+ Trả Lời Ðề Tài
Hiện kết quả từ 1 tới 1 của 1

Chủ đề: Từ Tabor đến Thập giá

  1. #1
    Trạng thái :   JB. Sĩ Trọng đã thoát
    Tham gia : Aug 2011
    Bài gửi : 464
    Tên Thánh:
    Gioan Baotixita
    Tên thật:
    JB. Hoàng Trọng Sĩ
    Đến từ: Giáo Xứ Chánh Tòa - Xuân Lộc (Đồng Nai)
    Sở thích: đọc sách, du lịch
    Nghề nghiệp: Giáo viên
    Cảm ơn
    3,637
    Được cảm ơn 2,936 lần
    trong 480 bài viết

    Từ Tabor đến Thập giá

    1. Trên núi Biến hình :
    Thật ra là Chúa Giêsu biến hình trên núi, chứ không phải là ngọn núi biến hình. Khi Chúa Giêsu biến hình thì ngọn núi trở nên một biểu tượng. Là người tín hữu, khi nói Chúa Giêsu biến hình trên núi ai cũng biết đó là núi Tabor. Trên núi Biến hình có hai nhân vật xuất hiện gặp Chúa Giêsu là Môisê và Êli. Môisê là nhà lập pháp vĩ đại, người đem luật pháp của Thiên Chúa ( TC ) đến với loài người. Êli vĩ đại hơn hết các tiên tri, qua ông, TC trực tiếp phán với loài người. Trong họ, nhà lập pháp và nhà tiên tri lớn công nhận Chúa Giêsu là người họ ngưỡng mộ, là người họ đã báo trước.
    Núi Tabor, qua Thánh Kinh, đối với Chúa Giêsu là đỉnh núi tâm linh : Cuộc xuất hành đã đặt ra trước mặt Ngài. Trước hết có sự xác minh lịch sử, có nhà lập pháp và vị tiên tri lớn hơn hết đến bảo Ngài cứ đi tới. Vĩ đại hơn cả là tiếng phán đem lại cho Ngài sự chuẩn y của Đức Chúa Cha. Việc xảy ra trên núi Tabor đã khiến Chúa Giêsu bước đi không nao núng trên đường tới Thập tự giá : "Nào, chúng ta cùng lên Jêrusalem để chịu nạn"( Lời Chúa Giêsu nói với các Thánh Tông đồ ).
    Sự Biến hình còn tác động trên các Tông đồ nữa. Chắc chắn tâm tư các Tông đồ vẫn còn xót xa, hoang mang bởi lời quả quyết của Chúa Giêsu Ngài phải lên Jêrusalem để chịu nhục hình. Trước mắt họ tương lai toàn một màu đen tối, nhưng toàn cảnh của núi Tabor là vinh quang chói lọi. Cảnh tượng ấy đã làm cho các Tông đồ phấn khởi, họ đã thấy vinh quang bên kia cảnh nhục nhã, khải hoàn bên kia cảnh khổ đau, vương miện bên kia Thập tự giá. Ngay lúc ấy, họ chưa hiểu trọn vẹn, nhưng họ đã lờ mờ ý thức được rằng Thập tự giá hoàn toàn khổ nhục, nhưng nó đi liền với vinh quang là nét chính của cuộc xuất hành đến Jêrusalem và đến cái chết.
    Xa hơn nữa, Phêrô đã học được hai bài học trong đêm đó. Khi Phêrô thấy cảnh tượng ấy ông phản ứng ngay, đề nghị được dựng ba lều trại : một cho Chúa Giêsu, một cho Môisê và một cho Êli. Phêrô luôn luôn là con người hành động. Nhưng cũng cần có những thì giờ yên tĩnh, thì giờ để suy gẫm, tôn thờ, thì giờ dành cho niềm kính sợ, phủ phục trước sự hiện diện của vinh quang TC : "Hãy yên lặng và biết rằng Ta là TC"( Tv 46,11 ). Nhiều lúc ta quá bận rộn làm việc, trong khi lẽ ra ta nên yên lặng lắng nghe, học hỏi, tôn thờ trong sự hiện diện của TC. Trước khi bước ra chiến đấu, mạo hiểm, con người cần để thì giờ quỳ xuống học hỏi, cầu nguyện.
    Mặt khác, Phêrô lại muốn chờ đợi trên núi. Ông muốn kéo dài giờ phút huy hoàng, không muốn trở về với công việc thường ngày.
    Mọi người đều có thể hiểu cảm nghĩ đó. Ai đã từng trải qua những giây phút thân mật, trong sáng, bình an, gần gũi TC cũng đều muốn kéo dài những giây phút đó. Nhưng Tabor đã được ban cho ta chỉ để cho ta có sức mạnh làm công tác phục vụ hằng ngày và bước đi trên con đường thập tự giá.


