+ Trả Lời Ðề Tài
Hiện kết quả từ 1 tới 1 của 1

Chủ đề: Năm Mới An Bình - Bài viết của Cha Trần Minh Bạch về chuyện truyền giáo ở Haiti

  1. #1
    Benedictus's Avatar
    Trạng thái :   Benedictus đã thoát
    Tham gia : Dec 2010
    Bài gửi : 147
    Tên thật:
    Lê Hoàng Hải
    Đến từ: Gx Phong Hòa, Gp Vĩnh Long
    Sở thích: ăn và ngủ
    Nghề nghiệp: lăng xăng
    Cảm ơn
    619
    Được cảm ơn 908 lần
    trong 147 bài viết

    Năm Mới An Bình - Bài viết của Cha Trần Minh Bạch về chuyện truyền giáo ở Haiti

    NĂM MỚI AN BÌNH
    Tác giả: Cha Trần Minh Bạch, dòng Chúa Cứu Thế
    Nguồn: Đại học Kinh Thương
    Các bạn thân mến,

    Trong những ngày vừa qua B. rất bận rộn sửa soạn và lo đón lễ Mừng Chúa Giáng Sinh, mọi việc đều được diễn tiến tốt đẹp; đến hôm nay mới ngồi lại được để tiếp chuyện với các bạn đây. B. xin kể câu chuyện GS 2003 để gọi là chia xẻ những cảm nghĩ đến với các bạn trong những ngày nghỉ lễ này.

    GS năm nay B. nhận lời đi cử hành lễ nửa đêm (24/12/2003) tại một giáo xứ trên miền núi ngoại ô của Port-au-Prince (thủ đô của Haiti). Sáng 23/12 nhờ các thầy lái xe cho mình lên núi. Tụi này rời nhà từ 8 giờ sáng trên một chiếc Toyota 4x4, xe leo núi trong suốt 2 giờ đồng hồ. Đến 10 giờ là cùng đường, có nghĩa là không còn đường cho xe chạy được nữa. Các Thầy bỏ B. xuống cùng một người hướng dẫn. Tạm biệt các thầy, B. và người dẫn đường ba lô lên vai và tiếp tục leo núi. Trong ba lô tụi này phải đem đủ các đồ cần dùng cho buổi lễ nên cũng hơi oằn vai.

    Từ 10 giờ sáng tụi này leo núi, hết núi này qua núi nọ, xuống thung lũng rồi lại leo lên. Đến 14 giờ, đến chân núi cuối cùng có một giòng sông, nước đã gần cạn chỉ xấp xỉ đến đầu gối, ngoài ra toàn là đá, và từ chỗ này tụi này phải đi trong lòng sông trở lên núi phía bên kia vì không còn đường mòn nữa. Đi trong nước cũng mát mẻ, may là B. có đôi sandales tốt nên chân không bị đá cắt. Càng đi lên thì nước càng chảy xiết, sông đã biến thành suối, nước mát lạnh trong veo, không thấy một con cá nhỏ nào ( chắc bà con bắt ăn hết rồi?!), chỉ toàn là đá ít thấy rong rêu vì nước chảy xiết. Hai bên bờ có cây cối, và nhiều tiếng chim hót rất hay. Nhiều lúc tụi này dừng lại để nghe chim hót, đồi núi im phăng phắc, tiếng chim càng thánh thót âm vang. Những nốt điệu vui tai hòa lẫn vào khung cảnh của thiên nhiên tịch mịch, khó có một symphony nào có thể so sánh được. Được những giây phút ấy nên cái mệt của mình cũng gần như tan biến đi. Đi như thế gần hơn một giờ đồng hồ thì thấy đường mòn xuâùt hiện bên bờ suối. Lại bắt đầu lên đường mòn và leo tiếp tục. Có những chỗ rất nguy hiểm, rất hẹp, chỉ vừa đủ đặt một bàn chân, bên dưới là vực thẳm làm mình cũng run chân phải gọi anh bạn hướng dẫn người Haitian kéo hộ. Đến gần 16 giờ thì thấy có ít xóm nhà xuất hiện, đi ngoằn ngoèo một hồi thì lọt ngay vào nhà bếp của một gia đình. Gặp một ông già ngồi hút ống vố, vài ba phụ nữ đang lặt bắp, mấy đứa nhỏ trần truồng bò lê chơi dưới đất. Đời sống bình dị, không kiểu cách, mọi người nhìn mình trân trân, chắc mới lần đầu tiên họ thấy một người không phải Haitian, cũng không phải Tây trắng (Blanc : White!), thế là phải xổ tiếng bản xứ ra (tiếng Créole) để làm thân với họ. Mọi người vui vẻ, nhe miệng cười vui, ông già miệng không còn cái răng nào hả miệng cười bằng thích. Anh bạn hướng dẫn biết là đã tới chỗ, dẫn mình qua gặp ông Trùm: người chịu trách nhiệm họ đạo lẻ này. Oâng trùm ngạc nhiên và vui vẻ đón tiếp ( ngạc nhiên là vì không ngờ gặp ông cha Tàu, ở đây họ gọi B. là Chineese, biết nói tiếng của họ). Cài quần và mặc áo vào, ông dẫn tụi này qua nhà nguyện. Thật sự đây chưa phải là giáo xứ, chỉ mới là họ đạo lẻ, trực thuộc một giáo xứ chính cách đó hơn hai giờ đồng hồ leo núi.

