PDA

View Full Version : Trái tim không ngủ yên



Tin Yeu
28-08-2012, 10:32 AM
Trái Tim Không Ngủ Yên

“Giả như ngài rơi vào một hoàn cảnh chỉ có thể đem theo mình một vài cuốn sách, ngài sẽ đem những sách gì?” Khi được hỏi như thế, nhà thần học Joseph Ratzinger – nay là Đức Bênêđictô XVI – đã không ngần ngại trả lời: Kinh Thánh và cuốn Tự Thú (Confessio) của thánh Augustinô. Sẽ không lấy gì làm lạ khi biết rằng tâm hồn của Ratzinger đã gắn bó với thánh Augustinô từ rất lâu. Luận án tiến sĩ thần học của ngài năm 1950 mang tựa đề Dân Thiên Chúa và Nhà của Chúa trong giáo thuyết của Augustinô về Giáo Hội. Và trong suốt quá trình nghiên cứu, giảng dạy thần học – nhất là ngày nay, trong tư cách một vị giáo hoàng – ảnh hưởng của thánh Augustinô trên Đức Bênêđictô XVI thật rõ nét.
Mới đây, giám đốc điều hành Ignatius Press giới thiệu cuốn phim mang tựa đề Trái tim không ngủ yên (http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20120821/17909), kể lại cuộc đời của thánh Augustinô, do đạo diễn Christian Duguay thực hiện và được xem như “câu chuyện cảm động nhất về hoán cải và hòa giải”.

Những sự kiện trên là minh họa sống động về tầm ảnh hưởng của vị thánh giám mục thành Hippo trong suốt chiều dài lịch sử Giáo Hội cho đến ngày nay. Chắc chắn tầm ảnh hưởng ấy phát xuất từ những suy tư thần học sâu sắc của ngài, nhưng phải nói thêm rằng suy tư ấy gắn liền với kinh nghiệm thiêng liêng và sống động của một trái tim không ngủ yên.

Trái tim ấy không ngủ yên vì nong nả đi tìm hạnh phúc, ngập chìm trong cái tưởng như là hạnh phúc, để rồi lại khám phá ra sự bọt bèo của nó và lại nong nả kiếm tìm. “Cái gì làm cho con say mê lúc đó, há chẳng phải là yêu và được yêu hay sao? Con không giữ mối tương quan giữa tâm hồn với tâm hồn làm đường lối sáng sủa cho tình yêu, nhưng để cho nhục dục nhơ nhớp và sự bồng bột của tuổi xuân xông lên những làn khói mù bao phủ và che lấp lòng con, đến nỗi con không còn phân biệt sự trong sáng của tình yêu và sự tối tăm của nhục dục. Cả hai thứ tình yêu đều bốc cháy trong con, lôi kéo tuổi xuân khờ dại của con qua những ghềnh dốc đam mê và dìm con xuống vực thẳm các nết xấu” (Tự Thú, quyển II, đoạn 2).

Trái tim ấy không ngủ yên vì khao khát đi tìm chân lý và đem hết nhiệt tình phục vụ cái tưởng như là chân lý – những lý thuyết triết học đương thời, để rồi khám phá ra thứ chân lý ấy chỉ là lừa mị. “Con đã sa vào nhóm những người kiêu ngạo và điên cuồng, quá mê xác thịt và nói nhiều; trong miệng họ chứa rò lưới của quỷ ma… Chúng thường nói ‘Chân lý, chân lý’ và chúng nói cho con về chân lý nhiều lắm, nhưng chân lý không hề ở trong chúng mà là chúng nói những điều sai lầm, chẳng những về Chúa là Chân lý thật, mà còn về các nguyên tố của thế gian này vốn chỉ là thụ tạo của Chúa” (Tự Thú, quyển III, đoạn 6).

