+ Trả Lời Ðề Tài
Hiện kết quả từ 1 tới 1 của 1

Chủ đề: Trình bày Đức Tin Công Giáo cho người chưa nhận biết Chúa

  1. #1
    khonglacuaai's Avatar
    Trạng thái :   khonglacuaai đã thoát
    Tham gia : Apr 2011
    Bài gửi : 7
    Tên thật:
    nguyễn hoàng
    Đến từ: Vinh
    Sở thích: nhiều
    Nghề nghiệp: Sinh Viên
    Cảm ơn
    0
    Được cảm ơn 24 lần
    trong 6 bài viết

    Trình bày Đức Tin Công Giáo cho người chưa nhận biết Chúa

    LÀM SAO ĐỂ TRÌNH BÀY ĐỨC TIN CÔNG GIÁO
    CHO NGƯỜI CHƯA NHẬN BIẾT CHÚA ?

    Bạn rất thân mến,
    Trước khi đi vào đề tài chia sẻ, “các đặc tính của đức tin Công giáo”, tôi muốn bạn cùng tôi đọc đoạn Tin mừng theo thánh Mt 13,44-45, đây là đoạn trình thuật về hai dụ ngôn: Nước trời như ngọc quý, hay kho báu mà con người đi tìm. Họ giống nhau ở một điểm, đó là sau khi khám phá ra ngọc quý, hay kho báu thì cả hai đều bán tất cả những gì mình có để tậu cho được ngọc quý hay kho báu. Như vậy để có được ngọc quý, hay kho báu, họ phải ra công đi tìm kiếm. Như vậy, Lời Chúa nói với chúng ta qua đoạn Tin mừng này: muốn đạt tới Nước trời thì phải chấp nhận trả giá, phải chấp nhận đi tìm kiếm, phải đành lòng bán hết để có được thứ quý giá nhất. Có như vậy mới đáng cho công chúng ta bỏ ra đi tìm.
    Còn con người hôm nay đi tìm kiếm gì?
    Có một thực tế rất phủ phàng đối với con người hôm nay: dường như con người hôm nay tin và phụ thuộc nhiều hơn vào khoa học, kỷ thuật. Đây dường như là một “tôn giáo” mới của thời đại hôm nay, khi mà con người, nhất là những người trẻ được học nhiều về khoa học kỷ thuật từ trong nhà trường hay từ trong cuộc sống, nên dường như con người cảm thấy không còn nhiều “bí mật” trong cuộc sống nữa. Phải chăng, do họ cho rằng ít bí mật hơn nên họ cũng ít tin hơn chăng?
    Tuy nhiên, cũng có một thực tế ngược lại: Khoa học, kỷ thuật không thể giải quyết hết mọi chuyện được. Khoa học, kỷ thuật càng phát triển, tâm hồn con người càng cần tới niềm tin để có được bình an và sự cân bằng trong cuộc sống. Cuộc sống vẫn còn đó những bí ẩn mà con người nhiều khi cố tình hay vô ý dấu nhẹm đi, và do đó, cuộc sống con người ngày càng rơi vào ngõ cụt, gặp bế tắc…họ lại tìm nơi tôn giáo một lời giải đáp. Do đó, con người hơn bao giờ hết cần phải trở lại với niềm tin tôn giáo để có thể tìm thấy ý nghĩa cho đời mình, đồng thời mong giải đáp những bí ẩn xung quanh đời sống con người.
    Và bạn rất thân mến, chính trong chiều hướng đó, tôi muốn cùng bạn khám phá niềm tin nơi đạo Công giáo và những đặc tính của nó. Đó cũng chính là cái mà bạn đang khát mong tìm hiểu và đạt tới khi muốn gia nhập đạo Công giáo, và có thể nói bạn đã phần nào đó thấy được điều bạn đang đi tìm. Hy vọng bạn sẽ vững tin, xác tín hơn về những điều bạn đang tìm kiếm qua buổi nói chuyện này.