    Nhìn đồng hồ thấy hơn 16 giờ, thế là mình đã leo núi, lội sông, qua đèo hơn 6 tiếng, hai cặp giò và đôi vai cũng bắt đầu rã rời, thế là cũng đến nơi được bình yên. Mừng và tạ ơn Chúa! Để được ba lô xuống làm mình thở nhẹ hẳn ra. Bà con đem đến cho mình một ly nước nấu chín, uống vào nghe ngon làm sao. Trong nước có mùi than, nhớ những lúc ở VN uống trà quế nấu ở nhà trên miệt vườn. Lấy lại sức, thở điều hòa và bắt đầu nhìn quanh xem địa thế. Chỗ này là một khu đất phẳng, khoảng 200mx200m, nằm chênh chếch trên một triền núi, dưới đó khoảng hơn 100m là con suối chảy mạnh. Bốn bên được bao bọc bởi núi. Lác đác chừng hơn mười nóc gia, nhà tranh vách đất. Nhìn xa xa khỏang gần cây số, thấy nơi ngọn suối đổ ra tạo thành một cái hồ nhỏ dưới chân ba ngọn núi chụm lại. Vì vậy dân gọi nơi này là Bassin Medor. Tất cả còn hoang dã, hùng vĩ. Ba ngọn núi chụm lại, với cái hồ và ngọn suối chảy ra, anh em nào học địa lý (feng sui) thấy đây có phải là linh địa không? Phong cảnh đánh động B. rất nhiều, mình nghĩ mai mốt nếu có dịp về đây ở giảng đạo, dạy học, ngồi thiền, tập võ thì không còn gì thích hơn là cất một cái am nơi chỗ cái hồ và ba ngọn núi chụm lại để tụ tập và giúp ích cho bà con thì tốt biết mấy. Không khí trong lành, sự im lặng cuốn hút của núi đồi hòa nhịp với tiếng suối chảy róc rách xa xa làm mình đứng yên bất động, đắm chìm vào vẻ đẹp đang trải rộng và bao phủ lấy chính hơi thở của mình. Nơi đây một chiều mùa đông, một ngày trước lễ GS, không một bóng đèn, không mảnh giấy màu trang trí; chỉ có vách núi sừng sững với màu xanh lốm đốm của những tàng cây và các nhúm cỏ lưa thưa xen lẫn mới màu trắng xám của đá cuội, với đàn dê còn lẩn quẩn trên núi kiếm ăn như những chấm màu dị biệt làm nổi bật thêm hơn một bức tranh vĩ đại; thật là một trang trí nguy nga và đơn sơ, diễm lệ và không kiểu cách làm lâng lâng tâm hồn của khách thưởng ngoạn. B. đứng bất động nhìn thiên nhiên, không biết là có một đám con nít cũng đang đứng nhìn mình chăm chăm. Tụi nhỏ chắc cũng thấy vui khi nhìn mình như một vật trang hoàng mới lạ trong khung cảnh mà tụi nó quá quen thuộc. Mấy đứa nhỏ lấm lem, bẽn lẽn, phải hỏi tụi nó nhiều lần mới có được một câu trả lời: “Con tên là …!” Có cậu bé khoảng 8, 9 tuổi tên là “ Démélé”, dịch nôm na ra là “ Thây kệ mày”; nghe tên này mình cũng phì cười và thấy tội nghiệp cho chú bé; chắc bà mẹ có quá nhiều con rồi nên đến phiên chú, thì để chú bé tự kiếm sống. Tiếng ông Trùm gọi, giật mình trở lại với công việc thực tế: “ Pè w mèt vini” (Père, tu peux venir!). “ Mời cha vào đây!”. Oâng trùm đưa mình vào một căn phòng rộng khoảng 2mx3m, có một cái giường, một cái ghế, và một cái bàn nhỏ, trong góc là một toilet vừa là nhà tắm có tấm vách ngăn và được che lại bằng một miếng nylon. Mình biết chắc đây là cái toilet duy nhất trong Bassin Medor này và ngay cả những vùng lân cận. Mình liếc nhìn vào trong xem có giấy toilet hay không? Nó có đó làm mình yên trí. Nhớ lúc mình đi sang Aán Độ, anh em nào có đi sang bên đó, thì đừng hoài công tìm giấy toilet nhé, phải order riêng thì mới có. Dầu vậy đây là căn phòng sang nhất ở Bassin Medor, mình rất mãn nguyện và không cần gì hơn nữa. Rửa mặt, rửa chân xong, không dám tắm vì nước quá ít, tuy ở gần suối nhưng muốn có nước trong nhà tắm, người ta phải đội lên cho mình, nên thôi đành tiết kiệm nước vậy; vả lại theo kinh nghiệm của những chuyến đi như vậy, không nên tắm sớm, để có thể hoà hợp với phong thổ cái đã rồi khi quen dần thì mới nên tắm sau.

