PDA

View Full Version : Kiều mang tội gì ?



Jade
02-09-2012, 02:47 AM
Lễ Vu Lan năm nay trùng vào dịp nghỉ mừng Tết Độc Lập nên ai nấy cũng có nhiều thời gian mà rỗi rãi vui chơi giải trí. Tôi cũng vậy, dành cho mình một chút thời gian thư giãn sau nhiều ngày dài làm việc. Cách thư giãn mà tôi ưa thích và dễ dàng tìm nhất, không quá xa xỉ và tốn kém đó là lết ra cafe ngồi tán gẫu cùng bè bạn. Tất nhiên là tán gẫu bên ly cafe thì có nhiều chuyện trên trời dưới đất để mà bàn, nào là thời tiết, nào là anh Trung Hoa với đường chín đoạn và cả dịp lễ Vu Lan báo hiếu nữa. Đành rằng đó là dịp lễ của anh em Phật giáo nhưng có quan trọng gì đâu, bất cứ ai cũng phải biết chữ hiếu thôi mà. Bất chợt tôi đặt cho mọi người một câu hỏi : "Kiều mang tội gì ?" Bởi vì theo tôi phải mang một tội nghiệp gì đó mới phải lận đận, truân chuyên mãi 15 năm trường chứ.

Ôi thôi thì đủ câu trả lời, từ lý do số mệnh bởi câu : "Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen". Hay là chả mang tội gì, chỉ bị thằng bán tơ vu oan, phải bán mình chuộc cha : "Phải tên xưng xuất tại thằng bán tơ". Cao siêu hơn thì có cả ý kiến của nhà thơ Hữu Loan : "Thằng bán tơ là nhân vật bịa ra, nhân vật vu khống, không có thật, thì làm sao mang nó ra xét xử được" vì ông có hỏi : ""Kiều lấy Từ Hải, hùng cứ một phương trời, có cảnh báo ân báo oán làm hả hê cuộc đời Kiều. Cảnh báo oán trừng phạt đầy đủ những người đã gây tai họa cho Kiều. Nhưng không thấy thằng bán tơ. Thế là sao ?" Tán gẫu thì nói sao mà chả xong, tôi chỉ đáp gọn lỏn : "tội của Kiều là tội hiếu". Kết quả là tôi bị "chặt chém" và "ném đá" vì cái lý do tôi đưa ra hết sức là nhảm nhí, nhưng chả hề gì tôi chỉ mỉm cười và hứa giải thích trong bài viết này đây vì ngồi nói dóc mãi cũng khuya rồi phải chia tay nhau về nghỉ ngơi thôi, từ từ thưởng thức ý kiến của tôi và mỉm cười rồi gật gù ngẫm suy vì cái tội này nhé bạn.

Này bạn có thấy 2 cụm từ "kiều nữ" và "đại gia" không ? À thì đâu đó có người giải thích "đại gia" là nói lái của "đa dại", mà cái dại lớn nhất là "dại gái", vậy là quan trọng hơn trong hai cụm từ này phải là chữ "kiều nữ" vì sự liên quan dây mơ rễ má củ tỷ cù ty trong vụ "dại gái" đó mà. "Kiều nữ" rõ là có tên của nàng Kiều trong đó, từ này khi nói đến để chỉ một cô gái nào thì hẳn có ý nói là cô ấy không đàng hoàng. Nếu Kiều đàng hoàng thì hẳn người ta chả phải lấy tên nàng ghép lại mà sinh ra từ này và nói lên với ý không tốt phải không nào ? Không ai chối cãi được việc một hình ảnh mang nghỉa ẩn dụ, chắc ai có ăn món dầu cháo quẩy nóng hổi thì cũng biết là nó xuất phát từ việc vợ chồng Tần Cối bị cột dính với nhau đem chiên rửa oan cho Nhạc Phi. Vậy là nàng Kiều phải có tội rồi, không thể thoát đi đâu được.

Lâu lâu báo chí lại đăng tin nàng này cô nọ đem chút "vốn tự có" ra mà kinh doanh, câu kết hay bàn tán xôn xao của tin này thể nào cũng là 4 chữ : Thúy Kiều thời nay. Mà khổ cái có phải cô nào cũng nghèo, hay gia đình bị vu hại phải bán thân chuộc cha cho cam, toàn mấy cô xinh tươi. Lắm cô sải từng bước dài trên màn bạc, rồi là tâm điểm của nhiều sự kiện cũng ra kinh doanh "vốn tự có". Khi bị cơ quan nhà nước bắt quả tang xử lý thì lại vịn vào cái cớ bị cám dỗ bởi đồng tiền, không đủ sức đứng vững. Cô Kiều lại bị lôi ra so sánh với hình ảnh xấu Vậy cô ta tốt chỗ nào đâu mà không có tội khiến tôi phải gãi đầu suy nghĩ ?