    1. Khái niệm đức tin
    Khi nói tới khái niệm đức tin, chúng ta có thể xét dưới nhiều khía cạnh khác nhau, xuất phát từ những cách nhìn khác nhau, từ bình diện luân lý, Kinh Thánh, huấn quyền của Giáo hội tới thần học…
    - Xét về nhân đức, thì tin là một thần đức do Thiên Chúa phú ban cho con người, làm cho ta ưng nhận cách rõ ràng các chân lý và mọi điều Thiên Chúa nói cho con người biết (mạc khải) thông qua sự truyền đạt và giảng dạy của huấn quyền Giáo hội.
    Chúng ta có thể nhận thấy ở đây, tin là hành động của con người cộng với ân ban nhưng không của Thiên Chúa để chúng ta có thể chân nhận các chân lý đích thực, hay đón nhận một con người, con người đó không ai khác ngoài Đức Giêsu Kitô-Thiên Chúa thật, con người thật. Do đó, tin là lời đáp trả lại lời mời gọi đầy yêu thương của Thiên Chúa và đối tượng của đức tin là Thiên Chúa.
    - Còn trên bình diện Kinh Thánh thì tin là một cuộc gặp gỡ và liên hệ bản thân giữa người này với người khác, mà cụ thể ở đây là giữa tôi, bạn, chúng ta với Thiên Chúa. Có thể nói được rằng, đây là một cuộc gặp gỡ cá vị giữa con người (thụ tạo) với Đấng vô biên (Thiên Chúa). Nếu bạn đã từng đọc Kinh Thánh, bạn sẽ thấy rõ điều mà tôi đang nói với bạn, Kinh Thánh không gì khác là những điều Thiên Chúa nói với con người, và những kinh nghiệm về Thiên Chúa của các cá nhân. Đặc biệt trong Tân Ước, điều đó được nói rõ hơn khi tin là sự chân nhận Đức Giêsu là Đấng Messia và là Thiên Chúa, đồng thời sẵn sàng đón nhận sứ điệp của Người. Thái độ của người tin là sự thần phục vô điều kiện, trong tinh thần khiêm tốn và dâng hiến cuộc đời mình cho Thiên Chúa.
    - Đối với huấn quyền của Giáo hội, tin là thái độ của con người phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa, chấp nhận giáo lý Mạc khải, tự nguyện tùng phục Thiên Chúa. Giáo huấn của giáo hội nhấn mạnh tới chiều kích hành động đáp trả của con người trước huyền nhiệm và lòng nhân từ cũng như sự chân thật của Thiên Chúa khiến cho ta không còn nghi ngại khi tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa. Đồng thời cũng muốn nói lên chiều kích cộng đồng của đức tin, đức tin của cá nhân không đi ra ngoài đức tin của toàn thể Giáo hội.
    - Dưới quan điểm của thần học, tin là sự hiểu biết các chân lý mạc khải và là cuộc gặp gỡ cá vị con người với Thiên Chúa. Chúng ta có thể dễ đàng nhận thấy chiều kích cá nhân của đức tin, tôi tin, đó là niềm tin, là sự xác tín của tôi.
    Từ những gì đã nói ở trên, chúng ta có thể rút ra một khái niệm chung về đức tin xét trên bình diện luân lý. Đức tin là một nhân đức đối thần giúp ta chấp nhận cách mạnh mẽ các chân lý mạc Khải được Giáo hội lưu truyền và giảng dạy cho chúng ta.

