PDA

View Full Version : Viết cho em: Luật vị nhân sinh



Hạt Mầm
14-05-2012, 04:32 PM
LUẬT VỊ NHÂN SINH

Hôm qua chở người bạn, cô ấy kể một câu chuyện nghe rất là tức cười! Nếu mà gặp phải ngoài đời, chắc Mầm cũng sẽ cười nức nẻ, thế nhưng, liệu nụ cười đó có thật sự là đúng? Mời ACE cùng cảm nghiệm câu chuyện sau, và cùng suy tư câu: Luật vi nhân sinh (xin tặng riêng cho người bạn của Mầm)!!! P.H.

http://1.bp.blogspot.com/-sqD9K5GpKfU/T3cPUMdWSfI/AAAAAAAAFfY/NtplKvqLshA/s320/khatvpngtuoitre-bahoa.jpg

EM.
Sáng nay tôi phải chứng kiến một cảnh tượng đau thương đến rơi lệ. Một em bé chừng sáu tuổi vừa đi vừa khóc. Khóc tức tưởi. Đi thất thểu như tên tử tội leo lên đoạn đầu đài. Một bầy con nít bu xung quanh vừa đi vừa hô: “Ỉa trong quần! Ỉa trong quần…!”. Cười ngặt nghẽo. Cười vô nhân đạo. Cười trên nỗi thống khổ của người khác.
Từ trên lầu tôi chạy vội xuống để tìm hiểu nông nỗi. Thì ra:
1.
Em là huynh trường Thiếu Nhi Thánh Thể. Em là giảng viên giáo lý của tôi. Bây giờ Em là giáo viên cấp một. Em giảng bài rất hấp dẫn. Em hướng dẫn sinh hoạt học đường cũng rất hay.
Hôm ấy Em đang giảng bài, thì một bé trai tiến lên khoanh tay tròn vo, cúi đầu, nói lí nhí trong miệng. Em hiểu ý, ra hiệu cho ra. Rồi đến lượt bé thứ hai… bé thứ ba… Miệng vẫn thao thao giảng bài, tay vẫn cứ làm hiệu cho các em đi ra… Một bầy thiên thần đứng trên bờ ao thi đua “xịt nước”. Có vài bé chẳng có nước để xịt.
Biết mình bị lừa. Em nổi giận, soạn ngay một khoản luật: “Để cô giảng bài tốt, để các em tiếp thu bài tốt, từ nay các em đi tiểu thì đi vào giờ chơi. Đã vô lớp rồi, thì tuyệt đối không ai đi tiểu nữa”.
Thế là luật ra đời. Luật vị nhân sinh. Từ ngày có luật, các em học nghiêm túc hơn.
2.
Nhưng sáng nay, khi Em vừa mới khai khẩu, thì một bé trai đến trước mặt Em, khoanh tay không tròn, giọng run run:
- Cô cho em đi cầu.
- Về chỗ, giỡn mặt! Đi cầu, đi tiểu thì đi vào giờ chơi. Vô lớp rồi thì tuyệt đối không đi tiểu nữa. Cô mới ra luật mấy bữa nay, mà hôm nay đã quên rồi.
Em hít thở vài hơi để dằn cơn giận, cơn giận của người lãnh đạo bị người cấp dưới giỡn mặt. Em lại giảng bài. Em lại thao thao… Bỗng có rối loạn ở cuối lớp. Các nhí lấy tay bịt mũi cười hí hí. Em đỏ mặt, đập bàn, la hét một cách giận giữ:
- Im ngay!
- Hí hí…
- Im không?
- Hí hí… Thưa cô, bạn Xi ỉa trong quần.
- Các em đi về hết!
Cả lớp ùn ùn ra về. Sung sướng như được ăn kẹo. Một cuộc biểu tình vô tổ chức đã hình thành. Cả lớp bu quanh bé Xi, hộ tống bé Xi về nhà y như công an đưa tử tội ra pháp trường… còn Em thì gục đầu xuống bàn, khóc hậm hực. Khóc cho đã, rồi Em lủi thủi qua nhà tôi mượn cái xô, xin xô nước, trở về lớp học, chùi rửa một mình…
EM.
Em lãnh đạo hai mươi chín công dân tí hon. Em ra luật. Đó là quyền lập pháp. Em áp dụng luật. Đó là quuyền tư pháp. Em đuổi cả lớp ra về không cần tham chiếu nội qui của nhà trường. Đó là cai trị theo sắc lệnh. Bé Xi bị cả lớp ăn hiếp và lăng nhục, Em không hề biết đến, vì Em bận khóc. Đó là lãnh đạo bất lực và vô trách nhiệm.
Em ơi! Hãy cùng tôi duyệt lại sự cố. Em có trách nhiệm trực tiếp, còn tôi thì là liên can .
