PDA

View Full Version : Khuôn Vàng Thước Ngọc



Padre Paolo
06-11-2010, 06:38 AM
“Mọi điều các ngươi muốn được người ta làm cho mình thì cũng hãy làm cho người ta như thế” (Mt 7:12). Câu nói này thường được coi như là Luật Vàng (Golden Rule) hay Khuôn Vàng Thước Ngọc để hướng dẫn hành động con người. Nhưng rất tiếc là ít khi được bàn đến. Cho dù ta có đảo lộn câu văn như thế nào đí nữa, thí dụ như “Đừng làm cho người khác những gì bạn không muốn họ làm cho bạn,” hoặc “Hãy cư xử với người khác như bạn muốn họ cư xử với bạn,” thì nó cũng chỉ có một chủ ý là dạy con người biết để ý đến cung cách mà họ muốn được đối sử và đối xứ với người khác như vậy. Đáng lẽ khoản luật này cần phải thuộc về mọi cuộc bàn thảo về nhân đức, nhưng trong thực tế thì lại không được như thế.

Khuôn Vàng Thước Ngọc này chưa bao giờ được áp dụng trên bình diện phổ quát. Có bao giờ các bạn tự hỏi là thế giới sẽ khác biệt thế nào nếu những lời Khuôn Vàng Thước Ngọc này được áp dụng cách phổ quát không? Toản thiết nghĩ nếu các quốc gia áp dụng thì thế giới sẽ không có chiến tranh và đói khổ. Nếu mọi cá nhân thi hành thì xã hội sẽ không có tội ác, không có ly dị, ngoại tình, phá thai, sát nhân, những chuyện xì xèo và nhiều điều không hay khác. Ỷ tưởng này phần nào làm cho ta phải ngừng lại mà suy nghĩ.

Để có thể áp dụng Khuôn Vàng Thước Ngọc này đòi chúng ta phải gạt bỏ mọi liên hệ với sự dữ, sự nóng giận và dục vọng. Điều này không phải là dễ. Có thể nói Luật Khuôn Vàng Thước Ngọc là một hình thức thêm thánh giá vào những mối tương quan của con người. Nó đòi phải có sự hy sinh. Xét cho đúng thì Luật Khuôn Vàng Thước Ngọc không có công bằng. Nó vượt quá sự công bằng bởi vì nó kêu mời con người phải cư xử với tha nhân với một mức độ vượt trên sự công băng đòi hỏi. Chúng ta không được cư xử với tha nhân như họ đáng được cư xử.

Xét trên bình diện phổ quát thì ý tưởng này chưa bao giờ được thi hành, vì thế mà mọi dân mọi nước đều còn phấn đấu. Khuôn Vàng Thước Ngọc này không chỉ dành riêng cho Kitô hữu, nhưng là cho mọi người. Tư tưởng hoặc hình thức của Luật Khuôn Vàng Thước Ngọc này cũng được tìm thấy trong Do-thái giáo, Triết Hy-lạp, Hồi giáo, và những giáo phái tại Trung Hoa. Nó là một ơn gọi cao cả. Sở dĩ nó ít được bàn tới là vì nó rất khó để thi hành.

Nhìn vào thế giới ngày này ta thấy có rất nhiều người sống giả hình. Toản không có ý nói giả hình nhất thời, bởi vì ai cũng có đôi ba lần sống giả hình trong cuộc đời. Toản có ý nói đến những người sống giả hình trường kỳ, ngày này qua ngày nọ. Những người giả hình này không ý thức được là mình đang sống giả hình. Họ không bao giờ nghĩ về những điều họ nói hoặc cung cách cư xử của họ, hay những điều họ nói và làm không ăn khớp với nhau. Những kẻ giả hình trường kỳ vĩ đại nhất là những kẻ bề ngoài sẵn sàng tán thành ý tưởng này, nhưng trong thực hành thì làm ngược lại.

Hãy đối xử với tha nhân như mình muốn được đối xử. Thật là một ý tưởng cao vời. Dĩ nhiên sẽ có nhiều người hưởng ứng ỷ tưởng này. Tuy nhiên, không phải ai cũng hưởng ứng. Lúc nào cũng có những người khi nghe nói đến Luật Khuôn Vàng Thước Ngọc sẽ nói, “Thôi, những người khác không đáng được cư xử như tôi muốn được cư xử.” Những người này muốn được cư xử ân cần hơn người khác. Trên nguyên tắc, chúng ta dễ dàng coi thường những người này, nhưng đôi lúc họ cũng đáng được sự kính trọng vì tuy họ ích kỷ, nhưng họ thật thà vì xét theo tự nhiên thì cũng có những người không đáng được cư xử như họ.