    2. Niềm tin dưới khía cạnh nhân học
    Dưới cái nhìn nhân học, niềm tin thuộc về cấu tố của con người, nó nằm ngay trong chính định nghĩa về con người. Con người không thể sống mà không có niềm tin, sống mà không tin thì con người sẽ tự loại mình ra khỏi cuộc sống. Tin là một sự khai mở tự bên trong hướng về Mạc khải, và ngược lại Mạc khải là sự đáp lại sự khai mở đó. Có thể nói, tin là một cuộc gặp gỡ, một mong muốn thiết lập các môi tương quan giữa ngôi vị.
    Làm sao tôi có thể biết một người nào đó, nếu chỉ dựa trên sự tìm hiểu, quan sát, thậm chí là cả phân tích về một ai đó. Mà ngay cả khi làm như vậy cũng không phải là một điều dễ dàng gì. Nếu chỉ dựa vào những căn cứ bề ngoài thì sự biết của tôi còn rất hời hợt, nông cạn. Mỗi người là cả một thế giới bí nhiệm, tôi không thể biết thực sự về một ai đó nếu bản thân người đó không tỏ lộ cho tôi qua lời nói, cử chỉ, hành động và ngay cả chính cuộc sống của họ nữa…Do đó, khi một ai đó tỏ lộ cho tôi biết về họ, thì cũng bao hàm trong đó cả sự tin tưởng, yêu mến, mong muốn chia sẻ với tôi. Ngay cả bản thân tôi khi tỏ lộ với ai đó về mình thì cũng không nằm ngoài mục đích đó, muốn cho họ biết về tôi. Không bổng dưng, hay tự nhiên mà người khác cho một ai đó biết về họ, hay tôi cho một ai đó biết về tôi. Chính niềm tin, mong muốn chia sẻ sẽ mở ra cho con người một cái gì đó mới mẻ mà riêng ta không có. Cũng có thể nói, chính trong niềm tin còn có thể chuyển tải cho ta ngay cả cái nhìn của người đó, nghĩa là ta biết cảm nhận hay nhìn bằng cách nhìn của người đó. Nói tóm lại, tin là đường dẫn giúp khai thông con người với tha nhân dựa trên sự tín nhiệm và tiêu chuẩn của niềm tin là sự chắc chắn, sự thật. Sự chắc chắn, hay sự thật đó không thể dùng toán học, hay bất cứ một đơn vị đo lường nào để cân, đo, đong, đếm được mà phải dựa trên tương quan liên vị “tôi”-“anh”.