    Nằm sải dài ra cho dãn gân cốt, và thiếp ngủ lúc nào không biết; khi chợt tỉnh giấc thì thấy bên ngoài bóng đêm đã bao phủ. Vài con muỗi vo ve đệm nhạc bên tai, không có muỗi nhiều vì tháng này là tháng lạnh, được vậy cũng mừng. Tiếng ông trùm gọi cửa, ông đem vào một ngọn đèn dầu và một đĩa bobo, soi gần bóng đèn thì thấy có bốn miếng thịt bằng hai lóng tay. Có thịt như vậy là sang quá rồi. Bobo ăn cũng được, vì bên này cũng quen, tụi này thường ăn mỗi tuần một hai lần. Nhấm nháp mấy miếng thịt heo thì không tài nào cắn nổi, heo này chắc có học gồng, thôi đành để qua bên vậy. Uống miếng nước chín, với đĩa bobo thì cũng đầy bụng rồi, vậy là chắc ăn , hay còn là ăn chắc! Aên xong, bước ra ngoài, trời tối đen nên làm các ánh sao thêm sáng rực. Wow! Mình tìm hành tinh Mars, nhớ là mấy ngày nay bên Aâu Châu sẽ cho một vệ tinh không người lái đáp xuống đó. Chợt nghĩ đến một khoảng cách thật xa xăm, không phải chỉ là từ Mars đến Địa Cầu, nhưng là từ một thời điểm con người có thể phóng vệ tinh lên Mars đến nơi đây con người còn sống ỏ một nơi không điện, không nước máy…; thật là quá xa phải không các bạn?! Có tiếng radio rè rè bên cạnh, thì ra anh bạn Haitian đang tìm đài. Vô phương, không một lằn sóng nào đến đây được vì nơi này bị bao bọc bởi núi cao, mình nói cho anh ấy hiểu. Anh ấy có điều tiếc rẻ, vẫn tiếp tục tìm đài; mình thì muốn thưởng thức sự im lặng hùng vĩ của núi đồi, tiếng radio rè rè làm mình cũng hơi khó chịu. Thôi đành lui vào phòng vậy. Khêu cao ngọn đèn, mình đọc kinh chiều, ngồi định tâm, và đi ngủ sớm, nhìn đồng hồ thấy 20 giờ 30.

