PDA

View Full Version : Nơi chốn hẹn hò thơ mộng



JB. Sĩ Trọng
28-02-2012, 10:37 PM
Nhịp cầu mà tôi đi qua,


êm ái dịu dàng


Nhịp cầu cho tôi thổn thức,


ước mơ nồng nàn


Nhịp cầu tình tự, hò hẹn


dáng duyên…


Nơi gặp gỡ giữa tôi và Người


tôi yêu dấu.



***


Nhịp cầu ấy ai không đi đến thi làm sao biết được – nó nằm trên một chiếc cầu có những kỉ niệm dấu yêu. Có thể là những đêm trăng thanh gió mát, thỏ thẻ đôi lời tâm sự cùng Người yêu, ta đi qua nhịp cầu ấy. Có thể là khi trời tối mịt mù, ta đi qua nhịp cầu ấy bằng cảm xúc yêu đương của lòng mình. Có thể là khi bước chân trên con đường xa thăm thẳm, đi qua nhịp cầu ấy, ta lãnh nhận được một thứ áng sáng kỳ diệu. Những lúc ốm đau, đi qua nhịp cầu ấy, ta sẽ được ủi an. Cũng có thể là những lúc phong ba bão táp, hoàn cảnh khó khăn, ta đi qua nhịp cầu ấy bằng niềm vui hân hoan vì lòng tin ta có sẵn.

Dẫu có ai nở bỏ quên cũng nên nhớ viếng thăm nhịp cầu ấy, vì đó là nơi hò hẹn tình tứ nhất, thơ mộng nhất, “một chỗ để dừng chân yêu nhau trong ngày”. Ta đi qua nhịp cầu ấy trong mọi hoàn cảnh, trong mọi tình huống cuộc đời. Chiếc cầu có lúc nghiêng nghiêng soi bóng xuống dòng sông lấp lánh, có lúc chịu đựng bởi giông tố loạn cuồng nhưng vẫn hiên ngang đứng vững trên dòng sông duyên dáng và thầm lặng của tâm hồn.

Chiếc cầu ấy tên gọi là “Cầu nguyện” – Cầu nguyện để gặp gỡ chính Thiên Chúa Tình yêu. Cầu nguyên để gặp gỡ Thiên Chúa là người yêu ta. Cầu nguyện để được biết Thiên Chúa, để được gần gũi và liên hệ mật thiết với Ngài.
“Chiếc cầu là nơi hò hẹn để yêu nhau.” – Hình như có một ca khúc nào đó đã viết như vậy.

Cầu nguyện là lúc chúng ta hẹn hò, tâm sự và nói chuyện với Chúa. Chính Ngài sẽ lắng tai nghe chúng ta than thở nài xin, vì “khi hai hay ba người hiệp nhau vì danh Thầy thì có Thầy ở giữa họ.” – Lời Chúa Giê-su đã ứng nghiệm, đặc biệt nơi nhiều cộng đoàn cầu nguyện, mặc dầu sống xa Linh mục hằng ngàn cây số. Những nơi không có nhà thờ, nhà nguyện, nhưng vẫn hướng dẫn nhau cầu nguyện, kiên trì giữa gian nan, thử thách, nhất là những năm tháng khó khăn, đời sống tinh thần và tôn giáo bị bách hại.

Ai nói được mảnh lực của lời cầu nguyện? Ai tả hết vẻ đẹp ưu ái dáng duyên và thơ mộng của chiếc cầu thiêng liêng ấy? Chiếc cầu làm nảy sinh sức mạnh thần linh. Chiếc cầu nối những tâm hồn thánh thiện, sốt sắng, nhiệt thành như các Tông đồ và Đức Mẹ tại bàn Tiệc ly, phó thác như Chúa Giê-su tai vườn Giết-sê-ma-ni, quyết định như Môi-sê giang tay trên núi, được tha thứ như người trộm lành…

Chiếc cầu, trải qua năm tháng vẫn có người yêu lấy thủy chung, bắt nhịp bằng những thanh gỗ lớn của hy sinh thầm kín.
Thế gian sợ thinh lặng không muốn đi qua chiếc cầu ấy vì họ thấy mình trống rỗng, cô đơn. Nhưng người sống nội tâm, quý sự thinh lặng, thích đi qua chiếc cầu ấy, vì họ tìm thấy một thế giới mới mẻ, đẹp tươi, an bình.
Chúa Giê-su dạy: “Hãy tĩnh thức và cầu nguyện.” Ngài còn vạch ra cho các môn đệ một lối sống chân chất, giản dị, không cầu kỳ, không cần hình thức mà chỉ cần tâm tình phụ tử: “Khi cầu nguyện, hãy đi vào phòng đóng cửa lại, nói chuyện với Cha của con, và ở nơi chỗ kín nhiệm ấy, Cha con thấy mọi sự sẽ nghe lời con.” (Mt 6, 5-6).

Ai đi tìm bạn để an ủi, nâng đỡ khỏi cô đơn? Ai đi tìm người yêu để thấy rằng cuộc đời mình khỏi trống vắng? Sao không đi qua chiếc cầu ấy, sao không tìm người bạn chẳng bao giờ phản bội, và có thể ở với liên lỉ bất cứ lúc nào?

“Không có một manh mún nào trên mặt đất này không là nơi hò hẹn của những đôi nhân tình”, mỗi một giây phút sống là mỗi một giây phút đưa mình gần đến nơi hẹn hò với người mình yêu.

Từ Thượng Đế đến con người, từ đất lên trời, chỉ có Tình yêu là hợp lại được và tràn ngập tất cả.

Cầu nguyện – chiếc cầu giao cảm để chúng ta liên hệ mật thiết với Thiên Chúa Tình yêu. Ai cũng có thể đi qua chiếc cầu ấy, đến để hò hẹn và tâm sự với Người mình yêu.

JB. Sĩ Trọng.