PDA

View Full Version : MATTA và MARIA ĐÓN TIẾP CHÚA (CN 16 TN năm C)



allihavetogive
18-07-2010, 11:33 AM
MATTA và MARIA ĐÓN TIẾP CHÚA (CN 16 TN năm C) (http://www.nhachua.net/index.php?option=com_content&view=article&id=668:matta-va-maria-on-tip-chua-cn-16-tn-nm-c&catid=98:suy-niem-loi-chua&Itemid=477)




Có thể nói, thái độ đức tin căn bản của người tin vào Chúa chính là đón tiếp Chúa vào trong cuộc đời của mình. Sự đón tiếp không chỉ thuần túy mời khách vào nhà rồi thiết đãi linh đình nhưng hệ tại việc thể hiện tình yêu dành cho khách được mời. Do đó, đón tiếp Chúa cũng chính là thái độ yêu mến muốn Chúa đến đồng hành với mình trong cuộc sống. Như thế việc đón rước Chúa chính là thái độ biết lắng nghe và đem áp dụng Lời Chúa trong đời sống của mình.

Bài đọc I của chúa nhật XVI bầy tỏ lòng hiếu khách của tổ phụ Abraham đối với ba sứ giả của Thiên Chúa. Abraham được chúc phúc nên Sara vợ ông sẽ sinh hạ con trai đầu lòng dù bà đã cao niên và ông sẽ trở nên tổ phụ của một dân tộc vĩ đại. Trong bài đọc II thánh Phaolô sung sướng vì được chia sẻ sự đau khổ của Đức Kitô khi thi hành sứ vụ tông đồ. Bài Phúc Âm là trình thuật về câu chuyện hai chị em Matta và Maria đón tiếp Chúa Giêsu tiếp liền với Dụ ngôn người Samaria nhân hậu được nói đến trong Tin Mừng chúa nhật tuần trước, tạo nên một bộ tranh gồm hai bức. Kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân được tóm gọn trong bốn chữ mến Chúa yêu người. Đây chính là cốt lõi của Đạo Chúa.

Thực ra, người chị Matta và em là Maria đều tỏ lòng hiếu khách khi đón tiếp Chúa Giêsu đến thăm. Nhưng xem ra hai chị em lại đón tiếp bằng hai thái độ khác nhau. Thật vậy, lòng hiếu khách hệ tại việc trân trọng lắng nghe khách và đáp ứng nhu cầu của khách hơn là bắt khách phải chiều theo sự đón tiếp của mình: Em tôi để tôi hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao…? Đón tiếp Chúa vào cuộc đời của mình chính là biết lắng nghe và thực thi Lời Chúa. Tin mừng chúa nhật tuần này cho ta thấy rõ điều ấy.

Theo các Giáo phụ như Ogirène, Thánh Ambrôsiô, Thánh Cyrille d’Alexandre…thì hai chị em Matta và Maria tượng trưng cho hai lối sống tu đức hoạt động và chiêm niệm. Các ngài quan niệm người Kitô cần phối hợp cả hai cách mới cân bằng. Bởi nghe và sống Lời Chúa là ưu tiên của đời sống Kitô hữu. Khi trách Matta lo lắng về nhiều chuyện, Chúa Giêsu lấy lại điều mà Ngài thường căn dặn môn đệ và dân chúng: Các con đừng qúa lo lắng cho mạng sống hay của ăn, áo mặc. Ngài cảnh giác những kẻ theo Ngài đừng để những lo lắng về cuộc sống bóp nghẹt hạt giống Lời Chúa. Theo R. Meynet: Matta tiếp đón Chúa Giêsu vào nhà thì cô lo lắng mọi sự chỉ trừ Chúa. Việc phục vụ của cô lấn lướt cả vị khách. Về phần Maria, cô giữ một thái độ xứng hợp nhất, ngồi bên chân Chúa và chăm chú lắng nghe. Cô đã quên tất cả mọi sự, ngoài Chúa…

Bạn thân mến,
Chúa nhật vừa qua, khi đọc Dụ ngôn người Samaria nhân hậu, ta học biết rắng con đường lên Giêrusalem, theo chân Đức Giêsu cần đi qua tình yêu thương người thân cận, Giới luật này vượt trổi mọi giới luật. Từ đó, ta học biết thêm rằng con đường này không thể tách rời con đường lắng nghe lời Thiên Chúa. Nếu ta chỉ đặt trong tâm đến những hoạt động xã hội mà quên đi sự cần thiết phải cầu nguyện. Đức Giáo Hoàng Piô XII gọi đó là một thứ lạc giáo: Lạc giáo hoạt động. Kinh nghiệm cho thấy những hoạt động rầm rộ, những cuộc dấn thân vào đời mà không có liên hệ mật thiết với Chúa, không lấy sự cầu nguyện làm căn bản hỗ trợ, thì sẽ không đem lại ích lợi sâu xa và lâu bền.