    Ục…ục… tiếng gì là lạ làm mình chợt mở mắt, bên ngoài trời đã sáng: 6 g; vậy là mình đã ngủ một giấc ngon lành. Hé cửa ra xem cái gì bên ngoài thì ra là chú heo con đang ủi đất đã tìm cái gì điểm tâm chắc. Chú heo mọi bụng xề thảnh thơi làm việc, thôi để chú tự nhiên vì khu này là khu của chú ấy mà! Tiếng gà đã rộn núi đồi. Không khí thật trong lành. Rửa mặt xong, mình ra đi vài chiêu cho ấm gân cốt. Từ dưới bờ suối đã thấy có khói bốc lên, có tiếng cuốc xắn vào đá nghe chắc nịch và cộc lốc, bà con đã bắt đầu làm việc, trồng trọt trên khoảng đất chừng hai thước bề ngang và chạy dài theo bờ suối, muà này nước xuống nên họ tận dụng tí đất màu mỡ này. Phần mình sáng nay mình sẽ để hết thời giờ cho bà con: ngồi toà giải tội, đi thăm các người bệnh nếu có, đọc sách và lo dọn lễ cho chiều tối hôm nay. Chú bé “Démélé” bám sát theo gót chân mình, tội nghiệp chú không có quần để mặc nhưng vẫn cứ tự nhiên, bước đi vững chãi trên các triền dốc. Mình thăm hỏi các bà con. Nơi đây có cả thảy 8 gia đình, mỗi gia đình khoảng 20 người: ông bà, cha mẹ, con cái, họ hàng, anh chị em… vị chi khoảng 160 người tất cả, trong đó xây lũ cố chiếm gần 100. Mấy đứa nhỏ từ hơn mười tháng nay không có học hành gì, vì ông thầy giáo bỏ trường ngang xương đi về thành phố. Bà con nói là cha xứ sẽ gọi các soeurs về đây dạy học, ai cũng hy vọng chuyện này. Nơi đây không có bệnh xá, khi có người bệnh phải võng họ đi về một thị trấn cách đây 6 giờ đi bộ và một giờ đi xe. Nhiều gia đình có con em tuổi thanh niên thiếu nữ thì cho lên thành phố làm công hoặc ở giúp việc. Cuối năm có thể tụi nó sẽ được về cho vui cửa vui nhà tí. Có một vài phái đoàn ngoại quốc ghé qua đây trong năm vừa qua: người Pháp, người Chí Lợi… Mình trao đổi với họ về những phương cách có thể áp dụng để đem nước từ dưới suối lên, cần máy bơm, cần máy điện…, hoặc xây những tăng béton trên triền núi để góp nước khi trời mưa và cho chảy vào các hồ lớn, như mình đã thấy các bà con làm bên xứ Do Thái. Đây là những chương trình lớn, phải tính toán và tổ chức quy củ, mình trao đổi đây chỉ là sơ khởi vậy thôi. Đi một vòng gần hai giờ đồng hồ thì hết cái thôn, và gặp gỡ nhiều người, mời bà con tối nay đến tham dự Thánh Lễ. Bà con rất vui và sẵn sàng vì từ hơn 15 năm nay họ không có được thánh lễ GS ở đây, vì trong các dịp lễ lớn các cha thường về các giáo xứ chính để cử hành Thánh Lễ. Mình trở về nhà nguyện, vài người đến xưng tội, sau đó mình ngồi đó đọc sách và suy gẫm. Nhà nguyện vách đất, mái tôn khoảng 3m bề ngang, 10m bề dài; có khoảng 10 cái băng ghế, bàn thờ khá rộng, trải khăn và có hai chậu bông plastic đã đổi màu. Không một trang trí, không máng cỏ GS. Trễ quá rồi để làm những chuyện đó. Mình giúp các bà con xong bí tích Hòa Giải. Oâng trùm không thấy đâu, nghe nói ông ấy vẫn còn phải làm vườn. Một ngày đầy đủ, trưa được một đĩa cơm lớn độn đậu với vài miếng cá khô, và có cả ly nước cam tươi để uống. Không đòi hỏi gì hơn! Nắng lên cao nhưng không nóng vì ngọn gió mùa đông thổi luồn qua các khe núi làm dịu mát lòng người. Cái hồ nhỏ nơi ba ngọn núi chụm lại vẫn cuốn hút mình hoài, mình ao ước được đi đến đó, nhưng hôm nay không có giờ. Để dịp khác vậy. Mình sẽ trở lại đây, có thể vào Tuần Thánh mùa Phục Sinh sắp tới.

