PDA

View Full Version : Về Mẹ Tà-pao



JB. Sĩ Trọng
11-04-2014, 03:48 PM
Nơi chốn xa xôi hẻo lánh này,
Đoàn con lưu luyến Mẹ về đây
Lao xao rừng trúc, vi vu gió
Ngàn vọng phương trời cõi nước mây.

Suối reo róc rách ở từng cao,
Vách núi cheo leo tựa đá bào
Mẹ đứng trông chờ đàn con nhỏ
Với lòng quãng đại, mến yêu sao!

Năm tháng giờ đây vẫn bóng hình,
Mẹ cười âu yếm, dáng tươi xinh
Ánh mắt bao dung, tình vô tận
An ủi đời con, sóng gập ghềnh .

Đời con chân yếu, khớp chân đau
Bậc cấp đi lên khó thế nào !
Miệng hát câu kinh cầu khẩn Mẹ
Mà lòng vời vợi nỗi khát khao .

Chân bước liêu xiêu…bỗng nhẹ nhàng
Ngỡ ngàng, hạnh phúc chợt mênh mang,
Mẹ ơi, con biết rồi…, con biết !
Phép lạ nhiệm mầu Mẹ thương ban.

Con đã đi cùng Chúa Giêsu ,
Leo lên gặp Mẹ giữa sương mù
Rừng tre e ấp màu xanh lá ,
Nghe vọng trong hồn tiếng hát ru.

Nơi chốn thâm u tịch mịch này,
Đoàn con yêu mến Mẹ nồng say
Đẹp sao tình Chúa luôn ấp ủ,
Bên cạnh tình con – Mẹ phủ dầy.

Nơi chốn hoang vu vắng vẻ này,
Con thầm mong được Mẹ cầm tay
Con đi – Mẹ dẫn, đời xuôi ngược
Thần Khí thiêng liêng, Mẹ lấp đầy.

Con trở về thăm Mẹ Tà-pao,
Trong nắng xôn xao, gió tự trào
Đem hết nỗi niềm dâng lên Mẹ,
Nhưng lòng còn mãi những ước ao.




JB.Sĩ Trọng.

JB. Sĩ Trọng
11-05-2014, 12:14 AM
http://thuyngakhanhhoa.files.wordpress.com/2009/07/dsc_0079-medium1.jpg

Ai cũng có thể biết về Mẹ La vang, Mẹ Trà kiệu, Mẹ Fatima… nhưng có thể nhiều người chưa biết về Mẹ Tàpao, nhất là những người ở ngoại tỉnh, ở xa…Bài chia sẻ này, muốn giới thiệu cho những ai chưa biết đến địa danh này.

Từ bao đời, Tà Pao là một vùng đèo heo hút gió, thưa thớt dân cư… Tà Pao tiếng dân tộc K’Ho có nghĩa là Núi Pao. Bình Thuận có đến ngũ Tà: ngoài Tà Pao là Tà Mon, Tà Lễ, Tà Zon, Tà Pứa. Thánh tượng Đức Mẹ Tàpao là một trong năm thánh tượng Đức Mẹ được đặt rải rác từ Miền Trung vào Miền Nam và cao nguyên Trung phần vào năm 1959.

Ngày 8.12.1959, Đức Cha Marcello Piquet, Giám mục Giáo phận Nha trang, đã cử hành lễ Cung Hiến và Khánh thành tượng đài Đức Mẹ Tàpao, với sự hiện diện của đông đảo linh mục, tu sĩ và hàng chục ngàn tín hữu phần lớn gốc di cư từ Huế, Nha trang, Ban mê thuột, đồng bằng sông Cửu long…Có thể nói Lễ Cung hiến và Khánh thành tượng đài Đức Mẹ Tàpao là một Đại lễ tôn giáo có tầm cỡ quốc gia. Trong những năm tháng chiến tranh, hầu hết bà con giáo dân sơ tán về vùng Nam sông La Ngà và những nơi khác, nên Tượng đài Đức Mẹ Tàpao không ai chăm sóc và dường như bị lãng quên…