Tôi đem chuyện ngày nay so với chuyện ngày xưa mới thấy lạ là khi nghe đến chữ "kiều" thì người kín đáo mỉm cười, người nhếch môi dè bỉu, vì vậy mà tôi bạo gan kết luận Kiều có tội. Kết tội thì phải có tội danh gì chớ, lật nát quyển Truyện Kiếu thì thấy té ra nếu cô Kiều không bán thân chuộc cha thì làm gì có cớ sự mà nói nào là : kiều nữ và đại gia, rồi kinh doanh "vốn tự có". Mà cô bán thân vì điều gì ? Vì chữ hiếu như cô tỏ bày "liều đem tấc cỏ quyết đền ba xuân". Đấy, thấy chưa, cái tội của Kiều là tội có hiếu. Nếu cô không có hiếu thì làm gì được viết thành "Kim Vân Kiều Truyện" rồi lại thành thơ là "Đoạn Trường Tân Thanh". Duyên cớ là đây, cuộc đời cô nên nổi tiếng xa gần, nhưng đâu phải ai cũng đủ tâm tư để cảm, để thương. Thế nên việc bôi bẩn hay làm cho xấu đi cũng là chuyện thường thôi mà. Tôi nói "tội" bởi việc người ta đưa cái danh xấu gán cho cô, mặc dù việc bán thân như cô không thể chấp nhận trong xã hội văn minh ngày nay, nhưng mỗi sự kiện có một hoàn cảnh lịch sử riêng của nó, phải đặt Kiều vào đúng thởi đại của nàng để hiểu nàng. Nếu vì chữ hiếu mà nghìn năm sau bị người đời gán ghép cho cái xấu như nàng Kiều thì tôi cũng chọn mà làm, miễn việc đó chỉ có hệ lụy cho bản thân tôi mà không ảnh hưởng đến người khác.

Nàng Kiều có tội hay không, đáng bênh hay đáng trách là do cảm nhận của mỗi người. Chữ "tội hiếu" không phải chỉ để cười trong bài viết này đâu nhé bạn, hãy nhớ về những tội mà ta có thể phạm trong đức hiếu đó. Trong một dịp lễ nhắc nhớ cho mỗi người "chữ hiếu" phải có thì nên cười một chút mà ngẫm suy cho nhẹ nhàng và lắng đọng rồi khắc ghi. Chỉ thế thôi, đời người nhiều lắm chỉ là trên dưới trăm năm, đời ngừơi vụt qua nhanh lắm. Trong sự hữu hạn đó mà từ khi có được tri thức con ngừơi đi tìm những giá trị sống và mục tiêu sống có ý nghĩa. Nhưng kết lại chỉ có hai chiều hướng mà thôi : cao thượng hay thấp hèn. Sẽ có người nào trở nên cao thượng mà bất hiếu hay không ? Chỉ mỗi chữ "hiếu" thôi cũng đủ lưu danh muôn thưở từ vua Thuấn cho đến Hoàng Đình Kiên.Thế mới hay 2 câu đối đầu xuân mà tôi vẫn luôn ưa thích và cảnh tỉnh mình mỗi lần nhìn về bàn thờ tổ tiên thật hữu lý :
Tuế hữu tứ thời xuân tại thủ
Nhân ư bách hạnh hiếu vi tiên
http://i637.photobucket.com/albums/uu92/phantom13th/user3_pic353_1225043141.jpg
Chữ "Hiếu" (st)

02-09-2012, Dom.NTP

Lan Anh
03-09-2012, 01:21 AM
Những chân dài, thường đánh đổi mọi thứ để cặp đại gia, để được đổi đời "Một bước lên xe hơi"
Các cô thôn nữ, chấp nhận đánh đổi cuộc đời để làm dâu xứ lạ.
Báo chí cho rằng đồng tiền không thể mua Tiên...nhưng có thể mua Hoa Hậu, Người Mẫu...
Phải chăng các người đẹp thời nay, ai cũng tự cho mình là những nàng Kiều của Nguyễn Du "Bán mình chuộc cha"?