    16g ngày 24/12, ông trùm xuất hiện, vận bộ đồ chiến, xin lỗi vì sáng nay còn phải trồng cho hết đám bắp. Không sao cả, Thiên Chúa vẫn hiện diện trong cuộc sống hằng ngày. Mình hỏi sơ qua về nghi thức buổi lễ tối nay. Chương trình rất đơn sơ theo đúng Phụng Vụ ( nghi thức hành lễ trong đạo Công Giáo). Mình hỏi có ca đoàn không? Oâng nói không vì tụi thanh niên, thiếu nữ ở thành phố chưa về, vả lại từ hơn 15 năm nay không có thánh lễ GS nên mọi người không có chuẩn bị gì! Thánh lễ đơn sơ về phần nghi thức, nhưng sẽ tập trung vào điểm quan trọng là Sự Hiện Diện của Chúa Hài Đồng nơi tâm hồn của các bà con, mình chủ tâm hơn vàsuy gẫm nhiều hơn về bài giảng tối hôm nay. 18g kiểng gõ hồi thứ nhất, ông trùm đánh vào cái niềng xe treo phía sau nhà nguyện. Khoảng gần 19g, hồi kiểng thứ hai, có tiếng đọc kinh vang lên trong nhà nguyện. Bà bếp gói ghém đĩa cơm chiều đem đến cho mình. Mình cám ơn và nói sẽ ăn sau Thánh Lễ. Vào nhà nguyện, mình dọn Bàn Thánh, hai chậu bông plastic là nhóm màu duy nhất, có thêm hai cây đèn cầy, một cây đèn dầu để cho ông trùm hát kinh và lần chuỗi với các bà con. Mình lần chuỗi với họ. Các bà con lần lượt kéo đến, được khoảng hơn 60 người. 20g Thánh Lễ bắt đầu, các bài hát Noel vang lên, bà con hát đủ các giọng, quan trọng là tấm lòng thành; tấm lòng duy nhất là những trang hoàng xứng đáng để đón Chúa nơi máng cỏ nghèo hèn! Lúc đáp ca, bà con hát bài “Silent Night” (Đêm Thánh Vô Cùng) bằng tiếng Créole làm mình rất cảm động. Bà con tham dự sốt sắng, có chừng 20 đứa trẻ. Trong bài giảng mình nhắc đến “Démélé”, hỏi có chú bé ở đây không, bà mẹ trả lời là không vì chú ấy đi ngủ mất rồi. Sở dĩ mình nhắc đến chú, vì trong bài đọc 1 đêm nay có đoạn nói: “ Ta không gọi ngươi là `thứ ‘bị lãng quên nữa, nhưng ngươi sẽ được gọi là `Ý chỉ Thiên Chúa ở cùng’ “, Thiên Chúa ở cùng nhân loại, không ai bị bỏ quên. Xin đừng gọi chú bé là” thây kệ mày “ nữa, mình đề nghị đặt tên lại cho chú là: “Noel”… Lúc đó thì nghe có tiếng tiếng quát ngoài cửa: “Tiên sư mày vô đây không!” À thì ra một người nào đó, khi nghe mình hỏi đến “Démélé”, thì người ấy đi giật chú bé khỏi giấc ngủ và kéo chú vào dự lễ. Chú bé bị dẫn vào, mắt nhắm mắt mở, vẫn mặc chiếc áo thun cũ kỹ, bên dưới thì vẫn ở truồng. Bà con đem chú đến trước bàn thờ, và mọi người tiếp tục nghe bài giảng như không có gì khác lạ xảy ra! Mình nhắc các bà con gọi chú là “Noel”, và hỏi chú có thích tên ấy không? Chú bé đã tỉnh lại đôi chút và gật đầu có vẻ ưng thuận. Mọi người cười vui! Thánh Lễ tiếp tục cho đến 22g mới xong. Mình chúc mừng bà con và nán lại hát Thánh Ca GS với họ. Mình hát vài bài tiếng Pháp và tiếng Việt cho họ vui. Sau đó mọi người ra về, bên ngoài có người bán ít bắp nướng và kẹo dừa; tiếc quá trong túi mình không có đồng xu teng để mua kẹo cho mấy đứa nhỏ. Mình tự nhủ kỳ sau có lên đây phải đem theo ít đồng leng keng và có cái gì xanh xanh đỏ đỏ cho em nhỏ nó mừng. Gần 23g tiếng cười nói thưa dần, nhường cho sự tịch mịch của bóng đêm nơi đồi núi. Mình vào phòng, ngậm nếm sự im lặng của đêm thanh, khơi ngọn đèn dầu, dỡ chiếc khăn cũ ra khỏi đĩa cơm. À, đây là reveillon của mình cho đêm nay: đĩa cơm nguội với ít miếng cá khô (chắc là phần ăn còn sót lại lúc ban trưa), và một ly nước chín. Mình cám ơn Chúa và các anh em đã dọn cho mình bữa ăn này, mình ăn rất ngon và hài lòng. Mình rất vui là đã được đến đây, dâng Thánh Lễ, đem Chúa trong bí tích Thánh Thể đến cho các anh em trong đêm GS cực thánh này. Xong xuôi đâu đó mình đi ngủ và không quên để đồng hồ reo dậy vào lúc 5g30 sáng.

