PDA

View Full Version : “Chữ trinh còn một chút này”



Jade
31-12-2010, 10:42 PM
“Chữ trinh còn một chút này”

Bên tách café đón chờ năm mới 2011, chẳng gì làm quà mừng năm mới, xin hầu kể với mọi người về một chữ : “trinh” xem như “ôn cố tri tân”. Tôi nghĩ về đề tài này vì sau một thời gian rong ruổi vui chơi suốt từ lễ Giáng Sinh đến giờ, ở ngoài đường nhiều hơn ở nhà, đi chơi nhiều hơn làm việc. Bất chợt nhận được một cuộc điện thoại buổi chiều cuối năm : một tách café chờ năm mới, đón ông mèo Tây rồi đón cô mèo Ta sau. À há, long nhong không nhà cửa cứ như mèo không nhà, gà không chuồng, vậy ra là như cách ví von của người xưa : “mèo mả gà đồng” chỉ khác tí đi là không vô loại, không mèo mỡ trai gái. Thôi, xin không lan man nữa mà quay về đề tài chính vậy.

Câu thành ngữ này, cụ Đào Duy Anh có chú như sau : “Mèo ở mả, gà ở đồng, không ở nhà, chỉ những hạng người không có căn cứ, vô lại, ví như những kẻ trốn chúa lộn chồng”. Vậy thì nó có liên quan gì đến chữ “trinh” cơ chứ ? Xin thưa : chẳng qua là vì tôi nhớ đến cảnh Hoạn Thư mắng nhiếc nàng Kiều ở câu Kiều 1731 : “Ra tuồng mèo mả, gà đồng”, và tôi muốn thử nhìn một lần nữa quan niệm về chữ “trinh” trong xã hội. Đời sống hiện nay khoáng đạt và cởi mở hơn ngày xưa, kéo theo đó là quan niệm về một lối sống tự do và rộng mở. Tuy nhiên trong một xã hội Á Đông thì quan niệm về luân lý vẫn còn gò bó, tất nhiên nó sẽ có hai mặt tốt – xấu. Nhưng cái đáng đề cao hơn cả chính là những giềng mối xã hội mà phương Tây ngày nay phải quay lại và học hỏi. Bên cạnh đó vẫn còn tồn tại quan niệm hẹp hòi và cổ hủ về “trinh tiết” đã không ít lần ép uổng giá trị của người phụ nữ. Vậy thì phải cởi mở, phóng khoáng hay hoàn toàn khép kín đây, và tất nhiên là không thể dở này dở kia được ?

Tôi nghiệm lại và thấy có một quan niệm vô cùng phóng khoáng nhưng không hề mất gốc. Quan niệm đó ẩn khuất trong áng thơ được nâng lên hàng quốc bảo của dân tộc : Truyện Kiều. Có lẽ hơn ai hết nàng Kiều đã thấm nhập được điều căn bản của thiền môn : “lấy tâm làm đầu” mà dám thốt lên câu : “Chữ trinh còn một chút này” sau 15 năm trôi nổi nơi chốn phong trần. Dẫu rằng :

“Thiếp từ ngộ biến đến giờ,
Ong qua bướm lại, đã thừa xấu xa.
Bấy chầy, gió táp mưa sa,
Mấy trăng cũng khuyết, mấy hoa cũng tàn.
Còn chi là cái hồng nhan ?
Đã xong thân thế còn toan nỗi nào ?”

Nhìn được cái tâm đó mà Kim Trọng đã không ngại ngần trải hết lòng bao dung, cùng với một nỗi niềm yêu thương dồn nén suốt 15 năm trường mà nói :

“Xưa nay trong đạo đàn bà,
Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường.”

Một câu nói xúc phạm ghê gớm vào quan niệm luân lý của con người thời ấy, một quan niệm luân lý khắt khe, chật hẹp bị chế độ phụ hệ trùm lên đầu người phụ nữ. Một câu nói đầy lòng trắc ẩn, cảm thông đã nâng lên lại thân phận của người phụ nữ bị chà đạp. Một câu nói nhìn thấu vào tâm của nàng Kiều, một tâm hồn trong trắng, thuỷ chung. “Một chút” của chữ trinh không nằm nguyên ở thân xác, nhưng nó hiện hữu trọn vẹn và không thay đổi, vẫn trong trắng, nguyên tuyền dành cho Kim Trọng trong suốt 15 năm ở trong tâm của của nàng Kiều. Trinh tiết là vậy !

Nói như thế không có nghĩa là tôi cỗ vũ suy nghĩ của một số người vịn vào chính câu Kiều :

“Ngẫm hay muôn sự tại trời,
Trời kia đã bắt làm người có thân.
Bắt phong trần, phải phong trần,
Cho thanh cao, mới được phần thanh cao.”

