PDA

View Full Version : "Tu xuất"



Tin Yêu Ca
29-12-2012, 11:41 PM
"Tu xuất",

Một hạn từ nhạy cảm quá phải không bạn?

Có một số người còn hay đùa vui gọi những người "tu xuất" là "dân ta ru", nghe cứ như tên của một thổ dân nào đó, song đọc ngược, hóa ra là "dân tu ra".

Nói đến "tu", nhân gian vẫn nói:

"Tu đâu cho bằng tu nhà,
thờ cha kính mẹ mới là chân tu"

hoặc:

"Tu đâu cho bằng tu nhà,
thờ cha kính mẹ mới là đạo con"

Chợt nhớ lơ mơ về câu chuyện của Dương Phủ. Dương Phủ sinh ra trong một gia đình nghèo. Ngày nọ, ông nghe bên đất Thục có một vị hiền triết thông suốt mọi lẽ khôn ngoan ở đời, nên từ biệt cha mẹ già, quyết tâm lên đường tìm gặp vị cao nhân nọ. Trên đường đi, ông gặp một vị lão tăng, và đem chuyện mình đang đi tìm vị cao nhân nọ. Nghe xong, vị lão tăng nói: "Ngươi đi gặp cao nhân, chẳng bằng gặp được Phật". Nghe thế, Dương Phủ hỏi: "Phật ở đâu mà gặp?" Vị lão tăng liền nói: "Ngươi cứ quay về nhà, gặp người mặc cái áo thế này, đôi dép thế này..., thì ấy là Phật".
Dương Phủ nghe vậy, liền quay về. Vì đường xa mệt mỏi. Vừa về đến nhà, ông thấy mẹ ông vui mừng chạy ra đón, với vóc dáng đúng như vị lão tăng kia nói. Ông chợt nhận ra:
Thứ nhất thì tu tại gia
Thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa.
Tu đâu cho bằng tu nhà
Thờ cha kính mẹ mới là đạo con.

Đọc qua câu chuyện trên, và hiểu sâu về văn hóa Việt Nam, câu chuyện Dương Phủ quả là chân lý.

Song nói thế, thì chẳng ai "đi tu" cả. Mà có đi, chắc rồi cũng vì "chữ hiếu" mà "xuất tu" để trở về "tu tại gia"? Cắc cớ gớm nhỉ?

Nhìn vào cuộc đời của Thầy, sinh ra một nơi mà nếu tưởng tượng, chắc chắn là... thối lắm. Chắc chắn thế rồi, vì sinh ra trong chuồng bò, mà lại nằm trong cái máng cỏ. Ôi thôi, cái máng ấy chắc là bẩn lắm, chứa biết bao vi trùng bởi nước dãi của biết bao cái mõm bò ngày ngày cứ chúi mũi xuống những đụn cỏ mà gặm, chưa kể cái lũ ve, lũ vắt bò bám đầy vách đá. Nhìn xem cái lũ bò hớn hở phì phò thở hơi vào Hài Nhi bé bỏng tội nghiệp, dù trong cái máng ấy còn sót chút ít rơm khô, chúng cũng chẳng dám bén mảng, ngộ nhỡ chàng Giuse cho một gậy thì khốn.
Sinh ra trong cảnh cơ hàn như thế, ấy vậy mà mới 12 tuổi đầu, đã trốn bố mẹ để ở lại "tranh luận" với những vị đáng tuổi ông, tuổi bố...

Ấy thế nhưng, khi trở về nhà, Chàng Giêsu đã một lòng vâng phục cha mẹ và lớn lên trong ngôi nhà nghèo nàn của mình ròng rã 30 năm. Lạ thiệt!

30 năm ấy, chắc chắn Chàng trai Giêsu đã "tu" vô cùng đắc đạo, bởi Chàng lớn lên, đầy ơn nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người đời.

Nhưng khi bước chân ra đi, thoát ly khỏi cái làng Nazarét nghèo hèn, Chàng Giêsu đã dõng dạc tuyên bố: "Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ mọi sự mà theo" (...) Chưa hết, Chàng còn nói: "Ai quý cha mẹ, vợ con, anh chị em và mạng sống mình hơn Tôi, thì không xứng với tôi" (...). Càng lạ hơn nữa.

Cho đến một buổi chiều, thân xác tả tơi của Chàng bị treo trên thập giá, có biết bao câu hỏi được đặt ra. Và suốt hơn 2.000 năm qua, người bước theo con đường của Chàng, kẻ chống đối, phỉ báng...

Kẻ phỉ báng đã đành, vì thủ lãnh của chúng là tên ngạo mạn, gian dối và cứng đầu.

Còn kẻ đã theo Chàng, lại có kẻ quay lưng?

Người "tu xuất" có phải là kẻ quay lưng với tiếng gọi của Chàng? Thật không dễ trả lời nếu đó không phải người trong cuộc...

-----
Người trẻ, sống với những chọn lựa, đi kèm là những phấn đấu, cố gắng tự thân. Nhưng, sự chọn lựa của người trẻ, đâu phải lúc nào cũng "xuôi chèo mát mái", và đường đời đâu phải lúc nào cũng thẳng tắp, trơn tru.
Chẳng vậy mà cụ Nguyễn Công Trứ đã bảo: "Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai" (câu này không biết chắc có phải của Nguyễn Công Trứ hay không, xin các cao nhân chỉ giáo).

Kiếp người, dù muốn hay không, vẫn cần một chữ "tu" chân chính. Có khác chăng, là tu trong môi trường nào, trong hoàn cảnh nào. Và ngộ nhỡ có phải thay đổi môi trường "tu", xin cũng đừng buồn, đừng tự ti mặc cảm hoặc bối rối trước miệng lưỡi người đời. Trên tất cả mọi sự, hãy "tìm kiếm sự sống Nước Trời" (...), và như lời Thầy căn dặn:
"ANH EM HÃY NÊN HOÀN THIỆN NHƯ CHA TRÊN TRỜI"


Ấy là tu vậy!