    Sáng 25/12 có Thánh Lễ lúc 7g cho các bà con nhất là những người ở xa không đến được tối hôm qua. Có nhiều người đã đi bộ hơn hai tiếng đồng hồ để đến sáng sớm hôm nay. Thánh Lễ sốt sắng, tuy có phần ít người hơn. Chú Noel có mặt, trang trọng hơn trong chiếc quần tuy cũ nhưng coi cũng được. Đồ đạc đã được dọn xong vì sau lễ là mình xuống núi. Chia tay, để lại chút quà cho bà bếp và anh bạn xách nước cho mình, mình tặng mỗi người một chai “dầu xanh”. Mình hỏi có đường nào khác để xuống núi không? Vì xuống núi rất khó, rất dễ trợt, mình không muốn đi qua lại cái đèo nguy hiểm lúc trước. Kỳ này ông trùm sẽ đích thân dẫn đường. Lại khởi hành lúc 10g, chào bà con, chúc lành cho họ và lên đường. Lội suối kỳ này thấy thoải mái hơn. Oâng trùm dẫn đường này xa hơn, nhưng dễ đi thành ra lại ngắn vì đi được nhanh. Trên đường gặp nhiều nhóm trẻ, họ trở về thôn để chuẩn bị mừng Năm Mới. Tay xách nách mang, đầu đội thúng nặng trĩu, họ đi phăng phăng như không có gì cả. Đàn bà đội thúng, đàn ông ẵm con và che dù, thấy cũng ngộ. Ai nấy cũng mồ hôi nhễ nhãi vì chắc họ đã đi bộ từ lâu rồi. Đến bờ sông, ông trùm chia tay và chúc thượng lộ bình an. Mình và anh bạn Haitian tiếp tục đi đến điểm hẹn. Trời nắng chang chang. Bà con đi ngược lên, tụi này đi ngược xuống, càng xuống thì trời càng nóng. Trên đường ghé qua hàng nước uống chai nước ngọt, chuyện gẫu với bà con cũng vui. Đến gần 15g, gặp xe nhà Dòng lên đón, thế là xuống núi chỉ mất có 5 giờ đồng hồ. Lên xe đổ đèo về thành phố mất hơn một tiếng đồng hồ. 16g là về đến nhà, tạ ơn Chúa!

    Một lễ GS đặc biệt năm 2003 xin chia xẻ cùng các bạn. Các bạn nào có ý thích mạo hiểm, B. xin mời qua đây để cùng đi thăm Bassin Medor và chú bé Noel. Nơi đây nghèo thật, nhưng lại có những cái đáng quý mà ở những chỗ khác mình không tìm ra được. Xin gởi đến các bạn câu chuyện này như món quà đơn sơ đầu năm 2004 vậy!

    Mến chúc các bạn Năm Mới được nhiều sức khỏe và mọi sư bằng an.

    Thân mến,

    Pierre Trần Minh Bạch, CSSR, miền Haiti


    Các chủ đề tương tự trong chuyên mục này:


  2. 5 thành viên đã cảm ơn Benedictus vì bài viết này:

    giusetuong (27-12-2013),Lan Anh (28-05-2011),smiles (28-05-2011),tho ngoc (29-05-2011),thuyvu (30-05-2011)

+ Trả Lời Ðề Tài

Chủ đề tương tự

  1. Các ACE ơi! Cho minh xin ý kiến của cả nhà
    By Pham Du in forum Góp ý|Thắc mắc|Thảo luận
    Trả lời: 2
    Bài mới gửi: 14-08-2011, 01:44 PM
  2. Trả lời: 0
    Bài mới gửi: 27-07-2011, 11:19 AM
  3. Trả lời: 0
    Bài mới gửi: 10-12-2010, 11:06 PM
  4. Lưu học xá sinh viên đa minh
    By tom in forum Thông tin hữu ích
    Trả lời: 2
    Bài mới gửi: 02-12-2010, 09:17 PM
  5. Dòng Cát Minh
    By Pere Joseph in forum Ơn Gọi - Chủng viện - Dòng tu
    Trả lời: 1
    Bài mới gửi: 29-11-2010, 10:59 PM

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình