PDA

View Full Version : Đoản khúc 11: Cái họ cần...



Duy-an
03-08-2012, 01:11 AM
Bài hát 'Gặp nhau làm ngơ' của nhạc sỹ Trần Thiện Thanh
có câu: '... Đã không như là mơ nếu tình cờ gặp xin cứ làm ngơ...'
thường được dân nhậu 'chế' lại như sau:
'... Đã không nâng thì thôi, nâng một lần phải hết một ly...' (!)
Còn Duy-an và mấy đứa bạn thân, thường ăn phở vào buổi chiều,
khi ăn thường hay xin thêm trứng, giá trụng, nước béo, đầu hành...
và cũng hay 'ba hoa thống chế' với nhau trên nền của câu hát ấy rằng:
'... Đã không ăn thì thôi, ăn một lần cho đáng một tô...' (!)

Chiều nay rảnh việc, xong sớm...
Chỉ có một mình, nơi chốn lạ lẫm...
Thôi thì cũng xách xe đi vòng vòng làm một chuyến vi hành kèm... thị sát!
Chạng vạng... (đúng giờ 'linh'!) gặp một quán phở to đùng... (chẹp chẹp...)
Dù hết sức kiềm chế nhưng 'tự nhiên' cái xe quẹo vào và thắng lại trước quán!
Thôi thì cũng 'nhỏ to' với người chủ quán kiêm bồi bàn,
cũng xin thêm trứng, giá trụng, nước béo, đầu hành...
Nhâm nhi, thưởng thức, nhìn ngắm, ngó nghiêng...
Cho đến tận khi ăn xong (không còn 'cọng giá nào nằm trên cọng giá nào'!)
uống một ly trà nóng hổi thơm phức, xỉa răng bằng một điếu thuốc lá...
Thấy hình như chẳng có gì đáng cho mình phải lưu ý lưu tâm cả!
Nhưng bất chợt, hình như... 'có chuyện' rồi đây!
(Nhủ lòng phải quan sát thật kỹ, chỉ là xem dân tình ở đây ra sao thôi mà!)

Có hai mẹ con vào quán.
Người mẹ còn khá trẻ, gầy gò, sạm nắng...
Đứa bé không khác mẹ bao nhiêu, đen, gầy... nhưng mắt đen lay láy!
Hai mẹ con chỉ kêu 1 tô nhỏ, không giá, không trứng, không... có gì cả!
Người mẹ ngồi đút từng gắp rồi từng muỗng cho đứa bé.
Mình thấy lạ là sao chả thấy hai người nói gì với nhau cả,
nhất là đứa bé đang ở độ tuổi bi bô!
Khi đút cho đứa bé sắp xong, người mẹ chợt quay qua chủ quán:
- Dì tính tiền cho con đi!
Mình thấy ngạc nhiên: tuổi của họ không chênh lệch mấy, hay là bà con?
Chủ quán chỉ quay ra, khuôn mặt không cảm xúc, nói ngắn gọn:
- Y như mọi bữa thôi!
Bà mẹ nói với chủ quán:
- Vậy thì chờ con chút heng...
Rồi bà chợt móc trong túi ra một xấp vé số, đi về hướng mình đang ngồi
(quán vắng hoe, chỉ có mình và hai mẹ con...)

- Chú mua vé số nha, một tờ thôi cũng được!
Vừa nói bà vừa chìa xấp vé số về phía mình...
Trong khi đó mình hơi phật ý,
vì mình đâu có chắc nhỏ tuổi hơn bà, sao kêu mình là chú?
Mình chỉ lơ đễnh nhìn xấp vé số, rồi nhìn lại bà thật kỹ.
Thấy bà này còn trẻ lắm, chỉ có đen và gầy thôi,
cái áo bà ba cũ, sờn 1 chỗ, vá 2 chỗ, khoác bên ngoài,
bên trong là cái áo thun màu cháo lòng!
Dự định sẽ lắc đầu nhè nhẹ, nhưng...
- Chú chỉ cần mua cho con 1 tờ thôi là được rồi!
Giọng nói hơi nhanh, mình phát hiện ra đây là người gốc Bình Dương
với 2 từ 'thôi' thành 'khoi' và 'rồi' thành 'gòi'...
và lại tiếp tục ngạc nhiên khi bà xưng là 'con' với mình...
và sao là lặp lại 2 lần 'chỉ 1 tờ thôi'...?
Hơi rối trí chút...
Bình tĩnh xem xét lại nào Duy-an. Chuyện gì đây...?

