Nhà khoa học, con khỉ và nải chuối.
Có một nhà khoa học nọ, anh ta lấy làm buồn phiền vì không biết mình phải làm cách nào để có những công trình khoa học hữu ích, vang danh bốn bể. Nghe biết, nên một người bạn bèn đến thăm và mang theo món quà cho nhà khoa học. Món quà đó không cao sang gì, chỉ là một con khỉ và nải chuối chín cây bị thối đi vài quả.
Nhà khoa học lấy làm ngạc nhiên vì món quà kỳ quặc, một nải chuối đem tặng mà còn có quả thối thì thật chẳng ra thể thống gì, nhưng nhà khoa học vẫn vui vẻ đón nhận, và tiếp chuyện cùng người bạn. Tâm giao đã lâu nên nhà khoa học sẵn lòng giãi tỏ nhưng ưu tư của mình, người bạn mới nói : món quà này sẽ chỉ cách cho anh đạt được điều mong muốn. Anh ta bẻ một quả chuối mời nhà khoa học và đưa phần chuối còn lại cho con khỉ trong đó có cả những quả đã thối.
Cả hai hàn thuyên một lúc lâu, khi ấy con khỉ ăn đã hết phần chuối ngon nhưng bỏ lại những quả thối, người bạn mới hỏi rằng : anh quan sát nãy giờ, anh thấy được gì liên quan giữa công tác nghiên cứu của anh với con khỉ và nải chuối hay không ? Nhà khoa học chẳng biết nói sao nhưng cũng vui vẻ đáp lời : có lẽ tui ăn chuối, con khỉ cũng ăn chuối, vậy chắc là gặp nhau ở nải chuối; nghe vậy cả hai cùng nhìn nhau mà cười bò lăn.
Sau khi cả hai cười sảng khoái, người bạn mới từ tốn nói : kết luận của anh là vui thôi, anh thấy đó một con khỉ ăn chuối cũng biết chọn những quả ngon lành mà ăn, những quả thối nó sẽ loại bỏ. Vậy thì khi anh nghiên cứu khoa học cũng vậy, những cái gì là tốt cho nhân loại thì anh hãy đào sâu, còn những thứ có hại anh nên dừng lại. Nhân loại cần anh mang đến sự thật, đó là thứ khoa học chân chính, bằng ngược lại nếu chỉ vì danh lợi cá nhân, anh mang sự dối trá thì hẳn anh thua cả cách mà một con khỉ ăn chuối. Một con khỉ còn biết chọn quả chuối ngon lành mà ăn, thì chẳng lẽ người ta lại chọn thứ có hại như quả chuối bị thối mà dùng sao ? Chỉ như thế thôi, người đời sẽ mang ơn anh và ghi nhớ muôn đời, vì sự thật sẽ chẳng phai mờ còn dối trá sẽ gãy đổ.
Phía trên là câu chuyện "được chế ra" nhằm minh họa cho cách mà tôi nhìn mọi việc trong cuộc sống này. Cái tốt thì được giữ và chắt lọc lấy những gì tinh túy nhất, như cách một con khỉ chọn được quả chuối ngon, nó lột bỏ vỏ đi và ăn lấy cái ngon lành nhất, bổ dưỡng nhất. Nói đến đây thì tôi nhớ đến Darwin, là nhà khoa học đã hệ thống hóa lại thuyết tiến hóa, mà trước đó hơn 2000 năm nhiều nhà tư tưởng đã đế cập đến bằng nhiều cách trong các tác phẩm của mình. Một trong những nhà tư tưởng nổi tiếng đó, có Thánh Augustine Tiến Sĩ Hội Thánh cũng viết về sự tiến hóa này. Sau này một số nhà khoa học theo học phái Darwin dựa vào những nghiên cứu về thuyết tiến hóa của Darwin và đưa ra một kết luận : tổ tiên loài người là con khỉ. (Ái chà, rõ là có người, có khỉ thì không thể thiếu nải chuối trong vụ này được !)
Cũng vậy, tôi nhìn những nghiên cứu về thuyết tiến hóa như một nải chuối, trong đó cái kết luận "tổ tiên loài người là con khỉ" hẳn phải là quả chuối bị thối trong nải chuối này rồi ! Linh mục Gregor Mendel trong những nghiên cứu khoa học về di truyền cho biết những gì tổ tiên có thì sẽ di truyền lại cho con cháu đời sau. Sau này nữa các nhà khoa học khác cho biết rõ hơn : ở con người thì số bộ nhiễm sắc thể có 23 bộ, con số này tùy theo giống loài và không thay đổi khi di truyền. Quả chuối "tổ tiên loài người là con khỉ" thối thật rồi, vì nó không phải là sự thật, tôi phải gạt nó sang một bên thôi. Nhưng những phần khác trong nghiên cứu về thuyết tiến hóa thật đáng quan tâm, vì sự tiến hóa là có thật, bằng chứng là các di vật khảo cổ, nó cho thấy có sự tiến hóa nơi con người. Các di vật này khi dùng phương pháp C14 là một phương pháp xác định niên đại tuyệt đối cho thấy tuổi đời của di vật từ rất lâu đời. Khi so sánh người ta lại thấy sự thay đổi và tiến hóa hơn của con người nhằm thích nghi với môi trường sống. Nhưng cũng không phải là lạ khi cái kết luận đó xuất hiện, bởi vì khi cái kết luân đó ra đời thì các "Định Luật Di Truyền" của linh mục Gregor Mendel chưa được nghiên cứu và phát biểu. Sau này thêm những nghiên cứu của Morgan trên ruồi giấm nữa thì cơ sở di truyền học thêm phần chắc chắn hơn. Từ đó cho đến nay, người ta hiểu rõ được kết luận "tổ tiên loài người là con khỉ" là một "quả chuối thối". Do vậy mà nếu như ngày hôm nay ở cái thế kỷ 21 này, ai mà còn tin cái kết luận là đúng thì thật họ phải là người của 200 năm trước mất thôi, hoặc họ quá vô tri trước ánh sáng khoa học.
Thế mới là hay khi Thánh Augustine cách Darwin và những học phái sau đó những 15 thế kỷ nhưng những lời ngài viết về thuyết tiến hóa lại chẳng nhầm lẫn như cái kết luận : tổ tiên loài người là con khỉ. Thánh nhân viết : "Việc sinh ra các sinh vật lúc đầu chỉ hoàn thành trong nguyên uỷ và nguyên nhân, vì Thiên Chúa không sáng tạo cả vạn vật ngay trong một lúc. Từ hư không, Ngài sáng tạo ra đất và nước, rồi cho hai thứ ấy có khả năng đến ngày giờ thời kỳ đã định sinh vật có thể truyền bá sức sinh sống và chuyển động trên trời, dứơi biển và khắp nơi trong địa cầu". Thánh nhân chủ trương thứ gì sinh ra cũng có giống loài của nó, nên người nói rất rõ : "Những nguyên tố trong thế giới hữu thể này có động lức rõ ràng và một tính cách riêng biệt nhất định, việc gì có khả năng hay không, có thể hay không thể thành ra thế nào. Thứ gì sinh ra cũng tuỳ trong giống đã định sẵn lúc nào sinh ra, lớn lên, hạ xuống, hay là tiêu tan thế nào. Vì thế nên lúa không sinh ra đậu, và đậu không sinh ra lúa, cũng như thú không sinh ra người, hay là người không sinh ra thú". Thật là trong một thời điểm mà khoa học chưa phát triển nhưng cái nhìn của Thánh nhân lại chẳng lầm lẫn, âu cũng là nhờ ơn Chúa ở cùng ngài.
Khi nói về khoa học thì tôi lại muốn nói thêm về niềm tin. Khi người ta tin, đặc biệt là ở nơi đức tin, thì sẽ có người tin đúng và tin sai. Tin đúng chính là tin những gì ở nơi sự thật, còn tin sai chính là những lầm tưởng mà gọi một các dễ hiểu chính là mê tín và dị đoan. Đối với người tín hữu Công Giáo thì việc rước lễ là hình ảnh dễ thấy nhất, ngay nơi việc này bạn sẽ thấy trong quá khứ đã từng có những "quả chuối thối". Suốt thời Trung Cổ, những cái được gọi là phép ma thuật, thuật luyện kim rất phổ biến, thêm nữa người ta còn tin rằng chôn Mình Thánh Chúa trong đất sẽ khiến mảnh đất nên phì nhiêu sinh hoa màu gấp bội. Vì những điều đó mà người ta lén lút giấu đi Mình Thánh Chúa trong Thánh Lễ mà không rước lấy. Do vậy , Hội Thánh buộc tín hữu rước lễ trên miệng nhằm ngăn chặn những điều phạm thánh này. Đấy những cái tin sai thì phải được loại bỏ đi như cách loại bỏ một quả chuối bị thối.
Đức tin và khoa học là hai phạm trù khác nhau nhưng chẳng xa nhau. Chúng là hai đường thẳng song song, mà khoảng cách giữa chúng lại gần nhau đến nỗi cùng một cách mà tôi ví von đó : "như cách một con khỉ ăn chuối", lại có thể dùng để nhặt ra và giữ lấy những gì là tốt , là chân thật.
Tặng anh Mai Tín trong những ngày nằm bệnh,
tặng bạn Honesty cho một ngày xóc xóc cái nón đời vui !
Dom.NTP, 30-11-2012Các chủ đề tương tự trong chuyên mục này:
Honesty
22:08, 1st Dec 2012 #1301Cám ơn Jade rất nhiều nhé ! Mình mong bạn tiếp tục xóc xóc cái nón đời để cho chúng mình nhiều bài viết thú vị nha.
Honesty
22:10, 1st Dec 2012 #1302Mong các bạn dành chút thời gian để đọc những bài hay và những trao đổi thú vị như của Jade và Mai Tín vừa rồi để có thêm nhiều cảm nghiệm cuộc sống. Cám ơn Jade và Mai Tin nhiều.