PDA

View Full Version : Mười ba con ma : Thiệt



Jade
07-05-2013, 07:39 PM
Người Việt có câu: “Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết”, dù nghèo khó đến đâu người ta cũng cố gắng xoay xở, chạy vạy để được ăn uống gọi là có chút no đủ trong mấy ngày Tết. Bữa cơm ngày Tết thông thường cũng sang trọng hơn mọi ngày, trong đó những món ăn như “thịt mỡ - dưa hành - bánh chưng xanh” đã trở thành truyền thống. Ngày nay, đời sống khấm khá hơn, dưa hành và bánh chưng là không thể thiếu, nhưng thịt mỡ thì cơ bản chỉ còn là ước lệ. Và cái Tết dường như ăn vào rất sâu trong tâm trí người Việt, đến nỗi có thể nói đứa bé sơ sinh đã uống giòng nước Việt thì chưa biết nói đi nữa nó vẫn mang trong hơi thở hai chữ : Tết Việt. Rất hay cho một câu ca xuân : “dù đi đâu ai cũng nhớ về chung vui bên gia đình”.

Khi xưa còn ở Việt Nam, người bạn tôi hay bảo bánh chưng nhìn phát ngán. Ngày Tết tôi mang sang tặng thì vì tình nghĩa bạn bè mà ăn cho vui lòng người tặng. Bây giờ sang nước Mỹ xa xôi, đi qua một cái Tết không có không khí, dù chỉ là trầm lắng, như ở Việt Nam mà thấy thèm cái bánh chưng quá. Hắn bảo bên đó ngày Tết, ở mấy khu thương mại, có cho đốt pháo, nghe cũng đã cái lỗ tai đấy vậy mà vẫn chán phèo. Ừ thì kể cũng xa tiếng pháo nhiều năm, những thú vui của tuổi thơ, những kỷ niệm đầy ắp ùa về, nhưng mà chỉ được ngắm pháo qua một cái hàng rào an toàn, không được tự tay đốt, thật là phí của trời.

Còn về bánh chưng thì hắn bảo : thèm quá, đi cày suốt nhưng cũng ráng sắp hàng gần tiếng mua cho được một cặp về ăn cho đã. Bảo là cho đã thế thôi nhưng chẳng hiểu sao loại cao cấp vẫn còn thấy thiếu thiếu chút gì đó nơi đầu lưỡi của vị bánh quê hương. Nghe hắn than thở hôm mùng 1 Tết, tôi mới phì cười mà giải thích : tại mày không để ý trong cái clip gói bánh tao quay cho mày xem đó thôi. Hương vị mày nhớ nơi đầu lưỡi là những yếu tố nhỏ làm nên hương vị thức ăn, những cái thiếu đó đưa về một cảm giác của ký ức, đó là do lưỡi nếm đưa người ta nghĩ đến.

Dường như bánh chưng phải được nấu bằng củi thì chính cái hương khói ấy ám vào nồi bánh tạo ra thêm một hương vị riêng. Đồng thời, chính sợi dây lạt dùng để gói, nay đem ra cắt bánh cũng góp thêm yếu tố hương vị vào đó. Những sợi dây của thời hiện đại đủ sắc màu, tuy là đẹp thật đó, nhưng chắc chắn sẽ không bằng sợi dây lạt, và tôi vẫn thường bình luận vui là “sự cưỡng bức thô bạo lên tâm hồn Việt”.

Cái lưỡi là cơ quan nhảy cảm với những hương vị được đưa đến nó. Khi nếm trải những hương vị thân quen, ngọt ngào cũng đưa về những điều làm người ta cảm thấy hạnh phúc. Ngược lại, với những hương vị cay đắng cũng có thể gợi lên những điều khổ nhục, chua cay.

Ngày nào đó bạn về, tôi sẽ lại mời bạn những điều dân dã bình dị, nhưng chính trên đầu lưỡi bạn tôi sẽ đặt lên đó cả một miền ký ức. Có thể chỉ là cơm hàng cháo chợ thôi, nhưng là ở những nơi mà tôi và bạn từng bá vai bá cổ chỉ để giành giật từng cục bò viên, hoặc nhường nhau từng đũa bún, thìa cơm chỉ vì : hình như hôm nay mày hơi đói ! Hương vị đó tôi sẽ lại đặt trên đầu lưỡi bạn, sẽ níu tâm hồn bạn chẳng thể xa mảnh đất này. Vì lưỡi bạn đã nếm trải nên đã thành ký ức.

Cũng đầu lưỡi đó mà trong câu chuyện rất ngắn của tác giả Thanh Thanh Thảo với tựa đề “Anh Hai”, đã đưa hai đứa trẻ đến một miền ký ức tràn những yêu thương, mãi suốt đời chúng chẳng thể nào quên :

“Trên một chiếc xe hơi bóng loáng, một người mẹ dỗ dành cho đứa con ăn thêm cái bánh nữa, nhưng đứa bé lắc đầu vì ngán quá. Người mẹ lại nài nỉ con ăn thêm, nhưng đứa bé cương quyết không ăn, nó lắc đầu quầy quậy, gạt mạnh tay, chiếc bánh kem văng qua cửa xe rơi xuống đường sát miệng cống. Chiếc xe rồ máy chạy đi, hai đứa trẻ đang bới móc đống rác gần đó chạy đến nhặt, mắt hai đứa sáng rực lên dán chặt vào chiếc bánh thơm.
Thấy bánh lấm láp, đứa con gái nuốt nước miếng, bảo anh trai:
- Anh Hai, thổi sạch rồi mình ăn.
Thằng anh phùng má thổi bụi đã dính chặt chẳng chịu đi cho, đứa con gái thấy sốt ruột cũng ghé miệng thổi tiếp. Chính cái miệng háu đói của nó đã làm cái bánh rơi tõm xuống dưới cống hôi hám.
- Ai biểu anh Hai thổi chi cho mạnh, con bé nói rồi khóc thút thít.
Thằng anh dỗ dành:
- Ừ tại anh, nhưng kem còn dính tay anh đây nầy, cho em ba ngón, anh chỉ liếm hai ngón thôi.”


Dom.NTP, 07-05-2013

Lan Anh
08-05-2013, 07:01 AM
Jade nói đúng hoàn toàn nhưng thiếu một yếu tố quan trọng không kém để hương vị những món ăn dân dã quê nhà đậm đà, thơm ngon hơn.
Jade biết gì không?
Là những hồi ức của món ăn, kèm những tình cảm thân thương, những yêu mến của cha mẹ, anh chị em và bằng hữu... Tất cả là mấu chốt tăng thêm hương vị đấy! Bảo đãm không đúng, không ăn tiền. Hi hi hi

Jade
08-05-2013, 06:15 PM
Jade nói đúng hoàn toàn nhưng thiếu một yếu tố quan trọng không kém để hương vị những món ăn dân dã quê nhà đậm đà, thơm ngon hơn.
Jade biết gì không?
Là những hồi ức của món ăn, kèm những tình cảm thân thương, những yêu mến của cha mẹ, anh chị em và bằng hữu... Tất cả là mấu chốt tăng thêm hương vị đấy! Bảo đãm không đúng, không ăn tiền. Hi hi hi
Sư tỷ đã ăn tiền rồi :yeah:

Nhưng mà không phải là tiểu đệ quên, vì chỉ muốn nói đến cái lưỡi như là "tiền đề" cho sự gợi về ký ức. Bởi vì nó là "lưỡi nếm nghĩ" cơ mà. Nếu bố cục cho đầy đủ thì thật tiểu đệ nghĩ mãi chưa biết viết sao, đã viết thử nhưng thấy dài quá, trong khi đó bài chỉ cố gắng gói gọn trong vòng 1000 chữ nên thôi đành lượt bỏ. Mà bỏ rồi lại thấy tiếc cho nên chọn giải pháp cuối cùng là đưa câu chuyện "Anh Hai" vào cho trọn vẹn phần còn thiếu là 2 chữ "tình thân" vào.

Giờ còn 4 con ma "ố, tỷ, thân, ý", còn đang bí chủ đề mà diễn đạt đây :d