Sau 1975, Tà Pao là một điểm kinh tế mới nằm trên địa bàn giáo phận Phan Thiết mới được thành lập tách ra từ giáo phận Nha Trang, nhưng cũng từ thời điểm này Đức Mẹ Tà Pao chìm vào quên lãng và tượng bị che khuất bởi một rừng tre trúc mọc dày đặc. Vào khoảng tháng 10 năm 1980, một số bà con giáo dân thuộc vùng Kinh tế mới xã Đức Tân và xã Huy Khiêm đã tiến hành việc kiếm tìm lại Tượng Đài Đức Mẹ Tàpao. Vào khoảng thời điểm Phục Sinh năm 1989, một số giáo dân xứ Nghị Đức và Huy Khiêm âm thầm thăm viếng Tượng Đài Mẹ và phát hiện đầu, tay, chân Thánh Tượng bị bể nát. . Mãi đến năm 1990, cha xứ Đức Tân và một số giáo hữu chặt tre phát cây tạo lại lối đi. Từ đó nhiều người dần dần kéo đến đọc kinh cầu nguyện…

Khoảng cuối tháng 6 năm 1991, nhận dịp lễ kính hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, những anh em này được sự cho phép và cổ vũ của Đức Giám Mục Phan Thiết bấy giờ là Đức Cha Nicolas Huỳnh văn Nghi, sự khích lệ của linh mục FX Đinh Tân Thời quản xứ Duy Cần (tức Gia an hiện nay) đã đến nhờ điêu khắc gia Lê Phát (hiện đang ở giáo xứ Ngũ Phúc, Xuân Lộc) đắp vá và sửa sang lại Thánh Tượng Mẹ. Công trình hoàn tất ngày 30.7.1991. Kể từ ngày 01.8.1991, Thánh Tượng Mẹ Tà Pao lại sừng sững trên ngọn núi Tà Pao, thuộc Huyện Tánh Linh, Tỉnh Bình thuận, để ai ai cũng có thể chiêm ngắm và được Mẹ ban phúc lành. Tà Pao tọa lạc nơi vùng đồi núi trên địa bàn xã Đồng Kho, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận, giáp ranh với huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, nên giáo hữu có thể đến đây từ hai hướng Tánh Linh hoặc Tân Phú. Về tôn giáo, Tà Pao nằm trên địa bàn giáo họ Đồng Kho – giáo xứ Đức Tân, giáo hạt Đức Tánh, giáo phận Phan Thiết. Giáo họ Đồng Kho ngày nay có khoảng 1.000 tín hữu trong tổng số 7.230 dân.

Tà Pao chỉ trở nên địa danh quen thuộc của tín hữu các vùng lân cận thuộc giáo phận Đà Lạt, Xuân Lộc, Sài gòn… từ năm 1999 trở lại đây…. Sự việc bắt đầu bằng câu chuyện ba em học sinh Phương Lâm thấy Đức Mẹ hiện ra đưa tay vẩy và mất hút dần về phía bên kia núi. Ngày 29.9.1999, lễ kính các Tổng Lãnh Thiên Thần, một nhóm giáo dân vùng Phương Lâm và phụ cận, rồi sau đó các vùng Dốc mơ, Gia kiệm, Hố nai, rồi Sàigòn… tuôn đổ về vùng giáp ranh giữa Phương lâm và Tánh linh với ước mơ được nhìn thấy Mẹ .Một ngọn đồi trồng chuối bị người ta dẫm nát, chỉ còn lại một bãi đất trống nối với vùng sình lầy, nhìn qua bên kia là núi Tàpao.

Khoảng đầu năm 2000, sau thời gian tìm kiếm và được biết ở Tàpao thuộc huyện Tánh Linh, Tỉnh Bình thuận có tượng đài Đức Mẹ trên núi , đoàn người đổ xô về Đức Mẹ Tàpao để chiêm ngắm, cầu nguyện và xin ơn…Và rồi từ đó, biết bao câu chuyện lạ và ơn lạ được tường thuật lại như những chứng từ ân sủng Thiên Chúa ban qua trung gian cầu bầu của Đức Mẹ Tàpao. Ơn lạ cụ thể nhất không ai có thể chối cãi, đó là: nhờ lòng kính mến và thành tâm khẩn nguyện cùng Mẹ Tàpao mà bao linh hồn được ơn sám hối ăn năn, đổi mới cuộc đời quay về nẻo chính đường ngay, bao gia đình tan vỡ được hàn gắn hoà thuận, bao kẻ âu lo thất vọng được an ủi và lấy lại niềm tin yêu cho cuộc sống… chưa kể ơn được chữa lành bệnh.

Sau bao năm tháng hầu như bị lãng quên, ngày nay Đức Mẹ Tàpao trở thành nơi hội tụ của những người Con Dân Việt khắp Ba miền, trong cũng như ngoài nước; trở thành điểm quy chiếu để mỗi người có thể trở về lại với chính mình và nhận ra được con người đích thực của mình và chính nhờ đó mới có thể khám phá ra được dung mạo đích thực của Thiên Chúa Tình yêu qua dung nhan dịu hiền yêu thương của Đức Maria trong đời thường của mỗi người . Từ năm 2002, vào các ngày 13 hằng tháng trong năm, thường có thánh lễ đồng tế do ĐGM giáo phận chủ sự.

Riêng đối với những người hành hương, một khía cạnh quan trọng là cung cách biểu lộ sao cho phù hợp với niềm tin – một niềm tin không mang dáng vẻ cuồng tín, lệch lạc văn hóa, bất chấp kỷ cương… Thị kiến về Đức Mẹ có thể là thị kiến cá nhân hoặc tập thể, nhưng cung cách biểu lộ của người hành hương chắc chắn liên đới và gây ảnh hưởng đến tập thể. Ngược lại, các trung tâm – điểm hành hương cần tạo được vẻ tôn nghiêm từ cảnh quan đến các sinh hoạt tôn giáo…

Ngày nay, GHCGVN đã có nhiều trung tâm hành hương và là điểm đến thường xuyên của mọi người trong cũng như ngoài nước. Ước mong Đức Mẹ Tà Pao là một trong những môi trường thực sự tâm linh cho những ai thành tâm tìm đến .




( Thu thập và tổng hợp từ các nguồn tư liệu )

JB xin chân thành cảm ơn các tác giả đã chia sẻ bài viết qua mạng, từ đó JB có các nguồn tư liệu, tổng hợp, chia sẻ lại với những ai có tâm hồn yêu mến Mẹ Maria . Tất cả để làm sáng danh Mẹ.

nguahoangtvt
13-05-2014, 09:41 AM
Cám ơn thầy về bài chia sẻ trên, thật hữu ích và ý nghĩa. Giải tỏa được những tò mò bấy lâu nay.

Đọc xong bài này con có thêm 1 thắc mắc khác nữa là, khi con đọc câu này :"Thánh tượng Đức Mẹ Tàpao là một trong năm thánh tượng Đức Mẹ được đặt rải rác từ Miền Trung vào Miền Nam và cao nguyên Trung phần vào năm 1959." Vậy có tài liệu nào chú thích rõ 4 bức tượng còn lại được đặt ở đâu không ạ?
Không biết thầy và các bạn có tài liệu nào giúp con tăng thêm chút hiểu biết không nhỉ?
Cảm ơn cả thầy và cả nhà rất nhiều!

Trung TTN
13-05-2014, 02:38 PM
Theo mình được biết thì 5 thánh tượng đó là:
-Đức Mẹ Giang Sơn (Đắc lắc)
-Đức Mẹ Thác Mơ (Phước Long -Bình Phước)
-Đức Mẹ Phương Hoàng (Kontum)
-Đức Mẹ Trinh Phong (Ninh Thuận)
-Đức Mẹ Tà Pao (Bình Thuận).
Các tượng này được xây dựng trong ba năm 1959, 1960 và 1961.