+ Trả Lời Ðề Tài
Hiện kết quả từ 1 tới 1 của 1

Chủ đề: Lm. Ignatio Hồ Văn Xuân: Nhớ về một Người Cha

  1. #1
    halleluyah's Avatar
    Trạng thái :   halleluyah đã thoát
    Tham gia : Aug 2010
    Bài gửi : 145
    Tên thật:
    JMAG NQĐ
    Đến từ: HX- Đất lành chim đậu!
    Sở thích: nhiều quá, chả nhớ nổi....:)
    Nghề nghiệp: lại đi học gồi...:)
    Cảm ơn
    126
    Được cảm ơn 293 lần
    trong 82 bài viết

    Lm. Ignatio Hồ Văn Xuân: Nhớ về một Người Cha


    WGPSG -- Đây là bài chia sẻ của linh mục Inhaxiô Hồ Văn Xuân, cha sở Gia Định, nguyên thư ký riêng của Đức Cố Tổng Giám Mục, trong cuộc toạ đàm về “Chân dung một vị mục tử” tại Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình vào chiều ngày 27-8-2010, nhân dịp kỷ niệm Sinh Nhật lần thứ 100 của Đức Cố Tổng Phaolô (1910 * 1-9 * 2010)

    This image has been resized. Click this bar to view the full image. The original image is sized 827x531 and weights 347KB.

    Trọng kính Đức Hồng Y, Đức Cha Phaolô,
    Kính thưa Cha Tổng đại diện, quý Cha, quý tu sĩ,
    Thưa tất cả quý thành viên của Câu lạc bộ,