Rồi như thế sống buông thả mặc tình. Và sau đó lại đi làm một công việc phải nói là vô cùng mọi rợ : vào bệnh viện vá màng trinh. Cũng như các anh chàng hào hoa tài tử suốt ngày tìm cách “chăn rau”, và cuối cùng là “quất ngựa truy phong”, để lại mối sầu cho riêng ai. Bởi một lẽ con người ai cũng có khuynh hướng tiến lên cao hơn, xa hơn chính con người mình như một hạt mầm ngày ngày cố gắng vươn lên gần với ánh mặt trời hơn. Hạnh phúc thì mong manh, nó cần được gìn giữ, nó không như là một thú vui. Sống buông thả có thể sẽ tìm được thú vui, nhưng rồi nó sẽ chóng qua như một làn gió, chán chường, đau khổ như cơn bụi kéo theo sau và nó sẽ là cái còn ở lại khi gió qua đi. Hạnh phúc cũng như trinh tiết, nó cần được trao cho đúng người, một người mà ta thật lòng gởi trọn trái tim.

Jade
26-01-2011, 09:18 PM
Lễ Tình Nhân = Lễ Hạ Chày

Trước khi đón cô Mèo Ta, chúng ta phải đưa ông Táo về trời, đó là một tập tục cũng như thời khắc đánh dấu tuần cuối cùng của năm cũ sắp qua đi. Nhân đó xin chia sẻ thêm vài điều, tuy không mới, nhưng đánh dấu khoảng thời gian đặc biệt này và đón chờ một dịp khác sau Tết dành cho đôi lứa yêu nhau : Lễ Tình Nhân.

Nếu chỉ yêu nhau và dành riêng cho nhau ngày ấy với một tình yêu trong sáng chắc sẽ không có gì phải bàn cãi. Nhưng hôm nay, có một suy nghĩ lạ lẫm đang len lỏi trong tâm tưởng giới trẻ, và có một định nghĩa thật "bật ngửa" cho ngày này đó là : "Lễ Tình Nhân = Lễ Hạ Chày"

Tôi nghĩ đó là nhận định của một số đông bạn trẻ. Một cơ sở rất chắc chắn để khẳng định điều đó là vào dịp Lễ này các phòng trọ, khách sạn mini đều sốt, đến nỗi phải đặt phòng trước cả vài ngày. Sau một buổi tối đi bên nhau thì những căn phòng đó được các bạn trẻ chọn để làm nơi đánh dấu cho tình yêu của mình. Lối sống thoáng và người ta đã nghĩ rằng tình dục là một nhu cầu thiết yếu và cần phải có để minh chứng cho tình yêu. Khi tình yêu đương còn tươi đẹp thì chắc chắn với sự nhiệt tình của tuổi trẻ, tình cảm nồng nàn càng khiến người ta gần gũi nhau hơn và ước ao lớn nhất lúc đó là mãi không rời xa. Lối sống càng thoáng, càng cởi mở càng khiến các bạn trẻ đơn giản và dễ dãi trong vấn đề tình dục. Và thường đem vấn đề đó để ràng buộc nhau hay nại lấy điều đó làm minh chứng cho tình yêu. Những trường hợp của các bạn trẻ đó sẽ không quá xa lạ với nhận định :

“Tình yêu không phải thứ xi-măng vững chắc nhất để gắn kết hai con người, mà là tình dục” *

Con người thì hơn hẳn động vật vì có trí khôn, do đó tình dục không còn đơn thuần dừng ở việc truyền sinh, mà nó còn là một quà tặng của tạo hoá dành cho tình yêu. Đã là một món quà thì trao tặng cần có sự dâng hiến và hoàn toàn chấp nhận ở cả đôi bên, dâng hiến và chấp nhận mãi mãi không thay đổi. Khi hiểu được thấu điều này thì nhận định phía trên sẽ không còn cơ sở để tồn tại, và nó phải được thay bằng một nhận định khác như một định luật bất biến :

“Tình dục không phải thứ xi-măng vững chắc nhất để gắn kết hai con người, mà là tình yêu” *

Tình yêu và tình dục đã có một một sự lượng giá quá rõ ràng như thế. Chắn hẳn trong sự khôn ngoan, người ta sẽ biết lựa chọn điều tốt hơn cho bản thân và cho cả người mình yêu. Đừng để một dịp Lễ đáng ghi nhớ dành cho tình yêu, là căn nguyên của sự sống, được định nghĩa một cách mỉa mai và bỡ cợt : Lễ Hạ Chày. Xin kết lại bằng một câu kinh Pháp Cú, mong sẽ chẳng có ai muốn mình bị mỉa mai, bỡ cợt vì điều đó sẽ như một con ngựa hèn nhát thụt lùi phía sau chúng bạn :



Tự biết chế ngự



Ở giữa bao kẻ



Chỉ sống buông thả



Tự lo thức tỉnh



Ở giữa bao kẻ



Chỉ sống say mê



Người trí như vậy



Như con tuấn mã



Phi lên phía trước



Bỏ lại đằng sau



Những con ngựa hèn.




* TARUN J.TEJPAL, Từ nơi xa Chandigarh

Tâm Nhiên
26-01-2011, 10:57 PM
Hạnh phúc cũng như trinh tiết, nó cần được trao cho đúng người, một người mà ta thật lòng gởi trọn trái tim.


Mình kết câu này. Cám ơn Jade vì bài viết nhé!

Huong Giang
29-07-2011, 09:34 AM
Hay quá Jade ơi. Bài viết quá đỉnh!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!! !!!!!!!!!