PDA

View Full Version : Viết cho em: Chí trai



Hạt Mầm
23-07-2012, 12:55 PM
CHÍ TRAI


"Cả thế giới đang trở thành một ngôi làng thân thương, thì Em lại nỡ tâm biến Tổ Quốc của mình thành một thế giới cô đơn ư?" Không ai là một hòn đảo cả em ơi!!! P.H.



http://a8.sphotos.ak.fbcdn.net/hphotos-ak-ash3/581057_240271636086024_627439953_n.jpg

EM.
Hôm ấy Em trao cho tôi một tờ giấy. Cặp mắt long lanh. Nụ cười tự tin. Tôi chậm rãi mở. Dường như có mùi tanh tanh. Tôi ngửi. Em cười. Đó là một lời thề bằng máu, máu của Em.
Tôi thề với Đấng Tạo Hoá;
Tôi thề với vong linh của tổ tiên;
Tôi sẽ đem hết khả năng của mình để học cho đến thành tài.
Tôi sẽ làm nhà bác học, chế tạo vũ khí nguyên tử, làm vinh dự cho tổ quốc và cha mẹ.
Nếu tôi không thực hiện lời thề này, thì tôi không đáng làm người.
Cần Thơ, ngày…
Tôi ứa lệ. Em nhìn tôi, bỡ ngỡ. Tôi hỏi Em, nhát gừng.
- Được không ?
- Được.
- Chắc không?
- Chắc.
Em ra về, ngước mắt nhìn tôi. Tôi vào văn phòng, cúi mặt, trầm tư.
EM.
Tôi có ngàn học trò, nhưng chưa có học trò nào giống như Em. Chưa có trò nào trích máu ăn thề như Em. Tôi sung sướng vô cùng. Tôi xúc động đến rơi lệ. Tôi ngồi một mình vẽ lại chân dung của Em.
Một học sinh nghèo, ăn mặc lôi thôi, ít nói và ít bạn, chỉ biết học mà không biết chơi, nhát gái và hơi gàn. Vầng trán cao và rộng. Chân mày rậm và thô. Môi mỏng và khít rịt. Quai hàm vuông và vững. Nhận dạng Em như thế, tôi tin rằng Em sẽ thực hiện được lời thề.
Nhưng con người của Em có hai mặt. Trong học bạ của Em tôi phê: Học rất giỏi và giàu nghị lực. Nhưng trong sân trường bạn gái chê Em là tủ lạnh, là sư cụ; bạn trai gọi Em là nhà bác học đãng trí.
Dường như thiên tài thì phải đãng trí, người có tài thì phải có tật. Thomas Edison, cha đẻ của bóng đèn điện, cũng nghèo như Em, đáng trí như Em, dơ dáy và bầy hầy như Em. Cả đời ông chỉ ăn mặc chỉnh tề được một năm, đó là năm sắp cưới vợ. Có ích cho đời, nhưng có lẽ ông là gánh nặng cho vợ con. Uổng thật!
Bác sĩ Phaolô Nagai, chuyên viên về phóng xạ nguyên tử, khoa trưởng trường Đại Học Y Khoa Urakami đã tự thú trong cuốn hồi ký: “Những quả chuông của thành phố Nagazaki” rằng: Vợ chăm sóc ông như một người mẹ chăm sóc con thơ; còn ông thì suốt đời cứ ngơ ngơ như không có vợ; ông chỉ âu yếm và chăm sóc vợ một lần, đó là sau vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nagazaki, ông hốt đốt xương cháy vàng của vợ bỏ vào cài thùng thuếc, âu yếm ôm vào lòng, thất thểu đem chôn ở một gốc cây trong vườn nhà. Tội nghiệp! Liệu Em có tìm được một người vợ hiểu Em, thương Em vào bao dung với Em như bà vợ của Nagai hay không?
Tôi mong Em sẽ trở thành thiên tài, nhưng tôi muốn Em đừng đãng trí. Bởi thế, tôi đề nghị:
1.
Em cứ chăm chỉ học hành như thế, nhưng hãy bớt “tủ lạnh” với bạn bè. Hãy hoà mình vào sinh hoạt học đường của bạn bè. Giao lưu sẽ giúp Em sống quân bình hơn, nhân bản hơn. Con người là một sinh vật có xã hội tính: sống với, sống như và sống cho. Rồi đây Em sẽ lấy vợ và sinh con. Em phải là cái dù che mát cho vợ con. Em nên biết nịnh vợ và nựng con. Niềm vui của Em, nụ cười của Em là hạnh phúc của gia đình, là bầu khí giáo dục thuận lợi cho con cái. Hãy thông minh để được kính trọng. Hãy niềm nở để trở nên thân thương, được kính trọng và được yêu mến. Em hãy thế thực hiện điều đó.
2.
Em hãy hủy lời thề chế tạo vũ khí nguyên tử. Cả nhân loại đang oán hận nó và đang sịư bị nó hủy diệt. Em hãy chiêm ngưỡng lương tâm trong trắng của nhà Bách Học Alfred Nobel. Ông đã phát minh ra cốt mìn để phục vụ loài người trong ngành xây dựng. Nhưng khi thấy loài người đưa cốt mìn vào chiến tranh, ông đau đớn, ông hối hận. Ông muốn đền tội bằng cách dâng hiến hết tài sản của mình để lập ra giải Nobel Hoà Bình.
Em hãy đọc “Tầng Đầu Địa Ngục” của Soljenitsyne để thấy rằng các nhà bác học có thể chỉ là những tên nô lệ cho những nhà đọc tài quân phiệt. Khoa học và nhà khoa học có thể vô tình trở thành công cụ tiêu diệt loài người. Em hãy ghê tởm chiến tranh. Em hãy ghê tởm và lên án vũ khí, nhất là vũ khí giết người hàng loạt.
Em hãy yêu cha mẹ. Tuyệt vời! Nhưng Em đền ơn cha mẹ bằng cách ấy ư? Cha mẹ chỉ ước mong một điều, đó là Em giỏi và ngoan. Và chỉ có cách đó, Em mới đền ơn cha mẹ đầy đủ nhất và xứng đáng nhất. Tôi tặng Em một câu chuyện để Em xác tín rằng: con cái giỏi và ngoan là con cái hiếu thảo tuyệt vời.
Tôi đáp xe đò từ Cà Mau về Sài Gòn. Tôi ngồi ở băng trên. Phía sau tôi là ba người đàn bà. Người lạ, nhưng nói chuyện như người thân.
- Chế đi Sài Gòn có chuyện gì mà đùm đề dữ vậy?
- Thì đi thăm nuôi thằng con thứ tư. Nó mới vô Đại Học Y Khoa tháng rồi. Nhà nghèo muốn chết, nhưng thấy con nó ham học thì phải ráng.
- Hết nhiêu rồi?
- Hai trăm giạ lúa bay cái vù.
- Có con học giỏi sướng thấy mồ. Nếu tôi mà được như thế, thì ba trăm giạ tôi cũng chơi luôn. Chỉ sợ là con mình có ham chơi rồi nó hư thôi.
- Hổng có đâu! Thằng này ngoan lắm, chẳng biết chơi bời là gì.
Người đàn bà thứ ba, có lẽ là người Hà Nam Ninh đế vô một câu, khiến cả xe cười ẩm lên.
- Đẻ con ngoan nó mát cái…
4.
Em yêu Tổ Quốc và muốn đưa Tổ Quốc lên bậc vinh quang. Tôi ngợi khen Em và mong Em được Tổ Quốc ghi công. Nhưngem lại nuôi mộng bá quyền. Đó là ái quốc cực đoan, là nguyên nhân của chiến tranh xâm lược. Quê Hương ta đã bị xâm lược nhiều lần. Ta đã phải giành độc lập bằng biết bao xương máu. Tôi tưởng rằng Em đã cảm nghiệm được tội ác của chiến tranh xâm lược ngay trong huyết quản của Em rồi. Ai ngờ?! Cả thế giới đang trở thành một ngôi làng thân thương, thì Em lại nỡ tâm biến Tổ Quốc của mình thành một thế giới cô đơn ư?


Lm. Pio Ngô Phúc Hậu

Nguồn: dunglac.org