    3. Các đặc tính của niềm tin
    Bạn thân mến, trên đây bạn đã cùng tôi khám phá đức tin dưới khía cạnh nhân học, cũng như chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu khái niệm của đức tin, giờ đây tôi và bạn sẽ cùng hành trình tìm hiểu rõ hơn đức tin Công giáo với những đặc tính của nó.
    Để phân biệt vật này thứ kia, người ta phải dựa vào công dụng cũng như những đặc tính của nó. Cho nên mỗi thứ, mỗi loại đều có đặc tính của nó, và đức tin cũng không nằm ngoài quy luật đó.
    - Đức tin là một ân ban:
    Đức tin là một hồng ân Thiên Chúa ban cho con người, là một nhân đức siêu nhiên do Thiên Chúa tuôn ban. “Để có được đức tin, cần có ân sủng của Thiên Chúa đến trước với con người để giúp đỡ, đồng thời ơn Chúa Thánh Thần trợ giúp bên trong; Ngài đánh động và quy hướng con tim về cùng Thiên Chúa, Người mở mắt lý trí và cho mọi người cám thấy dịu ngọt khi ưng thuận và tin vào chân lý”[1]. Thực vậy, đức tin không đến với chúng ta như là kết quả của sự can thiệp bằng lý trí, hay ý chí của con người, và chắc chắn nó cũng không là một kết luận luân lý như kiểu một tam đoạn luận, nhưng là một sự đụng chạm của Thiên Chúa trên con người, làm cho con người cám thấy nhu cầu cần phải tin vào những chân lý cũng đến từ Thần linh. Mà nếu không có sự can thiệp này đến từ Thiên Chúa thì con người không thể biết, hiểu, tin những điều Thiên Chúa ngõ lời với con người. Bởi vậy, không phải là người có học thức sâu rộng, hiểu biết nhiều là có được đức tin, mà chỉ những người thành tâm tìm kiếm, cộng với ơn Chúa mới là người đạt được đức tin.
    - Đức tin là một cuộc gặp gỡ cá vị “tôi”với Thiên Chúa:
    Niềm tin là một cái gì đó cụ thể, tin vào một ai đó chính là nền tảng cho niềm tin vào những gì người đó muốn chia sẻ với tôi. Trước khi tôi tin vào lời nói, việc làm…của anh, thì tôi đã tin vào con người của anh trước rồi. Nơi người đó toát lên cái gì có bảo đảm, chắc chắc và hợp với sự thật. Khi một người đáng cho ta tin thì những việc làm, lời nói của người đó dĩ nhiên cũng đáng tin cậy. Nơi người đó toát lên một điều gì đó rất thật mà tôi không thể nghi ngờ được. Đó chính là mối liên hệ hữu cơ giữa con người và hành động của người đáng tin. Đây cũng chính là tính khả tín, vì làm sao tôi có thể tin nếu người đó không đáng để cho tôi tin, hay người đó không làm cho tôi yên lòng. Tính khả tín của niềm tin là một cấu tố của niềm tin. Cấu tố này nằm ngay trong chính tương quan liên vị “tôi” ngôi thứ nhất – “anh” ngôi thứ hai chứ không phải là tôi (ngôi thứ nhất)-nó (ngôi thứ ba). Tin không chỉ để mà tin, tin còn bao hàm cả tín thác, hành động dấn thân hoàn toàn cho niềm tin đó nữa. Vì vậy, xét trên bình diện phàm nhân không thể có một ai đó có thể trở thành lẽ sống, niềm hy vọng để tôi, bạn, và chúng ta có thể hoàn toàn tín thác, đặt toàn bộ cuộc sống của mình vào đó. Hơn thế nữa, hiện sinh, và thực tế của cuộc sống con người luôn có điều gì đó bất ổn…Vậy phải có một ai đó vượt trên phàm nhân để tôi, bạn, chúng ta có thể đặt trọn niềm tin, tín thác toàn bộ cuộc sống của mình mà không bao giờ phải nghi ngại hay hối hận về sự tín thác đó. Người mà ta có thể đặt hoàn toàn tin tưởng, có thể tín thác, Người vượt trên phàm nhân đó không ai khác ngoài Đức Kitô, Ngài vừa là con người thật, vừa là Thiên Chúa thật. Đấng đã ngõ lời với con người bằng chính ngôn ngữ của con người để tôi, bạn, chúng ta có thể hiểu được và tin tưởng phó thác tất cả cuộc sống của ta cho Người. Như vậy, chính niềm tin còn hướng con người tới chiều kích siêu việt, tuyệt đối. Niềm tin hướng chúng ta về Thiên Chúa.
    Như ở trên chúng ta đã nói, đối tượng của đức tin là Thiên Chúa, do vậy đức tin chính là một cuộc gặp gỡ cá nhân bạn, tôi với Thiên Chúa. Chính điều này mới có sức hấp dẫn lôi kéo tôi, ai đó đi tìm kiếm và bước theo tiếng gọi của Thiên Chúa, và có thể bạn cũng không nằm ngoài chiều hướng đó. Thực tại Thiên Chúa không bao giờ là công trình khám phá của con người, sỡ dĩ con người biết tới Thiên Chúa là do chính Ngài đã tỏ lộ cho con người biết thông qua những kinh nghiệm cá nhân giữa họ với chính Thiên Chúa. Sự tỏ lộ này không dừng lại trên bình diện gián tiếp qua các Ngôn sứ, qua dân tuyển chọn, nhưng đến thời sau hết Thiên Chúa đã sai phái Con của Ngài hạ cố xuống làm người để nói cho con người biết một cách tường tận hơn về Thiên Chúa. Nếu như trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa trong quan niệm của con người còn xa lạ, không thể giáp mặt, thì nay Thiên Chúa đã hiển hiện, đã cùng sống, cùng chung chia thân phận mỏng giòn của con người. Tất cả, tất cả để nói cho con người biết về Thiên Chúa, đồng thời Ngài cũng cho con người biết vì yêu thương nên Ngài đã làm tất cả cho con người. Ngài cũng mời gọi mỗi người tháp nhập vào đời sống của Thiên Chúa để được hưởng hạnh phúc. Về phía con người thì sao? Con người phải biết đáp trả lại lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa với thái độ cởi mở và tâm tình đón nhận một cách nghiêm chỉnh, đồng thời nổ lực không ngừng thi hành các lệnh truyền mà mình đã nhận được qua cuộc gặp gỡ cá vị với Thiên Chúa, để có lúc nào đó ta có thể nói được như thánh Phaolô “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi sống nữa, mà là chính Đức Kitô sống trong tôi”[2].
    Như vậy, đây là một mối tương giao có một không hai: mối tương giao con người với Thần linh-Thiên Chúa. Chính cuộc gặp gỡ này có sức biến đổi cuộc đời bạn, tôi, tất cả mọi người chúng ta. Và phải chăng đây cũng là lý do thôi thúc bạn kiếm tìm và bước theo tiếng mời gọi đi vào cuộc gặp gỡ thân tình đó.
    - Đức tin là sự đón nhận các chân lý mạc khải
    Đức tin không chỉ là một cuộc gặp gỡ, nhưng tin còn là sự đón nhận các chân lý mạc khải, hay nói cách khác là “đức tin được tin nhận”. Như phần đầu chúng ta đã nói, trước khi tin vào lời nói của người đó, thì chúng ta đã tin vào con người đó trước, dựa vào thế giá của người đó, người đó đáng cho chúng ta tin. Thì ở đây cũng vậy, đức tin là tin nhận bất cứ điều gì Thiên Chúa mạc khải cho con người, dựa vào thế giá của Người. Mà những gì Thiên Chúa mạc khải cho con người không phải vì ích lợi cho chính Ngài, vì bản thân Thiên Chúa không cần thêm bất cứ điều gì từ phía con người: từ vinh quang, những lời ca tụng, ngợi khen…nhưng chính khi con người ca tụng, ngợi khen Thiên Chúa lại sinh ích cho con người, và đó cũng là một cách thể hiện sự thần phục các chân lý mạc khải của con người. Nếu Thiên Chúa làm tất cả những điều ấy không vì chính mình thì vì điều gì đây? Chính là vì con người, tất cả để cho con người nhờ vào những mạc khải của Người và qua đó con người có tìm được hạnh phúc.
    Như vậy, đối tượng của đức tin theo nghĩa này chính là các chân lý mạc khải của Thiên Chúa. Các chân lý mà Thiên Chúa mạc khải cho con người có thể qua công trình tạo dựng, qua lịch sử dân Itrael, đặc biệt là qua biến cố Nhập Thể.
    Đối với thời Cựu Ước, thì chân lý được Thiên Chúa mạc khải là Giavê Thiên Chúa là Đấng cứu độ duy nhất “Ta là Đức Chúa, ngoài Ta ra không có Chúa nào khác”[3]. Toàn bộ Cựu Ước hay có thể nói toàn bộ lịch sử dân Itrael không gì khác hơn là những việc làm của Thiên Chúa đối với dân được tuyển chọn.
    Bước sang thời Tân Ước, đức tin đó được nâng lên một tầm cao mới với sự tin nhận Đức Giêsu Kitô là Chúa, cũng như các mầu nhiệm liên quan tới cuộc đời dương thế của Ngài. Không những con người phải chân nhận các chân lý do Ngài chỉ dẫn cho con người biết, mà chúng ta còn phải tùng phục Hội thánh là người bảo vệ các chân lý đó. Bởi vậy, mà khi bạn muốn gia nhập đạo Công giáo, bạn phải được học giáo lý với những người đại diện của Hội thánh và phải được sự chuẩn nhận của Hội thánh là như vậy đó bạn.
    Đến đây bạn có thể sẽ đặt ra câu hỏi: Dựa vào đâu để có thể xác định được đâu là các sự kiện, lời nói mạc khải ấy là của Chúa?
    Xin thưa với bạn rằng, đầu tiên chúng ta phải dựa vào thế giá của Đấng không bao giờ có thể chứa đựng nơi mình một sự hữu hạn và tỳ vết do lòng ích kỷ, ghen ghét…nào cả. Vì những thứ đó chỉ thuộc về thế giới thụ tạo như chúng ta mà thôi. Còn nơi Thiên Chúa cũng chứa đựng những thứ đó thì còn gì là Thiên Chúa nữa.
    Thứ đến, chúng ta thấy những lời mạc khải ấy không chỉ là những lời nói suông, mà còn đi kèm với những hành động. Thiên Chúa không chỉ nói với con người, mà Thiên Chúa còn chứng tỏ những lời nói của Mình thông qua cuộc sống và cái chết của Người Con Chí ái của Người-Đức Giêsu Kitô. Qua những hành động, cử chỉ đầy yêu thương, bao dung của Đức Giêsu, đặc biệt qua cái chết và sự Phục Sinh của Ngài là một minh chứng cho chúng ta thấy Thiên Chúa không chỉ tỏ lộ cho chúng ta biết các chân lý, mà Ngài còn sống, chết vì các chân lý đó nữa. Nếu đó không phải là chân lý, thì Con Thiên Chúa đã sống, hành động, và chết một cách vô ích, và như thế có thể nói toàn bộ Tin mừng chỉ là một trò lừa đảo ngoạn mục mà thôi.
    Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng: tất cả những điều trên sẽ trở nên khó tin tới mức huyền thoại nếu không có ơn Chúa trợ giúp cho mỗi người, để họ có thể tin và chấp nhận những điều đã được nói trong Kinh Thánh. Lời giảng, kể cả các phép lạ của Chúa Giêsu tự chúng không thể lôi kéo con người đến với Ngài, tin vào Ngài nếu Thiên Chúa đã không lôi kéo con người đến với Ngài bằng một sự mạc khải, thúc đẩy tâm hồn khao khát hướng về chân, thiện, mỹ tự trong sâu thẳm tâm hồn của con người. Bạn có cảm nhận được điều đó không?
    Vì ý thức chúng tôi có nghĩa vụ giảng dạy Tin mừng mà chúng tôi đã nhận lãnh được, cũng như các chân lý mà chúng tôi đã được Đức Kitô mạc khải cho thì còn cần tới ân sủng của Thiên Chúa ban cho mỗi người. Ân sủng là một ân ban nhưng không của Thiên Chúa ban cho mỗi người, nên chúng tôi cũng không cưỡng ép, hay áp đặt tư tưởng, giáo lý đạo Công giáo cho bất cứ ai. Mà chúng tôi chỉ làm việc bổn phận của mình là rao giảng, chia sẻ tin vui mà chúng tôi đã nhận lãnh được từ nơi Thiên Chúa, như thánh Phaolô đã nói “Tôi trồng, Appolo tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho nó lớn lên”[4]. Chỉ có Thiên Chúa mới có khả năng xuyên thấu và khai thông tâm hồn con người và ban cho họ ân sủng Chúa Thánh Thần, giúp họ mở rộng tâm hồn mình đọn nhận và chấp nhận Thiên Chúa đi vào cuộc sống của họ. Chúa Thánh Thàn cũng sẽ giúp bạn tin những chân lý mà tự lý trí của bạn khó mà hình dung, lý giải, thậm chí là khó chấp nhận.
    Chúng ta không phủ nhận, niềm tin vào Đức Kitô là một ân ban, nhưng không vì thế mà chúng ta có thể bỏ qua thái độ của con người. Ơn Chúa Thánh Thần luôn xuống tuôn tràn trên mọi người, giúp họ tin nhận một cách dễ dàng các chân lý mạc khải. Và dĩ nhiên là đối với người có thiện chí, cởi mở, tìm kiếm và sẵn sàng đón nhận khi gặp được. Nhưng với người có thái độ thù nghịch, đóng chặt cửa lòng mình lại thì ơn Chúa cũng chẳng giúp gì cho họ. Bạn cứ hình dung vấn đề này như một người ốm đau muốn khỏi bệnh nhưng lại không chịu uống thuốc, vậy lỗi phải quy cho ai? Khi đó, không những họ không có một ý niệm về đức tin mà có thể họ còn rơi vào tình trạng đóng chặt lòng mình lại trước huyền nhiệm Thiên Chúa và lời mời gọi yêu thương của Người.