1. Em đã ra luật, vì lợi ích của các em học sinh. Em làm đúng. Kết quả là các em học tốt hơn. Nhưng ở dưới gầm trời này chẳng có gì là tuyệt đối cả; chẳng có luật nào là tuyệt đối không thay đổi. Luật đúng là luật ứng dụng theo tình huống, để giữ mãi được mục đích cảu luật là lợi ích cho cá nhân và tập thể. Luật của Em phải thay đổi để ứng dụng theo hoàn cảnh của bé Xi. Bé Xi lỡ ăn vọp luộc vào bữa tối hôm trước. Theo qui luật của thiên nhiên, bé phải đau bụng, bé phải đi cầu một cách không bình thường. Em chỉ biết luật Em. Em quên luật của thiên nhiên và không thèm tìm hiểu hoàn cảnh của bé Xi. Em đã thi hành luật một cách sai lầm. Hậu quả tai hại khôn lường!… Bao lâu còn làm người tương đối, Em đừng bao giờ sử dụng từ ngữ tuyệt đối, nếu không: hậu quả cũng sẽ khôn lường!
2. Trẻ em là thiên thần. Nhưng trong thiên thần đã có mầm mống của qủy ác. Lỡ cho… ra quần là một hành vi hoàn toàn vô tội, nhưng xấu hổ vô cùng, xấu hổ hơn là phạm pháp. Hành vi này phải được cả loài người thông cảm, thương xót và làm bộ không biết. Thế mà bé Xi đã bị các bạn lôi ra tập thể, dày vò, nhục mạ một cách vô tội vạ. Càng dày vò, càng vui. Càng nhục mạ, càng sướng. Vô nhân đạo đến thế là cùng! Các nhà giáo dục gọi cái đó là sự tàn ác của tuổi thơ. Bé Xi bị nhục mạ một cách bất công. Bé Xi là nạn nhân của một bầy qủy sứ. Bé Xi cũng là nạn nhân của Em. Em hãy can đảm lãnh lấy trách nhiệm và ý thức rằng sứ mạng nhà giáo của Em lớn lao và nặng nề biết chừng nào!
3. Em lủi thủi làm vệ sinh một mình. Chua quá! Vừa tủi vừa hận. Nhưng tủi làm chi, hận làm gì? Phải cho sáng nay Em đừng nóng nảy, đừng đỏ mặt tía tai, đừng đập bàn đập bảng, Em sẽ thấy được lẽ phải của bé Xi, Em sẽ tránh được bao điều vô ích và tai hại. Bây giờ thì hối nhi bất cập. Ôi lòng tự ái của lãnh đạo! Ôi lònh tự cao của các đấng bề trên! Ôi sai lầm của quyền bính! Thật là khôn lường!
4. Làm cô giáo mà phải hốt c… học trò. Em thấy nhục quá. Nhục thật đấy, những cũng vừa. Đó là Em đền tội, mà đền chưa hết tội đâu. Tôi xin Em làm thêm hai việc đền tội nữa.
4.1 – Em hãy yêu thương Xi thật nhiều, nhiều hơn bao giờ. Yêu Xi để xoá mờ mặc cảm bị xã hội loài người hắt hủi. Kỷ niệm xấu hổ và nhục nhã này đã in hằn vào tâm thức của Xi. Nếu không xoá đi, Xi sẽ mặc cẳm tự ti, hận đời và sống cô đơn suốt quãng đời còn lại .
4.2 – Cả tập thể xây dựng hạnh phúc trên nỗi khổ của một cá nhân, đó là một trọng tội. Các em vô tình, vô tri, nên vô tội. Nhưng hành động như thế cần phải được cấm đoán. Hình ảnh bạo lực như thế phải được xoá mờ khỏi ký ức các em để tránh những tội ác khủng khiếp sẽ xảy ra vào khoảng mười năm sau.
Chào Em.
Lm. Piô Ngô Phúc Hậu


Nguồn: dunglac.org

thuynguyen_gk
14-05-2012, 08:58 PM
" Cả tập thể xây dựng hạnh phúc trên nỗi khổ của một cá nhân, đó là một trọng tội. Các em vô tình, vô tri, nên vô tội. Nhưng hành động như thế cần phải được cấm đoán. Hình ảnh bạo lực như thế phải được xoá mờ khỏi ký ức các em để tránh những tội ác khủng khiếp sẽ xảy ra vào khoảng mười năm sau."
Câu kết rất hay và ý nghĩa nhưng ai sẽ đứng ra để chịu trách nhiệm và cấm đoán những việc tương tự như thế liệu chuyện của các em nhỏ này sang ngày hôm sau, tuần sau , tháng sau, năm sau và mười năm nữa ai sẽ nhớ đây?
Vẫn biết đó là chuyện kinh khủng xảy đến với em nhỏ nhưng ai sẽ đứng ra để phân xử và giải hòa và quy cho ra cùng là lỗi của người lớn.
Chúng ta nên suy nghĩ về cách hành động của chúng ta chăng ?