    Con may mắn được Đức Cố Tổng Phaolô chọn như một thư ký riêng của ngài, đồng thời cộng tác với nhiều người khác chăm lo sức khoẻ cho ngài suốt mười năm cuối cùng cuộc đời của ngài, cụ thể từ ngày 29 tháng 6 năm 1985 đến 5g45’ sáng ngày 1 tháng 7 năm 1995, thời điểm ngài trút hơi thở cuối cùng tại phòng riêng của ngài ở Toà Tổng Giám Mục sau khi con chuyển ngài từ bệnh viện Thống Nhất về Toà Tổng một tiếng đồng hồ trước đó, hưởng thọ 85 tuổi, 58 năm linh mục, 40 năm giám mục. Hôm nay, nhân cuộc toạ đàm về ngài, chúng ta cùng vắn tắt nhìn lại những mốc thời gian chính trong cuộc đời của ngài, trước khi con chia sẻ những cảm nghĩ của con về người cha chung của cộng đoàn dân Chúa Tổng giáo phận Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh.
    Đức Cố Tổng chào đời ngày 1 tháng 9 năm 1910 tại bệnh viện Chợ Rẫy. Ngài là con thứ năm của Ông Cố Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Trượng và Bà Cố Anê Nguyễn Thị Luông. Ông Cố là một ông Biện của họ Tân Định, một giáo dân đạo đức, một tông đồ nhiệt thành với công việc nhà Chúa, đã dâng công phục vụ hơn 50 năm tại Nhà in Tân Định, nhà in mà vị giám mục tiên khởi của Giáo Hội Việt Nam, Đức Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng, từng làm giám đốc từ năm 1926 đến năm 1932, thời gian ngài làm cha sở Tân Định. Ông Cố qua đời năm 1939 trong khi Bà Cố mất sớm, năm 1925, khi Đức Cố Tổng còn là một chú chủng sinh. Ngài và người em gái kế ngài, nữ tu Magarita Nguyễn Thị Sanh, nguyên Tổng phụ trách Hội dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán, là sống trường thọ, trong khi những anh chị em trước ngài đều đã được Chúa gọi về lúc còn nhỏ…
    Đức Cố Tổng gia nhập Tiểu chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn năm 1922. Trong suốt thời gian tu học tại đây, Đức Cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu, nguyên Giám mục giáo phận Vĩnh Long, người bạn tri kỷ của Đức Cố Tổng cho biết ngài chưa bao giờ thấy Đức Cố Tổng quạu quọ hay gây gổ với bất cứ ai vì bản tính ngài hiền lành. Sau khi mãn Tiểu chủng viện, ngài được Bề trên gởi đi du học tại Trường Truyền giáo bên Rôma vào năm 1932, và chịu chức Linh Mục tại Đại vương cung thánh đường Thánh Gioan Latêranô, nhà thờ chánh toà của giáo phận Rôma, ngày 27 tháng 3 năm 1937. Sau khi chịu chức Linh Mục, ngài giúp mục vụ một vài xứ đạo ở Rôma. Đến năm 1938, theo lệnh Bề trên, ngài trở về Việt Nam trong tình trạng sức khoẻ yếu kém đến nỗi khi tàu cập cảng Sài Gòn, phải có 2 người dìu hai bên, ngài mới có thể lên bờ được. Sở dĩ ngài lâm vào tình trạng bi đát kể trên là vì khi ở Rôma ngài bị lao phổi rất nặng, và đã bị ép một lá phổi. Kể từ đó cho đến khi qua đời, ngài chỉ còn một lá phổi để thở và cũng vì lý do đó mà chúng ta thấy vai ngài bị nghiêng một bên.
    Khi trở về Sài Gòn, ngài được bề trên sai đi coi sóc họ Đức Hoà, một họ đạo nhỏ với 50 giáo dân trong 5 năm (1938–1943). Tại đây, ngài được sự nâng đỡ hết lòng của gia đình ông hội đồng Chất. Sau khi rời họ Đức Hoà, ngài về làm giáo sư Tiểu chủng viện Thánh Giuse suốt 5 năm (1943–1948), kiêm nhiệm linh hướng trường Taberd trong 1 năm (1947–1948), sau đó là chủ nhiệm Tuần báo Tông Đồ trong một thời gian ngắn (1948–1950), nhưng thời gian làm cha sở họ Cầu Đất (Đà Lạt) kéo dài đến 7 năm (1948–1955).
    Năm 1955, ngài được Bề trên gọi về Sài Gòn làm giáo sư Đại chủng viện Thánh Giuse, và cũng trong năm này, vào ngày 20 tháng 9, Toà Thánh chọn ngài làm Giám mục tiên khởi của giáo phận Cần Thơ, được tách ra từ giáo phận Nam Vang. Lễ tấn phong được cử hành tại nhà thờ chánh toà Sài Gòn ngày 30 tháng 11 năm 1955, do Đức Cha Martinô Ngô Đình Thục chủ phong, và 2 Đức Cha phụ phong, Đức Cha Jean Caissaigne và Đức Cha Phêrô Phạm Ngọc Chi. Khẩu hiệu Giám mục của ngài là “Euntes Docete – Hãy đi giảng dạy”.
    Khi thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam vào ngày 24 tháng 11 năm 1960, Đức Thánh Cha Gioan XXIII bổ nhiệm ngài làm Tổng Giám Mục chánh toà đầu tiên của Tổng giáo phận Sài Gòn. Ngài chính thức nhận giáo phận ngày lễ Phục Sinh, 2 tháng 4 năm 1961.



