Bông điên điển
Nguyễn San
Xưa, em sống ở quê. Mùa lũ, em ngâm mình mò củ ấu, hái bông điên điển . Tuổi mười lăm ngai ngái mùi bùn.
Em tìm về thành phố. Học đi, học nhảy, học liếc mắt cười tình. Tuổi thiếu nữ đôi mươi vành vạnh, thơm phức và kiêu hãnh.
Một bữa, em chạy ra từ trong khách sạn. Chiếc giày cao gót lật quai lăn tõm xuống cống đen ngòm để lộ đôi chân phèn tứa máu. Em khóc tức tưởi. Nước mắt ân hận làm trôi những thứ bôi trét giả tạo. Khuôn mặt lộ dần những nét quê xưa.
Em chợt nhớ những cánh hoa điên điển sắp tàn còn kịp ửng vàng trước lúc hoàng hôn.
Bữa cơm trưa
Nguyễn Thị Nga
Hôm nay, khi đang ăn trưa ở một quán bình dân, tôi thấy một bác bán đồng hồ treo tường dạo., khoảng gần sáu mươi tuổi cũng ghé vào. Nhưng bác ấy chỉ gọi một ly trà đá, rồi lấy ra một bịch bốn năm củ khoai lang nhỏ ngồi ăn. Nhìn vẻ mặt khắc khổ và mệt nhọc của bác, tôi thấy nao lòng.
Bất giác, tôi nghĩ đến ba tôi nay cũng đã gần sáu mươi tuổi. Vẫn với túi đồ nghề thợ hồ, ba lặn lội khắp nơi, chắt mót từng đồng gửi về cho tôi ăn học. Đã bao giờ tôi chợt hỏi đến bữa cơm trưa của ba ...
Ước mơ một hạnh phúc đơn sơ
- sưu tầm -
Nhà nghèo phải nghỉ học sớm đi lên Sài Gòn tìm việc làm , làm thì nhiều mà tiền lương chẳng đáng là bao nên không thể nào giúp được cho gia đình thoát khỏi cái nghèo đeo bám hàng chục năm trời , nó quyết định rời bỏ cái mối tình đẹp nhất để lấy một người đàn ông mà nó không hề yêu thương và đi đến nơi đất khách quê người đầy xa lạ .Sống bên một người mà nó không hề yêu thương và phải gọi là chồng nó buồn lắm và hằng đêm nó cứ khóc vì nỗi cô đơn quả thật rất lớn lao , nó luôn ao ước được hưởng một hạnh phúc thật sự dù là một hạnh phúc đơn sơ
Cãi nhau
Đặng Minh Hải
Bố mẹ cãi nhau. Bố mua con chim sáo, nhốt trong lồng, treo ngoài vườn. Mẹ mua con mèo, thả trong bếp. Trưa, chẳng hiểu thế nào, khi bố về, con sáo không còn trong lồng, con mèo của mẹ đang phơi nắng ngoài sân. Bố đổ cho con mèo. Mẹ bảo không phải. Lại cãi nhau. Bố bỏ đến cơ quan. Mẹ về bà ngoại, mang theo nó, đang thút thít khóc. Chiều, người hàng xóm mang con sáo bay lạc sang trả, nhà chỉ còn bà vú già.
Em tôi
Lê Nguyên Vũ
Bám đất Sài Gòn sau 3 năm ra trường, tôi vẫn không xin được việc. Đôi cua dạy kèm, khi chẳng đủ trang trãi lại phải nhờ nguồn “trợ cấp” ở quê. Vừa rồi, đau ruột thừa, nằm viện. Mẹ vượt ngàn cây số vào thăm. Ngày về, dúi vào tay tôi chỉ vàng, bảo: “Của cái Lan, nó dặn con dùng để hồi sức, viện phí và tiền gởi vào cho con trước đây cũng một tay nó cả. Tội nghiệp! Dạy thêm tít mù, còn nuôi thêm cả lợn”.
…Nhớ ngày Lan trượt đại học, thư về tôi mắng chẳng tiếc lời…
Cầm món quà của em, tôi chỉ còn biết nuốt nước mắt vào trong.
-----------------------------
Em tôi
Nguyễn Chiến
Lúc tôi còn nhỏ, người ta nói có quạ kêu thì một người trong làng phải chết. Mỗi khi nghe tiếng kêu rùng rợn ấy, tôi ôm em tôi vào lòng...
Ngày tôi ra chiến trường, em tôi đã ra mã con gái. Tôi hứa khi nào hòa bình sẽ tổ chức lễ cưới cho em thật lớn. Trở về, tôi liệt nửa người. Nó chăm sóc tôi từng miếng ăn giấc ngủ. Nhiều người ngỏ lời rồi lặng đi. Nó cười nhưng làm sao giấu được nỗi buồn.
Mấy hôm trở trời tôi mê man, chỉ mong con quạ bay về kêu tôi đi, rồi gọi chim phụng hoàng ùa vào nhà cho lộng lẫy.
Bà tôi
Lê Xuân Hòa
Thủa ấy khổ lắm, hàng năm vào tháng bảy mưa dầm, nhà túng thiếu phải vay hàng xóm từng bơ gạo. Mẹ thường nấu cơm nhão cho Bà dễ ăn. Tôi cằn nhằn mẹ. Bà bảo đi xin miếng vôi trầu. Tôi ấm ứ. Bà lọm khọm chống gậy đi. Khi về trời mưa Bà ốm cả tuần. Mẹ nấu cháo cho Bà, khói se mắt, chặc lưỡi: Bà già rồi mà còn khổ!
Bà mất. Tôi xa nhà, ăn cơm bụi chợt thấy dáng ai còng - miếng cơm bỗng khô khốc, quán không khói mà cay cay
------------------------------
Bà Nội
Thúy Bắc
Ba và chú giận bà nội nên bà phải ở riêng một mình trong căn lều nhỏ. Hàng ngày, tôi mang cơm ra cho bà. Ngày đó, tôi đã chín tuổi nhưng vẫn bắt bà phải đút cơm.
Năm sau, bà bị bệnh gan, cái bụng chướng lên. Tôi mang cơm ra cho bà nhưng ba tôi không cho, thấy ba tôi xách cơm vào, bà hỏi:
- Thế thằng Cún đâu?
- Tôi không cho nó mang cơm sang nữa, sang đây bà đút cơm cho nó, nó bị lây bệnh thì sao, bệnh gan là hay lây lắm.
Bà không nói gì, chỉ im lặng xúc vài miếng cơm. Hơn một tuần sau, bà mất.
Ba Tôi
Mẫn Hà Anh
Ngày Má tôi còn sống. Ba tôi, ông cứ cằn nhằn: Bà hút thuốc nhiều quá, ảnh hưởng tới sức khỏe.
Má tôi tức, ngồi riêng một góc đốt thuốc, im lặng.
Nay Má tôi mất, ra thăm mộ, tôi quên thuốc lá. Ba tôi gắt, bắt phóng xe mua bằng được. Nhìn làn khói thuốc lặng lẽ, nhẹ bay lên từ điếu thuốc cắm trên bát hương, ông khấn: Tội cho Bà. Lúc sống, tôi ngăn cản, ì xèo. Bây giờ Bà mất rồi, tôi "thắp" cúng Bà cả bao. Tôi thương... mong Bà nhận cho.
-------------------------------
Bố
Phùng Thành Chủng
Bố nghiện rượu. Nhà nghèo, mẹ vẫn lo cho bố đủ ngày ba bữa. Được cái, chưa bao giờ thấy bố say. Ngược lại, rượu vào, hình như bố tỉnh ra ...
Không hiểu bố,một lần tôi bảo: "Bố uống ít thôi!". Bố nhìn tôi, mặt bệch ra. Mẹ chạy vào: "Ai cho phép con được nói với bố như thế ?!"
... Tôi đi làm xa. Bố mất. Ngày giỗ đầu, tôi mua một chai rượu tây trị giá tương đương hai chỉ vàng. Hết tuần nhang, mẹ bảo hạ mâm. Nhìn chén rượu rót cho bố vẫn còn nguyên, tôi khóc.
