PDA

View Full Version : Cửa hẹp



Pere Joseph
27-08-2013, 02:51 AM
CỬA HẸP
CN 21C (LK 13:22-30)

Một buổi chiều Chúa Nhật, hai anh em – Tân và Tiến – thảo luận với nhau về một chủ đề niềm tin. Họ rất ít khi nói chuyện với nhau về những điều liên quan đến tâm linh vì ở trường người ta dạy học sinh rằng vấn đề niềm tin là chuyện riêng của mỗi người. Nhưng sáng Chúa Nhật hôm ấy có một điều đặc biệt: một linh mục đến thăm giáo xứ của họ và được cha xứ mời giảng Lễ để cộng đoàn được thưởng thức những điều mới lạ. Linh mục nọ nhận lời. Sau khi nghe công bố bài Tin Mừng, mọi người ngồi xuống. Tất cả hướng mắt vào ngài, chăm chú lắng nghe.

Vị linh mục bắt đầu đọc: “Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy.Có kẻ hỏi Người: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?” Người bảo họ: “Hãy cố gắng vào qua cửa hẹp, vì tôi nói cho anh chị em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không mạnh đủ.””

Rồi vị linh mục hỏi cộng đoàn: “Anh chị em nghĩ sao?” Rồi ngài dừng lại ít giây, bước xuống khỏi bục giảng, trở về chỗ ngồi của mình. Và đó là câu cuối cùng của bài giảng.

Mọi người trong nhà thờ ngỡ ngàng, há hốc miệng, nhìn nhau như muốn hỏi: “Chỉ có thế thôi sao? Thật vậy à?” Bà con bị sốc. Nhưng bài giảng ‘khác thường’ ấy lại tạo nên những diễn tiến sau đó. Câu hỏi ấy giống như một bài tập về nhà nhỏ nhỏ trong tâm trí mọi người. Trong bối cảnh này mà cuộc trao đổi của Tân và Tiến đã diễn ra.

Tân hỏi: “Chỉ có một số người được cứu độ phải không? Em nghĩ sao?”

Tiến đáp: “Anh có thể còn nhớ đã nghe về con số 144 ngàn trong chương 7 và 14 của sách Khải Huyền. Một số người cho rằng chỉ có 144 ngàn người sẽ được cứu độ.”

“Vậy thì cũng chẳng nhiều nhỉ.” Tân nói.

“Đúng vậy, không nhiều.” Tiến đáp. “Dĩ nhiên đây không phải là giải thích chính thức của Giáo Hội Công Giáo. Con số này mang một ý nghĩa biểu tượng trong Kinh Thánh. Em may mắn được tham gia một số khóa học thần học ít năm về trước. Giáo sư nhắc chúng em phải luôn luôn đọc một bản văn Kinh Thánh trong ngữ cảnh cụ thể của nó để tránh giải thích lệch lạc và sai sót.”

“Là sao em?”

“Ví dụ, trong ngữ cảnh của bài này, Đức Giêsu không nói bao nhiêu người sẽ được cứu độ. Thay vào đó, Người đưa ra một câu trả lời khác: “Hãy cố gắng vào qua cửa hẹp, vì tôi nói cho anh chị em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không mạnh đủ.” Anh thấy đấy, Người cung cấp cho ta một nguyên lý lớn hơn.

“Ồ, anh hiểu ý em rồi. Nhưng anh không hiểu rõ ý nghĩa của từ “cửa hẹp”, và tại sao người ta phải mạnh đủ để đi qua nó. “Mạnh” nghĩa là gì chứ?” Tân có vẻ bối rối.

Tiến đáp: “Một số người có thể hiểu “cửa hẹp” nghĩa là sự đau khổ ở đời. Tuy vậy, cách hiểu này có thể nguy hiểm cho đức tin khi họ coi đau khổ cuộc đời đồng nghĩa với những điều xấu. Chúng ta lấy thử một số ví dụ như sau. Khi cuộc khủng bố xảy ra ở New York ngày 11 tháng 9 năm 2001, một số người nói: “Đây là hình phạt Chúa giáng xuống nước Mĩ vì họ tội lỗi.” Khi trận động đất kinh khủng xảy ra ở Haiti năm 2010, có người bảo: “Chúa muốn thử thách lòng tin của dân chúng.” Một lần nọ, khi em đến thăm một bệnh nhân ung thư, chị ấy nói: “Chúa gửi cho tôi bệnh này để khiến tôi khổ giống Chúa Giêsu.” Một lần khác, khi em gặp một gia đình nghèo, anh chồng phàn nàn: “Tôi cảm thấy Chúa chẳng quan tâm gì đến cảnh nghèo của chúng tôi.” Rồi một lần khác nữa, tôi gặp người bạn bị tai nạn xe, anh ta nói: “Có lẽ Chúa trả thù tôi vì tôi đã nói xấu Chúa.” Vân vân… Anh nghĩ sao về những nhận định này? Em không nghĩ chúng phù hợp với đức tin Kitô của chúng ta.”

