PDA

View Full Version : "Bật gốc"



Mai Tín
23-02-2013, 01:10 PM
BẬT GỐC

Gần đây, một loạt liên tiếp những vụ việc xảy ra, được nhận định như những “thiên tai” và “nhân tai” trong xã hội Việt Nam. Những sự kiện ấy khiến chúng ta suy nghĩ về đời sống con người, với hy vọng mỗi người sẽ đóng góp phần mình để làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Xin trích dẫn một vài trường hợp:
“Chiều nay 17-8-2012, khi cơn giông kèm theo gió lớn xảy ra do ảnh hưởng của cơn bão số 5, một vụ việc thương tâm đã xảy ra trên phố Lò Đúc (Hà Nội), một cây lớn bật rễ đã đè bẹp một chiếc xe taxi đậu trước số nhà 95F, phố Lò Đúc, làm tài xế tử vong ngay say đó” (Trang điện tử “Tin Mới”, 17-8-2012).
“Lúc gần 10g sáng ngày 22-8-2012, cây xà cừ cổ thụ trên đường Trần Nhân Tông, gần cổng chính của Công viên Thống Nhất (Hà Nội), có đường kính thân hai người ôm đã bật gốc, dù thời tiết bình thường, trời nắng ráo, gió nhẹ” (Vietnamnet 22-8-2012).
“Một vụ sạt lở xảy ra vào khoảng 7g30 phút sáng ngày 19-8-2012 khiến đoạn đường Lê Văn Lương kéo dài, đoạn qua khu đô thị Dương Nội bị xẻ đôi, xuất hiện hố tử thần giữa đường” (Vietnamnet 19-8-2012).
“Cơ quan CSĐT công an huyện Bình Chánh đang phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ công an TP.HCM truy bắt hung thủ gây ra vụ cướp tiệm vàng táo tợn giữa ban ngày tại tiệm vàng Minh Mẫn đóng tại xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TPHCM ngày 4-8-2012” (Trang điện tử “Pháp Luật” ngày 7-8-2012).
“Nguồn tin riêng của Dân trí từ Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội cho biết: Công an Hà Nội đã có Quyết định truy nã đặc biệt đối với Nguyễn Tuấn Minh sinh năm 1973 tại Hà Nội, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đào tạo Mua bán trực tuyến (Muaban24)” (Dân trí 29-8-2012).
Nếu trích dẫn tiếp thì những thông tin sẽ còn rất dài, tưởng như vô tận.
Để trả lời cho câu hỏi tại sao cây bật gốc, người ta đưa ra câu trả lời vừa nhanh vừa đơn giản: “Tại bão”. Nhưng: “Tại sao không có bão mà một cây cổ thụ lớn đến hai người ôm vẫn đổ?” Không có câu trả lời. Thật là khôi hài khi cây cổ thụ trăm tuổi “bỗng dưng muốn nằm” vào lúc thời tiết rất đẹp. Người ta không thể đổ cho trời, vì trời hoàn toàn “vô tội” trong vụ này.
Để trả lời cho câu hỏi tại sao đường sụt lún gây nên “hố tử thần”, vị Chánh thanh tra giao thông vận tải Hà Nội lý luận là do tác động của ngoại cảnh (!?). Sau đó, vị Chánh thanh tra này lại khẳng định: “Đường lún là do các rãnh cao su bong tróc, đứt gãy, kết hợp với mưa to làm nước lún sâu vào nền đường” (Trang tin điện tử “Dân trí”, ngày 19-8-2012). Thế là “thủ phạm” vụ này đã rõ: đó là mấy cái rãnh cao su. Mà mấy cái rãnh cao su lợi hại thật, đến nỗi làm cho đường há ra, nuốt gọn cả cái cổng chào kiên cố được dựng nhân sự kiện ngàn năm Thăng Long – Hà Nội!
Để trả lời cho câu hỏi tại sao bây giờ xảy ra nhiều vụ lừa đảo và cướp bóc giết người như vậy, người ta đổ cho cái nghèo. Vì nghèo mà làm bậy. Nhưng trong thực tế, khá nhiều thủ phạm gây tội ác không phải xuất thân từ những gia đình nghèo. Họ là con nhà giàu, được gọi bằng những danh xưng rất truyền thống và cũng rất hiện đại: “con quan”, “thiếu gia”, “cậu ấm, cô chiêu”… Họ thường ỷ thế bố mẹ, cậy có ô dù bảo vệ, liều lĩnh đâm chém, gây rối mà vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, thách thức công luận, coi thường đạo lý.
Quy tội và đổ trách nhiệm cho người khác, đó là một nết xấu thường có nơi con người. Ngay từ ban đầu lịch sử, trong vườn Địa đàng, vừa khi nghe tiếng Chúa hỏi về việc ăn trái cây giữa vườn, ông Ađam đã trả lời tỉnh queo: “Người đàn bà Chúa cho làm bạn với con, chính nàng đã cho con trái cây ấy và con đã ăn” (St 3,12). Ađam đã đổ lỗi cho người đàn bà, đồng thời đổ lỗi cho Chúa, vì khi nói “người đàn bà Chúa cho làm bạn với con”, ông ngụ ý rằng Chúa cho ông điều không tốt, Chúa là nguyên nhân dẫn đến việc ông phạm tội, vậy thì trách nhiệm phần nào cũng thuộc về Chúa. Ađam vô tư thản nhiên khi đưa ra cách lập luận như vậy.
Vậy là, theo lý luận của những người có trách nhiệm, cây đổ là do bão, bão là do trời; đường lún là do mưa, mưa là hiện tượng thiên nhiên, chỉ có ông Trời mới làm được. Những người thi công đường bộ và những người quản lý cây xanh đô thị chẳng có lỗi gì.
Thực ra, có một lý do chính thường bị người ta lảng tránh, đó là lương tâm con người đã bị bật gốc. Trời đang nắng và gió nhẹ, bỗng cây đổ, là do con người chặt hết rễ cây để xây nhà và làm đường. Trời vừa mưa, mọi tuyến phố ngập là do con người lấp hết ao hồ và hệ thống tiêu nước. Đường sụt lún, là do con người làm ẩu, thất thoát vật liệu xây dựng và rút ruột công trình. Tất cả những lỗi ấy đều do con người gây nên. Lòng tham của con người là nguyên nhân dẫn tới bao tai hại. Con người phải lãnh trách nhiệm về mình. Gần đây, một vài tác giả nói về một loại hình văn hóa mới, đó là “văn hóa nhận lỗi”. Đây là phương thuốc căn bản, tối ưu để chữa căn bệnh tạm gọi là “bệnh bật gốc” này. Thật là hài hước khi nhìn những hình ảnh đăng trên internet cho thấy một cây rất cao rất lớn mà rễ chỉ còn chút xíu. Những cụm rễ như chòm râu lởm chởm, bên cạnh vết nứt toác, nom như nụ cười nham nhở giễu cợt sự vô tâm của con người.
Từ sự kiện cây bị bật gốc, đường bị xẻ ngang, chúng ta liên tưởng đến những vấn đề nhân cách và đạo đức trong xã hội: tham nhũng hối lộ, cướp bóc giết người, thi cử gian lận, thực phẩm nhiễm độc, sa đọa luân lý, tan vỡ gia đình… Trước những sự việc xảy ra, người ta thường đổ lỗi cho môi trường xã hội. Nhưng xã hội là một khái niệm rất rộng và rất mơ hồ. Xã hội là tất cả mọi người và xã hội cũng chẳng là ai cả. Đổ thừa cho xã hội là đổ thừa cho hết mọi người. Quy hết trách nhiệm cho xã hội chẳng khác gì đánh bùn sang ao. Ai cũng có trách nhiệm cả mà cuối cùng chẳng ai có trách nhiệm.
Muốn giải quyết được những vấn đề gây nhức nhối trong thời đại chúng ta, thiết tưởng phải chữa căn bệnh này từ gốc. Sức sống của cây nằm ở chỗ mà nó không hiển lộ ra cho mọi người có thể thấy được. Nó ở tại bộ rễ sâu dưới mặt đất. Nếu không chăm sóc cho những rễ này thì hoa và lá sẽ tàn lụi và cây sẽ mất dần sự sống, đến chỗ khô héo và chết.
Cây bật gốc là vì mất hết rễ, con người gian ác vì vô giáo dục. Đây là cái giá phải trả cho những quan niệm lệch lạc một thời về giáo dục, khi người ta chú trọng đến tuyên truyền “lập trường giai cấp” hơn là huấn luyện đạo đức con người. Phương châm giáo dục từ xa xưa “tiên học lễ hậu học văn” có thời đã bị quên lãng, nhường chỗ cho một thứ giáo dục bát nháo, thi đua bằng cấp, ồn ào về số lượng. Truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam “tôn sư trọng đạo” đã bị thay thế bằng bạo lực học đường, dẫn tới tình trạng học sinh đâm chém thày cô giáo. Điều kỳ lạ là trong lúc người ta lo ngại và thất vọng về kết quả học tập của học sinh, thì kỳ thi tốt nghiệp năm 2012 này, tỷ lệ tốt nghiệp lại cao ngất ngưởng, tạo ra những “con số đẹp như mơ”. Trang tin điện tử Giadinh.net ngày 18-6-2012 đăng thông tin từ ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh. Theo ông, tỷ lệ tốt nghiệp của thành phố năm nay đạt 98,18% . Hà Nội, một trong những địa phương có số lượng thí sinh dự thi cao nhất nước, năm nay có tỉ lệ đỗ 98,24% ở bậc Trung học phổ thông. Tại Hải Phòng, năm nay toàn thành phố chỉ có 55 học sinh trượt tốt nghiệp, học sinh các trường Trung học phổ thông đỗ tốt nghiệp đạt 99,82%. Cứ dựa vào những thông tin này, thì chúng ta phải ăn mừng, vì con cháu chúng ta càng ngày càng giỏi. Chả thế mà cuối năm 2011 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã “ra chỉ tiêu” đến năm học 2019-2020, nước ta sẽ có 29.000 tiến sĩ dạy đại học (x.Trang tin điện tử trường Trung học Phổ thông Amsterdam Hà Nội, 4-1-2012). Nhưng hỡi ôi, số các vụ trộm cắp, lừa đảo, giết người mà thủ phạm ở tuổi học sinh cũng tăng tỷ lệ thuận với tỷ lệ thi tốt nghiệp. Phải chăng phần “rễ” của xã hội quá mỏng không đủ sức nâng đỡ và giữ vững con người trước cơn lốc hưởng thụ hôm nay? Cũng giống như người ta cắt rễ cây để xây cao ốc, hiện nay phần rễ đạo đức của xã hội cũng bị cắt hết để chạy theo phần nổi hào nhoáng của một cuộc sống đua chen hằng ngày.
Trước những vấn đề nóng bỏng của gia đình và xã hội, nhiều người thốt lên: “xã hội này mất gốc rồi!”. Thật vậy, chúng ta đang đánh mất truyền thống tốt đẹp của người Việt được in đậm nét trong những câu ca dao thuở nào “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Chúng ta cũng đang đánh mất truyền thống “nhất tự vi sư bán tự vi sư” nơi nhà trường, đánh mất lòng hiếu thảo, thủy chung trong gia đình. Những nét đẹp này của nền văn hóa Việt, xem ra ngày càng hiếm thấy giữa một xã hội đầy bon chen và đậm mùi bạo lực hôm nay. Một khi “mất gốc” thì tội ác sẽ lên ngôi và thống trị xã hội.
Làm thế nào để chữa được căn bệnh này? Tương lai dân tộc sẽ đi về đâu? Nhiều người đã đặt ra câu hỏi. Để giải bài toán hóc búa này, muộn còn hơn không, chúng ta phải xây dựng một nền giáo dục dựa trên lương tâm và đạo đức của con người. Đó là cái “gốc” cho cây Việt Nam được vững vàng. Những người lãnh đạo cũng cần nhận ra giá trị đạo đức và vai trò quan trọng của các tôn giáo. Khi không còn tin vào những giá trị siêu nhiên, con người sẽ bị chệch hướng cuộc đời. Chối bỏ Thượng Đế là nguyên nhân của bạo lực. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nhiều lần quả quyết như thế. “Sự chối bỏ Thiên Chúa làm băng hoại con người, khiến con người không còn mẫu mực nữa, và dẫn họ đến bạo lực” (Diễn từ tại Assisi, nhân ngày các đại diện tôn giáo cùng cầu nguyện cho hòa bình 27-11-2011). Công bằng là một yếu tố không thể thiếu để có một xã hội văn minh và phát triển, vì “một Nhà nước, nếu không được tổ chức theo sự công bằng sẽ chỉ là một băng đảng trộm cướp” (Thông điệp Thiên Chúa là Tình yêu, số 28).
Nhận định về vai trò của các tôn giáo trong việc xây dựng một xã hội dân chủ và bền vững, Tiến sĩ Nguyễn Quang Hưng, thuộc Viện Nghiên cứu Tôn giáo đã viết: “Sự khủng hoảng đạo đức Việt Nam hiện nay do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc truyền bá chủ nghĩa duy vật và vô thần, hạ thấp vai trò của tôn giáo, nhất là thời kỳ trước Đổi mới. Việc phủ nhận các giá trị tôn giáo, đề cao chủ nghĩa duy vật vô thần tới mức cực đoan vô hình trung cổ vũ cho cái “văn hóa” tiêu dùng phàm tục”. Rồi tác giả kết luận: “Khủng hoảng đạo đức xã hội ở Việt Nam đã tới mức báo động và có thể còn kéo dài, đòi hỏi nỗ lực của các cấp chính quyền, các tổ chức tôn giáo và từng người dân để khắc phục” (x. Nguyệt san Công giáo và Dân tộc, số 211, tr. 29 và 33). Hy vọng ước mong của một trí thức ngoài công giáo được nhiều người để ý quan tâm.
Một căn nhà vững chắc là nhờ mọi bộ phận của căn nhà ấy đều được gắn kết chặt chẽ với nhau. Một gia đình hạnh phúc được thể hiện qua tình yêu thương của mọi thành viên trong gia đình ấy. Căn nhà Việt Nam, muốn được vững chắc, cần có sự chung sức chung lòng của mọi người, nơi đó, các tôn giáo được phát huy chức năng của mình, nhằm cộng tác xây dựng một cuộc sống an bình và phát triển.



Gm Giuse Vũ Văn Thiên
http://hdgmvietnam.org (http://hdgmvietnam.org/bat-goc/4181.95.5.aspx)