    Trong suốt mấy mươi năm làm Tổng Giám Mục Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, dù trải qua biết bao biến cố lịch sử quan trọng, dù gặp biết bao thử thách gian truân, với nhiều buồn phiền và đau khổ, ngài vẫn can đảm chịu đựng, hết sức bình tĩnh, khôn ngoan lèo lái con thuyền giáo phận vượt qua mọi phong ba bão táp. Ngài không ngừng mời gọi cộng đoàn dân Chúa Tổng giáo phận ra sức mến Chúa yêu người, hiên ngang sống đức tin đã lãnh nhận, yêu mến Giáo Hội và luôn luôn đồng hành với dân tộc…
    Và mười năm sống gần ngài, không chỉ để ngài sai đi gặp gỡ một số cha và trao đổi một số vấn đề mục vụ cần thiết mà vì tuổi cao sức yếu, ngài không thể đi đến tận nơi để trực tiếp trao đổi được, nhưng còn để ngài sai con thực hiện những dự án mục vụ của giáo phận mà ngài đã ấp ủ từ lâu, nhưng chưa thể thực hiện được vì nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, như Nhà hưu dưỡng linh mục ở Chí Hoà, Văn phòng Mục vụ, Nhà khách Toà Tổng Giám Mục và Nhà nghỉ Bãi Dâu…
    Mười năm phục vụ ngài, con cũng may mắn được ngài ân cần bảo ban, tận tình dạy dỗ như một người cha dạy dỗ con mình cách sống ở đời, cách đối nhân xử thế, cách ứng xử với hết mọi giới trong xã hội… Ngài dạy con rất tỉ mỉ, từ những việc nhỏ cho tới những việc lớn, đặc biệt trong những dịp tiếp khách nước ngoài, như tiếp đoàn đại biểu Giáo Hội Chính Thống Nga vào ngày 24 tháng 11 năm 1987; tiếp đoàn đại biểu Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ do Đức Tổng Giám Mục Roger Mahony dẫn đầu vào ngày 6 tháng Giêng năm 1989; đặc biệt là tiếp đón Đức Hồng Y Roger Etchegaray, đặc sứ của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến thăm Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh ngày 10 tháng 7 năm 1989 trong lần ngài đến viếng thăm Giáo Hội tại Việt Nam từ ngày 1 đến 13 tháng 7 năm 1989; và sau đó là tiếp đón Đức Hồng Y Bernard Law, Tổng Giám Mục Tổng giáo phận Boston ngày 28 tháng 8 năm 1991.
    Mười năm hầu hạ ngài, có thể nói một phần nào con đã chia vui sẻ buồn với ngài, nhưng vui thì ít mà buồn lại nhiều hơn, đặc biệt là những khi ngài gặp vô vàn đau khổ vì bệnh tật liên miên, vì bị hiểu lầm, vì nhân tình thế thái, vì có cảm tưởng bị ruồng bỏ… Con muốn kể ra đây 4 trường hợp điển hình:
    – Trường hợp thứ nhất: đau khổ vì bệnh tật liên miên
    Trong 10 năm giúp Đức Cố Tổng Phaolô, con đưa ngài vào cấp cứu tại bệnh viện Thống Nhất phải đến mười lần, cách riêng từ năm 1993 trở về sau. Có lần ngài đang dưỡng bệnh tại nhà nghỉ của dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán ở Long Hải thì bị một cơn đau tim đột ngột vào lúc chiều tối. Khi được báo tin, con vội mời bác sĩ Trương Quang Nhơn - Phó giám đốc bệnh viện Thống Nhất, cùng đi xuống bệnh viện Bà Rịa để chuyển ngài về bệnh viện Thống Nhất vì ngài đang được cấp cứu tại đó. Khi mọi việc xong xuôi và ngài tạm thời qua cơn nguy kịch, đồng hồ đã chỉ 2 giờ sáng.
