Louis XI nước Pháp. Khi mới sinh được hai tháng thì ngài đã được hứa gả cho Công Tước Louis ở Orleans, và hôn nhân của họ xảy ra vào năm 1476 khi ngài mới 12 tuổi. Dĩ nhiên đó là một hôn nhân không có giá trị, và Công Tước Louis lấy ngài cũng chỉ vì lo sợ cho tương lai không biết sẽ ra sao nếu không tuân lệnh của nhà vua.

Gioan là một thiếu nữ tật nguyền, bị gù lưng, đi khập khiễng và bị rỗ. Mặc dù ngài phải đau khổ vì tàn tật, nhưng ngài đã kiên nhẫn chấp nhận sự bất lực ấy và dành nhiều thời giờ để cầu nguyện và suy niệm.

Khi chồng của ngài lên ngôi vua, Louis XII, hành động đầu tiên của ông là xin đức giáo hoàng tuyên bố hôn nhân ấy vô hiệu và chưa thành. Do đó, Gioan không được làm hoàng hậu của nước Pháp; ngài được ban cho tước hiệu Nữ Công Tước của Berry. Đối với Gioan đó là sự khuây khỏa khôn cùng và ngài đã đến Bouges. Ở đây ngài sống cuộc đời ẩn dật để cầu nguyện, và vào năm 1501, theo lời khuyên của vị linh hướng là Cha Gilbert Nicolas dòng Phanxicô, ngài sáng lập dòng nữ tu chiêm niệm - Nữ Tu Dòng Truyền Tin mà quy luật chính yếu là bắt chước các nhân đức của Đức Maria như được kể trong Phúc Âm.

Thánh Gioan từ trần ngày 4 tháng Hai năm 1505 khi 41 tuổi. Ngài được phong thánh vào năm 1950.

Suy niệm 1: Hôn nhân

Đó là một hôn nhân không có giá trị, và Công Tước Louis lấy ngài cũng chỉ vì lo sợ cho tương lai không biết sẽ ra sao nếu không tuân lệnh của nhà vua.

Đời thường hay có nhiều nguyên nhân dẫn đến hôn nhân, có thể từ cha mẹ theo quy chế ngày xưa là cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, hoặc có thể theo thói tục hiện hành là con cái muốn đâu thì cha mẹ chìu theo chỗ ấy.

Ngoài ra còn có những nguyên nhân chính trị lợi nhuận như trường hợp vua Henri VIII ly dị vợ là Catarina xứ Aragon để cưới Anna Boleyn, chứ không hẳn là tình yêu.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các đôi tình nhân nam nữ biết chọn lựa bạn đời theo thiện ý: yêu nhau là cùng nhau nhìn về một hướng, hướng thượng giới.

Suy niệm 2: Tật nguyền

Gioan là một thiếu nữ tật nguyền, bị gù lưng, đi khập khiễng và bị rỗ. Mặc dù ngài phải đau khổ vì tàn tật, nhưng ngài đã kiên nhẫn chấp nhận sự bất lực ấy và dành nhiều thời giờ để cầu nguyện và suy niệm.

Trước hoạn nạn hoặc tai họa, người đời thường có lối giải thích là hình phạt đến từ tội lỗi, như các tông đồ đã nêu lên vấn nạn với Chúa: người này bị mù bẫm sinh là do tội lỗi của y hay của cha mẹ y?

Chúa đã cho câu trả lời: Không phải thế nhưng là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện (Ga 9,2-3). Thật đúng như trường hợp của ông Gióp vốn thánh thiện nhưng gặp phải bao tai họa.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các bệnh nhân đủ loại, hoặc các người gặp phải rũi ro hoạn nạn, luôn có cái nhìn lạc quan là góp phần làm vinh danh Thiên Chúa.

Suy niệm 3: Đau khổ

Gioan là một thiếu nữ tật nguyền, bị gù lưng, đi khập khiễng và bị rỗ. Mặc dù ngài phải đau khổ vì tàn tật, nhưng ngài đã kiên nhẫn chấp nhận sự bất lực ấy và dành nhiều thời giờ để cầu nguyện và suy niệm.

Nếu đời là bể khổ, thì thử hỏi nào ai đi đâu mà tránh khỏi được? Nếu đã cố tránh mà vẫn phải gặp chứ không thể tránh được, thì khổ càng chồng chất thêm khổ thôi.

Tốt nhất hãy có thái độ chấp nhận và đương đầu, bằng một các nhìn lạc quan, với các giá trị tích cực của nó, như một thái độ của thánh Phanxicô Xavie với lời nguyện xin: Xin hãy gia tăng đau khổ cho con.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp những ai đang gặp khổ đau về thể xác cũng như tinh thần biết kiên nhẫn chấp nhận để kiến tạo được niềm vui thiêng liêng.

Suy niệm 4: Khuây khỏa

Gioan không được làm hoàng hậu của nước Pháp; ngài được ban cho tước hiệu Nữ Công Tước của Berry. Đối với Gioan đó là sự khuây khỏa khôn cùng và ngài đã đến Bouges. Ở đây ngài sống cuộc đời ẩn dật để cầu nguyện.

Từ lâu Gioan đã có một nhận định rất đúng về hôn nhân vô giá trị của mình, cọng thêm hình dáng tật nguyền không thích hợp với chức tức cao cả, nên khi không được làm hoàng hậu của nước Pháp, ngài cảm thấy khuây khỏa khôn cùng.

Bằng lòng với số phận cũng là một bí quyết giúp con người luôn cảm nhận được khuây khỏa trong cuộc sống. Bon chen và thèm muốn chỉ tạo nên buồn khổ khi không được thỏa mãn.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng mơ trèo cao kẻo té nặng, nhưng luôn tìm vui trong công việc bổn phận hằng ngày theo đấng bậc mình.

Suy niệm 5: Khuyên bảo

Theo lời khuyên của vị linh hướng là Cha Gilbert Nicolas dòng Phanxicô, Gioan sáng lập dòng nữ tu chiêm niệm.

Lời khuyên bảo vẫn luôn mang giá trị của một lời cố vấn, chứ không mang tính quyết định. Vì thế đương sự được khuyên bảo cần sáng suốt và can đảm quyết định để làm theo hoặc không làm theo.

Chúa chỉ cho đoàn dân theo Chúa trong rừng vắng cách có được sự sống đời đời, đó là phải ăn Mình và uống Máu Thánh Chúa (Ga 6,53-55). Dân cho là lời chói tai nên lần lượt lìa bỏ Chúa, không còn đi theo Chúa nữa (Ga 6,66). Chúa đón nhận thảm kịch này, vì chức năng khuyên bảo không vượt quá giới hạn cố vấn.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con khiêm tốn đón nhận những lời khuyên bảo hữu ích bằng việc hết mình tuân theo.

Suy niệm 6: Chiêm niệm

Theo lời khuyên của vị linh hướng là Cha Gilbert Nicolas dòng Phanxicô, Gioan sáng lập dòng nữ tu chiêm niệm.

Chiêm niệm là gì? Thánh nữ Têrêxa Cả cho biết: “Theo tôi, chiêm niệm chính là một cuộc trao đổi thân tình giữa hai người bạn, thường chỉ là một mình đến với Thiên Chúa mà ta biết là Đấng yêu thương ta”.

Trong chiêm niệm, chúng ta đi tìm “Đấng lòng ta yêu mến” (Dc 1,7), nghĩa là chính Đức Giêsu, và trong Người, chúng ta tìm đến Chúa Cha. Chúng ta đi tìm Người, vì ta yêu mến nên khát khao Người. Trong chiêm niệm, có thể chúng ta vẫn suy gẫm, nhưng tâm trí hướng thẳng về Chúa. (Sách Giáo Lý, số 2709).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết cầu nguyện theo phương cách chiêm niệm nữa.

Teresa Nhỏ Bé
18-02-2012, 10:18 AM
Ngày 18-02


Thánh SIMÊON


http://2.bp.blogspot.com/-sWa7SMAb4j4/Tz5PK1vuUuI/AAAAAAAALCY/dQChqrdeDms/s200/simon.jpg (http://2.bp.blogspot.com/-sWa7SMAb4j4/Tz5PK1vuUuI/AAAAAAAALCY/dQChqrdeDms/s1600/simon.jpg)


(c.107)




Lược sử:

Simêon, hoặc Simon, dường như là bà con với Đức Giêsu. Người ta cho rằng cha của ngài là Clêopha, anh của Thánh Giuse và mẹ ngài là chị họ Đức Maria. Có lẽ ngài là một trong những người "anh em của Đức Giêsu" có mặt ở căn phòng bên trên vào ngày Ngũ Tuần. Ngài được chọn là Giám Mục thứ hai của Giêrusalem khi anh của ngài là Giacôbê Nhỏ tử vì đạo.

Vào năm 66, cuộc nội chiến bùng nổ ở Palestine như hậu quả việc người Do Thái chống đối đế quốc La Mã. Cộng đồng Kitô Hữu ở Giêrusalem được tiên báo là sẽ bị người Rôma tiêu diệThánh Trong năm đó, trước khi Vespasian đưa quân vào Giuđêa, Thánh Simêon đã dẫn dắt cộng đoàn nhỏ bé đến nơi an toàn trong một thành phố nhỏ bé tên là Pella, ở bên kia sông Giođan.

Sau khi Giêrusalem bị đốt và chiếm đóng, người Kitô trở về và sống giữa những hoang tàn đổ nát cho đến khi Hoàng Đế Hadrian sau đó đã san bằng Giêrusalem.
http://2.bp.blogspot.com/-vHLJ1Ai92Tg/Tz5PXeWTCLI/AAAAAAAALCg/_HqMU71b4LM/s1600/simeon+jerusalem.jpg (http://2.bp.blogspot.com/-vHLJ1Ai92Tg/Tz5PXeWTCLI/AAAAAAAALCg/_HqMU71b4LM/s1600/simeon+jerusalem.jpg)


Thánh Epiphanius và Eusebius kể rằng giáo hội ở đây đã phát triển cách đáng kể, và nhiều người Do Thái đã tòng giáo sau những phép lạ của các thánh. Khi Vespasian và Domitian ra lệnh tiêu diệt tất cả những ai thuộc dòng dõi Đavít, Thánh Simêon đã trốn thoát sự bắt bớ đó; nhưng đến thời Trajan cũng ra một lệnh tương tự, thì ngài đã bị bắt với tư cách không những là hậu duệ của Đavít mà còn là một Kitô Hữu, và ngài đã bị đưa ra trước Atticus, quan tổng trấn Rôma. Ngài bị kết án tử hình và, sau khi bị tra tấn, ngài đã chết treo trên thập giá.

Mặc dù ngài thật cao tuổi - truyền thống nói rằng ngài sống đến 120 tuổi - nhưng sự can đảm chịu đựng tra tấn mà không chối bỏ đức tin của ngài đã khiến ngay cả Atticus cũng phải thán phục.



__________





Suy niệm hạnh thánh (của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)




Suy niệm 1: Anh em

Có lẽ Simêon là một trong những người "anh em của Đức Giêsu" có mặt ở căn phòng bên trên vào ngày Ngũ Tuần.

Dĩ nhiên Simêon là anh em họ cùng huyết thống với Đức Giêsu. Nhưng ngài đã sống thật xứng đáng, chứ không làm hổ danh cho gia tộc mình, khi được tín nhiệm để giữ chức vụ Giám Mục cũng như chấp nhận cuộc tử hình thập giá.

Qua bí tích Rửa Tội, mỗi kitô hữu cũng được vinh dự thuộc về linh tộc của Đức Giêsu. Chớ gì mỗi người luôn nỗ lực sống xứng đáng với danh hiệu này, cho dầu phải chịu bao thiệt thòi trên đường đời cũng như bao gian truân thử thách vì đạo Chúa.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn tôn vinh và sống rạng danh Chúa mọi nơi mọi lúc.

Suy niệm 2: Giám Mục

Simêon được chọn là Giám Mục thứ hai của Giêrusalem khi anh của ngài là Giacôbê Nhỏ tử vì đạo.

Để Tin Mừng luôn luôn được gìn giữ nguyên vẹn và sống động trong Hội Thánh, các tông đồ đã đặt các Giám Mục làm người kế nhiệm, và trao lại cho họ trách nhiệm giáo huấn của các ngài (DV 7).

Nhiệm vụ giải nghĩa cách chân chính Lời Thiên Chúa đã được viết ra hay lưu truyền, chỉ được ủy thác cho Huấn Quyền sống động của Hội Thánh, và Hội Thánh thi hành quyền đó nhân danh Đức Giêsu Kitô, nghĩa là được ủy thác cho những Giám Mục sống hiệp thông với Giám Mục Rôma là người kế nhiệm thánh Phêrô (DV 10).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các vị Giám Mục luôn là những mục tử nhân lành như lòng Chúa mong ước.

Suy niệm 3: Nội chiến

Vào năm 66, cuộc nội chiến bùng nổ ở Palestine như hậu quả việc người Do Thái chống đối đế quốc La Mã.

Cuộc nội chiến nào nói chung cũng có thời gian kết thúc dầu sớm hay muộn. Nhưng có một cuộc nội chiến thiêng liêng luôn kéo dài mãi đến ngày tận cùng thế giới, đó cuộc nội chiến giữa thế lực tối tăm của ma quỷ với Thiên Chúa cùng các tôi trung của Người.

Thật vậy kể từ ngày tội lỗi xuất hiện (St 3), Con Mãng Xà luôn săn đuổi người Phụ Nữ và hậu duệ của Bà (Kh 12; 17; 19). Vì thế nảy sinh một cuộc nội chiến triền miên mãi đến chết nơi bản thân mỗi người giữa thiện và ác (Rm 7,15; 2Cr 12,7) .

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sức mạnh thần linh để luôn chiến thắng trong cuộc chiến nội tâm.

Suy niệm 4: Dẫn dắt

Trước khi Vespasian đưa quân vào Giuđêa, Thánh Simêon đã dẫn dắt cộng đoàn nhỏ bé đến nơi an toàn trong một thành phố nhỏ bé tên là Pella, ở bên kia sông Giođan.

Người mục tử nhân lành có sứ vụ chăn dắt với mối quan tâm chu đáo (Ed 34,11tt) và mang lại sự sống dồi dào (Ga 10,10) ngay cả phần thân xác. Vì thế Thánh Simêon đã tìm nơi an toàn cho đoàn chiên.

Đức Giêsu chẳng những làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi sống đoàn người theo Chúa (Ga 6), mà còn xin binh lính đừng bắt nhưng để cho các tông đồ được an toàn ra đi (Ga 18,8).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con an tâm tín thác vào sự chăn dắt của các vị mục tử của chúng con.

Suy niệm 5: Hoang tàn

Sau khi Giêrusalem bị đốt và chiếm đóng, người Kitô trở về và sống giữa những hoang tàn đổ nát.

Đức Giêsu đã thấy trước cảnh hoang tàn đổ nát của Giêrusalem đến mức không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào khiến Ngài phải khóc thương (Lc 19,44).

Những giọt lệ này chẳng là gì sánh với dòng máu đổ ra đến giọt máu cuối cùng (Ga 19,34) để ban ơn cứu độ cho mọi người, nhưng rồi Ngài lại phải chứng kiến bao tâm hồn hoang tàn đổ nát do hậu quả tội lỗi gây nên (Kh 18,2-5).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn giữ tâm hồn trong sạch, để lòng được tràn đầy ân sủng Thiên Chúa chứ không trở nên cảnh hoang tàn.

Suy niệm 6: Giờ

Thánh Simêon đã trốn thoát sự bắt bớ đó; nhưng đến thời Trajan cũng ra một lệnh tương tự, thì ngài đã bị bắt với tư cách không những là hậu duệ của Đavít mà còn là một Kitô Hữu.

Sở dĩ Thánh Simêon đã trốn thoát được sự bắt bớ thời Vespasian và Domitian cũng như giúp đoàn chiên tìm được nơi an toàn, vì giờ chưa đến. Nhưng đến thời Trajan thì giờ điểm nên ngài đã bị bắt và bị tử hình.

Xác tín vào giờ Chúa định liệu, mỗi kitô hữu nên tận dụng thời gian để sống thật tốt nhằm chuẩn bị cho lúc giờ điểm, vì giờ Chúa đến thì như kẻ trộm, không một ai có thể biết (Mt 24,42-44).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn sống tinh thần tỉnh thức để chờ đón giờ Chúa đến.

Teresa Nhỏ Bé
19-02-2012, 10:55 AM
Ngày 19-02


THÁNH CONRAD Ở PIACENZA


http://3.bp.blogspot.com/-w0BAzDoeDyk/Tz-8rLiruaI/AAAAAAAALFI/2AYre2aMKD0/s1600/conrad01.jpg (http://3.bp.blogspot.com/-w0BAzDoeDyk/Tz-8rLiruaI/AAAAAAAALFI/2AYre2aMKD0/s1600/conrad01.jpg)

(1290-1350)



Lược sử:

Sinh trong một gia đình giầu có thuộc miền bắc nước Ý, Conrad kết hôn với Euphrosyne, con gái của một người quý phái.

Một ngày kia, trong khi đi săn Conrad ra lệnh đốt một số bụi rậm để lùa thú ra ngoài. Lửa cháy lan ra cánh đồng kế cận và thiêu hủy cả một cánh rừng. Một nông dân vô tội bị cầm tù, bị đánh đập ép phải nhận tội và bị kết án tử hình. Tuy nhiên Conrad đã ra thú tội, cứu mạng người nông dân ấy và ông phải bồi thường thiệt hại.

Sau biến cố ấy không lâu, Conrad và vợ đồng ý ly thân: bà gia nhập tu viện Dòng Thánh Clara Nghèo Hèn và ông đến với một nhóm người sống ẩn dật theo quy luật Dòng Ba Phanxicô. Tuy nhiên, không bao lâu, sự thánh thiện nổi tiếng của ông lan tràn. Vì sự cô quạnh bị khuấy động bởi các khách thăm viếng, Conrad di chuyển đến một nơi hoang vắng ở Sicily và ông sống ẩn dật ở đây trong 36 năm, cầu nguyện cho chính mình cũng như cho thế gian.

Sự cầu nguyện và ăn năn đền tội là cách ông đáp trả với những cám dỗ cản trở ông nên thánh. Ông từ trần khi còn quỳ gối trước tượng thánh giá. Ông được phong thánh năm 1625.

Lời Bàn

Thánh Phanxicô Assisi vừa quý trọng sự chiêm niệm vừa yêu quý đời sống rao giảng; giai đoạn cầu nguyện mãnh liệt là để nuôi dưỡng sức mạnh rao giảng. Tuy nhiên, một số môn đệ đầu tiên của ngài cảm thấy được mời gọi đến đời sống chiêm niệm, và ngài chấp nhận điều đó. Mặc dù đời sống Thánh Conrad ở Piacenza không phải là một quy tắc trong Giáo Hội, nhưng ngài và các vị chiêm niệm khác nhắc nhở chúng ta về sự vĩ đại của Thiên Chúa và niềm vui của thiên đàng.

Lời Trích

Trong Huấn Thị về Ðời Sống Chiêm Niệm, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI có viết như sau: "Rút lui vào nơi vắng vẻ là để người Kitô kết hợp chính mình một cách mật thiết với sự thống khổ của Ðức Kitô, và trong một phương cách đặc biệt, giúp họ chia sẻ mầu nhiệm vượt qua và hành trình của Ðức Kitô từ trần thế đến quê trời" (#1).



__________




Suy niệm hạnh thánh (của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)






Suy niệm 1: Giàu và nghèo

Một nông dân vô tội bị cầm tù, bị đánh đập ép phải nhận tội và bị kết án tử hình.

Trong khi đó người giàu có đi săn, dùng lửa đốt một số bụi rậm để lùa thú ra ngoài khiến cả một cánh rừng bị thiêu hủy, thế mà lại không bị truy tố. Một phân biệt đối xử thường gặp trong xã hội.

Ngôn sứ Amốt cũng cho thấy giá trị người cùng khốn bị người giàu đánh giá chỉ bằng một đôi dép (Am 8,6). Hoặc một tục ngữ cho hay: người giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn sống công minh chính trực, không nể người giàu và không khinh người nghèo.

Suy niệm 2: Thú tội

Conrad đã ra thú tội, cứu mạng người nông dân ấy và ông phải bồi thường thiệt hại.

Không bị xã hội buộc tội, nhưng lại bị lương tâm cắn rứt do việc sai trái mình làm vốn gây nên án tử cho một người vô tội, Conrad can đảm thú tội và chấp nhận bồi thường thiệt hại.

Đời người thường tốt khoe xấu che và khéo léo chạy tội khi bị phát hiện, chỉ có bậc chính nhân quân tử với tâm hồn đạo đức thánh thiện như một Conrad mới anh dũng tự thú tội để cứu sống người vô tội.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đã phạm lỗi thì biết sửa sai và bước đầu là can đảm thú lỗi.

Suy niệm 3: Ly thân

Conrad và vợ đồng ý ly thân: bà gia nhập tu viện Dòng Thánh Clara Nghèo Hèn và ông đến với một nhóm người sống ẩn dật theo quy luật Dòng Ba Phanxicô.

Hôn nhân công giáo không chấp nhận ly dị theo giáo huấn của Đức Kitô (Mt 19,9), nhưng cho phép ly thân khi có lý do chính đáng và được sự chuẩn y của Đấng bản quyền (Sách Giáo Lý số 2383).

Dầu sao đi nữa thì đây cũng là một trong những trường hợp ngoại lệ, mà đã là ngoại lệ thì không nên lạm dụng, trừ phi đó là kế đồ của Thiên Chúa, vì thế cần phải rất sáng suốt và sốt sắng cầu nguyện để nhận ra Thiên Ý trước khi quyết định.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn quyết định và sống theo Thiên Ý trong mọi tình huống.

Suy niệm 4: Hoang vắng

Conrad di chuyển đến một nơi hoang vắng ở Sicily và ông sống ẩn dật ở đây trong 36 năm.

Nơi hoang vắng cũng là một môi trường thích hợp để chiêm niệm. Vì thế khi sự cô quạnh bị khuấy động bởi các khách thăm viếng, Conrad tìm đến nơi thật yên tịnh.

Trong Huấn Thị về Đời Sống Chiêm Niệm, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI có viết: "Rút lui vào nơi vắng vẻ là để người Kitô kết hợp chính mình cách mật thiết với sự thống khổ của Đức Kitô, và trong một phương cách đặc biệt, giúp họ chia sẻ mầu nhiệm vượt qua và hành trình của Đức Kitô từ trần thế đến quê trời".

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con phải biết thỉnh thoảng rút lui vào nơi hoang vắng, để sống những giây phút nhiệm hiệp với Chúa.

Suy niệm 5: Chiêm niệm

Conrad di chuyển đến một nơi hoang vắng ở Sicily và ông sống ẩn dật ở đây trong 36 năm, cầu nguyện cho chính mình cũng như cho thế gian.

Thánh Phanxicô Assisi vừa quý trọng sự chiêm niệm vừa yêu quý đời sống rao giảng; giai đoạn cầu nguyện mãnh liệt là để nuôi dưỡng sức mạnh rao giảng. Tuy nhiên, một số môn đệ đầu tiên của ngài cảm thấy được mời gọi đến đời sống chiêm niệm, và ngài chấp nhận điều đó.

Mặc dù đời sống Thánh Conrad ở Piacenza không phải là một quy tắc trong Giáo Hội, nhưng ngài và các vị chiêm niệm khác nhắc nhở chúng ta về sự vĩ đại của Thiên Chúa và niềm vui của thiên đàng.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng mãi mê hoạt động mà chểnh mảng việc chiêm niệm.

Suy niệm 6: Ăn năn

Sự cầu nguyện và ăn năn đền tội là cách ông đáp trả với những cám dỗ cản trở ông nên thánh.

Thể theo lời Đức Giêsu chỉ dạy, Conrad đã dùng phương thức tỉnh thức cầu nguyện để khỏi phải sa chước cám dỗ, vì tinh thần vốn hăng hái nhưng thể xác lại yếu hèn (Mt 26,41).

Ăn năn tội là đau đớn trong lòng và chê ghét tội đã phạm, dốc lòng chừa từ nay không phạm tội nữa. Đó cũng là phương thức hữu hiệu Conrad sử dụng phối hợp với việc cầu nguyện để chống trả cám dỗ.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con học theo gương thánh Conrad, để luôn đứng vững được trước mọi chước cám dỗ.

Phù thủy nhỏ
19-02-2012, 06:44 PM
Cám ơn chị Teresa Nhỏ Bé thật nhiều, nhờ những câu chuyện các thánh,mà mỗi ngày của em thêm ý nghĩa và bình an, đọc truyện xong, lại có phần diễn giải, suy niệm và cầu nguyện. Thực là rất hay và ý nghĩa, tạ ơn Chúa vì mỗi ngày của con là một mầu nhiệm và hồng ân.

Hôm nay, con học được bài học, đôi khi phải nép mình để nhìn lại những việc làm và hành động của mình. Xin Chúa ban bình an cho con lúc này

Teresa Nhỏ Bé
20-02-2012, 10:20 AM
Ngày 20-02


Thánh CLAUDE DE LA COMBIÈRE


http://4.bp.blogspot.com/-SM_UX_41YSI/T0EAYsiS8uI/AAAAAAAALGQ/637eIAPLVBc/s1600/claude+de+la+combiere.jpg (http://4.bp.blogspot.com/-SM_UX_41YSI/T0EAYsiS8uI/AAAAAAAALGQ/637eIAPLVBc/s1600/claude+de+la+combiere.jpg)


(1541-1682)


Lược sử:

Thánh Claude sinh năm 1641 gần Lyons, nước Pháp, trong một gia đình đạo đức, giầu có. Ngài theo học trường của các cha dòng Tên về âm thanh và nghệ thuật.

Sau đó Claude vào trường đệ tử dòng Tên ở Avignon, là nơi ngài học xong triết học và bắt đầu dạy về nhân văn. Trong thời gian ngài dạy học ở Avignon là khi đạo quân của Louis XIV chiếm đóng, dù đó là nơi đức giáo hoàng cư ngụ. Khi hòa bình trở lại, thành phố Avignon cử mừng lễ Thánh Phanxicô Sales; mặc dù chưa được thụ phong linh mục, Claude là một trong những người được yêu cầu giảng thuyết . Để hoàn tất chương trình thần học ngài được gửi sang Balê là trung tâm văn hóa của nước Pháp, ở đó ngài được chọn làm thầy giáo tư cho các con của một bộ trưởng Pháp, là ông Colber. Nhưng trong một bài viết, ông Colbert có những lời châm biếm tôn giáo mà Cha Claude không tán thành với ông bộ trưởng, do đó ngài bị gửi trả về Avignon và được bổ nhiệm việc thuyết giảng ở một nhà thờ thuộc trường đại học.

Trong các bài giảng, ngài thường tố cáo những sai lầm của lạc thuyết Jansen mà ngài thấy đầy dẫy ở Balê. Cha Claude bài trừ tà thuyết bằng cách giảng dạy về việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Trong một cuộc tĩnh tâm ngài thề tận hiến cho Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Hai tháng sau khi thề hứa, ngài được bổ nhiệm làm bề trên cho một trụ sở nhỏ của dòng Tên ở Paray. Chính ở đây mà ngài gặp Sơ Margaret Mary Alacoque, và là cha giải tội cho sơ và nhấn mạnh đến việc sùng kính Thánh Tâm Chúa.

Sau đó Cha Claude được sai đến nước Anh với công việc giải tội cho Nữ Công Tước của York. Ngài rao giảng không những bằng lời nói mà còn bằng hành động, và đã đưa nhiều người Tin Lành trở lại đạo. Trong thời gian ở đây, những chống đối người Công Giáo ngày càng gia tăng. Có tiếng đồn cho rằng người Công Giáo âm mưu giết vua để tái lập đạo Công Giáo tại Anh. Cha Claude bị bắt và bị cầm tù về tội tham dự vào âm mưu này trước khi thành công trong việc hoán cải nhà vua. Chính nhờ vua Louis XIV can thiệp mà Cha Claude không bị xử tử.

Cha Claude bị trục xuất, nhưng thời gian tù đầy đã ảnh hưởng tệ hại đến sức khỏe của ngài. Theo lời khuyên của Sơ Margaret Mary, ngài trở về Paray và từ trần tại đây năm 1682. Một ngày sau khi ngài chết, Sơ Margaret Mary được thị kiến siêu nhiên, đảm bảo rằng Cha Claude La Colombiere không cần được cầu nguyện, vì ngài đã ở trên thiên đàng.

Cha Claude được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh ngày 31 tháng Năm 1992.

__________


Suy niệm hạnh thánh (của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)





Suy niệm 1: Gia đình

Thánh Claude sinh năm 1641 gần Lyons, nước Pháp, trong một gia đình đạo đức, giầu có.

Gia đình là môi trường tiên khởi mỗi người lớn lên theo năm tháng, vì thế việc giáo dục đóng một vai trò rất quan trọng cho tương lai của một đời người.

Không thiếu những thánh nhân đã xuất thân từ lò đào tạo đạo đức của gia đình. Và ngược lại vẫn hằng tồn tại những ác nhân đến từ ảnh hưởng xấu của tổ ấm gia đình, đúng như lời Đức Giêsu khẳng định: Cây mà tốt thì quả cũng tốt, cây mà sâu thì quả cũng sâu (Mt 12,33).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các bậc phụ huynh ý thức và chu toàn trách nhiệm trọng đại của mình.

Suy niệm 2: Trường học

Claude vào trường đệ tử dòng Tên ở Avignon, là nơi ngài học xong triết học và bắt đầu dạy về nhân văn.

Trường học là nơi truyền đạt kiến thức, nhưng cũng là nơi đào tạo đạo đức con người. Tiên học lễ, hậu học văn. Người có tài mà không có đức thì chỉ gây tai họa cho người và xã hội.

Ý thức được điều đó, mẫu thân của thầy Mạnh Tử đã chấp nhận dời nhà xa rời phố chợ để đến gần trường học hơn, hầu tránh được cho con mình những thói xấu thường có ở chợ, và hấp thụ được nhiều điều hay ở trường học.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các bậc phụ huynh hy sinh tiện ích cá nhân để chọn trường tốt cho con cái.

Suy niệm 3: Giảng thuyết

Mặc dù chưa được thụ phong linh mục, Claude là một trong những người được yêu cầu giảng thuyết.

Giá trị của việc giảng thuyết không chỉ hệ tại ở lời mà nhất là còn chủ yếu ở việc sống những lời mình rao giảng. Chính vì thế mà Claude được chọn dầu chưa là linh mục, vì ngài rao giảng không những bằng lời nói mà còn bằng hành động, và đã đưa nhiều người Tin Lành trở lại đạo.

Đấy là điều mà Đức Giêsu nhấn mạnh khi dạy dân chúng hãy nghe chứ đừng làm theo lối sống của các kinh sư, vì họ nói mà không làm (Mt 23,3). Và đó cũng là điểm mà quần chúng nhận thấy Đức Giêsu trổi vượt các kinh sư (Mc 1,22).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con rao giảng bằng hành động chứng nhân nhiều hơn bằng lời nói.

Suy niệm 4: Tử đạo

Ông Colbert có những lời châm biếm tôn giáo mà Cha Claude không tán thành với ông bộ trưởng, do đó ngài bị gửi trả về Avignon.

Claude không tử đạo bằng việc đổ máu, nhưng lại tử đạo cách thiêng liêng, khi chấp nhận bị thôi việc làm gia sư tại nhà ông bộ trưởng, vì không tán thành những lời châm biếm tôn giáo của ông bộ trưởng.

Xưa kia thánh Gioan Tẩy Giả cũng can đảm phản đối cuộc hôn nhân bất hợp pháp của vua Hêrôđê, cho dầu phải bị xiềng xích và sau đó bị chém đầu trong ngục thất (Mc 6,17-29).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng bỏ qua một dịp nào để đón nhận cuộc tử đạo thiêng liêng.

Suy niệm 5: Lạc thuyết Jansen

Trong các bài giảng, Cha Claude thường tố cáo những sai lầm của lạc thuyết Jansen mà ngài thấy đầy dẫy ở Balê. Ngài bài trừ tà thuyết bằng cách giảng dạy về việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Cornelius Jansen - Giám Mục của Yprés - chủ trương rằng bản tính loài người quá hư hỏng vì tội nguyên tổ nên không có khả năng chống lại sự cám dỗ, không xứng đáng được rước lễ thường xuyên.

Jansen chống lại sự thờ kính nhân tính của Chúa Giêsu được thể hiện qua việc sùng kính Thánh Tâm.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp những người theo lạc thuyết biết hồi tâm trở về với ràn chiên Chúa.

Suy niệm 6: Thánh Tâm Chúa Giêsu

Trong các bài giảng, Cha Claude thường tố cáo những sai lầm của lạc thuyết Jansen mà ngài thấy đầy dẫy ở Balê. Ngài bài trừ tà thuyết bằng cách giảng dạy về việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Nhằm bài trừ tà thuyết, ngài giảng dạy về việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, để rồi trong một cuộc tĩnh tâm ngài thề tận hiến cho Thánh Tâm Chúa Giêsu. Hơn thế, 2 tháng sau khi thề hứa, ở Paray, ngài gặp Sơ Margaret Mary Alacoque, và là cha giải tội cho sơ, nhưng cũng được hỗ trợ về lòng sùng kính này.

Quả vậy, Thánh Margaret Mary Alacoque là người đã được Chúa Giêsu hiện ra nhiều lần, và sứ điệp đặc biệt là sùng kính Thánh Tâm Chúa. Thánh nữ được Chúa Giêsu gọi là "Người môn đệ yêu dấu của Thánh Tâm Ta".

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn ẩn náu trong Thánh Tâm Chúa, để không bao giờ sa vào bất cứ tà thuyết nào.

Teresa Nhỏ Bé
20-02-2012, 10:25 AM
Ngày 20-02


Chân Phước JACINTA và FRANCISCO MARTO

(1910-1920; 1908-1919)


Lược sử:

Trong quãng thời gian từ 13 tháng Năm đến 13 tháng Mười 1917, ba trẻ chăn chiên người Bồ Ðào Nha ở Aljustrel đã được thấy Ðức Bà hiện ra ở Cova da Iria, gần Fatima, một thành phố cách thủ đô Lisbon 110 dặm về phía bắc. Vào lúc đó, Âu Châu đang can dự vào một cuộc chiến đẫm máu. Chính Bồ Ðào Nha, sau khi lật đổ chế độ quân chủ vào năm 1910, cũng đang trong sự rối loạn chính trị; sau đó không lâu nhà cầm quyền giải tán các tổ chức tôn giáo.

http://4.bp.blogspot.com/-3Crkrkg-oIU/T0EJEV8rkpI/AAAAAAAALGo/P5TGA9-siGw/s320/FatimaSeers.jpg (http://4.bp.blogspot.com/-3Crkrkg-oIU/T0EJEV8rkpI/AAAAAAAALGo/P5TGA9-siGw/s1600/FatimaSeers.jpg)




Từ trái sang: Jacinta Marto, Lucia dos Santos, Francisco Marto



Trong lần hiện ra đầu tiên, Ðức Maria yêu cầu các trẻ trở lại nơi này vào ngày mười ba mỗi tháng trong sáu tháng kế tiếp. Ngài cũng yêu cầu các trẻ học hành để biết đọc biết viết, và lần chuỗi mai khôi "để thế giới được hòa bình và chấm dứt chiến tranh." Các trẻ cũng được khuyên hãy cầu nguyện cho những người tội lỗi và xin cho nước Nga được hoán cải, mà lúc bấy giờ Nga Hoàng Nicholas II vừa mới bị lật đổ và sau đó không lâu nước Nga rơi vào sự thống trị của chế độ cộng sản. Vào lần thị kiến sau cùng, 13-10-1917, có đến 90,000 người tụ tập tại Cova da Iria.

Chưa đầy hai năm sau, Francisco từ trần vì bệnh cúm ở ngay quê nhà. Em được chôn cất trong nghĩa trang giáo xứ và sau đó được cải táng về vương cung thánh đường Fatima vào năm 1952. Jacinta cũng chết vì bệnh cúm ở Lisbon sau khi dâng hiến sự đau khổ của mình để hoán cải người tội lỗi, để xin bình an cho thế giới và cho Ðức Thánh Cha. Cô được cải táng về vương cung thánh đường Fatima năm 1951. Người bà con với hai em là Lucia dos Santos, đã trở thành một nữ tu dòng Camêlô và hiện còn sống khi Jacinta và Francisco được phong chân phước vào năm 2000. Hàng năm, có đến 20 triệu người đến viếng đền Ðức Mẹ Fatima ở Bồ Ðào Nha.

Lời Bàn

Giáo Hội luôn luôn rất thận trọng khi phải chứng thực các việc hiện ra, nhưng Giáo Hội đã chứng kiến kết quả tốt đẹp của sứ điệp Ðức Bà Fatima khi người ta thay đổi đời sống. Cầu nguyện cho kẻ tội lỗi, tận hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Ðức Maria và lần chuỗi mai khôi--tất cả những điều này đã củng cố Tin Mừng mà Ðức Giêsu rao giảng.

Lời Trích

Trong bài giảng lễ phong chân phước, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhắc lại lời của Jacinta nói với Francisco ngay trước khi em từ trần, "Anh cho em gửi lời chào Chúa và Ðức Mẹ, và nói với các Ngài rằng em sẵn sàng chịu đựng mọi sự mà các Ngài muốn để hoán cải kẻ tội lỗi."

Teresa Nhỏ Bé
21-02-2012, 09:16 AM
Ngày 21-02


Thánh PHÊRÔ ĐAMIAN

http://2.bp.blogspot.com/-fn7Z3BWxMUE/T0Js9tnD0YI/AAAAAAAALJo/2trK16VRh-k/s1600/peter+damian.jpg (http://2.bp.blogspot.com/-fn7Z3BWxMUE/T0Js9tnD0YI/AAAAAAAALJo/2trK16VRh-k/s1600/peter+damian.jpg)



(1007-1072)



Lược sử:

Có lẽ vì là trẻ mồ côi và bị đối xử thật tệ hại khi còn nhỏ nên Thánh Phêrô Damian thật tốt với người nghèo. Trong bữa ăn, lúc nào cũng có một hay hai người nghèo ăn chung với ngài, và đích thân ngài lo lắng cho nhu cầu của họ.

Ngài sinh ở Ravenna, mồ côi cha mẹ khi còn nhỏ và sống với người anh ruột nhưng bị đối xử như người đầy tớ. Khi mới lớn một chút, ngài đã bị sai đi chăn heo. Một người anh khác, là giáo trưởng ở Ravena, thấy thương hại chú em bơ vơ nên đem ngài về nuôi nấng cho ăn học tử tế. Có lẽ vì nhớ ơn dưỡng dục của người anh mà Phêrô đã lấy tên người anh, là Damian, thành tên của mình.

Phêrô là một học sinh có năng khiếu và sau đó trở thành một giáo sư nổi tiếng. Trong thời gian này, Phêrô cố làm quen với sự chay tịnh, sự cầu nguyện và ngài mặc áo nhặm bên trong áo thường để chống với các cám dỗ của lạc thú và mưu chước ma quỷ.

Sau một thời gian, ngài quyết tâm từ bỏ thế gian để sống đời ẩn tu với các đan sĩ Biển Đức thuộc nhánh cải cách của Thánh Rômuanđô ở Fonte Avellana. Các đan sĩ thường sống hai người một trong một cái am cách xa nhau, để cầu nguyện và đọc sách thiêng liêng, với cuộc sống rất khắc khổ. Vì quá hăng say trong sự cầu nguyện và ngủ quá ít nên không bao lâu Phêrô bị bệnh mất ngủ trầm trọng. Ngài phải thận trọng kềm chế và săn sóc chính mình. Vì lý do đó, ngài dành nhiều thời giờ để nghiên cứu Kinh Thánh, và trở nên một thi sĩ sáng tác thơ đạo cũng nổi tiếng như trong văn chương đời trước đây.

Do một quyết định của toàn thể các đan sĩ, ngài phải chịu trách nhiệm lãnh đạo Cộng Đoàn khi vị bề trên qua đời. Do đó, sau khi vị đan viện trưởng từ trần khoảng năm 1043, Phêrô đã dẫn dắt gia đình thánh thiện này với sự khôn ngoan và đạo đức. Ngài cũng thành lập thêm năm đan viện khác. Ngài duy trì tinh thần cô độc, bác ái và khiêm nhường. Nhiều vị đan sĩ dưới sự dẫn dắt của ngài là các ngôi sao sáng của Giáo Hội, kể cả Thánh Đaminh Loricatus, Thánh Gioan ở Lodi là người kế vị ngài trong chức vụ đan viện trưởng ở Holy Cross.

Trong nhiều năm, Thánh Phêrô Damian thường giúp các Giáo Hoàng trong công việc hòa giải giữa các tu hội kình chống nhau, hoặc giữa giáo sĩ, viên chức chính phủ và Tòa Thánh. Năm 1057, Đức Giáo Hoàng Stephanô IX thuyết phục ngài từ bỏ đời ẩn dật và đặt ngài làm Giám Mục-Hồng Y của Ostia.

Ngài tích cực tẩy trừ nạn buôn bán chức vụ trong Giáo Hội, khuyến khích các linh mục sống độc thân, và thúc giục các linh mục triều sống thành cộng đoàn, giữ chương trình cầu nguyện. Ngài ao ước phục hồi tinh thần kỷ luật nguyên thủy của các tu sĩ và linh mục, cảnh cáo họ về việc di chuyển không cần thiết, vi phạm đức khó nghèo và sống quá thoải mái. Ngài viết thư khiển trách Đức Giám Mục Florence về việc chơi cờ, và Đức Giám Mục Besancon về việc để giáo sĩ ngồi khi đọc thánh vịnh trong Kinh Nhật Tụng.

Ngài viết rất nhiều thư. Khoảng 170 lá hiện vẫn còn. Chúng ta cũng còn 53 bài giảng của ngài và bảy tiểu sử ngài viết. Ngài thích viết về gương mẫu và chuyện thật hơn là lý thuyết. Các bản văn phụng vụ của ngài cho thấy ngài có phong cách của một nhà văn.

Ngài thường xin các giáo hoàng cho ngài từ chức Giám Mục-Hồng Y của Osia, và sau cùng Đức Alexander II đồng ý với điều kiện là bất cứ khi nào cần ngài sẽ sẵn sàng làm việc trở lại. Khi trở lại công việc ở Ravenna, ngài bị sốt nặng. Ngài từ trần ngày 22 tháng Hai 1072 khi các đan sĩ đang vây quanh và đọc kinh Nhật Tụng. Năm 1828 ngài được tuyên xưng là Tiến Sĩ Hội Thánh.

Lời Bàn

Thánh Phêrô Damian là một người cải cách, và nếu ngài sống trong thời nay chắc chắn ngài sẽ thúc đẩy sự canh tân theo tinh thần Công Ðồng Vatican II. Ngài sẽ hoan nghênh việc nhấn mạnh đến cầu nguyện được tỏ lộ qua số buổi cầu nguyện ngày càng gia tăng của các linh mục, tu sĩ và giáo dân cũng như việc thành lập các nhà cầu nguyện của nhiều cộng đoàn tu sĩ ngày nay.

Lời Trích

"... Chúng ta hãy trung tín trao truyền lại cho thế hệ mai sau các gương mẫu nhân đức mà chúng ta đã lãnh nhận từ cha ông" (Thánh Phêrô Damian)

__________


Suy niệm hạnh thánh (của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)




Suy niệm 1: Nghèo

Là trẻ mồ côi và bị đối xử thật tệ hại khi còn nhỏ nên Thánh Phêrô Damian thật tốt với người nghèo.

Không thiếu người nghèo sau khi được trở nên giàu có lại quên mất thuở hàn vi nghèo khó của mình để rồi chẳng những coi khinh mà còn tìm cách xa lánh bạn bè nghèo khó của mình, như một đôi bạn Lưu Bình và Dương Lễ.

Vậy thật đáng khâm phục cho Thánh Phêrô Damian. Ngài là một trẻ thơ nghèo nàn và mồ côi bị đối xử như người đầy tớ. Khi mới lớn một chút, ngài đã bị sai đi chăn heo. Thế nhưng một khi đã thoát được cảnh nghèo đói, trong bữa ăn, lúc nào cũng có một hay hai người nghèo ăn chung với ngài, và đích thân ngài lo lắng cho nhu cầu của họ.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thực hành tinh thần thánh Phaolô mời gọi: khóc với người khóc và vui với người vui (Rm 12,15).

Suy niệm 2: Ẩn tu

Sau một thời gian, ngài quyết tâm từ bỏ thế gian để sống đời ẩn tu với các đan sĩ Biển Đức thuộc nhánh cải cách của Thánh Rômuanđô ở Fonte Avellana.

Các vị ẩn tu thường không công khai tuyên khấn giữ ba lời khuyên Phúc âm, họ dâng hiến cuộc đời để ngợi khen Thiên Chúa và cứu độ thế gian, qua việc triệt để lánh xa trần thế, giữ yên lặng cô tịch, cầu nguyện liên lĩ và sống khổ hạnh đền tội (Sách Giáo lý số 920).

Vì quá hăng say trong sự cầu nguyện với cuộc sống rất khắc khổ, cụ thể ngủ quá ít nên không bao lâu Phêrô bị bệnh mất ngủ trầm trọng. Thế rồi sau khi vị đan viện trưởng từ trần khoảng năm 1043, Phêrô đã dẫn dắt gia đình thánh thiện này với sự khôn ngoan và đạo đức. Ngài cũng thành lập thêm năm đan viện khác. Ngài duy trì tinh thần cô độc, bác ái và khiêm nhường.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn thiết tha với đời sống cầu nguyện trong cô tịch, cho dầu chúng con không có ơn gọi làm ẩn sĩ.