    2. Con đường Thập giá :
    Ta hãy nghe đoạn Kinh Thánh sau đây như một lời báo trước về con đường Thập giá mà Chúa Giêsu đã chọn :
    "Đang khi Chúa Giêsu và các Môn đệ trải qua trong xứ Galilê, Ngài phán cùng các Môn đệ rằng : Con người sắp bị nộp trong tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ chỗi dậy. Các Môn đệ buồn phiền lắm."( Mt 17,22-23 ) Tương ứng với Mc 9,30-32.
    Tại sao ngay sau biến cố Hiển dung, Chúa nói đến sự khổ nạn của Ngài cho các Môn đệ ? Vinh quang và đau khổ, hai sự kiện này liên hệ nhau thế nào ?
    Chúa Giêsu thường bảo phải giữ kín sự việc, điều đó rất cần thiết ( Mt 17,9 v Mc 9,9 ). Khi người ta tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Méssia mà lại không biết Đấng Méssia là ai, làm gì, thì thật là thiếu sót. Toàn thể quan niệm của họ về nhà tiên phong và về Đấng Méssia cần phải thay đổi tận gốc rễ.
    Cần một thời gian dài mới sửa được quan niệm về một Đấng Méssia chinh chiến : quan niệm ấy đã ăn sâu vào não trạng người Do Thái nên rất khó, hầu như không thể sửa đổi được. Tin Mừng Mt 17,9-13 v Mc 9,10-13 là đoạn Kinh Thánh khó hiểu. Nó có ý như thế này: Người Do Thái đồng ý là trước khi Đấng Méssia xuất hiện, Êli sẽ trở lại làm sứ giả và nhà tiên phong của Ngài - "Này ta sẽ sai Đấng tiên tri Êli đến cùng các ngươi trước ngày lớn và đáng sợ của Đức Chúa Trời". Ma-la-chi đã viết như vậy rồi ông tiếp "Người sẽ làm cho lòng cha trở lại cùng con cái, lòng con cái trở lại cùng cha, kẻo ta đến lấy sự rủa sả mà trừng phạt đất này". Ý niệm về sự trở lại của Êli cứ thu thập thêm chi tiết mỗi lúc một chút, và rồi người Do Thái tin Êli sẽ là một nhà cải cách vĩ đại phi thường, ông sẽ đi khắp thế giới để tiêu diệt sự ác, sửa sang mọi thứ lại cho ngay chính. Do đó, người ta chỉ nghĩ đến nhà tiên phong và Đấng Méssia theo nghĩa quyền lực ( xem thêm Mc 9,11-12 ).
    Chúa Giêsu sửa lại quan niệm đó. Ngài nói : "Các thầy giáo luật cho rằng Êli sẽ đến như một đám cháy tẩy uế và báo thù. Thật ra người đã đến rồi, nhưng con đường của người là con đường đau khổ và hy sinh, cũng như con đường của Con Người"( x Mt 19,12 ). Chúa Giêsu nêu rõ ràng con đường phụng sự TC không bao giờ là con đường gạt bỏ người ta khỏi cuộc sống, mà luôn là con đường thu phục người ta bằng tình yêu và sự hy sinh. Đó là điều các Môn đệ phải học biết, vì thế họ phải yên lặng cho đến khi họ nhận biết được. Trước khi muốn rao giảng về Chúa Cứu Thế người ta phải biết rằng Ngài là ai và làm gì, vì thế các Môn đệ phải yên lặng và học hỏi cho đến khi Chúa Giêsu dạy họ biết về sự cần thiết của Thập tự giá. Chúng ta phải đem cho mọi người sứ điệp của Chúa Cứu Thế chứ không phải ý tưởng của chúng ta và không ai có thể dạy người khác trước khi chính mình được Chúa dạy dỗ.