    Một lần khác, vào ngày 19 tháng 4 năm 1994, con xuống Bãi Dâu – Vũng Tàu đón ngài về Toà Tổng Giám Mục để gặp gỡ người chị kết nghĩa của ngài là Mẹ Têrêxa Cancútta. Hai vị sinh cùng năm 1910, nhưng Mẹ Têrêxa lớn hơn mấy ngày tuổi nên làm chị (26-8-1910), còn Đức Cố Tổng nhỏ hơn mấy ngày tuổi nên làm em (1-9-1910). Trên đường về, ngài lại lên cơn đau tim nhưng may mắn là tình hình không nghiêm trọng lắm. Cuộc gặp gỡ giữa hai vị rất thân tình, nhưng cảm động nhất là lần cuối cùng hai vị gặp nhau tại Đại chủng viện Thánh Giuse vào chiều ngày 26 tháng 3 năm 1995, khi Đức Cố Tổng đang nghỉ bệnh tại đó, một ngày trước khi Đức Cố Tổng kỷ niệm 58 năm Linh mục (1937 * 27-3 * 1995)… Mỗi lần cấp cứu là mỗi lần ngài suýt chết. Trong lúc đau yếu như vậy, ngài nói với con: “Tôi làm phiền nhiều người quá… Mình biết là phải vâng theo thánh ý Chúa, nhưng thiệt là khó…”
    – Trường hợp thứ hai: đau khổ vì bị hiểu lầm
    Có một lần khi đi Rôma về, ngài nói với con: “Mình là người có đạo, phải sống lời Chúa dạy, phải mến Chúa và yêu thương hết thảy mọi người, chớ Chúa đâu có dạy phải yêu người này và ghét người kia đâu; phải làm sao cho người ta biết Chúa; là người có đạo, mình phải yêu mến, trung thành và bênh vực Hội Thánh, nhưng người có đạo cũng là công dân của một đất nước, mình phải yêu thương đất nước, dân tộc, tổ quốc Việt Nam của mình chớ!”
    – Trường hợp thứ ba: đau khổ vì nhân tình thế thái
    Ngài thật sự bị ‘sốc’ vì cách đối xử của một ít người mà khi còn tại vị ngài đã hết lòng nâng đỡ, và xem ra rất thân thiết với ngài, nhưng khi ngài được Toà Thánh cho nghỉ hưu đột ngột vì lý do sức khoẻ, những người hay lui tới Toà Tổng Giám Mục để gặp gỡ ngài, để nhờ vả ngài, để mừng ngài dịp này dịp nọ, thì nay hoàn toàn vắng bóng. Có lần ngài nhờ con nhắn một vị đáng kính là ngài muốn gặp một chút, nhưng vị đó bảo mình bận, không thể đến được, thậm chí khi ngài qua đời, vị đó đứng xa xa nhìn vào trong khi biết bao người khác bận rộn lo lễ tang cho Đức Cố Tổng…
    – Trường hợp thứ tư: đau khổ vì có cảm tưởng mình bị ruồng bỏ
    Xế chiều ngày 11 tháng 8 năm 1993, sau khi dự lễ tấn phong Giám Mục cho Đức Hồng Y của chúng ta tại Cần Thơ, con quay trở về thành phố và vào ngay bệnh viện Thống Nhất để thăm Đức Cố Tổng đang nằm điều trị tại đó do bị tai biến vào ngày 26 tháng 7 năm 1993. Khi bước vào phòng, con thấy ngài đang nằm trên ghế phô-tơi và đang khóc. Con đứng tần ngần hồi lâu mà không dám hỏi tại sao ngài lại khóc. Một lúc sau ngài lên tiếng hỏi con : “Vậy chớ đi Cần Thơ dự lễ có vui không ?” Lúc đó con mới dám hỏi ngài : “Hình như Đức Tổng đang buồn ?” Ngài im lặng hồi lâu rồi buồn bã nói : “Chanh hết nước rồi, phải bỏ vỏ đi…”
    Mười năm giúp Đức Cố Tổng Phaolô, thời gian tuy không dài, nhưng cũng đủ để con nhận ra nơi ngài, vị mục tử nhân hậu, người cha kính yêu của cộng đoàn dân Chúa Tổng giáo phận Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, có một số đức tính nổi bật:
    1. Ngài là một con người rất tình nghĩa
    Câu chuyện con kể sau đây như là một ví dụ điển hình: Ngày 25 tháng 7 năm 1989, giáo phận Cần Thơ mời ngài tham dự lễ mừng Thượng Thọ Bát Tuần của Đức Cha Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang, giám mục chánh toà giáo phận Cần Thơ lúc bấy giờ, và trong thánh lễ hôm đó có phong chức cho 7 tân linh mục. Đức Cố Tổng vừa trải qua một cơn đau tim và chưa hồi phục hoàn toàn, còn rất mệt. Do đó mọi người trong Toà Tổng Giám Mục đều cố gắng can ngăn ngài đừng đi nhưng không có kết quả. Lúc đó, Đức Cha phụ tá Luy bảo con lên can Đức Tổng, may ra ngài sẽ nghe. Tuy hết sức ngần ngại nhưng vì vâng lời Đức Cha phụ tá Luy, con đi