dualuoi
03-09-2012, 01:50 AM
Bạn Jade ơi, Kiều bán mình chuộc cha có nghĩa là nàng hy sinh mối duyên tình của mình để làm vợ lẽ Mã Giám Sinh thôi, Kiều đâu có ý bán mình vào lầu xanh, nếu biết mình sẽ vào lầu xanh thì hổng biết nàng có đồng ý không nữa?hi!!!!!
Mình thích cặp câu đối của bạn lắm, chữ Hiếu ở Vn mình đã trở thành 1 tôn giáo rồi mà (đạo thờ ông bà), con người mà không có hiếu thì hết chỗ nói rồi, cám ơn vì bài ví dí dỏm của bạn heng!

maihuong_bun
03-09-2012, 10:13 AM
Bán mình để chuộc cha được Jade gọi là "tội hiếu", rất hay, nhưng nếu Kiều thấy cha mẹ bị đi đến con đường chết nhưng vì giữ trọn chữ Tình với Kim Trọng mà không chịu hi sinh thân mình thì lại bị người đời gán cho tội "Bất hiếu"????????. Nếu là các bạn thì sẽ thế nào nhỉ chon "tội hiếu" hay "tội bất hiếu". Đang là thực trạng và băn khoăn của rất nhiều bạn trẻ hiện nay khi đứng trước chữ " hiếu và tình".

-Titi
03-09-2012, 12:41 PM
cám ơn jade đã giúp em quyết định dc một việc. em đang băng khuăng ko bít phải làm sao. em rất thích đàn bà con gái nhất là gái đẹp nhưng bố mẹ thì mún em đi tu. đọc xong bài của anh em quyết định sẽ lấy vợ để sanh con nối dõi tông đường vì em ko mún mang tội bất hiếu với tổ tiên.

Jade
03-09-2012, 06:00 PM
Bạn Jade ơi, Kiều bán mình chuộc cha có nghĩa là nàng hy sinh mối duyên tình của mình để làm vợ lẽ Mã Giám Sinh thôi, Kiều đâu có ý bán mình vào lầu xanh, nếu biết mình sẽ vào lầu xanh thì hổng biết nàng có đồng ý không nữa?hi!!!!!
Mình thích cặp câu đối của bạn lắm, chữ Hiếu ở Vn mình đã trở thành 1 tôn giáo rồi mà (đạo thờ ông bà), con người mà không có hiếu thì hết chỗ nói rồi, cám ơn vì bài ví dí dỏm của bạn heng!
@ dualuoi : Mình nghĩ là vì chữ hiếu thì Kiều cũng sẽ làm đó bạn vì cũng như mình có nói đó "đâu phải ai cũng đủ tâm tư để cảm, để thương", "mặc dù việc bán thân như cô không thể chấp nhận trong xã hội văn minh ngày nay, nhưng mỗi sự kiện có một hoàn cảnh lịch sử riêng của nó, phải đặt Kiều vào đúng thởi đại của nàng để hiểu nàng".


Bán mình để chuộc cha được Jade gọi là "tội hiếu", rất hay, nhưng nếu Kiều thấy cha mẹ bị đi đến con đường chết nhưng vì giữ trọn chữ Tình với Kim Trọng mà không chịu hi sinh thân mình thì lại bị người đời gán cho tội "Bất hiếu"????????. Nếu là các bạn thì sẽ thế nào nhỉ chon "tội hiếu" hay "tội bất hiếu". Đang là thực trạng và băn khoăn của rất nhiều bạn trẻ hiện nay khi đứng trước chữ " hiếu và tình".
@ maihuong_bun : Mình không nghĩ là với cái nhìn của xã hội ngày hôm nay, nếu Kiều không bán mình thì lại được coi là "bất hiếu". "Hiếu" hay "bất hiếu" là xét về luân lý, mỗi thời đại có cái nhìn và thang đánh giá luân lý khác nhau phải không bạn ? Bán mình chỉ là cái cớ, cái duyên để Kiều phải lênh đênh và có chuyện mà người đời sau kể lại, vì xét ra gia cảnh của Kiều "gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung". Vậy thì bán đi cơ ngơi chắc cũng đủ chuộc Vương Ông nhưng tại sao lại phải bán thân ? Nếu đọc lời tựa của Phong Tuyết chủ nhân Thập Thanh Thị cho tập Truyện Kiều in dưới thời Minh Mệnh bạn sẽ thấy : Kiều có thể không cần có thực, đôi khi người đời mượn và dựng nên một hình ảnh mà qua đó dùng "ngòi bút, tờ giấy để chép những cái cảnh ngộ lịch duyệt của bản thân mà thôi"

Có người hỏi ta rằng: Thúy Kiều có người thực không? Ta đáp lại rằng: Không biết. Người ta lại hỏi rằng: Thế thì làm sao mà lại có truyện Thúy Kiều? Ta đáp lại rằng: Từ lúc mờ mịt chưa có gì, đến lúc có thái cực, có lưỡng nghi, có tứ tượng, rồi tự nhiên biến hóa không ai dò được manh mối tự đâu. Trong khoảng ấy có rét, có nắng, có âm, có dương, lúc sinh ra, lúc mòn đi, lúc đầy lên, lúc vơi xuống, không thể nào cứ giữ mãi được mực thường. Đã không giữ được mực thường, thì tất có cuộc biến. Vì thế hoặc năm sáu trăm năm, hoặc ba bốn trăm năm, hoặc năm sáu mươi năm, cũng phải có một lần biến. Cái biến ấy đã khác với cái thường, thì phàm ai gặp phải thời ấy, bước vào cái cảnh ấy, ngổn ngang những biến cố ở trước mắt, chồng chất những khối lỗi ở trong lòng, mới phải mượm đến bút mực để chép ra, như những truyện anh hùng, truyện phong tình, truyện trung thần, liệt nữ, truyện đạo sĩ, ni cô, chẳng qua là mượn ngòi bút, tờ giấy để chép những cái cảnh ngộ lịch duyệt của bản thân mà thôi. Truyện Thúy Kiều có lẽ cũng là một thứ sách như thế cả.

Kiều ngẫu nhiên mà sinh ra, mà có sắc đẹp, mà lại đa tình, cho đến khi đi Thanh minh, khi gặp Kim Trọng, khi bán mình chuộc cha, đều là ngẫu nhiên cả; cả đến lúc bị hãm ở thanh lâu, lúc đối chất ở phủ đường, lúc đã đâm đầu xuống Tiền đường, lúc lại đoàn viên với Kim Trọng, cũng đều là ngẫu nhiên cả. Đem bút mực tả lên trên tờ giấy nào những câu vừa lâm ly, vừa ủy mỹ, vừa đốn tỏa, vừa giải thư, vẽ hệt ra một người tài mệnh trong mười mấy năm trời, cũng là vì cái cảnh lịch duyệt của người ấy có lâm ly, ủy mỹ, đốn tỏa, giải thư, thì mới có cái văn tả hệt ra như thế vậy. Thế thì Thúy Kiều không cần phải có người thực mới có truyện, song cũng phải có người như thế mới có truyện vậy.

Khổng tử nói rằng: "Tiểu tử sao không học kinh Thi, kinh Thi có thể xem xét được biến cố, có thể hưng khởi được lòng người, có thể biết lẽ ở đời, có thể hả hê được những nông nỗi uất ức ở trong lòng". Mạnh tử có nói rằng: "Ai khéo đọc kinh Thi không nên nệ câu văn mà làm hại lời, không nệ lời mà làm hại ý, cứ lấy ý đón lấy cái chí của cổ nhân mà hiểu được, thế là được". Ai đọc truyện Kiều mà hiểu được những lời nói ấy, thì cái người mà ta gọi là Thúy Kiều có thể sớm tối lúc nào cũng gặp được vậy.

Tháng hai năm Mậu tý, niên hiệu Minh Mạng, viết ở Cẩm đàm trang thứ.
Phong Tuyết chủ nhân Thập Thanh Thị


cám ơn jade đã giúp em quyết định dc một việc. em đang băng khuăng ko bít phải làm sao. em rất thích đàn bà con gái nhất là gái đẹp nhưng bố mẹ thì mún em đi tu. đọc xong bài của anh em quyết định sẽ lấy vợ để sanh con nối dõi tông đường vì em ko mún mang tội bất hiếu với tổ tiên.
@ -Titi : Tu trì dấn thân tận hiến theo chân Chúa Kitô là ơn gọi đặc biệt dành riêng cho mỗi người. Bất hiếu bởi câu "Bất hiếu hữu tam : vô hậu vi đại" chỉ đúng trong môi trường Nho giáo thôi, bởi một lẽ còn có câu "thập nữ viết vô" mà em. Chẳng lẽ em lập gia đình em sinh ra 10 cô con gái mà không có con trai thì là bất hiếu sao, với tư tưởng sống ngày hôm nay thì thật không phù hợp mất. Nhưng em hãy yên tâm ở ơn gọi sống trong bậc gia đình thay vì sống ở bậc tận hiến nha em, mỗi người Ki tô hữu dù ở bất cứ bậc sống nào cũng được mời gọi nên Thánh ở bậc sống của mình được Thiên Chúa mời gọi.