Trái tim ấy vẫn mãi không ngủ yên nếu không thoát ra được cơn lốc xoáy của dối gian và lừa mị, của đam mê và ham muốn, để tìm thấy bình an nơi bến bờ hằng cửu. “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa và tâm hồn con còn mãi băn khoăn khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”; “Ôi Cái Đẹp, con yêu Người quá đỗi muộn màng!” Trái tim ấy đã ngủ yên trong Chúa nhưng lại vẫn chưa ngủ yên theo một ý nghĩa khác: vẫn mãi không ngủ yên vì đau buồn khi nhìn thấy sự lầm lạc của con người như chính mình đã từng lầm lạc, và thao thức chia sẻ với họ nẻo đường hạnh phúc đích thực mà bản thân mình đã trải qua.

Nơi trái tim không ngủ yên của Augustinô, mỗi người có thể tìm thấy trái tim mình cũng chưa ngủ yên. Tưởng đã ngủ yên nơi vật chất phong phú đang sở hữu, nhưng sao lòng vẫn thấy bất an. Tưởng đã ngủ yên nơi quyền lực dày công thu tóm, mà sao lòng vẫn âu lo. Tưởng đã ngủ yên nơi tột cùng khoái lạc, nhưng sao tâm hồn quá trống trải. Vẫn còn bất an, vẫn còn lo sợ, vẫn còn trống trải thì làm sao gọi là ngủ yên?

Khám phá nơi mình một trái tim chưa ngủ yên, một tâm hồn còn băn khoăn khắc khoải, cũng có nghĩa là khám phá sự giới hạn của mọi thực tại trần thế mà nhiều lúc ta đồng hóa nó với cội nguồn hạnh phúc. Nghĩa là nhận diện tình trạng vô minh của bản thân. Đây cũng là bước đi căn bản của mọi hành trình thiêng liêng trong nhiều tôn giáo. Nhưng chưa đủ. Nếu chỉ ngừng lại ở đây thì nhận diện sự vô minh có khi chỉ dẫn đến chỗ gieo mình vào hố thẳm của hư vô, như ai đó diễn tả. Phải tiến thêm một bước nữa và là bước nhảy của đức tin, để khám phá Đấng là cội nguồn và nền tảng của Chân, Thiện, Mỹ, và chỉ nơi Đấng ấy, những khát vọng sâu thẳm nhất của lòng người mới được lấp đầy. Và khi ấy, những thực tại trong cuộc đời này vẫn được đón nhận, vẫn được hưởng dùng, nhưng trong một luồng sáng hoàn toàn mới.

“Hồn tôi hỡi, nếu các vật thể làm mi ưa thích, mi hãy nhân đó mà ngợi khen Thiên Chúa, và hướng tình yêu của mi về Đấng đã tác thành ra chúng, kẻo mi làm mất lòng Ngài, trong những sự vật mi ưa thích. Nếu các tâm hồn làm cho mi ưa thích, mi hãy yêu họ trong Thiên Chúa, vì chính họ cũng hay thay đổi, và họ chỉ tìm được sự cố định khi họ ở trong Chúa mà thôi. Nếu không, họ sẽ qua đi và hư mất. Vậy mi hãy yêu họ trong Chúa và hãy kéo về với Chúa những tâm hồn nào mi có thể kéo được, và hãy bảo họ: ‘Chúng ta hãy yêu mến Chúa. Chính Ngài tạo dựng các sự vật và Ngài không ở xa ta’… Không có sự bình an ở nơi các ngươi đang tìm kiếm. Hãy tìm điều các ngươi đang tìm, nhưng nó không ở nơi các ngươi đang tìm kiếm. Các ngươi đi tìm sự sống và hạnh phúc trong miền đất của sự chết. Nó không có ở đó! Làm sao sống hạnh phúc được ở nơi không có sự sống?” (Tự Thú, quyển IV, đoạn 12).




Nguồn: http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20120828/18003

WHĐ


Hoạt Động & Suy Tư (http://tgpsaigon.net/taxonomy/term/351)



http://www.youtube.com/watch?v=yAWJFbUYT_w&feature=player_embedded