PDA

View Full Version : Viết cho em: Đàn bà là cái gông



Hạt Mầm
25-06-2012, 05:20 AM
ĐÀN BÀ LÀ CÁI GÔNG

"Đó là phụ nữ. Đó là vợ Em. Đó là món quà Chúa gói và tặng Em. Hãy lần mở và biết ơn." Hãy yêu quí nàng Em nhé!!! P.H.


http://socola.vn/photos/Image/2008/Thang12/29/18-01.jpg
Em.
Mồng ba tết, Em về họp nhóm, nhóm tu sĩ ế. Em giành micrô, háo hức chia sẻ kinh nghiệm của hai năm làm chồng. Em được bạn khen là người chồng tương đối nghiêm túc. Vợ Em mỉm cười chuẩn nhận. Nhưng trong chỗ riêng tư, Em lại thở dài với tôi: “Đàn bà là cái gông, đàn ông là cái cẳng”. Hỏi tại sao, thì Em trả lời: “Lấy vợ, tự bản chất là mất tự do, là đưa cẳng vào gông. Cẳng nhỏ chừng nào bớt đau chừng ấy…”
Em.
Em bi quan đến thế sao? Tôi biết rằng người ta đã nói rất nhiều về đàn bà, thường là nói xấu. Có một triết gia Ả Rập gọi đàn bà là cái bẫy ông Trời giương lên để trừng trị những thằng đàn ông…kêu ngạo. Thậm chí có người còn gọi đàn bà là sinh vật trung gian giữa đàn ông và con thú. Kệ, đó là quyền tự do ngôn luận. Nhưng tôi vẫn muốn lý giải lập trường của Em về đàn bà.
1. Em sinh ra trong một gia đình chỉ có con trai. Mẹ Em là một người phụ nữ rất giàu nghị lực và rất nghiêm khắc trong lãnh vực đạo đức. Cha Em thì hề hà, thế nào cũng được. Do đó Em không hiểu biết nhiều lắm về tâm lý phụ nữ. Phụ nữ chỉ là mẹ Em, một cái gông kỷ luật mà cả nhà phải tùng phục. Ngoan ngoãn tùng phục, thì cả nhà êm ả, hạnh phúc. Cưỡng lại ý của mẹ Em, thì bà sẽ nghiến cho đến khi phải đầu hàng.
Cũng chính vì thế mà Em có ý định đi tu. Hết lớp mười hai. Em đăng ký dự tu để chờ Chủng Viện chiêu sinh, nhưng Em không gặp may mắn. Cả hai lần chiêu sinh Em đều bị Chánh Quyền Tỉnh khước từ. Thế là đi boong bốn năm. Mẹ Em giận lẫy, bắt Em lấy vợ. Em không dám cãi mẹ. Nhưng may mắn quá. Em lấy được một cô vợ xinh và rất dễ thương. Nhưng dễ thương rồi lại không dễ thương, vì Em chẳng hiểu nàng là gì và muốn gì. Em rất muốn hiểu và làm vui lòng vợ, nhưng khó quá và khổ quá! Dù khó dù khổ Em vẫn là một người chồng gương mẫu. Chế độ giáo dục của mẹ đã tạo Em nên một người đàn ông như thế. Là người chồng gương mẫu, nhưng Em vẫn thở dài não ruột!
2. Em không hiểu vợ Em là gì và muốn gì. Chính vì thế mà Em phải khổ. Nếu Thượng Đế sáng tạo người nam rõ ràng và minh bạch như một công thức toán học, thì Ngài cũng sáng tạo nên người nữ, một thụ tạo ỡm ờ và úp mở để người nam phải lần mò đi tìm. Em hãy nghe Ngọc Lễ ca: “Con gái nói có là không. Con gái nói không là có”. Người phụ nữ không thích diễn tả tâm tư bằng ngôn ngữ toán học, nhưng bằng ánh mắt và giọng nói. Ngôn ngữ thì lấp lửng, nhưng giọng nói và ánh mắt thì rất rõ. “Hãy nhìn vào đôi mắt Em đây. Hãy nhìn vào tận trái tim này”. Ngôn ngữ chỉ là hư không. Ánh mắt và giọng nói mới thật là linh hồn. Vậy đó!
Em hãy nghiệm lại coi. Trên cơ thể của vợ Em không có đường thẳng mà chỉ có đường cong. Thể khối không vuông vức mà chỉ tròn trịa. Ánh mắt của nàng không chiếu thẳng mà chỉ liếc xéo, vì đường xiên xéo sẽ gửi đi được nhiều tín hiệu. Nàng không ưa nói thẳng nhưng lại thích nói bóng gió xa xôi, nói xiên nói xéo. Xa xôi mới thấm. Xiên xéo mới đau. Đó là phụ nữ. Đó là vợ Em. Đó là món quà Chúa gói và tặng Em. Hãy lần mở và biết ơn.
3. Em bảo: “Lấy vợ, tự bản chất là mất tự do”. Sự thật thì chẳng ai trong chúng ta có tự do tuyệt đối. Tự do nào cũng bị khống chế bởi không gian và thời gian. Nói đúng ra thì chẳng ai trong chúng ta nên có tự do tuyệt đối. Tự do tuyệt đối của người này sẽ hủy tự do tương đối của người kia. Em lấy vợ, tự do của Em bị cắt tỉa chứ không bị tiêu diệt. Nói cho ngay, tôi cầu mong vợ Em siết tự do của Em lại, vì:
3.1. Ông cha chúng ta phải tự thú: “Trai thì năm thê bẩy thiếp”. Nếu không cầm chân Em, thì gia đình phải nát tan. Tôi biết có một người đàn ông có nhiều tự do. Ông có ba bà vợ. Ghen tuông, hờn dỗi thường xuyên nổ ra trong gia đình. Ông cứ tỉnh bơ tuyên bố xanh rờn: “Tình tôi như đại dương. Đại dương thì phải có nhiều cá. Bà nào cũng thương, thương nhiều như nhau, ai chịu thì ở, ai không chịu thì cứ đi. Nhưng cá đi đâu thì cũng trong đại dương thôi". Ngụy biện!
3.2- Đàn ông hay chơi ngông, thích bốc đồng, thích chơi xả láng, hối thì bất cập. Nhờ vợ kiềm chế, biết bao nhiều người đàn ông thoát nạn lao lý.
3.3- Đàn ông thích chơi hoang, ăn xài phung phí. Đàn bà thì ngược lại. Em hãy quan sát một đám thiếu nhi liên hoan mừng rước lễ lần đầu hoặc thêm sức. Mỗi em cầm trong tay một cái bánh bông lan. Con trai nhét hết vào miệng, ăn nhồm nhoàm. Con gái thì nhéo từng tí, nhấm nháp từng chút. Sợ hết. Tánh hoang phí của chồng cộng với tánh hà tiện của vợ, chia đôi, thế là vừa. Bớt tự do chỉ là bớt hoang phí. Đừng tiếc.
3.4- Trong giáo dục, đàn ông thích độc tài và áp đặt, sẵn sàng dùng kỷ luật để đạt mục tiêu. Đàn bà dùng nhẫn nại không nỡ gây đau khổ cho con cái (mẹ Em là trường hợp ngoại lệ). Thế là có tranh chấp. Chồng phải lùi một bước. Như vậy là vừa. Đừng than.
EM.
Rất nhiều người đàn ông đến than thở với tôi: “Không thể hiểu được đàn bà”. Rất nhiều người đàn bà đến rên rỉ với tôi: “Đàn ông độc tài chịu không nổi”. Tất cả đều đúng. Tất cả đều sai. Tất cả chỉ vì đàn ông không phải là đàn bà. Tất cả chỉ vì đàn bà, đàn ông hay chuyện vợ chồng không do loài người tự biên tự diễn, nhưng là kế hoạch sáng tạo của Thượng Đế. Mà đàn ông và đàn bà chỉ là người thực hiện.
Em hãy nhận định như thế. Em hãy sống bên vợ, nhìn ngắm và tìm hiểu vợ như một nhà thiên văn nhìn ngắm các vì sao. Em hãy tìm tòi và lục lọi đời sống của vợ giống như người thợ sửa đồng hồ tìm những linh kiện cần thiết mà mình đang thiếu.
Thượng Đế không sáng tạo nên phụ nữ để làm khổ Em, nhưng để làm hoàn hảo một công trình dang dở ấy. Một khi Em nhìn thấy một điều khó hiểu trong người đàn bà vợ Em; thì Em hãy ngước mắt lên trời và hỏi: “Chúa muốn gì đây?”. Câu trả lời sẽ từ Thượng Đế mà ra.


Lm. Pio Ngô Phúc Hậu

Nguồn: dunglac,org