lên phòng gặp ngài và xin ngài đừng đi. Kết quả là thất bại và còn bị ngài rầy cho một trận : ngài bảo : “Cha cản như vậy là không đúng, vì sống ở đời tình nghĩa là quan trọng nhứt, tôi chỉ còn mấy ông bạn già thân thiết với nhau, mà Đức Cha Giacôbê Quang là một trong số các vị đó. Cho nên tôi phải đi Cần Thơ để mừng ngài và chung lời tạ ơn Chúa với ngài. Nếu đi mà có chết tôi cũng vui lòng. Cha nhớ ở đời mình phải sống tình nghĩa như vậy mới được.” Và con tháp tùng ngài trong chuyến đi đó...
    2. Ngài là một vị mục tử luôn lo lắng cho giáo phận
    Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tất cả tài sản của giáo phận không còn nữa. Vậy lấy gì để nuôi dưỡng các cha đang nghỉ hưu tại các nhà hưu dưỡng hoặc tại tư gia, hoặc giúp đỡ các cha bệnh tật yếu đau. Toà Tổng Giám Mục hoàn toàn không còn một phương tiện tài chánh nào hết… Cho nên, ngài hết sức vất vả trong việc tìm phương tiện tài chánh để chăm sóc các cha nghỉ hưu và bệnh tật. Hiện nay, Đức Hồng Y của chúng ta đã cố gắng hoàn thiện việc này khi lập Ban tương trợ linh mục vào ngày 19 tháng 11 năm 2004 và vận động ân nhân giúp đỡ Ban này. Trong thực tế, Ban tương trợ linh mục rất hữu ích cho các linh mục nghỉ hưu và đau ốm bệnh tật.
    Khi thấy ngài tuổi cao sức yếu mà sử dụng chiếc xe Lada cũ kỹ để đi ban bí tích Thêm Sức hoặc đi thăm nơi này nơi nọ, nhiều cha đề nghị ngài mua một chiếc xe mới đầy đủ tiện nghi hơn để bảo đảm sức khoẻ cho ngài, nhưng ngài không đồng ý và trả lời rằng : tiền bạc có là để dành lo cho giáo phận chớ không phải để lo cho bản thân ngài, phương tiện đi lại không quan trọng lắm, sinh hoạt của giáo phận mới quan trọng hơn…
    Do đó, ngài quyết định thực hiện 3 công trình quan trọng để lại cho giáo phận khi đã bước vào tuổi 80:
    2.1. Trước tiên là nâng cấp Nhà hưu dưỡng cũ và xây dựng thêm dãy Nhà hưu dưỡng mới tại Chí Hoà để các cha yên tâm làm việc mục vụ.
    2.2. Tiếp đến là xây dựng Văn phòng mục vụ và Nhà khách Toà Tổng Giám Mục để các cha có nơi lui tới học hỏi, trao đổi, gặp gỡ nhau và gặp gỡ giám mục của mình.
    2.3. Sau cùng là xây dựng mới Nhà nghỉ Bãi Dâu để các cha có nơi dưỡng bệnh khi đau yếu bệnh tật cần tĩnh dưỡng, nhưng cũng để đón tiếp mọi thành phần dân Chúa đến hành hương tại Đền thánh Đức Mẹ Bãi Dâu.
    Hai công trình trước, con và cha Giuse Đinh Tất Quý đã thực hiện xong khi ngài còn sống, nhưng công trình thứ ba là Nhà nghỉ Bãi Dâu, thì mãi đến 13 năm sau khi Đức Cố Tổng qua đời, nghĩa là vào cuối tháng 11 năm 2008, anh em chúng con mới có thể khởi công được sau khi gặp không biết bao nhiêu là trở ngại, và chờ đợi mỏi mòn suốt 18 năm. Chúng con đã xây dựng xong dãy nhà B và Đức Hồng Y của chúng ta đã làm phép ngày 6 tháng Giêng năm 2010 để đưa vào sử dụng. Chúng con hy vọng cuối năm nay dãy nhà A của công trình cuối cùng này được xây dựng theo lời trăng trối của Đức Cố Tổng, sẽ hoàn thành để mừng ngài bước vào tuổi thứ 100.
    3. Ngài là một người cha luôn quan tâm và thương yêu con cái của mình
    Ngài luôn thương yêu những đứa con làm cho ngài vui sướng cũng như những đứa con làm cho ngài buồn phiền và đau khổ. Ngài không loại bỏ ai hết. Có lần ngài nói với con : “Người ta đề nghị tôi trừng phạt cha này, treo chén cha kia, nhưng tôi từ chối không làm việc đó, vì tôi chỉ muốn dùng tình thương mà cảm hoá anh em, để lôi kéo anh em về với Hội Thánh, chớ không bao giờ muốn dùng hình phạt đối với bất cứ ai.”
    Ngài cũng quan tâm đặc biệt đến đời sống của các cha, những cộng tác viên thân thiết của ngài. Khi các cha đến gặp ngài, ngài hay hỏi : “Cha có sống được không ?” “Cha có gặp khó khăn nào không ?” “Tôi có thể giúp gì cho cha ?” Trong thực tế, ngài giúp đỡ không những cho một số cha tại thành phố này mà còn cho nhiều cha ở các giáo phận khác nữa.
    4. Cuối cùng, ngài là một người chủ trương đối thoại theo tinh thần Công Đồng Vaticanô II (như ý tưởng trong số 21 của Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay [Vui Mừng và Hy Vọng], dạy phải đối thoại chân thành và khôn ngoan). Ngoài ra, ngài cũng sống chan hoà với hết thảy mọi người, đặc biệt với các chức sắc của các tôn giáo bạn, như Phật giáo, Cao đài, Tin lành …
    Con nhớ có lần ngài sai con đi đến Viện Phật học để trao thư của ngài cho Hoà thượng Thích Minh Châu, và hỏi xem liệu Hoà thượng có thể đi cùng chuyến bay với Đức Cố Tổng sang châu Âu không? Vì cả hai ngài đều được cộng đoàn San Egidio mời sang Assisi, một thành phố ở miền Trung nước Ý, tham dự cuộc gặp gỡ của các tôn giáo lớn trên thế giới để cầu nguyện cho hoà bình. Con thấy Hoà thượng rất vui sau khi đọc thư của Đức Cố Tổng gởi cho ngài. Ngài nói với con : “Cụ Tổng Bình viết thơ dễ thương quá!” Vì mối liên hệ thân tình này mà khi ngài qua đời, nhiều đoàn đại diện của các tôn giáo bạn do các vị chức sắc dẫn đầu, đã đến Toà Tổng Giám Mục để kính viếng và bày tỏ lòng quý mến của mình đối với ngài … Hiện nay, Đức Hồng Y của chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện đường hướng này khi ngài cho thành lập Ban mục vụ đối thoại liên tôn vào ngày 5 tháng 12 năm 2009.
    Trong 10 năm phục vụ Đức Cố Tổng Phaolô, con sẽ không thể làm tốt bổn phận được giao nếu không có sự nâng đỡ, hỗ trợ nhiệt tình của quý cha Antôn Phùng Quang Mạnh - cha sở Gia Định, cha Gioan Baotixita Huỳnh Công Minh – cha Tổng đại diện của chúng ta đây, cha Phanxicô Xaviê Huỳnh Hữu Đặng - nguyên thư ký Toà Tổng Giám mục, cha Giuse Đinh Tất Quý - cha sở Bùi Phát, và cha Giuse Mai Thanh Tùng - cha phó Gia Định. Con xin ghi ơn tất cả quý cha.
    Để kết thúc bài chia sẻ hôm nay, có một cảnh tượng xảy ra dịp lễ tang của Đức Cố Tổng khiến con nhớ mãi, là trong thời gian quàn xác ngài tại hội trường Toà Tổng Giám Mục cũng như tại nhà thờ Chánh Toà, mọi đoàn thể đến kính viếng, dù là linh mục hoặc tu sĩ hay giáo dân, tuy không hề hẹn trước, nhưng tất cả đều chỉ hát một bài duy nhất, đó là bài “Kinh hoà bình”, lời kinh của thánh Phanxicô Assisi, được cha Kim Long phổ nhạc. Con nghĩ mọi đoàn đến viếng đều hát bài “Kinh hoà bình” vì cộng đoàn dân Chúa tại Tổng giáo phận này hay các giáo phận bạn đều nhận thấy rằng khi còn sống ngài đã cố gắng sống tinh thần “tám mối phúc thật” mà Chúa Giêsu đã dạy và Chúa đã dùng ngài như một khí cụ bình an của Chúa để đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, và đem chân lý vào chốn lỗi lầm … Chính nhờ sống “tám mối phúc thật” mà ngài trở nên người kiến tạo hoà bình, xây dựng hợp nhất và yêu thương, trong nội bộ Giáo Hội cũng như ngoài xã hội, và cũng nhờ sống “tám mối phúc thật” mà có thể nói ngài đã trở nên 'bất tử'…



    Thứ 4 này, ngày 1-9-2010 là sinh nhật lần thứ 100 của Đức Cố TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình, nguyên TGM GP Tp HCM, xin ACE cùng hiệp ý cầu nguyện cho Ngài, người mục tử nhân lành và khôn ngoan đã dẫn dắt GP Tp HCM chúng ta trong phần lớn đời Giám mục của ngài........

    Các chủ đề tương tự trong chuyên mục này:

    *.* ...Còn chờ chi nữa chưa cùng song hành
    Dẹp mọi chuyện xung khắc rồi gánh vác nhau
    Vì đời đen tối nay đã không còn
    Vì Chúa đến nơi rồi...!!
    *.*





  2. Thành viên đã cảm ơn halleluyah vì bài viết này:

    tho ngoc (27-08-2011)

+ Trả Lời Ðề Tài

Chủ đề tương tự

  1. Văn hóa vỗ tay
    By allihavetogive in forum Ngã ba lãng đãng
    allihavetogive
    Trả lời: 6
    Bài mới gửi: 09-05-2013, 06:40 AM
  2. Văn hóa nhà Tu - Văn hóa nhà Đời
    By hoaithuong253 in forum Lối sống - Ơn gọi
    Trả lời: 0
    Bài mới gửi: 05-02-2012, 03:52 PM
  3. Văn hóa xưng hô
    By Sky in forum Nghe - Thấy - Viết
    Trả lời: 1
    Bài mới gửi: 24-06-2011, 10:54 AM
  4. Văn Hóa Ứng Xử Của Giới Trẻ
    By smiles in forum Bài Tổng Hợp
    Trả lời: 0
    Bài mới gửi: 08-01-2011, 08:29 PM
  5. Nền văn hóa tiêu thụ đang đe dọa giới trẻ
    By allihavetogive in forum Huấn từ - Sứ điệp cho người trẻ
    Trả lời: 0
    Bài mới gửi: 31-07-2010, 09:37 PM

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình