PDA

View Full Version : Người trẻ hát nhạc thánh ca vào đời



Mai Tín
11-08-2012, 01:27 PM
Mai Tín mạn phép đăng bài của tác giả Nguyễn Văn Thông.
Hy vọng bài viết này góp thêm những kiến thức bổ ích cho người trẻ chúng ta.
Thương chúc cho ngày khai trương Quán Cà phê Thánh Ca thật nhiều niềm vui và cảm xúc trào tràn.
----------------------------------------



NGƯỜI TRẺ HÁT NHẠC THÁNH CA VÀO ĐỜI
(Nguyễn Văn Thông)








Cảm-nghiệm linh-thiêng về phụng-vụ hầu như khó tách rời với thánh-nhạc. Tiếng nhạc của ngày đại lễ Giáng-Sinh hay Phục-Sinh khiến lòng người tín-hữu nao-nức rạo-rực chờ đón những những đổi mới, những hồng-ân. Một cuộc tĩnh-tâm hoặc những ngày linh-thao là thời-gian lắng-đọng nhất thì cũng chính âm-nhạc lồng trong những ca-vịnh khúc đưa ta về chỗ sâu-thẳm của tâm-hồn. Một người thân của tôi bị bắt trên đường vượt biên, bị tù và bị đưa đi lao-động trong rừng sâu. Ngày lễ Giáng-Sinh anh ta quì giữa rừng cố lắng nghe một tiếng chuông nhà thờ ở đâu vọng lại để hợp ý cầu-nguyện mà không thấy. Sau những giọt nước mắt thổn-thức anh bỗng thấy tất cả những bài nhạc Giáng-Sinh anh biết đều lần-lượt rộn-ràng vang lên trong lòng anh.
Ít năm gần đây, so với những những năm trước, có một số ca-đoàn dùng nhiều nhạc thánh-ca vào đời để hát không những trong những thánh lễ trại hè, họp-đoàn mà cả trong những thánh lễ Chúa nhật hàng tuần, thậm chí hát cả vào những dịp lễ lớn Giáng-Sinh và Phục-Sinh. Vấn-đề khiến ta quan-tâm là vị-trí của nhạc thánh-ca vào đời nằm ở chỗ nào, và trong nhiều trường-hợp, sử-dụng như thế có đúng với tinh-thần phụng-vụ hay không? Những chỉ-dẫn về thánh-nhạc được nói đầy-đủ trong ba thông-cáo của Hội-Ðồng Giám-Mục Việt-Nam và những nhận-định của các linh-mục Kim-Long, Thiện-Cẩm, và Dao-Kim được đăng trên internet nguoitinhuu.com mục Thánh-Nhạc. Trong bài này tôi xin trình-bày ở khía-cạnh bên ngoài những qui-luật về thánh-ca phụng-vụ, bằng một nhận-thức lấy căn-bản là cầu-nguyện thì ta cũng đã sẵn-sàng để thu-nhận những giáo-huấn của Giáo-Hội.

Thánh-Ca Vào-Ðời

Khoảng giữa thập niên 60, một số các thầy dòng Chúa Cứu-Thế khai-xướng phong-trào "vào đời". Hết trung-học, các chủng-sinh hăng-hái đi vào đời như tòng-quân nhập-ngũ, đi làm công-nhân, dạy học, đi học đại-học đời trong bốn năm. Nghĩa là qua cách sống giữa đời ấy, các chủng-sinh học biết và tu-luyện mình một cách cụ-thể hơn trước khi trở lại dòng, vào nhà Tập, và sau đó là học triết-học và thần-học. . .
Trong nhóm các thầy thời khai-xướng ấy có các nhạc-sĩ Thành-Tâm, Sĩ-Tín, Hoàng-Ðức. Họ được biết đến nhiều hơn những vị khác qua những ca-khúc tạm gọi là thánh-ca vào đời như những bản Xuất Hành, Alleluia. . . Khi những cuốn băng nhạc vào đời ấy được tung ra thì rõ-ràng tạo một bầu khí mới không những trong giới tu-sĩ mà cho cả giáo-dân. Nghe tiếng các thầy hát rè rè, nhạc đệm chỉ có tiếng accordion là rõ, không tiếng trống, không tiếng kèn nhưng cũng đủ thổi vào lòng người những luồng gió mới, hướng người ta về một chân trời mênh-mông.
Nhưng cần xác-định, không phải chỉ có thời-gian ấy mới có sự đem tin mừng Phúc-Âm vào đời, mà đó là thời-điểm khởi đầu của Công-Ðồng Vaticano II đưa ra những chiều-kích mới trong việc truyền-bá tin mừng cho nên thánh-ca vào đời được coi như một đổi mới. Song song với những đường-hướng của Công-Ðồng Vaticano II, những sách lễ giáo-dân (bằng tiếng Việt) được phát-hành rộng-rãi. Bộ lễ Seraphim của Nguyễn Văn Hòa được hát khắp mọi nhà thờ. Bộ lễ của Tiến Dũng được hát trong nhiều chủng-viện. Các nhạc-sĩ thánh ca Ngô Duy Linh, Vinh-Hạnh, Hoàng-Kim, Hùng Lân, Huyền-Linh, Kim-Long. . . sáng tác nhiều bài thánh-ca có tác-dụng đem lời cầu-nguyện tới gần với tâm-hồn của giáo-dân. Những tác-giả trẻ về sau như Trần Ðịnh, Phạm Liên Hùng, Vương Diệu, Dao-Kim, Văn-Chi, Nguyên-Kha, Nguyên Hữu. . . đem thêm những âm-thanh và nhịp-điệu mới vào thánh-ca, diễn-tả thêm những gần-gũi của cuộc sống vào lời nguyện-cầu.
Xem như thế thì ta thấy tinh-thần của Vaticano II được phát-triển, riêng trong thánh-ca thôi, đã rất phong-phú ở chiều sâu và chiều rộng chứ không phải chỉ ở những bài "thánh-ca vào đời". Những nét ấy cho chúng ta bây giờ sự hiểu-biết cần-thiết để nhận-định và sử-dụng những kho-tàng thánh-ca của các tác-giả đi trước sao cho thích-hợp, đấy là không nói tới việc nếu chúng ta không hay chưa có khả-năng sáng-tạo đóng-góp.

Tính Trẻ Trung Trong Thánh-Ca

Ðúng với đặc-tính mùa xuân của Giáo-Hội, dòng thánh-ca vào đời theo ý-nghĩa đích-thực được phát-triển không ngừng. Ở trong các chủng-viện đã có những người trẻ sáng-tác những khúc-ca sâu về cả tâm-tình lẫn ý-nhạc. Trung-Chính dòng Don Bosco viết trong bài Con Tiến Lên vào một dịp khấn dòng:
"Lạy Chúa con tiến lên tình yêu con xin trao-đổi tình-yêu.
Tình con xin trao vào lòng Chúa cho tình Chúa tuôn đổ vào lòng con.
Con muốn Chúa cùng con nên một, trong hơi thở, buồn vui cuộc đời,
Trong lam-lũ, mồ hôi nước mắt, trong tiếng khóc nức lẫn tiếng cười...."
Một tác-giả trẻ khác, Xuân-Tưởng, chủng-viện Minh-Hòa Ðà-Lạt viết những ca-khúc như Từng Ngày, Ôi Nhiệm-Mầu. . . đã được hát rộn-rã trong những thánh-lễ giới trẻ ở các giáo-xứ vùng Bảo-Lộc, Ðà-Lạt. Tôi nhớ thời-gian lao-động tối-tăm mặt mũi sau 1975, chỉ có mỗi chiều chủ-nhật nhìn hàng đoàn người trẻ tụ-họp chật những nhà thờ để nghe những bài thánh-ca của những tác-giả trẻ viết lên trong tâm-tình của họ là tôi thấy quên đi được những nhọc-nhằn và tìm lại được nguồn sức sống. Những lời ca xiết bao là gần-gũi, khiến hàng ngàn tâm-hồn người trẻ như cùng thổn-thức, cùng chìm-đắm trong những ý cầu-nguyện.
"Ôi nhiệm-mầu tình-yêu Chúa nuôi con suốt đời,
Ôi nhiệm-mầu tình-yêu Chúa ru con tháng ngày. . .
Những lỗi-lầm ngày tháng cũ con xin nguyện chia-phôi..
Áo mới tuyệt vời Chúa khoác cho con vui tiệc hiến-tế. . .
Và ngày ngày tháng tháng con cầu kinh,
Và chiều chiều với Chúa con nguyện xin. . ."
Những lời ca và tâm-tình ấy còn theo họ mãi nơi rừng sâu, trong núi thẳm, những khi phải lao-động ngoài ý muốn, khi thấy thân-phận mình bị coi thường như không còn chút phẩm-giá nào, nơi mà nếu không có nguồn sức sống tinh-thần thì họ cảm thấy cuộc đời đã đến chỗ tận cùng vô nghĩa.
Những thánh lễ giới trẻ ấy không có trống bộ, không có guitar nhưng rõ-ràng là rất trẻ.
Ở hải-ngoại có những ca-đoàn cũng sử-dụng nhạc thánh-ca vào đời nhưng gói trọn trong một số ít bài, chẳng hạn như chỉ hát bộ lễ vào đời của Nguyễn Văn Trinh gắn với bài Lạy Chiên Thiên Chúa của Thành Tâm, và một số ít bài ở nhịp điệu rumba, twist, tango. Công-bình mà xét, ngoài những bài thuộc bộ lễ phải theo những qui-định dùng lời đúng theo bản kinh Phụng-vụ mà một số bài không hội đủ tiêu-chuẩn cần phải xét lại, nhiều bài khác không dở, nếu được hát đúng mức-độ và trình bày vừa phải với các nhạc-cụ và trống bộ như một thời được trình-diễn ở các thánh-lễ giới trẻ tại trung-tâm Ðắc-Lộ, Sài-gòn thì phải nói là hay. Tuy nhiên vấn-đề vấp phải là người ta lẫn-lộn ý-niệm về thánh-nhạc, lẫn-lộn về mục-đích, lẫn-lộn về phụ-tính với yếu-tính của cách hát nhạc thánh-ca..

Mục-đích của Thánh-ca

Mục-đích của thánh-ca là để giúp cầu-nguyện. Thánh-ca phải là thánh. (Hiến-Chế về Phụng-vụ, Công-Ðồng Vaticano II) Người ta có thể cầu-nguyện trong thinh-lặng, không cần hát vẫn cầu-nguyện được như thường. Thánh lễ không đờn không hát cũng là một thánh lễ trọn-vẹn, có thể là rất sốt-sắng ở một số trường-hợp. Hát hay thánh-ca chỉ đưa thêm tâm-tình, là phương-tiện giúp ta cầu-nguyện tha-thiết hơn, sốt-sắng hơn. Vậy điều chính-yếu là cái tâm-ý cầu-nguyện, còn bản thánh-ca là phương-tiện chuyên-chở và giãi-bày tâm-ý của ta. Nếu thứ nhạc gọi là thánh-ca nào mà không giúp ta đạt được mục-đích ấy thì ta hãy tạm xếp sang một bên. Phương-tiện nào không chở ta tới đích thì ta không cần dùng.
Ðiều lẫn-lộn tiếp theo là lẫn-lộn về cái chính-yếu và cái phụ-thuộc trong cách hát thánh-ca. Khi chọn đúng được bản hát thích-hơp với phụng-vụ rồi thì cách trình-diễn bản thánh-ca không phải là cách trình-diễn một bản nhạc trên sân-khấu bằng cách hát không đưa người nghe đến sự cầu-nguyện, và nhạc đệm bằng những nhạc-cụ và nhịp-điệu lấn-át lời ca. Người ca-trưởng cũng không thể đứng ở vai-trò biểu-diễn để thu-hút hay làm chia-trí cộng-đoàn, kéo cộng-đoàn ra xa sự cầu-nguyện và tham-dự phụng-vụ.

Tính Già Ở Người Trẻ

Người trẻ vốn được chú-trọng ở tính sáng-tạo, một đức-tính cao-quí nói lên những khả-năng Chúa ban và sử-dụng những khả-năng ấy góp phần trong việc tạo-dựng của Ngài. Sáng-tạo vốn là một đặc-tính của tuổi trẻ. Tuy nhiên ở một mặt khác, người trẻ rất dễ rơi vào lầm-lỗi vụ hình-thức. Lí do: vì họ chưa đủ trưởng-thành trong suy-nghĩ và phán-đoán, họ cần bám-víu thần-tượng, cần hình-thức, cần kiểu-cách để khỏa-lấp những trống-rỗng của khả-năng và nội-tâm. Ở lãnh-vực âm-nhạc mà thôi, các nhạc-sĩ nổi danh hầu hết đã viết được những tác-phẩm bất-hủ từ hồi còn trẻ. Nhưng ta lại cũng thấy vô-số những người trẻ khác chỉ biết mở nhạc ầm-ĩ, khua trống, chơi nhạc-cụ rầm rầm, cử-điệu lắc-lư, đầu tóc và quần-áo rất nghệ-sĩ nhưng thực ra không biết nhạc khác với tiếng động như thế nào.
Trong phụng-vụ, người trẻ hay phàn-nàn người già đọc kinh nhiều quá, hình-thức quá trong khi người trẻ cũng rất hình-thức ở phương-diện khác, thí-dụ ở việc hát thánh-ca chẳng hạn, khi họ chỉ biết đặt nặng ở tiếng trống, tiếng đàn, ở một số bài với nhịp-điệu có vẻ thời-trang nhưng lại nghèo-nàn, ở cách múa may là những cái vỏ hình-thức. Tuổi còn trẻ mà vụ hình-thức thì còn già hơn người già giữ những hình-thức dù sao đã trở-thành qui-luật.
Khi hình-thức lấn-át nội-dung thì đó là vô duyên. Vô duyên chưa nói đã cười. Chuyện chẳng đến đâu mà cười nghiêng cười ngả là vô duyên. Ngược lại với vô duyên là ý-nhị. Ý-nhị là khi nội-dung đầy mà hình-thức vơi. Một nụ cười ý-nhị, một cử-chỉ, một ánh mắt ý-nhị vì cái tín-hiệu được chuyên-chở nhiều hơn cái phương-tiện chuyên-chở nó. Trong thánh-ca, những hình-thức quá đáng đều trở-thành vô duyên, không những làm giảm mà còn làm phản mục-đích của cầu-nguyện và phụng-vụ là những thực-thể thánh cần lòng chân-thành chứ không phải sự khoe-khoang. "Ta cần tấm lòng chứ không phải của lễ" (Hôsê 6:6, Mt 9:13)

Cần Sự Hướng-Dẫn

Ðến đây ta thấy nổi lên một nhu-cầu. Người trẻ cần được hướng-dẫn, người trẻ hát thánh-ca cần được hướng-dẫn. Chỗ khó nơi những người trách-nhiệm khi đụng tới âm-nhạc là không thấy mình có khả-năng. Ai cũng có quyền ngang hàng nhau nói chữ "hay" hoặc "dở" khi nghe một bài thánh-ca. Nói riêng về khía cạnh âm-nhạc, ai có thẩm-quyền hơn khi bảo bài hát này nhạc nghèo-nàn quá, ẻo-lả quá, đời quá? Môn học về thánh-nhạc giúp các linh-mục phần lớn trong việc hướng-dẫn ca-đoàn của mình khi nhìn vào nội-dung của bài hát để xem có thích-nghi với sự cầu-nguyện và phụng-vụ hay không. Tuy nhiên ở những phần khác, sự thẩm-định âm-nhạc đòi-hỏi nhiều hơn một môn học. Ngoài năng-khiếu tự-nhiên, kinh-nghiệm, kiến-thức cập-nhật-hóa, tính-tình, và tư-cách cũng đóng-góp tạo cho người có trách-nhiệm một cảm-năng để thẩm-định.
Những lời khen chê không đúng thường làm lạc lối những người trẻ đang cần sự hướng-dẫn. Ca-trưởng và ca-đoàn cần phải biết nghe lời khen chê, nhưng người có trách-nhiệm cũng rất cần sự ý-thức xây-dựng trong lời phê-bình của mình. Không phải khen bao giờ cũng là xây-dựng. Khen sai có tác-dụng phá-hoại. Câu khen phiến-diện hay mơ-hồ nói cho người nhận kém tinh-tế, đang cần danh-vọng cũng có tác-dụng đẩy người đó xuống hố. Trong thánh-ca khi một ca-trưởng làm đúng thì đưa cả cộng-đoàn đến nguồn ơn lành của cầu-nguyện và phụng-vụ. Nhưng khi anh ấy, cô ấy nhận-định sai, làm sai thì cả cộng-đoàn bị thiệt-hại.
Một nhận-định đúng cũng sẽ ý-thức rằng, cách hát thánh-ca của một sắc dân là một cách biểu-tỏ trang-trọng không thể chối cãi được nền văn-hóa của sắc dân mình. Một dân-tộc có hàng ngàn năm văn-hiến, một giáo-hội công-giáo lớn nhất vùng Ðông Nam Á, có 117 vị thánh đổ máu vì đức-tin, không lẽ có đám hậu-duệ lẫn-lộn không biết thế nào là thánh-nhạc, là cầu-nguyện, là phụng-vụ, và thế nào là thứ âm-thanh kích-động rẻ tiền, ầm-ĩ! Riêng về mặt văn-hóa mà thôi, người hiểu-biết cũng sẽ đánh giá trình-độ nghệ-thuật và cảm-năng nghệ-thuật qua cách hát nhạc thánh-ca của một ca-đoàn trong một cộng-đoàn.

Một Cảm-Nhận Căn-Bản

Ðể kết-luận, chúng ta thử đặt mình vào vị-trí của một người tín-hữu lần đầu-tiên được bước vào một thánh-đường. Tôn nghiêm, trang-trọng. Thiên-Chúa của chúng ta không dạy chúng ta phải khiếp-sợ nhưng dạy chúng ta biết yêu mến một cách thẳm-sâu. Chắc những ai có hân-hạnh được bước vào Ðền Thánh Phêrô ở Roma đã có lại được cái cảm-nghiệm nguyên-thủy ấy. Một thánh-đường và đền thánh Phêrô không khác nhau ở những gì chính-yếu vì đó đều là nơi Chúa ngự, là nơi cử-hành mầu-nhiệm trọng-đại nhất là mầu-nhiệm Thánh-Thể và sự-kiện Chúa chết và sống lại. Vậy để tôn-vinh, để cầu-nguyện, để tạ-ơn và để yêu-mến, chúng ta thử nghĩ xem nếu đem những bài hát nghèo-nàn, đem trống-phách và những nhạc-cụ ồn-ào, và hát một cách không có chút nghệ-thuật nào thì ta có cho là xứng-đáng trong đền-thánh của Thiên-Chúa vốn là Ðấng Chân-Thiện-Mỹ tuyệt-đối hay không? Ta có dám hát một thứ nhạc như thế trong Ðền Thánh Phêrô hay không? Người chủ một vườn hoa đáng được dâng lên những bó hoa tươi-đẹp nhất do những người làm cho mình mới là phải đạo.