Suy niệm 3: Cải cách

Sau một thời gian, ngài quyết tâm từ bỏ thế gian để sống đời ẩn tu với các đan sĩ Biển Đức thuộc nhánh cải cách của Thánh Rômuanđô ở Fonte Avellana.

Thánh Phêrô Damian là một người cải cách, và nếu ngài sống trong thời nay chắc chắn ngài sẽ thúc đẩy sự canh tân theo tinh thần Công Đồng Vatican II.

Ngài sẽ hoan nghênh việc nhấn mạnh đến cầu nguyện được tỏ lộ qua số buổi cầu nguyện ngày càng gia tăng của các linh mục, tu sĩ và giáo dân cũng như việc thành lập các nhà cầu nguyện của nhiều cộng đoàn tu sĩ ngày nay.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn canh tân đời sống theo tinh thần Công Đồng Vatican II.

Suy niệm 4: Bệnh

Vì quá hăng say trong sự cầu nguyện và ngủ quá ít nên không bao lâu Phêrô bị bệnh mất ngủ trầm trọng.

Tâm lý bệnh nhân thường dồn tâm huyết và thời gian cho việc được chữa lành. Thánh nhân Phêrô Damian thì khác. Ngài dành tất cả cho việc nghiên cứu Kinh Thánh, và trở nên một thi sĩ sáng tác thơ đạo.

Thi sĩ Hàn mặc Tử cũng lạc quan chấp nhận cơn bệnh bất trị phong hũi, và tìm nguồn hứng khởi ở đó để sáng tác nên những bài thơ bất hũ. Thánh Phaolô cũng nhờ vào thời gian bị mù để học hỏi giáo lý và sau đó trở thành vị tông đồ dân ngoại lừng danh (Cv 9,8-19).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn lạc quan cảm tạ Chúa, khi được lành mạnh cũng như khi lâm bệnh.

Suy niệm 5: Săn sóc thân xác

Phêrô bị bệnh mất ngủ trầm trọng. Ngài phải thận trọng kềm chế và săn sóc chính mình.

Thánh Tôma Aquinô chủ trương: Mens sana in corpore sano, có nghĩa là tinh thần minh mẫn trong một thân xác cường tráng. Thân xác có khỏe thì tinh thần mới mạnh.

Có thể vì thế mà ngày nay các dòng khổ tu cũng hạn chế và thay đổi các hình thức khổ chế thể xác, chẳng hạn không thức đêm để dùng roi đánh vào thân thể, hoặc không đi chân không...

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con không phạt xác nhưng ép tâm hồn bằng việc xa lánh tội lỗi.

Suy niệm 6: Gương mẫu

Ngài viết rất nhiều thư. Khoảng 170 lá hiện vẫn còn. Chúng ta cũng còn 53 bài giảng của ngài và bảy tiểu sử ngài viết. Ngài thích viết về gương mẫu và chuyện thật hơn là lý thuyết

Đúng như tâm tình ngài để lại: "... Chúng ta hãy trung tín trao truyền lại cho thế hệ mai sau các gương mẫu nhân đức mà chúng ta đã lãnh nhận từ cha ông".

Đó cũng là quan điểm của cụ lão Eleda: "Ở tuổi chúng ta, giả vờ là điều bất xứng, e rằng có nhiều thanh niên sẽ nghĩ là ông già Elada đã chín mươi tuổi đầu, mà còn theo những lề thói dân ngoại... Vậy giờ đây, khi can đảm từ giã cuộc đời, tôi sẽ tỏ ra xứng đáng với tuổi già, và để lại cho đám thanh niên một tấm gương cao đẹp về cái chết tự nguyện và cao quý, vì đã trung thành với các Lề Luật đáng kính và thánh thiện" (2Mcb 6,24tt).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn sống gương mẫu mọi nơi mọi lúc, vì lời nói bay đi còn gương lành mới lôi kéo.

Teresa Nhỏ Bé
22-02-2012, 08:57 AM
Ngày 22-02
Lễ kính ngai tòa thánh Phêrô



NGAI TÒA THÁNH PHÊRÔ TÔNG ĐỒ

http://4.bp.blogspot.com/-mcvqoOHWbl4/T0OPzYF9fQI/AAAAAAAALLg/oTpS7N0ZmOE/s1600/chair+of+saint+peter.jpg (http://4.bp.blogspot.com/-mcvqoOHWbl4/T0OPzYF9fQI/AAAAAAAALLg/oTpS7N0ZmOE/s1600/chair+of+saint+peter.jpg)



Lược sử:

Hôm nay chúng ta tưởng nhớ việc Đức Kitô chọn Phêrô là người thay thế Ngài trong việc cai quản Giáo Hội.

Sau một "cuối tuần mất mát" đầy đau khổ, hồ nghi và dằn vặt sau khi Đức Kitô bị đóng đinh và đem đi chôn, Phêrô đã được nghe Tin Mừng. Thiên thần ở ngôi mộ nói với bà Maria Mađalêna, "Chúa đã sống lại! Hãy đi nói với các môn đệ và Phêrô." Gioan kể lại khi ngài và Phêrô chạy đến mộ, vị tông đồ trẻ đi nhanh hơn tông đồ lớn tuổi kia, nhưng ngài đứng đợi ở ngoài. Khi Phêrô bước vào, thấy các khăn liệm ở dưới đất, khăn che mặt được gói lại để ở đúng vị trí của nó. Gioan trông thấy và tin. Nhưng ngài viết thêm: "... Họ không hiểu rằng theo kinh thánh, Ngài phải sống lại từ cõi chết" (Ga 20,9). Họ về nhà. Đầu óc họ như nổ tung với một khám phá mới, điều bất khả đã trở thành hiện thực. Chúa Giêsu đã hiện ra với họ trong căn nhà khóa kín. Ngài nói, "Bình an cho anh em," và họ quá đỗi vui mừng (Ga 20,21b).

Và biến cố trong ngày Ngũ Tuần đã giúp Phêrô cảm nhận được Đức Kitô phục sinh một cách trọn vẹn. "... Tất cả đều tràn đầy Thánh Thần" (Cv 2,4a) và họ bắt đầu rao giảng bằng các thứ tiếng khác nhau tùy theo Thánh Thần ban cho.

Chỉ khi ấy Phêrô mới chu toàn nhiệm vụ mà Chúa đã trao cho ngài: "... Một khi anh trở lại, hãy củng cố các anh em" (Lc 22,32) Từ lúc đó, ngài trở nên phát ngôn viên cho nhóm Mười Hai về những gì họ được cảm nghiệm qua Thánh Thần -- trước nhà cầm quyền muốn chặn đứng sự rao giảng, trước thượng hội đồng Giêrusalem, trước cộng đoàn về vấn đề của Ananias và Sapphira. Ngài là người đầu tiên rao giảng Tin Mừng cho Dân Ngoại. Sức mạnh chữa lành của Đức Kitô ở trong Phêrô được chứng tỏ: cho kẻ chết sống lại, chữa người ăn xin tàn tật. Dân chúng khiêng bệnh nhân ra đường phố để khi Phêrô đi ngang qua, bóng của ngài có thể chữa họ lành.

Ngay cả một vị thánh cũng gặp khó khăn của cuộc đời Kitô Hữu. Khi Phêrô không còn ăn uống với Dân Ngoại tòng giáo vì ngài tế nhị không muốn tổn thương đến người Kitô gốc Do Thái, Phaolô viết, "... Tôi chống đối ông ấy ra mặt vì rõ ràng là ông ấy sai... Các ông ấy không đi đúng với chân lý của phúc âm..." (Gl 2,11b.14a).

Trong đoạn cuối Phúc Âm Thánh Gioan, Chúa Giêsu nói với Phêrô, "Thật, Thầy bảo thật cho anh biết, khi anh còn trẻ, anh muốn mặc quần áo nào và muốn đi đâu tùy ý; nhưng khi anh lớn tuổi, anh sẽ phải giang tay ra, và người khác sẽ mặc áo cho anh và dẫn anh đến nơi anh không muốn" (Ga 21,18). Chúa Giêsu tiên đoán về cái chết mà Phêrô phải chịu để vinh danh Thiên Chúa. Trong thời gian cai trị của Nero, trên Đồi Vatican ở Rôma, Phêrô đã vinh danh Chúa Giêsu với sự tử đạo, có lẽ cùng với nhiều Kitô Hữu khác.

__________


Suy niệm (của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)




Suy niệm 1: Tưởng nhớ

Hôm nay chúng ta tưởng nhớ việc Đức Kitô chọn Phêrô là người thay thế Ngài trong việc cai quản Giáo Hội.

Việc tưởng nhớ chỉ hữu ích và có giá trị, khi không dừng lại ở tâm trí, mà còn thể hiện trong cuộc sống, bằng việc vâng phục quyền bính của thánh nhân cùng các đấng kế vị ngài.

Đó cũng là tinh thần mà Đức Giêsu mời gọi về việc bẻ bánh: Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy (Lc 22,19). Tưởng nhớ tức là làm, đó là điều Thánh Phaolô khẳng định là đã lãnh nhận từ nơi Chúa (1Cr 11,23-25).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sốt sắng và chuyên cần thực hành việc bẻ bánh để tưởng nhớ Chúa.

Suy niệm 2: Thực hành

Sau một "cuối tuần mất mát" đầy đau khổ, hồ nghi và dằn vặt sau khi Đức Kitô bị đóng đinh và đem đi chôn, Phêrô đã được nghe Tin Mừng.

Thật ra Phêrô đã được nghe Tin Mừng kể từ lúc rời bỏ thuyền chài để đi theo Chúa. Nhưng bấy lâu ngài chỉ nghe bằng tai chứ chưa bằng tay. Chỉ sau ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô mới thật sự nghe đúng nghĩa, nghĩa là chu toàn nhiệm vụ mà Chúa đã trao cho ngài.

Như thế nghe bằng tai chưa đủ mà quan trọng là phải thực hành. Đức Giêsu đã đánh giá việc này bằng hình ảnh người khôn xây nhà trên nền đá vững chắc (Mt 7,14). Ngược lại nghe mà không thực hành thì chẳng có giá trị gì (Gc 1,23-24).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn nghe Lời Chúa và đem ra thực hành để được thuộc về gia đình của Chúa (Lc 8,21).

Suy niệm 3: Tôn trọng

Khi Gioan và Phêrô chạy đến mộ, vị tông đồ trẻ đi nhanh hơn tông đồ lớn tuổi kia, nhưng ngài đứng đợi ở ngoài.

Kính lão đắc thọ. Tôn chỉ này không chỉ dừng lại như một lời khuyên để kéo dài tuổi thọ, mà còn được phổ biến như một phép lịch sự trong xã hội văn minh loài người.

Và lối xử thế này cũng không chỉ nhằm vào đối tượng người trẻ đối với người lão mà còn dành cho cả người nhỏ đối với người lớn. Vì thế dầu chạy nhanh hơn và đến trước Phêrô, Gioan vẫn đứng đợi ở ngoài và nhường cho Phêrô vào trước.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp cho chúng con biết rằng tôn trọng người tức là tôn trọng mình vì sẽ được người tôn trọng.

Suy niệm 4: Tin

Khi Phêrô bước vào, thấy các khăn liệm ở dưới đất, khăn che mặt được gói lại để ở đúng vị trí của nó. Gioan trông thấy và tin.

Đức tin là một hồng ân Chúa ban. Và dĩ nhiên hồng ân thường được ân ban cho người yêu mến. Gioan được Chúa yêu mến (Ga 13,23) và Gioan cũng đáp tình Chúa trọn vẹn qua việc hiện diện dưới chân thập giá (Ga 19,26).

Chính động lực tình yêu này đã giúp Gioan vừa trông thấy thì tin ngay. Nói thế không có nghĩa là Phêrô không yêu mến Chúa và không được Chúa yêu mến, mà chỉ là tình yêu nơi Gioan mãnh liệt và nhiều hơn Phêrô mà thôi, nên Gioan tin trước Phêrô.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đào sâu tình mến Chúa để niềm tin vào Chúa luôn được gia tăng.

Suy niệm 5: Khó khăn

Ngay cả một vị thánh cũng gặp khó khăn của cuộc đời Kitô Hữu.

Một khó khăn mà Phêrô gặp phải, đó là bị một đồng môn chống đối ra mặt, khi Phêrô không cùng ăn uống với Dân Ngoại tòng giáo vì ngài tế nhị không muốn tổn thương đến người Kitô gốc Do Thái (Gl 2,11b.14a).

Đến lượt Phaolô cũng gặp khó khăn, khi ngài đến Giêrusalem và muốn nhập đoàn với các tông đồ, nhưng bị họ nghi kỵ, để rồi phải nhờ vào sự bảo lãnh của Banaba mới được (Cv 9,26-27).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con can đảm đương đầu với mọi khó khăn, miễn là sống xứng danh một người kitô hữu.

Suy niệm 6: Chết

Chúa Giêsu tiên đoán về cái chết mà Phêrô phải chịu để vinh danh Thiên Chúa.

Con người vốn được sinh ra ở đời trong thời gian là để chết, vì thế nên chọn lấy cách chết nào để được sống đời đời. Đó là tâm huyết và hướng sống suốt đời của mỗi người.

Phêrô chọn từ bỏ thuyền chài để đi theo Chúa, nhưng rồi trong cuộc khổ nạn của Chúa, Phêrô lại chối Chúa. Sau lần vấp ngã này, Phêrô lại chỗi dậy, bù đắp và chấp nhận cái chết bị treo trên thập giá để làm vinh danh Thiên Chúa. Như thế nhờ
cái chết vinh mà Phêrô đạt được sự sống vĩnh cửu.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết rằng ai cũng phải chết, nhưng phải chết thế nào để được sống đời đời.

Teresa Nhỏ Bé
23-02-2012, 10:14 AM
Ngày 23-02


Thánh POLYCARP

http://3.bp.blogspot.com/--THV5XBfJDc/T0TpcOeY5tI/AAAAAAAALOA/ODT3I6prEtg/s1600/polycarp.jpg (http://3.bp.blogspot.com/--THV5XBfJDc/T0TpcOeY5tI/AAAAAAAALOA/ODT3I6prEtg/s1600/polycarp.jpg)



(c. 156)



Lược sử

Là môn đệ của Thánh Gioan Tông Đồ và là bạn của Thánh Ignatiô ở Antioch, Thánh Polycarp, Giám Mục của Smyrna (bây giờ là Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ), là một vị lãnh đạo đáng kính của Kitô Giáo trong tiền bán thế kỷ thứ hai.

Tuy nhiên các vị lãnh đạo Giáo Hội thuộc thế hệ thứ hai đã gặp những thử thách mà thế hệ trước không đề cập đến. Họ phải làm gì khi thế hệ chứng nhân thứ nhất ấy không còn nữa? Lời dạy dỗ xác thực của Chúa Giêsu phải truyền lại như thế nào? Phải trả lời thế nào với các câu hỏi chưa từng có?

Khi các tông đồ không còn ở trần gian nữa, các lạc thuyết bắt đầu xuất hiện ngụy trang chính giáo, sự bách hại lại mạnh mẽ và bắt đầu xuất hiện các tranh chấp về vấn đề phụng vụ.

Polycarp, một người thánh thiện và là giám mục của Smyrna, chỉ thấy có một câu trả lời - trung thành với đời sống Đức Giêsu và bắt chước đời sống ấy. Thánh Ignatiô nói với Thánh Polycarp "linh đạo của anh đặt nền móng nơi Thiên Chúa như trên một tảng đá không thể nào lay chuyển nổi."

Khi đối diện với lạc giáo, Thánh Polycarp có "bộ mặt bộc trực" đến nỗi Thánh Ignatiô phải thán phục, vì ngài đã bắt chước cách Đức Giêsu trả lời người Pharisêu. Marcion, người lãnh đạo lạc thuyết nhị nguyên, khi đối chất với Đức Polycarp đã yêu cầu ngài thừa nhận họ, "Polycarp, hãy thừa nhận chúng tôi." Đức Polycarp trả lời, "Tôi thừa nhận ngài, phải, tôi thừa nhận ngài là đứa con của Satan."

Thánh Polycarp đối diện với sự bách hại cũng như Đức Kitô đã làm. Chính giáo đoàn của ngài phải thán phục ngài vì đã theo sát "gương phúc âm" - không tìm cách để tử đạo như một số người đã làm, nhưng trốn tránh sự bách hại cho đến khi thánh ý Chúa được thể hiện như Đức Giêsu Kitô đã làm. Họ coi đó là "một dấu chỉ tình yêu nói lên sự khao khát không muốn chỉ cứu chuộc có một mình, nhưng còn cứu chuộc tất cả anh chị em Kitô Hữu."

Trong thời kỳ đẫm máu tử đạo Kitô Hữu trong đấu trường, dân chúng trở nên điên cuồng đòi phải tìm bắt Thánh Polycarp, vì ngài nổi tiếng thánh thiện. Ngài thật điềm tĩnh nhưng giáo dân thúc giục ngài đi trốn trong nông trại gần thành phố. Quân lính tìm ra ngài sau khi tra khảo hai đứa bé. Ngài thết đãi họ ăn và xin họ để ngài cầu nguyện trước khi điệu về đấu trường.
Thấy đức tin vững vàng không lay chuyển của Thánh Polycarp, quan thống đốc ra lệnh thiêu sống, và khi quân lính châm lửa, nhiều người chứng kể lại họ được nhìn thấy một phép lạ. Lửa cháy thành một vòng cung chung quanh thánh nhân, bao bọc ngài như các cánh buồm, và thay vì bị đốt cháy, ngài lại rực sáng như vàng đang chảy trong lò lửa. Khi quân lính thấy ngài không hề hấn gì, chúng đã lấy dao đâm ngài. Máu ngài chảy ra đã dập tắt ngọn lửa.

Quan thống đốc ra lệnh đốt xác thánh nhân mà không để giáo dân lấy xác, vì ông sợ họ sẽ thờ Thánh Polycarp mà không thờ tà thần của người Rôma. "Chứng từ" tử đạo của Thánh Polycarp là chứng từ được ghi nhận một cách xác thực về sự tử đạo của người tín hữu Kitô ngay từ thuở ban đầu. Ngài chết vào khoảng năm 156.

Trong nhiều lá thư của Thánh Polycarp, chỉ còn một lá ngài viết cho Giáo Hội Philippi, Macedonia là còn giữ được cho đến ngày nay.

Lời Bàn

Thánh Polycarp được công nhận là vị lãnh đạo Kitô Giáo bởi tất cả các Kitô Hữu thuộc Giáo Hội Tiểu Á - một thành trì đức tin vững mạnh và trung thành với Ðức Giêsu Kitô. Sức mạnh của ngài là bởi tín thác vào Thiên Chúa, ngay cả khi các biến động của đời sống mâu thuẫn với sự tin tưởng này. Sống giữa những người ngoại giáo và dưới chế độ đàn áp một tôn giáo mới, ngài đã chăn dẫn đàn chiên của ngài. Cũng như vị Mục Tử Tốt Lành, ngài đã hy sinh mạng sống vì đàn chiên và gìn giữ họ khỏi bị bách hại thêm nữa. Sự tín thác vào Thiên Chúa của ngài được tóm lược trong câu nói trước khi chết: "Lạy Chúa Cha... Con ca tụng Ngài, vì đã giúp con xứng đáng cho đến ngày giờ này..." (Sổ Tử Ðạo, Chương 14).

Lời Trích

"Hãy vững vàng trong cách ăn ở và noi gương Chúa, 'trung kiên trong đức tin, yêu thương anh chị em, đoàn kết trong chân lý,' giúp đỡ lẫn nhau với sự dịu dàng của Chúa, đừng khinh miệt một ai" (Thánh Polycarp, Thư Gửi Tín Hữu Philippi).

(*) Marcion chủ trương có hai Chúa. Một Chúa trong Cựu Ước thì khác với Chúa của Tân Ước, và Ðức Giêsu là Con của Thiên Chúa trong Tân Ước.

__________


Suy niệm (của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)




Suy niệm 1: Lãnh đạo

Thánh Polycarp, Giám Mục của Smyrna (bây giờ là Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ), là một vị lãnh đạo đáng kính của Kitô Giáo trong tiền bán thế kỷ thứ hai.

Thánh Polycarp được công nhận là vị lãnh đạo Kitô Giáo bởi tất cả các Kitô Hữu thuộc Giáo Hội Tiểu Á - một thành trì đức tin vững mạnh và trung thành với Đức Giêsu Kitô.

Sống giữa những người ngoại giáo và dưới chế độ đàn áp một tôn giáo mới, ngài đã chăn dẫn đàn chiên của ngài. Cũng như vị Mục Tử Tốt Lành, ngài đã hy sinh mạng sống vì đàn chiên và gìn giữ họ khỏi bị bách hại thêm nữa.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các nhà lãnh đạo luôn trung thành với sứ vụ đã được lãnh nhận, đến mức sẵn sàng hiến dâng mạng sống vì đoàn chiên.

Suy niệm 2: Ngụy trang

Khi các tông đồ không còn ở trần gian nữa, các lạc thuyết bắt đầu xuất hiện ngụy trang chính giáo.

Ngụy trang luôn là một hiễm họa, nhưng lại luôn xuất hiện ở mọi thời đại.

Thời tiên tri Êlia, có đến tám trăm năm mươi ngôn sứ giả được hưởng lộc của bà Ideven (1V 18,19). Thời tiên tri Mikhagiơhu lại có khoảng bốn trăm ngôn sứ giả (1V 22,6).

Chính Đức Giêsu cũng đã từng lưu ý: "Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi”. (Mt 7,15), thậm chí có cả Kitô giả nữa (Mt 24,24).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thuộc về Chúa để có thể thắng được các ngôn sứ giả (1Ga 4,4).

Suy niệm 3: Phụng vụ

Sự bách hại lại mạnh mẽ và bắt đầu xuất hiện các tranh chấp về vấn đề phụng vu.

Một trong những tương tranh thời ấy là việc cử hành lễ Phục Sinh. Đông Phương, là xuất xứ của Thánh Polycarp, cử hành mầu nhiệm Vượt Qua như sự Thương Khó của Đức Kitô tiếp theo sau bằng một Thánh Lễ vào ngày kế tiếp. Tây Phương cử hành lễ Phục Sinh vào ngày Chúa Nhật sau tuần lễ Vượt Qua.

Khi Thánh Polycarp đến Rôma để thảo luận về vấn đề này với Đức Giáo Hoàng Anicetus, họ bất đồng ý kiến. Nhưng các ngài cũng không thấy sự khác biệt trong đức tin Kitô Giáo. Và Đức Anicetus đã yêu cầu Thánh Polycarp cử hành Thánh Lễ ngay trong nhà nguyện của đức giáo hoàng.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng vì việc tôn thờ Chúa qua việc phụng vụ mà xa rời nhau.

Suy niệm 4: Trung thành

Lời dạy dỗ xác thực của Chúa Giêsu phải truyền lại như thế nào? Polycarp, một người thánh thiện và là giám mục của Smyrna, chỉ thấy có một câu trả lời - trung thành với đời sống Đức Giêsu và bắt chước đời sống ấy.

Ngài thường khuyên bảo: "Hãy vững vàng trong cách ăn ở và noi gương Chúa, 'trung kiên trong đức tin, yêu thương anh chị em, đoàn kết trong chân lý,' giúp đỡ lẫn nhau với sự dịu dàng của Chúa, đừng khinh miệt một ai" (Thánh Polycarp, Thư Gửi Tín Hữu Philippi).

Chính giáo đoàn của ngài phải thán phục ngài vì đã theo sát "gương phúc âm". Họ coi đó là "một dấu chỉ tình yêu nói lên sự khao khát không muốn chỉ cứu chuộc có một mình, nhưng còn cứu chuộc tất cả anh chị em Kitô Hữu".

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn trung thành với Chúa cho đến cùng.

Suy niệm 5: Lạc thuyết nhị nguyên

Marcion chủ trương có hai Chúa. Một Chúa trong Cựu Ước thì khác với Chúa của Tân Ước, và Đức Giêsu là Con của Thiên
Chúa trong Tân Ước.

Khi đối diện với các bất đồng của Kitô Hữu, Thánh Polycarp rất khoan dung và tôn trọng. Nhưng khi đối diện với lạc giáo, ngài lại có "bộ mặt bộc trực" đến nỗi Thánh Ignatiô phải thán phục, vì ngài đã bắt chước cách Đức Giêsu trả lời người Pharisêu.

Thật vậy, Marcion, người lãnh đạo lạc thuyết nhị nguyên, khi đối chất với Đức Polycarp đã yêu cầu ngài thừa nhận họ, "Polycarp, hãy thừa nhận chúng tôi." Đức Polycarp trả lời, "Tôi thừa nhận ngài, phải, tôi thừa nhận ngài là đứa con của Satan”.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn cương nhu đúng lúc và nhất là đúng vấn đề.

Suy niệm 6: Thánh ý Chúa

Thánh Polycarp trốn tránh sự bách hại cho đến khi thánh ý Chúa được thể hiện như Đức Giêsu đã làm.

Sức mạnh của ngài là bởi tín thác vào thánh ý Chúa, ngay cả khi các biến động của đời sống mâu thuẫn với sự tin tưởng này...

Sự tín thác vào Thiên Ý của ngài được tóm lược trong câu nói trước khi chết: "Lạy Chúa Cha... Con ca tụng Ngài, vì đã giúp con xứng đáng cho đến ngày giờ này..." (Sổ Tử Đạo, Chương 14).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn hy sinh ý riêng để thờ lạy và thực hành Thiên Ý.

Teresa Nhỏ Bé
24-02-2012, 09:57 AM
Ngày 24-02


Chân phước LUCA BELLUDI

http://3.bp.blogspot.com/-CqV4Sf_7ovw/T0ZGd6d9b5I/AAAAAAAALQw/aPY3Jml276s/s1600/luca+belludi.jpg (http://3.bp.blogspot.com/-CqV4Sf_7ovw/T0ZGd6d9b5I/AAAAAAAALQw/aPY3Jml276s/s1600/luca+belludi.jpg)



(1200-1285)



Lược sử:

Năm 1220, khi Thánh Antôn rao giảng cho cư dân ở Padua thì một thanh niên thuộc dòng dõi quý tộc, là Luca Belludi, đã đến với thánh nhân và xin được theo nếp sống của những môn đệ Thánh Phanxicô. Thánh Antôn rất mến mộ tài năng, kiến thức của Luca và đích thân giới thiệu anh với Thánh Phanxicô, sau đó chính thánh nhân đã nhận anh vào dòng.

Lúc ấy, Luca chỉ mới 20 tuổi, là bạn đồng hành của Thánh Antôn trong những công tác rao giảng, đã săn sóc thánh nhân vào những ngày cuối đời và sau khi Thánh Antôn từ trần, Luca đã thế chỗ của thánh nhân. Sau đó ngài được bổ nhiệm việc quản lý các tu sĩ Phanxicô ở Padua.

Vào năm 1239, thành phố rơi vào tay quân thù. Những người quý tộc bị tử hình, thị trưởng và hội đồng thành phố bị dẹp bỏ, trường đại học ở Padua từ từ bị đóng cửa và việc xây cất nhà thờ để kính nhớ Thánh Antôn phải bỏ dở. Chính Luca bị trục xuất ra khỏi thành phố nhưng ngài bí mật trở về. Hàng đêm, ngài và thầy quản lý xuống mộ Thánh Antôn trong nguyện đường đang xây cất dở dang để cầu xin sự trợ giúp. Một đêm kia, có tiếng nói vang lên từ ngôi mộ, đảm bảo với các ngài là thành phố sẽ thoát khỏi tay bạo chúa hung dữ.

Sau khi lời tiên đoán ấy thành sự thật, Luca được bầu làm bề trên tỉnh dòng và sau đó ngài hoàn tất vương cung thánh đường để kính nhớ Thánh Antôn, là thầy của ngài. Trong cuộc đời của Chân Phước Luca, ngài thành lập nhiều tu viện, và cũng như Thánh Antôn, ngài được ơn làm phép la. Sau khi từ trần, ngài được an nghỉ trong chính vương cung thánh đường mà ngài đã giúp hoàn tất và được tiếp tục sùng kính cho đến ngày nay.


__________


Suy niệm (của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)




Suy niệm 1: Thanh niên

Năm 1220, khi Thánh Antôn rao giảng cho cư dân ở Padua thì một thanh niên thuộc dòng dõi quý tộc, là Luca Belludi, đã đến với thánh nhân và xin được theo nếp sống của những môn đệ Thánh Phanxicô.

Giới thanh niên có một ưu điểm là tràn đầy nhiệt huyết và luôn kỳ vọng một tương lai tốt đẹp. Tinh thần này đã đốc thúc chàng thanh niên giàu có tìm đến gặp Đức Giêsu để xin chỉ dẫn về việc sở hữu sự sống đời đời. Nhưng tiếc thay của cải đã cản lối đi của anh.

Chàng thanh niên Luca Belludi thì khác. Dầu xuất thân từ hàng quý tộc, nhưng Luca vượt qua được rào cản giàu sang để thực hiện được chí nguyện nên thánh bằng việc theo đuổi nếp sống tu trì.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng làm nô lệ nhưng làm chủ được của cải.

Suy niệm 2: Giới thiệu

Thánh Antôn rất mến mộ tài năng, kiến thức của Luca và đích thân giới thiệu anh với Thánh Phanxicô, sau đó chính thánh nhân đã nhận anh vào dòng.

Việc giới thiệu luôn đóng một vai trò quan trọng trong các mối tương liên trong xã hội. Có được lời giới thiệu của một nhân vật đáng kính giới thiệu thật không gì quý hơn. Luca đã được diễm phúc này.

Lời giới thiệu cũng như nhân vật giới thiệu đều cần thiết, nhưng điều tối cần là người được giới thiệu có hoàn toàn trung thực để xứng như vậy không? Riêng Luca thì thật xứng đáng, vì thế đã được Thánh Phanxicô nhận vào dòng.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn sống tốt cả tài và đức, để không phụ lòng người giới thiệu.

Suy niệm 3: Bạn đồng hành

Luca chỉ mới 20 tuổi, là bạn đồng hành của Thánh Antôn trong những công tác rao giảng, đã săn sóc thánh nhân vào những ngày cuối đời và sau khi Thánh Antôn từ trần, Luca đã thế chỗ của thánh nhân.

Luca quả xứng danh là bạn đồng hành của thánh Antôn. Chẳng những ngài cọng tác trong sứ vụ rao giảng, mà còn săn sóc lúc hấp hối và kế tục sứ vụ, nghĩa là luôn hiện diện trong cuộc đời thánh Antôn.

Thật là một trường hợp họa hiếm, vì không thiếu những bạn đồng hành dầu thánh thiện và nhiệt thành nhưng cũng chỉ làm việc với nhau được trong thời gian thôi, chẳng hạn đôi bạn Banaba và Phaolô (Cv 13,2).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các bạn đồng hành luôn trân trọng thời gian được làm việc chung với nhau.

Suy niệm 4: Nhà thờ

Vào năm 1239, thành phố rơi vào tay quân thù. Những người quý tộc bị tử hình, thị trưởng và hội đồng thành phố bị dẹp bỏ, trường đại học ở Padua từ từ bị đóng cửa và việc xây cất nhà thờ để kính nhớ Thánh Antôn phải bỏ dở.

Nhà thờ vốn là biểu tượng và cũng là tụ điểm thuận lợi để bày tỏ lòng kính nhớ cũng như cầu xin cùng thánh Antôn.
Nhưng đó không phải là tất cả. Vì thế cho dầu không có hoặc đang xây dựng dở dang cũng không sao.

Tinh thần vốn không bị giam cầm hoặc bị hạn chế trong một nơi chốn, thậm chí cả không gian và thời gian. Do đó miễn có lòng kính nhớ thì nơi nào và lúc nào cũng có thể thực hiện được. Luca hiểu, sống và đã thu lượm được kết quả.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn giữ vững tinh thần trong những tình huống bất khả.

Suy niệm 5: Tiên đoán

Sau khi lời tiên đoán ấy thành sự thật, Luca được bầu làm bề trên tỉnh dòng và sau đó ngài hoàn tất vương cung thánh đường để kính nhớ Thánh Antôn, là thầy của ngài.

Lời tiên đoán luôn hướng về một tương lai chưa đến. Chỉ khi xảy ra thì mới thấy được giá trị của nó là thật hay không. Tuy
nhiên giá trị của lời tiên đoán có thể được cảm nghiệm từ thế giá của người tiên đoán.

Thật vậy lời tiên đoán của các ngôn sứ giả và của ngôn sứ Mikhagiơhu đều trái ngược nhau về chiến trận của vua Akháp. Và dĩ nhiên vua tử trận đúng như lời tiên đoán của ngôn sứ thật, chứ không thành công như các ngôn sứ giả (1V 22,6tt).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con cẩn trọng tìm biết nguồn gốc của lời tiên đoán đến từ ai.

Suy niệm 6: Phép lạ

Trong cuộc đời của Chân Phước Luca, ngài thành lập nhiều tu viện, và cũng như Thánh Antôn, ngài được ơn làm phép lạ.

Ơn làm phép lạ là một hồng ân Chúa đặc ban cho Luca, nhưng thật chính đáng để giúp cho Luca thực thi đức bác ái cách hữu hiệu hơn, vì đức mến phải được thể hiện trong hành động thì mới có giá trị thuyết phục.

Đàng khác nếu có được ơn làm phép lạ hoặc các đặc ân khác mà không có đức mến thì cũng chẳng là gì (1Cr 13,1-3), vì tất cả đều mang tính nhất thời, chỉ có đức mến thì không bao giờ mất được (1Cr 13,8).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con phải luôn đặt tình bác ái lên trên hết (2Cr 2,8), vì đức mến thì vượt trên hết mọi đức tính (Cl 3,14).

Teresa Nhỏ Bé
25-02-2012, 09:43 AM
Ngày 25-02


Chân phước SEBASTIAN ở APARICIO

http://3.bp.blogspot.com/-Yift3bdcHuE/T0dWwUgeciI/AAAAAAAALTo/66d_PdS9_cU/s1600/sebastian+aparicio.jpg (http://3.bp.blogspot.com/-Yift3bdcHuE/T0dWwUgeciI/AAAAAAAALTo/66d_PdS9_cU/s1600/sebastian+aparicio.jpg)



(1502-1600)


Lược sử:

Những con đường và nhịp cầu mà Chân Phước Sebastian xây dựng thì nối liền nhiều chỗ thật xa cách. Nhịp cầu sau cùng ngài hoàn tất là giúp người ta nhận biết phẩm giá và cùng đích mà Thiên Chúa đã ban cho loài người.

Cha mẹ của Sebastian là nông dân Tây Ban Nha. Vào năm 31 tuổi, ngài xuống tàu đi Mễ Tây Cơ, ở đây ngài làm việc đồng áng. Sau đó ngài xây đắp những con đường để thuận tiện cho việc trao đổi nông nghiệp và thương mãi. Con đường ngài xây từ Mexico City cho đến Zacatecas dài 466 dặm và phải mất 10 năm mới hoàn tất, và vừa phải khéo léo thương thuyết với những người thổ dân.

Sau cùng, Sebastian là một điền chủ giàu có. Khi 60 tuổi ngài lập gia đình với một trinh nữ. Động lực chính mà người trinh nữ kết hôn với ngài có lẽ là số gia tài kếch sù; phần ngài thì muốn giúp đỡ người con gái nghèo nàn không có của hồi môn ấy một cuộc đời xứng đáng. Khi người vợ thứ nhất qua đời, ngài lấy một trinh nữ thứ hai cũng vì lý do như trước; và người vợ thứ hai cũng chết sớm.

Vào năm 72 tuổi, Sebastian phân phát tài sản cho người nghèo rồi gia nhập dòng Phanxicô với tư cách của một thầy trợ sĩ. Được giao cho công việc ẩm thực của tu viện rộng lớn ở Puebla de los Angeles (100 thành viên) nằm về phía nam của Mexico City, Thầy Sebastian đã chu toàn bổn phận đi khất thực trong 25 năm. Lòng bác ái của thầy đối với tất cả mọi người thật xứng với cái tên mà người ta đã đặt cho ngài, "Thiên Thần của Mễ Tây Cơ."

Thầy Sebastian được phong chân phước năm 1787 và là quan thầy của những người lữ hành.

Lời Bàn

Theo Quy Luật Thánh Phanxicô, các tu sĩ phải làm việc để có miếng ăn. Nhưng đôi khi công việc của họ không đủ cung cấp cho nhu cầu; thí dụ, họ chăm sóc người cùi là những người không có gì để đáp trả. Trong trường hợp ấy, các tu sĩ được phép đi xin, và luôn nhớ đến điều nhắc nhở của Thánh Phanxicô là hãy làm gương tốt để khuyến dụ dân chúng. Cuộc đời của Chân Phước Sebastian, dù tuổi già nhưng vẫn hăng say, chắc chắn đã đưa nhiều người đến gần Thiên Chúa hơn.

Lời Trích

Có lần Thánh Phanxicô nói với các môn sinh: "Giữa thế gian và tu sĩ có một giao kèo. Tu sĩ phải đem lại cho thế gian gương mẫu tốt lành; và thế gian phải cung ứng cho các nhu cầu của họ. Khi các tu sĩ hư hỏng đức tin và không còn làm gương tốt, thế gian sẽ rút tay lại như một sự khiển trách chính đáng" (2 Celano, #70).

__________


Suy niệm (của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)




Suy niệm 1: Nhịp cầu

Những con đường và nhịp cầu mà Chân Phước Sebastian xây dựng thì nối liền nhiều chỗ thật xa cách. Nhịp cầu sau cùng ngài hoàn tất là giúp người ta nhận biết phẩm giá và cùng đích mà Thiên Chúa đã ban cho loài người.

Có một nhịp cầu tối ưu, đó là Đức Giêsu, Đấng làm nhịp cầu nối kết trời và đất, Thiên Chúa và con người, vì Ngài vừa là Thiên Chúa vừa là con người. Ngài là Ngôi Lời nhập thể (Ga 1,14), đã dùng cuộc Tử Nạn và Phục Sinh để thực hiện điều đó.

Chính Đức Giêsu đã xác minh về vai trò nhịp cầu này, khi nói: "Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con dùng đời sống chứng nhân để làm nhịp cầu dẫn đưa tha nhân về với Chúa.

SUY NIỆM 2: Đồng áng

Cha mẹ của Sebastian là nông dân Tây Ban Nha. Vào năm 31 tuổi, ngài xuống tàu đi Mễ Tây Cơ, ở đây ngài làm việc đồng áng.

Việc đồng áng đòi hỏi thiên thời cũng như nỗ lực chăm sóc đồng ruộng với việc gieo, trồng và gặt hái. Quá trình của một nông dân đã giúp vị thầy trợ sĩ Sebastian gieo trồng được nhiều người thuộc về Chúa.

Tuy nhiên xét về mặt thiêng liêng thì không hẳn bao giờ cũng thế. Trước mối bất hòa của giáo hữu Côrintô, Phaolô đã từng giải thích: Vậy Apôlô là gì? Phaolô là gì? Đó là những tôi tớ đã giúp cho anh em có đức tin, mỗi người đã làm theo khả năng Chúa ban. Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên (1Cr 3,5-6).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nỗ lực làm việc mà không trông chờ kết quả, miễn là phục vụ được lợi ích chung (1Cr 12,7).

Suy niệm 3: Hôn nhân

Khi 60 tuổi ngài lập gia đình với một trinh nữ. Động lực chính mà người trinh nữ kết hôn với ngài có lẽ là số gia tài kếch sù; phần ngài thì muốn giúp đỡ người con gái nghèo nàn không có của hồi môn ấy một cuộc đời xứng đáng.

Đời người thông thường không tu trì thì trai lớn lấy vợ gái lớn lấy chồng. Vì thế dầu đã đến tuổi 60, Sebastien cũng phải lập gia đình, nhưng với một lý do đạo đức và bác ái, là muốn giúp đỡ một người con gái nghèo nàn không có của hồi môn có được một cuộc đời xứng đáng.

Đức Maria và Thánh Cả Giuse cũng hy sinh chí nguyện sống độc thân, để lập gia đình với nhau, vì một lý do thánh thiện là suy phục Thiên Ý, để giúp Đức Giêsu chào đời trong một gia đình hợp pháp.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp giới trẻ nam nữ khi lập gia đình thì cũng biết chọn lý do đạo đức làm ưu tiên.

Suy niệm 4: Tuổi già

Vào năm 72 tuổi, Sebastian phân phát tài sản cho người nghèo rồi gia nhập dòng Phanxicô.

Người đời thường đánh giá lứa tuổi 72 là lứa tuổi gần đất xa trời, có nghĩa là tử thần đã gần kề. Vì thế cần dành thì giờ còn lại để chuẩn bị, nhất là đối người công giáo.

Sebastien với tình cảnh vợ chết không con, đã không chọn việc hưỡng nhàn với số tài sản mình có, nhưng chọn lấy nếp sống tu trì, nên đã xin gia nhập dòng Phanxicô để dễ gần gũi Chúa hơn.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp cho các người già biết dọn mình để có một kết thúc cuộc đời được tốt đẹp.

Suy niệm 5: Khất thực

Được giao cho công việc ẩm thực của tu viện rộng lớn ở Puebla de los Angeles (100 thành viên) nằm về phía nam của Mexico City, Thầy Sebastian đã chu toàn bổn phận đi khất thực trong 25 năm.

Theo Quy Luật Thánh Phanxicô, các tu sĩ phải làm việc để có miếng ăn. Nhưng đôi khi công việc của họ không đủ cung cấp cho nhu cầu; thí dụ, họ chăm sóc người cùi là những người không có gì để đáp trả. Trong trường hợp ấy, các tu sĩ được phép đi xin.

Một người vốn giàu có và nay lại lớn tuổi, thế mà Sebastien phải đi khất thực trong suốt 25 năm. Động lực nào đã giúp ngài thực hiện được như thế, nếu không phải là lòng thương người, đức vâng phục bề trên, và dĩ nhiên tất cả là để dọn mình về với Chúa khi đến ngày giờ Chúa định.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn nghĩ đến giờ chết để sống làm sao mà về được với Chúa.

Suy niệm 6: Gương lành

Lòng bác ái của thầy đối với tất cả mọi người thật xứng với cái tên mà người ta đã đặt cho ngài, "Thiên Thần của Mễ Tây Cơ."

Gương sáng về lòng bác ái của Sebastien đã làm cho người người tôn vinh ngài là "Thiên Thần của Mễ Tây Cơ". Ngài được thế là nhờ luôn nhớ đến điều nhắc nhở của Thánh Phanxicô là hãy làm gương tốt để khuyến dụ dân chúng.

Quả vậy Thánh Phanxicô từng nói với các môn sinh: "Giữa thế gian và tu sĩ có một giao kèo. Tu sĩ phải đem lại cho thế gian gương mẫu tốt lành; và thế gian phải cung ứng cho các nhu cầu của họ. Khi các tu sĩ hư hỏng đức tin và không còn làm gương tốt, thế gian sẽ rút tay lại như một sự khiển trách chính đáng" (2 Celano, #70).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn coi trọng việc làm gương tốt cho người và cho đời, để tạo lợi ích cho mình và tha nhân.

Teresa Nhỏ Bé
26-02-2012, 10:39 AM
Ngày 26-02


Thánh APOLLONIA

http://2.bp.blogspot.com/-aPH6CAeomiQ/T0iW3R6TCuI/AAAAAAAALWY/Zcd3-YFxlWs/s1600/apollonia.jpg (http://2.bp.blogspot.com/-aPH6CAeomiQ/T0iW3R6TCuI/AAAAAAAALWY/Zcd3-YFxlWs/s1600/apollonia.jpg)



(c. 249)


Lược sử:

Cuộc bách hại Kitô Hữu đầu tiên ở Alexandria xảy ra trong triều đại Hoàng Đế Philip. Nạn nhân đầu tiên bị người ngoại giáo tấn công là một cụ già tên Metrius, cụ bị tra tấn và sau đó bị ném đá cho đến chết. Người thứ hai từ chối không chịu thờ tà thần là một phụ nữ Kitô Hữu tên Quinta. Lời nói của bà đã làm đám đông tức giận và bà đã bị đánh đập bằng gậy gộc và ném đá.

Trong khi hầu hết Kitô Hữu rời bỏ thành phố, để lại mọi của cải thế gian thì một nữ phó tế tên là Apollonia bị bắt. Thánh Dionysius, Giám Mục Antiôkia, kể cho chúng ta biết, đám đông đã đánh đập Apollonia, và bẻ gãy mọi cái răng của ngài. Sau đó họ đốt một đám lửa thật lớn và đe dọa nếu ngài không chịu nguyền rủa Thiên Chúa thì họ sẽ ném ngài vào lửa.
Ngài xin đợi một vài giây phút như để suy nghĩ về điều họ yêu cầu. Nhưng thay vào đó, ngài đã tự ý nhảy vào lửa và được phúc tử đạo.

Có nhiều nhà thờ được dâng kính cho thánh nữ. Là quan thầy của các nha sĩ, Thánh Apollonia thường được cầu khẩn để chữa răng đau và các bệnh liên hệ đến răng. Ngài thường được vẽ với đôi kìm đang kẹp một cái răng hoặc một chiếc răng vàng đeo trên cổ. Thánh Augustine giải thích về sự tử đạo của ngài là do sự thúc giục đặc biệt của Chúa Thánh Thần, vì không ai được phép tự ý gây ra cái chết cho mình.


__________


Suy niệm (của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)




Suy niệm 1: Bách hại

Cuộc bách hại Kitô Hữu đầu tiên ở Alexandria xảy ra trong triều đại Hoàng Đế Philip.

Theo Sách Khôn Ngoan, người công chính bị ghét bỏ và bị bách hại (Kn 2,19-20), là do họ là một lời khiển trách về lối sống xấu xa, và đồng thời là chứng tá của Chúa thánh thiện (Kn 2,12-16).

Quả vậy, làm sao sự công chính lại liên kết được với sự bất chính? Làm sao ánh sáng lại dung hòa được với bóng tối? (2Cr 6,14). Vã lại ai làm điều ác thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách (Ga 3,20).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chấp nhận bị bách hại, miễn luôn làm con cái ánh sáng.

Suy niệm 2: Của cải

Trong khi hầu hết Kitô Hữu rời bỏ thành phố, để lại mọi của cải thế gian thì một nữ phó tế tên là Apollonia bị bắt.

Của cải vốn có sức thu hút lòng người đến mức chim chết vì mồi còn người chết vì tiền của. Biết thế nên các thượng tế đã giăng ra cạm bẫy, và dù chỉ với 30 đồng, Giuđa Ítcariốt sẵn sàng phản bội Thầy mình.

Nhưng có thứ còn quý hơn cả của cải, đó là sự sống. Không lạ gì để bảo toàn sinh mạng trước cuộc bách hại, dân thành Alexandria đã để lại mọi của cải mà rời xa thành phố.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết rằng sự sống đời này thật quý, nhưng sự sống đời đời còn quý hơn nhiều.

Suy niệm 3: Thân thể

Đám đông đã đánh đập Apollonia, và bẻ gãy mọi cái răng của ngài.

Mọi phần thân thể được Chúa dựng nên đều phải được trân trọng bảo vệ, vì ngay cả một sợi tóc trên đầu rụng xuống cũng không nằm ngoài Thiên Ý (Mt 10,30). Do đó Giáo Hội chẳng những nghiêm cấm tự tử mà còn không cho phép được hủy hoại thân thể.

Tuy nhiên Đức Giêsu dạy: vì sự sống đời đời thì có mất một phần chi thể cũng đáng thôi (Mt 5,29-30). Do đó vì đạo Chúa, Apollonia chấp nhận để cho lý hình bẻ gãy mọi cái răng của ngài.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết trân trọng phần xác, nhưng lại phải trân trọng linh hồn hơn.

Suy niệm 4: Tự tử

Apollonia bị đe dọa, nếu ngài không chịu nguyền rủa Thiên Chúa thì họ sẽ ném ngài vào lửa. Ngài xin đợi một vài giây phút như để suy nghĩ về điều họ yêu cầu. Nhưng thay vào đó, ngài đã tự ý nhảy vào lửa và được phúc tử đạo.

Thánh Augustine giải thích về sự tử đạo của ngài là do sự thúc giục đặc biệt của Chúa Thánh Thần, vì không ai được phép tự ý gây ra cái chết cho mình.

Dầu luân lý cấm cộng tác vào việc tự sát, nhưng không được tuyệt vọng về phần rỗi đời đời của những người tự tử. Thiên Chúa có thể thu xếp cho họ có cơ hội sám hối để được ơn tha thứ, bằng những đường lối mà chỉ một mình Người biết Hội Thánh vẫn cầu nguyện cho những người hủy hoại mạng sống mình (Sách Giáo Lý số 2283).

Suy niệm 5: Nhà thờ

Có nhiều nhà thờ được dâng kính cho thánh nữ.

Nhà thờ vốn là nơi để thờ phượng Chúa và cũng là nơi cầu nguyện, vì thế nếu không sử dụng đúng mà làm những điều xúc phạm thì đáng bị khiển trách. Đó cũng là lý do vì sao Đức Giêsu tỏ thái độ cứng rắn đồi với những người buôn bán trong đền thờ (Ga 2,14-17).

Tuy nhiên việc xây dựng nhà thờ để dâng kính các thánh thì không có ảnh hưởng gì, vì chủ yếu vẫn là để thờ phượng Chúa và cầu nguyện, nhưng nhờ vào sự chuyển cầu có thế lực của thánh nhân.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con gia tăng lòng sùng kính các thánh, nhưng không dừng lại đó nhưng phải qua các ngài mà đến với Chúa.

Suy niệm 6: Quan thầy

Là quan thầy của các nha sĩ, Thánh Apollonia thường được cầu khẩn để chữa răng đau và các bệnh liên hệ đến răng.

Ai đã bị đau răng mới thấm thía được nỗi đau kịch liệt như thế nào. Vì thế ngoài thuốc điều trị, bệnh nhân cũng thường cần đến một sợ trợ giúp thần thiêng, đặc biệt đến từ một vị đã trải qua kinh nghiệm.

Thánh Apollonia được chọn làm quan thầy của các nha sĩ, vì ngài đã bị bẻ gãy mọi cái răng trong cuộc bách hại, nghĩa là ngài đã từng trải nỗi đau răng nên dễ cảm thông và ban ơn trợ giúp bệnh nhân.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con dành thì giờ viếng thăm an ủi và chia sẻ nỗi đau của các bệnh nhân.

Teresa Nhỏ Bé
27-02-2012, 09:21 AM
Ngày 27-02


Thánh GABRIEN
của Đức Mẹ Sầu Bi


http://2.bp.blogspot.com/-YKP1r6DLmkI/T0pAMihWZQI/AAAAAAAALZI/anbZ0ZnM4tA/s320/Gabriel.gif (http://2.bp.blogspot.com/-YKP1r6DLmkI/T0pAMihWZQI/AAAAAAAALZI/anbZ0ZnM4tA/s1600/Gabriel.gif)

(c.1862)




Lược sử:

Phanxicô, sinh trưởng trong một gia đình có đến 12 người con, và ngài mồ côi mẹ khi mới bốn tuổi. Phanxicô được các cha dòng Tên dạy dỗ, và sau hai lần thoát khỏi bệnh nặng, anh tin rằng Thiên Chúa kêu gọi anh vào đời sống tu trì. Tuy nhiên, ước ao gia nhập dòng Tên của anh bị từ chối, có lẽ vì tuổi còn nhỏ, lúc ấy anh chưa đến 17 tuổi. Sau cái chết của người chị vì bệnh dịch tả, quyết tâm đi tu của anh lại càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết, và anh được các cha dòng Passionist chấp nhận. Khi bắt đầu cuộc sống đệ tử, Phanxicô lấy tên là Gabrien của Đức Mẹ Sầu Bi.

Là một con người luôn luôn bình dị và vui tươi, không bao lâu Gabrien đã tập được cho mình một đức tính: trung thành trong mọi chuyện dù nhỏ bé. Anh khiến mọi người ngạc nhiên về tinh thần cầu nguyện của anh cũng như việc yêu thương người nghèo, quan tâm đến người khác, tuân giữ quy luật cách nghiêm nhặt và hãm mình phạt xác -- luôn luôn tùy theo tôn ý của bề trên.

Cha bề trên rất kỳ vọng nơi Gabrien khi anh đang chuẩn bị cho đời sống linh mục, nhưng chỉ sau bốn năm tu tập, các triệu chứng của bệnh lao bắt đầu xuất hiện. Luôn luôn vâng lời, anh kiên nhẫn chịu đựng sự đau đớn và những hạn chế mà cơn bệnh đòi hỏi, không muốn được lưu ý cách đặc biệt. Anh từ trần cách êm ái vào ngày 27 tháng Hai 1862, khi mới 24 tuổi, sau khi sống gương mẫu cho mọi người.

Gabrien của Đức Mẹ Sầu Bi được phong thánh năm 1920.



__________



Suy niệm (của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)






Suy niệm 1: Ơn gọi tu trì

Sau hai lần thoát khỏi bệnh nặng, Phanxicô tin rằng Thiên Chúa kêu gọi anh vào đời sống tu trì.

Thiên Chúa dùng mọi phương cách để mời gọi con người đi vào nếp sống tu trì. Điều quan trọng là thụ nhân có nhận ra hồng ân Thiên Chúa đặc ban cho hay không mà thôi.

Với Phaolô, Chúa dùng cuộc gặp gỡ ở Đamát qua việc Phaolô bị té ngựa và bị mù lòa, và Phaolô đã nhận ra để được ơn làm tông đồ dân ngoại (Cv 9,1-22). Còn Phanxicô thì bị bệnh nặng và cũng đã nhận ra được ơn gọi.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sáng suốt để nhận ra ơn Chúa gọi qua từng biến cố trong đời.

Suy niệm 2: Ơn gọi tu trì

Ước ao gia nhập dòng Tên của Phanxicô bị từ chối. Sau cái chết của người chị vì bệnh dịch tả, quyết tâm đi tu của anh lại càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết, và anh được các cha dòng Passionist chấp nhận.

Ơn gọi tu trì cũng mang một tính cách mầu nhiệm. Bị từ chối chỗ này nhưng lại được chỗ kia đón nhận để rồi đạt được thành quả tốt đẹp, ngoài dự kiến của bản thân cũng như của tha nhân.

Thực tế không thiếu những trường hợp nhiệm mầu vượt quá trí hiểu con người như thế: bị chủng viện này cho về, xin gia nhập vào chủng viện khác, được nhận và rồi được thụ phong linh mục.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các tu sinh kiên tâm bền chí theo đuổi chí hướng được Chúa ân ban.

Suy niệm 3: Tên

Khi bắt đầu cuộc sống đệ tử, Phanxicô lấy tên là Gabrien của Đức Mẹ Sầu Bi.

Nếu sứ thần Gabrien luôn vâng lệnh Chúa để truyền tin cho loài người, như trường hợp truyền tin cho Đức Maria, thì Phanxicô cũng tuân giữ quy luật cách nghiêm nhặt và luôn luôn tùy theo tôn ý của bề trên.

Đáp trả lời mời gọi của sứ thần truyền tin, Đức Maria đã đón nhận gươm sắc đâm xuyên tâm hồn với sứ mạng đồng công cứu chuộc. Theo gương Mẹ, Phanxicô cũng kiên nhẫn chịu đựng sự đau đớn và những hạn chế mà cơn bệnh đòi hỏi, không muốn được lưu ý cách đặc biệt.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống đúng với tên thánh lãnh nhận được qua bí tích Rửa Tội.

Suy niệm 4: Trung thành

Là một con người luôn luôn bình dị và vui tươi, không bao lâu Gabrien đã tập được cho mình một đức tính: trung thành trong mọi chuyện dù nhỏ bé.

Trung thành trong mọi chuyện dù nhỏ bé, đó cũng là điểm Đức Giêsu từng đánh giá, khi nói: “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn” (Lc 16,10), để rồi được tín nhiệm trao phó những điều quý giá hơn (Lc 16,11-12).

Trên bước đường rao giảng, thánh Phaolô cũng đã đánh giá Tykhicô và Ônêximô là trung thành, nên chọn họ làm sứ mạng thông tin liên lạc (Cl 4,7.9).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn trân trọng và tập sống đức tính trung thành trong mọi việc.

Suy niệm 5: Luật lệ

Phanxicô tuân giữ quy luật cách nghiêm nhặt, luôn luôn tùy theo tôn ý của bề trên.

Thái độ phải có đối với lề luật, đó là phải luôn tuân giữ quy luật cách nghiêm nhặt, vì đó là con đường duy nhất của một người thật lòng yêu mến Chúa và mong muốn được ở trong tình yêu mến của Người (Ga 14,15; 15,10).

Một phương cách biệu lộ Thiên ý, đó là tôn ý của bề trên, vì thế vâng lời bề trên trong mọi lệnh truyền, đó là thái độ khôn ngoan và an toàn nhất. Thật vậy nếu có làm điều gì không phải mà đúng ý bề trên, thì chính bề trên mắc lỗi, còn ta vẫn đẹp lòng Chúa.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con mau mắn và ngoan ngoãn thực thi mọi điều Chúa truyền dạy qua tôn ý bề trên.

Suy niệm 6: Kiên nhẫn

Luôn luôn vâng lời, Phanxicô kiên nhẫn chịu đựng sự đau đớn và các hạn chế mà cơn bệnh đòi hỏi.

Dầu bị cơn bệnh hành hạ thân xác, nhưng Phanxicô vẫn giữ vững tinh thần vốn được thể hiện trong thái độ kiên nhẫn chịu đựng, đến mức không muốn được ai lưu ý và chăm sóc cách đặc biệt.

Xưa kia ông Gióp cũng bị tai ương dồn dập cả về gia sản lẫn con cái và ngay cả bản thân cũng bị ung nhọt ác tính hành hạ, thế nhưng ông vẫn một mực kiên nhẫn chịu đựng không hề có nửa lời xúc phạm đến Chúa (G 1,22; 2,10).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thà kiên nhẫn chịu nhục hình, chứ không làm bất cứ điều gì mất lòng Thiên Chúa.

Teresa Nhỏ Bé
28-02-2012, 08:09 PM
Ngày 28-02

Chân phước Daniel Brottier
http://www.thanhlinh.net/sites/default/files/Images/image056.jpg




(1876-1936)

Lược sử

Daniel Brottier sinh ngày 7-9- (http://saints.sqpn.com/blessed-daniel-brottier/7-september)1876 (http://saints.sqpn.com/blessed-daniel-brottier/time-line-1876) tại La Ferté-Saint-Cyr, giáo phận Blois (http://saints.sqpn.com/blessed-daniel-brottier/diocese-of-blois-france), Pháp. Ngài thụ phong linh mục năm 1899 và bắt đầu dạy học tại trường Pontlevoy (Pháp). Ngài muốn loan báo Tin Mừng cả ngoài lớp học nên ngài gia nhập Hội Truyền giáo Chúa Thánh Thần (Congregation of the Holy Ghost) tại Orly (Pháp) năm 1902, đi truyền giáo tại Saint-Louis, Senegal, thuộc Tây Phi, năm 1903 (http://saints.sqpn.com/blessed-daniel-brottier/time-line-1903). Sau 8 năm, vì sức khỏe suy yếu, ngài trở lại Pháp năm 1911 (http://saints.sqpn.com/blessed-daniel-brottier/time-line-1911) và quyên góp tiền xây nhà thờ chính tòa mới tại Dakar, Senegal. Thánh đường này được thánh hiến ngày 2-2-1936, chỉ vài tuần trước khi ngài qua đời.


Bắt đầu Thế Chiến I, Daniel làm tuyên úy tình nguyện và ra biên giới 4 năm. Ngài không trốn tránh nhiệm vụ. Thật vậy, ngài đã xả thân giữa trận chiến và bị thương. Ngài được tuyên dương là can đảm 6 lần, được thưởng Huân chương Chiến công (Croix de Guerre) và Bắc đẩu Bội tinh (Legion of Honour). Ngài sống sót nhờ cầu nguyện với thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu nên ngài xây một nhà nguyện dâng kính thánh nữ tại Auteuil khi thánh nữ được phong thánh.

Sau chiến tranh, ngài được mời giúp thành lập một dự án cho trẻ mồ côi tại Auteuil, ngoại ô Paris. Ngài sống 13 năm ở đó. Ngài qua đời ngày 28-2-1936 tại Paris. Có khoảng 15.000 người dân Paris đến kính viếng ngài và ĐHY Verdier đã giảng trong thánh lễ an táng ngài. Ngài (http://saints.sqpn.com/blessed-daniel-brottier/venerable) được ĐGH Gioan-Phaolô II phong bậc đáng kính ngày 13-1- (http://saints.sqpn.com/blessed-daniel-brottier/13-january)1983 (http://saints.sqpn.com/blessed-daniel-brottier/time-line-1983) và phong chân phước ngày 25- (http://saints.sqpn.com/blessed-daniel-brottier/25-november)11-1984 (http://saints.sqpn.com/blessed-daniel-brottier/time-line-1984).

Teresa Nhỏ Bé
04-03-2012, 05:30 PM
Ngày 04-03


THÁNH CASIMIR


http://4.bp.blogspot.com/-Zwbh1EKwhcU/T1GuPaJNc7I/AAAAAAAALeI/TLFSguP919U/s1600/casimir01.jpg (http://4.bp.blogspot.com/-Zwbh1EKwhcU/T1GuPaJNc7I/AAAAAAAALeI/TLFSguP919U/s1600/casimir01.jpg)


(1458-1483)



Lược sử:

Casimir lớn lên trong một thế giới mà đó không phải là cuộc đời ngài mong muốn. Là hoàng tử Ba Lan, con trai thứ hai của Vua Casimir IV và Hoàng Hậu Elizabeth của Áo, cuộc đời ngài được đặt định để nối tiếp quyền bính của vua cha và gia tăng quyền thế của Ba Lan.

Ngay từ nhỏ, Casimir đã cảm thấy cuộc đời mình thuộc về một người nào đó, mà vị Vua ấy cao cả hơn cha ngài nhiều. Bất kể các áp lực, nhục nhã và bị tẩy chay, ngài vẫn giữ sự trung tín ấy trong suốt cuộc đời.

Ngay từ nhỏ Casimir đã dâng mình cho Chúa. Một trong những động lực tận hiến ấy là nhờ người giám hộ, John Dlugosz, mà sự thánh thiện của ông đã khuyến khích Casimir trên hành trình cuộc đời.

Thánh Casimir vô cùng quý mến Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa; đặc biệt là ngài yêu thích bài thánh ca Latinh về Đức Mẹ, "Omni die dic Mariae".

Chắc chắn cha ngài phải kinh ngạc về thái độ của con mình, nhưng có lẽ ông cũng nhìn thấy và thán phục sức khỏe của Casimir. Lầm tưởng về điều ấy nên ông đã sai Casimir dẫn một đạo quân sang xâm chiếm Hungary, theo như lời yêu cầu của một số nhà quý tộc ở đây. Mặc dù cảm thấy cuộc viễn chinh thật sai lầm, Casimir cũng đã vâng lời vua cha. Nhưng mỗi một bước tiến ngài linh cảm rằng đó là sự bất tuân Cha trên trời. Do đó khi binh lính bắt đầu bỏ trốn vì không được trả lương, ngài rất hân hoan nghe theo lời khuyên của các sĩ quan mà đưa quân trở về nhà. Khi được biết Đức Giáo Hoàng Sixtus IV chống đối cuộc xâm lăng ấy, Casimir biết rằng linh cảm của mình là đúng.

Tuy nhiên, vua cha quá tức giận vì hoạch định của ông bị thất bại, nên ông đã trục xuất Casimir, lúc ấy mới 15 tuổi, đến một lâu đài ở Dobzki, hy vọng rằng sự tù đầy sẽ thay đổi ý định của Casimir. Nhưng trong thời gian lưu đầy, ý định ban đầu của Casimir mà ngài tin là đúng lại càng gia tăng mạnh mẽ hơn, và ngài từ chối cộng tác trong mọi hoạch định của vua cha bất kể bất cứ áp lực nào. Ngài từ chối cả cuộc hôn nhân do cha ngài sắp đặt. Ngài chỉ cộng tác với chương trình của vị Vua đích thực qua sự cầu nguyện, học hỏi và giúp đỡ người bất hạnh.

Ngài từ trần vì bệnh phổi khi mới 23 tuổi trong thời gian đến thăm Lithuania, mà ngài cũng là Đại Công Tước của quốc gia này. Ngài được mai táng ở Vilna, Lithuania.

Ngài được đặt làm thánh quan thầy của Ba Lan và Lithuania.

Lời Bàn

Trong nhiều năm trời, các quốc gia Ba Lan và Lithuania đã mờ nhạt trong nhà tù vĩ đại bên kia Bức Màn Sắt. Bất kể những đàn áp, người Ba Lan và Lithuania vẫn kien trì giữ vững đức tin mà đức tin ấy đã trở nên đồng hoá với tên của họ. Vị thánh quan thầy trẻ tuổi đã đem cho họ một hy vọng: Hòa bình không thể chiếm được bằng chiến tranh; đôi khi ngay cả nhân đức cũng không chiếm được sự an bình thoải mái, nhưng sự bình an của Ðức Kitô có thể thấm nhập vào cả các bức màn sắt.

Lời Trích

Thánh Casimir vô cùng quý mến Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa; đặc biệt là ngài yêu thích bài thánh ca Latinh về Ðức Mẹ, "Omni die dic Mariae" (Ca Ngợi Mẹ Hàng Ngày). Ngài đã yêu cầu bản nhạc ấy được chôn theo với ngài.

__________


Suy niệm (của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)




Suy niệm 1: Trung tín

Ngay từ nhỏ, Casimir đã cảm thấy cuộc đời mình thuộc về một người nào đó, mà vị Vua ấy cao cả hơn cha ngài nhiều. Bất kể các áp lực, nhục nhã và bị tẩy chay, ngài vẫn giữ sự trung tín ấy trong suốt cuộc đời.

Lòng trung tín chỉ có giá khi được trải nghiệm qua bao thử thách, như vàng phải được thử qua lửa. Casimir biết rằng đời sống vương giả là một áp lực, sự sang trọng chung quanh ngài là những cám dỗ để phản bội sự trung tín đích thực.

Vì thế ngài mặc các quần áo bình dân nhất, khước từ ngay cả sự tiện nghi bình thường, ngài ngủ ít ngay trên sàn nhà và dành thời giờ ban đêm để cầu nguyện. Mặc dù ngài là hoàng tử, nhiều người chung quanh đã nhạo cười ngài về các điều ấy. Tuy nhiên, trước bất cứ áp lực nào, Casimir vẫn thản nhiên và thân thiện.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con kiên trung vượt qua thử thách để tỏ lòng tín trung với Chúa.

Suy niệm 2: Tu trì

Ngay từ nhỏ Casimir đã dâng mình cho Chúa. Một trong những động lực tận hiến ấy là nhờ người giám hộ, John Dlugosz,
mà sự thánh thiện của ông đã khuyến khích Casimir trên hành trình cuộc đời.

Nguyện ước dâng mình cho Chúa như một hạt giống được gieo vào mãnh đất tâm hồn Casimir, hằng ngày âm thầm tăng trưởng nhờ vào sự thánh thiện của người giám hộ, và cuối cùng đã trổ bông kết trái qua việc Casimir từ chối cuộc hôn nhân do cha ngài sắp đặt

Dầu không vào dòng, nhưng Casimir thể hiện tâm hồn tu trì qua việc ngài chỉ cộng tác với chương trình của vị Vua đích thực qua sự cầu nguyện, học hỏi và giúp đỡ người bất hạnh.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con ý thức rằng một nhà tu hành mà không có tâm hồn tu trì thì cũng không bằng một người có tâm hồn tu trì dù không mặc chiếc áo dòng nào.

Suy niệm 3: Đức Maria

Thánh Casimir vô cùng quý mến Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa; đặc biệt là ngài yêu thích bài thánh ca Latinh về Đức Mẹ, "Omni die dic Mariae".

Một trong những tận hiến chính của Thánh Casimir là Mẹ Maria, được gói ghém trong bản thánh ca La Tinh “Omni die dic Mariae” (được tạm dịch là hằng ngày ca ngợi Mẹ Maria).

Bản thánh ca này cũng được gọi là “Bài thánh ca của Thánh Casimir”), đây không phải là bản thánh ca do chính Ngài sáng tác nhưng do Bernard tại Clunny vào thế kỷ thứ 12. Ngài yêu cầu khi chết được mang theo bản thánh ca này.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con học nơi Thánh Casimir lòng tôn sùng tận hiến nơi Mẹ Maria. Ngài không muốn chôn cất với ngài kho tàng vật chất vàng bạc châu báu, nhưng là Bài Thánh Ca tán dương Mẹ “Omni die dic Mariae” được đặt làm gối dưới đầu.

Suy niệm 4: Hòa bình

Phụ hoàng sai Casimir dẫn một đạo quân sang xâm chiếm Hungary, theo như lời yêu cầu của một số nhà quý tộc ở đây.

Thánh Casimir đã bất tuân Vua cha, khước từ tham gia cuộc chiến giữa Ba Lan và Hungary. Không một ai có thể ra lệnh hay khuyên bảo Ngài để dùng quân lực. Xây dựng hòa bình không chỉ dành cho người quyền cao chức trọng đứng ra ký một bản hiệp ước.

Xây dựng hòa bình là một tiến trình mà mỗi người có thể làm được. Mỗi lần lắng nghe nhận định của người khác, mỗi lần biết suy nghĩ trước khi nói, mỗi lần biết chọn để đừng lôi kéo vào cuộc tranh luận cho những xung đột. Xây dựng hòa bình khi biết xây dựng hơn là phá đổ, biết nhận xét ca ngợi hơn là phê bình chỉ trích, biết đặt niềm hy vọng hơn là tuyệt vọng.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết xây dựng hòa bình đích thực để xứng là Con Chúa (Mt 5,9).

Suy niệm 5: Vâng lời

Mặc dù cảm thấy cuộc viễn chinh thật sai lầm, Casimir cũng đã vâng lời vua cha. Nhưng mỗi một bước tiến ngài linh cảm rằng đó là sự bất tuân Cha trên trời. Do đó khi binh lính bắt đầu bỏ trốn vì không được trả lương, ngài rất hân hoan nghe theo lời khuyên của các sĩ quan mà đưa quân trở về nhà.

Cấp độ vâng lời đã được các tông đồ nêu lên như một nguyên tắc bất hủ trước thượng hội đồng Do Thái: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5,29).

Vậy nếu cách lệnh truyền không đúng Thiên Ý mà đi vào con đường tội lỗi thì không được làm theo. Chính Đức Giêsu đã tiên báo những cuộc tranh chấp ngay trong nội bộ gia đình vì danh Chúa (Mt 10,21-22).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con cương quyết vâng theo lời Chúa hơn là người phàm.

Suy niệm 6: Lưu đày

Vua cha quá tức giận vì hoạch định của ông bị thất bại, nên ông đã trục xuất Casimir, lúc ấy mới 15 tuổi, đến một lâu đài ở Dobzki, hy vọng rằng sự tù đầy sẽ thay đổi ý định của Casimir.

Lưu đày là một hình phạt dưới con mắt của nhà cầm quyền, nhưng dưới con mắt đức tin thì chưa hẳn thế, vì Thiên Chúa có thể biến cái xấu thành điều tốt, như niềm xác tín của ông Giuse về việc bị anh em bán sang Ai Cập (St 45,4-8).

Cũng thế, trong thời gian lưu đầy, ý định ban đầu của Casimir mà ngài tin là đúng lại càng gia tăng mạnh mẽ hơn, và ngài từ chối cộng tác trong mọi hoạch định của vua cha bất kể bất cứ áp lực nào.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn đọc mọi biến cố với con mắt đức tin.

Teresa Nhỏ Bé
05-03-2012, 10:03 AM
Ngày 05-03


Thánh GIOAN GIUSE
của Thánh Giá


http://3.bp.blogspot.com/-ZkUbLQuBsC4/T1N5DEVwjOI/AAAAAAAALgQ/iLS-KStRkX0/s1600/john+joseph.jpg (http://3.bp.blogspot.com/-ZkUbLQuBsC4/T1N5DEVwjOI/AAAAAAAALgQ/iLS-KStRkX0/s1600/john+joseph.jpg)




(1654-1734)


Lược sử:

Sự khắc kỷ tự nó không phải là cùng đích nhưng chỉ là một trợ giúp để sống bác ái hơn -- như cuộc đời Thánh Gioan Giuse đã minh chứng.

Gioan Giuse sống rất khắc khổ ngay từ khi còn trẻ. Năm 16 tuổi, ngài gia nhập dòng Phanxicô ở Naples; ngài là người Ý đầu tiên theo phong trào cải cách của Thánh Phêrô Alcantara. Sự thánh thiện nổi tiếng của Gioan Giuse là động lực khiến cha bề trên giao cho ngài trách nhiệm thành lập một tu viện mới, ngay cả trước khi được thụ phong linh mục.

Với đức vâng lời, ngài chấp nhận mọi bổ nhiệm, từ giám đốc đệ tử, quản gia và, sau cùng là bề trên giám tỉnh. Những năm dài hãm mình phạt xác đã giúp ngài thi hành các nhiệm vụ trên với lòng bác ái cao cả. Khi là quản gia ngài không ngần ngại làm việc trong nhà bếp, hoặc gánh củi, gánh nước cho các tu sĩ. Khi thời gian làm giám tỉnh đã mãn, Cha Gioan Giuse tận tụy trong công việc giải tội và hãm mình phạt xác, là hai điều trái ngược với tinh thần ban đầu của Thời Khai Minh (*). Ngài cũng được ban cho nhiều ơn siêu nhiên, tỉ như ơn tiên tri và làm phép lạ. Ngài từ trần vào năm 80 tuổi ở tu viện Naples.

Cha Gioan Giuse được phong thánh năm 1839.

Lời Bàn

Sự hãm mình phạt xác của Thánh Gioan Giuse đã giúp ngài trở nên một bề trên đầy khoan dung mà Thánh Phanxicô đã nhắm đến. Sự khắc kỷ phải đưa chúng ta đến đức ái -- chứ không phải sự cay đắng; nó phải giúp chúng ta nhận ra đâu là những ưu tiên trong cuộc sống, và giúp chúng ta sống yêu thương hơn. Thánh Gioan Giuse là bằng chứng sống động của điều mà Chesterton nhận xét: "Ðể thời đại lôi cuốn thì quá dễ; sự khó khăn là giữ được lập trường của mình" (G.K. Chesterton, Orthodoxy, trang 101).

(*) Thời Khai Minh (Age of Enlightenment), là trào lưu tư tưởng trong thế kỷ 17 và 18, chủ trương dùng lý trí con người để chế ngự toàn thể văn hóa hay tư duy nhân loại.

__________


Suy niệm (của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)




Suy niệm 1: Khắc kỷ

Sự khắc kỷ tự nó không phải là cùng đích nhưng chỉ là một trợ giúp để sống bác ái hơn.

Sự khắc kỷ phải đưa chúng ta đến đức ái -- chứ không phải sự cay đắng; nó phải giúp chúng ta nhận ra đâu là những ưu tiên trong cuộc sống, và giúp chúng ta sống yêu thương hơn.

Thánh Gioan Giuse là bằng chứng sống động của điều mà Chesterton nhận xét: "Để thời đại lôi cuốn thì quá dễ; sự khó khăn là giữ được lập trường của mình" (G.K. Chesterton, Orthodoxy, trang 101).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con tích cực sống đức bác ái như một biểu hiện là con cái Chúa (Ga 13,35).

Suy niệm 2: Khắc khổ

Gioan Giuse sống khắc khổ ngay từ khi còn trẻ.

Phải sống khắc khổ do hoàn cảnh nghèo khó của gia đình mà không oán than cũng là tinh thần đáng khâm phục, nhưng chọn lối sống ấy với lòng tự nguyện và ngay khi còn trẻ thì không phải ai cũng sống được.

Nếu thế thì không có ngôn từ loài người nào có thể ngợi ca tinh thần của Đức Giêsu, khi Ngài vốn là Thiên Chúa vinh quang và giàu sang vô cùng, nay lại xuống thế và chọn lối sống nghèo đến mức sinh nơi hang bò lừa, sống không chỗ gối đầu và chết chôn nhờ vào mộ người khác.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con yêu mến đức khó nghèo để xứng phần phúc Chúa hứa (Mt 5,3).

Suy niệm 3: Thánh thiện

Sự thánh thiện nổi tiếng của Gioan Giuse là động lực khiến cha bề trên giao cho ngài trách nhiệm thành lập một tu viện mới, ngay cả trước khi được thụ phong linh mục.

Sự thánh thiện thì không tùy thuộc vào thứ bậc trong phẩm trật Hội Thánh. Dĩ nhiên có rất nhiều thánh linh mục, giám mục, hồng y cũng như giáo hoàng, nhưng vẫn không thiếu những giáo dân cũng như tu sĩ thánh thiện đã được phong thánh.

Chính yếu tố thánh thiện là yếu tố then chốt trong việc tuyển chọn người để được trao phó trách nhiệm, hơn là tài nặng và các yếu tố khác dầu cũng rất cần thiết, như một cha thánh Gioan Maria Vianê vốn không có học thức bằng những người khác.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn đặt yếu tố đức hơn tài trong việc tuyển chọn người làm việc, vì có tài mà thiếu đức thì chỉ gây thiệt hại nhiều hơn là lợi ích.

Suy niệm 4: Vâng lời

Với đức vâng lời, ngài chấp nhận mọi bổ nhiệm, từ giám đốc đệ tử, quản gia và, sau cùng là bề trên giám tỉnh.

Việc vâng lời trước mắt làm như hạ giá người vâng lời, nhưng thực chất lại nâng cao phẩm giá họ lên đến mức không thể ngờ trước được.

Nhờ tuyệt đối vâng lời, Đức Maria đã được Thiên Chúa khấng ban cho những đặc ân vô song mà không một người phàm nào có được từ trước và mãi mãi về sau.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con xác tín về lợi ích của việc vâng lời, để luôn thực hành trong đời.

Suy niệm 5: Khổ chế

Những năm dài hãm mình phạt xác đã giúp Thánh Gioan Giuse thi hành các nhiệm vụ với lòng bác ái cao cả. Khi là quản gia ngài không ngần ngại làm việc trong nhà bếp, hoặc gánh củi, gánh nước cho các tu sĩ. Sự hãm mình phạt xác của ngài đã giúp ngài trở nên một bề trên đầy khoan dung mà Thánh Phanxicô đã nhắm đến.

Khổ chế không hẳn nằm ở bình diện thể xác với các việc hảm mình phạt xác, bằng việc ăn uống kham khổ, mà nhất là ở mặt tinh thần, bằng việc chấp nhận những trách vụ khiêm hèn với những công việc thấp hèn, như làm bếp hoặc gánh củi, gánh nước.

Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu cũng có nhiều điều để dạy chúng ta về quan niệm, về thể diện, về cái "tôi" như là khổ chế tinh thần. Ngài chấp nhận làm việc vất vả trong phòng giặt quần áo cũng như phòng bệnh và phòng ăn của tu viện.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đánh giá khổ chế tinh thần còn quan trọng hơn cả khổ chế phần xác nữa.

Suy niệm 6: Thời Khai Minh

Cha Gioan Giuse tận tụy trong công việc giải tội và hãm mình phạt xác, là hai điều trái ngược với tinh thần ban đầu của Thời Khai Minh.

Thời Khai Minh (Age of Enlightenment), là trào lưu tư tưởng trong thế kỷ 17 và 18, chủ trương dùng lý trí con người để chế ngự toàn thể văn hóa hay tư duy nhân loại.

Với chủ trương này, họ như bài trừ vai trò của Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa. Quả là một sai lầm lớn lao, vì nếu không có bàn tay quan phòng và bảo trì của Thiên Chúa thì tất cả sẽ trở về cát bụi (Tv 104,27-29).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con ý thức về thân phận thụ tạo của mình, để luôn sống lệ thuộc vào Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa.

Teresa Nhỏ Bé
10-03-2012, 11:48 AM
Ngày 08-03


Thánh GIOAN Thiên Chúa


http://3.bp.blogspot.com/-kK4qy-745RE/T1cdO1xWejI/AAAAAAAALmY/mi03jidF19c/s320/jean+de+dieu.jpg (http://3.bp.blogspot.com/-kK4qy-745RE/T1cdO1xWejI/AAAAAAAALmY/mi03jidF19c/s1600/jean+de+dieu.jpg)



(1495-1550)


Lược sử:

Từ lúc tám tuổi cho đến khi chết, Thánh Gioan thường hành động hấp tấp. Sự thử thách là làm sao để biết đó là sự thúc giục của Chúa Thánh Thần, chứ không phải là những cám dỗ trần tục. Nhưng không giống như những người bốc đồng khác, một khi đã quyết định, dù hấp tấp đi nữa, thánh nhân trung thành với quyết định ấy dù có gian khổ cách mấy.

Khi lên tám tuổi, Gioan nghe một linh mục nói về cuộc phiêu lưu đi tìm thế giới mới. Đêm hôm ấy, Gioan bỏ nhà đi theo vị linh mục này và không bao giờ gặp mặt cha mẹ nữa. Cả hai đi ăn xin từ làng này sang làng khác cho đến khi Gioan ngã bệnh nặng. May mắn, nhờ một người tá điền trong vùng chăm sóc và nhận làm con nuôi nên Gioan mới sống sót. Anh làm nghề chăn cừu cho đến khi 27 tuổi thì gia nhập quân đội Tây Ban Nha trong cuộc chiến chống với nước Pháp. Khi là quân nhân, Gioan bê bối không thể tưởng, anh đánh bài, uống rượu và cùng với đồng đội phá làng phá xóm. Một ngày kia, khi đang cưỡi con ngựa ăn cắp được, anh bị ngã ngựa gần ranh giới với nước Pháp. Hoảng sợ vì thoát chết, anh nhìn lại cuộc đời và vội vàng thề sẽ thay đổi.

Khi trở về đơn vị, anh giữ lời hứa và đi xưng tội, thay đổi lối sống. Các bạn đồng đội không bận tâm với việc sám hối của anh, nhưng họ chán ghét anh vì anh luôn thúc giục họ từ bỏ các thú vui trụy lạc. Bởi đó họ tìm cách đánh lừa để anh rời bỏ nhiệm sở, vi phạm kỷ luật và bị đuổi ra khỏi quân đội sau khi bị đánh đập và lột hết của cải. Anh phải đi xin ăn trên đường trở về nhà cha nuôi, trở lại nghề chăn cừu.

Khi chăn cừu, Gioan có nhiều thời giờ để suy niệm về ơn gọi của mình. Vào lúc 38 tuổi Gioan quyết định sang Phi Châu để chuộc những Kitô Hữu bị bắt. Nhưng trong khi chờ đợi ở bến tầu Gibraltar, vì cảm thương một gia đình quý tộc bị sa cơ thất thế sau biến động chính trị và phải lưu đầy, Gioan quên đi ý định ban đầu và tình nguyện làm gia nhân cho họ. Khi đến đất lưu đầy, gia đình này bệnh hoạn đến độ không những Gioan phải săn sóc họ mà còn phải đi làm để kiếm tiền nuôi sống họ. Công việc xây cất các thành lũy thật vất vả, thật bất nhân mà các nhân công thường bị đánh đập và đối xử tàn tệ bởi những người tự xưng là Công Giáo. Cảnh tượng ấy đã làm lung lay đức tin của Gioan. Một linh mục khuyên Gioan đừng đổ tội cho Giáo Hội vì những hành động của giáo dân, và nên về lại Tây Ban Nha.

Ở Tây Ban Nha, ban ngày Gioan làm phu khuân vác bến tầu, ban đêm ngài đến nhà thờ để cầu nguyện và đọc sách thiêng liêng. Việc đọc sách đem lại cho ngài niềm vui đến độ ngài quyết định phải chia sẻ niềm vui ấy với người khác. Gioan bỏ nghề khuân vác và đi bán sách dạo, lang thang từ phố này sang phố khác để bán sách thiêng liêng và ảnh các thánh. Khi 41 tuổi, Gioan sang Granada mở một tiệm bán sách nhỏ.

Sau khi nghe giảng về sự ăn năn sám hối của vị giảng thuyết nổi tiếng thời bấy giờ là Chân Phước Gioan Avila, Gioan trở về nhà, xé tất cả các sách đời, phân phát tiền của và các sách đạo cho mọi người. Gioan lang thang với quần áo rách nát, than khóc về tội lỗi của mình như một người điên, và bị trẻ con cũng như mọi người chế nhạo.
Bạn bè đưa Gioan vào dưỡng trí viện để chữa trị, là nơi ngài bị trói và bị đánh đập. Cho đến khi Chân Phước Gioan Avila đến thăm và cho biết là sự sám hối của ngài đã đủ 40 ngày, như Đức Kitô xưa ăn chay trong sa mạc, thì Gioan trở lại bình thường và được đưa sang một khu vực khác, lành mạnh hơn. Ở đây, Gioan nhanh nhẹn giúp đỡ các bệnh nhân khác, và bệnh viện cũng không phiền hà khi có một người trợ tá làm việc không công. Cho đến khi ngài tuyên bố là sẽ mở một nhà thương khác thì họ cho ngài xuất viện.

Có thể Gioan tin rằng Thiên Chúa muốn ngài xây cất một bệnh viện cho người nghèo bị xã hội hắt hủi, nhưng ai nấy cũng đều cho đó là một người điên, vì làm sao có thể xây cất một bệnh viện với nguồn tài chánh duy nhất là việc bán củi. Ban đêm, ngài lấy những đồng tiền kiếm được mua thực phẩm và quần áo cho người nghèo sống dưới gầm cầu hoặc trong các căn nhà hoang phế. Bởi thế, bệnh viện đầu tiên của ngài là các đường phố ở Granada. Cho đến khi có một người hảo tâm cho Gioan thuê lại một căn nhà với giá rẻ, "bệnh viện" của ngài mới bắt đầu thành hình mà tất cả phương tiện cũng như sự tài trợ là nhờ đi xin. Với kinh nghiệm xin ăn sẵn có, ngài đi khắp đường phố, miệng rao lớn, "Hãy làm việc lành cho chính mình! Vì tình yêu Thiên Chúa, hỡi anh chị em, hãy làm việc lành!" Ban ngày, ngài cõng các bệnh nhân về nhà như khuân đá, khuân củi, để tắm rửa, lau chùi các vết thương và cho họ ăn mặc tử tế. Ban đêm thì ngài cầu nguyện.

Cho dẫu nhận mình là người đáng khinh, Gioan cảm nhận nhiều thị kiến. Một lần, Ngài đang rửa chân bị thương cho người ăn mày mà Ngài đã mang về nhà, Ngài kinh ngạc trông thấy người ấy biến dạng, nằm giữa hào quang hầu như tỏa ra bao phủ cả Gioan, đến nỗi nhiều khách trọ ngỡ rằng Gioan đang bị thiêu cháy. Một lần khác Gioan nghe thấy tiếng phán từ trời: “Gioan, tất cả những gì con làm cho người nghèo vì danh ta là con làm cho ta. Đó là những bàn tay ta đã nhận của bố thí của con, đó là thân xác ta mà con đã mặc áo, chân ta mà con đã rửa”.

Cùng với hai người bạn đồng hành Ngài đã lập Dòng Trợ Thế, nhưng lề luật qui củ được hình thành 6 năm sau khi Gioan qua đời. Đức Giáo Hoàng Piô V ban sắc lệnh chuẩn y vào năm 1571, tức 20 năm sau các thành viên của Dòng bắt đầu tuyên lời khấn. Gioan Thiên Chúa được phong thánh vào năm 1690. Đức Giáo Hoàng Leo XIII tôn Ngài là Thánh Bổn Mạng các bệnh viện và người ốm đau cùng với Thánh Camilluss đệ Lellis. Năm 1930, Đức Giáo Hoàng Piô XI phó thác tất cả y tá dưới sự che chở của Ngài.

Dòng Trợ Thế Thánh Gioan Thiên Chúa thường được gọi là Dòng Gioan Thiên Chúa. Dòng Gioan Thiên Chúa bắt đầu hình thành tại Bùi Chu vào năm 1952, sau đó được chuyển vào Nam vào năm 1954 và lập bệnh viện Thánh Tâm Hố Nai. Con số tu sĩ Việt Nam rất là khiêm nhượng, trụ sở của Dòng hiện nay đặt tại: 70/5, khu phố 9, xã Tân Biên, Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Khi thánh nhân lâm bệnh nặng thì ngài nghe tin cơn lũ lụt đang trôi dạt những cây gỗ quý về gần thành phố. Không bỏ lỡ cơ hội, ra khỏi giường bệnh, ngài đi vớt gỗ trên dòng sông đang chảy xiết. Và khi một trong những bạn đồng hành của ngài bị rớt xuống sông, ngài đã không nghĩ đến bệnh tình cũng như sự an toàn cho chính mình mà đã nhảy theo cứu vớt. Ngài thất bại không cứu được người ấy, và chính ngài thì bị sưng phổi. Ngài từ trần ngày 8 tháng Ba, ngày sinh nhật thứ năm mươi lăm của ngài, chỉ vì sự yêu thương vội vàng mà đó là động lực của toàn thể cuộc đời ngài.

Thánh Gioan của Thiên Chúa được đặt làm quan thầy của người bán sách, thợ in, bệnh nhân, bệnh viện, y tá, lính cứu hỏa và được coi là người sáng lập tổ chức Sư Huynh Bệnh Viện.

Lời Bàn

Sự khiêm hạ tuyệt đối của Thánh Gioan của Thiên Chúa là điều cảm phục nhất, được thể hiện qua sự vị tha hoàn toàn vì người khác. Thiên Chúa đã ban cho ngài các ơn khôn ngoan, kiên nhẫn, dũng cảm, nhiệt tình và khả năng ảnh hưởng đến người khác. Ngài nhìn thấy sự sai lầm của thời trai tráng, sống xa cách Thiên Chúa, và sau đó đã nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa để bắt đầu một đời sống mới, thực sự yêu thương tha nhân.

***
SUY NIỆM
(của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)


Suy niệm 1: Hấp tấp

Từ lúc tám tuổi cho đến khi chết, Thánh Gioan thường hành động hấp tấp.

Cuộc sống của ngài đã bị chỉ trích bởi những người không thích hành động bác ái vội vàng hấp tấp. Có lần, khi gặp một gia đình đi xin ăn đang đói, ngài chạy vội vào một căn nhà gần đó, lấy cắp nồi cơm và đem cho họ. Lần khác, khi thấy các em bụi đời quần áo rách nát, ngài vào tiệm quần áo và mua quần áo mới cho chúng. Dĩ nhiên, là mua chịu!

Tuy nhiên sự vội vàng ấy đã giúp nhiều người sống sót trong một vụ hỏa hoạn ở nhà thương mà ngài đã liều mình xông vào lửa, bế các bệnh nhân ra ngoài. Vào lúc ấy, nhà cầm quyền quyết định dùng súng đại bác để phá hủy một phần nhà thương nhằm ngăn chặn ngọn lửa khỏi cháy lan sang thì ngài đã ngăn cản họ, và vội vàng leo lên mái nhà dùng chiếc búa rìu tách rời phần bị cháy. Ngài thành công, nhưng đồng thời cũng rơi theo mái nhà hực lửa đang sụp đổ. Trong khi mọi người hồi hộp cho số phận vị anh hùng cứu tinh thì lạ lùng thay, Gioan bước ra khỏi đám lửa một cách bình an vô sự.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn hấp tấp vội vàng trong các công việc phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân.

Suy niệm 2: Phiêu lưu

Khi lên tám tuổi, Gioan nghe một linh mục nói về cuộc phiêu lưu đi tìm thế giới mới. Đêm hôm ấy, Gioan bỏ nhà đi theo vị linh mục này và không bao giờ gặp mặt cha mẹ nữa.

Xét về nặt đời, lịch sử thế giới luôn ghi công Christophe Colomb và Marco Polo như những vị anh hùng đã khai sáng những cuộc phiêu lưu đi tìm thế giới mới và đã gặt hái thành công.

Xét về mặt đạo, tổ phụ Ápraham cũng thực hiện một cuộc phiêu lưu vĩ đại khi rời thành Ua, vì ngài chẳng biết đi đến đâu mà chỉ biết đạt tới nơi Thiên Chúa sẽ chỉ.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con quyết tâm hoàn thành cuộc phiêu lưu đạt tới nước trời.

Suy niệm 3: Bê bối

Khi là quân nhân, Gioan bê bối không thể tưởng, anh đánh bài, uống rượu và cùng với đồng đội phá làng phá xóm. Một ngày kia, khi đang cưỡi con ngựa ăn cắp được, anh bị ngã ngựa gần ranh giới với nước Pháp. Hoảng sợ vì thoát chết, anh nhìn lại cuộc đời và vội vàng thề sẽ thay đổi.

Thánh Augúttinô trong quyển tự thuật cũng xác nhận đã có một cuộc sống thanh niên bê bối đến mức ngài tự nhận không có thứ tội nào trên thế gian này mà ngài không phạm qua. Thế nhưng ngài đã hồi tâm trở lại và trở thành một thánh nhân lừng danh.

Mọi thánh nhân đều là phàm nhân vì thế vẫn mang nhiều khuyết điểm để rồi có thể có một quá khứ tội lỗi thậm chí bê bối, nhưng tội nhân vẫn có thể trở thành thánh nhân trong tương lai. Do đó đừng bao giờ thất vọng nhưng luôn giúp đỡ tội nhân hoán cải.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn mang tâm tình của Chúa để gần gũi tội nhân và giúp họ trở về với Chúa.

Suy niệm 4: Ghét

Khi trở về đơn vị, Gioan giữ lời hứa và đi xưng tội, thay đổi lối sống. Các bạn đồng đội không bận tâm với việc sám hối của anh, nhưng họ chán ghét anh vì anh luôn thúc giục họ từ bỏ các thú vui trụy lạc.

Nguyên do chính khiến các vị nói Lời Thiên Chúa thường bị chán ghét, là vì phản ứng không thuận chiều của đám thính giả trước lời rao giảng. Gioan Tẩy Giả đã bị vua Hêrôđê ghét bỏ đến mức bỏ tù và sau đó chém đầu.

Đức Giêsu thì bị các người Pharisêu và các nhà thông luật ghét bỏ đến mức họ toa rập nhau lập mưu bày kế gài bẫy, thậm chí vu cáo, để rồi mượn tay chính quyền kết án tử hình thập giá.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thà bị người đời ghét bỏ nhưng được Chúa yêu thương, còn hơn là được người đời yêu thương mà bị Chúa ghét bỏ.

Suy niệm 5: Đức tin

Công việc xây cất các thành lũy thật vất vả, thật bất nhân mà các nhân công thường bị đánh đập và đối xử tàn tệ bởi những người tự xưng là Công Giáo. Cảnh tượng ấy đã làm lung lay đức tin của Gioan.

Vẫn biết con sâu làm rầu nồi canh. Người công giáo xấu cũng gây ảnh hưởng xấu đến đạo giáo. Biết thế nên mỗi kitô hữu luôn cố gắng sống thật tốt để làm rạng danh Giáo Hội.

Tuy nhiên cần phân định rõ sự khác biệt giữa đạo và người có đạo. Đạo luôn tốt nhưng người có đạo có thể tốt và cũng có thể không tốt. Vì thế có câu nói thường tình: Tin đạo chứ không tin người có đạo. Chớ vơ đũa cả nắm.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn giữ mình đừng gây cớ vấp phạm cho người khác, ngay cả những việc được phép nhưng gây hiểu lầm cho tha nhân (Rm 14,20-21;1Cr 8,13).

Suy niệm 6: Bệnh viện

Có thể Gioan tin rằng Thiên Chúa muốn ngài xây cất một bệnh viện cho người nghèo bị xã hội hắt hủi, nhưng ai nấy cũng đều cho đó là một người điên, vì làm sao có thể xây cất một bệnh viện với nguồn tài chánh duy nhất là việc bán củi.

Kinh nghiệm những cư xử nghịch cảnh trong nhà thương điên, nên Ngài xin lập một bệnh viện, để chăm sóc những người ốm đau, cùng khổ chu đáo hơn. Gioan Thiên Chúa dịu dàng săn sóc, băng bó và tắm rửa những người bị thương tích.

Từ công việc từ thiện chưa từng ai làm, Ngài được công chúng để ý tới. Đức Giám Mục sở tại viếng thăm, tỏ lòng thán phục nên trao ban cho Ngài áo dòng và đặt cho Ngài tuớc hiệu là Gioan Thiên Chúa. Cả tỉnh đều cảm kích và muốn giúp đỡ Ngài.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con quan tâm đến các bệnh nhân không chỉ về thân xác mà cả về tinh thần nữa.

Teresa Nhỏ Bé
10-03-2012, 11:54 AM
Ngày 09-03


Thánh PHANXICA RÔMA


http://4.bp.blogspot.com/-RGq6M29PmBA/T1hwxM58HkI/AAAAAAAALtg/GgnwA5omKaM/s320/franrome.jpg (http://4.bp.blogspot.com/-RGq6M29PmBA/T1hwxM58HkI/AAAAAAAALtg/GgnwA5omKaM/s1600/franrome.jpg)



(1384-1440)


Lược sử:

Thánh Phanxica sinh tại Trastevere, thuộc gia đình giàu có và đạo đức. Phanxica thành hôn với Laurenzo Ponziano lúc mới 13 tuổi, mặc dầu ao ước được trở thành nữ tu. Cùng sống chung còn có gia đình người em rể, và cả hai chị em dâu cùng một lòng dấn thân để phục vụ người nghèo tại Roma. Phanxica sinh được ba người con là Evangelista, Battista và Agnes ( nhiều sách chép lại Ngài có 6 người con). Với trách nhiệm của một đời sống gia đình, bà đã dành nhiều thời giờ để lo cho chồng con.

Năm 1408, Ladislas tại Naples tiến chiếm Roma, cùng lúc này lâu đài của Ngài cũng bị chiếm giữ, ông Laurezo phải đi biệt xứ, đã khiến cho việc phục vụ người nghèo khó càng trở nên khó khăn.

Càng ngày bà Phanxica càng tin tưởng rằng một đời sống cho tha nhân thì cần thiết cho thế gian. Vào năm 1425 sau khi hai người con qua đời, với sự hậu thuẫn của đức lang quân, bà Phanxica bắt đầu thành lập một tổ chức xã hội dành cho các phụ nữ, được gọi là Hiến Sĩ của Đức Maria (không có lời khấn). Họ chỉ dâng mình cho Chúa và cho sự phục vụ người nghèo.

Sau 40 năm chung sống, vị hôn phu qua đời vào năm 1436, Phanxica từ bỏ mọi sự bước vào cộng đoàn Tận Hiến và trở thành bà bề trên trong quãng đời 4 năm còn lại. Phanxica qua đời ngày 9/3/1440 và được chôn cất tại nhà thờ Thánh Maria Nuova bây giờ được đổi thành Thánh Phanxica Rôma (Santa Francesca Romana). Lâu đài Ngài ngày xưa nay trở thành Trung Tâm hành hương có tên là Casa degli Esercizi Pii.

Đức Giáo Hoàng Phaolô V đã nâng lên hàng các Thánh vào năm 1608. Trong sắc phong Thánh cũng tuyên dương nhờ lời cầu nguyện của Phanxica đã chấm dứt thời kỳ dị giáo phương Tây (1378-1449) cũng như chấm dứt thời kỳ các Giáo Hoàng bị lưu đầy tại Avignon - Pháp. Nhiều thị kiến, phép lạ do Thánh Phanxica can thiệp đã được ghi chép lại. Đặc biệt là
Thánh Phanxica được nhận thị kiến với thiên thần bản mệnh trong nhiều năm, có lẽ vì lý do này Đức Giáo Hoàng Piô XI đã phong Ngài là bổn mạng những người lái xe.

Lời Bàn

Nhìn vào đời sống gương mẫu -- trung tín với Thiên Chúa và tận tụy với tha nhân -- của Thánh Frances nhắc chúng ta nhớ đến Mẹ Têrêsa Calcutta. Ngài nhìn thấy Ðức Giêsu Kitô trong lời cầu nguyện cũng như trong người nghèo. Cuộc đời của Thánh Frances mời gọi chúng ta đừng chỉ tìm kiếm Thiên Chúa trong lời cầu nguyện, mà hãy tận tụy với Ðức Kitô đang sống động trong sự đau khổ của thế giới. Thánh Frances cho chúng ta thấy, một cuộc đời vì tha nhân không nhất thiết chỉ gò bó trong những giới hạn của lời khấn.

Lời Trích

Mẹ Têrêsa có lần nói về người nữ tu trong cộng đoàn của ngài: "Hãy để Ðức Kitô toả sáng và sống động trong và qua người nữ tu khi họ đến các khu tồi tàn. Hãy giúp người nghèo mỗi khi nhìn thấy các nữ tu thì họ được thu hút đến Ðức Kitô và mời Ngài vào trong nhà họ và cuộc đời họ." Thánh Frances ở Rôma nói: "Một phụ nữ đã lập gia đình mà còn đạo đức thì thật đáng khen ngợi, nhưng họ đừng bao giờ quên rằng mình là người nội trợ. Và đôi khi, họ phải để Thiên Chúa ở bàn thờ mà về với ông chồng trong công việc hàng ngày."

***
SUY NIỆM
(của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)


Suy niệm 1: Ao ước

Phanxica thành hôn với Laurenzo Ponziano lúc mới 13 tuổi, mặc dầu ao ước được trở thành nữ tu.

Ao ước tu trì quả là một điều quý hóa, nhưng điều quý hơn là thực thi Thiên Ý. Quả vậy nhờ làm vợ mà ngài đã hỗ trợ tinh thần của chồng cũng như em rễ và em dâu trong việc phục vụ người nghèo tại Rôma.

Đức Maria cũng để lại tấm gương sáng ngời. Mẹ cũng hy sinh chí nguyện độc thân để đón nhận Thiên Ý khi sống trong một gia đình có chồng là Thánh Cả Giuse và có con là hài nhi Giêsu, hầu hoàn thành chương trình cứu nhân độ thế của Thiên Chúa.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn quy hướng mọi ước muốn về việc thực thi Thiên Ý.

Suy niệm 2: Gia đình

Với trách nhiệm của một đời sống gia đình, bà đã dành nhiều thời giờ để lo cho chồng con.

Khi tổ chức Hiến Sĩ của Đức Maria đã được thành lập, bà Phanxica không sống trong cơ sở của cộng đoàn mà sống ở nhà với chồng trong bảy năm, vì trách nhiệm hiện tại của Phanxica là phải quán xuyến gia đình với chồng con theo cương vị của một nội trợ.

Cho đến khi con cái cũng như người chồng từ trần, nghĩa là trách nhiệm gia đình không còn nữa, bà mới sống quãng đời còn lại với cộng đoàn, theo trách nhiệm của một bề trên, để phục vụ những người bần cùng trong xã hội.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thấu hiểu lời Thánh Phanxica ở Rôma nói: "Một phụ nữ đã lập gia đình mà còn đạo đức thì thật đáng khen ngợi, nhưng họ đừng bao giờ quên rằng mình là người nội trợ. Và đôi khi, họ phải để Thiên Chúa ở bàn thờ mà về với ông chồng trong công việc hàng ngày".

Suy niệm 3: Lời khấn

Phanxica bắt đầu thành lập một tổ chức xã hội dành cho các phụ nữ, được gọi là Hiến Sĩ của Đức Maria (không có lời khấn).

Nhìn vào đời sống gương mẫu -- trung tín với Thiên Chúa và tận tụy với tha nhân -- của Thánh Phanxica nhắc chúng ta nhớ đến Mẹ Têrêsa Calcutta. Ngài nhìn thấy Đức Giêsu Kitô trong lời cầu nguyện cũng như trong người nghèo.

Cuộc đời của Thánh Phanxica mời gọi chúng ta đừng chỉ tìm kiếm Thiên Chúa trong lời cầu nguyện, mà hãy tận tụy với
Đức Kitô đang sống động trong sự đau khổ của thế giới. Thánh Phanxica cho chúng ta thấy, một cuộc đời vì tha nhân không nhất thiết chỉ gò bó trong những giới hạn của lời khấn.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các khấn sinh không chỉ giữ lời khấn cách thụ động mà nhất là biết sống tinh thần của lời khấn.

Suy niệm 4: Nghèo

Các Hiến Sĩ của Đức Maria chỉ dâng mình cho Chúa và cho sự phục vụ người nghèo.

Mẹ Têrêsa có lần nói về người nữ tu trong cộng đoàn của ngài: “Hãy để Đức Kitô tỏa sáng và sống động trong và qua người nữ tu khi họ đến các khu tồi tàn. Hãy giúp người nghèo, mỗi khi nhìn thấy các nữ tu thì họ được thu hút đến Đức Kitô và mời Ngài vào trong nhà họ và cuộc đời họ”.

Thánh Gioan Thiên Chúa có lần cảm nhận được một thị kiến. Ngài đang rửa chân bị thương cho người ăn mày mà ngài đa mang về nhà, ngài kinh ngạc trông thấy người ấy biến dạng, nằm giữa hào quang hầu như tỏa ra bao phủ cả Gioan, đến nỗi nhiều khách trọ ngỡ rằng Gioan đang bị thiêu cháy.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nhận ra Chúa nơi người nghèo khó để dễ dàng thực thi đức ái.

Suy niệm 5: Thiên thần bản mệnh

Thánh Phanxica được nhận thị kiến với thiên thần bản mệnh trong nhiều năm, có lẽ vì lý do này Đức Giáo Hoàng Piô XI đã phong Ngài là bổn mạng những người lái xe.

Các thiên thần gìn giữ và cầu bàu cho ta từ lúc khởi đầu hiện hữu cho đến lúc chết. Mỗi tín hữu đều có một thiên thần hộ thủ để bảo trợ, và hướng dẫn đến sự sống đời đời (Sách Giáo Lý số 336).

Cuộc hành trình của cậu Tôbia theo lời cha già Tôbít lắm gian nan và lắm trắc trở, nhưng đã được hoàn thành cách tốt đẹp. Phải nói tất cả đều nhờ vào thiên thần hộ thủ của cậu dưới dạng một người bạn đồng hành (Tb 5,4).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn nhớ có thiên thần hộ thủ hằng ở bên cạnh để không làm gì phiền lòng các ngài.

Suy niệm 6: Lái xe

Thánh Phanxica được nhận thị kiến với thiên thần bản mệnh trong nhiều năm, có lẽ vì lý do này Đức Giáo Hoàng Piô XI đã phong Ngài là bổn mạng những người lái xe.

Nếu thiên thần hộ thủ có trách nhiệm gìn giữ và hướng dẫn mỗi người về bến thiên đàng, thì vai trò của người lái xe cũng thế: chẳng những giúp hành khách đến địa điểm muốn đến mà còn phải bảo toàn sinh mạng mỗi người trên xe nữa.

Với thị kiến thánh Phanxica nhận được về sự phù trì của thiên thần bản mệnh, ngài được phong làm bổn mạng những người lái xe để nhờ lời cầu bàu của ngài, người lái xe chu toàn được chức năng của mình.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các người lái xe ý thức về vai trò quan trọng của mình đối với những người cùng đồng hành trên xe với mình.

Teresa Nhỏ Bé
10-03-2012, 12:00 PM
Ngày 10-03


Thánh ĐAMINH SAVIÔ


http://3.bp.blogspot.com/-c2BelD19BDQ/T1nM6z_k5CI/AAAAAAAALws/2aQEuXwQSag/s320/Savio01.JPG (http://3.bp.blogspot.com/-c2BelD19BDQ/T1nM6z_k5CI/AAAAAAAALws/2aQEuXwQSag/s1600/Savio01.JPG)



(c. 1857)


Lược sử:

Nhiều người thánh thiện dường như lại chết yểu. Trong số đó có Thánh Đaminh Saviô, quan thầy của các chú hội hát.
Sinh trong một gia đình nông dân ở Riva, Ý Đại Lợi, ngay từ khi lên bốn, mẹ ngài đã thấy cậu con trai bé nhỏ quỳ cầu nguyện trong một góc nhà. Lúc năm tuổi, ngài là chú giúp lễ. Khi lên bẩy, ngài được Rước Lễ Lần Đầu. Vào ngày trọng đại ấy, ngài đã chọn phương châm: "Thà chết chứ không phạm tội!" và ngài luôn luôn giữ điều ấy.

Quả thật, Đaminh là 1 cậu bé bình thường nhưng lòng yêu mến Thiên Chúa của cậu thật phi thường.

Vào lúc 12 tuổi, Đaminh theo học trường của Thánh Don Bosco. Qua cách cầu nguyện của Đaminh, mọi người trong trường đều nhận thấy cậu thật khác biệt. Đaminh yêu quý tất cả mọi người, và dù trẻ hơn họ, cậu cũng lo lắng để ý đến họ. Cậu sợ rằng họ sẽ mất ơn sủng của Thiên Chúa vì tội lỗi.

Có lần, chúng bạn đưa cho cậu xem hình ảnh đồi trụy. Vừa thoáng nhìn thấy, cậu đã cầm lấy tờ báo xé tan ra từng mảnh và hỏi, "Thiên Chúa ban cho chúng ta cặp mắt để nhìn những điều xấu xa như vậy hả? Các anh không thấy xấu hổ sao?"

Một lần khác, hai đứa con trai giận dữ lấy đá ném nhau. Thấy thế, Đaminh đứng vào giữa, cầm tượng thánh giá nhỏ đưa lên cao, và nói, "Trước khi đánh nhau, mấy anh hãy nhìn vào thánh giá và nói, 'Đức Giêsu Kitô vô tội khi Ngài chịu chết đã tha thứ cho kẻ giết mình. Tôi là kẻ tội lỗi, và tôi sẽ làm đau khổ Ngài khi không tha thứ cho kẻ thù.' Rồi sau đó mấy anh hãy bắt đầu -- và hãy ném đá tôi trước!". Hai anh kia cảm thấy xấu hổ, xin lỗi nhau và hứa sẽ đi xưng tội.

Sức khoẻ của Đaminh rất mỏng manh, thường hay đau yếu luôn và đưa đến biến chứng về phổi khiến cậu phải về nhà để tĩnh dưỡng. Tuy nhiên, khi ở nhà, bệnh tình lại càng gia tăng nên đã được chịu các Bí Tích sau cùng. Lúc ấy Đaminh mới 15 tuổi, nhưng cậu không sợ chết. Thật vậy, cậu vô cùng sung sướng khi nghĩ đến lúc được lên thiên đàng. Ngay trước khi chết, cậu cố gượng ngồi dậy. Cậu nói thầm vào tai cha mình, "Giã biệt bố." Rồi bỗng dưng mặt cậu tươi sáng với nụ cười rạng rỡ. Cậu kêu lên, "Con đang nhìn thấy những điều kỳ diệu!" và trút hơi thở cuối cùng.

Chính Thánh Don Bosco là người viết lại tiểu sử của Đaminh Saviô.

Đaminh Saviô được phong thánh năm 1954. Trong buổi lễ phong thánh, Thánh Giáo Hoàng Piô X đã nói, "Một thiếu niên như Đaminh, là người cố gắng giữ mình sạch tội từ khi rửa tội cho đến khi chết, quả thật là một vị thánh."

Lời Trích

Thánh Ðaminh Saviô thường nói, "Tôi không làm được những điều trọng đại. Nhưng tôi muốn tất cả những gì tôi làm, ngay cả những gì nhỏ nhặt nhất, là để vinh danh Thiên Chúa."


***


SUY NIỆM
(của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)



Suy niệm 1: Chết yểu

Nhiều người thánh thiện dường như lại chết yểu. Trong số đó có Thánh Đaminh Saviô, quan thầy của các chú hội hát.

Chết là định luật của mọi người. Chỉ có điều khác biệt là sớm hoặc muộn, trẻ hoặc già, và nhất là có ghi lại sử xanh hay không, nghĩa là cái chết làm tăng hay đánh mất giá trị cuộc đời của một con người.

Chết yểu mà được trở thành thánh nhân còn hơn là sống thọ mà mang thân phận tội nhân. Cách chết thì có nhiều nhưng bí quyết chết lành thánh thì chỉ có một: tâm hồn sạch tội. Chính vì thế ngay từ lúc được bảy tuổi khi được Rước Lễ lần đầu, Saviô đã quyết tâm thà chết chứ không phạm tội.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn giữ tâm hồn trong sạch để có được cái chết lành thánh.

Suy niệm 2: Cầu nguyện

Ngay từ khi lên bốn, mẹ Saviô đã thấy cậu con trai bé nhỏ quỳ cầu nguyện trong một góc nhà.

Qua gương thánh trẻ Saviô, chúng ta ghi nhận một bài học kép: đó là việc cầu nguyện không hạn định lứa tuổi cũng như không lệ thuộc vào nơi chốn.

Dầu bốn tuổi và ở một góc nhà vẫn có thể cầu nguyện được, vì cầu nguyện vốn là một cuộc gặp gỡ không phân biệt tuổi tác với Thiên Chúa, Đấng hiện diện ở khắp mọi nơi.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chuyên tâm cầu nguyện mọi lúc và mọi nơi.

Suy niệm 3: Phương châm

Saviô đã chọn phương châm: "Thà chết chứ không phạm tội!" và ngài luôn luôn giữ điều ấy.

Phương châm là một định hướng sống cho một đời người. Nhiều người đã có phương châm cho đời mình, nhưng điều quan trọng là có giữ được không. Với Saviô, ngài đã thực thi không chỉ cho mình mà còn cho người nữa.

Có một lần, thấy hai đứa con trai giận dữ lấy đá ném nhau. Ngài can thiệp bằng việc cầm thánh giá mời gọi sự tha thứ theo gương Đức Giêsu. Hai anh kia cảm thấy xấu hổ, xin lỗi nhau và hứa sẽ đi xưng tội.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con không chỉ sống thánh mà còn giúp người nên thánh.

Suy niệm 4: Bình thường

Đaminh là một cậu bé bình thường nhưng lòng yêu mến Thiên Chúa của cậu thật phi thường.

Thánh Đaminh Saviô thường nói: "Tôi không làm được những điều trọng đại. Nhưng tôi muốn tất cả những gì tôi làm, ngay cả những gì nhỏ nhặt nhất, là để vinh danh Thiên Chúa."

Tôi thích sự buồn tẻ của việc hy sinh âm thầm hơn là những trạng thái xuất thần. Nhặt một cây kim vì tình yêu cũng có thể hoán cải một linh hồn." Đó là những lời của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Và quả thật, những hy sinh âm thầm của ngài đã hoán cải các linh hồn. Không mấy vị thánh của Thiên Chúa nổi tiếng như vị thánh trẻ trung này.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con không đặt vấn đề việc trọng hèn mà chú tâm làm vì vinh danh Thiên Chúa.

Suy niệm 5: Sợ

Đaminh yêu quý tất cả mọi người, và dù trẻ hơn họ, cậu cũng lo lắng để ý đến họ. Cậu sợ rằng họ sẽ mất ơn sủng của Thiên Chúa vì tội lỗi.

Trên đời không thiếu những nỗi sợ hãi. Hêrôđê sợ mất ngai vàng khi hài nhi Giêsu hạ sinh (Mt 2,3). Các tông đồ sợ cuồng phong bảo tố hòng làm chìm thuyền (Mc 4,38). Vị chỉ huy sợ người ta xé xác Phaolô (Cv 23,10).

Saviô không sợ gì ngay cả cái chết mà ngược lại vô cùng sung sướng khi nghĩ đến lúc được lên thiên đàng. Nhưng ngài lại sợ lắm người sẽ mất ơn sủng của Thiên Chúa vì tội lỗi.

* Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con có sợ thì sợ phạm tội, sợ mất phần phúc thiên đàng.

Suy niệm 6: Mắt

Có lần, chúng bạn đưa cho Saviô xem hình ảnh đồi trụy. Vừa thoáng nhìn thấy, cậu đã cầm lấy tờ báo xé tan ra từng mảnh và hỏi: "Thiên Chúa ban cho chúng ta cặp mắt để nhìn những điều xấu xa như vậy hả? Các anh không thấy xấu hổ sao?"

Đôi mắt sáng là một hồng ân Chúa ban, vì thế khi còn ở tại thế Đức Giêsu đã từng xót thương để chữa lành mắt cho nhiều người bị đui mù, thậm chí vừa mù vừa câm hoặc mù từ lúc bình sinh.

Cảm tạ Chúa đã thương ban cho mỗi người chúng ta có đôi mắt sáng. Để đáp trả hồng ân cao quý ấy, thiết tưởng chúng ta hãy sử dụng đúng ý Chúa, có nghĩa là hãy đọc và suy gẫm Lời Chúa, hãy nhìn thấy Chúa hiện diện nơi tha nhân để phục vụ hết mình.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng vì đôi mắt sáng mà phạm tội và gây gương xấu làm mất lòng Chúa cũng như làm thiệt hại cho mình cho người.

Phù thủy nhỏ
12-03-2012, 09:41 AM
Cám ơn chị Nhỏ Bé thiệt nhiều, thánh Đa Minh Savio là thánh bổn mạng của các Lễ sinh giáo xứ em đó ạ, hồi trước chỉ biết là một cậu thanh niên, bây giờ thì biết hơn về vị thánh đơn sơ này rồi.

Một lần khác, hai đứa con trai giận dữ lấy đá ném nhau. Thấy thế, Đaminh đứng vào giữa, cầm tượng thánh giá nhỏ đưa lên cao, và nói, "Trước khi đánh nhau, mấy anh hãy nhìn vào thánh giá và nói, 'Đức Giêsu Kitô vô tội khi Ngài chịu chết đã tha thứ cho kẻ giết mình. Tôi là kẻ tội lỗi, và tôi sẽ làm đau khổ Ngài khi không tha thứ cho kẻ thù.'

Lạy Chúa, xin cho con biết nghĩ đến Thánh giá Ngài trước khi làm tổn thương đến anh em mình, cho con thêm lòng tha thứ, bao dung, và cho con biết sống yêu thương nhiều hơn

Teresa Nhỏ Bé
13-03-2012, 10:34 AM
Ngày 13-03



Thánh NICÔLA OWEN





http://2.bp.blogspot.com/-jLXgPQ4upds/T14K5Lyo5BI/AAAAAAAAL4A/oMfz-WxjoAI/s320/little+john.jpg (http://2.bp.blogspot.com/-jLXgPQ4upds/T14K5Lyo5BI/AAAAAAAAL4A/oMfz-WxjoAI/s1600/little+john.jpg)


(c. 1606)








Lược sử:

Thánh Nicôla, thường gọi là "Tiểu Gioan", thân hình nhỏ nhắn nhưng lại vĩ đại về sự quý mến mà các linh mục dòng Tên dành cho ngài.

Sinh ở Oxford, ngài hành nghề thợ mộc và đã cứu được mạng sống của nhiều linh mục cũng như giáo dân ở Anh Quốc trong thời kỳ cấm cách (1559 - 1829), mà nhiều đạo luật đã được ban hành để trừng phạt người Công Giáo vì sống đức tin.

Trong khoảng thời gian 20 năm, Thánh Nicôla đã dùng tài năng của mình để thiết lập những nơi ẩn nấp kín đáo cho các linh mục trên toàn quốc. Công trình của ngài -- được thiết kế và dàn dựng bởi chính tay ngài -- quá kín đáo đến nỗi biết bao lần lục soát mà quan quân không thể nào tìm thấy các linh mục ẩn nấp trong đó. Ngài có tài tìm kiếm, và thiết lập những nơi an toàn như địa đạo ngầm dưới đất, khoảng cách giữa hai bức tường, và các ngõ ngách không cách chi vào được. Ngay cả có lần ngài sắp đặt kế hoạch để cứu thoát hai linh mục dòng Tên khỏi nhà tù ở Luân Đôn.

Bất cứ khi nào Thánh Nicôla bắt đầu hoạch định những nơi ẩn nấp, ngài thường khởi sự bằng việc rước Mình Thánh Chúa, và trong suốt tiến trình dàn dựng đầy nguy hiểm ấy, ngài thường đến với Thiên Chúa qua sự cầu nguyện.

Sau nhiều năm phục vụ với công việc khác thường ấy, ngài đã gia nhập dòng Tên với tư cách thầy trợ sĩ, tuy nhiên sự liên hệ này đã được giữ bí mật với những lý do chính đáng.

Sau nhiều lần thoát chết trong đường tơ kẽ tóc, ngài bị bắt năm 1594. Mặc dù bị tra tấn dã man, ngài vẫn không tiết lộ danh tính của các người Công Giáo. Sau khi được thả tự do với một số tiền hối lộ, "Tiểu Gioan" lại trở về với công việc cũ. Ngài bị bắt lại vào năm 1606. Lần này ngài bị tra tấn quá dã man và đã chết vì đau đớn. Quân cai ngục cố tuyên truyền rằng ngài đã thú nhận tội lỗi và tự tử, nhưng hành động anh hùng và sự thống khổ của ngài sau đó đã được lan truyền khắp nước.

Ngài được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI phong thánh năm 1970 như một trong 40 vị Tử Đạo của Anh Quốc và Wales.


***

SUY NIỆM
(của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)








Suy niệm 1: Nhỏ bé

Thánh Nicôla, thường gọi là "Tiểu Gioan", thân hình nhỏ nhắn nhưng lại vĩ đại về sự quý mến.

Có lẽ Nicôla nhận được thêm biệt danh là Tiểu Gioan vì ngài có thân hình nhỏ nhắn. Nhưng một thân hình nhỏ bé vẫn có thể chứa đựng một tinh thần và một tâm hồn vĩ đại lớn lao khiến mọi người phải cảm phục.

Trẻ Đavít đã từng hạ gục tướng quân Philitinh khổng lồ để rồi được giới phụ nữ Ítraen ca ngợi hơn cả hoàng đế Saun: “Vua Saun hạ được hàng ngàn, còn Đavít hàng vạn” (1Sm 18,7). Kinh cầu Hài đồng cũng tôn vinh Hài Đồng bé mọn mà có phép tắc.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng mặc cảm về thân hình hay thân phận nhỏ bé, nhưng hãy ngoan ngoãn làm dụng cụ Chúa dùng mà thực hiện những điều kỳ diệu cao cả.

Suy niệm 2: Thợ mộc

Sinh ở Oxford, ngài hành nghề thợ mộc và đã cứu được mạng sống của nhiều linh mục cũng như giáo dân ở Anh Quốc trong thời kỳ cấm cách.

Với nghề thợ mộc, Nicôla không chú trọng đến vấn đề sinh kế, mà sử dụng tính chuyên môn của mình, để tạo nên những nơi ẩn núp cho nhiều linh mục cũng như giáo dân.

Gương thánh Nicôla cho hay: Miễn có tinh thần tông đồ thì sẽ tìm ra những cách thế và muôn vàn cơ hội để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân.

* Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một con tim tông đồ, để giúp chúng con chu toàn bổn phận truyền giáo của mình.

Suy niệm 3: Ẩn nấp

Trong khoảng thời gian 20 năm, Thánh Nicôla đã dùng tài năng của mình để thiết lập những nơi ẩn nấp kín đáo cho các linh mục trên toàn quốc.

Một nơi ẩn nấp thật kín đáo và an toàn đến mức suốt thời gian 20 năm vẫn không bị con mắt chính quyền phát hiện để bị bắt và bị quy án.

Nhưng làm sao che khuất được con mắt của Thiên Chúa vốn là Đấng thấu suốt mọi kín đáo ( Mt 6,4.18), ngay cả những ý nghĩ thầm kín trong lòng (Mt 9,4;12,25).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con ý thức rằng che mắt được người chứ không thể nào che mắt được Chúa, để luôn sống trong sạch và ngay lành.

Suy niệm 4: Mình Thánh Chúa

Bất cứ khi nào Thánh Nicôla bắt đầu hoạch định những nơi ẩn nấp, ngài thường khởi sự bằng việc rước Mình Thánh Chúa.

Ý thức về khả năng hạn hẹp của mình, Nicôla cậy dựa vào sức Chúa vốn làm được mọi sự, nên ngài thường khởi sự công việc thiết lập những công trình ẩn úp bằng việc rước Mình Thánh Chúa.

Việc rước Mình Thánh Chúa tăng triển sự hiệp thông của chúng ta với Chúa Kitô. Hiệu quả chính yếu của việc rước lễ là được kết hiệp thâm sâu với Chúa Kitô. Đời sống trong Chúa Kitô có nền tảng nơi bí tích Thánh Thể (Ga 6,56-57) (Sách Giáo Lý số 1391).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn giữ tâm hồn trong sạch, để xứng đáng rước lấy Mình Máu Thánh Chúa.

Suy niệm 5: Cầu nguyện

Trong suốt tiến trình dàn dựng đầy nguy hiểm ấy, ngài thường đến với Thiên Chúa qua sự cầu nguyện.

Con người vốn có tâm linh, nên cho dầu thông thường khi gặp an lành thì không nhớ đến thần linh, nhưng khi gặp nguy hiểm thì lại hướng về thần linh với những lời cầu khẩn và van xin chân thành.

Là người công giáo, thì không được như thế, mà hãy luôn chạy đến cùng Thiên Chúa mọi lúc và mọi nơi, cũng như trong mọi tình huống, dầu an lành may mắn hay rủi ro bất hạnh theo gương thánh Nicôla.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chuyên tâm cầu nguyện không vì tư lợi, nhưng chỉ để tỏ lòng thảo kính Thiên Chúa là Cha.

Suy niệm 6: Tuyên truyền

Quân cai ngục cố tuyên truyền ngài đã thú nhận tội lỗi và tự tử, nhưng hành động anh hùng và sự thống khổ của ngài sau đó đã được lan truyền khắp nước.

Lính canh mồ Đức Giêsu sau khi nhận tiền đút lót của các thượng tế cũng phao tin các môn đệ lấy trộm xác để ém nhẹm sự kiện Chúa Phục Sinh. Câu chuyện này được phổ biến giữa người Dothái cho đến ngày nay (Mt 28,11-15).

Một bài học khôn ngoan là hãy cẩn thận tra cứu kỹ lưỡng về các điều tuyên truyền, phải xét xem đâu là hư thực, đâu là chân lý và đâu là giả trá, để không bị mắc lừa mà hành động hồ đồ.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn sống thật, làm thật và nói thật để xứng làm con Thiên Chúa chân thật.

Teresa Nhỏ Bé
20-03-2012, 11:09 AM
Ngày 19-03


THÁNH GIUSE


http://3.bp.blogspot.com/-JpgoITdGozw/T2XgzLgDFaI/AAAAAAAAMJU/3IOBz1c8i9I/s320/stJoseph.jpg (http://3.bp.blogspot.com/-JpgoITdGozw/T2XgzLgDFaI/AAAAAAAAMJU/3IOBz1c8i9I/s1600/stJoseph.jpg)



Lược sử:

Phúc Âm đã ca ngợi Thánh Giuse là người "công chính". Ý nghĩa của chữ "công chính" rất sâu xa.

Với những gì còn lại chúng ta dễ phỏng đoán. Hãy suy nghĩ về tình yêu mà ngài đã theo đuổi và dành được con tim của Đức Maria, và sự sâu xa của tình yêu mà hai người đã chia sẻ cho nhau trong cuộc hôn nhân.

Khi Thánh Giuse quyết định từ bỏ Đức Maria khi thấy người có thai, điều này không trái với sự thánh thiện của Thánh Giuse. Phúc Âm có ghi lại một chữ quan trọng là ngài dự định thi hành việc này "cách âm thầm" vì ngài là "một người chính trực, nhưng không muốn tố giác bà để bị xấu hổ" (Mt 1,19).

Người công chính thì đơn sơ, vui vẻ, hết lòng vâng lời Thiên Chúa -- khi kết hôn với Đức Maria, khi đặt tên cho Hài Nhi Giêsu, khi săn sóc gia thất ở Ai Cập, khi đem gia thất về lại Nagiarét, khi sống âm thầm trong bao năm trường với đức tin và dũng cảm.

Vì Thánh Giuse không xuất hiện trong cuộc đời rao giảng công khai của Đức Giêsu, nhiều sử gia tin rằng có lẽ Thánh Giuse đã từ trần trước khi Đức Giêsu khởi đầu sứ vụ rao giảng.

Thánh Giuse là quan thầy của những người hấp hối, vì người ta cho rằng khi ngài từ trần có Đức Giêsu và Đức Maria ở bên cạnh, đó là điều mà tất cả chúng ta đều mong ước khi từ giã cõi đời.

Thánh Giuse còn là quan thầy của Giáo Hội hoàn vũ, của các người làm cha, các thợ mộc, và vấn đề công bằng xã hội.



Suy niệm 1: Công chính

Phúc Âm đã ca ngợi Thánh Giuse là người "công chính". Ý nghĩa của chữ "công chính" rất sâu xa.

Khi Phúc Âm nói Thiên Chúa "công chính hóa" người nào, điều đó có nghĩa Thiên Chúa, là Đấng cực thánh và "chính trực", biến đổi người đó bằng cách cho họ được chia sẻ sự thánh thiện của Thiên Chúa, và bởi đó họ đáng được Thiên Chúa yêu mến.

Khi nói Thánh Giuse "công chính", Phúc Âm muốn nói rằng ngài hoàn toàn mở lòng cho tất cả những gì Thiên Chúa muốn làm cho ngài. Ngài trở nên thánh thiện vì tự mở lòng cho Thiên Chúa.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn biết mở lòng cho Thiên Chúa theo gương Thánh Cả Giuse.

Suy niệm 2: Hôn nhân

Hãy suy nghĩ về tình yêu và sự sâu xa của tình yêu mà Thánh Giuse và Đức Maria đã chia sẻ cho nhau trong cuộc hôn nhân.

Chắc hẳn đây là một cuộc hôn nhân không tự nguyện, vì Đức Maria vốn không muốn biết đến việc vợ chồng (Lc 1,34) và Thánh Giuse thì chỉ đón nhận Đức Maria về nhà theo như lời sứ thần dạy (Mt 1,24). Vậy đây là cuộc hôn nhân do Thiên Chúa tiền định cho công cuộc cứu nhân độ thế của Người: Đức Giêsu phải được hạ sinh trong một gia đình hợp pháp dưới con mắt của xã hội loài người.

Dầu không tự nguyện chọn lựa, nhưng hai ngài đã tích cực chọn lấy đời sống đôi bạn, biến sự chọn lựa của Chúa thành sự chọn lựa của chính mình, để cùng nhau nỗ lực thánh hóa đời sống gia đình, nêu gương cho các thế hệ về sau.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết tích cực chọn lấy và thành tâm sống điều mình không tự nguyện lựa chọn, miễn đó là điều tốt cho bản thân và tha nhân.

Suy niệm 3: Thánh thiện

Thánh Giuse quyết định từ bỏ Đức Maria khi thấy người có thai, điều này không trái với sự thánh thiện của Thánh Giuse, ngược lại còn nêu bật sự thánh thiện của Ngài, khi Ngài không nghĩ đến mình mà chỉ lo an nguy cho người.

Theo luật Môsê, khi phát hiện người vợ mang thai không do mình, thì người chồng có quyền tố cáo, và người nữ bị cáo sẽ bị ném đá đến chết. Điều này có nghĩa là nếu thánh Giuse tố giác thì Đức Maria chẳng những phải bị chết mà còn bị mất cả thanh danh nữa.

Là người thánh thiện, thánh Giuse thà chịu thiệt chứ không muốn làm mất thanh danh và sinh mạng của Đức Maria, nên Ngài lấy giải pháp là âm thầm ra đi chứ không tố giác.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn biết sống quên mình phục vụ tha nhân, đễ mỗi ngày mỗi tiến lên trên đường nên thánh.

Suy niệm 4: Vâng lời

Người công chính thì đơn sơ, vui vẻ, hết lòng vâng lời Thiên Chúa cách mau mắn và không trì hoãn.

Chưa thực hiện ý định âm thầm lìa bỏ Đức Maria, Thánh Giuse được sứ thần mộng báo là phải đón nhận Đức Maria về nhà, thì vừa tỉnh dậy, Ngài liền thực thi như lời sứ thần truyền dạy (Mt 1,20-24).

Đang đêm được sứ thần mộng báo phải vội vàng đem hài nhi Giêsu trốn sang Aicập và rồi sau thời gian lưu ngụ tại đó lại được báo mộng trở về quê nhà, thánh Giuse cũng liền làm theo (Mt 2,13.19).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn mau mắn và hết lòng vâng lời Thiên Chúa, theo gương Thánh Cả Giuse, để được trở thành người công chính.

Suy niệm 5: Âm thầm

Thánh Cả Giuse sống âm thầm trong bao năm trường với đức tin và dũng cảm.

Phúc Âm không nói gì nhiều về Thánh Giuse trong những năm sau khi trở về Nagiarét, ngoại trừ biến cố tìm thấy Đức Giêsu trong Đền Thờ (xem Luca 2,41-51). Điều này có thể hiểu Thiên Chúa muốn chúng ta biết rằng thánh gia cũng giống như mọi gia đình khác, những biến cố xảy ra cho thánh gia cũng xảy ra cho bất cứ gia đình nào, bởi đó khi bản tính bí ẩn của Đức Giêsu bắt đầu lộ diện thì mọi người đều không tin là Ngài có thể xuất thân từ gia đình đó: "Ông ấy không phải là con bác thợ mộc hay sao? Mẹ của ông ấy không phải là bà Maria sao...? (Mt 13,55a). Và "Có gì hay ho xuất phát từ Nagiarét?" (Ga 1,46b).

Sự âm thầm im lặng của Thánh Giuse cũng dạy chúng ta phải làm nhiều hơn là nói, thậm chí không cần nói mà chỉ làm, thì tốt hơn là nói và nói nhiều mà chẳng làm gì. Đức Giêsu cũng dùng hình ảnh ngôi nhà xây trên nền đá để dạy phải luôn thực hành (Mt 7,24).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn thực thi Thiên Ý để được sống trong đại gia đình của Chúa (Mt 12,50).

Suy niệm 6: Hấp hối

Thánh Giuse là quan thầy của những người hấp hối, vì người ta cho rằng khi ngài từ trần có Đức Giêsu và Đức Maria ở bên cạnh.

Hấp hối là giai đoạn tranh chấp cuối đời của một con người giữa sự sống và sự chết. Về mặt thiêng liêng, đó cũng là thời điểm ma quỷ hoạt động hết mình để ra sức cám dỗ hầu chiếm hữu được linh hồn người sắp chết mãi mãi.

Trong cuộc chiến đấu này, con người chỉ có thể chiến thắng nhờ cầu nguyện. Thật vậy, nhờ cầu nguyện, Đức Giêsu đã chiến thắng Tên Cám Dỗ, lúc khởi đầu sứ vụ (Mt 4,1-11) và trong cuộc chiến cuối cùng vào giờ hấp hối (Mt 26,36-44).
Đức Kitô kết hiệp mỗi người với Ngài trong cuộc chiến đấu và cơn hấp hối để xin Chúa Cha “chớ để chúng con sa chước cám dỗ”. Lời cầu xin này càng trở nên thật khẩn thiết hơn nữa, khi cuộc chiến đấu bước vào cơn cám dỗ cuối cùng (Sách Giáo Lý số 2849). Vì thế cần sự hỗ trợ của những bậc thánh thiện như Đức Mẹ, Thánh Cả Giuse và Đức Giêsu.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con được ơn bền đỗ đến cùng để được cứu thoát.

Teresa Nhỏ Bé
20-03-2012, 11:20 AM
Ngày 20-03


Thánh SALVATOR ở HORTA

http://3.bp.blogspot.com/-ABqZDTAfvyA/T2c4Chn39pI/AAAAAAAAMKU/jon5n_fJwkQ/s320/salvator+of+horta.jpg (http://3.bp.blogspot.com/-ABqZDTAfvyA/T2c4Chn39pI/AAAAAAAAMKU/jon5n_fJwkQ/s1600/salvator+of+horta.jpg)

(1520-1567)



Lược sử:

Thánh Salvator sinh trong thời kỳ vàng son của Tây Ban Nha với sự hưng thịnh của nghệ thuật, chính trị, giầu sang cũng như tôn giáo. Chính trong thời kỳ này, Thánh Y Nhã đã sáng lập Dòng Tên năm 1540.

Cha mẹ của Salvator thì nghèo. Khi 21 tuổi, ngài gia nhập dòng Phanxicô với tính cách thầy trợ sĩ, và sau đó không lâu ngài nổi tiếng về sự khắc khổ, khiêm tốn và nếp sống đơn sơ.

Làm người nấu bếp, người giữ cửa và sau này là người đi ăn xin chính thức cho các anh em hèn mọn ở Tortosa, ngài nổi tiếng về lòng bác ái. Ngài chữa lành người bệnh với Dấu Thánh Giá. Khi đám đông dân chúng đổ về nhà dòng để gặp Thầy Salvator, cha bề trên phải di chuyển thầy sang Horta. Nhưng ở đây, nhà dòng cũng không tránh khỏi đám người đông đảo đến xin thầy bầu chữa; họ ước lượng rằng hàng tuần có đến hai ngàn người đến gặp Thầy Salvator. Ngài bảo họ hãy kiểm điểm lại lương tâm, đi xưng tội và rước Mình Thánh Chúa cho xứng đáng. Thầy từ chối không cầu nguyện cho những ai không chịu lãnh nhận các bí tích.