Có vẻ như bà ta đã nhận ra điều gì đó nơi mình
qua cái phong cách chậm chạp đến lười lĩnh
và rít liên tục 3-4 hơi thuốc, phả khói mịt mù...
nên nói tiếp:
- Thôi để con nói luôn. Tô phở bà Năm bán 15 ngàn
ngày nào con cũng mua cho em con ăn hết,
mà bữa nay con chỉ có 10 ngàn thôi,
chú mua giùm con 1 tờ vé số thôi là con đủ tiền trả Bà Năm rồi,
rồi con đi bán tiếp...
Chợt Duy-an thấy mình 'bé cái lầm':
Người ta là hai chị em mà tưởng hai mẹ con.
Nhưng cũng tự an ủi mình là: cũng đúng được một điều:
Đích thị là người Bình Dương!

Nụ cười đã lại nở trên miệng mình, như nó vẫn thường trực ở đó!
Mình thấy đây là cơ hội bác ái mà Chúa dành cho mình,
chợt nhớ câu Phúc Âm 'Các con hãy cho họ ăn đi...'
Mình ngẩng lên vất tàn thuốc và nói câu đầu tiên:
- Con nhiêu tuổi mà kêu chú bằng chú?
- Con mới 17 tuổi thôi à, học mới xong lớp 10.
(Mình chưng hửng nghĩ bụng: 17 sao 'già' dữ vậy trời?)
- Em con mấy tuổi?
- Nó 6 tuổi rồi chú! (6 tuổi mà cái mặt non choẹt như 3-4 tuổi!)
Vừa nói 'nó' vừa quay lại nhìn em 'nó' rồi chạy lại đút tiếp cho em.
Bà chủ quán nói vọng ra: chú mua ít tờ cho con nhỏ,
nó cũng tội nghiệp lắm!
Mình cười cười, nói với 'nó' khi 'nó' quay trở lại chỗ mình:
- Bây giờ như vầy: Chú không mua vé số...
(Mình cố tình kéo dài chỗ này để xem phản ứng của nó,
thấy nó đượm buồn... nhưng nghĩ bụng: đây này, nghe này...)
- Nhưng chú sẽ biếu cho em con tô phở đó, được hông?
Tức là chú sẽ trả tiền tô phở đó cho bà Năm,
hai chị em con ăn xong rồi cứ đi thôi, chú chịu trách nhiệm, heng!
Cứ tưởng nó sẽ mừng vui ra mặt, ai dè không phải như mình nghĩ...
Nó bỏ đi, và ngoái nhìn mình nói giọng chậm lại:
- Như vậy là chú 'cho' con chứ gì? Con đâu có xin chú đâu chú!
Hai chị em con chỉ cần chú mua 1 tờ vé số thôi mà, chứ không có xin!
Mình ngẩn người...

Bà Năm lại nói vọng ra:
- Tánh con nhỏ này nó như vậy đó... Cho là không lấy đâu,
chẳng thà nó làm mướn... Bởi vậy nó khổ hoài!
'Nó' lững thững đến bên em nó, cất xấp vé số vào túi,
rồi bế em nó đi một cách khó khăn, nói với Bà Năm:
- Dì năm cho con thiếu chịu nha, chút xíu con quay lại trả cho Dì liền
bán được 1 tờ thôi là con quay về trả cho Dì luôn,
hay là Dì lấy đỡ trước 10 ngàn đi nè Dì...
Bà Năm khua tay:
-Thôi, cứ lo đi bán đi, chút nữa tính!

Mình sợ không còn kịp nữa, nên vội bước ra khỏi bàn:
- Nè, đem một tờ vé số lại đây chú mua cho...
'Nó' vội vàng quay lại không một chút ngượng ngùng, cười tươi...
Mình nói hài hước:
- Lựa cho chú tờ nào mà ngày mai trúng đi.
- Thánh thần thiên địa! Ai mà biết tờ nào trúng chú. Biết như vậy thì làm giàu rồi,
Chỉ có mấy tờ này là con thấy giống số xe chú nè!
- Vậy hả, vậy thì lấy cho chú mấy tờ đó hết luôn đi, cho mau giàu!
- Không được, nếu mà biết trúng thì không nên mua hết cho mau giàu,
như vậy là tham lam, trời phật không có cho trúng đâu!...
Thật sự, đối mặt với 'nó', mình cứ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác!
- Vậy thì theo con, chú nên mua mấy tờ?
- Một tờ thôi, tờ này nè...
Vừa đưa cho mình tờ vé số, nhận 10 ngàn từ tay mình
là nó quay vào trả tiền ngay cho Bà Năm vừa nói với Bà:
- Đúng như con hứa rồi nghen, bán được tờ đầu tiên là con trả cho Dì đó...
Quay ra, bế em đi, nó ngoái lại nhìn mình:
- Con cám ơn chú nghen...
Rồi nó nói với em nó:
- Cám ơn chú đi, 'phanh' tay lại...
Mình chỉ thấy đứa em vòng tay chứ chả nghe được tiếng nào dù chỉ lí nhí...

Bóng chị em nó đã xa khuất, trí óc mình bàng hoàng,
đến độ Bà Năm nói gì mình cũng không nhớ!...
Chạy xe về nhà đã tối mịt, phải mở đèn xe.
Vừa chạy mình vừa ngẫm nghĩ:
* 'Các con hãy cho họ ăn đi'!
* nhưng 'người ta sống đâu chỉ bằng cơm bánh'...
* 'cho họ ăn, nhưng phải là thứ họ ăn được' cơ...
* 'cái họ cần, chưa chắc mình đã có!...'
* 'cái họ cần, có khi mình không bao giờ ngờ tới'...
* 'cái họ cần lúc này có phải là lòng tự trọng...?'
* 'cái họ cần...'
* 'cái họ cần...'
... sao mà nhiêu khê, sao mà khó lý giải, sao mà nhiều quá!
Đêm nay có lẽ Duy-an lại 'khó ngủ' rồi!...

Duy-an.

Phù thủy nhỏ
03-08-2012, 01:44 AM
....tình yêu thương thực sự chứ không phải sự thương hại.
Em thấy phục cô bé đó ghê, dù nghèo vật chất nhưng không nghèo lòng tự trọng.
Một bài học....

Đỗ Tường Vy
03-08-2012, 07:16 AM
Theo Tường Vy thì chuyện có thể như vầy...

Người nghèo cũng có cái 'sĩ' của người nghèo!
Mà dường như người nghèo cái sĩ càng to hơn người không nghèo!
Bởi vậy văn hoá 'tặng quà' của người Việt ta (mà chắc không riêng văn hoá Việt)
có câu 'của cho không bằng cách cho'... để nói lên sự tế nhị
trong việc tặng quà nói riêng và trong văn hoá giao tế nói chung...
Tặng quà sao cho khéo để người nhận không thấy mình bị xúc phạm
mà người tặng cũng không thấy mình bị rẻ rúng!
Nhưng trên hết là tấm lòng yêu thuơng!

Vy nhớ có lần Vy đọc mẩu chuyện này ở đâu đó...
Một người nhà nghèo nọ mang một túi quà đến biếu cho
một người không nghèo mà người ấy rất quý trọng...
Người không nghèo vui mừng mở túi quà ra và vén khéo chia nó ra
làm hai phần, một phần vui vẻ nhận, phần còn lại gói thật cẩn thận
và cởi mở nói với người nghèo rằng: 'Chị mang về cho các cháu ở nhà... vì chị
tặng tôi những thứ ngon như vầy chắc gì ở nhà chị có!'
Và như thế... trong đầu tôi văng vẳng mãi 'âm thanh' của người phụ nữ
đôn hậu 'chắc gì... chị có'...
Mẹ tôi thường dạy chị em chúng tôi từ rất nhỏ câu này:
'Mình ăn thì hết họ ăn thì còn!'

Vẫn biết văn hoá tặng quà của người Việt ta thì vô cùng tinh tế...
Nhưng ở đây, tôi chỉ dám chia sẻ một vài khía cạnh rất ư là nhỏ!
Ví dụ, khi tặng quà cho người có địa vị cao hơn mình,
người tặng quà nên ngồi với tư thế... thẳng lưng!
Nhưng khi tặng quà cho người 'dưới' mình một chút thôi
(nhưng 'có ở trong chăn mới biết chăn có rận'
nên chưa chắc ai 'cao', ai 'thấp'; ai 'trên', ai 'dưới'...
trong trường hợp này đâu heng!)
thì ta phải cúi mình cho thật là thấp ...
Thấp đến mức có thể nâng được giá trị phẩm chất của 'người cùng khổ'
lên một tầm cao mới!

Chỉ nói về 'tư thế' tặng quà thôi đã thấy là không đơn giản rồi...
Vì hầu như trong quan hệ giao tiếp thì 'ngôn ngữ không lời'
đã chiếm tới 95% so với ngôn ngữ có lời...
Còn chưa kể tới, sau khi người được nhận quà... mở quà ra, thay vì mang ơn, đằng này...
người ta lặng lẽ 'cắt đứt' quan hệ với người tặng món quà 'quý hoá quá'...
Điều này rất khó mường tượng... vì lòng người rất khó đoán...
Hoặc như tặng quà cho người có hoàn cảnh khó khăn,
cho dẫu ta có 'thiệt tình' đến mấy vì nghĩ là phải tặng món quà 'thực tế'
so với gia cảnh của của họ... nhưng xin hãy đừng quên 'cái sĩ của người nghèo' !
Ví như ta thường vận động quyên góp vật dụng cũ tặng cho người nghèo, ta nên thăm dò ý kiến của nơi nhận để tránh những khó khăn cho nơi đón nhận...

Như có lần tôi cùng một soeur về Kon-tum trong việc dự Lễ 100 năm của người Dân tộc thiểu số tại nhà thờ Gỗ. Nghỉ lại trong tu viện Vinh Sơn dòng Nữ tử Bác Ái.
Tôi nhìn thấy có tới vài bao hàng được ghi 'from: Thành phố Hồ Chí Minh...' căng phồng...rất to (một tạ) đang nằm lăn lóc ở lối đi...
Tò mò hỏi một soeur xem cái gì trong đó... thì biết đó là quần áo cũ! Mới hỏi có một câu, như là có gì là 'chất chứa' á... soeur trả lời một mạch!
Soeur nói: 'Phải chờ thuê người giặt tẩy rồi mới dám đem phân phát cho người nghèo... Nhiều người làm từ thiện không có ý thức... Có lần ở đây, các soeur nhận toàn những loại quần áo bẩn và có cái còn thủng cả đáy... Họ không tôn trọng người nghèo!'

Ngược lại, việc dành dụm, chắt chiu để 'bấm bụng' biếu xén cho người giàu những phẩm vật 'phung phí phạm' hoặc xa xỉ đến mức 'vung tay quá trán' với những món quà mà mình không dám mơ hưởng thụ... (trong trường hợp tặng quà cho người thân tình mà mình yêu quý)... thì đôi khi vô tình làm cho người nhận ái ngại và thật khó nghĩ...

Lan man vậy thôi, Tường Vy xin phép được ngừng ở đây và không quên
cảm ơn ông bà ACE đã cùng Vy chia sẻ những phút giây chân tình!

Đỗ Tường Vy

thachthao999
03-08-2012, 09:22 AM
Cảm ơn bạn Tường Vy!
Ý tưởng của bạn thật là... lạ!
Rất khác với những gì mình nghĩ trước đây...hihi...
Mà mình thì không có khiếu ăn nói...
Nên chẳng bít nói gì...hí hí

Chào bạn

windy
03-08-2012, 09:25 PM
Dù nghèo hay giàu cũng là con người - mà là người đều có phẩm giá riêng được mọi người tôn trọng. Muốn cho hay giúp đỡ phải khéo léo cho người nhận mục đích là giúp đỡ nhưng k để họ mặc cảm thân phận. Nếu mình đã có lòng làm những điều có thể mà họ k nhận thỉ k ép được. Mặc dù họ rất cần nhưng họ có quyền từ chối đón nhận ta không thể trách được và k cảm thấy áy náy. Sáng nay, wind gặp 1 BN được chẩn đoán " bệnh K giai đoạn cuối" . Sau một đêm thức trắng trực cảm thấy mệt mỏi đi dạo vòng vòng chuẩn bị họp giao ban . Nhìn chị ta lết từng bước mệt mỏi rồi ngồi xuống vệ đường, mình đến gần hỏi thăm . Chị ta cởi mở tâm sự như kiếm được người hỉu mình sau đó cho xem khối u và di căn của bệnh. Chị đang kiếm tiền về xe gặp gia đình vào những ngày cuối đời mình. Mình đề nghị với chị ta sau khi đi ăn , rửa vết thương, tặng chị số tiền cần về xe. Ưoc muốn của người sống nay chết mai mình hỉu điều đó giúp chị đạt ước muốn. Chị ta nghĩ mình thương hại nhưng mình đã giải thích chị cũng cám ơn nhưng không dám nhận . Thà làm để kiếm tiền chứ không mang ơn . Mình năn nỉ mãi k được đành chiều theo ý chị . Nhìn dáng đi từng bước không nổi hòa vào dòng người thấy thương họ bị người khác chê rẻ , mặc cảm , coi thường làm mình chạnh lòng hơn. Xa xa bóng dáng khuất sau những con đường mình đứng đó suy nghĩ liên man không có câu trả lời. Tự nghĩ mình đã làm những điều có thể không khả năng không hối hận gì , người ta có quyên nhận hay không mình phải tôn trọng . Nghĩ thế thấy lòng nhẹ hơn tiếp tục 1 ngày mới vui vẻ !

Mai Tín
03-08-2012, 09:34 PM
Chiều nay rảnh việc, xong sớm...
Chỉ có một mình, nơi chốn lạ lẫm...
Thôi thì cũng xách xe đi vòng vòng làm một chuyến vi hành kèm... thị sát!
Chạng vạng... (đúng giờ 'linh'!) gặp một quán phở to đùng... (chẹp chẹp...)
Dù hết sức kiềm chế nhưng 'tự nhiên' cái xe quẹo vào và thắng lại trước quán!
Thôi thì cũng 'nhỏ to' với người chủ quán kiêm bồi bàn,
cũng xin thêm trứng, giá trụng, nước béo, đầu hành...
Nhâm nhi, thưởng thức, nhìn ngắm, ngó nghiêng...
Cho đến tận khi ăn xong (không còn 'cọng giá nào nằm trên cọng giá nào'!)

Duy-an.



Đọc đoạn này lại nhớ bài "Phở" của Mai Tín đã viết trong diễn đàn này.
Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, mỗi người là một cá thể riêng biệt,
có khi cũng "lổn ngổn", "lộn xộn" và "khác biệt" như những thứ trong cái tô kia.
Nhưng cái làm cho nó thành tô phở chính là "nước lèo" phải không bác Duy An?
Và thứ "nước lèo" của "tô phở cuộc đời" này, phải chăng chính là TẤM LÒNG?
"Lòng tốt cho đi mà không được đón nhận - Lòng tốt ấy vẫn ở trong mình"
"Không biết san sẻ, sẽ mất rất nhiều"
Tự nhiên nhớ lời bài hát 'Gieo và gặt" quá.

Duy-an
17-07-2014, 03:40 AM
Mỗi lần 'gặp gỡ'
là mỗi lần phát hiện thêm về
'Cái họ cần'...