Với Chúa Giêsu, có một bậc thang giá trị: phải dành ưu tiên tuyệt đối cho việc lắng nghe Lời Chúa. Matta không bị khiển trách về lòng hiếu khách, về sự đón tiếp nhưng vì qúa lo lắng đến vật chất khiến cô quên đi việc ưu tiên cần thiết ấy: Qua thái độ của cô Matta, Chúa Giêsu muốn kêu mời chúng ta đừng quá lo lắng về những sự đời nhưng hãy tín thác vào lòng yêu thương của Chúa để kiếm tìm phần trọn hảo nhất, đó là điều mà Maria em cô Matta đã làm: Lắng nghe Lời Chúa. Nhà bác học Ampère đã đóng góp nhiều cho nền văn minh nhân loại. Nhưng ông đã khẳng định rằng: “Chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện.”

Mẹ Têrêsa Calcutta, một nữ tu giữa đời thường, mỗi ngày trước khi bước xuống địa ngục Calcutta để chăm sóc những người cùng khổ, hoặc đi vào nhà hấp hối để an ủi các kẻ liệt lào, các nữ tu của Mẹ đã quỳ gối cầu nguyện trước Thánh Thể một giờ để kín múc nơi Chúa: tình yêu, sức mạnh, lòng can đảm và nhiệt huyết tông đồ. Việc thiết yếu nhất mà người ta thường hoãn lại không làm, đó là việc mà Maria đã làm. Chính Chúa Giêsu đã đánh giá đó là việc thiết yếu duy nhất và là việc tốt nhất phải làm. Nhà tâm bệnh học Thomas Moore nói: “Có người có thể chữa khỏi những rối loạn tâm thần, bằng cách chỉ cần mỗi ngày dành ít phút thinh lặng để suy nghĩ”. Đối với sức khỏe tâm thần mà đã như thế, huống chi đối với sức khỏe của phần tâm linh?

Đức Cố Hồng Y FX. Nguyễn văn Thuận trong cuốn Đường Hy Vọng có dậy: Bí quyết nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu là cầu nguyện. Không cầu nguyện, dù có làm phép lạ con cũng đừng tin. Hoạt động mà không cầu nguyện là vô ích trước mặt Chúa. Cha nói thứ nhất là cầu nguyện không phải là vô căn cứ; Chúa Giêsu đã bảo: Maria đã chọn phần tốt nhất, ngồi dưới chân Chúa, nghe lời Chúa, mến yêu Chúa. Maria đã được Thánh Thể, Thánh kinh, Thánh nguyện. Muốn biết công việc Tông đồ của ai, con hãy xem người ấy cầu nguyện thế nào. Không phải Maria ngồi dưới chân Chúa vì lười biếng…Maria chọn phần nhất: nghe Chúa, để lời Chúa thấm tâm can, lay chuyển mình, làm việc trong mình, với mình. Có gì hoạt động bằng sự lột xác, sự biến đổi ấy?

Một ngư dân đưa một thanh niên lên thuyền của ông. Một bên mái chèo có viết chữ cầu nguyện và bên kia viết chữ làm việc. Anh thanh niên nói vẻ khinh miệt: Này chú, chú lỗi thời qúa. Ai muốn cầu nguyện làm gì, nếu như họ làm việc? Bác ngư phủ không nói gì, nhưng buông lỏng mái chèo có viết chữ cầu nguyện và chèo mái kia. Ông chèo và chèo mãi, nhưng chiếc thuyền chỉ quay tròn mà không tiến đi được. Anh thanh niên hiểu ra rằng bên cạnh mái chèo làm việc, chúng ta cũng cần phải có mái chèo cầu nguyện. Tắt một lời: sự cầu nguyện hỗ trợ cho công việc hoạt động tông đồ.

Thánh lễ là phương thế lý tưởng để vừa là Maria vừa là Matta. Như Maria, chúng ta ngồi dưới chân Chúa Giêsu. Như Matta, chúng ta bận rộn: cùng hát thánh ca, thưa câu đối đáp, đứng lên ngồi xuống. Khi rước lễ, Chúa Giêsu là khách trong trái tim ta như khi Ngài là khách trong nhà của Maria. Hãy xin Ngài giúp bạn nên giống hai người bạn này của Chúa. Xin Ngài giúp bạn thực hành công việc mà Ngài đã chỉ định trong địa vị của bạn.





Lm. Nguyễn V. Phong, SDD