Đám đông không ngừng bị thu hút đến với Thầy Salvator. Đôi khi họ còn xé y phục của thầy để lưu trữ như một báu vật. Hai năm trước khi từ trần, thầy lại bị di chuyển một lần nữa, lần này đến thành phố Cagliari trên đảo Sardinia. Thầy từ trần ở đây sau khi thốt lên, "Lạy Chúa, con phó linh hồn con trong tay Chúa."

Thầy được phong thánh năm 1938.

Lời Bàn

Hiện nay y khoa đã nhìn thấy sự tương quan rõ ràng giữa một vài chứng bệnh và đời sống tình cảm cũng như tinh thần của bệnh nhân. Trong cuốn Healing Life's Hurts (Chữa Lành Những Ðau Khổ của Ðời Sống), ông Matthew và Dennis Linn cho biết, nhiều khi người ta chỉ được lành bệnh sau khi thực sự tha thứ cho người khác. Thánh Salvator cũng chữa lành theo phương cách này, và nhiều người đã được khỏi. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi chứng bệnh đều có thể chữa trị theo cách ấy; sự trợ giúp của y học là điều không thể bỏ qua. Nhưng chúng ta nên để ý rằng Thánh Salvator thường khuyên người bệnh hãy tái lập những ưu tiên của đời sống trước khi cầu xin được chữa lành.

Lời Trích

"Sau đó Ðức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, ban cho họ có quyền trên các thần ô uế, để trừ diệt chúng, và chữa lành mọi bệnh tật" (Mt 10:1)


***
SUY NIỆM
(của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)




Suy niệm 1: Nổi tiếng

Salvator nổi tiếng về sự khắc khổ, khiêm tốn và nếp sống đơn sơ.

Sự nổi tiếng về thánh thiện cũng có một vài bất lợi. Được công chúng nhận biết đôi khi cũng phiền toán -- như các đồng
nghiệp của Thánh Salvator nhận thấy.

Đám đông không ngừng bị thu hút đến với Thầy Salvator. Khi đám đông dân chúng đổ về nhà dòng để gặp Thầy Salvator, cha bề trên phải di chuyển thầy sang Horta. Nhưng ở đây, nhà dòng cũng không tránh khỏi đám người đông đảo đến xin thầy bầu chữa; họ ước lượng rằng hàng tuần có đến hai ngàn người đến gặp Thầy Salvator.

Sự nổi tiếng của Đức Giêsu cũng làm nảy sinh lòng ganh ghét nơi các đầu mục Dothái, khi thấy dân chúng rời xa họ mà chỉ chạy tìm đến Đức Giêsu. Lòng ganh ghét ấy đã che mờ tâm trí họ khiến họ ra tay giết hại Ngài mà tưởng lầm là mình phụng thờ Thiên Chúa (Ga 16,2).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nỗ lực tìm vinh danh Chúa chứ không vinh danh mình, để tránh mọi phiền toái cho mình và tha nhân.

Suy niệm 2: Khiêm tốn

Salvator nổi tiếng về sự khắc khổ, khiêm tốn và nếp sống đơn sơ.

Lòng khiêm tốn của ngài được biểu lộ qua việc ngài sẵn sàng đảm nhận hết mọi nhiệm vụ thấp hèn trong cộng đoàn chẳng hạn như làm người nấu bếp, người giữ cửa và sau này là người đi ăn xin chính thức cho các anh em hèn mọn ở Tortosa.

Chắc hẳn nhờ lòng khiêm tốn thẳm sâu ấy mà ngài đã được Chúa ban đặc ân chữa bệnh, khiến ngài được nổi danh và thu hút cả hàng ngàn người tìm đến, đúng như lời Chúa dạy: đức khiêm tốn đem lại vinh quang (Cn 18,12) và Chúa ha bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường (Lc 1,52).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn học với Chúa hiền lành và khiêm nhường trong lòng.

Suy niệm 3: Chữa lành

Salvator chữa lành người bệnh với Dấu Thánh Giá... Ngài bảo họ hãy kiểm điểm lại lương tâm, đi xưng tội và rước Mình Thánh Chúa cho xứng đáng. Thầy từ chối không cầu nguyện cho những ai không chịu lãnh nhận các bí tích.

Hiện nay y khoa đã nhìn thấy sự tương quan rõ ràng giữa một vài chứng bệnh và đời sống tình cảm cũng như tinh thần của bệnh nhân. Trong cuốn Healing Life's Hurts (Chữa Lành Những Đau Khổ của Đời Sống), ông Matthew và Dennis Linn cho biết, nhiều khi người ta chỉ được lành bệnh sau khi thực sự tha thứ cho người khác.

Thánh Salvator cũng chữa lành theo phương cách này, và nhiều người đã được khỏi. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi chứng bệnh đều có thể chữa trị theo cách ấy; sự trợ giúp của y học là điều không thể bỏ qua. Nhưng chúng ta nên để ý rằng Thánh Salvator thường khuyên người bệnh hãy tái lập những ưu tiên của đời sống trước khi cầu xin được chữa lành.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đánh giá tầm quan trọng của y khoa cũng như linh dược.

Suy niệm 4: Lương tâm

Salvator bảo họ hãy kiểm điểm lại lương tâm, đi xưng tội và rước Mình Thánh Chúa cho xứng đáng. Thầy từ chối không cầu nguyện cho những ai không chịu lãnh nhận các bí tích.

Đức Giêsu cũng từng nói lời tha tội cho người bại liệt trước khi lệnh cho anh ta đứng dậy vác giường đi về nhà khiến cho mấy kinh sư vấp phạm (Mt 9,2-8). Qua đó Ngài nhằm lưu ý đến một thứ bệnh quan trọng hơn cần phải được chữa tận căn, đó là tâm hồn tội lỗi.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nhận ra thứ bệnh đáng sợ nhất, không phải bệnh tật phần xác vốn làm mất sự sống tự nhiên, mà là bệnh tật thiêng liêng tức là tội lỗi vốn đánh mất sự sống đời đời.

Suy niệm 5: Đám đông

Đám đông không ngừng bị thu hút đến với Thầy Salvator. Đôi khi họ còn xé y phục của thầy để lưu trữ như một báu vật.

Một nguyên do trước mắt khiến đám đông tìm đến với Thầy Salvator chắc hẳn là để được chữa lành bệnh tật, nhưng Thầy lại dùng dịp này để giúp họ kiểm điểm lương tâm và sống tốt.

Xưa kia đám đông cũng lũ lượt đi theo Đức Giêsu (Mt 8,1) và thậm chí còn xuống thuyền đi Caphácnaum tìm Ngài (Ga 6,24). Mọi người háo hức chạy tìm Ngài (Mc 1,37) cũng với lý do được chữa bệnh (Mc 1,32-34), để rồi sau này lại giơ tay lên án đóng đinh Ngài (Mt 27,23). Dầu vậy, Ngài vẫn thương (Mt 9,36) và thí mạng để ban ơn cứu độ (Gl 1,4).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con có tâm hồn bao dung độ lượng dầu phải làm ơn mà bị mắc oán.

Suy niệm 6: Từ trần

Thầy Salvator từ trần ở đảo Sardinia sau khi thốt lên: "Lạy Chúa, con phó linh hồn con trong tay Chúa".

Tâm tình phó thác trước lúc lìa đời này cũng đã được thánh Têphanô bày tỏ sau những giây phút bị đám người Dothái quá khích ném đá (Cv 7,59), vì cả đời ngài luôn sống chết cho Thiên Chúa.

Đức Giêsu cũng đã nêu lên tấm gương sống tâm tình phó thác này cho Thiên Chúa suốt đời qua việc thực thi Thánh Ý Chúa Cha, nên lời cuối cùng có thể hiểu là chỉ một điệp khúc được vang lên thôi (Lc 23,46)

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn sống cho Chúa, để khi chết cũng được chết cho Chúa.

Teresa Nhỏ Bé
22-03-2012, 09:51 AM
Ngày 21-03


Chân phước GIOAN ở PARMA


http://1.bp.blogspot.com/-vKoyiL4a-Aw/T2iZIJnR3sI/AAAAAAAAMPc/gb2aOsDmQGE/s1600/blessed-john-of-parma.jpg (http://1.bp.blogspot.com/-vKoyiL4a-Aw/T2iZIJnR3sI/AAAAAAAAMPc/gb2aOsDmQGE/s1600/blessed-john-of-parma.jpg)



(1209-1289)


Lược sử:

Là bề trên cả thứ bảy của Dòng Phanxicô, Chân Phước Gioan nổi tiếng về những cố gắng nhằm khôi phục linh đạo nguyên thủy của Dòng sau khi Thánh Phanxicô Assisi từ trần.

Gioan Buralli sinh ở Parma, nước Ý năm 1209. Khi là giáo sư triết mới 25 tuổi, và nổi tiếng đạo đức thì Thiên Chúa đã gọi ngài từ giã thế tục để đi vào thế giới mới của Dòng Phanxicô. Ngài được gửi sang Balê để học thần học. Sau khi thụ phong linh mục, ngài được bổ nhiệm dạy thần học tại Bologna, Naples và Rôma.

Năm 1247, Cha Gioan ở Parma được bầu làm bề trên tổng quyền. Các môn đệ chân chính của Thánh Phanxicô vui mừng với sự chọn lựa này, và họ trông đợi sự hồi phục tinh thần khó nghèo và khiêm tốn như những ngày tiên khởi của Dòng. Và họ đã không thất vọng. Theo tài liệu ghi lại, ngài là người cương quyết và cường tráng, do đó ngài luôn nhân từ và vui vẻ dù có mệt mỏi cách mấy. Ngài là Bề Trên đầu tiên đi thăm tất cả các chi nhánh của Dòng, và đi chân đất. Ngài khiêm tốn đến độ mỗi khi đến thăm tu viện nào, ngài đều phụ giúp các thầy rửa rau và chuẩn bị cơm nước. Ngài yêu quý sự thinh lặng để có thể nghĩ đến Thiên Chúa và không bao giờ nói chuyện tầm phào.

Đức giáo hoàng đã nhờ Cha Gioan làm đại diện đến Constantinople, là nơi ngài hầu như hoàn toàn thành công trong việc đưa người Hy Lạp ly khai trở về với Giáo Hội. Sau đó ngài tiếp tục công việc khôi phục linh đạo nguyên thủy của Dòng.
Nhiều biện pháp đã được thi hành để giúp các tu sĩ tuân giữ kỷ luật, nhưng dù có nỗ lực đến đâu, ngài luôn luôn bị chống đối một cách cay đắng. Sau cùng, vì tin rằng mình không có khả năng để thực hiện sự cải tổ cần thiết, ngài đã từ chức và đề cử Cha Bonaventura (sau này là thánh) lên kế vị. Phần Cha Gioan, ngài lui về đời sống ẩn dật ở Greccio.

Nhiều năm sau đó, Cha Gioan nghe biết những người Hy Lạp, đã từng hòa giải với Giáo Hội lúc trước, bây giờ lại đi theo ly giáo. Mặc dù đã 80 tuổi, Cha Gioan được phép của Đức Giáo Hoàng Nicôla IV trở lại Đông Phương trong nỗ lực khôi phục sự hiệp nhất một lần nữa. Trên đường đi, ngài đã ngã bệnh và từ trần ngày 19 tháng Ba 1289. Nhiều phép lạ được ghi nhận do sự cầu bầu của ngài.

Cha Gioan được phong chân phước năm 1781.

***
SUY NIỆM
(của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)


Suy niệm 1: Khôi phục

Chân Phước Gioan nổi tiếng về những cố gắng nhằm khôi phục linh đạo nguyên thủy của Dòng sau khi Thánh Phanxicô Assisi từ trần.

Tinh thần khó nghèo và khiêm tốn là linh đạo nguyên thủy của Dòng. Để thể hiện, ngoài nhiều biện pháp đã được thi hành để giúp các tu sĩ tuân giữ kỷ luật, ngài hết mực sống khiêm tốn và nghèo khó đến độ mỗi khi đến thăm tu viện nào, ngài đều đi chân không, cũng như phụ giúp các thầy rửa rau và chuẩn bị cơm nước .

Ngài cũng nỗ lực khôi phục sự hiệp nhất trong việc đưa người Hy Lạp ly khai trở về với Giáo Hội. Khi Cha Gioan nghe biết những người Hy Lạp, đã từng hòa giải với Giáo Hội lúc trước, bây giờ lại đi theo ly giáo. Mặc dù đã 80 tuổi, Cha Gioan được phép của Đức Giáo Hoàng Nicôla IV trở lại Đông Phương trong nỗ lực khôi phục sự hiệp nhất một lần nữa.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn nỗ lực khôi phục tâm hồn trinh trong được biểu hiện qua chiếc áo trắng khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội.

Suy niệm 2: Đạo đức

Khi là giáo sư triết mới 25 tuổi, và nổi tiếng đạo đức thì Thiên Chúa đã gọi Gioan từ giã thế tục để đi vào thế giới mới của Dòng Phanxicô.

Lòng đạo đức của Gioan được thể hiện qua việc ngài vâng theo Thiên Ý để từ bỏ thế tục với tương lai sáng lạng mà gia nhập vào Dòng. Chưa hết, Thiên Ý sắp xếp vào năm 1245, Đức Giáo Hoàng Innocent IV triệu tập công đồng ở Lyons, nước Pháp. Vị bề trên Dòng Phanxicô lúc bấy giờ là Cha Crescentius đang đau nặng nên không thể tham dự.

Ngài gửi Cha Gioan đi thế, và cha đã tạo được một ấn tượng tốt đẹp nơi các vị lãnh đạo Giáo Hội trong công đồng. Hai năm sau, chính vị giáo hoàng ấy đã chủ tọa buổi bầu cử vị bề trên của Dòng Phanxicô, ngài đã nhớ đến Cha Gioan và đã đề cử cha như người xứng đáng nhất nắm giữ chức vụ quan trọng này. Do đó, năm 1247, Cha Gioan ở Parma được bầu làm bề trên tổng quyền.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chuyên chăm thực thi Thiên Ý để mỗi ngày mỗi đạo đức thánh thiện hơn.

Suy niệm 3: Vui mừng

Năm 1247, Cha Gioan ở Parma được bầu làm bề trên tổng quyền. Các môn đệ chân chính của Thánh Phanxicô vui mừng với sự chọn lựa này, và họ trông đợi sự hồi phục tinh thần khó nghèo và khiêm tốn như những ngày tiên khởi của Dòng.

Có nhiều nỗi vui mừng tự nhiên và siêu nhiên. Các môn đệ xưa cũng tự nhiên hớn hở, khi thấy cả ma quỷ cũng khuất phục các ngài. Nhưng Đức Giêsu lại đã hướng họ đến một niềm vui siêu nhiên là tên họ được ghi trên trời (Lc 10,20).

Các môn đệ chân chính của Thánh Phanxicô đã biết chọn sống theo hướng của Đức Giêsu vạch ra. Các ngài đã vui mừng trông đợi sự hồi phục tinh thần khó nghèo và khiêm tốn như các ngày tiên khởi của Dòng.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng chạy tìm niềm vui tự nhiên vốn chóng qua, nhưng hãy luôn sống niềm vui siêu nhiên chuẩn bị tận hưởng niềm vui vĩnh cửu sau này trên thiên đàng.

Suy niệm 4: Khiêm tốn

Năm 1247, Cha Gioan ở Parma được bầu làm bề trên tổng quyền. Các môn đệ chân chính của Thánh Phanxicô vui mừng với sự chọn lựa này, và họ trông đợi sự hồi phục tinh thần khó nghèo và khiêm tốn như những ngày tiên khởi của Dòng.

Tinh thần khiêm tốn của Dòng được thể hiện cụ thể ngay trong cách sống với việc ăn mặc y phục đơn giản không cầu kỳ của người nghèo, đi chân không, và nhất là chú trọng việc hạ mình đi xin ăn.

Thánh Gioan Tẩy Giả xưa kia cũng thể hiện tinh thần khiêm tốn trong sứ mạng tiền hô của mình với việc ăn mặc bằng cách ăn châu chấu và mật ong rừng cũng như mặc áo lông da thú.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết sống tinh thần khiêm tốn trong việc không chạy tìm những phương tiện làm việc mang tính đua đòi hay lãng phí không cần thiết.

Suy niệm 5: Thăm viếng

Cha Gioan là Bề Trên đầu tiên đi thăm tất cả các chi nhánh của Dòng, và đi chân đất.

Khoảng cách tự nhiên vốn hiện hữu giữa người này và người kia, do chức vụ lớn nhỏ lại càng khó lấp đầy hơn nữa, do không gian cách biệt hẳn nhau. Cha Gioan là người đầu tiên muốn xóa bỏ ngăn cách này để thật sự sống tình anh em, nên đã thực hiện chương trình đi đến với mọi người bằng việc đi thăm các chi nhánh.

Sáng kiến rời khỏi thủ đô Rôma để đến thế giới bên ngoài của các Đức Giáo Hoàng thuộc thế kỷ XX đã gây một chấn động lớn và có thể nói đã mở ra một đường hướng phục vụ mới cho Giáo Hội Rôma.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các vị chủ chăn đánh giá cao công tác thăm viếng mục vụ nhiều hơn nữa.

Suy niệm 6: Chống đối

Nhiều biện pháp đã được thi hành để giúp các tu sĩ tuân giữ kỷ luật, nhưng dù có nỗ lực đến đâu, Cha Gioan luôn luôn bị chống đối một cách cay đắng.

Ngôn sứ Êlia thấy dân Ítraen nhảy khập khiễng hai chân vừa thờ Thiên Chúa vừa lạy Baan, ngài nỗ lực giúp dân hồi tâm quay về tuân giữ luật Giavê, nên đã gánh chịu sự chống đối mãnh liệt của các ngôn sứ giả được hoàng hậu Ideven hậu thuẫn (1V 16,21).

Sự hiện diện của Đức Giêsu cũng đã được cụ già Simêon tiên báo là dấu hiệu cho người đời chống báng (Lc 2,34). Lời tiên báo này đã thành hiện thực khi chẳng những các đầu mục Dothái toa rập lập mưu chống lại ngài đến mức muốn giết ngài (Mc 14,1), mà ngay cả người Dothái cũng chống đối (Ga 5,16).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con can đảm chấp nhận bị người đời chống đối còn hơn bị Chúa chống đối.

Teresa Nhỏ Bé
22-03-2012, 09:59 AM
Ngày 22-03


Thánh BENVENUTUS ở OSIMO


http://4.bp.blogspot.com/-QR-mwIXuVeo/T2njkFkwYEI/AAAAAAAAMSU/aCUzMZTQWWA/s1600/benvenutus.jpg (http://4.bp.blogspot.com/-QR-mwIXuVeo/T2njkFkwYEI/AAAAAAAAMSU/aCUzMZTQWWA/s1600/benvenutus.jpg)



(c 1282)


Lược sử:

Thánh Benvenutus xuất phát từ dòng họ Scotivoli nổi tiếng ở Ancona, Ý Đại Lợi. Sau khi học thần học và luật tại Đại Học Bologna, ngài được thụ phong linh mục và được trở về Ancona để phụ giúp việc điều hành giáo phận.

Sau đó, ngài được bổ nhiệm làm giám quản Giáo Phận Osimo. Thành phố này từng trống ngôi giám mục trong 20 năm vì bị trừng phạt về tội ủng hộ Hoàng Đế Frederick II trong cuộc chiến chống với đức giáo hoàng. Cha Benvenutus thành công trong việc thuyết phục dân chúng Osimo trở về tuân phục đức giáo hoàng. Năm 1264, đức giáo hoàng đặt Cha Benvenutus làm Giám Mục Osimo, nhưng cho phép ngài nhận áo dòng Phanxicô trước khi nhận nhiệm vụ mới.

Khi là giám mục, Đức Benvenutus vẫn mặc y phục của Dòng và tuân giữ quy luật Thánh Phanxicô một cách nghiêm nhặt. Ngài thúc giục sự cải tổ trong giáo phận bằng cách triệu tập các công đồng và thiết lập các quy tắc thật khôn ngoan để chống với những lạm dụng thời bấy giờ. Nói tóm lại, Đức Benvenutus đã đưa mọi người trong giáo phận về gần với Thiên Chúa hơn.

Năm 1282, ngài từ trần trong thánh đường của ngài giữa các linh mục giáo phận. Ba năm sau, ngài được Đức Giáo Hoàng Martin IV tôn phong hiển thánh.

Lời Bàn

Dân chúng đủ mọi thành phần xã hội đã noi gương Thánh Phanxicô đi theo Ðức Kitô. Trong khi hầu hết các giám mục Phanxicô đều phục vụ trong công tác truyền giáo, nhưng cũng có nhiều vị như Thánh Benvenutus. Ðịa vị lãnh đạo của các ngài giúp họ ý thức rằng đời sống khiêm tốn và khó nghèo là dấu chỉ của Giáo Hội Ðức Kitô.

***
SUY NIỆM
(của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)


Suy niệm 1: Học hành

Sau khi học thần học và luật tại Đại Học Bologna, ngài được thụ phong linh mục.

Nói chung ngành nghề gì cũng đòi hỏi phải có trình độ và nhất là tính chuyên nghiệp. Dầu không hẳn là một nghề nghiệp mà là một thiên chức, nhưng để được thụ phong linh mục, thụ nhân cũng cần phải học hành, học văn hóa học tu thân tích đức.

Chính Đức Giêsu dầu là Con Thiên Chúa cũng phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục, và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ cho tất cả những ai tùng phục Người (Dt 5,8-9).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn chuyên tâm học hỏi, mãi cho đến giây phút cuối đời.

Suy niệm 2: Bổ nhiệm

Thánh Benvenutus được bổ nhiệm làm giám quản Giáo Phận Osimo. Thành phố Osimo này từng trống ngôi giám mục trong 20 năm vì bị trừng phạt về tội ủng hộ Hoàng Đế Frederick II trong cuộc chiến chống với đức giáo hoàng.

Dầu trống ngôi lâu năm, nhưng không một vị nào được bổ nhiệm đến thì giáo phận cũng phải chấp nhận số phận trống ngôi ấy. Điều này cho thấy việc bổ nhiệm đóng một vai trò rất quan trọng trong việc điều hành của Giáo Hội.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn tôn trọng bất cứ sự bổ nhiệm nào của Giáo Hội.

Suy niệm 3: Phạt

Thành phố này từng trống ngôi giám mục trong 20 năm vì bị trừng phạt về tội ủng hộ Hoàng Đế Frederick II trong cuộc chiến chống đức giáo hoàng.

Một trong những trọng tội khiến một cá nhân hoặc cả tập thể bị Giáo Hội trừng phạt, đó là chống đối hoặc bất tùng phục vị đại diện tối cao của Chúa ở trần gian là đức giáo hoàng.

Một trong những hình phạt nặng nhất dành cho cá nhân, đó là bị loại ra khỏi cộng đoàn (Mt 18,17), hoặc cho tập thể, đó là không có vị chủ chăn trực tiếp điều hành như trường hợp ở Giáo Phận Osimo trước khi Đức Benvenutus được bổ nhiệm đến làm Giám Quản.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn kính yêu và tùng phục đức giáo hoàng.

Suy niệm 4: Tuân phục

Cha Benvenutus thành công trong việc thuyết phục dân chúng Osimo trở về tuân phục giáo hoàng.

Một đối tượng các tín hữu công giáo phải tuân phục, đó là đức giáo hoàng, vì ngài là vị ưu tiên được Đức Giêsu ban quyền cầm buộc: “Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy" (Mt 16,18;18,18).

Nhất là đức giáo hoàng được hưởng ơn bất khả ngộ do nhiệm vụ của ngài, khi với tư cách là mục tử và thầy dạy tối cao của mọi kitô hữu, để củng cố anh em mình vững mạnh trong đức tin, ngài công bố một điểm giáo thuyết về đức tin và phong hóa bằng một phán quyết chung thẩm (Sách Giáo Lý Công Giáo số 891).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con xác tín rằng Chúa Kitô muốn cho Hội Thánh Người tham dự vào sự bất khả ngộ của Người, vì Người là Chân lý.

Suy niệm 5: Lãnh đạo

Khi là giám mục, Đức Benvenutus vẫn mặc y phục của Dòng và tuân giữ quy luật Thánh Phanxicô một cách nghiêm nhặt.

Dân chúng đủ mọi thành phần xã hội đã noi gương Thánh Phanxicô đi theo Đức Kitô. Trong khi hầu hết các giám mục Phanxicô đều phục vụ trong công tác truyền giáo, nhưng cũng có nhiều vị như Thánh Benvenutus. Địa vị lãnh đạo của các ngài giúp họ ý thức rằng đời sống khiêm tốn và khó nghèo là dấu chỉ của Giáo Hội Đức Kitô.

Đường hướng lãnh đạo của Giáo Hội Đức Kitô thật khác với thủ lãnh thế gian như lời Đức Giêsu đã vạch: "Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được thế: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người" (Mt 20,25-28).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con tích cực phục vụ không nhằm để làm lớn mà là để được nên giống Chúa mỗi ngày một hơn.

Suy niệm 6: Cải tổ

Đức Benvenutus thúc giục sự cải tổ trong giáo phận bằng cách triệu tập các công đồng và thiết lập các quy tắc thật khôn ngoan để chống với những lạm dụng thời bấy giờ.

Trong một số trường hợp và hiện tình của xã hội, cần thiết phải có sự cải tổ. Nhưng đường hướng của việc cải tổ không nên xoay quanh các hình thức mà nhất là phải chú trọng đến tinh thần, để làm sao rượu mới phải được đổ vào bầu da mới (Mt 9,17).

Đức Benvenutus đã gặt hái được hiệu quả của việc cải tổ, khi đưa mọi người trong giáo phận về gần với Thiên Chúa hơn, cũng như tuân phục đức giáo hoàng hơn.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con không nệ cổ và cũng không chạy theo cái mới, nhưng biết hòa hợp nghĩa là chọn cái hay trong điều mới nhưng vẫn giữ cái tinh túy trong điều cũ.

Teresa Nhỏ Bé
23-03-2012, 06:11 PM
Ngày 23-03


Thánh TURIBIUS ở MOGROVEJO


http://1.bp.blogspot.com/-7JjR0cOdkh0/T2w9Zc82j4I/AAAAAAAAMXE/U_RBi3AmlE8/s1600/StTuribiusMogrovejo.jpg (http://1.bp.blogspot.com/-7JjR0cOdkh0/T2w9Zc82j4I/AAAAAAAAMXE/U_RBi3AmlE8/s1600/StTuribiusMogrovejo.jpg)



(1538-1606)


Lược sử:

Cùng với Thánh Rosa ở Lima, Thánh Turibius là vị thánh đầu tiên nổi tiếng ở Tân Thế Giới, phục vụ Thiên Chúa ở Peru, Nam Mỹ trong 26 năm.

Sinh ở Tây Ban Nha và theo học về luật, ngài trở thành một học giả sáng giá đến nỗi được làm giáo sư luật cho Đại Học Salamanca, và sau đó trở thành chánh án Tòa Thẩm Tra ở Granada dưới thời Vua Philip II. Ngài rất thành công, nhưng vẫn chưa phải là một luật sư có thể ngăn cản được những biến cố đột ngột xảy ra trong đời.

Khi tòa giám mục Lima trong thuộc địa Peru của Tây Ban Nha trống ngôi, nhà vua quyết định Turibius phải là người giữ chức vụ đó: vì ngài cương quyết và có tinh thần đạo đức. Sau khi được thụ phong linh mục và tấn phong giám mục, ngài được gửi sang Peru năm 1581, là nơi ngài chứng kiến sự tồi tệ của chủ nghĩa thực dân. Ở đây, người Tây Ban Nha xâm lăng vi phạm đủ mọi loại tội lỗi đối với dân địa phương. Các lạm dụng của hàng giáo sĩ cũng thật lộ liễu, Đức Turibius đã dồn mọi nỗ lực để cải tổ lãnh vực này trước hết.

Ngài bắt đầu các cuộc thăm viếng lâu dài và gian khổ đến tất cả các giáo xứ trong tổng giáo phận mênh mông. Ngài học tiếng địa phương, và trong các chuyến công tác, có khi phải ở đó đến hai ba ngày mà thường không có thực phẩm cũng như giường chiếu. Mỗi sáng ngài đều xưng tội với cha tuyên úy, và cử hành Thánh Lễ với sự sốt sắng tột độ. Trong những người được Thêm Sức từ tay ngài là Thánh Rosa ở Lima, và có lẽ cả Thánh Martin de Porres nữa.

Ngài được phong thánh năm 1726.

Lời Bàn

Quả thật Thiên Chúa đã uốn thẳng các đường lối quanh co. Trái với ý định của Turibius, và lại phát xuất từ điểm không ai ngờ là Toà Thẩm Tra, con người này đã trở nên vị chủ chăn giống như Ðức Kitô của các người nghèo và người bị áp bức. Thiên Chúa đã ban cho ngài ơn biết yêu thương tha nhân như điều họ mong đợi.

***
SUY NIỆM
(của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)



Suy niệm 1: Phục vụ

Cùng với Thánh Rosa ở Lima, Thánh Turibius là vị thánh đầu tiên nổi tiếng ở Tân Thế Giới, phục vụ Thiên Chúa ở Peru, Nam Mỹ trong 26 năm.
Xuất thân là một giáo sư luật ở cường quốc Tây Ban Nha, Thánh Turibius đã lăn xã và hòa mình phục vụ người thổ dân thuộc địa Peru. Ngài học tiếng địa phương, giúp thiết lập các trường học, nhà thờ, và mở cửa chủng viện đầu tiên trong
Tân Thế Giới.

Bí quyết thành công trong việc phục vụ tha nhân của thánh Turibius, đó là ngài phục vụ tha nhân như là phục vụ chính Thiên Chúa, hay nói cách khác ngài thể hiện việc phục vụ chính Thiên Chúa bằng việc phục vụ tha nhân (Mt 25,40).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn nhận ra Chúa đang hiện diện nơi tha nhân để dễ thực hiện tinh thần phục vụ.

Suy niệm 2: Biến cố

Ngài rất thành công, nhưng vẫn chưa phải là một luật sư có thể ngăn cản được những biến cố đột ngột xảy ra trong đời.
Khi tòa giám mục Lima trong thuộc địa Peru của Tây Ban Nha trống ngôi, nhà vua quyết định Turibius phải là người giữ chức vụ đó: vì ngài cương quyết và có tinh thần đạo đức. Sau khi được thụ phong linh mục và tấn phong giám mục, ngài được gửi sang Peru.

Quả thật Thiên Chúa đã uốn thẳng các đường lối quanh co. Trái với ý định của Turibius, và lại phát xuất từ điểm không ai ngờ là Tòa Thẩm Tra, con người này đã trở nên vị chủ chăn giống như Đức Kitô của các người nghèo và bị áp bức. Thiên Chúa đã ban cho ngài ơn biết yêu thương tha nhân như điều họ mong đợi.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đọc được các biến cố theo sự quan phòng của Thiên Chúa.

Suy niệm 3: Đạo đức

Khi tòa giám mục Lima trong thuộc địa Peru của Tây Ban Nha trống ngôi, nhà vua quyết định Turibius phải là người giữ chức vụ đó: vì ngài cương quyết và có tinh thần đạo đức.

Một vị lãnh đạo tinh thần phải là một người hoàn hảo đến mức không ai có thể chê trách được điều gì, nhất là xét về mặt đạo đức (1Tm 3,2;Tt 1,6-7). Chính vì thế thánh Turibius đã được tuyển chọn.

Trong lịch sử dân Chúa, dầu là nữ nhưng nhờ lòng đạo đức (Gđt 8,8), bà Giuđích cũng đã được chính Thiên Chúa chọn làm thủ lãnh để cứu dân thoát khỏi sự xâm lấn của đạo quân của tướng Hôlôphécnê. Cũng như hai vợ chồng Dacaria và Êlisabét được chọn làm phụ mẫu của Gioan Tiền Hô dọn dường cho Chúa đến, là nhờ vào lòng đạo đức (Lc 1,6).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chuyên tâm vun đắp tinh thần đạo đức, để xứng với ơn Chúa thương chọn chúng con làm người con Chúa.

Suy niệm 4: Cải tổ

Các lạm dụng của hàng giáo sĩ cũng thật lộ liễu, và Đức Turibius đã dồn mọi nỗ lực để cải tổ lãnh vực này trước hết.

Dầu khó khăn và thậm chí bị chống đối, nhưng Đức Turibius không thể không bắt tay vào việc cải tổ, để chận đứng những lạm dụng của hàng giáo sĩ, vốn gây tác hại trầm trọng cho sự sống còn của Giáo Hội.

Xưa kia Đức Giêsu cũng mạnh dạn quở trách các kinh sư và người Pharisêu bằng lối sống giả hình đã khóa cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào: “Các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người cũng không để họ vào... Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; nhưng khi họ theo rồi, các người lại làm cho họ đáng xuống hỏa ngục gấp đôi các người” (Mt 23,13-15).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con cải tổ lối sống mình theo sát huấn giáo của Chúa, để không gây thiệt hại cho mình và cho người.

Suy niệm 5: Thăm viếng

Ngài bắt đầu các cuộc thăm viếng lâu dài và gian khổ đến tất cả các giáo xứ trong tổng giáo phận mênh mông.

Tâm lý thường tình cho hay ai cũng muốn ở nhà và ngại đến nơi xa lạ, vì dầu sao ở nhà mình thường có tâm lý thoải mái và yên ổn hơn, đến mức có người cảm thấy khó dỗ được giấc ngủ ở một chỗ khác dầu tiện nghi đến đâu.

Vì lợi ích lớn hơn, Đức Tubirius chấp nhận rời nhà để thể hiện nhiều cuộc thăm viếng. Nhất là trong các chuyến công tác, có khi phải ở đó đến hai ba ngày mà thường không có thực phẩm cũng như giường chiếu. Đức Giêsu cũng từng chấp nhận không có chỗ gối đầu.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chú trọng đến công tác thăm viếng vốn không kém quan trọng hơn các công tác mục vụ khác.

Suy niệm 6: Học tiếng địa phương

Để sinh hoạt mục vụ với những người thổ dân, Ngài chẳng những học tiếng địa phương mà còn sành sõi một vài tiếng địa phương nữa.

Một trong các lãnh vực phải học, đó là phải học tiếng nước ngoài. Ngoại trừ những người có năng khiếu ngoại ngữ, còn nói chung học một tiếng nước ngoài với một người lớn tuổi, nhất là tiếng thổ dân, thì đấy không phải là một việc dễ dàng. Nhưng vì lợi ích mục vụ, Đức Turibius đã chấp nhận khó khăn này.

Một thánh nhân cũng thông thạo nhiều tiếng nước ngoài, không những tiếng Latinh, Hylạp mà còn cả tiếng Dothái và Chaldée nữa, đó là thánh Hiêrônimô. Vận dụng khả năng này, ngài đã dành thì giờ nghiên cứu và phiên dịch Thánh Kinh sang La ngữ. Đó là bản Vulgata vẫn còn dùng trong Giáo Hội.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các tác phẩm của các dịch giả được nhiều người đón nhận như cách động viên việc đóng góp của họ vào ngôi vườn văn hóa.

Teresa Nhỏ Bé
24-03-2012, 11:32 AM
Ngày 24-03


Thánh CATARINA ở GENOA


http://4.bp.blogspot.com/-u8l3Z_aC5Fw/T2yMFq1mCuI/AAAAAAAAMX8/NZaFHg4Ug30/s320/caterina+di+genova.jpg (http://4.bp.blogspot.com/-u8l3Z_aC5Fw/T2yMFq1mCuI/AAAAAAAAMX8/NZaFHg4Ug30/s1600/caterina+di+genova.jpg)




(1447-1510)



Lược sử:

Khi Thánh Catarina chào đời thì nhiều nhà quý tộc ở Ý lúc bấy giờ hỗ trợ các văn nghệ sĩ thuộc phong trào Phục Hưng. Các nhu cầu của người nghèo và người bệnh tật thường bị lu mờ bởi cái đói khát giầu sang và lạc thú.

Cha mẹ của Catarina thuộc dòng họ quý tộc ở Genoa. Lúc 13 tuổi, ngài muốn đi tu nhưng không được nhận vì còn quá trẻ. Năm 16 tuổi, bởi sự thúc giục của cha mẹ, Catarina kết hôn với ông Guiliano Adorno, một người quý tộc nhưng đó là một hôn nhân bất hạnh. Ông Guiliano là một người không có đức tin, cọc cằn, hoang phí và không chung thủy. Trong một thời gian, Catarina muốn quên đi những chán chường của đời sống bằng cách hòa đồng với xã hội.

Một ngày kia, khi đi xưng tội, ngài được ơn Chúa cho thấy tội lỗi của mình và tình thương của Thiên Chúa. Ngài thay đổi lối sống và làm gương cho chồng, mà không lâu sau đó, chính ông Giuliano cũng đã từ bỏ đời sống ích kỷ, hoang đàng. Cả hai quyết định sống trong khu nhà thương ở Genoa để chăm sóc bệnh nhân, thi hành đức bác ái. Sau khi ông Giuliano qua đời năm 1497, bà Catarina đứng trông coi bệnh viện.

Những thị kiến bà được cảm nghiệm từ khi hai mươi sáu tuổi cho đến lúc chết, được cha giải tội ghi nhận lại trong hai cuốn "Những Đối Thoại của Linh Hồn và Thân Xác," và "Luận Về Luyện Ngục". Trong Luận Về Luyện Ngục, bà coi toàn thể cuộc đời Kitô Hữu là sự thanh luyện. Nếu sự thanh luyện ở đời này chưa hoàn tất thì sẽ phải tiếp tục sang đời sau. Những gì chúng ta phải đền bù vì tội lỗi của chúng ta ở đời này thì quá nhỏ so với những gì phải đền bù ở Luyện Tội. Đời sống với Thiên Chúa ở thiên đàng là một tiếp nối của đời sống đã được hoàn thiện được khởi sự từ trần gian.

Kiệt quệ vì sự hy sinh, bà từ trần ngày 15 tháng Chín, 1510, và được Đức Giáo Hoàng Clêmentê XII phong thánh năm 1737.

Lời Bàn

Xưng tội và rước lễ thường xuyên có thể giúp chúng ta nhìn thấy con đường hướng về Thiên Chúa. Những người có cảm nhận thực tế về tội lỗi của mình và sự cao cả của Thiên Chúa thường là những người sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của tha nhân. Thánh Catarina bắt đầu công việc ở bệnh viện với lòng nhiệt thành, và trung thành với công việc ấy qua những thời kỳ khó khăn bởi vì ngài được khích động bởi tình yêu Thiên Chúa, và tình yêu ấy được canh tân qua Kinh Thánh và các bí tích.

Lời Trích

Trước khi từ giã cõi đời, Thánh Catarina nói với cô con gái đỡ đầu: "Tomasina! Ðức Giêsu trong tâm hồn con! Vĩnh cửu trong tâm trí con! Thánh ý Thiên Chúa trong hành động của con! Nhưng trên hết mọi sự, hãy sống bác ái, Thiên Chúa là tình yêu, hoàn toàn tình yêu!"

***
SUY NIỆM
(của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)



Suy niệm 1: Hôn nhân

Năm 16 tuổi, bởi sự thúc giục của cha mẹ, Catarina kết hôn với ông Guiliano Adorno, một người quý tộc nhưng đó là một hôn nhân bất hạnh.

Cuộc hôn nhân này được đánh giá là bất hạnh, vì ông Guiliano là một người không có đức tin, cọc cằn, hoang phí và không chung thủy.

Điều này cho hay tiền bạc cũng như danh vọng và ngay cả sắc đẹp không hẳn bao giờ cũng giúp có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, mà chủ yếu là tâm hồn đạo đức, như một câu nói thường nghe: cái nết đánh chết cái đẹp, hoặc qua mẫu gương cầu nguyện của hai vợ chồng Tôbia và Xara (Tb 8,4-9).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các đôi bạn trẻ biết chọn tiêu chuẩn đạo đức trên hết mọi tiêu chuẩn khác để có được một cuộc hôn nhân hạnh phúc.

Suy niệm 2: Xưng tội

Một ngày kia, khi đi xưng tội, ngài được ơn Chúa cho thấy tội lỗi của mình và tình thương của Thiên Chúa. Ngài thay đổi lối sống và làm gương cho chồng.

Xưng tội và rước lễ thường xuyên có thể giúp chúng ta nhìn thấy con đường hướng về Thiên Chúa. Những người có cảm nhận thực tế về tội lỗi của mình và sự cao cả của Thiên Chúa thường là những người sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của tha nhân.

Thánh Catarina bắt đầu công việc ở bệnh viện với lòng nhiệt thành, và trung thành với công việc ấy qua những thời kỳ khó khăn bởi vì ngài được khích động bởi tình yêu Thiên Chúa, và tình yêu ấy được canh tân qua Kinh Thánh và các bí tích.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nhận ra giá trị của việc đi xưng tội để siêng năng đến tòa cáo giải hơn.

Suy niệm 3: Gương mẫu

Một ngày kia, khi đi xưng tội, ngài được ơn Chúa cho thấy tội lỗi của mình và tình thương của Thiên Chúa. Ngài thay đổi lối sống và làm gương cho chồng.

Với sứ mạng của một hiền mẫu, Thánh Catarina đón nhận các thánh giá luôn có trong bổn phận của một người vợ đối với chồng bằng lời cầu nguyện và mẫu gương sống thánh. Không lâu sau đó, chính ông Giuliano cũng đã từ bỏ đời sống ích kỷ, hoang đàng.

Hiền mẫu Mônica vâng lời cha mẹ kết hôn với Patricius, một người ngoại giáo thuộc dòng dõi quý phái, nhưng tính tình ngang tàng, độc ác và phóng túng. Nhưng sự cầu nguyện và gương mẫu đời sống của Thánh Monica sau cùng đã chinh phục được người chồng, ngài đã đưa chồng trở về với đức tin Kitô Giáo.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các hiền mẫu nhiều ơn lành hồn xác để giúp họ chu toàn sứ mạng của một hiền mẫu.

Suy niệm 4: Bác ái

Cả hai quyết định sống trong khu nhà thương ở Genoa để chăm sóc bệnh nhân, thi hành đức bác ái.

Trước khi từ giã cõi đời, Thánh Catarina nói với con gái đỡ đầu: "Tomasina! Đức Giêsu trong tâm hồn con! Vĩnh cửu trong tâm trí con! Thánh ý Thiên Chúa trong hành động con! Nhưng trên hết mọi sự, hãy sống bác ái, Thiên Chúa là tình yêu, hoàn toàn tình yêu!"

Chính lòng bác ái này đã giúp thánh Catarina vâng lời cha mẹ để từ bỏ ý nguyện tu trì sống đời hôn nhân, để rồi cảm hóa được chồng, và cùng chồng thực thi lòng nhân ái đối với các bệnh nhân.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đào sâu và thực thi tình bác ái theo gương thánh nữ Catarina.

Suy niệm 5: Luyện Ngục

Trong Luận Về Luyện Ngục, bà coi toàn thể cuộc đời Kitô Hữu là sự thanh luyện. Nếu sự thanh luyện ở đời này chưa hoàn tất thì sẽ phải tiếp tục sang đời sau. Những gì chúng ta phải đền bù vì tội lỗi của chúng ta ở đời này thì quá nhỏ so với những gì phải đền bù ở Luyện Tội.

Theo Thánh Grêgôriô Cả, đối với một số tội nhẹ, phải tin là trước phán xét chung có lửa thanh luyện. Đức Giêsu xác nhận: nếu ai nói phạm đến Chúa Thánh Thần, người ấy sẽ chẳng được tha cả đời này lẫn đời sau (Mt 12,31). Qua khẳng định này, chúng ta có thể hiểu là một số tội có thể được tha ở đời này, nhưng một số tội khác thì phải đợi tới đời sau.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đón nhận nhiều khổ đau, và gia tăng việc lành phúc đức đời này để gỉam bớt phần đền tội đời sau.

Suy niệm 6: Thiên đàng

Đời sống với Thiên Chúa ở thiên đàng là một tiếp nối của đời sống đã được hoàn thiện được khởi sự từ trần gian.

Thiên đàng là cuộc sống viên mãn vì được hiệp thông trong sự sống và tình yêu với Thiên Chúa Ba Ngôi, với Đức Trinh Nữ Maria, với các thiên thần và các thánh.

Thiên đàng là mục đích tối hậu và là sự hiện thực các nguyện vọng sâu xa nhất của con người, là tình trạng hạnh phúc tuyệt hảo và chung cuộc (Sách Giáo Lý số 1024).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con ở đời này luôn sống thánh để được chết lành hầu được vào thiên đàng như là một hệ lụy tất yếu.

Teresa Nhỏ Bé
04-04-2012, 11:36 AM
Ngày 01-04


Thánh HUGH ở GRENOBLE


http://3.bp.blogspot.com/-h-TibW6dCNQ/T3cHqUCbtoI/AAAAAAAAMrs/8G0eqLMFL0c/s1600/hughgrenoble02.jpg (http://3.bp.blogspot.com/-h-TibW6dCNQ/T3cHqUCbtoI/AAAAAAAAMrs/8G0eqLMFL0c/s1600/hughgrenoble02.jpg)



(1052-1132)


Lược sử:

Thánh Hugh sinh năm 1052 ở Pháp. Ngài là một người cao lớn, đẹp trai và hòa nhã. Mặc dù ngài muốn tận hiến cho Thiên Chúa trong đan viện, nhưng ngài đã được ban cho một địa vị quan trọng. Ngài được thụ phong linh mục và sau đó được tấn phong giám mục.

Ngay khi làm giám mục, Đức Cha Hugh bắt đầu sửa đổi các tật xấu của nhiều người trong giáo phận. Ngài hoạch định nhiều chương trình khôn ngoan, nhưng đó chưa phải là tất cả những gì ngài thực hiện. Để xin Thiên Chúa thương xót đến người dân, ngài cầu nguyện với tất cả tâm hồn. Ngài hy sinh hãm mình cực độ. Trong một thời gian ngắn, nhiều giáo dân trong địa phận đã trở lại với nếp sống đạo đức. Chỉ có giới trưởng giả là tiếp tục chống đối ngài.

Đức Cha Hugh từ trần ngày 1 tháng Tư 1132, chỉ hai tháng trước khi mừng sinh nhật thứ tám mươi của ngài, sau khi chu toàn bổn phận của một giám mục trong năm mươi hai năm.

Vào năm 1134, chỉ 2 năm sau khi ngài từ trần, Đức Giáo Hoàng Innôxentê II đã tuyên xưng ngài là thánh.

***
SUY NIỆM
(của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)


Suy niệm 1: Đẹp trai

Thánh Hugh sinh năm 1052 ở Pháp. Ngài là một người cao lớn, đẹp trai và hòa nhã.

Trong số những người được Chúa chọn làm dụng cụ cho Chúa không thiếu những người được xác nhận rõ là đẹp trai, chẳng hạn như Giuse (St 39,6), Saun (1Sm 9,2), Đavít (1Sm 16,18;17,42), Ápsalôm (2Sm 14,25) cũng như Thánh Hugh.
Cũng chính vì thế các ứng viên linh mục thường được xét duyệt ngoài những phẩm chất đạo đức và văn hóa, còn có tiêu chí dầu không hẳn là đẹp trai nhưng tuyệt đối không được dị dạng và dị tật trước khi được thụ phong.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các linh mục luôn chăm sóc nét đẹp thể xác và nhất là tinh thần.

Suy niệm 2: Sửa đổi

Ngay khi làm giám mục, Đức Hugh bắt đầu sửa đổi các tật xấu của nhiều người trong giáo phận.

Sửa đổi bao giờ cũng đòi hỏi phải có thời gian, nhất là khi phải sửa đổi một tãt xấu. Tuy nhiên đừng quên phải có quyết tâm thực hiện ngay tức khắc, không được chần chờ. Có bắt đầu sửa đổi và kiên trì sửa đổi thì mới mong đạt được thành công.

Đồng thời phải lưu ý câu nói dầy kinh nghiệm, đó là ngựa quen đường cũ. Vì thế một trong những phương cách hữu hiệu, đó là hãy thay đổi nết cũ xấu bằng một điều tốt lành mới, như đám cỏ được nhổ sạch cần phải được thay thế bằng những bông hoa mới, để tránh tình trạng cỏ tiếp tục mọc lên ở chỗ đất trống.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn cấp tốc cải tà quy chánh để không hối hận vì quá muộn.

Suy niệm 3: Cầu nguyện

Để xin Thiên Chúa thương xót đến người dân, Đức Hugh cầu nguyện với tất cả tâm hồn. Ngài hy sinh hãm mình cực độ.
Để lời cầu nguyện mang tính chân thành, nhờ đó dễ được nhận lời. Một yếu tố quan trọng không thể thiếu, đó là phải cầu nguyện bằng cả tấm lòng.

Để có được mụn con Samuen, bà hiếm muộn Anna đã cầu nguyện với bao nước mắt khiến thầy cả Êli ngở bà say rượu (1Sm 1,9-18). Để cảm hóa được cả chồng và con, thánh nữ Mônica cũng kiên trì cầu nguyện với bao nước mắt.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn thực tâm cầu nguyện bằng cả tấm lòng.

Suy niệm 4: Hãm mình

Để xin Thiên Chúa thương xót đến người dân, Đức Hugh cầu nguyện với tất cả tâm hồn. Ngài hy sinh hãm mình cực độ.

Trong bốn mươi năm, hầu như lúc nào ngài cũng bị đau yếu. Ngài bị nhức đầu dữ dội cũng như bị đau bao tử. Tuy nhiên ngài vẫn hãm mình gắng sức làm việc vì yêu mến dân chúng. Ngài chịu đau khổ vì những thử thách và cám dỗ. Nhưng nhờ sự hãm mình, ngài không bao giờ chịu thua tội lỗi.

Ma quỷ là giềng mối gây nên tội lỗi (Ga 13,2), thế nhưng việc hãm mình lại có hiệu năng khuất phục được ma quỷ (Mt 17,21). Không lạ gì, trong một thời gian ngắn, nhiều giáo dân trong địa phận đã trở lại với nếp sống đạo đức.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết ăn chay hãm mình để chế ngự tội lỗi mình và tha nhân.

Suy niệm 5: Chống đối

Trong một thời gian ngắn, nhiều giáo dân trong địa phận đã trở lại với nếp sống đạo đức. Chỉ có giới trưởng giả là tiếp tục chống đối Đức Hugh.

Do có thế lực về tiền bạc cũng như quyền hành, giới trưởng giả vốn tự cao nên thường chống đối các vị mục tử chân chính như trường hợp của một Đức Hugh, vì bóng tối thì luôn ghét ánh sáng (Ga 3,19-20).

Ngược lại những người dân hèn mọn và đơn sơ chất phác vốn có tâm địa ngay lành nên dễ tiếp thu ánh sáng chân lý và đi theo đường ngay nẻo chính (Mt 11,25).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chớ kiêu căng nhưng khiêm tốn, để dễ đi theo sự hướng dẫn của các vị mục tử nhân lành.

Suy niệm 6: Ý Chúa

Tuy là giám mục, Đức Hugh vẫn mong muốn đời sống một đan sĩ. Đó là điều ngài thực sự mong ước. Ngài từ chức giám mục của giáo phận Grenoble và gia nhập đan viện.

Tưởng đã yên thân, nhưng đó không phải là ý Chúa. Chỉ sau một năm, đức giáo hoàng đã yêu cầu ngài trở về Grenoble. Và Đức Hugh đã vâng lời. Ngài biết rằng làm vui lòng Thiên Chúa thì quan trọng hơn là thỏa mãn ý riêng.

Còn hơn thế, Đức Giêsu xem việc thực thi Thiên Ý chính là lương thực nuôi sống mình (Ga 4,34), đến mức Ngài chấp nhận uống cạn chén đắng, tức là cuộc Tử Nạn mang lại ơn cứu độ cho trần thế (Mt 26,39).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con coi trọng việc thực thi Thiên Ý hơn cả mạng sống mình.

Teresa Nhỏ Bé
04-04-2012, 11:42 AM
Ngày 02-04


Thánh PHANXICÔ ở PAOLA


http://1.bp.blogspot.com/-UJo3r9oecpM/T3hwhybfPRI/AAAAAAAAMtg/qVKD1TCYN14/s320/francis-of-paola-01.jpg (http://1.bp.blogspot.com/-UJo3r9oecpM/T3hwhybfPRI/AAAAAAAAMtg/qVKD1TCYN14/s1600/francis-of-paola-01.jpg)



(1416-1507)


Lược sử:

Phanxicô sinh ở Paola, là một ngôi làng nhỏ bé của nước Ý, vào năm 1416. Cha mẹ ngài nghèo nhưng thánh thiện và khiêm tốn. Vì hiếm muộn, hai ông bà cầu xin Thánh Phanxicô Assisi cho một con trai. Khi lời cầu xin được nhận, hai ông bà đặt tên con là Phanxicô, để tưởng nhớ vị thánh. Cậu bé theo học trường của các tu sĩ dòng Phanxicô. Khi mười lăm tuổi, với sự đồng ý của cha mẹ, Phanxicô đi vào hoang địa, sống trong một cái hang. Phanxicô muốn trở thành vị ẩn tu và dành trọn cuộc đời cho Thiên Chúa mà thôi.

Khi ngài được hai mươi tuổi, một số thanh niên khác muốn đến gia nhập với Phanxicô. Ngài phải bỏ hang và dân chúng ở Paola xây một nhà thờ và tu viện cho ngài và các môn đệ. Ngài gọi tu hội của ngài là "Minims", có nghĩa "người hèn mọn nhất."

Mọi người đều quý mến Phanxicô. Ngài cầu nguyện cho họ và làm nhiều phép lạ. Ngài dạy bảo các môn đệ phải sống tử tế và khiêm nhường, và hãm mình đền tội. Chính ngài là gương mẫu những gì ngài rao giảng. Có lần, một người đàn ông xỉ nhục Phanxicô ngay trước mặt. Đợi khi ông này dứt tiếng, Phanxicô im lặng cúi xuống nhặt cục than hồng và bóp chặt trong tay. Nhưng ngài không bị phỏng. Phanxicô nói với ông ấy: "Hãy đến đây để sưởi ấm. Ông đang lạnh run vì ông cần chút bác ái." Trước phép lạ đó, người đàn ông đã thay đổi thành kiến về Phanxicô.

Vua Louis XI của Pháp đã không sống một cuộc đời tốt lành. Khi bị bệnh gần chết, vua cho gọi Phanxicô. Vì sợ chết, nhà vua muốn Phanxicô làm phép lạ để chữa ông khỏi bệnh. Nhưng thay vào đó, thánh nhân đã dịu dàng giúp đỡ người đàn ông yếu đuối này chuẩn bị một cái chết thánh thiện. Nhà vua đã thay đổi tâm hồn. Ông đã chấp nhận cái chết và từ trần một cách êm thắm trong tay của thánh nhân.

Thánh Phanxicô đã sống một cuộc đời lâu dài để ca ngợi và mến yêu Thiên Chúa. Ngài từ trần khi 91 tuổi, vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm 1507.

Lời Bàn

Cuộc đời của Thánh Phanxicô ở Paola là câu trả lời rõ ràng cho thế giới quá sôi động. Ngài là một người chiêm niệm được kêu gọi để hoạt động xã hội và chắc rằng ngài phải cảm thấy sự căng thẳng giữa đời sống cầu nguyện và việc phục vụ xã hội. Tuy nhiên, sự căng thẳng này không làm mất đi hiệu quả của đời sống thánh nhân, vì ngài biết đưa kết quả của sự chiêm niệm vào trong hoạt động xã hội. Ngài đáp ứng lời mời gọi của Giáo Hội một cách sẵn sàng và tốt đẹp là nhờ có nền tảng vững chắc của sự cầu nguyện và hãm mình. Khi ngài đến trong thế gian, không phải ngài hoạt động nhưng chính Ðức Kitô hoạt động trong ngài -- là "người hèn mọn nhất trong nhà Thiên Chúa."

***
SUY NIỆM
(của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)



Suy niệm 1: Làng

Phanxicô sinh ở Paola, là một ngôi làng nhỏ bé của nước Ý, vào năm 1416.

Một ngôi làng được mọi người xem là nhỏ bé, nhưng trước mặt Thiên Chúa thì không, vì từ đó xuất hiện một thánh nhân mang lại nhiều lợi ích thiêng liêng cho nhiều người, đó là thánh Phanxicô.

Bêlem xưa cũng được ngôn sứ nói đến: Ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tục chăn dắt Ítraen sẽ ra đời (Mt 2,6). Nathanaen cũng đã có cái nhìn trần tục đó: Từ Nadarét làm sao có cái gì hay được (Ga 1,46).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng nhìn người và sự vật bằng con mắt trần tục mà bằng con mắt của Thiên Chúa.

Suy niệm 2: Hiếm muộn

Vì hiếm muộn, hai ông bà cầu xin Thánh Phanxicô Assisi cho một con trai. Khi lời cầu xin được nhận, hai ông bà đặt tên con là Phanxicô, để tưởng nhớ vị thánh.

Một trong các mục đích của đời sống hôn nhân là có con cái, vì thế tình trạng hiếm muộn vừa là một khổ đau và đồng thời là một nỗi hổ nhục (St 30,23;Lc 1,23). Việc họ cầu xin cho có con là một tâm trạng chung và dễ hiểu.

Nhưng trong kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa, Người lại chọn những quý tử từ lòng dạ những mẫu thân hiếm muộn ấy làm những dụng cụ lừng danh cho chương trình của Người như một Ixaác từ Sara (St 11,30), một Giacóp từ Rêbêca (St 25,21), một Samuen từ Anna (1Sm 1,5)... cũng như một Phanxicô.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con ý thức rằng thà chết mà không con còn hơn có những người con bất nghĩa (Hc 16,3).

Suy niệm 3: Hoang địa

Cậu bé theo học trường của các tu sĩ dòng Phanxicô. Khi 15 tuổi, với sự đồng ý của cha mẹ, Phanxicô đi vào hoang địa, sống trong một cái hang.

Tính hiếu động thông thường của lứa tuổi mười lăm không cầm chân được chí hướng tu trì của Phanxicô. Ngược lại ngài quyết chọn lối sống thinh lặng không bị chi phối bởi cảnh náo nhiệt của chốn phồn hoa đô thị, nên tìm vào hoang địa sống trong một cái hang.

Sự yên tịnh ngoại diện là cần thiết nhưng không quan trọng bằng sự yên tịnh nội tâm. Bầu khí thinh lặng của hang động trong hoang địa vẫn khó cầm cố được bao nhiêu hình ảnh với những ý tưởng đột nhập vào tâm trí, nếu không để Chúa chiếm lĩnh toàn diện.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn lưu giữ Chúa hiện diện mãi trong tâm trí, để dù không có sự yên tịnh ngoại diện thì vẫn kiến tạo được sự yên tịnh nội tâm.

Suy niệm 4: Từ bỏ

Khi Phanxicô được hai mươi tuổi, một số thanh niên khác muốn đến gia nhập với Phanxicô. Ngài phải bỏ hang và dân chúng ở Paola xây một nhà thờ và tu viện cho ngài và các môn đệ.

Một điều kiện tên quyết để theo làm môn đệ Chúa là phải từ bỏ hết những gì mình có (Lc 14,33). Phanxicô đã thực hiện chí nguyện theo Chúa bằng việc từ bỏ gia đình, từ bỏ bản tính hiếu động của tuổi 15, từ bỏ chốn đô thị để tìm vào nơi hoang vắng và ẩn dật trong hang động.

Một thử thách lớn lao lại đến, đó là việc quy tụ của một số thanh niên tràn đầy nhiệt huyết. Phanxicô phải quyết định từ bỏ một điều căn bản nữa, đó là từ bỏ chính mình (Mt 16,24). Phanxicô rời bỏ ý định sống đơn độc trong hang, để chấp nhận sống thành cộng đoàn với anh em khác trong một tu hội.

* Lạy Chúa Giêsu, chúng con ca ngợi mẫu gương từ bỏ của Chúa đến hy sinh cả mạng sống bằng cái chết trên thập tự giá (Pl 2,6-8).

Suy niệm 5: Gương mẫu

Phanxicô dạy bảo các môn đệ phải sống tử tế và khiêm nhường, và hãm mình đền tội. Chính ngài là gương mẫu những gì ngài rao giảng.

Mẫu gương sống khiêm nhường của Phanxicô đã được thuật lại như sau:
Có lần, một người đàn ông xỉ nhục Phanxicô ngay trước mặt. Đợi khi ông này dứt tiếng, Phanxicô im lặng cúi xuống nhặt cục than hồng và bóp chặt trong tay. Nhưng ngài không bị phỏng.

Phanxicô nói với ông ấy: "Hãy đến đây để sưởi ấm. Ông đang lạnh run vì ông cần chút bác ái." Trước phép lạ đó, người đàn ông đã thay đổi thành kiến về Phanxicô.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con xác tín về giá trị hữu hiệu của mẫu gương, để luôn sống nhiều hơn là nói.

Suy niệm 6: Phép lạ

Vua Louis XI của Pháp đã không sống một cuộc đời tốt lành. Khi bị bệnh gần chết, vua cho gọi Phanxicô. Vì sợ chết, nhà vua muốn Phanxicô làm phép lạ để chữa ông khỏi bệnh.

Phép lạ chữa lành bệnh phần xác chỉ nhằm dẫn đến việc chữa lành bệnh tâm hồn. Đó cũng là đường hướng Đức Giêsu đã từng thực hiện và dạy bảo trên bước đường rao giảng, như việc chữa người bại liệt (Mt 9,1-8).

Chính vì thế, thay vào đó, thánh nhân đã dịu dàng giúp đỡ người đàn ông yếu đuối này chuẩn bị một cái chết thánh thiện. Nhà vua đã thay đổi tâm hồn. Ông đã chấp nhận cái chết và từ trần một cách êm thắm trong tay của thánh nhân. Quả là một phép lạ lớn lao hơn nhiều.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chủ yếu tìm đạt được chủ đích của phép lạ là cải tà quy chánh, hơn là chạy tìm giá trị bên ngoài của phép lạ.

Teresa Nhỏ Bé
04-04-2012, 11:49 AM
Ngày 03-04


Thánh RICHARD ở CHICHESTER


http://4.bp.blogspot.com/-6Bkz6lMDPL8/T3nIgdGsJuI/AAAAAAAAMwE/jk2U9MMKMkg/s1600/richard+chichester.jpg (http://4.bp.blogspot.com/-6Bkz6lMDPL8/T3nIgdGsJuI/AAAAAAAAMwE/jk2U9MMKMkg/s1600/richard+chichester.jpg)



(1197-1235)


Lược sử:

Thánh Richard sinh ở Anh quốc năm 1197. Khi còn nhỏ, ngài và người anh đã phải mồ côi. Anh của ngài làm chủ một số nông trại. Richard đã phải bỏ dở việc học để giúp anh quản trị cơ sở khỏi bị lụn bại. Thấy Richard chăm chỉ làm việc, người anh muốn tặng cho ngài các nông trại ấy, nhưng ngài không nhận. Ngài cũng không muốn lập gia đình vì muốn đi học trước đã.

Richard vào Đại Học Oxford và với sự chăm chỉ học hành, không lâu ngài đã có được một địa vị quan trọng trong trường. Sau đó, Thánh Edmund, lúc ấy là tổng giám mục của Canterbury, đã trao cho Richard trách nhiệm trông coi giáo phận. Khi Thánh Edmund từ trần, Richard gia nhập dòng Đa Minh ở Pháp. Sau khi được thụ phong linh mục, ngài được tấn
phong làm giám mục của Chichester, nước Anh.

Nhưng vua Henry III đe dọa dân chúng ở Chichester không được tiếp rước Đức Richard. Cho đến khi đức giáo hoàng dọa ra vạ tuyệt thông nhà vua thì lúc ấy ĐGM Richard mới được yên.

Đức giám mục Richard rất nhân từ với người dân nhưng ngài kiên quyết đương đầu với các giáo dân xấu mà không biết hối lỗi.

Người ta kể rằng khi Đức Richard lâm bệnh nặng, ngài đã được Chúa cho biết trước ngày giờ và nơi chết. Ngài từ trần năm 1253, khi năm mươi năm tuổi. Vào năm 1262, Đức Giáo Hoàng Urbanô IV đã phong thánh cho ngài.

***
SUY NIỆM
(của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)


Suy niệm 1: Mồ côi

Thánh Richard sinh ở Anh quốc năm 1197. Khi còn nhỏ, ngài và người anh đã phải mồ côi.

Một người con ngay từ thuở nhỏ đã bị mồ côi, quả là một số phận đáng thương. Nhưng không đáng buồn mà ngược lại thật đáng mừng, nếu phụ mẫu mất đi lại là những người xấu nết, không đạo đức tốt lành, như một vua Hêrôđê cả dám cướp vợ anh mình và bà Hêrôđiađê thì vì thù riêng dám mượn tay con giết luôn cả kẻ tình địch.

Mồ côi cha mẹ là một niềm đau lớn, nhưng không nên thất vọng, vì mỗi người đều luôn còn có Cha trên trời cận kề chăm sóc yêu thương cách tín trung (St 28,15), đến mức dầu có người cha mẹ nào có bỏ con cái đi nữa, thì hãy còn có Chúa đón nhận (Tv 27,10).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con mãi tín trung với Chúa là Đấng tín trung tuyệt đối.

Suy niệm 2: Học hành

Thấy Richard chăm chỉ làm việc, người anh muốn tặng cho ngài các nông trại ấy, nhưng ngài không nhận. Ngài cũng không muốn lập gia đình vì muốn đi học trước đã.

Richard quả là một con người hiếu học đến mức không nhận trách nhiệm trông coi nông trại, cũng như không muốn lập gia đình, vì xem đó như là những cản trở lớn cho công việc học hành.

Thật đáng thương cho những người hiếu học nhưng vì hoàn cảnh gia đình đã phải từ bỏ việc học nửa chừng để đi làm ăn phụ giúp kinh tế gia đình. Và thật đáng tiếc cho những người có điều kiện tốt nhưng lại coi thường và bỏ bê việc học.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con ghi nhớ lời của Thomas Ingelend: Người dốt nát có thể ví như người đã chết rồi vậy, để luôn phấn đấu học hành.

Suy niệm 3: Khó khăn

Nhà vua đe dọa dân chúng ở Chichester không được tiếp rước Đức Richard.

Lý do vua Henry III không muốn Richard làm giám mục ở Chichester, là vì nhà vua có một người bạn, nhưng lại không đủ tư cách, nên vua từ chối không để ĐGM Richard sử dụng vương cung thánh đường.

Khó khăn đến từ thái độ đối nghịch của nhà vua không thể nào sánh được với khó khăn khi ngài phải đương đầu với các giáo dân xấu mà không biết hối lỗi. Khó khăn này Đức Giêsu cũng từng gặp phải trên bước đường truyền giáo với hạng người lòng chai dạ đá (Mt 13,15;Mc 3,5).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng gia tăng gánh nặng cho các vị mục tử, khi tạo nên khó khăn cho các ngài bằng lòng chai dạ đá.

Suy niệm 4: Vạ tuyệt thông

Cho đến khi đức giáo hoàng dọa ra vạ tuyệt thông nhà vua thì lúc ấy ĐGM Richard mới được yên.

Có một số tội nặng đặc biệt, ai phạm sẽ bị vạ tuyệt thông. Đây là hình phạt nặng nhất theo giáo luật, cấm không cho nhận lãnh các bí tích và hành xử một số tác vụ trong Hội Thánh.

Theo giáo luật, chỉ có Đức Giáo Hoàng, giám mục địa phận hoặc vị linh mục được ủy quyền, mới có quyền tha vạ. Trong trường hợp nguy tử, bất cứ linh mục nào, dù không có năng quyền tha tội, vẫn có thể tha hết các tội và tha mọi vạ tuyệt thông (Sách Giáo Lý số 1463).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chớ vi phạm tội nặng nào có nguy cơ bị vạ tuyệt thông.

Suy niệm 5: Nhân từ

Đức giám mục Richard rất nhân từ với người dân nhưng ngài kiên quyết đương đầu với các giáo dân xấu mà không biết hối lỗi.

Một đức tính căn bản một vị mục tử cần phải có, đó là tấm lòng nhân hậu để dễ cảm thông và tha thứ lỗi lầm tha nhân, cũng như giúp người khác kể cả tội nhân cảm thấy dễ gần gũi để tâm sự và xin được hướng dẫn. Đức Giêsu đã nêu gương trong việc bênh đỡ và xá tội cho Mácđala, cũng như để Maria lấy tóc lau chân (Ga 8,11;Lc 7,38).

Tuy nhiên nhân từ chứ không yếu lòng mà cần phải có một ý chí kiên quyết trước lối sống ngoan cố cứng đầu trong vũng bùn lầy tội lỗi, không chịu hồi tâm chỗi dậy để sống đời công chính. Đức Giêsu cũng từng mạnh dạn lên tiếng đã kích nhóm người giả hình (Mt 23,1-32).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp cho các vị mục tử sống theo gương Chúa vốn nhân từ và kiên quyết đúng người, đúng lúc và đúng trường hợp.

Suy niệm 6: Chết

Người ta kể khi Đức Richard lâm bệnh nặng, ngài đã được Chúa cho biết trước ngày giờ và nơi chết.

Chết là quy luật chung của mọi người sinh ra ở đời. Ngay cả Đức Giêsu là Thiên Chúa hằng sống và bất tử, nhưng khi Ngài mang lấy thân phận làm người thì Ngài cũng không được chước miễn (Lc 23,46).

Đồng thời cái chết mang tính bất ngờ không ai biết trước được ngày giờ và nơi chốn. Chính Đức Giêsu đã nhiều lần nhắc nhở điều đó nên cái chết được ví như kẻ trộm (Lc 12,39-40). Thế nhưng riêng Đức Richard thì lại được đặc ân là biết trước.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con tốt nhất là sống bài học chuẩn bị sẵn sàng trong tinh thần tỉnh thức trước cái chết, hơn là chờ đợi đặc ân biết trước ngày giờ phải chết.

Teresa Nhỏ Bé
04-04-2012, 11:59 AM
Ngày 04-04


Thánh ISIDORE ở SEVILLE


http://3.bp.blogspot.com/-N8ezJ7YsIOE/T3sLDy4FdtI/AAAAAAAAMyQ/NNP5WumqBkw/s320/Isidore_of_Seville.jpg (http://3.bp.blogspot.com/-N8ezJ7YsIOE/T3sLDy4FdtI/AAAAAAAAMyQ/NNP5WumqBkw/s1600/Isidore_of_Seville.jpg)



(580?-636)


Lược sử

Trong 76 năm cuộc đời của Thánh Isidore là thời kỳ tranh chấp cũng như phát triển của Giáo Hội Tây Ban Nha. Người Visigoth xâm lăng phần đất này trong một thế kỷ, và trước đó nửa thế kỷ trước khi Thánh Isidore chào đời thì họ đã thiết lập một thủ đô khác cho chính họ. Đó là những người theo Arian -- họ cho rằng Đức Kitô không phải là Thiên Chúa. Do đó, Tây Ban Nha bị chia làm đôi: Một dân tộc (người Công Giáo La Mã) phải chiến đấu với dân tộc khác (người Gô-tích Arian).

Thánh Isidore là người hợp nhất Tây Ban Nha, giúp quốc gia này trở nên một trung tâm văn hóa và học thuật cũng như một khuôn mẫu cho các quốc gia Âu Châu khác, mà các nền văn hóa ấy đang bị đe dọa bởi sự xâm lăng của những người man rợ.

Có thể nói Thánh Isidore sinh trong một gia đình thánh thiện của thế kỷ thứ sáu ở Tây Ban Nha. Ngài là một người tài giỏi về học thuật.

Kế vị anh mình là Đức Leander, Isidore làm giám mục Seville 37 năm, ngài đặt ra các mẫu mực cho một đại diện chính phủ ở Âu Châu, đồng thời ngài tẩy chay các quyết định độc đoán và thành lập các thượng hội đồng để thảo luận về đường hướng của Giáo Hội Tây Ban Nha. Ngài yêu cầu mỗi một giáo phận đều phải có chủng viện, ngài viết quy luật cho các dòng tu và thành lập các môn học thuộc đủ mọi ngành.

Ngay khi 80 tuổi, ngài vẫn sống khắc khổ. Trong sáu tháng sau cùng của cuộc đời, ngài gia tăng lòng bác ái đến độ, từ sáng đến tối, nhà của ngài lúc nào cũng đầy người nghèo. Ngài từ trần năm 636 và được Giáo Hội tuyên xưng là Tiến Sĩ Hội Thánh.

Lời Bàn

Mọi người chúng ta phải bắt chước Thánh Isidore về học thức và sự thánh thiện. Lòng bác ái, sự hiểu biết có thể chữa lành và hòa giải những người đau khổ. Chúng ta không phải là những người man rợ như đã xâm lăng Tây Ban Nha thời Thánh Isidore. Nhưng những người sa lầy trong sự giầu sang và choáng ngợp bởi các tiến bộ khoa học và kỹ thuật có thể mất đi lòng bác ái đối với tha nhân.

***
SUY NIỆM
(của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)


Suy niệm 1: Phát triển

Trong 76 năm cuộc đời của Thánh Isidore là thời kỳ tranh chấp cũng như phát triển của Giáo Hội Tây Ban Nha.

Thông thường nhờ lợi điểm thuận lợi mà công cuộc phát triển được thể hiện, như người ta hay đề cập đến yếu tố thiên thời địa lợi và nhân hòa. Nhưng một điểm đáng lưu ý trong đà phát triển, đó là phát triển nhờ vào tình thế khó khăn.

Chẳng hạn như ở đây nhờ hiện trạng tranh chấp mà công cuộc phát triển được thực hiện.
Cũng thế, nhờ bị bách hại mà Giáo Hội lại được phát triển và bành trướng mạnh mẽ cũng như lan rộng khắp nơi. Chẳng hạn nhân vụ thảm sát Têphanô, các kitô hữu phải tản mác và đi đến tận miền Phênixi, đảo Sýp và thành Antiôkhia, đến cả với người Hy Lạp nữa (Cv 11,19-20).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biến đau khổ thành sức mạnh tiến lên trên đỉnh trọn lành.

Suy niệm 2: Chia rẽ

Tây Ban Nha bị chia làm đôi: Một dân tộc (người Công Giáo La Mã) phải chiến đấu với dân tộc khác (người Gô-tích Arian).

Một lý do căn bản gây nên sự chia rẽ này là vì đức tin: những người theo Arian, họ cho rằng Đức Kito không phải là Thiên Chúa, trong khi người Công Giáo La Mã tuyên xưng Đức Kitô có hai bản tính vừa là người vừa là Thiên Chúa.

Lời tiên báo của cụ già Simêôn vẫn luôn hiện thực: Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm cho nhiều người ngã xuống hay đứng lên (Lc 2,34), không phải chỉ với những người cùng chủng tộc, mà ngay cả trong phạm vi gia đình huyết tộc (Mt 10,34-35).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng vì Chúa mà xa lìa nhau, nhưng ngược lại nhờ Chúa mà chúng con được hiệp nhất với nhau.

Suy niệm 3: Hợp nhất

Thánh Isidore là người hợp nhất Tây Ban Nha, giúp quốc gia này trở nên một trung tâm văn hóa và học thuật.

Sự hợp nhất nguyên thủy giữa con người với Thiên Chúa, giữa con người với nhau, cũng như giữa con người với vũ trụ đã bị phá vỡ do tội nguyên tổ, để rồi mọi loài thọ tạo phải sống trong cảnh rên siết và quằn quại mãi cho đến lúc được yên nghĩ trong Chúa.

Thật vậy Thiên Chúa đã xua đuổi con người ra khỏi vườn địa đàng (St 3,22). Adong đỗ lỗi cho Evà và Evà đỗ lỗi cho con rắn (St 3,12-13). Vì con người, đất đai bị nguyền rủa và trổ sinh gai góc (St 3,17-18).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn liên kết mật thiết với Chúa vốn là nguyên lý hợp nhất để trở thành nhân tố hợp nhất theo gương thánh Isidore.

Suy niệm 4: Gia đình

Có thể nói Thánh Isidore sinh trong một gia đình thánh thiện của thế kỷ thứ sáu ở Tây Ban Nha.

Quả là một gia đình thánh thiện vì gồm toàn những thánh nhân. Cũng như ngài, hai người anh của ngài, Leander và Fulgentius, và người chị, Florentina, đều là các thánh được sùng kính ở Tây Ban Nha.

Đây cũng là một gia đình lãnh đạo và tài giỏi với các vị Leander và Fulgentius đều làm giám mục và Florentina làm mẹ bề trên.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các gia đình học theo gia đình Thánh Isidore về học thức và sự thánh thiện.

Suy niệm 5: Tài giỏi

Thánh Isidore là một người tài giỏi về học thuật.

Đôi khi Thánh Isidore được gọi là "Sư Phụ của Thời Trung Cổ" vì cuốn bách khoa ngài viết, "Etymology" (Từ Nguyên Học) đã được dùng như sách giáo khoa trong chín thế kỷ. Ngài còn viết các sách về văn phạm, thiên văn, địa lý, sử ký, và tiểu sử cũng như thần học.

Thánh Isidore viết rất nhiều sách, kể cả một cuốn tự điển, một bộ bách khoa, một cuốn sử người Gô-tích và một cuốn sử thế giới bắt đầu từ khi Thiên Chúa tạo thành trời đất! Ngài hoàn thành bộ phụng tự Mozarabic mà ngày nay vẫn còn được sử dụng ở Toledo, Tây Ban Nha.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết sử dụng sự tài giỏi để phục vụ Chúa và tha nhân.

Suy niệm 6: Bác ái

Trong sáu tháng sau cùng của cuộc đời, ngài gia tăng lòng bác ái.

Lòng bác ái, sự hiểu biết có thể chữa lành và hòa giải những người đau khổ. Đức Giêsu đã nêu bật tấm gương khi kề cận người nghèo và thực hiện lời tiên báo: loan báo tin mừng cho người cùng khổ, giải cứu người bị giam cầm trong các loại bệnh tật thể xác cũng như tinh thần, giải phóng người bị áp bức và công bố năm hồng ân (Lc 4,18-19).

Nhưng những người sa lầy trong sự giầu sang và choáng ngợp bởi các tiến bộ khoa học và kỹ thuật có thể mất đi lòng bác ái đối với tha nhân. Chẳng hạn nhà phú hộ ngày ngày yến tiệc linh đình chẳng màng gì anh Ladarô nghèo và đói đến chết ở ngay trước cổng nhà mình (Lc 16,19-21).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sử dụng tình bác ái như là phương thuốc cứu giúp người nghèo.

Teresa Nhỏ Bé
05-04-2012, 11:58 AM
Ngày 05-04


Thánh VINH SƠN FERRER


http://2.bp.blogspot.com/-O-kRMMbgltk/T3xmVTWq-eI/AAAAAAAAM1g/6pbjJbRhkqk/s1600/Vincent+Ferrer+01.jpg (http://2.bp.blogspot.com/-O-kRMMbgltk/T3xmVTWq-eI/AAAAAAAAM1g/6pbjJbRhkqk/s1600/Vincent+Ferrer+01.jpg)



(1357-1419)


Lược sử

Sự phân hóa trong Giáo Hội ngày nay chỉ là cơn gió nhẹ so với trận cuồng phong đã xé Giáo Hội ra từng mảnh trong thời Thánh Vinh Sơn Ferrer. Ngài là quan thầy của những người xây cất vì ngài nổi tiếng đã "xây dựng" và kiên cường Giáo Hội qua công việc rao giảng, dạy dỗ của ngài.

Sinh ở Valencia, Tây Ban Nha năm 1357, khi lên 17 tuổi, bất kể sự chống đối của cha mẹ, ngài gia nhập Dòng Đa Minh trong thành phố gần nơi sinh trưởng. Sau khi hoàn tất việc học một cách tốt đẹp, ngài được thụ phong linh mục bởi Đức Hồng Y Phêrô "de Luna" -- là người đã ảnh hưởng lớn đến cuộc đời ngài.

Với bản tính hăng say, ngài tận tụy thi hành nhân đức khắc khổ theo quy luật dòng. Sau khi được thụ phong linh mục không lâu, ngài được chọn làm bề trên tu viện Đa Minh ở Valencia.

Cuộc Đại Ly Giáo Tây Phương đã chia cắt Kitô Giáo, lúc đầu với hai giáo hoàng, sau đó là ba giáo hoàng. Đức Clêmentê ở Avignon nước Pháp, Đức Urbanô ở Rôma. Cha Vinh Sơn tin rằng việc bầu cử Đức Urbanô là vô giá trị (mặc dù Thánh Catarina ở Siena là người hỗ trợ đức giáo hoàng Rôma).

Cha Vinh Sơn được Đức Bênêđictô triệu về làm việc trong Tòa Ân Giải Tối Cao và là Trưởng Điện Tông Tòa. Nhưng vị giáo hoàng ở Avignon không chịu từ chức trong khi tất cả các ứng viên trong mật nghị hồng y đều thề như vậy. Và Đức Bênêđictô vẫn ngoan cố bất kể sự ruồng bỏ của vua nước Pháp và hầu hết các hồng y.

Cha Vinh Sơn vỡ mộng và lâm bệnh nặng, nhưng sau cùng ngài đã đảm nhận công việc "rao giảng Đức Kitô cho thế giới," dù rằng bất cứ sự canh tân nào trong Giáo Hội thời ấy đều tùy thuộc vào việc hàn gắn sự ly giáo. Ngài nhấn mạnh đến nhu cầu sám hối và khuyên nhủ mọi người hãy lo sợ ngày phán xét. (Ngài có tên là "Thiên Thần của Sự Phán Xét").

Cha Vinh Sơn sống cho đến ngày được chứng kiến sự chấm dứt ly giáo, với việc bầu cử tân giáo hoàng là Đức Martin V.

Cha từ trần ngày 5 tháng Tư 1419 và được phong thánh năm 1455.

Lời Bàn

Sự chia cắt trong Giáo Hội thời Thánh Vinh Sơn Ferrer quả thật là một tai họa -- 36 năm trường với hai "thủ lãnh." Chúng ta không thể tưởng tượng được điều gì sẽ xảy ra cho Giáo Hội ngày nay nếu, trong một thời gian dài như vậy, một nửa theo các giáo hoàng ở Rôma, và một nửa khác theo số giáo hoàng "chính thức", tỉ như ở Rio de Janeiro. Quả thật đó là một phép lạ khi thời gian lụn bại ấy với những khối đá kiêu ngạo và ngu dốt, đầy tham vọng đã kéo dài không lâu. Chúng ta tin rằng "chân lý thì hùng mạnh, và sẽ thắng theá" -- mặc dù đôi khi phải mất một thời gian.

***
SUY NIỆM
(của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)


Suy niệm 1: Phân hóa

Sự phân hóa trong Giáo Hội ngày nay chỉ là cơn gió nhẹ so với trận cuồng phong đã xé Giáo Hội ra từng mảnh trong thời Thánh Vinh Sơn Ferrer.

Sự chia cắt trong Giáo Hội thời Thánh Vinh Sơn Ferrer quả thật là một tai họa -- 36 năm trường với hai "thủ lãnh." Chúng ta không thể tưởng tượng được điều gì sẽ xảy ra cho Giáo Hội ngày nay nếu, trong một thời gian dài như vậy, một nửa theo các giáo hoàng ở Rôma, và một nửa khác theo số giáo hoàng "chính thức", tỉ như ở Rio de Janeiro.

Quả thật đó là một phép lạ khi thời gian lụn bại ấy với những khối đá kiêu ngạo và ngu dốt, đầy tham vọng đã kéo dài không lâu. Chúng ta tin rằng "chân lý thì hùng mạnh, và sẽ thắng the" -- mặc dù đôi khi phải mất một thời gian.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sáng suốt nhận ra chân lý và sống chết vì chân lý.

Suy niệm 2: Xây dựng

Thánh Vinh Sơn là quan thầy của những người xây cất vì ngài nổi tiếng đã "xây dựng" và kiên cường Giáo Hội qua công việc rao giảng, dạy dỗ của ngài.

Ngài nổi tiếng về việc xây dựng, nhưng không phải xây dựng những công trình vật chất mà là công trình thiêng liêng vốn là tòa nhà của Giáo Hội qua công việc rao giảng, dạy dỗ của ngài.

Đó cũng là tâm huyết cả cuộc đời Đức Giêsu. Ngài không quan tâm xây dựng một ngôi nhà ở, mà chấp nhận không có nơi tựa đầu (Mt 8,20), để rồi dành thời gian ba năm rao giảng, để xây dựng tòa nhà Giáo Hội kiên cố đến mức ngay cả quyền lực tử thần cũng không phá nổi (Mt 16,16,18).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chú tâm tô điểm đền thờ tâm hồn mình thành một viên đá rắn chắc gia tăng sự kiên vững của tòa nhà Giáo Hội.

Suy niệm 3: Ảnh hưởng

Sau khi hoàn tất việc học một cách tốt đẹp, Vinh Sơn được thụ phong linh mục bởi Đức Hồng Y Phêrô vốn là người đã ảnh hưởng lớn đến cuộc đời ngài.

Trong thời gian phục vụ Đức Hồng Y "de Luna", Cha Vinh Sơn thuyết phục người Tây Ban Nha theo Đức Clêmentê. Và khi Đức Clêmentê từ trần, Đức Hồng Y "de Luna" được bầu làm giáo hoàng ở Avignon và lấy tên là Bênêđictô XIII.

Vào những năm 1408 và 1415, ngài cố gắng nhưng không thành công trong việc thuyết phục người bạn cũ của ngài từ chức. Sau cùng, Cha Vinh Sơn phải kết luận rằng Đức Bênêđictô không phải là giáo hoàng thật. Mặc dù đang bệnh nặng, Cha Vinh Sơn đã lên tòa giảng trước một giáo đoàn mà chính Đức Bênêđictô chủ sự, và mạnh mẽ tố giác người đã tấn phong chức linh mục cho ngài. Từ đó trở đi, Đức Bênêđictô bỏ trốn, để lại sau lưng những người trước đây đã hỗ trợ mình.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con can đảm bênh vực chân lý ngay cả đối nghịch với ân nhân mình.

Suy niệm 4: Hăng say

Với bản tính hăng say, Cha Vinh Sơn tận tụy thi hành nhân đức khắc khổ theo quy luật dòng.

Là một người có tài rao giảng và hăng say, Cha Vinh Sơn dành 20 năm sau cùng của cuộc đời để loan truyền Tin Mừng ở Tây Ban Nha, Pháp, Thụy Điển, Hòa Lan và vùng Lombardy.

Lòng nhiệt thành của Đức Giêsu bất chấp cả việc phải thiệt thân. Khi thấy nhà cầu nguyện bị biến thành nơi buôn bán, Ngài đã dùng roi xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ (Ga 2,14-17).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nhiệt tâm lo việc Chúa hơn việc đời dầu phải thịêt thân.

Suy niệm 5: Từ chức

Vị giáo hoàng ở Avignon không chịu từ chức trong khi tất cả các ứng viên trong mật nghị hồng y đều thề như vậy. Đức Bênêđictô XIII vẫn ngoan cố bất kể sự ruồng bỏ của vua nước Pháp và hầu hết các hồng y.

Tham quyền cố vị vốn là một thứ bệnh ung thư dễ mắc phải và thật bất trị. Dầu là một vị giáo hoàng bất hợp pháp, nhưng Đức Bênêđictô cũng không muốn từ chức.

Ngược lại là một thánh nhân, Gioan Tiền Hô biết dừng lại đúng lúc thời điểm phải chấm dứt, vì càng bám víu càng gây thiệt hại cho bản thân và tha nhân. Là sứ giả dọn đường, ngài phải rút lui để nhường chỗ cho Đấng Thiên Sai (Ga 3,30), và chính Đức Giêsu cũng ra đi để Đấng Bảo Trợ đến (Ga 16,7.13).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng bao giờ dính bén khi phải đến lúc ra đi.

Suy niệm 6: Phán xét

Cha Vinh Sơn nhấn mạnh đến nhu cầu sám hối và khuyên nhủ mọi người hãy lo sợ ngày phán xét. (Ngài có tên là "Thiên Thần của Sự Phán Xét").

Cái chết kết thúc đời sống con người, nghĩa là chấm dứt thời gian đón nhận hay chấm dứt ân sủng Thiên Chúa được biểu lộ trong Đức Kitô.

Khi đề cập đến phán xét, Tân Ước chủ yếu nói về cuộc gặp gỡ chung cuộc với Đức Kitô trong ngày quang lâm, nhưng cũng nhiều lần khẳng định có sự thưởng phạt tức khắc ngay sau khi chết, tùy theo công việc và đức tin của mỗi người (Sách Giáo Lý số 1021).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn nghỉ đến cuộc phán xét như là kim chỉ nam để sống.

Teresa Nhỏ Bé
07-04-2012, 10:01 PM
Ngày 07-04


Thánh GIOAN LASAN


http://3.bp.blogspot.com/-PkLP9irrzJM/T36mlzQrn8I/AAAAAAAAM6Q/mhBTutgrhfA/s1600/JeanBaptisteLaSalle.jpg (http://3.bp.blogspot.com/-PkLP9irrzJM/T36mlzQrn8I/AAAAAAAAM6Q/mhBTutgrhfA/s1600/JeanBaptisteLaSalle.jpg)



(1615-1719)


Lược sử

Cố gắng chu toàn những gì được coi là thánh ý Thiên Chúa, đó là cuộc đời của Thánh Gioan La San. Năm 1950, Đức Giáo Hoàng Piô XII đặt ngài làm quan thầy của các bậc mô phạm vì nỗ lực của ngài trong việc giáo dục.

Là một người trẻ của thế kỷ 17, Gioan có tất cả mọi sự: năng khiếu học thuật, đẹp trai, gia đình quyền quý giầu có và được giáo dục tử tế. Nhưng khi mới 11 tuổi, ngài xuống tóc đi tu làm linh mục, và sau đó được chịu chức vào năm 27 tuổi. Dường như một cuộc đời dễ dàng với phẩm trật cao trọng trong Giáo Hội đang sẵn sàng chờ đón ngài.

Nhưng Thiên Chúa đã có những chương trình khác cho Cha Gioan, mà dần dà mới được tỏ lộ trong những năm sau đó. Trong một cơ hội gặp gỡ ông Nyel ở Raven, ngài cảm thấy muốn thiết lập một trường học dành cho các em trai nhà nghèo ở Raven, là nơi ngài đang sinh sống.

Cuộc đời còn lại của Cha Gioan là sống sát với tu hội mà ngài đã thành lập: Các Thầy Trường Công Giáo (Sư Huynh La San).

Mặc dù rất thành công, Cha Gioan cũng không thoát khỏi những thử thách, đó là sự đau lòng khi các sư huynh bỏ dòng, sự chống đối cay đắng từ các hiệu trưởng ngoài đời khi họ bực bội với phương pháp giáo dục mới và hữu hiệu của ngài, cũng như thường xuyên bị phe Jansen thời ấy chống đối mà Cha Gioan kịch liệt phản đối lý thuyết của phe này trong suốt cuộc đời.

Trong những năm cuối đời, vì bị bệnh suyễn và thấp khớp, ngài từ trần vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh khi được 68 tuổi, và được Đức Giáo Hoàng Lêô XIII phong thánh năm 1900.

Lời Bàn

Thật hiếm có ai hoàn toàn tận hiến cho ơn gọi của Thiên Chúa, bất kể ơn gọi đó là gì. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta "hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, và hết sức lực của mình" (Mc 12:30b). Thánh Phaolô cũng có lời khuyên tương tự: "Bất cứ những gì anh chị em làm, hãy làm hết lòng..." (Colossians 3:23).

Lời Trích

"Còn gì cao quý hơn là uốn nắn tính tình của các người trẻ? Tôi tin rằng người biết uốn nắn tâm tính của giới trẻ thì cao trọng hơn mọi họa sĩ, điêu khắc gia và tất cả những người giống như vậy" (Thánh Gioan Chrysostom).

* Jansen xuất phát từ học thuyết của Cornelius Jansen (1585 - 1638), giám mục của Ypres. Trong cuốn Augustinus, Jansen đề xướng nền thần học dựa trên học thuyết của Augustine về định mệnh. Thần học này khẳng định rằng loài người hoàn toàn hư hỏng vì tội nguyên tổ và theo bản năng, loài người thích làm sự dữ hơn sự lành. Bởi bản tính suy đồi, loài người không thể làm gì khác để đáng được ơn cứu độ. Sự cứu chuộc là do ơn của Chúa mà Ngài chỉ ban cho những ai được chọn. Phần đông nhân loại là bị án phạt đời đời.

Sau khi xuất bản được hai năm, cuốn Augustinus đã bị Giáo Hội Công Giáo lên án và cấm phát hành bởi Ðức Giáo Hoàng Urbanô VIII.

***
SUY NIỆM
(của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)


Suy niệm 1: Chu toàn

Cố gắng chu toàn những gì được coi là thánh ý Thiên Chúa, đó là cuộc đời của Thánh Gioan La San.

Để chu toàn sứ vụ mà Thiên Chúa đã trao phó, Cha Gioan hết lòng lao mình vào công việc, bỏ nhà, bỏ gia đình, bỏ cả chức vụ kinh sĩ ở Rheims, bán hết tài sản để trở nên giống như các người nghèo mà ngài đã tận hiến cuộc đời để phục vụ họ.

Ý thức việc chu toàn sứ vụ là điều tối quan trọng, nên thánh Phaolô tông đồ cũng thường khuyên bảo các cọng tác viên như với một Ackhíppô khi ngài đang bị giam cầm xiềng xích (Cl 4,17) và một Timôthê khi ngài sắp phải lìa đời (2Tm 4,5).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chăm lo chu toàn sứ vụ hằng ngày theo đấng bậc mình.

Suy niệm 2: Nỗ lực

Năm 1950, Đức Giáo Hoàng Piô XII đặt ngài làm quan thầy của các bậc mô phạm vì nỗ lực của ngài trong việc giáo dục.

Thật hiếm có ai hoàn toàn nỗ lực tận hiến cho ơn gọi của Thiên Chúa, bất kể ơn gọi đó là gì. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta "hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, và hết sức lực của mình" (Mc 12,30b). Thánh Phaolô cũng có lời khuyên tương tự: "Bất cứ những gì anh chị em làm, hãy làm hết lòng..." (Cl 3,23).

Đối với Thánh Gioan Bosco, là một Kitô Hữu có nghĩa phải luôn luôn nỗ lực, không chỉ một tuần một lần, xem lễ ngày Chúa Nhật là đủ. Chính khi tìm kiếm Thiên Chúa trong sinh hoạt hàng ngày, hãy để tình yêu ấy hướng dẫn chúng ta.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng lười biếng nhưng luôn nỗ lực, vì có công mài sắt, ắt có ngày nên kim.

Suy niệm 3: Giới trẻ

Thiên Chúa đã có những chương trình khác cho Cha Gioan, mà dần dà mới được tỏ lộ trong những năm sau đó.

Trong một cơ hội gặp gỡ ông Nyel ở Raven, ngài cảm thấy muốn thiết lập một trường học dành cho các em trai nhà nghèo ở Raven, là nơi ngài đang sinh sống. Mặc dù công việc lúc đầu thật ghê tởm đối với ngài, nhưng sau đó, càng ngày ngài càng say mê hoạt động cho các thiếu niên nghèo túng.

Cha Gioan Bosco cũng quan tâm đến công việc phục vụ giới trẻ, vốn được khởi sự khi ngài gặp một em mồ côi và giúp em chuẩn bị Rước Lễ lần đầu. Sau đó ngài quy tụ các người trẻ lại và chỉ dạy họ về giáo lý. Cha Gioan mở nhà trường Thánh Phanxicô "de Sales" cho các em trai. Ngoài ra ngài cũng mở hai trường dạy nghề cho các em trai, trường dạy đóng giầy và dạy may quần áo.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thấu hiểu nhận định của Thánh Gioan Kim Khẩu: "Còn gì cao quý hơn là uốn nắn tính tình của các người trẻ? Tôi tin rằng người biết uốn nắn tâm tính của giới trẻ thì cao trọng hơn mọi họa sĩ, điêu khắc gia và tất cả những người giống như vậy".

Suy niệm 4: Tu hội

Cuộc đời của Cha Gioan là sống sát với tu hội mà ngài đã thành lập, Các Thầy Trường Công Giáo (Sư Huynh La San).

Tu hội này phát triển mau chóng và thành công trong việc giáo dục các nam thiếu niên của gia đình nghèo với phương pháp sư phạm mà Cha Gioan đề ra, đó là sự dạy dỗ cả lớp thay vì chỉ bảo cá nhân, và dùng tiếng bản xứ thay vì tiếng Latinh.

Đồng thời tu hội cũng còn mở trường huấn luyện các giáo chức và thiết lập trường nội trú cho các thiếu niên ngỗ nghịch của các gia đình giầu có. Yếu tố năng động đằng sau các nỗ lực này là mong muốn các thiếu niên trở nên một Kitô Hữu tốt lành.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các tu hội có nhiều thành viên thiện chí để giúp phục vụ cộng đồng và phát triển Giáo Hội.

Suy niệm 5: Chống đối

Mặc dù rất thành công, Cha Gioan cũng không thoát khỏi những thử thách.

Đó là sự đau lòng khi các sư huynh bỏ dòng, sự chống đối cay đắng từ các hiệu trưởng ngoài đời khi họ bực bội với phương pháp giáo dục mới và hữu hiệu của ngài, cũng như thường xuyên bị phe Jansen thời ấy chống đối mà Cha Gioan kịch liệt phản đối lý thuyết của phe này trong suốt cuộc đời.

Cha Gioan Bosco cũng thế. Nguyên tắc giáo dục của ngài thành công đến mức vẫn còn dược sử dụng trong các trường học công giáo ngày nay và tiếng tăm ngài thật vang dội. Nhưng ngài cũng bị chống đối dữ dội ngay đối với các đồng đội linh mục, thậm chí ngài còn bị cho là bị điên.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống làm sao để thà bị người dời ganh ghét chống đối, chứ đừng để Thiên Chúa chống đối và loại trừ.

Suy niệm 6: Lạc thuyết Jansen

Jansen xuất phát từ học thuyết của Cornelius Jansen (1585 - 1638), giám mục của Ypres.

Trong cuốn Augustinus, Jansen đề xướng nền thần học dựa trên học thuyết của Augustine về định mệnh. Thần học này khẳng định rằng loài người hoàn toàn hư hỏng vì tội nguyên tổ và theo bản năng, loài người thích làm sự dữ hơn sự lành.
Bởi bản tính suy đồi, loài người không thể làm gì khác để đáng được ơn cứu độ. Sự cứu chuộc là do ơn của Chúa mà Ngài chỉ ban cho những ai được chọn. Phần đông nhân loại là bị án phạt đời đời.

Sau khi xuất bản được hai năm, cuốn Augustinus đã bị Giáo Hội Công Giáo lên án và cấm phát hành bởi Đức Giáo Hoàng Urbanô VIII. Còn lạc thuyết thì bị Đức Giáo Hoàng Innôxentê XI kết án vào năm 1678.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn khiêm tốn trung thành sống theo giáo huấn của Giáo Hội tông truyền.

Teresa Nhỏ Bé
07-04-2012, 10:10 PM
Ngày 08-04


Thánh JULIE BILLIART


http://3.bp.blogspot.com/-T1ck3WRgp4Q/T4APNyX9ZGI/AAAAAAAAM8k/gWkD_CtjNqE/s320/julie-billiart.jpg (http://3.bp.blogspot.com/-T1ck3WRgp4Q/T4APNyX9ZGI/AAAAAAAAM8k/gWkD_CtjNqE/s1600/julie-billiart.jpg)



(1751-1816)


Lược sử

Sinh ở Cuvilly, nước Pháp, trong một gia đình nông dân trung lưu, ngay từ nhỏ Marie Rose Julie Billiart đã có lòng đạo hạnh và muốn giúp đỡ người nghèo. Mặc dù những năm niên thiếu thật êm đềm và thanh thản, nhưng khi lớn lên Julie đã phải làm việc lao động để giúp đỡ tài chánh cho gia đình. Tuy nhiên, cô vẫn dành thời giờ để dạy giáo lý cho các trẻ em và các nông dân.

Khoảng 20 tuổi, sau khi tận mắt chứng kiến cảnh kẻ thù địch muốn giết hại cha mình, cô Julie đã bị chấn động đến độ bất toại và tàn phế.

Khi cuộc Cách Mạng Pháp bùng nổ năm 1789, cô Julie dùng nhà mình làm nơi ẩn náu cho các linh mục đang bị lùng bắt. Do đó, chính cô trở thành nạn nhân bị săn đuổi. Với sự giúp đỡ của bạn bè, cô ẩn trong chiếc xe bò chở rơm trốn đến Cuvilly; trong một vài năm kế tiếp cô trốn ở Compeigne, di chuyển từ nhà này sang nhà khác bất kể sự đau đớn về thể xác. Có lần cô đau đớn đến độ mất cả tiếng nói.

Nhưng giai đoạn này là thời gian phát triển đời sống tâm linh của Julie. Chính trong thời gian này cô được nhìn thấy Chúa Giêsu trên đồi Canvê mà bao quanh là các phụ nữ mặc áo dòng, và cô nghe có tiếng nói, "Đây là những người con tinh thần mà Ta trao cho con trong một tổ chức có dấu thập giá." Năm 1804, cô Julie được bình phục và có thể đi lại bình thường sau 22 năm tàn phế. Vào năm 1805, Julie và ba người bạn là các nữ tu đầu tiên của Hội Dòng Đức Bà Namur khấn trọn. Sơ Julie được bầu làm Mẹ Bề Trên của tu hội trẻ trung này.

Từ lúc thành lập tu hội Các Nữ Tu của Đức Bà cho đến khi từ trần, Sơ Julie luôn luôn di chuyển để mở các trường học khác nhau ở Pháp và Bỉ để phục vụ người nghèo cũng như giầu. Sau cùng, Sơ Julie và Sơ Francoise di chuyển nhà mẹ đến Namur, nước Bỉ.

Sơ Julie từ trần năm 1816, và được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI phong thánh năm 1969.

Suy niệm 1: Đạo hạnh

Ngay từ nhỏ Marie Rose Julie Billiart đã có lòng đạo hạnh và muốn giúp đỡ người nghèo.

Lòng đạo hạnh của ngài được biểu lộ qua việc ngài quan tâm đến người nghèo. Ngài luôn chú ý đến nhu cầu của người nghèo và đó vẫn là điều tiên quyết.

Vào năm 1803, ngài bắt đầu thành lập một tổ chức lấy tên là Hội Dòng Đức Bà Namur, để giáo dục người nghèo. Ngài luôn di chuyển để mở các trường học khác nhau ở Pháp và Bỉ để phục vụ người nghèo.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn vượt qua chính mình để sát cánh với người nghèo hầu dễ dàng tiến đức.

Suy niệm 2: Thời giờ

Khi lớn lên Julie đã phải làm việc lao động để giúp đỡ tài chánh cho gia đình. Tuy nhiên, cô vẫn dành thời giờ để dạy giáo lý cho các trẻ em và các nông dân.

Cô là con người chẳng những biết quý trọng mà còn biết tận dụng thời giờ nữa. Vì thế trong thời gian bị bất toại, cô không chịu khuất phục số phận mà ngược lại khi chịu lễ hàng ngày, cô luyện tập đời sống tâm linh và dành 4 đến 5 giờ đồng hồ trong sự chiêm niệm.

Trong một vài năm kế tiếp khi trốn ở Compeigne, cô lại sử dụng giai đoạn này để phát triển đời sống tâm linh của cô. Chính trong thời gian này cô được nhìn thấy Chúa Giêsu trên đồi Canvê mà bao quanh là các phụ nữ mặc áo dòng, và cô nghe có tiếng nói, "Đây là những người con tinh thần mà Ta trao cho con trong một tổ chức có dấu thập giá."

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng lãng phí thì giờ Chúa ban mà phải hết mình sử dụng dầu phải gặp nghịch cảnh, vì Đấng toàn năng có thể biến điều dữ thành điều lành.

Suy niệm 3: Giáo lý

Khi lớn lên Julie đã phải làm việc lao động để giúp đỡ tài chánh cho gia đình. Tuy nhiên, cô vẫn dành thời giờ để dạy giáo lý cho các trẻ em và các nông dân.

Mặc dù Sơ Julie luôn luôn chú ý đến nhu cầu của người nghèo và đó vẫn là điều tiên quyết, nhưng sơ nhận thấy những người thuộc giai cấp khác của xã hội cũng cần được học hỏi về giáo lý Công Giáo. Trong vòng hai thập niên bị bất toại, dù phải liệt giường nhưng cô vẫn tiếp tục dạy giáo lý, khuyên bảo và thu hút nhiều người đến với cô vì nghe tiếng thánh thiện của cô.

Thời gian trôi qua và Julie quen biết với một phụ nữ quý tộc, cô Francoise Blin de Bourdon, là người cùng chia sẻ việc dạy giáo lý với cô. Vào năm 1803, 2 người bắt đầu thành lập 1 tổ chức lấy tên là Hội Dòng Đức Bà Namur, để giáo dục người nghèo cũng như các thiếu nữ Công Giáo và huấn luyện giáo lý viên.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chú tâm đến việc giáo lý vì có biết Chúa mới yêu mến Chúa nồng thắm hơn.

Suy niệm 4: Bất toại

Khoảng 20 tuổi, sau khi tận mắt chứng kiến cảnh kẻ thù địch muốn giết hại cha mình, cô Julie đã bị chấn động đến độ bất toại và tàn phế.

Tinh thần và thể xác thường có tương quan mật thiết và tác động lẫn trên nhau. Một chiếc răng đau cũng làm cho bệnh nhân khó cầm trí và suy nghĩ thông suốt. Ngược lại một chấn động tinh thần cũng gây nên bại liệt và tàn phế, như trường hợp của cô Julie.
Tuy nhiên ảnh hưởng hỗ tương này không hẳn luôn là như thế. Thật vậy thân xác thánh Lôrensô bị cột trên một vỉ sắt lớn với lửa riu riu để từ từ thiêu đốt da thịt của ngài, nhưng tinh thần thánh nhân vững mạnh đến độ có thể đùa bỡn. Ngài nói với quan tòa, "Lật tôi đi chứ. Phía bên này chín rồi!" Và trước khi trút hơi thở cuối cùng, ngài nói, "Bây giờ thì đã chín hết rồi."

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con ý thức về mối tương liên giữa thể xác và tinh thần, nhất là thực trạng mà Chúa cho hay: “tinh thần thì hăng say nhưng thể xác lại yếu hèn” (Mt 26,41).

Suy niệm 5: Nạn nhân

Khi cuộc Cách Mạng Pháp bùng nổ năm 1789, cô Julie dùng nhà mình làm nơi ẩn náu cho các linh mục đang bị lùng bắt. Do đó, chính cô trở thành nạn nhân bị săn đuổi.

Hơn thế, thánh Antôn Nguyễn Đích là người đạo hạnh, hết lòng giúp đỡ hàng giáo sĩ và hay thương kẻ nghèo hèn. Thời vua Minh Mạng cấm đạo, Cha Giacôbê Mai Năm đã đến trú ngụ tại nhà ngài, và cả hai cùng với con rễ là Micae Mỹ đều bị bắt giải về Nam Định vì tội chứa chấp đạo trưởng. Và cả ba bị xử trảm tại pháp trường Bảy Mẫu ngày 12/08/1838.

Thánh Mátthêu Nguyễn văn Phượng bị bắt vì tội chứa chấp Cha Gioan Hoan và oa trữ đồ lễ cùng sách vỡ công giáo. Trong tù ngài vẫn luôn giữ vững lòng tin vào thiên Chúa và sẵn sàng đổ máu để nên chứng nhân nước trời. Và án lệnh xử tử được vua Tự Đức châu phê vào ngày 25/05/1861.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hết mình bênh vực chở che các linh mục, cho dầu phải trở thành nạn nhân cho người chống đối.

Suy niệm 6: Tiếng nói

Cô Julie được nhìn thấy Chúa Giêsu trên đồi Canvê mà bao quanh là các phụ nữ mặc áo dòng, và cô nghe có tiếng nói, "Đây là những người con tinh thần mà Ta trao cho con trong một tổ chức có dấu thập giá."

Quần chúng xưa kia bên bờ sông Giođan cũng đã được nghe thấy tiếng nói từ trời về Đức Giêsu: "Đây là Con yêu dấu cua Ta, Ta hài lòng về Người" (Mt 3,17). Nhưng không phải tất cả người nghe đều đi theo Đức Giêsu.

Cũng thế tại núi Tabo, ba tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan cũng được nghe thấy tiếng nói từ trời về Đức Giêsu: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!" (Mt 17,5). Và các ngài đã vâng nghe lời Đức Giêsu.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn thực hành và sống theo lời giảng dạy của các vị đại diện Chúa ở trần gian.

Teresa Nhỏ Bé
16-04-2012, 09:52 AM
Ngày 15-04


Chân phước DAMIEN Ở MOLOKAI
http://2.bp.blogspot.com/-ew8gxfLZSdQ/T4mDl_GHLcI/AAAAAAAANL8/86tYilpoa4M/s320/Damien_of_Molokai+1873.jpg (http://2.bp.blogspot.com/-ew8gxfLZSdQ/T4mDl_GHLcI/AAAAAAAANL8/86tYilpoa4M/s1600/Damien_of_Molokai+1873.jpg)
(1840-1889)



Lược sử

Chân Phước Damien, tên thật là Giuse "de Veuster", sinh ở Bỉ ngày 3 tháng Giêng 1840, trong một gia đình mà cha là một nông dân cần cù và bà mẹ tận tụy dạy dỗ đức tin cho tám người con.

Ngay từ nhỏ, cậu Giuse mạnh khoẻ và tráng kiện, đã phải thôi học để giúp cha trong công việc đồng áng. Cậu chăm chỉ giúp đỡ gia đình trong nhiều năm, nhưng tâm hồn cậu vẫn ở một nơi nào đó. Vào lúc 19 tuổi, theo gương anh mình, Giuse gia nhập Tu Hội Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria, và lấy tên là Damien. Vì nhất quyết theo đuổi việc học và để hết tâm hồn trong đời sống tu trì, chẳng bao lâu Damien đã bù đắp được sự thiếu hụt trong việc giáo dục trước đây.

Vào năm 1863, Cha Pamphile, anh ruột của Thầy Damien, chuẩn bị đến quần đảo Hạ Uy Di trong công tác truyền giáo. Nhưng cha lâm bệnh nặng, và Thầy Damien tình nguyện thế chỗ. Sau năm tháng dòng dã trên biển, thầy đến hải cảng Honolulu. Trong vòng hai tháng tiếp đó, thầy được thụ phong linh mục và được bổ nhiệm phục vụ ở Đại Đảo của Hạ Uy Di. Sự phục vụ của Cha Damien được ghi nhận là hăng say và tính tình dễ dãi của ngài thu hút được nhiều người. Sau khoảng một thập niên, ngài tình nguyện đến Molokai để phục vụ các người bị mắc bệnh Hansen, thường gọi là bệnh cùi. Vào lúc Cha Damien đến đây, những người mắc bệnh cùi bị đầy ra đảo này đã hơn mười năm qua.

Cha Damien, lúc ấy 33 tuổi, đến Molokai vào tháng Năm 1873 với hành trang là cuốn sách kinh và một ít quần áo. Theo dự định ban đầu của tu hội, ngài chỉ ở đây một vài tháng rồi sau đó có các linh mục khác lần lượt ra thay thế. Nhưng sau khi đến đây được ít lâu, ngài đã viết thư xin cha bề trên cho phép ngài vĩnh viễn ở lại Molokai.

Có thể nói, ngài sống với người cùi -- ăn uống với họ, đụng chạm đến họ, chào đón họ. Cha Damien được giao cho trông coi một cộng đồng Công Giáo. Hàng ngày, cha như chìm đắm trong sự cầu nguyện, suy gẫm và đọc sách thiêng liêng, do đó ngài lôi cuốn được hàng trăm người trở lại đạo. Nhưng tâm hồn của cha vẫn ở với tất cả các nạn nhân của bệnh Hansen, dù Công Giáo hay không Công Giáo. Ngài chăm sóc người bệnh, mai táng kẻ chết, lắng nghe những tâm sự đau lòng. Ngài giúp cải tiến hệ thống dẫn nước cũng như nơi ăn ở của họ. Ngài trông coi việc xây cất một trường học, một cô nhi viện và tổ chức sinh hoạt thiếu nhi cũng như ca đoàn. Ngài là người đào huyệt cũng như chủ sự lễ an táng.

http://4.bp.blogspot.com/-UJ288gIWprU/T4l85KeQw0I/AAAAAAAANLs/y1vWD_lNgU0/s1600/damien+molokai+sick.jpg (http://4.bp.blogspot.com/-UJ288gIWprU/T4l85KeQw0I/AAAAAAAANLs/y1vWD_lNgU0/s1600/damien+molokai+sick.jpg)


Người ta không rõ khi nào thì Cha Damien bị lây bệnh cùi, nhưng chắc chắn là một ngày trong năm 1884 khi ngài bị phỏng ở chân mà không thấy đau. Căn bệnh tấn công ngài như bất cứ người nào khác: từ từ, chân tay và mặt mũi ngài biến dạng, tai ngài sưng to và méo mó. Vào ngày 15 tháng Tư 1889, ngày thứ Hai Tuần Thánh, căn bệnh đã chấm dứt cuộc đời Cha Damien, khi mới 49 tuổi. Lúc ấy được 16 năm sau khi ngài đến Molokai, và 25 năm kể từ khi ngài đến Hạ Uy Di để bắt đầu công việc truyền giáo.

Trong những ngày cuối đời, Cha Damien được Mẹ Bề Trên Marianne Cope chăm sóc, là người đã hứa sẽ tiếp tục công việc mà cha đã khởi sự. Và sơ đã thể hiện điều đó trong 30 năm kế tiếp với sự cộng tác của các sơ trong tu hội.

http://3.bp.blogspot.com/-capGHeDgXS8/T4l9LaRXk5I/AAAAAAAANL0/bPefD3KHQmQ/s320/Damien_molokai+1889.jpg (http://3.bp.blogspot.com/-capGHeDgXS8/T4l9LaRXk5I/AAAAAAAANL0/bPefD3KHQmQ/s1600/Damien_molokai+1889.jpg)


Cha Damien được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước vào tháng Sáu 1995. Và cuối năm 1999, theo lời yêu cầu của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ và đã được Vatican chấp thuận, Chân Phước Damien được kính nhớ vào ngày 15 tháng Tư trong niên lịch phụng vụ của Giáo Hội Hoa Kỳ.


***


SUY NIỆM
(của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)


Suy niệm 1: Cần cù

Chân Phước Damien, tên thật là Giuse "de Veuster", sinh ở Bỉ ngày 3 tháng Giêng 1840, trong một gia đình mà cha là một nông dân cần cù và bà mẹ tận tụy dạy dỗ đức tin cho tám người con.

Thông minh tài trí thì không phải mấy ai cũng có được, nhưng có thể bù đắp bằng đức tính cần cù, như lời cổ nhân dạy: Cần cù bù thông minh.

Hấp thụ được đức tính cần cù của phụ mẫu, Damien dầu thôi học ngay từ nhỏ để giúp đỡ gia đình, nhưng đến năm 19 tuổi, ngài vẫn cần cù theo đuổi việc học và đời sống tu trì, chẳng bao lâu Damien đã bù đắp được sự thiếu hụt trong việc giáo dục trước đây, để rồi được thụ phong linh mục vào năm 1863.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn biết cần cù không để làm giàu nhưng để khỏi bị thiệt thân như lời Sách Châm Ngôn dạy (Cn 13,4).

Suy niệm 2: Thôi học

Ngay từ nhỏ, Damien mạnh khoẻ và tráng kiện, đã phải thôi học để giúp cha trong công việc đồng áng.

Con đường học vấn vốn là con đường thông thường giúp cho người tiến thân. Nhưng không thiếu những người phải chấp nhận thôi học vì hoàn cảnh túng thiếu của gia đình như một Damien.

Cũng thế Thánh Richard đã phải bỏ dở việc học để giúp anh mình quản trị cơ sở khỏi bị lụn bại. Và khi có cơ hội, ngài cũng không muốn lập gia đình vì muốn đi học trước đã. Ngài vào Đại Học Oxford và với sự chăm chỉ học hành, không lâu ngài đã có được một địa vị quan trọng trong trường. Sau khi được thụ phong linh mục, ngài được tấn phong làm giám mục của Chichester, nước Anh.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn coi trọng việc học hành, không nhằm tiến thân nhưng ít là để được thành nhân.

Suy niệm 3: Dễ dãi

Sự phục vụ của Cha Damien được ghi nhận là hăng say và tính tình dễ dãi của ngài thu hút được nhiều người.

Tính tình dễ dãi nhưng không vượt quá giới hạn của các nguyên tắc cơ bản phải tuân thủ thường có hiệu quả thu hút được nhiều người. Chính yếu tố then chốt này đã giúp Cha Damien lôi cuốn được hàng trăm người trở lại đạo.

Tính tình dễ dãi của Đức Giêsu cũng từng tạo điều kiện cho bao người chạy tìm đến với Ngài, từ hạng dân thường đến người có chức quyền, kể cả các bệnh nhân phong cùi mà xã hội loài người loại bỏ và xa tránh, thậm chí cả trẻ em cũng được tiếp nhận.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con tránh lối sống quan liêu kẻo bị người người ngại ngùng tìm đến.

Suy niệm 4: Bệnh cùi

Sau khoảng một thập niên, ngài tình nguyện đến Molokai để phục vụ các người bị mắc bệnh Hansen, thường gọi là bệnh cùi.

Người ta không rõ khi nào thì Cha Damien bị lây bệnh cùi, nhưng chắc chắn là một ngày trong năm 1884 khi ngài bị phỏng ở chân mà không thấy đau. Căn bệnh tấn công ngài như bất cứ người nào khác: từ từ, chân tay và mặt mũi ngài biến dạng, tai ngài sưng to và méo mó. Vào ngày 15 tháng Tư 1889, ngày thứ Hai Tuần Thánh, căn bệnh đã chấm dứt cuộc đời Cha Damien, khi mới 49 tuổi.

Đúng như lời ngài tâm sự: "Thiên Chúa là Đấng nhân lành biết rõ những gì cần cho tôi nên thánh, và với tâm hồn sẵn sàng, tôi vui sướng nói rằng, 'Xin cho ý Cha được thể hiện.' Còn phần tôi, tôi chấp nhận là một người cùi để đem các linh hồn về cho Đức Giêsu Kitô".

* Lạy Chúa Giêsu, bệnh cùi thật đáng sợ với việc hủy hoại thân xác, nhưng không sánh được với tội lỗi vốn giết chết cả linh hồn.

Suy niệm 5: Hành trang

Cha Damien, lúc ấy 33 tuổi, đến Molokai vào tháng Năm 1873 với hành trang là cuốn sách kinh và một ít quần áo.

Sở dĩ Cha Damien chỉ mang theo cuốn sách kinh và một ít quần áo, là vì ngài hiểu rõ: Hành trang lên đường của nhà truyền giáo phải được đặt lên hàng đầu, đó là đời sống tâm linh hơn là vật chất.

Để gây ý thức cho các tông đồ về điều này, Đức Giêsu đã từng ra chỉ thị: "Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo” (Lc 9,3).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn sắm sẵn hành trang lên đường truyền giáo là chính Chúa vì có Chúa mới trao Chúa cho người được.

Suy niệm 6: Sống

Có thể nói, Cha Damien sống với người cùi.

Ngài sống hòa đồng đến mức cùng ăn uống với họ, đụng chạm đến họ, chào đón họ. Ngài chăm sóc người bệnh, mai táng kẻ chết, lắng nghe những tâm sự đau lòng. Ngài là người đào huyệt cũng như chủ sự lễ an táng, để rồi cuối cùng ngài cũng bị mắc bệnh cùi.

Đức Giêsu đã có lối sống hòa đồng tuyệt hảo đến mức Ngài là Thiên Chúa nhưng khi nhập thế và nhập thể làm người, Ngài đã trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế (Pl 2,7), ngoại trừ tội lỗi (1Pr 2,22;Dt 7,26).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết hạ mình sống hòa đồng với mọi người ngoại trừ tội lỗi.

____________________________
Tông đồ Người cùi

Molokai, quần đảo xa xăm ấy nằm cô đơn giữa lòng Thái Bình Dương mênh mông. Trên đảo toàn là người hủi: cụt tay, đứt chân, mắt đui, môi lở, răng rụng... Một hôm, Đức Giám Mục đặc trách quần đảo này gióng tiếng kêu gọi các Linh Mục ở Âu Châu tình nguyện hy sinh sang đó phục vụ. Một Linh Mục trẻ, đẹp trai, thông minh, khoẻ mạnh hăng hái đáp lời. Đó là Cha Đamien, người về sau được thêm biệt danh: “Tông Đồ người hủi”.

Chiều hôm đó, trong Nhà Thờ ở đảo Molokai đông nghẹt những người hủi da ngăm đen với mùi hôi tanh nồng nặc, Đức Giám Mục đứng trên Bàn Thờ quay xuống giới thiệu với Giáo Dân: “Các con thân mến, các con hằng mong ước có một Linh Mục đến cùng các con, thì đây, cha Đamien, một Linh Mục người Bỉ sẽ sống chung với các con từ nay cho đến chết. Các con có sung sướng không ?”

Cả Nhà Thờ xôn xao, thì thầm to nhỏ. Cha Đamien đứng cạnh Đức Giám Mục chẳng hiểu tý nào. Rồi họ từ từ tiến lên Cung Thánh, dáng điệu chất phác đơn sơ. Cha Damien càng nhìn thấy họ đến gần mình thì càng sởn tóc gáy. Họ trông như những thây ma còn sống, như những quái thai mất hẳn dáng người. Họ làm gì đây ? Họ tiến đến bên cha sờ vào mặt, vào tay, vào áo cha...

Cha hỏi Đức Giám Mục: “Thưa Đức Cha, họ làm gì thế ? Họ nói gì thế ?” Đức Cha trả lời: “Họ nói, họ không thể tưởng tượng được một người ở phương xa, chẳng bà con huyết thống gì với họ, còn trẻ, đẹp trai, không bệnh tật như cha, tự nhiên lại đến phục vụ họ trên mảnh đất khốn cùng này. Họ không tin mắt mình nên mới đến sờ mó vào người cha, xem thử cha có thực sự bị phung hủi như họ không. Rồi họ nói với nhau: “Không, Cha đẹp quá !”.

Dần dần, cha Đamien hoà đồng được với họ. Ngài không còn cảm thấy tởm gớm họ như ngày đầu. Nói đúng hơn, ngài quá yêu Chúa Giêsu bị bỏ rơi trong họ nên chẳng còn thấy e sợ, gớm ghiếc chi. Một ngày kia, đến lượt cha cũng bị mắc bệnh phong hủi. Thân hình cha lở loét, nhức nhối. Mặt mày cha sù sì, đen đủi, u nần trông rất dễ sợ.

Một số báo ở Bỉ đăng hình cha Đamien để mô tả sự hy sinh vĩ đại của cha. Bà cụ thân sinh của cha mắt mờ không đọc được, nhìn vào bức hình cũng chẳng nhận ra nổi người con yêu. Bà hỏi các con trong gia đình: “Hình ai đây mà trông mà trông ghê sợ vậy ?” Các con đều trả lời mẹ: “Thưa mẹ, đó là một trong những người hủi trên đảo Molokai của anh Đamien đấy”. Qua mặt được bà cố, nhưng họ lại nhìn nhau và không ai bảo ai, tất cả đều xót xa rơi lệ... Cha Đamien đã sống với người hủi cho đến chết. Tình yêu Chúa đã giúp cha hy sinh suốt đời vì họ.

Teresa Nhỏ Bé
16-04-2012, 10:02 AM
Ngày 16-04


Thánh BERNADETTE SOUBIROUS


http://3.bp.blogspot.com/-98FEj3LTHlM/T4qj-jH5lZI/AAAAAAAANMk/8wNivbSFg2w/s320/Bernadette+soubirous.jpg (http://3.bp.blogspot.com/-98FEj3LTHlM/T4qj-jH5lZI/AAAAAAAANMk/8wNivbSFg2w/s1600/Bernadette+soubirous.jpg)



(1844-1879)


Lược sử

Thánh Bernadette Soubirous tên thật là Mary Bernard, con của 1 gia đình thật nghèo làm nghề xay bột ở Lộ Đức, thuộc miền nam nước Pháp. Ngay từ khi còn nhỏ, cô bị bệnh suyễn thật nặng nên sức khỏe rất yếu kém.

Vào ngày 11 tháng Hai 1858, cô được Đức Trinh Nữ Maria hiện ra với cô trong một cái hang nằm trên con đê của sông Gave, gần Lộ Đức. Cô được thị kiến Đức Trinh Nữ tất cả 18 lần, lần sau cùng vào ngày lễ Đức Mẹ Núi Carmel, 16 tháng Bảy. Khi kể lại lần thị kiến đầu tiên, cô đã tự đặt mình vào tình trạng nguy hiểm đối với nhà chức trách. Nhưng Đức Trinh Nữ hiện ra với cô hàng ngày đã khiến đám đông tuốn đến hang ngày càng đông. Nhà chức trách tìm cách đe dọa để cô công khai rút lui, nhưng cô vẫn trung thành với những gì được thấy.

Vào ngày 25 tháng Hai, một suối nước chảy ra từ hang mà cô Bernadette đã dùng tay đào xới khi vâng theo lời Đức Trinh Nữ. Nước suối ấy đã chữa được nhiều người khỏi bệnh kể cả người tàn tật.

Vào ngày 25 tháng Ba, Bernadette cho biết trinh nữ hiện ra với cô tự xưng là Đức Vô Nhiễm Nguyên Tội, và ngài muốn xây một nhà thờ ở đây.

Vào năm 1866, Bernadette được gửi vào dòng Nữ Tu Đức Bà ở Nevers. Ở đây, sơ trở nên một phần tử của cộng đoàn, và bị sơ giám đốc đệ tử đối xử rất tệ hại. Sự bất nhẫn ấy chỉ chấm dứt khi họ khám phá rằng sơ Bernadette đang chịu đau khổ vì một căn bệnh bất trị. Sơ từ trần ở Nevers vào ngày 15 tháng Tư 1879, khi mới 35 tuổi.

Lộ Đức trở nên trung tâm hành hương lớn nhất thế giới, và suối nước nhỏ bé ấy hàng ngày vẫn cung cấp nước cho khách thập phương từ khắp nơi trên thế giới.

Sơ Bernadette được phong chân phước vào năm 1925, và được Đức Giáo Hoàng Piô XI phong thánh vào năm 1933.

http://2.bp.blogspot.com/-4cQZtvzo8bs/T4qkXP39EWI/AAAAAAAANMs/fl5OHPRP5Fo/s320/bernadette%27s+corpse.jpg (http://2.bp.blogspot.com/-4cQZtvzo8bs/T4qkXP39EWI/AAAAAAAANMs/fl5OHPRP5Fo/s1600/bernadette%27s+corpse.jpg)



Xác của Thánh Bernadette vẫn còn nguyên vẹn cho đến ngày nay.

***
SUY NIỆM
(của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)


Suy niệm 1: Nghèo

Thánh Bernadette Soubirous tên thật là Mary Bernard, con của 1 gia đình thật nghèo làm nghề xay bột ở Lộ Đức, thuộc miền nam nước Pháp. Ngay từ khi còn nhỏ, cô bị bệnh suyễn thật nặng nên sức khỏe rất yếu kém.

Thật huyền nhiệm, trong lúc người đời luôn sợ cái nghèo và do đó cũng thường xa lánh người nghèo, thì Thiên Chúa lại quan tâm và yêu thích chọn người xuất thân nghèo khó, như đã chọn trẻ chăn chiên nghèo nàn Đavít làm vua kế vị Saun (1Sm 16,11-13).

Đức Giêsu hiện thân của Thiên Chúa tại trần gian cũng chọn các ngư phủ nghèo khó làm tông đồ kế nghiệp Ngài (Mt 4,18-22). Tiếp theo đường hướng đó, Đức Maria cũng chọn Thánh Bernadette Soubirous nghèo nàn cả về kinh tế lẫn sức khoẻ để hiện ra và trao ban nhiều mặc khải.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống theo đường hướng Chúa để xứng là người con Chúa.

Suy niệm 2: Hang

Vào ngày 11 tháng Hai 1858, cô Bernadette được Đức Trinh Nữ Maria hiện ra với cô trong một cái hang nằm trên con đê của sông Gave, gần Lộ Đức.

Hang động vốn là một địa danh mang tính tĩnh mịch và thiên nhiên thật thích hợp cho những cuộc gặp gỡ thần thiêng. Chính vì thế Đức Maria đã chọn địa điểm này để hiện ra nhiều lần với cô Bernadette.

Đức Giêsu chào đời cũng chọn một hang đá tại Bêlem ngoài đồng vắng, để tại đây lần lượt đón chào cuộc diện kiến của nhóm mục đồng cũng như ba nhà đạo sĩ phương Đông.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết lui vào nơi tĩnh mịch để dễ gặp gỡ và tâm sự cùng Chúa.

Suy niệm 3: Nhà chức trách

Khi kể lại thị kiến đầu tiên, Bernadette đã tự đặt mình vào tình trạng nguy hiểm đối với nhà chức trách.

Thật vậy nhà chức trách tìm cách đe dọa để cô công khai rút lui, nhưng cô vẫn trung thành với những gì được thấy. Nhiều giới chức dân sự tìm cách đóng suối nước lại và trì hoãn công việc xây cất nhà thờ.

Nhưng ảnh hưởng và tiếng vang đã thấu đến tai Hoàng Hậu Eugenie nước Pháp, vợ của Napoleon III, do đó việc xây cất được tiến hành tốt đẹp. Đám đông lại quy tụ về Lộ Đức, không bị phiền hà bởi các giới chức chống đối tôn giáo và hàng giáo sĩ.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con theo gương Thánh nữ Bernadette, để luôn trung thành với linh thị bất chấp mọi nghịch cảnh đến từ chính quyền.

Suy niệm 4: Vâng theo

Vào ngày 25 tháng Hai, một suối nước chảy ra từ hang mà cô Bernadette đã dùng tay đào xới khi vâng theo lời Đức Trinh Nữ.

Nhờ vâng lời Thiên Chúa dùng gậy đập vào đá mà Môsê đã giúp toàn dân đang lưu lạc trong sa mạc có nước uống cho cả cộng đồng và súc vật (Ds 20,11).

Cũng thế nhờ vâng lệnh Đức Giêsu thả lưới, dầu vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả, mà Phêrô đã có được một mẻ cá lạ lùng (Lc 5,5).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con xác tín về giá trị của đức vâng lời để luôn thực thi trong đời sống.

Suy niệm 5: Đau khổ

Sự bất nhẫn ấy chỉ chấm dứt khi họ khám phá rằng sơ Bernadette đang chịu đau khổ vì một căn bệnh bất trị.

Sự đau khổ thể xác do cơn bệnh hành hạ chẳng là gì so với nỗi đau Bernadette phải gánh chịu, khi vào năm 1866, Bernadette được gửi vào dòng Nữ Tu Đức Bà ở Nevers. Ở đây, sơ trở nên một phần tử của cộng đoàn, và bị sơ giám đốc đệ tử đối xử rất tệ hại.

Nhưng nỗi đau tinh thần của Bernadette làm sao sánh được với Đức Giêsu, khi Ngài là vua trên hết các vua lại bị một vị quan nhu nhược xét xử, khi Ngài là Thiên Chúa vô tội và ba lần thánh lại bị vu cáo với bản án tử hình thập giá.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hãy luôn chiêm ngắm sự đau khổ của Chúa, để kiên tâm chịu đựng nỗi đau của mình.

Suy niệm 6: Hành hương

Lộ Đức trở nên trung tâm hành hương lớn nhất thế giới.

Lộ Đức được đánh giá là trung tâm hành hương lớn nhất thế giới, nhưng đâu phải ai ai cũng có trách nhiệm phải quy tụ về, vì thế Lộ Đức làm sao sánh được với quê hương trên trời là nơi toàn thể nhân loại đều phải nỗ lực hành hương về.

Đàng khác tại Lộ Đức dầu có lắm bệnh nhân được chữa lành cách diệu kỳ nhưng cũng chỉ làm giảm bớt nỗi khổ đau của trần thế trong thời gian, còn trên thiên đàng thì không còn khổ đau mà chỉ toàn là hạnh phúc và hoan hỷ muôn đời (Is 25,7-8).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn chú tâm hoàn thành cuộc hành hương về quê trời vĩnh cửu.

Teresa Nhỏ Bé
17-04-2012, 10:07 AM
Ngày 17-04


Thánh BENEDICT JOSEPH LABRÉ


http://2.bp.blogspot.com/-GjnctzSy4D0/T4w3pRgpfVI/AAAAAAAANOg/MLQre0YvlBo/s320/benoit+labre.jpg (http://2.bp.blogspot.com/-GjnctzSy4D0/T4w3pRgpfVI/AAAAAAAANOg/MLQre0YvlBo/s1600/benoit+labre.jpg)



(1748-1783)


Lược sử

Thánh Benedict Joseph Labré thực sự là một con người lập dị, nhưng rất đặc biệt của Thiên Chúa. Là con cả trong gia đình 15 người con, Benedict Joseph Labré sinh ở Amettes thuộc miền bắc nước Pháp. Cha mẹ của cậu làm chủ một nông trại và có một tiệm buôn nhỏ nên đời sống của họ tương đối thoải mái.

Vào năm 12 tuổi, cậu được gửi đến sống với người chú là một linh mục triều ở Erin. Trong thời gian này, Benedict say mê đọc Kinh Thánh và gương thánh nhân đến nỗi người chú phải nhắc nhở cậu về việc học tiếng Latinh, là điều bắt buộc để trở nên một linh mục. Tuy nhiên, cậu nhận ra ơn gọi của Thiên Chúa trong sự hoàn toàn từ bỏ thế gian. Do đó, sau khi người chú từ trần vì chăm sóc các nạn nhân bệnh dịch tả, Benedict trở về nhà, và đi tìm dòng tu khắc khổ nhất.

Vì sức khoẻ yếu kém và vì thiếu nền tảng học vấn nên Benedict không được nhận vào đời sống tu trì. Sau đó, vào năm 18 tuổi, một thay đổi quan trọng có ảnh hưởng sâu xa đến cuộc đời. Benedict không muốn học hành và từ bỏ ý định đi tu. Ngài bỏ nhà và sống như một vị khổ tu, đi hành hương hết đền thánh này đến đền thánh khác. Ngài mặc quần áo rách rưới và ngủ ngay ngoài trời, thực phẩm của ngài chỉ là mẩu bánh hoặc ít rau trái nhờ vào lòng bác ái của người qua đường hoặc lượm nhặt được từ những nơi phế thải. Ngài không xin ăn và sẵn sàng chia sẻ thực phẩm dư dật với người nghèo. Ngài đặc biệt sùng kính Đức Mẹ và bí tích Thánh Thể.

Bất cứ ai gặp ngài đều không thể quên được một người thật rách rưới nhưng biết tiếng Latinh, thông thạo Kinh Thánh, trông như người ăn xin nhưng không bao giờ xin xỏ. Họ bâng khuâng tự hỏi làm thế nào kẻ lang thang ấy lại có đôi mắt thật nhân từ và một lối sống có phẩm giá. Điều họ thắc mắc đã là một sứ điệp. Thiên Chúa biết loài người dễ đắm chìm trong sự ích kỷ và Ngài đã đặt trước mắt họ hình ảnh của một ngôn sứ, một phản ánh thực sự của tự do đích thực, không bị ràng buộc vào vật chất thế gian. Benedict là người soi dẫn của Thiên Chúa để cảnh giác những người lầm lạc, và là tia hy vọng cũng như sự an ủi cho những người vô gia cư chỉ vì sự tham lam của người đời.

Vào ngày 16 tháng Tư 1783, có thể nói vì đời sống quá cực khổ, ngài kiệt sức ngã quỵ trên bậc tam cấp của một nhà thờ ở Rôma. Vào chiều tối hôm ấy, khi tiếng chuông vang vọng báo hiệu giờ kinh Salve Regina, ngài đã trút hơi thở cuối cùng trong một căn nhà gần đó. Các trẻ em chạy khắp đường phố loan báo, "Ông Thánh chết rồi! Ông Thánh chết rồi!" Tin tức ấy được loan truyền trong khi chuông nhà thờ đang rộn rã liên hồi.

Ngài được Đức Giáo Hoàng Lêô XIII phong thánh năm 1859.

***
SUY NIỆM
(của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)


Suy niệm 1: Lập dị

Thánh Benedict Joseph Labré thực sự là một con người lập dị, nhưng rất đặc biệt của Thiên Chúa.

Dưới con mắt người đời, Thánh Benedict Joseph Labré được xem là một con người lập dị, do cách sống không giống với người đời. Ngài mặc quần áo rách rưới và ngủ ngay ngoài trời, thực phẩm của ngài chỉ là mẩu bánh hoặc ít rau trái nhờ vào lòng bác ái của người qua đường hoặc lượm nhặt được từ những nơi phế thải. Ngài không xin ăn và sẵn sàng chia sẻ thực phẩm dư dật với người nghèo.

Thánh Gioan Tiền Hô không bị đánh giá là lập dị nhưng bị xét một cách nặng nề hơn, đó là người bị quỷ ám (Mt 11,18) cũng do cách sống không giống người khác, chẳng hạn như không ăn không uống, hay đúng hơn chỉ ăn châu chấu và mật ong rừng cũng như mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da (Mc 1,6).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống không vì bia miệng người đời mà chỉ sợ Chúa chê cười.

Suy niệm 2: Môi trường

Vào năm 12 tuổi, cậu được gửi đến sống với người chú là một linh mục triều ở Erin.

Nhờ môi trường này, Benedict say mê đọc Kinh Thánh và gương thánh nhân đến nỗi người chú phải nhắc nhở cậu về việc học tiếng Latinh, là điều bắt buộc để trở nên một linh mục.

Để cho thấy tầm quan trọng của môi trường, Đức Giêsu cũng đã đề cập đến những kết quả khác nhau của những hạt giống được gieo vào vệ đường, sỏi đá, bụi gai hoặc đất tốt (Mt 13,4-8).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hãy luôn chọn sống trong môi trường tốt để dễ trở nên người tốt.

Suy niệm 3: Ơn gọi

Benedict nhận ra ơn gọi của Thiên Chúa trong sự hoàn toàn từ bỏ thế gian.

Để hoàn toàn từ bỏ thế gian, thoạt đầu Benedict đi tìm dòng tu khắc khổ nhất. Nhưng vì sức khoẻ yếu kém và vì thiếu nền tảng học vấn nên Benedict không đươc nhận vào đời sống tu trì, để rồi cuối cùng ngài bỏ nhà và sống như một vị khổ tu vô gia cư, không bị ràng buộc vào vật chất thế gian.

Điều này cho thấy: Tự bản tính và ơn gọi, con người là một hữu thể tôn giáo. Phát sinh từ Thiên Chúa và quy hướng về Thiên Chúa, con người chỉ đạt được cuộc sống nhân bản đầy đủ khi tự do liên kết với Thiên Chúa, dầu ở đấng bậc nào (Sách Giáo Lý số 44).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con khiêm tốn đón nhận và sống trọn ơn gọi mà Chúa đã chọn cho mình trong tâm tình kết hiệp mật thiết với Chúa.

Suy niệm 4: Ăn xin

Bất cứ ai gặp Benedict đều không thể quên được một người thật rách rưới... trông như người ăn xin nhưng không bao giờ xin xỏ.

Thật hiếm thấy một người ăn xin mà lại không bao giờ xin xỏ, và nhất là sẵn sàng chia sẻ thực phẩm dư dật với người nghèo.

Thật ra ngài đã nêu gương sống trọn vẹn niềm tín thác vào Thiên Chúa Quan Phòng, Đấng biết rõ chúng ta cần gì, trước khi chúng ta cầu xin (Mt 6,8), để rồi ban dư dật cho chúng ta (Mt 6,33). Vì thế chúng ta phải đáp trả bằng việc đã được
cho không thì cũng phải cho không như vậy (Mt 10,8).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con không chủ xin mà là cho vì cho thì có phúc hơn là nhận (Cv 20,35).

Suy niệm 5: Vô gia cư

Benedict là người soi dẫn của Thiên Chúa để cảnh giác những người lầm lạc, và là tia hy vọng cũng như sự an ủi cho những người vô gia cư chỉ vì sự tham lam của người đời.

Nhằm chia sẻ và ủi an những người vô gia cư, Benedict chấp nhận cuộc sống lang thang nay đây mai đó và sống nhờ vào lòng hảo tâm của tha nhân, để rồi vì đời sống quá cực khổ, ngài kiệt sức ngã quỵ trên bậc tam cấp của một nhà thờ ở Rôma và giả từ cõi đời.

Với sứ mạng loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn (Lc 4,18), Đức Giêsu cũng sống nghèo hèn đến mức vô gia cư (Mt 8,20) và lang thang trên khắp mọi nẻo đường dất nước Do-thái để rao truyền Lời Chúa.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn coi trọng việc rao truyền Lời Chúa lên trên hết mọi sự kể cả nơi ăn chốn ở.

Suy niệm 6: Thánh

Các trẻ em chạy khắp đường phố loan báo, "Ông Thánh chết rồi! Ông Thánh chết rồi!"

Benedict quả là một vị thánh sống, không lạ gì vừa mới chết thì các trẻ em đơn sơ chất phác đã buột miệng loan báo trên khắp đường phố: "Ông Thánh chết rồi! Ông Thánh chết rồi!", cho dầu mãi về sau ngài mới được Đức Giáo Hoàng Lêô XIII chính thức phong thánh năm 1859.

Tưởng cũng nên nhắc đến một trường hợp mới mẻ: Trong thánh lễ an táng ĐGH Gioan Phaolô II, đám đông người Ba-Lan đã hô to câu Santo Subitol, Santo Subitol! có nghĩa là “xin phong thánh lập tức, xin phong thánh lập tức” cho ĐGH. Dầu vậy, cũng phải chờ đợi phán quyết cuối cùng của Hội Đồng Tòa Thánh.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con không chỉ thán phục lối sống lành thánh của các thánh nhân bằng lời xưng tụng, mà chủ yếu là hãy tập sống theo gương các ngài.

Phù thủy nhỏ
17-04-2012, 12:48 PM
Nên thánh từ những việc làm nhỏ bé nhất, cuộc sống bình thường nhất. Tất cả đều là Thánh ý của Chúa.

Teresa Nhỏ Bé
19-04-2012, 09:31 AM
Ngày 19-04


Chân phước LUCHESIO và BUONADONNA


http://3.bp.blogspot.com/-ejNBb55wSwI/T47T_yrSyzI/AAAAAAAANQA/N3Dkl1ow0F0/s320/Luchesio-Buonadonna19-4.jpg (http://3.bp.blogspot.com/-ejNBb55wSwI/T47T_yrSyzI/AAAAAAAANQA/N3Dkl1ow0F0/s1600/Luchesio-Buonadonna19-4.jpg)



(c.1260)



Lược sử

Ông Luchesio và bà Buonadonna là hai vợ chồng muốn sống theo gương Thánh Phanxicô. Do đó họ đã gia nhập Dòng Ba Phanxicô.

Hai ông bà sống ở Poggibonzi, nơi họ hành nghề thương mãi và là con buôn tham lam. Nhưng sau khi gặp Thánh Phanxicô -- có lẽ năm 1213 -- họ đã thay đổi đời sống. Ông Luchesio bắt đầu thi hành nhiều việc bác ái.

Lúc đầu, bà Buonadonna không nhiệt tình sống bác ái như ông Luchesio, và thường than phiền chồng là đã bố thí quá nhiều của cải cho các người lạ. Một ngày kia, khi có người gõ cửa xin được giúp đỡ, và ông Luchesio nhờ vợ lấy cho họ ít bánh mì. Bà nhăn mặt khó chịu nhưng cũng đi vào bếp, và lạ lùng thay, bà nhận thấy số bánh mì đang có thì nhiều hơn khi trước. Không bao lâu, bà cũng trở nên hăng say sống đời khó nghèo và thanh bạch như chồng. Cả hai bán cả tiệm buôn, chỉ giữ lại ít đất để cầy cấy trồng trọt đủ cho nhu cầu và phân phối đất đai còn lại cho người nghèo.

Vào thế kỷ thứ 13, với sự ưng thuận và sự cho phép của Giáo Hội, một số vợ chồng sống ly thân để người chồng vào dòng tu nam và người vợ vào dòng tu nữ. Nhưng điều này chỉ có thể xảy ra nếu họ son sẻ hoặc con cái đã trưởng thành. Ông bà Luchesio lại muốn kiểu khác, họ muốn sống đời tu trì, nhưng bên ngoài tu viện.

Hai ông bà Luchesio và Buonadonna đều từ trần vào ngày 28 tháng Tư 1260. Ông được phong chân phước năm 1273. Truyền thống địa phương cũng gọi bà Buonadonna là "chân phước" dù rằng Tòa Thánh chưa chính thức công bố.

***
SUY NIỆM
(của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)


Suy niệm 1: Gặp gỡ

Hai ông bà Luchesio và Buonadonna sống ở Poggibonzi, nơi họ hành nghề thương mãi và là con buôn tham lam. Nhưng sau khi gặp Thánh Phanxicô -- có lẽ năm 1213 -- họ đã thay đổi đời sống.

Trên đời không thiếu những cuộc gặp gỡ giữa người với người. Nhưng thật ít thấy những trường hợp mang đến hiệu quả lành thánh từ một người buôn bán tham lam trở nên một người tốt lành biết hết mình sống vì Chúa và vì người như hai vợ chồng chân phước Luchesio và Buonadonna.

Điều tốt nảy sinh điều tốt. Một ngày kia, khi ông Luchesio đang cõng một người tàn tật mà ông bắt gặp bên vệ đường thì có một thanh niên đến hỏi ông, "Cái tên quỷ quái nào mà ông đang cõng trên lưng đó?" Ông Luchesio trả lời, "Tôi đang cõng Đức Giêsu Kitô." Ngay lập tức người thanh niên ấy đã phải xin lỗi ông.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con tranh thủ những cuộc gặp gỡ lành thánh để được mỗi ngày một nên tốt hơn.

Suy niệm 2: Bác ái

Ông Luchesio bắt đầu thi hành nhiều việc bác ái.

Công việc bác ái của hai ông bà Luchesio đã thu hút người nghèo đến với họ, và cũng như các vị thánh khác, dường như hai ông bà không bao giờ thiếu của cải để giúp đỡ tha nhân.

Vì “Thương xót kẻ khó nghèo là cho Thiên Chúa vay mượn” (Cn 19,17), mà Thiên Chúa là Đấng công bình và giàu có tuyệt đối thì người làm việc bác ái như hai ông bà Luchesio làm sao có thể rơi vào tình cảnh túng thiếu được.

Thái độ bác ái quan tâm và gần gũi giới nghèo của Đức Giêsu đã từng cuốn hút quần chúng đến mức họ bỏ các đầu mục Dothái mà đến với Ngài (Ga 12,11). Chính vì thế các mục tử cũng luôn được mời gọi phải theo gương Đức Giêsu để quan tâm đến người nghèo (LG 23).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng ngoảnh mặt làm ngơ đối với ai nghèo khổ, để rồi đối với chúng con, Thiên Chúa cũng sẽ không ngoảnh mặt làm ngơ (Tb 4,7).

Suy niệm 3: Vợ chồng

Lúc đầu, bà Buonadonna không nhiệt tình sống bác ái như ông Luchesio, và thường than phiền chồng là đã bố thí quá nhiều của cải cho các người lạ.

Vợ chồng vốn là bạn đường tuyệt vời hằng giúp nhau vượt qua cuộc hành trình lữ thứ trần gian. Thế nhưng một thực tế không phải là hiếm có, đó là một trong hai vô tình lại là một cản trở cho người kia trong bước đường phục vụ Chúa và tha nhân.

Từ đó cho thấy giá trị nổi bật của đời sống độc thân khiến thánh Phaolô tông đồ phải lên tiếng: “Đàn ông không đàn bà là điều tốt” (1Cr 7,1), có nghĩa là không lập gia đình là điều tốt hơn (1cr 7,37-38) vì “thuộc trọn về Chúa (1Cr 7,33-34b), vì dễ “lo được ích chung” (1Cr 12,7) cũng như dễ dàng chuyên lo việc cầu nguyện (2Cr 7,5).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các bậc hôn nhân biết luôn hợp tác và trợ lực nhau để tránh tình trạng Chúa đã tiên liệu có thể xảy ra trong gia đình (Lc 12,52-53).

Suy niệm 4: Nghèo

Cả hai bán cả tiệm buôn, chỉ giữ lại ít đất để cầy cấy trồng trọt đủ cho nhu cầu và phân phối đất đai còn lại cho các người nghèo.

Thật dễ để chế nhạo người nghèo, và chà đạp phẩm giá con người mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Mẹ Têrêsa Calcutta thường đề cập đến sự nghèo túng như "sự đau khổ tiềm ẩn" của Đức Kitô.

Chúng ta dễ khiến người khác cảm thấy là họ vô ích -- người nghèo, người bệnh hoạn, người tật nguyền thể xác cũng như tâm thần, người lớn tuổi, người thất nghiệp -- do đó, chống lại sự cám dỗ ấy đòi hỏi một mức độ đại lượng trong cuộc sống chúng ta. Nếu ai nấy cũng đều nhìn thấy Đức Kitô trong người nghèo như hai ông bà Luchesio, họ sẽ phong phú hóa Giáo Hội và giữ được sự trung tín với Thiên Chúa.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn ghi khắc lời tâm huyết của Thánh Phanxicô: "Bất cứ ai nguyền rủa người nghèo là tổn thương đến Đức Kitô, vì họ đang mang hình ảnh của Người, hình ảnh của Đấng đã trở nên nghèo hèn vì chúng ta" (1 Celano, 76).

Suy niệm 5: Tu trì

Ông bà Luchesio lại muốn kiểu khác, họ muốn sống đời tu trì, nhưng bên ngoài tu viện.

Để đáp ứng nhu cầu này, Thánh Phanxicô đã lập Dòng Phanxicô Thế Tục. Đầu tiên, thánh nhân viết một Quy Luật đơn giản cho Dòng Ba (Phanxicô Thế Tục), sau đó Đức Giáo Hoàng Honorius III đã chấp thuận một quy luật chính thức vào năm 1221.

Đời sống tu trì thuộc về mầu nhiệm Hội Thánh. Đó là hồng ân Hội Thánh tiếp nhận từ Chúa và trao lại như một bậc sống ổn định cho tín hữu... Đời sống tu trì được mời gọi để bày tỏ đức ái của Thiên Chúa trong ngôn ngữ thời đại dưới nhiều dạng khác nhau (Sách Giáo Lý số 926).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nhận ra ơn gọi Chúa đặt để cho mỗi người, và hết mình sống theo đấng bậc mình.

Suy niệm 6: Truyền thống

Truyền thống địa phương cũng gọi bà Buonadonna là "chân phước" dù rằng Tòa Thánh chưa chính thức công bố.

Chúng ta phải phân biệt “Truyền Thống” các tông đồ với các “truyền thống” thuộc diện thần học, kỷ luật, phụng vụ hoặc sùng kính đã phát sinh theo thời gian trong các giáo đoàn địa phương...

Chính trong ánh sáng truyền thống các tông đồ, mà các truyền thống này được giữ lại, sửa đổi hay bị loại bỏ, theo sự hướng dẫn của Huấn Quyền Hội Thánh (Sách Giáo Lý số 83).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con tôn trọng và tuân theo phán quyết của Huấn Quyền Tòa Thánh.

Teresa Nhỏ Bé
24-04-2012, 09:49 AM
Ngày 23-04


Thánh GEORGE


http://4.bp.blogspot.com/-G1V3YbxV1mc/T5QgodDPgQI/AAAAAAAANWU/Chc-wfGN3x0/s320/George+Dragon.jpg (http://4.bp.blogspot.com/-G1V3YbxV1mc/T5QgodDPgQI/AAAAAAAANWU/Chc-wfGN3x0/s1600/George+Dragon.jpg)



(c. 304)


Lược sử

Người ta thường vẽ hình Thánh George đang giết con rồng để cứu thoát một phụ nữ xinh đẹp. Con rồng tượng trưng cho sự dữ. Người phụ nữ tượng trưng cho chân lý thánh thiện của Thiên Chúa. Thánh George là vị tử đạo can đảm đã chiến thắng sự dữ.

Cuộc đời Thánh George thì đầy những huyền thoại đến nỗi thật khó để phân biệt thực hư. Người ta cho rằng Thánh George xuất thân từ Cappadocia thuộc Tiểu Á, là một sĩ quan trong đạo quân của Hoàng Đế La Mã Diocletian (245 -- 313), và là người được Hoàng Đế mến mộ.

Lúc bấy giờ, Diocletian là người ngoại đạo và thù ghét Kitô Giáo. Ông giết bất cứ Kitô Hữu nào mà ông gặp. Thánh George là một Kitô Hữu can đảm, một người lính đích thực của Đức Kitô. Không sợ hãi, ngài đến gặp Hoàng Đế và nghiêm nghị quở trách sự tàn ác của ông. Sau đó ngài từ bỏ địa vị trong quân đội La Mã. Vì lý do đó ngài bị tra tấn bằng mọi cách khủng khiếp nhất và sau cùng bị chém đầu.

Sự can đảm và hăng hái tuyên xưng đức tin của Thánh George đã đem lại niềm phấn khởi cho các Kitô Hữu thời ấy. Nhiều bài hát và bài thơ đã được sáng tác về vị tử đạo này. Đặc biệt, các quân nhân là những người sùng kính ngài.

Ngài được phong thánh năm 494, Đức Giáo Hoàng Gelasius tuyên xưng ngài là một trong những người "mà tên tuổi thật xứng đáng để người đời kính trọng, và chứng từ tử đạo của ngài đáng để dâng lên Thiên Chúa."

Thánh George được đặt làm quan thầy của nước Anh, Bồ Đào Nha, Đức, Aragon, Genoa và Venice.

Lời Bàn

Tất cả chúng ta đều có những "con rồng" để khuất phục. Nó có thể là sự kiêu ngạo, sự nóng giận, sự lười biếng, sự tham lam, hoặc bất cứ gì khác. Hãy biết rằng chúng ta chiến đấu những "con rồng" đó với sự trợ giúp của Thiên Chúa. Và rồi, chúng ta có thể tự hào mình là chiến sĩ đích thực của Ðức Kitô.


***
SUY NIỆM
(của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)



Suy niệm 1: Con rồng

Người ta thường vẽ hình Thánh George đang giết con rồng để cứu thoát một phụ nữ xinh đẹp.

Con rồng tượng trưng cho sự dữ, vì nó cũng có những hành động thù nghịch đối với người Phụ Nữ như con Mãng Xà vốn đuổi bắt người Phụ Nữ đã sinh con trai... Từ miệng, Con Rắn phun nước ra đằng sau bà như một dòng sông, để cuốn bà đi. Nhưng đất cứu giúp bà... Con Mãng Xà nổi giận với người Phụ Nữ và đi giao chiến với những người còn lại trong dòng dõi bà, là những người tuân theo các điều răn của Thiên Chúa và giữ lời chưng của Đức Giêsu. (Kh 12, 13-18).

Tất cả chúng ta đều có những "con rồng" để khuất phục. Nó có thể là sự kiêu ngạo, sự nóng giận, sự lười biếng, sự tham lam, hoặc bất cứ gì khác. Hãy biết rằng chúng ta chiến đấu những "con rồng" đó với sự trợ giúp của Thiên Chúa. Và rồi, chúng ta có thể tự hào mình là chiến sĩ đích thực của Đức Kitô.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn công tác với ơn Chúa, để chiến thắng được những con rồng đang hoành hành nơi chúng con.

Suy niệm 2: Phụ nữ

Người ta thường vẽ hình Thánh George đang giết con rồng để cứu thoát một phụ nữ xinh đẹp.

Người phụ nữ tượng trưng cho chân lý thánh thiện của Thiên Chúa, với nhiều vẻ đẹp khác nhau. Chẳng hạn bà Rút diễn đạt đạo hiếu của Thiên Chúa (R 1,16-17), còn bà Giuđích thì lòng yêu thương thủy chung (Gđt 16,22), bà Tabitha có nghĩa là Linh Dương thì lòng nhân ái và phục vụ (Cv 9,36).

Riêng Đức Maria là người nữ tin yêu tuyệt vời (Lc 1,45), luôn sống và thực hành lời Chúa (Mt 12,50;Lc 11,28), say mê đời sống cầu nguyện được biểu lộ đậm nét qua bài ca Ngợi Khen (Lc 1,46tt), cũng như quan tâm hết mình đến nhu cầu tha nhân (Ga 2,3).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp giới phụ nữ sống trọn chức năng làm khí cụ biểu lộ nét đẹp của Thiên Chúa.

Suy niệm 3: Chính quyền

Thánh George xuất thân từ Cappadocia thuộc Tiểu Á, là một sĩ quan trong đạo quân của Hoàng Đế La Mã Diocletian (245 -- 313), và là người được Hoàng Đế mến mộ.

Dầu được Hoàng Đế mến mộ, nhưng Thánh George đến gặp Hoàng Đế và nghiêm nghị quở trách sự tàn ác của ông. Sau đó ngài từ bỏ địa vị trong quân đội La Mã. Vì lý do đó ngài bị tra tấn bằng mọi cách khủng khiếp nhất và sau cùng bị chém đầu.

Thánh Gioan Tiền Hô cũng không hề nể sợ uy quyền của vua Hêrôđê. Thấy đức vua vi phạm luật hôn nhân, ngài thẳng thắn ra lệnh cấm đoán đức vua như một kẻ có uy quyền: “Vua không được phép lấy vợ của anh” (Mc 6,18) dầu sau đó phải chuốc lấy hậu quả khốc liệt cho mình là bị bỏ tù và bị chém đầu (Mc 6,17.27).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng sợ kẻ giết được thân xác mà phải sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục (Mt 10,28).

Suy niệm 4: Lính Đức Kitô

Thánh George là một Kitô Hữu can đảm, một người lính đích thực của Đức Kitô.

Ngài là lính nhưng là người lính đích thực của Đức Kitô, vì ngài đã chẳng những nghiêm nghị quở trách sự tàn ác của hòang đế mà còn từ bỏ địa vị trong quân đội La Mã, cho dầu phải bị tra tấn bằng mọi cách khủng khiếp nhất và sau cùng bị chém đầu, để nói lên lòng trung tín với Đức Kitô.

"Mỗi khi nhìn đến đời sống của những người đã trung tín theo Đức Kitô, chúng ta lại có thêm một lý do nữa để phấn khởi tìm kiếm Thành Thánh tương lai" (Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội, 50).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn trung tín với Chúa hơn bất cứ một ai hoặc một điều gì khác.

Suy niệm 5: Phấn khởi

Sự can đảm và hăng hái tuyên xưng đức tin của Thánh George đã đem lại niềm phấn khởi cho các Kitô Hữu thời ấy.

Xét về mặt đời, một con én không làm nên mùa xuân, nhưng xét về mặt thiêng liêng thì khác. Duy chỉ đời sống mẫu gương của thánh Georges trong việc tuyên xưng đức tin đã tạo nên nguồn phấn khích cho mọi Kitô Hữu thời ấy.

Cũng thế, duy chỉ một mình cậu trẻ Đavít can đảm tuyên chiến và hạ gục được tướng khổng lồ Gôliát cũng đem lại an bình cho cả toàn quân dân Ítraen, khiến các phụ nữ trong hết mọi thành ca hát nhảy múa mừng reo: “Vua Saun hạ được hàng ngàn, ông Đavít hàng vạn” (1Sm 18,6-7).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn can đảm sống tốt như đóa sen gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Suy niệm 6: Sùng kính

Nhiều bài hát và bài thơ đã được sáng tác về vị tử đạo này. Đặc biệt, các quân nhân là những người sùng kính Thánh George.

Vì Thánh George xuất thân từ quân đội nên các quân nhân sùng kính ngài với niềm vinh dự là điều dễ hiểu. Nhưng lý do mà Thánh George được sùng kính không phải vì là quận nhân mà nhất là vì đời sống mẫu gương về việc tuyên xưng đức tin.

Chính vì thế các Kitô Hữu thời ấy chứ không riêng gì các quân nhân đều phấn khởi khi thấy sự can đảm và hăng hái tuyên xưng đức tin của Thánh George. Nếu đã thế thì không chỉ các Kitô Hữu thời ấy mà ở mọi thời đều phải nêu cao mẫu gương ấy, do đó năm 494, Đức Giáo Hoàng Gelasius tuyên xưng ngài là một trong những người "mà tên tuổi thật xứng đáng để người đời kính trọng, và chứng từ tử đạo của ngài đang để dâng lên Thiên Chúa".

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thấu hiểu tâm ý của Tòa Thánh để luôn sùng kính Thánh George bằng việc sống theo gương sáng của ngài.

Teresa Nhỏ Bé
24-04-2012, 09:57 AM
Ngày 24-04


Thánh FIDELIS SIGMARINGEN
http://1.bp.blogspot.com/-imVJSrk1kqE/T5XvSV5IGQI/AAAAAAAANY0/Au1HxHl3er0/s1600/fidelissigmaringen.jpeg (http://1.bp.blogspot.com/-imVJSrk1kqE/T5XvSV5IGQI/AAAAAAAANY0/Au1HxHl3er0/s1600/fidelissigmaringen.jpeg)
(1578-1622)





Lược sử

Nếu có người nghèo cần đến quần áo, Thánh Fidelis thường lấy ngay quần áo của mình đang mặc mà chia sẻ cho họ. Sự hoàn toàn độ lượng là đặc tính của cuộc đời thánh nhân.

Sinh năm 1578 trong một gia đình giầu có ở Sigmaringen, Thánh Fidelis có tên gọi là Mark Rey, ngay từ nhỏ rõ ràng ngài đã có những khả năng đặc biệt. Sau khi được vinh dự nhận bằng tiến sĩ triết và luật tại Đại Học Freeburg, Mark Rey cùng với ba người bạn đi khắp Âu Châu trong vòng sáu năm. Ngài hành nghề luật sư, và các thân chủ đều mến mộ sự khôn ngoan và công chính của ngài. Nhưng dần dà ngài cảm thấy ghê tởm sự thối nát trong giới đồng nghiệp, và khi được hối lộ để kéo dài một vụ kiện ngài đã quyết định đi tu, gia nhập dòng Phanxicô và lấy tên Fidelis. Tài sản của ngài được chia cho người nghèo và nhà dòng.

Với quyết tâm rao giảng cho mọi người biết về đức tin chân thật, sau khi thụ phong linh mục, Cha Fidelis được phép hoạt động truyền giáo cho người Tin Lành, đó là một công việc đầy nguy hiểm trong thời ấy. Ngài chuẩn bị cho sứ vụ này bằng việc học hỏi, viết lách, cầu nguyện và hãm mình. Với những lời đầy nhiệt huyết ngài bài bác lạc thuyết của Calvin và Zwingli. Nhiều người Tin Lành cũng như người Công Giáo sa ngã đã trở về với đức tin Công Giáo.

Sau đó Cha Fidelis làm Giám Đốc của một tu viện và là nguồn khai sáng cho các tu sĩ với tinh thần chiêm niệm luôn bao trùm nhà dòng. Chính ngài và các thầy chăm sóc các quân nhân về thể xác cũng như tinh thần khiến các sĩ quan Tin Lành tức giận.

Có lần ngài nói với một linh mục bạn về hai điều ước của ngài; một là được ơn không bao giờ phạm tội trọng, và hai là được chết vì Đức Tin. Thiên Chúa đã nhận lời ngài.

Trong ba năm, ngài được Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XV sai đến Thetia hoạt động và ngài hoán cải rất nhiều người. Các giáo sĩ theo phái Calvin xách động dân chúng, và vào ngày 24 tháng Tư 1624, đó là lần rao giảng chót của Cha Fidelis. Khi ngài vừa lên toà giảng để nói về "Một Thiên Chúa, Một Đức Tin, Một Phép Rửa", đám đông la ó phản đối, họ lôi ngài ra khỏi nhà thờ và dùng gậy gộc đánh đập và dùng gươm đâm ngài chết.

Lời Bàn

Sự liên lỉ cầu nguyện của Thánh Fidelis đã giữ ngài luôn trung thành với Thiên Chúa và không nhượng bộ sự lãnh đạm và thờ ơ. Người ta thường nghe ngài nói, "Khốn cho tôi, nếu tôi chỉ là một người lính thiếu tận tâm phục vụ vị Thủ Lãnh đội mão gai." Sự cầu nguyện đối với sự thờ ơ, và sự lưu tâm đối với người nghèo đã khiến thánh nhân trở nên một gương mẫu có giá trị cho ngày nay. Giáo Hội thường kêu gọi chúng ta hãy noi gương người "luật sư của người nghèo" này bằng cách chia sẻ tài năng chúng ta với những người kém may mắn, và hoạt động cho sự công bằng của thế giới.


***
SUY NIỆM
(của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)




Suy niệm 1: Bác ái

Sự hoàn toàn độ lượng là đặc tính của cuộc đời thánh nhân.

Tinh thần độ lượng của Thánh Fidelis được biểu lộ trong nhiều việc, cụ thể nếu có người nghèo cần đến quần áo, ngài thường lấy ngay quần áo của mình đang mặc mà chia sẻ cho họ.

Vì độ lượng là đặc tính của cuộc đời thánh nhân, nên dầu là đang là tân tòng, thánh Martinô thành Turinô đã chia cắt phân nửa áo choàng đang mặc của mình cho người hành khất đang nằm rét run bên vệ đường giữa đêm đông giá lạnh.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con có một đức tin mạnh mẽ để nhận ra Chúa đang hiện diện nơi tha nhân hầu dễ dàng thực thi đức ái yêu người.

Suy niệm 2: Luật sư

Thánh Fidelis hành nghề luật sư, và các thân chủ đều mến mộ sự khôn ngoan và công chính của ngài.

Nhưng dần dà ngài cảm thấy ghê tởm sự thối nát trong giới đồng nghiệp, và khi được hối lộ để kéo dài một vụ kiện ngài đã quyết định đi tu, gia nhập dòng Phanxicô và lấy tên Fidelis.

Ngài quyết định rời bỏ nghề luật sư vì không phù hợp với đường hướng của Giáo Hội mà Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1971 nhắc lại: "Hành động vì sự công bằng và tham dự trong việc biến đổi thế gian thực sự là một yếu tố cơ bản trong việc rao giảng phúc âm hoặc, nói cách khác, trong sứ vụ của Giáo Hội để cứu chuộc loài người và giải thoát con người khỏi mọi áp bức" ("Sự Công Bằng Trong Thế Giới," Thượng Hội Đồng Giám Mục, 1971).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn noi gương người "luật sư của người nghèo" này bằng cách chia sẻ tài năng chúng con với những người kém may mắn, và hoạt động cho sự công bằng của thế giới.

Suy niệm 3: Cầu nguyện

Thánh Fidelis chuẩn bị cho sứ vụ truyền giáo cho người Tin Lành bằng việc học hỏi, viết lách, cầu nguyện và hãm mình.

Sự liên lỉ cầu nguyện của Thánh Fidelis đã giữ ngài luôn trung thành với Thiên Chúa và không nhượng bộ sự lãnh đạm và thờ ơ. Người ta thường nghe ngài nói: "Khốn cho tôi, nếu tôi chỉ là một người lính thiếu tận tâm phục vụ vị Thủ Lãnh đội mão gai."

Sự cầu nguyện đối với sự thờ ơ, và sự lưu tâm đối với người nghèo đã khiến nhiều người Tin Lành cũng như người Công Giáo sa ngã trở về với đức tin Công Giáo, nhờ đó thánh nhân trở nên một gương mẫu có giá trị cho ngày nay.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sử dụng lợi khí cầu nguyện để đứng vững trong đức tin và giúp người sai lạc trở về ràn chiên Chúa.

Suy niệm 4: Lạc thuyết Zwingli

Với những lời đầy nhiệt huyết Thánh Fidelis bài bác lạc thuyết của Calvin và Zwingli.

Zwingli chủ trương công chính hóa bằng nguyên đức tin nhưng dựa trên Thánh Ý Thiên Chúa. Ý Chúa được biểu hiện trong Thánh Kinh và được tự do giải thích dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Ngoài ra Zwingli còn từ chối Thánh Truyền và các luật lệ Giáo Hội cũng như đánh giá Tiệc Ly chỉ là một kỷ niệm, bánh thánh chỉ là tượng trưng.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con xác tín Hội Thánh duy nhất của Đức Kitô là Hội Thánh Công Giáo do vị kế nhiệm Phêrô và các giám mục hiệp thông với ngài điều khiển (Sách Giáo Lý số 816).

Suy niệm 5: Ước nguyện

Có lần Thánh Fidelis nói với một linh mục bạn về hai điều ước của ngài; một là được ơn không bao giờ phạm tội trọng, và hai là được chết vì Đức Tin. Thiên Chúa đã nhận lời ngài.

Liên quan đến việc phạm tội, thân mẫu của thánh Louis IX vua nước Pháp cũng có một ước nguyện được thể hiện trong việc thường nhắc nhở con mình: Mẹ thà thấy con chết trườc mặt mẹ còn hơn thấy con phạm tội.

Còn thánh trẻ Đaminh Saviô thì nuôi sống chí nguyện được bày tỏ trong quyết tâm: Thà chết chứ không thà phạm tội. Và dĩ nhiên quyết tâm này đã được hiện thực nơi bao vị anh hùng tử đạo dầu có thể các ngài đã chưa một lần nói ra thành lời.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con không nói nhưng sống mãi chí nguyện thà chết chứ không thà phạm tội.

Suy niệm 6: Chết khi hành sự

Khi Thánh Fidelis vừa lên toà giảng để nói về "Một Thiên Chúa, Một Đức Tin, Một Phép Rửa", đám đông la ó phản đối, họ lôi ngài ra khỏi nhà thờ và dùng gậy gộc đánh đập và dùng gươm đâm ngài chết.

Một trong hai ước nguyện của Thánh Fidelis là được chết vì đức tin, và ngài đã được nhận lời, trong khi thi hành sứ mạng rao truyền các chân lý đức tin trên tòa giảng.

Các giáo sĩ theo phái Calvin xách động dân chúng và đám đông la ó phản đối và giết chết ngài. Một tình cảnh tái diễn tương tự như Đức Giêsu cũng bị các đầu mục Dothái xúi giục quần chúng và họ đồng thanh xin quan Philatô tha Baraba và giết chết Ngài bằng bản án tử hình thập giá (Mt 27,20).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn kiên tâm thi hành bổn phận để cũng được chết khi hành sự.

Teresa Nhỏ Bé
29-04-2012, 11:33 AM
Ngày 29-04


Thánh CATARINA SIENA


http://1.bp.blogspot.com/-BhYlXJZthZ4/T5wOROkL7TI/AAAAAAAANkY/uzi8Hrae3f0/s1600/catherine.jpeg (http://1.bp.blogspot.com/-BhYlXJZthZ4/T5wOROkL7TI/AAAAAAAANkY/uzi8Hrae3f0/s1600/catherine.jpeg)



(1347-1380)


Lược sử

Trong cuộc đời ngắn ngủi, Thánh Catarina đặt trọng tâm vào việc hoàn toàn phó thác cho Đức Kitô. Điều đáng khâm phục về thánh nữ là ngài coi việc phó thác cho Chúa như một mục đích phải đạt được qua thời gian.

Thánh Catarina, tên thật là Catarina Benincasa, sinh ở Siena và là người con út trong một gia đình có 23 người con. Ngay từ khi 7 tuổi, cô đã dâng hiến tâm hồn cho Đức Kitô. Nơi cô sinh trưởng rất gần San Domenico, trung tâm truyền giáo của Dòng Đa Minh, và khi lớn lên cô bày tỏ ý muốn đi tu, nhưng gia đình lại muốn cô kết hôn. Để nói lên ý chí quyết liệt của mình, cô đã cắt tóc và sau cùng, với sự đồng ý của cha mẹ, Catarina gia nhập tổ chức Mantellate, là hội phụ nữ có liên hệ đến Dòng Đa Minh, họ mặc áo dòng nhưng sống ở nhà, phục vụ người nghèo và người đau yếu. Trong vòng 2 năm liên tiếp cô không bao giờ rời phòng, trừ khi đi xem lễ và xưng tội, và cũng không nói chuyện với một ai trừ cha giải tội. Trong thời gian này, Catarina luyện tập tâm linh qua lối sống khắc khổ.

Sau đó, cô tự phá vỡ đời sống cô độc và bắt đầu hăng say chia sẻ công việc trong nhà, săn sóc người bệnh và giúp đỡ người nghèo. Tuy nhiên cô vẫn dành thời giờ trong thinh lặng và chiêm niệm.

Dần dà, người ta nhận thấy dường như Catarina đọc được tâm hồn của họ và dân chúng thuộc đủ mọi thành phần -- giầu và nghèo, tu sĩ và giáo dân, thợ thuyền và lính tráng - bắt đầu tuốn đến với cô để được khuyên bảo. Từ đó một tổ chức tông đồ giáo dân được thành hình. Các lá thư của cô, hầu hết là các lời khuyên bảo tinh thần và khuyến khích các người mến mộ, ngày càng được công chúng đón nhận.

Vì sự hòa đồng với người đời một cách không sợ sệt cũng như lời nói bộc trực và uy quyền của một người hoàn toàn phó thác cho Chúa, Catarina đã bị dị nghị và dèm pha. Nhưng mọi điều cáo buộc cô đã bị bác bỏ trong Tổng Công Hội Dòng Đa Minh năm 1374.

Một vài tuần trước khi chết, cô đang cầu nguyện trước một bức khảm ở Đền Thánh Phêrô, cô trông thấy con thuyền của Thánh Phêrô dường như rời khỏi bức khảm và đậu trên vai của cô. Con thuyền xô cô ngã quỵ và người ta phải khiêng cô về nhà. Catarina hầu như bất toại cho đến khi từ trần, ngày 24 tháng Tư 1380, lúc ấy mới ba mươi ba tuổi.

Cô được Đức Giáo Hoàng Piô II phong thánh năm 1461, và được coi là một trong những vị thần nghiệm và văn sĩ linh đạo của Giáo Hội. Vào năm 1970, Đức Phaolô VI tuyên xưng thánh nữ là Tiến Sĩ Hội Thánh. Thánh Catarina là người phụ nữ thứ hai (sau Thánh Têrêsa ở Avila) được vinh dự này.

http://3.bp.blogspot.com/-J1GwokeZzxg/T5wOUB7_FVI/AAAAAAAANkg/7PZKJyYi17s/s1600/catherine01.jpeg (http://3.bp.blogspot.com/-J1GwokeZzxg/T5wOUB7_FVI/AAAAAAAANkg/7PZKJyYi17s/s1600/catherine01.jpeg)



Trong khi các thư của Thánh Catarina thường được coi là cửa ngõ để biết đến con người của ngài, nhưng người ta thường nhắc đến tác phẩm "Đối Thoại" mà ngài chỉ coi đó là "cuốn sách của tôi," gồm các lời giảng dạy của thánh nữ để lại cho các người mến mộ. Cha Raymond, vị linh hướng của thánh nữ cho biết tác phẩm này ghi lại những lời đối thoại với Thiên Chúa khi ngài ngất trí.

***
SUY NIỆM
(của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)


Suy niệm 1: Phó thác

Trong cuộc đời ngắn ngủi, Thánh Catarina đặt trọng tâm vào việc hoàn toàn phó thác cho Đức Kitô.

Một thực tế vẫn luôn được tiếp diễn trải qua bao thời đại và trên khắp thế giới, đó là một con người càng nhỏ bé đến mức như một hài nhi mới sinh hoàn toàn bất lực để rồi phải hoàn toàn phó thác vào cha mẹ thì nó lại càng được an toàn và đầy đủ.

Ngược lại giáo sử sơ khai cho hay nguyên tổ Adong và Evà vốn là thụ tạo của Thiên Chúa. Họ đang được hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc sung túc trong bàn tay chăm sóc chu đáo của Thiên Chúa toàn năng, thế nhưng họ đã đánh mất tất cả đến mức trần truồng, một khi họ đã muốn sống tự lập không còn muốn phụ thuộc và phó thác vào Thiên Chúa nữa.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con học gương thánh nữ để coi việc phó thác cho Chúa như một mục đích phải đạt được qua thời gian.

Suy niệm 2: Ý chí

Khi lớn lên Catarina bày tỏ ý muốn đi tu, nhưng gia đình lại muốn cô kết hôn.

Để nói lên ý chí quyết liệt của mình, cô đã cắt tóc và sau cùng, với sự đồng ý của cha mẹ, Catarina gia nhập tổ chức Mantellate, là hội phụ nữ có liên hệ đến Dòng Đa Minh, họ mặc áo dòng nhưng sống ở nhà, phục vụ người nghèo và người đau yếu.

Đức Giêsu cũng là nhân vật có ý chí kiên quyết nỗi bật. Thật vậy, mặc dầu biết rõ đi lên Giêrusalem là dấn bước vào tử lộ vì thế tông đồ Phêrô đã mạnh dạn lên tiếng cản ngăn (Mt 16,22), nhưng Đức Giêsu vẫn đi đầu tiến lên (Lc 19,28). Và trên đường thập giá, dầu phải ngã quỵ xuống đất ba lần nhưng Ngài vẫn gượng dậy và dũng cảm tiến lên đón nhận bản án tử hình.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn đứng vững, lòng không nao núng và làm chủ được ý chí của mình (1Cr 7,37).

Suy niệm 3: Khắc khổ

Catarina tu luyện tâm linh qua lối sống khắc khổ.

Lối sống khắc khổ của Catarina mang một sắc thái thật đặc biệt. Trong vòng 2 năm liên tiếp, cô không bao giờ rời phòng, trừ khi đi xem lễ và xưng tội, và cũng không nói chuyện với một ai trừ cha giải tội. Và rồi sau đó, cô tự phá vỡ đời sống cô độc và bắt đầu hăng say chia sẻ công việc trong nhà, săn sóc người bệnh và giúp đỡ người nghèo.

Sự khắc khổ của Đức Giêsu không chủ ở việc ăn châu chấu và uống mật ong rừng cũng như mặc áo lông lạc đà như một Gioan Tẩy Giả, nhưng chủ yếu ở việc phục vụ tha nhân theo các nhu cầu của họ không quản nhọc nhằn thậm chí hy sinh cả giờ ăn uống giờ ngủ nghỉ (Mc 1,32-33;3,20).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống khắc khổ theo hướng luôn tỉnh thức, để không sa vào chước cám dỗ ma quỷ hằng rình chực như sư tử ăn tươi nuốt sống chúng con (1Pr 5,8).

Suy niệm 4: Thinh lặng

Catarina vẫn dành thời giờ trong thinh lặng và chiêm niệm.

Thoạt đầu cô khai thác và phát huy sự thinh lặng ngoại giới bằng cách trong vòng 2 năm liên tiếp cô không bao giờ rời phòng, trừ khi đi xem lễ và xưng tội, và đồng thời cô cũng không nói chuyện với một ai trừ cha giải tội.

Từ sự thinh lặng ngoại tại, cô đã khám phá thấy một sự thinh lặng căn bản và quan trọng hơn nhiều, đó là sự thinh lặng nội tâm, vì với sự thinh lặng này, thì cô có thể ở bất cứ đâu chứ không hẵn phải ở trong phòng đóng kín thì vẫn sống kết hiệp với Chúa được, vì thế cô tự phá vỡ đời sống cô độc và bắt đầu hăng say chia sẻ công việc trong nhà, săn sóc người bệnh và giúp đỡ người nghèo.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luyện tập bằng được lối sống thinh lặng nội tâm, để có thể kết kiệp với Chúa ở bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào.

Suy niệm 5: Dèm pha

Vì sự hòa đồng với người đời một cách không sợ sệt cũng như lời nói bộc trực và uy quyền của một người hoàn toàn phó thác cho Chúa, Catarina đã bị dị nghị và dèm pha.

Cách tốt nhất để vượt qua và chiến thắng những lời thị phi, đó là kiên vững chứng minh giá trị năng lực của mình. Chính nhờ sống thế mà qua thời gian mọi điều cáo buộc cô đã bị bác bỏ trong Tổng Công Hội Dòng Đa Minh năm 1374.

Cô còn có ảnh hưởng rất lớn vì sự thánh thiện hiển nhiên, cũng như vì ảnh hưởng sâu đậm đối với đức giáo hoàng. Cô làm việc không biết mệt trong cuộc thập tự chinh chống với người Thổ Nhĩ Kỳ và trong việc hòa giải thành phố Florence với đức giáo hoàng.

Cô thành công trong việc thuyết phục Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XI trở về Rôma, nhưng không bao lâu đức giáo hoàng từ trần và Đức Urbanô VI lên ngôi. Khi cuộc Đại Ly Giáo bùng nổ, Đức Urbanô VI mời Catarina đến Rôma, vì đức giáo hoàng cần sự hỗ trợ của cô. Năm 1378, cô đến Rôma và thường xuyên viết thư gửi các nhà lãnh đạo quốc gia và Giáo Hội để bảo vệ cho quyền giáo hoàng của Đức Urbanô. Hàng ngày, cô đi bộ đến Đền Thánh Phêrô và cầu nguyện cho sự hiệp nhất.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con dũng cảm chấp nhận lối sống dầu bị người đời hiểu lầm đến mức cười chê và dèm pha chứ không bị Chúa chê cười.

Suy niệm 6: Ngất trí

Cha Raymond, vị linh hướng của thánh nữ cho biết tác phẩm này ghi lại những lời đối thoại với Thiên Chúa khi Catarina ngất trí.

Catarina chuyên chăm cầu nguyện và chiêm niệm đến mức ngất trí. Nhờ ngất trí mà một tác phẩm thời danh đã ra đời, đó là tác phẩm "Đối Thoại" mà ngài chỉ coi đó là "cuốn sách của tôi," gồm các lời giảng dạy của thánh nữ để lại cho các người mến mộ.

Một thị kiến cũng đã xảy ra. Catarina đang cầu nguyện trước một bức khảm ở Đền Thánh Phêrô, cô trông thấy con thuyền của Thánh Phêrô dường như rời khỏi bức khảm và đậu trên vai của cô. Con thuyền xô cô ngã quỵ và người ta phải khiêng cô về nhà.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chuyên chăm cầu nguyện và chiêm niệm với sự thinh lặng nội tâm, không để được ngất trí, nhưng để được cảm nghiệm hồng phúc được kết hiệp với Chúa.