------------------------------------------
Ba
Nguyên Duy
Xưa, nội nghèo, Ba đi ở cho ông bá hộ, chăn trâu để chú được đi học. Thành tài, chú cưới vợ, ra riêng.
Ngày hỏi vợ cho thằng Hai, chú mời mấy người cùng cơ quan. Ai cũng com-lê, cà-ra-vát. Chú bảo: Anh Hai hay đau bao tử, ở nhà nghỉ cho khỏe.
Ba ừ, im lặng vác cày ra đồng. Mồ hôi đổ đầy người.
Cũng những giọt mồ hôi ấy, xưa mặn nồng biết chừng nào, mà giờ, sao nghe chát cả bờ môi.
Ba là mẹ
Hữu Thành
Tôi mồ côi mẹ từ nhỏ. Hôm nay sau giờ giảng, tôi hát cho các em nghe… “Mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng con phải mồ côi…”
Tôi nói với các em: “ Chúng ta thật hạnh phúc khi được ở trong vòng tay mẹ”.
Có tiếng khóc ở góc lớp. Tôi đến cạnh em hỏi:
- Sao con khóc?
- Con nhớ Mẹ! Đứa bé đáp ngập ngừng.
- Mẹ đâu?
Nhìn theo tay đứa bé, tôi thấy một người đàn ông nước da đen sạm đang đứng trước cổng trường.
Điều ước
Hoàng Thị Thanh Tâm
Giờ ra chơi, tôi và lũ bạn tán gẫu với nhau xem nếu có một điều ước thì sẽ ước gì. Nhỏ Giang ước thi đậu vào năm tới. Nhỏ Lan ước mẹ nó mau hết bệnh. Trân lớp trưởng tham lam hơn, nói bô bô trước lớp:
- Tớ ước tớ sẽ có thêm một triệu điều ước nữa.
Cả lũ bật cười, chê nhỏ Trân có mơ ước cũ rích. Cái kiểu ước một ra mười chẳng có gì mới lạ cả. Nhóm bạn quay sang hỏi tôi, tôi tỉnh queo:
- Tớ sẽ ước được trở về quá khứ, lúc đó tớ có thể tránh không phạm lỗi lầm nữa.
Tôi vừa dứt lời, bọn bạn đã vỗ tay bôm bốp. Mặc cho chuông vào lớp reo vang, nhỏ Trân cứ luôn miệng khen:
- Hay! Hay! Tớ tuyên bố điều ước của cậu hay nhất.
Đêm trăng sáng, tôi ngồi bên cạnh ông nội ngắm trăng. Nhớ lại những điều ước mấy ngày trước, tôi hỏi ông:
- Ông ơi, nếu như ông có một điều ước, ông sẽ ước gì ạ?
Ông nhìn tôi, mỉm cười:
- Thế cháu sẽ ước gì nào?
Không chần chừ, tôi kể cho ông chuyện về những điều ước của nhóm bạn. Nghe xong, ông chậm rãi nói:
- Nếu có một điều ước, ông sẽ ước mọi người trên thế gian này đều có một điều ước như ông. Nhưng theo ông trong thực tế, điều ước hay nhất là điều ước mà ta có thể thực hiện được, cháu ạ.
Mẹ & con
- sưu tầm -
Con lên ba, chơi bên nhà dì, bị xe đạp ngã, trúng đầu chảy máu. Mẹ đang nấu cơm, hốt hoảng bế con chạy ngay đến bệnh viện. Hú vía. Vết thương chỉ nhẹ bên ngoài thôi. Hoàn hồn, mẹ nhìn lại mình: chân không dép, quần ống cao ống thấp, áo loang lổ vết máu. Chả giống ai! Mẹ cười.
Con lớn, mẹ bỗng bị chứng điếc đột ngột. Lần lữa mãi, mẹ mới nhờ con đưa đi khám bệnh. Bác sĩ bảo: Để quá lâu, hồi phục thính lực cũng khó. Nhìn mặt mẹ ngơ ngẩn, con khóc.