Tân lắng nghe cẩn thận và nói: “Có lẽ chúng ta cần nhìn vấn đề “cửa hẹp” theo một nghĩa khác. Anh bắt đầu thấy giá trị của điều em nói lúc nãy về việc xem xét các vấn đề trong ngữ cảnh cụ thể của chúng. Anh nghĩ chúng ta cần phải đọc phần tiếp theo của bài Tin Mừng hôm nay để thấy một bức tranh toàn diện hơn. Em có sách Kinh Thánh ở đây không?”

“Dạ có.” Tiến đưa Tân cuốn Kinh Thánh.

“Cảm ơn em. Ta hãy nhìn vào các đoạn tiếp theo. Đức Giêsu kể một dụ ngôn về ông chủ nhà, sau khi đã đóng cửa nhà mình, từ chối những người đến gõ cửa nói rằng họ biết ông. Rồi ông nói với họ: “Tôi không biết các người từ đâu đến. Hãy đi cho khuất, hỡi những KẺ LÀM ĐIỀU GIAN ÁC!” Ở đây, ta có thể thấy rằng những kẻ làm điều ác xem ra là những kẻ không thể đi qua cửa hẹp.”

“Dạ, em nghĩ anh nói có lí. Mặc dầu những kẻ làm điều ác có vẻ hung hãn bên ngoài nhưng thực ra họ không phải là mạnh mẽ. Họ có thể mang vẻ mạnh mẽ trong con mắt trần gian chóng qua này nhưng không hề mạnh mẽ trong mắt Đấng Sáng Tạo thế giới, bởi vì những điều ác làm cho người ta trở thành yếu ớt và hư mất.” Tiến nhận định.

“Wow! Điều em mới nói làm anh thấy đánh động. Nhưng cuối cùng, “cửa hẹp” có nghĩa là gì nhỉ?”

Tiến nói: “Đức Giêsu là người dạy chúng ta phải mạnh mẽ để đi vào cửa hẹp. Vì thế, em nghĩ mình nên nhìn vào Người để tìm câu trả lời đúng đắn.”

“Như thế nào?”

“Em đề nghị mình chiêm ngắm Người trên thập giá. Trong một hoàn cảnh đau thương và tủi nhục như thế, con người có khuynh hướng hay chọn vào cửa rộng, tức là phản ứng bằng sự nóng giận, cay đắng, bạo lực, hận thù, trả đũa, v.v… Nhưng Người không bước xuống khỏi thập giá để cho họ biết tay. Người không trả thù. Ngược lại, Người ở lại trên thập giá vì Người vẫn yêu thương những kẻ đang thù ghét và giết hại mình. Điều này thật không dễ làm chút nào. Khoan dung, nhân hậu, tha thứ, an hòa và yêu thương trong hoàn cảnh như thế chính là đi qua cửa hẹp. Chỉ có người mạnh mẽ thực sự mới làm được điều ấy.”

Tân lắng nghe Tiến. Anh bắt đầu kiểm điểm lại cách hành xử của mình. Anh nghĩ mình cần yêu thương nhiều hơn để trở nên mạnh mẽ hơn như Thầy Giêsu. Rồi anh hỏi em:

“Tiến, em có thấy anh là người mạnh mẽ chưa?”

“Ờ, cả hai anh em mình đều cần lớn lên thêm về mặt này. Em tin rằng với ơn trợ giúp của Chúa chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn để đi qua cửa hẹp.”

Tân gật gù, nở một nụ cười nhẹ.

Từ hôm ấy, hai anh em dành thêm thời gian chiêm ngắm Đấng Mạnh Mẽ, Đấng đã hi sinh mạng sống để chỉ nói với mỗi người một điều duy nhất này: “Ta yêu con!”

Giuse Việt, O.Carm.

[15A+V0813]

English: http://only3minutes.wordpress.com/english/narrow-gate/

.