    4. Hành động đức tin
    Tất cả những gì tôi và bạn trao đổi với nhau trên đây sẽ đơn thuần là lý thuyết nếu chỉ dừng lại ở đó, nếu chúng ta không gắn liền đức tin với hành động. Người ta sẽ nhận biết bạn có đức tin vào Thiên Chúa hay không qua chính hành động cảu bạn, chứ không phải qua lời tuyên xưng của bạn. Tin đã là một nổ lực, hành động, sống cho niềm tin đòi hỏi bạn cần phải nổ lực và cố gắng hơn nữa. hay nói theo cách dân giã “theo đạo thì dễ mà giữ đạo mới khó”. Chúng ta có thể thấy một thực tế trong cuộc sống, có nhiều người luôn khẳng định mình tin, và cũng không có biểu hiện bề ngoài chối bỏ niềm tin của mình, nhưng chính họ lại không biết hay cố tình đi ngược lại niềm tin của mình qua chính hành động, đời sống của mình. Nói như thánh Gia-cô-bê tông đồ “đức tin không có việc làm là đức tin chết” (14). Ngày nay, người ta muốn trả lời một cách rõ rệt câu hỏi này: kitô giáo thực sự mang lại cái gì hơn cho cuộc sống để cuộc sống ấy đáng làm người hơn, tốt lành và đại độ hơn? Người kitô hữu có gì khác với một người thực sự yêu người đồng loại mình? Những câu như chúng tôi vừa nói trước đây: ‘kết thành một trong Đức Kitô’, ‘liên kết với nhau trong Đức Kitô’, nghĩa là gì? Và thánh Phaolô muốn nói điều gì khi ngài kêu lên: “Đối với tôi, sống là Đức Giêsu Kitô ” (Ph 1,22)? Bốc đồng mà nói hay đây là sự biểu lộ niềm tin sống động?
    Không thể nào có được canh tân đoàn sủng trong Giáo hội khi người đã chịu phép rửa không hiểu và không chấp nhận những đòi hỏi của phép rửa, khi người ấy không gắn liền ơn gọi đó với cuộc sống của mình. Chính Chúa Giêsu Kitô thiết định bản sắc kitô giáo chứ không phải chúng ta: mẫu mực không phải là một khuôn khổ trung bình tốt lành vừa đủ theo đo lường của thống kê dựa vào lối sống của đa số người kitô hữu. Để thiết định mẫu mực này, cần trả lời câu hỏi chính xác: Chúa mong chờ gì nơi những kẻ Ngài gọi để đi theo Ngài, và những kitô hữu tiên khởi đã hiểu thế nào về ơn gọi của họ?

    5. Vấn nạn biết, thấy rồi mới tin.
    Tin không thuộc lãnh vực tri thức khoa học nghĩa là thông qua quan sát, thực nghiệm…, tuy nhiên, tin cũng không hoàn toàn là mù quáng, phi lý. Niềm tin đích thực luôn đòi hỏi những dấu chỉ khả tín, như thánh Augustino đã nói “Tôi tin để hiểu và tôi hiểu để tin”. Nói cách khác “Đức tin luôn đòi hỏi tìm kiếm hiểu biết những gì đã tin”. Niềm tin vào Thiên Chúa đòi hỏi phải có ân sủng, chính ân sủng “mở mắt tâm hồn”[5] giúp người tin hiểu sâu sắc hơn những điều Mạc khải. Dù rằng không bao giờ chúng ta có thể hiểu hết mầu nhiệm của đức tin, nhưng chắc chắn tin không hoàn toàn đồng nghĩa với phi lý và mù quáng, đến độ thánh Augustino đã xác quyết “Tôi sẽ không tin nếu tôi không nhận thấy rằng tôi phải tin”. Tuy nhiên, đã gọi là đức tin tất nhiên vượt trên lý trí và phải bỏ một phần nào đòi hỏi chính đáng của lý trí, bởi vì tôi tin không đồng nghĩa với tôi thấy hay tôi biết. Chính thánh Thomas Aquinas đã công nhận là đứng trên quan điểm tri thức, đức tin bao giờ cũng kém khoa học. Thật thế, tin không thể rõ ràng như thấy, như biết hai với hai là bốn, vì đã thấy thì đâu còn gọi là tin nữa. Cho nên thánh Paulus đã định nghĩa tin: “đức tin là đảm bảo cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy”[6].
    Trong một mức độ nào đó, có thể nói: tin chính là hy vọng, là chọn những gì không thể quan niệm hết làm nền tảng cho những hành động và cho lẽ sống, chết…Như câu chuyện em bé ở trên tầng hai của ngôi nhà đang bốc cháy, dù rằng em không thấy cha mình ở phía dưới vì khói mù mịt, nhưng em tin tưởng vào người cha, và cuối cùng em đã nhảy xuống và đã được cứu sống.
    Cũng như em bé trong câu chuyện trên, có những giai đoạn cuộc đời tôi, cũng trải qua những đêm tối, chẳng thấy gì, và cũng chẳng quan niệm được gì, tôi như mất phương hướng. Tuy nhiên chính tin vào lời mời gọi và tình yêu thương của Thiên Chúa, tôi vẫn nhất quyết bước đi trong niềm tin tưởng, phó thác vào sự quan phòng đầy khôn ngoan và yêu thương của Cha trên trời. Và cũng có thể một lúc nào đó nó rơi vào chính bạn.

    Kết luận.
    Nói như ĐTC Benêđictô XVI “số người tin thật không nhiều đâu”, bởi vì cái tôi của mình quá cồng kềnh, cao ngạo khiến cho tầm nhìn của tôi, bạn vào Thiên Chúa bị che khuất. Bởi vậy, tôi, cũng như bạn phải làm cho cái tôi của mình nhẹ bớt, nhỏ lại, để Chúa có thể lớn lên trong chính đời sống đức tin của tôi. Thiên Chúa không phải là ông quan tòa hay người cảnh sát luôn rình rập để trách phạt con người. Mà Thiên Chúa là một người Cha luôn yêu thương, che chở con cái, và Ngài muốn con cái biết cảm nhận hơi ấm từ tình yêu thương đó. Ngài phải là trung tâm của chính cuộc đời của tôi, của ban, nói như thánh Phaolo “đối với tôi sống là Đức Kitô”[7]. Đối với chúng ta khi cần hiểu rõ một từ nào thì ta mở cuốn từ điển ra để tra cứu, và cuộc đời của chúng ta cũng có một cuốn từ điển đó là Đức Kitô, ở đó có tất cả chỉ dẫn cho cuộc sống của tôi, của bạn, của chúng ta. Điều căn bản là tôi, bạn, chúng ta có hoàn toàn tin, tín thác nơi Ngài hay không? Hãy để cho Thiên Chúa dẫn dắt cuộc đời của chúng ta, chứ không phải chúng ta “dẫn Chúa”, uốn nắn Ngài đi theo con đường, quan điểm, ý muốn của ta.

    Hy vọng sau những gì chúng ta đã trao đổi, bạn có một cái nhìn về đức tin Kitô giáo tinh tuyền và rõ ràng và xác tín hơn. Nguyện xin Thiên Chúa là Cha đầy lòng xót thương thêm cho bạn đức tin và tình yêu để bạn có thêm đối cánh dũng mãnh vững bước đi theo Người.
    Chúc bạn thành công khi đã bắt tay vào hành trình tìm kiếm điều quý giá nhất đối với mỗi con người. Chúng ta sẽ còn gặp lại nhau khi có điều kiện và sẽ cùng nhau bàn luận tiếp những vấn đề khác liên quan tới giáo lý Công giáo.
    Thân ái chào bạn!


    khonglacuaai


    [1] CĐ Vat II, Hiến chế tín lý Dei Verbum 5

    [2] Gl 2,20

    [3] Is 43,11

    [4] 1Cr 3,6

    [5] Ep 1,18

    [6] Dt 11,1

    [7] Pl 1,21

    Các chủ đề tương tự trong chuyên mục này:

    Thay đổi nội dung bởi: khonglacuaai, 03-05-2011 lúc 10:02 AM

  2. 5 thành viên đã cảm ơn khonglacuaai vì bài viết này:

    allihavetogive (03-05-2011),giusetuong (08-05-2014),hmb_nxt (04-05-2011),Phù Vân (04-05-2011),tho ngoc (15-05-2011)

+ Trả Lời Ðề Tài

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình