PDA

View Full Version : Hôn Nhân Khác Tôn Giáo



Mart.TanNguyen
27-06-2012, 11:15 PM
Hôn Nhân Khác Tôn Giáo : Đôi Điều Cần Suy Nghĩ

Bài viết này, xin được có cái nhìn ở một góc độ khác - cái nhìn của xã hội, về một vấn đề gai góc: Hôn nhân khác tôn giáo. Đó là một trong những đề tài gây nhiều tranh cãi, và đôi khi là nguyên nhân của những bi kịch.



Đặc điểm của Công giáo tại Việt Nam:

Có khoảng gần 6 triệu người

Mặc dù chưa tới 10% dân số, nhưng Công giáo có ảnh hưởng rất lớn ở VN (gọi nôm na là "mạnh"), vì những đặc điểm:

- Sự thống nhất: Công giáo mà một tổ chức chặt chẽ, đoàn kết và có phân cấp hệ thống rõ ràng, đứng đầu là vị cha chung là Đức Giáo Hoàng ở Vatican. Công giáo có hệ thống sổ sách rất là hoàn thiện (chính quyền còn thua xa), ghi chép đầy đủ thông tin từng tín hữu từ lúc mới rửa tội đến khi qua đời.

- Niềm tin mãnh liệt: ngày xưa, nhiều người Công giáo chịu chết vì không chịu làm một công việc tưởng như quá đơn giản: bước qua thánh giá! Ngày nay, trên mọi giấy tờ (hộ khẩu, thẻ căn cước, đơn xin việc…), rất hiếm khi mục "tôn giáo" bị bỏ trống hoặc ghi "không". Đối với người Công giáo, chối đạo là tội trọng. Người Công giáo có thể tốt hay xấu, hiền hay dữ, chăm hoặc lười, nhưng không hề có ý nghĩ bỏ đạo. Truyền giáo cũng là một nhiệm vụ của người Công giáo.

Qua vài đặc điểm (chưa đầy đủ lắm) ở trên, dễ thấy rằng trong những cuộc Hôn nhân khác tôn giáo, người ngoại đạo theo Công giáo thì có nhiều, mà rất hiếm khi có chuyện ngược lại. Điều này gây nên những phản ứng khá gay gắt trong xã hội VN. Với quan niệm "Thuyền theo lái, gái theo chồng", nếu như việc theo đạo của người vợ dễ dàng bao nhiêu, thì đối với người chồng, càng khó khăn bấy nhiêu.

Trong những đôi Hôn nhân khác tôn giáo hiện nay, xin tạm chia thành 4 trường hợp :

1- Cả 2 cùng theo đạo.

2- Cả 2 cùng bỏ đạo.

3- Đạo ai nấy giữ.

4- Theo đạo cơ hội.

Trường hợp 1: Cả 2 cùng theo đạo.

Không thể nói gì ngoài 2 chữ: Tuyệt Vời! Tuyệt vời ở đây không có nghĩa là giàu có hay sung sướng. Mà vì ít ra họ không có những xung đột về tôn giáo. Họ tự nguyện vâng theo điều luật tối thượng của Chúa Giêsu: "Sự gì Thiên Chúa kết hợp, loài người không được phân ly!" Con cái họ mặc nhiên cũng là người Công giáo, không có gì bàn cãi.

Trường hợp 2: Cả 2 cùng bỏ đạo.

Trường hợp này hay rơi vào người Công giáo khá yếu đuối cả mặt đạo lẫn khả năng tự chủ, tự sinh tồn. Do lệ thuộc hoàn toàn vào người bạn đời khác tôn giáo và cương quyết bắt buộc bạn đời bỏ đạo, họ đành phải chấp nhận. Không thể nói những đôi này không hạnh phúc, ít nhất là về mặt xã hội. Tuy nhiên, ở góc khuất nào đó trong tâm hồn, người bỏ đạo luôn bị cắn rứt, nhất là khi về già. Rất nhiều trường hợp, trước khi lìa đời, họ ăn năn xin trở lại đạo. Họ nhận các phép bí tích, và ra đi thanh thản trong Chúa, để bao nhiêu lộn xộn cho người ở lại, vì không biết sẽ lo hậu sự kiểu gì?

Trường hợp 3: Đạo ai nấy giữ.

Trường hợp này hay rơi vào các đôi hôn nhân là người trí thức, có địa vị trong xã hội. Người trí thức học nhiều, lịch sự, trọng lời hứa, nhưng cũng rất cố chấp, không dễ gì lung lạc. Giải pháp tốt nhất mà họ thường chọn là đạo ai nấy giữ, không ai xâm phạm vào chuyện tôn giáo của ai. Giữa họ luôn có một khoảng cách vô hình, khoảng cách đó càng rộng khi họ có con, và không biết cho bọn trẻ theo bên nào.

Trường hợp 4: Theo đạo cơ hội.

Lạy Chúa là Chúa trời tôi,
Tôi lấy được vợ, tôi… thôi nhà thờ!

Với những đôi này, theo đạo chỉ là một cách đối phó. Sau đó, không những họ không giữ đạo, mà còn xúc phạm, ngăn cấm bạn đời giữ đạo. Ở những đôi này, ly dị cũng thường xảy ra, vì bản thân người theo đạo cơ hội không kính sợ Chúa, thì cũng chẳng ngán gì luật đạo. Cũng có nhiều trường hợp, họ trở lại đạo mà ngày trước họ cho là cơ hội, nhưng điều đó phụ thuộc rất nhiều vào đạo đức và sự hy sinh của người bạn đời.

Các bạn thân mến,

Hôn nhân hạnh phúc là điều ai cũng mong muốn. Nhưng đôi khi, có những điều vượt qua khỏi khả năng mà chúng ta không lường trước được. Nhìn thẳng vào vấn đề, để quyết định nên vượt hay nên tránh? Tất cả tùy ở các bạn. Hãy tỉnh thức và cầu nguyện!

Nguồn: Bạn trẻ Công Giáo - Facebook