Rất nhiều người nhận là mình sống theo tinh thần của Luật Khuôn Vàng Thước Ngọc, nhưng lại chẳng bao giờ dừng bước để tìm hiểu ý nghĩa đích thực của nó trong cuộc sống thường nhật. Đối xử với tha nhân như mình muốn được đối xử. Thật là một ý tưởng đơn giản.

Nếu ai nhận mình sống theo Luật Khuôn Vàng Thước Ngọc, đây là một vài thái độ mà chúng ta có thể nhận ra là mình không sống đúng với điều mình xác tín. Hay nói cách khác, nếu chúng ta thường có những thái độ sau đây thì chúng ta là người sống giả hình trường kỳ:


Dùng những lời nói đùa để mắng khéo người khác. Nói bóng nói gió có chỗ của nó, nhưng không thể sử dụng chúng như là một lời nói đùa để trách móc.
Khi người khác cho biết là những lời trên đã làm đau lòng họ thì chúng ta lại nói là họ không biết đón nhận một lời nói đùa. Thay vì chữa mình như thế thì điều nên làm là xin lỗi.
Cướp thời gian, quyền lợi, danh tiếng của tha nhân.
Hay thắc mắc, bàn tán về cách sống, cách ăn mặc, và cách suy nghĩ của tha nhân với ý chính đốn họ. Hay bàn tán về cuộc sống và hành động của những người chúng quanh. Thay vì khó chịu với sự khác biệt của tha nhân, ta nên đón nhận sự khác biệt của nhau và không nên suy phán.
Và còn nhiều thí dụ khác không cần nêu lên đây thì các bạn cũng hiểu.
Đây chỉ là áp dụng Luật Khuôn Vàng Thước Ngọc cho mọi thành phần trong xã hội bất kỳ Kitô hữu hoặc không phải Kitô hữu. Thiết nghĩ, một Kitô hữu Công Giáo, hơn nữa là một môn đệ của Chúa Kitô, Luật Khuôn Vàng Thước Ngọc này cần phải được áp dụng một cách cao cả và nghiêm trọng hơn nữa.

“Vậy mọi điều các người muốn được người ta làm cho mình thì cũng hãy làm cho người ta hư thế” (Mt 12:7) Như Toản đã nói lúc đầu, thi hành đúng tinh thần của Luật Khuôn Vàng Thước Ngọc không phải là dễ. Luật Khuôn Vàng Thước Ngọc là một hình thức thêm thánh giá vào những mối tương quan của con người. Nó buộc phải có sự hy sinh vì xét cho đúng thì nó không có sự công bằng. Nó vượt quá sự công bằng bởi vì nó kêu mời con người phải cư xử với tha nhân với một mức độ vượt trên sự công băng đòi hỏi. Chúng ta không được cư xử với tha nhân như họ đáng được cư xử. Vì nếu mình cư xử với họ như họ cư xử với mình thì chẳng có gì là đặc biệt. Ví dụ, họ cho mình một đồng thì mình cho lại một đồng hoặc họ vả má phải thì mình vả lại má trái. Hay nói như thí dụ trong Tin Mừng, khi dọn tiệc mình chỉ mời những người sẽ mời mình lại thì chẳng công ích gì. Vì theo Chúa thì những người Biệt Phái và Pharisêu cũng làm được như thế.

Trong Bữa Tiệc Ly Chúa Giêsu nói, “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Gn 13:34-35).

Phải chăng chúng ta là môn đệ của Chúa Kitô vì chúng đã được rửa tội? Chịu Phép Rửa không bảo đảm cho chúng ta tước hiệu là môn đệ đích thực của Chúa Giêsu. Điều kiện duy nhất để tỏ ra chúng ta là môn đệ đích thực của Chúa Giêsu là, “nếu anh em yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” Chỉ một số giờ trước khi chịu chết và chỉ trong bầu khí thân mật với một số môn đệ được tuyển chọn Chúa Kitô mới thêm chi tiết mới này. Trước đó Chúa Giêsu chỉ dạy, “Hãy yêu tha nhân như chính mình ngươi” (Mt 19:9b). Hay nói cách khác, “Hãy làm cho người khác những gi mình muốn người khác làm cho mình” hoặc “Hãy cư xử vối tha nhân như mình muốn được cư xử.” Chúng ta hãy nhớ lại bối cảnh khi Chúa nói câu này. Lúc đó Chúa Giêsu đang nới với bọn Pharisêu và Biệt Phái cũng như dân ngoại. Nhưng trong Bữa Tiệc Ly khi nói với các môn đệ, những người Ngài chọn cách riêng, Ngài cho biết ý nghĩa trọn vẹn của Luật Khuôn Vàng Thước Ngọc.

“Như Thầy đã yêu anh em.” Đây chính là mức độ thi hành Luật Khuôn Vàng Thước Ngọc của những người được Chúa Giêsu tuyển chọn cách đặc biệt. Chúng ta phải yêu thương tha nhân không chỉ như chúng ta yêu thương chính mình, bởi vì chúng ta có thể làm như thể với động lực ích kỷ. Thay vào đó thì ta phải yêu thương tha nhân như Chúa đã yêu thương chúng ta. Đây chính là dấu đặc biệt của một môn đệ đích thực của Chúa Kitô.

Chúa Kitô đã yêu chúng ta như thê nào? Khi Chúa tụ tập các môn đệ quanh bàn Tiệc Ly để trao cho các ngài giới răn mới thì chỉ còn một thời gian ngắn trước khi Ngài chịu đóng đinh và chịu chết trên cây thập tự. Ngài biết cái chết đang chờ đợi Ngài và Ngài không muốn cho các môn đệ nghi ngờ hoặc hiểu lầm về cái chết Ngài sắp chịu nên Ngài nói, “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Gn 15:13). Khi nói xong mức độ yêu thương này thì Ngài rời khỏi phòng Tiệc Ly và tiến về đồi Canvê.

Đồi Canvê chính là mức độ tình yêu mà Chúa Kitô dành cho chúng ta. Chúa Kitô đến để dạy cho ta phải yêu như thế nào và cho ta thấy gương cao cả của tình yêu là chịu đóng đinh trên thập giá. Mức độ yêu thương tách biệt các môn đệ của Chúa với thế gian chính là tình yêu thập tự.

Hôm nay Chúa Kitô không chỉ kêu mời chúng ta “hãy làm cho người khác những điều mình muốn họ làm cho mình” mà Ngài muốn chúng ta đi xa hơn nữa là hãy cư xử với tha nhân tốt hơn là họ đáng được cư xử. Không chỉ “yêu tha nhân như chính mình” mà hãy “yêu tha nhân như Chúa đã yêu thương chúng ta.” Đó là yêu vô điều kiện, yêu đến mức hy sinh cả mạng sống.

Nhưng để yêu đến mức độ như Chúa đã yêu thì trước hết chúng ta hãy kiểm điểm lại là chúng ta đã yêu tha nhân như chính mình chưa? Hãy xét lại là mình đã cư xử với anh em như mình muốn anh em cư xử với mình hay chưa? Chỉ khi nào mình đã thi hành được Luật Khuôn Vàng Thước Ngọc này rồi thì mình mới có thể tiến đến khía cạnh của Luật Khuôn Vàng Thước Ngọc mà Chúa Giêsu muốn chúng ta, là những môn đệ của Ngài, thực thi đó là “cư xử với anh em như chính Chúa Kitô cư xử với chúng ta.”

Xin Mẹ Maria giúp chúng ta nhận ra những thiếu sót trong việc thi hành Khuôn Vàng Thước Ngọc trong cuộc sống để sửa đổi và quyết tâm thì hành. Được như thế chắc chắn đời sống chúng ta sẽ an bình và vui tươi hơn. Và rồi từ đó chúng ta sẽ cùng nhau thì hành Khuôn Vàng Thước Ngọc như Chúa Kitô đòi hỏi nơi chúng ta là những môn đệ quí yêu của Ngài.



Paolo Trần Toản, CMC

An Vi
12-10-2012, 05:08 PM
Cảm ơn Tía về những chia sẻ này, để bản thân chúng con kịp nhận ra những thiếu sót trong thái độ với tha nhân.
Nguyện xin cho chúng con biết sửa đổi và quyết tâm thi hành theo Luật Khuôn Vàng Thước Ngọc, để cuộc sống này nhẹ nhàng và vui tươi hơn..