    3. Đức tin vào đời và sự nhẫn nại :
    Xuống khỏi núi Biến hình, Chúa Giêsu và các Môn đệ đối diện với một thực tế nào của cuộc sống ? Theo Chúa không phải là trốn tránh cuộc đời hay hưởng thụ, nhưng sống giữa cuộc đời và đón nhận những nhu cầu thực tế ? Chúa dạy các Môn đệ bí quyết nào để thực hiện điều này ? Bạn vận dụng đức tin như thế nào trong việc đáp ứng nhu cầu người khác ?
    Ngay khi tử giã vinh quang TC trở về, Chúa Giêsu đã gặp ngay vấn đề trần thế và đòi hỏi thực tế. Một người đem đứa con trai bị kinh phong đến với các Môn đệ trong khi Chúa Giêsu vắng mặt : Ông tin rằng bệnh tình của đứa con là do tà ma quấy nhiễu ( x Mc 9,14-29 ). Cậu bé bị bệnh rất nặng. Ta có thể hình dung ra tiếng thở phào nhẹ nhõm khi Chúa Giêsu xuất hiện, và Ngài kiểm soát lại tình hình vốn đã vượt khỏi tầm tay các Môn đệ. Bằng một lời phán mạnh mẽ, nghiêm nghị, Chúa Giêsu đuổi quỷ ra, cậu bé được chữa lành. Câu chuyện có nhiều ý nghĩa.
    Chúng ta không thể không xúc động trước đức tin của cha cậu bé. Dầu các Môn đệ đã được ban quyền đuổi quỷ ( Mt 10,1 ), nhưng trong trường hợp này họ công nhận mình bất lực. Dù các Môn đệ thất bại, người cha vẫn không chút nghi ngờ quyền phép của chính Chúa Giêsu. Với ông, chỉ cần gặp Chúa Giêsu, mọi nan đề sẽ được giải quyết, nhu cầu sẽ được thỏa mãn. Đây là điều vừa lên án, vừa khích lệ chúng ta, nhiều "người mù" đã mất lòng tin nơi Gíao Hội, vẫn không bao giờ mất lòng tin nơi Chúa Giêsu !
    Ở đây chúng ta thấy những nhu cầu thường xuyên thúc bách Chúa Giêsu. Từ nơi vinh quang trên đỉnh núi, Ngài đi thẳng tới gặp gỡ những đòi hỏi của nhu cầu và nỗi khổ của con người. Từ nơi nghe tiếng phán của Chúa Cha, Ngài đi thẳng tới nghe tiếng kêu gào của nhu cầu con người. Trên trần gian, người giống Chúa Giêsu là người không bao giờ xem đồng loại mình là sự phiền nhiễu. Đạo chân chính là sau khi quỳ gối trước ngai Đức Chúa Trời thì đứng dậy đi ra gặp người ta và những nan đề của hoàn cảnh con người.
    Lời Chúa ở đây không phải Ngài có ý muốn bỏ Môn đệ, không ở với họ nữa, nhưng Ngài có ý nói rằng : "Ta phải ở với các ngươi bao lâu nữa các ngươi mới hiểu được ?". Không có điều gì giống Chúa Giêsu hơn là tinh thần nhẫn nại. Khi chúng ta hết chịu đựng nỗi sự điên rồ ngu dại của con người, chúng ta hãy nhớ lại sự nhẫn nại vô biên của TC đối với những hành động hoang đàng, bất trung, ngoan cố của mỗi chúng ta.
    Ở đây, chúng ta thấy sự cần thiết của đức tin. Không có đức tin thì không có việc gì có thể xảy ra. Chúa Giêsu nói : "Nếu ngươi có đủ đức tin, tất cả mọi khó khăn sẽ được giải quyết, luôn cả những công tác cũng thực hiện được". Đức tin nơi TC là công cụ giúp người ta dời hòn núi khó khăn nằm chắn trên lối mình đi.


    4. Lời nguyện :
    Lạy Chúa, xin hãy giúp con nhớ rằng tôn giáo không bị giới hạn hay bó hẹp trong nhà thờ hoặc nguyện đường, cũng không chỉ thực hành bằng cầu nguyện hoặc suy gẫm, mà là ở bất cứ nơi nào con được ở trong sự hiện diện của Chúa.
    Lạy Chúa, xin dạy con biết Chúa, yêu Chúa, để có thể nói cho người khác về Chúa, xin giúp chúng con thực sự có đức tin nơi Chúa vì đa số chúng con vẫn thường sống vô tín.


    JB.SĨ TRỌNG.







    Các chủ đề tương tự trong chuyên mục này:

    Thay đổi nội dung bởi: JB. Sĩ Trọng, 28-02-2021 lúc 09:33 PM

  2. Thành viên đã cảm ơn JB. Sĩ Trọng vì bài viết này:

    Pere Joseph (20-03-2021)

+ Trả Lời Ðề Tài

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình