+ Trả Lời Ðề Tài
Hiện kết quả từ 1 tới 4 của 4

Chủ đề: Bài viết của Linh Mục NGUYỄN TẦM THƯỜNG

  1. #1
    Trạng thái :   ngonluatraitim đã thoát
    Tham gia : Aug 2010
    Bài gửi : 42
    Cảm ơn
    17
    Được cảm ơn 124 lần
    trong 40 bài viết

    Bài viết của Linh Mục NGUYỄN TẦM THƯỜNG

    NGÀY LỄ BẠC

    Tôi chết được 25 năm rồi. Hôm nay tôi trở lại tảo mộ lần thứ hai. Tôi gọi là Ngày Lễ Bạc.

    Sau khi chết được ba năm. Tôi tảo mộ lần thứ nhất. Lần đó tôi kể trong tập sách Cô Ðơn và Sự Tự Do, đoản khúc số 59. Ngày đó mộ tôi không có hoa. Không có ai đến mộ tôi cả. Tôi đứng đó hồi hộp suốt buổi chiều. Mây xuống thấp, xám một hoàng hôn. Rồi trời tắt nắng phía sau hàng cây. Tôi còn nhớ rõ hôm ấy trời không gió. Nghĩa trang im lìm. Sau ba năm tôi chết, vẫn còn ít người nhớ và cầu nguyện cho tôi. Nhưng không ai ra nhìn mộ tôi.


    Tôi biết nếu trở lại vào năm sau thì cũng thế. Thản nhiên như một cánh chuồn chuồn đậu hờ hững trên một bờ giậu thưa nào đó. Không có gì hồi hộp nữa nên tôi không trở lại. Ðợi 25 năm sau. Một kỷ niệm đặc biệt hơn. Ngày Lễ Bạc.


    Tôi đang đứng trong nghĩa trang, chỗ tôi đứng lần thứ nhất cách đây hơn 20 năm về trước.

    Tên tôi vẫn còn. Tên được khắc vào mộ đá. Nhưng rêu lắm rồi, dơ bẩn nữa. Mộ đá không còn sạch như ba năm sau khi tôi chết. Bây giờ sần sùi, mốc rêu xanh. Ngày xưa không có cây cổ thụ ở chỗ này. Họ trồng bao giờ thế? Cả cái nghĩa trang này bây giờ cũng khác. Ngôi mộ cạnh tôi không còn. Họ bốc đem đi hồi nào mà bây giờ có một cái tên lạ hoắc.


    Trên cành cây già, một loại côn trùng nào đó rỉ rả tiếng kêu cuối mùa. Hôm nay cũng không có gió như lần trước. Những chiếc lá lặng lẽ. Nghĩa trang cũng yên tĩnh như ngày xưa.


    Tôi đến gần mộ, nhìn xác tôi dưới đất sâu. Chiếc quan tài gỗ mục từ bao giờ? Ðất sập kín lẫn với xương. Ðất dưới đó ẩm ướt. Có bùn sền sệt. Nước quanh năm. Tôi không còn hình hài gì cả. Có những con trùng trườn qua trườn lại trên khúc xương. Người ta bảo trắng như xương. Thật không phải thế, xương lấm dơ đen, rỗ những vết bọ ăn, bùn cắn chặt vào những kẽ nứt. Bọ ăn làm các xương không còn nhẵn nhụi. Chiếc sọ đầu còn nguyên vẹn hơn cả. Hai cuồng mắt rất to. Tôi nhìn xuống, chiếc sọ cũng giống như trăm nghìn chiếc sọ khác. Tôi không thể phân biệt được. Ngày còn sống, tôi băn khoăn về làn da. Nhìn kìa! Chỉ tuần lễ sau khi chết. Nó rữa ra. Ngày còn sống, tôi chải chuốt mái tóc. Tôi tìm cách nhuộm cho người ta thấy mình trẻ. Tôi băn khoăn về cái nhìn. Tôi muốn chinh phục. Bây giờ cái sọ trọc, rỗng, nhúc nhích loại giun nào trong đó? Tôi đứng nhìn tôi, tôi nhìn sang tất cả những xác chung quanh và tôi sợ. Tôi thấy xa lạ với chính mình. Hình hài thân xác tôi đấy ư? Tôi đang mừng 25 năm, Lễ Bạc sao? Còn đâu những lúc băn khoăn mùi nước hoa nào, Chanel số 5 hay 8?


    Tôi biết chắc là không có ai đến mộ tôi 25 năm sau. Tôi biết là không có hoa ở mộ. Tôi không hồi hộp gì cả, tôi không chờ đợi gì cả khi trở về đây. Kỷ niệm 25 năm ngày tôi chết là của riêng tôi. Hôm nay tôi có thì giờ nhìn ngắm tôi và những gì xảy ra nơi đây.


    Ở một góc kia, người ta đang khóc. Một đám tang đang chôn. Có linh mục mặc áo lễ. Lại cũng có ca đoàn hát. Sao mà giống tôi 25 năm về trước thế. Hoa chung quanh mộ, rồi mấy hôm nữa hoa sẽ rữa, người được thuê làm vệ sinh lại hốt đổ vào thùng rác.


    Có những mộ bia không còn hình dạng. Họ ra đi trước tôi lâu rồi. Có người mới chôn vài năm nay, có người mười năm, có người hai mươi năm, có người cả trăm năm. Ghê nhất là những người mới chôn. Ngôi mộ này của một người đàn bà. Chết đã tháng nay. Áo quần còn mới, nhưng xác rữa rồi, lúc nhúc dòi bọ. Chiếc quan tài còn cứng, xác trong đó phồng căng, sình rữa. Tóc bết lại. Áo nhung và thịt kết dính chặt lại. Những con dòi trắng cắn loang lổ nhiều vùng vải lỗ chỗ. Ðấy cũng là hình hài tôi 25 năm về trước.


    Ngày còn sống tất cả những người đang nằm đây xum xuê từng ngọn tóc, mà bây giờ thế ư?

    Tôi đi tìm xem ai là người trí thức. Không thấy ai cả. Chết được vài ngày, tất cả sọ người đều nồng nặc hôi thối.


    Tôi đi tìm xem ai là người nổi tiếng. Tất cả chỉ là những mảnh xương dính bùn đen đủi và toàn dòi bọ ở trong.


    Tôi đi tìm xem ai là người giầu có. Không thấy ai cả. Tất cả đều trần trụi không còn manh áo che thân. Tôi không thấy kim cương, vàng bạc. Tôi tưởng người thân chôn theo, nhưng không, người ta giữ lại hết. Người ta chỉ chôn xác thôi.


    Tôi đi tìm xem ai là người lúc sống họ lên tiếng phải xây dựng Giáo Hội thế này, phải cải tổ Giáo Hội thế kia. Không thấy ai cả. Lúc đương thời, họ sống chết, ăn thua đủ với nhau chỉ vì “bảo vệ đức tin.” Trong cái nghĩa trang này thân xác nào cũng hôi tanh.


    Tôi lại nhìn tôi dưới ngôi mộ sâu.

    Cái sọ kia ngày xưa đã bao nhiêu suy nghĩ. Những giấc mơ ấy bay về đâu? Còn dưới đó không? Trái tim ôm ấp bao nhiêu tình cảm. Cái mùi tanh hôi nồng lên khi nó rữa ra.


    Tôi lại nhìn tôi dưới ngôi mộ sâu.

    Tôi nghe chung quanh tôi, trăm nghìn tiếng động xèo xèo. Nhiều xác mới chôn đang rữa. Tiếng những con bọ ăn vào xương. Những xác chết đang xảy ra giống tôi 25 năm về trước.


    Ở phía kia, đám tang đã xong. Nhiều người đứng xa mộ để có thể ra về sớm hơn. Họ còn nhiều việc phải làm. Họ rất bận rộn. Họ không muốn ở đây lâu. Chiều xuống tối rất mau. Người ta phải về. Xác mới chôn nằm đó. Vài ngày nữa sẽ có ai đó tiếc thương đem hoa ra mộ. Rồi ba năm sau không còn ai. Rồi 25 năm sau nếu trở về đây cũng sẽ giống tôi bây giờ. Lần lượt ra đi theo con đường đó. Giống nhau.


    ***

    Bỏ nghĩa trang, tôi đi tìm lại con đường tôi đi năm xưa. Phần lớn còn đó nhưng chỗ này mới hơn thì chỗ kia cũ kỹ đi. Nhiều tòa nhà bỏ trống hoang phế. Tôi không còn gặp mấy người quen. Một vài người tôi tìm mãi mới thấy. Vì họ thay đổi quá nhiều rồi. Họ chậm chạm, đau yếu. Họ lẩn thẩn. Cái thế giới 25 năm về trước không còn. Ðất trời còn đó. Mặt trăng vẫn thế. Cả gió biển và mầu xanh của sóng nữa. Nhưng con người và thế giới lúc họ trẻ hết rồi. Ðời họ bây giờ ai cũng lầm lũi. Tôi đứng nhìn họ mà không muốn hỏi chuyện vì bắt họ nhớ lại những tháng ngày quá xa. Bây giờ họ chỉ muốn thầm lặng sống qua ngày thôi. Vài người sót lại trong viện dưỡng lão, lặng lẽ. Người tôi quen ngày xưa, chết hầu hết rồi.


    Những tờ thư cũ, tấm hình năm xưa sau khi tôi chết, có vài người giữ nó ít năm. Ðến lúc họ chết thì kẻ sau dọn phòng không biết tôi là ai. Tất cả vào thùng rác sau khi người đó chết ít ngày. Bây giờ tôi không còn dấu vết là bao.


    Tôi đi tìm những chữ nghĩa ngày xưa tôi học. Vất vả toan tính. Ngày ấy nuôi bao nhiêu mộng mị ở miếng bằng ra trường. Bám vào tên tuổi muốn xã hội tặng ban. Cần treo tấm bằng ở nơi làm việc. Chụp chung tấm hình với nhân vật tiếng tăm. Bây giờ chả còn gì.


    Ðã 25 năm rồi, tất cả đồ dùng của tôi đã biến mất. Chiếc xe ngày xưa tôi đau buồn vì trầy vết sơn. Ngày ấy không dám cho người khác mượn, tôi lau chùi thật bóng. Bây giờ là bụi rác ở đâu? Tôi đứng đây nhìn lại cuộc đời. Tất cả qua đi như con gió thoảng mà sao ngày ấy lòng tôi bồn chồn, lo lắng, tiếc nuối những thứ này thế.


    Tôi đi tìm những công trình tôi để lại. Người để công trình này, người để công trình kia. Tôi để lại những bài diễn văn. Ai còn nhớ? Họ quên ngay khi tôi rời cái mai-cô-phôn cơ mà. Ngay khi ra khỏi phòng họp, ngay mấy phút sau. Vậy mà hôm nay tôi đi tìm nó như một công trình để lại sao? Giật mình. Tôi thấy mình quá ngớ ngẩn. Vậy tôi đi tìm gì hôm nay? Còn gì không? Ngay cả những người tôi quen biết cũng không còn, thì tôi còn gì? Ai mà giữ những kỷ niệm của tôi khi họ không biết tôi là ai?


    Tôi không ngờ ngày lễ bạc này buồn tẻ hơn ngày tảo mộ lần thứ nhất. Ngày ấy sau có ba năm tôi chết. Ðứng một mình ngoài nghĩa trang, không có ai ra mộ tôi như hôm người ta chôn tôi. Nhưng ngày ấy trở về tôi còn nhìn thấy nhiều bóng hình tôi quen. Tôi còn gặp vài tờ thư tôi viết cho họ. Có kẻ còn giữ tấm hình tôi. Lần này hoang vu quá. Trống trải. Ngày 25 năm Lễ Bạc mà vắng thật vắng.

    Bây giờ tôi hiểu, Ngày Lễ Bạc là của chính mình. Một mình mình thôi.


    Nhiều điều chết rồi mới thấy rõ. Lúc sống sao tôi không nhìn thấy. Chẳng hạn như tôi băn khoăn làm sao để lại công danh cho đời. Ðời chả cần gì tôi. Cần hay không, tiếng kêu của một cánh ve trong chiều hè trống trải mênh mông? Chẳng hạn như tôi lo lắng ngày mai ra sao, tôi phải tích góp bao nhiêu cho đủ? Bây giờ thấy quá rõ rồi, ngày mai, tức là bây giờ tôi đang đứng đây. Trong nghĩa trang người ta không không còn nhan sắc, người ta không cần chỗ ở.


    Nếu bây giờ sống lại kiếp người, tôi sẽ rong chơi, tôi sẽ ca hát với suối xanh, tôi sẽ với mây trời cho trái tim tôi bao dung. Nhưng trễ quá rồi.


    ***

    Tất cả những gì nhìn thấy đều không mang theo được khi tôi chết. Son phấn. Sự nghiệp. Cũng không phải tất cả những gì thuộc tinh thần là mang theo được đâu. Những điều thuộc tinh thần như tình yêu, lòng thù ghét, niềm kiêu hãnh, sự ghen tị, giận dữ, bao dung cũng tùy đó. Chỉ những gì tinh thần mà thuộc về Ðức Kitô mới tồn tại.


    Như vậy cuộc đời người ta phải bỏ lại tới 98 phần trăm. Chỉ có hai phần trăm mang theo là tình yêu Chúa và bao dung với người đời.


    Lúc sống, tôi quá vất vả cho 98 phần trăm cái không mang theo được. Hôm nay nhìn lại trong ngày kỷ niệm 25 năm tôi chết. Trở về tìm lại những bến bờ đã đi qua. Chả còn gì. Nếu tôi được sống lại, tôi sẽ sống như thế nào?


    Hỏi mình vậy thôi, chứ tôi biết, quá trễ rồi.

    Ðường tôi đi, bây giờ lại vẫn chỉ một mình, mình đi. Tôi lại nhủ lòng: Ðường đi một mình.

    Các chủ đề tương tự trong chuyên mục này:

    Thay đổi nội dung bởi: ngonluatraitim, 29-11-2010 lúc 04:56 PM

  2. 2 thành viên đã cảm ơn ngonluatraitim vì bài viết này:

    hoamuoi (06-08-2012),theresalis (24-04-2014)

  3. #2
    Trạng thái :   ngonluatraitim đã thoát
    Tham gia : Aug 2010
    Bài gửi : 42
    Cảm ơn
    17
    Được cảm ơn 124 lần
    trong 40 bài viết
    NGÀY LỄ VÀNG

    Lễ kỷ niệm của hôn nhân hay đời tu mà được 50 năm, người ta gọi là kim khánh. Vì đời người ngắn ngủi nên không mấy người có cơ hội mừng lễ vàng. Tôi cũng vậy, tôi không có cơ hội mừng lễ vàng khi tôi sống. Tôi trở về kỷ niệm 50 năm ngày tôi chết. Lần này tôi tảo mộ lần thứ ba. Tôi gọi là ngày kim khánh của tôi.

    Người ta đưa tôi ra nghĩa trang 50 năm rồi. Thấm thoát thế mà tôi đã chết nửa thế kỷ. Hai lần trước tôi tìm thấy mộ người ta chôn tôi. Lần này trở về nghĩa trang tôi không còn mộ nữa. Tôi thơ thẩn cả chiều nay. Tôi hoàn toàn mất dấu vết trên cõi đời rồi sao?

    Nghĩa trang ngày xưa người ta chôn tôi không còn nữa. Tất cả người thân rỡ mộ đi chôn nơi khác. Tôi là người không có thân nhân. Cuộc đời đâu có gì trường cửu. Người ta có thể thay đổi bất cứ gì người ta muốn. Mỗi chính thể một vận mệnh. Mỗi chính sách một sáng kiến riêng. Không ai nhận mộ thì người ta rỡ đưa vào một nơi. Nhưng người ta làm cho có lệ. Họ để lẫn lộn, tôi không còn tìm ra tôi nữa. Bây giờ tôi không biết mình còn xương cốt không. Tất cả sọ người đều giống nhau. Thế là tôi mất tên tuổi một kiếp làm người.

    Tôi không còn nghĩa trang để về. Tôi không còn ngôi mộ để nhìn mình. Tôi đi về đâu?

    Tất cả những người tôi quen không còn ai sống sót. Chiếc xe lăn của người tôi quen biết sau cùng đã thành sắt rỉ bao năm rồi. Những người sống với tôi thời ấy đều chết cả. Mới ngày nào ăn cơm với nhau, cùng đi chơi biển với nhau, cùng dạo phố. Thế mà bây giờ im quá. Tôi đi qua phố. Tôi bước qua nhà. Từng con đường. Không gặp một ai. Căn nhà xưa tôi ở, bây giờ ai đó làm chủ, lạ lắm. Nhiều căn nhà không còn nữa.

    Tất cả kỷ niệm liên quan tới tôi không còn gì. Những tấm hình tôi chụp trên những thành phố tôi đi qua, nay ở đâu? Không còn một chút gì. Tất cả những người tôi gặp hôm nay như người từ hành tinh khác đến chiếm trái đất của tôi ngày xưa. Tôi không biết một ai. Hoàn toàn không biết một ai. Người ta không thể tưởng tượng nổi nếu tôi hỏi họ xem có ai biết kỷ niệm của tôi ở đâu.

    Ði tìm ngôi mộ mình mà không thấy. Ðứng phân vân, rồi tôi nghĩ mình là linh mục, tôi có thể trở về nhà thờ.

    Nhà thờ cũng không có ai biết tôi. Ðây có phải là nhà thờ ngày xưa tôi sống không?

    - Thưa ngài, không phải, chúng tôi mới dựng lại nhà thờ này. Cái cũ đập rồi.

    Tôi bàng hoàng không tin như thế. Mới có nửa thế kỷ mà thay đổi như thế sao? Có thể tôi lầm. Tôi đi tìm chỗ khác.

    Công trình trường cửu nhất là nhà thờ mà cũng không còn sao? Tôi đi tìm sổ rửa tội. Ðấy là nơi chữ ký tôi sẽ nằm vĩnh viễn trong Giáo Hội. Cũng không còn. Một cơn hỏa hoạn đã cháy hết. Những gì là trường cửu như thế mà cũng không lưu được dấu vết một lần tôi làm người trên cõi đời này sao? Cuộc tảo mộ lần thứ ba này vắng vẻ hơn hai lần trước nhiều. Ngày lễ vàng, kỷ niệm 50 năm tôi chết. Không còn dấu vết.

    Tôi đứng bơ vơ nhìn dòng đời trôi. Chả ai biết mình. Mình chả biết ai. Nhớ lại mới ngày nào đây mà giờ sao khác biệt lạnh lùng thế. Ngày ấy tôi làm chủ biết bao nhiêu thứ. Mấy dẫy nhà cho thuê. Tiền bạc. Xe cộ. Tôi lao đao trong đời cho bao nhiêu chuyện. Bây giờ là hư vô. Kể cả hai tiệm nail. Hai bàn tay tôi trần trụi đứng nhìn dòng đời. Ðời không thuộc về tôi nữa.

    Nhớ lại những ngày đó, bấy giờ mọi sự sao như trường tồn vĩnh cửu. Chúng có sức thu hút mê hoặc. Tôi bị ràng buộc khổ sở vào bao nhiêu điều. Tôi không có thời gian nhìn hoàng hôn buông nắng. Bận rộn không thấy nắng đưa mây xuống chân đồi. Tôi không nghe bài ca con họa mi hót lúc gió xuân. Tôi không thấy những chùm hoa dại đong đưa giữa trời đất vui niềm vui tự do.

    Ngày đó mất lòng nhau cũng chỉ vì những thứ ràng buộc ấy. Tôi mất bao hạnh phúc của cánh bướm thong thả buông chơi bên sườn đồi.

    Ngày đó sao tôi sống khổ sở vì những cạnh tranh. Tôi mất bao thanh thản của tâm hồn. Tôi mất bao êm ả như cánh én êm đềm báo tin mai vàng đang nở.

    Ngày đó sao sống đau đớn vì những bực mình. Tôi mất bao tối nhìn trăng buông ánh sáng xuống thung lũng.

    Ngày đó sao sống lo âu vì không tin tưởng được nhau. Tôi mất bao bến bờ đẹp của biển lúc sương khuya, rất mênh mông.

    Ngày đó tôi lo tương lai sống ra sao. Tôi mất bao nhiêu cõi trời thênh thang. Tôi không nghe có tiếng sáo vi vu bên đời. Trái tim tôi chật hẹp vì quá nhiều tiếng thở dài.

    Tôi đứng đây nhìn lại cuộc sống của mình nửa thế kỷ về trước. Tôi hỏi lòng tôi: Những bon chen kia đâu rồi? Những điều làm tôi giận dữ kia đâu rồi? Những thứ tôi yêu mến kia đâu rồi? Những thành công của tôi đâu rồi? Những lo âu của tôi đâu rồi? Chả còn gì.

    Mọi sự đã hết. Bây giờ tôi đi về đâu?

    Tôi không còn nghĩa trang về thăm mộ.

    Tôi không còn người quen về nhìn xem họ còn giữ kỷ niệm nào của tôi không.

    Vậy bây giờ tôi đi về đâu?

    Tôi chỉ còn một cõi đi về vĩnh cửu phía bên kia. Tôi sẽ không bao giờ trở lại đây một lần nữa. Hôm nay là lần cuối cùng.

    Phía bên kia là chốn nào?

    Ngày còn sống, tôi đã vẽ đường về chốn bên kia cho tôi. Hôm nay tôi cần tấm bản đồ đó. Ngày ấy tôi vẽ rõ đường thì hôm nay tôi thong thả, an tâm đi về. Ngày ấy tôi vẽ cong co thì hôm nay tôi bối rối hoang hoang.

    Tôi đi về đâu phía bên kia?
    Hôm nay không có ai đi với tôi.
    Ðường tôi đi một mình.

    Lần tảo mộ thứ hai. Ngày silver jubilee, tôi nhìn lại đời mình, nếu lấy con số 100 cho chẵn, tôi thấy 98 phần trăm những gì tôi nhìn, tôi chiếm hữu đều không đem đi được. Chỉ có hai phần trăm là:

    Tình yêu Chúa và trái tim bao dung với anh em.

    Chỉ có hai phần trăm ấy đem theo được thôi. Nhà thờ cũng bỏ lại. Bản đồ ngày xưa tôi vẽ có rõ không hay chằng chịt không biết lối nào đi.

    Bây giờ là định mệnh.

    Không còn chốn nào trần gian mà về.

    - Giả sử tôi được làm người trở lại, tôi sẽ sống thế nào?

    Tôi lại giả sử vậy thôi, trễ quá rồi. Tôi không thể vẽ lại bản đồ một lần nữa.

    “Người ta chỉ gặt hái những gì họ đã gieo vãi. Nếu họ gieo vãi nơi thửa ruộng xác thịt, họ sẽ gặt hái được mùa màng băng hoại; nhưng nếu hạt giống gieo xuống của họ là thần trí thì họ sẽ gặt được sự sống trường sinh” (Gal.6:8).

    Bây giờ, tôi đi lối riêng của tôi, lối về mùa màng đã gieo vãi lúc còn sống. Mộ tôi không còn. Chết rồi tôi mới tha thiết nuối tiếc thời gian. Chẳng còn lý do gì để được phép nấn ná về thăm lại chốn xưa. Hạnh phúc hay thở dài. Bất cứ đi về đâu thì bây giờ tôi cũng phải nói lời vĩnh biệt.
    Vĩnh biệt nhé. Thôi, tôi xin đi.

    LM. Nguyễn Tầm Thường, S.J.

    Thay đổi nội dung bởi: ngonluatraitim, 29-11-2010 lúc 04:57 PM

  4. 2 thành viên đã cảm ơn ngonluatraitim vì bài viết này:

    hoamuoi (06-08-2012),theresalis (24-04-2014)

  5. #3
    Trạng thái :   ngonluatraitim đã thoát
    Tham gia : Aug 2010
    Bài gửi : 42
    Cảm ơn
    17
    Được cảm ơn 124 lần
    trong 40 bài viết
    CHẾT

    Khi tôi được sinh ra là khởi điểm tôi bắt đầu đi về cõi chết. Làm gì có sự chết nếu không có sự sống. Làm gì có ngày người ta chôn tôi nếu không có ngày tôi chào đời. Như thế, cuộc sống của tôi là chuẩn bị cho ngày tôi chết.

    Ngay từ trong bào thai của mẹ, bắt đầu có sự sống là tôi đã cưu mang sự chết rồi. Kết hợp và biệt ly ở lẫn với nhau. Trong lớn lên đã có mầm tan rã. Khi vũ trụ chào đón tôi, thì cùng một lúc, tôi bắt đầu từ giã vũ trụ từng ngày, từng giờ.

    Mỗi ngày là một bước tôi đi dần về sự chết. Bình minh mọc lên, nhắc nhở cho tôi một bước cận kề. Hoàng hôn buông xuống, thầm nói cho tôi sự vĩnh biệt đang đến.

    Không muốn nghĩ về sự chết tôi cũng chẳng tránh đuợc sự chết.

    Tôi có thể không muốn nghĩ về sự chết nhưng tôi có ghét sự chết được không? Tôi ghét sự chết là tôi ghét chính tôi. Chết ở trong tôi. Tôi đang đi về cõi chết nên ngay bây giờ sự chết đã thuộc về tôi rồi. Sự sống của tôi hàm chứa sự chết, nên tôi yêu sự sống thì tôi cũng phải yêu sự chết. Vì vậy, cuộc đời có ý nghĩa vẫn chỉ là cuộc đời chuẩn bị cho ngày chết.

    Trong dòng đời, tôi không sống một mình. Cuộc sống của tôi là tấm thảm mà mỗi liên hệ yêu thương là một sợi tơ, mỗi gắn bó quen biết là một sợi chỉ, anh em, cha mẹ, người yêu. Sự chết xé rách tung tất cả để tôi ra đi một mình. Chẳng ai đi với tôi. Vì thế, chết mang mầu ly biệt.

    Sống là hướng về tương lai. Tương lai là cái tôi không nắm chắc trong tay, vì vậy, tôi hay nhìn về tương lai bằng nỗi sợ bấp bênh. Càng bấp bênh thì tôi càng tìm kiếm vững chãi, càng tích lũy. Nhưng tích lũy xong, xây đắp xong, vất vả ngược xuôi để rồi ra đi trắng đôi tay thì đời tôi thành đáng thương hại. Nếu tôi không đem theo được những gì tôi tích lũy, thì những gì tôi ôm ấp hôm nay chỉ làm tôi thêm đau đớn, nuối tiếc. Nếu không muốn vậy thì chúng phải là phương tiện để chuẩn bị cho giờ ra đi của tôi.

    Tích lũy cho tương lai có thể là dấu hiệu khôn ngoan đề phòng những bất trắc có thể xẩy ra. Mà cũng có thể là một thứ nô lệ. Nếu suốt đời tôi lo âu tìm kiếm danh vọng, quá tham lam tiền bạc, lúc nào cũng bị vây khốn, băn khoăn thì đâu là niềm vui, tận hưởng.

    Mà tận hưởng là gì? Ðâu là ý nghĩa của sự tìm kiếm? Tích lũy?

    Kinh Thánh kể:

    Có người trong đám dân chúng nói với Ðức Kitô: "Thưa Thầy, Thầy bảo anh tôi chia gia tài với tôi".

    Ngài đã nói cùng họ: "Hãy coi chừng! hãy lo giữ mình tránh mọi thứ gian tham, vì không phải ai được sung túc, là đời sống người ấy chắc chắn nhờ của cải".

    Ngài nói cùng họ một ví dụ rằng: "Có người phú hộ, ruộng nương được mùa, nên suy tính với mình rằng: ta phải làm gì? Vì ta không còn chỗ nào mà tích trữ hoa mầu nữa. Ðoạn người ấy nói: Ta sẽ làm thế này: phá quách các lẫm đi, mà xây những lẫm lớn hơn, rồi chất cả lúa mạ, và của cải vào đó, rồi ta nhủ hồn ta: Hồn ơi! mày có dư thừa của cải, sẵn đó cho bao nhiêu năm; nghỉ đi! ăn uống đi! hưởng đi! Nhưng Thiên Chúa bảo nó: Ðồ ngốc! ngay đêm nay, người ta sẽ đòi ngươi trả lại hồn ngươi, mọi sự ngươi đã sắm sửa, tích góp kia sẽ về tay ai? (Lc 12,13-21).

    Không ai sống hộ tôi. Không ai chết thay tôi. Không ai đi cùng tôi. Tôi sẽ ra đi lẻ loi. Họ sẽ quên tôi cũng như tôi đã quên bao người. Có thể đôi khi họ nhớ tôi. Cũng như đôi khi tôi nhớ người này, kẻ kia. Nhưng nỗi nhớ chỉ là của riêng tôi, còn kẻ đã ra đi vẫn ra đi miền miệt. Thì cũng thế, chẳng ai làm gì được cho tôi lúc tôi ra đi không trở lại.

    Chết là mất tất cả. Nhưng thánh Phaolô lại tuyên tín rằng chết là chiến thắng (1Cor 15,54). Chết là đi về sự sống vĩnh cửu. Chết là gặp gỡ. Gặp Ðấng tạo nên mình. Như vậy, chết là cánh cửa im lìm được mở ra để tôi về với Ðấng thương tôi. Chết là điều kiện để sống.

    Chúa ơi, chết là đi về với Chúa sao con vẫn lo âu?

    Phải chăng nỗi lo âu là dấu hiệu nói cho con rằng con sợ con có thể không gặp Chúa. Vì sợ không gặp nên chết mới là bản án nặng nề. Mà tại sao con lại sợ không gặp Chúa? Chúa luôn mong mỏi, đợi chờ con cơ mà. Như thế, muốn gặp Chúa hay không là do ý của lòng con. Con có quyền quyết định cho hạnh phúc của mình.

    Chúa ơi, vì biết mình sẽ chết nên con băn khoăn tự hỏi bao giờ thì chuyến tầu định mệnh đem con đi. Hôm nay hay ngày mai? Mùa thu này hay mùa xuân tới? Con âu lo. Nhưng vì sao phải lo âu?

    Phải chăng lo âu là dấu hiệu nói cho con rằng con chưa chuẩn bị đủ, là hồn con còn ngổn ngang. Có xa Chúa thì mới sợ mất Chúa. Sợ mất Chúa thì mới xao xuyến băn khoăn.

    Con biết thế, con biết rằng vì không sẵn sàng, vì không chuẩn bị nên mới hồi hộp, mất bình an. Con biết thế, con biết sau khi chết là hạnh phúc hay gian nan, là núi cao với mây ngàn cứu rỗi, hay vực sâu phiền muộn với đau thương. Nhưng chuẩn bị cho giờ ra đi không đơn giản Chúa ơi. Chúa biết đó, con đi tìm Chúa nhưng là đi trong lao đao. Bởi yêu một vật hữu hình thì dễ hơn lắng nghe tiếng gọi từ nơi xa thẳm. Giầu có và danh vọng cho con hạnh phúc mà con có thể sờ được. Còn hạnh phúc của đức tin thì sâu thắm quá.

    Chung quanh có biết bao mời mọc. Kinh nghiệm cho con thấy rằng đã nhiều lần con bỏ Chúa. Như vậy biết đâu con lại chẳng bỏ Chúa trong tương lai. Nếu lúc đó mà giờ chết đến thì sao?

    Chúa có nghĩ rằng khi con phải phấn đấu chối từ những rung cảm bất chính để sống theo niềm tin là thánh giá của con không. Chối từ tiếng gọi của tội lỗi đã là một thánh giá. Nhưng có khi lo âu vì không biết mình có từ chối được không còn là một thánh giá khác nữa. Chính đấng thánh của Chúa mà còn phải kêu lên: "Ôi! những điều tôi muốn làm thì tôi chẳng làm, những gì tôi muốn trốn tránh thì tôi lại làm" (Rom 7,15-16). Chúa thấy đó, vị tông đồ lớn của Chúa mà còn như thế, huống chi con, một kẻ mang nhiều đam mê, yếu đuối thì đường về với Chúa gian nan biết bao.

    Ðể khỏi chết khi con chết, thì con phải chết trước khi con chết.

    Cái chết đó là đóng đinh đời con vào thập giá. Con không biết con can đảm đến đâu. Con chỉ xin sao cho con tiếp tục đi mãi. Ði xiêu vẹo vì yếu đuối của con, nhưng vẫn tiếp tục đi.

    Thập giá nào thì cũng có đau thương.

    Con không muốn thập giá. Vì thập giá làm con mang thương tích. Chúa cũng đã ngã. Nhưng nếu sự sống của con mang mầm sự chết, thì trong cái chết của thập tử nẩy sinh sự sống. Chúa đã chết. Chúa hiểu nỗi sợ hãi của sự chết. Con vẫn nhớ lời Chúa cầu nguyện: "Lạy Cha, con xin phó hồn con trong tay Cha" (Lc 23,46). Hôm nay con cũng muốn nói như vậy đó, với Chúa. Cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa dạy con rằng chẳng có sự sống nào mà không phải qua sự chết. Chết thì sợ hãi, nhưng nếu con yêu sự sống thì con phải yêu sự chết.

    Con muốn chết để được sống.

    Con sẽ đóng đinh đời con vào thập tự. Chúa ơi, Chúa có cho những lo âu của con là dấu chỉ tình yêu của một tâm hồn yếu đuối, đang thao thức đi tìm Chúa vì sợ mất Chúa không.

    Lạy Cha, trong tay Cha con xin phó thác đời con.

    LM Nguyễn Tầm Thường, S.J.
    Thay đổi nội dung bởi: ngonluatraitim, 29-11-2010 lúc 04:58 PM

  6. 2 thành viên đã cảm ơn ngonluatraitim vì bài viết này:

    hoamuoi (06-08-2012),theresalis (24-04-2014)

  7. #4
    Trạng thái :   ngonluatraitim đã thoát
    Tham gia : Aug 2010
    Bài gửi : 42
    Cảm ơn
    17
    Được cảm ơn 124 lần
    trong 40 bài viết
    TẠ ƠN LÀ MỘT TÂM TÌNH

    Mỗi mùa Lễ Tạ Ơn, Thanksgiving, người ta hay nhắc đến chuyện người phung cùi trở lại cám ơn Ðức Kitô trong Phúc Âm Luca.

    Trên đường lên Jêrusalem, Ðức Giêsu đi ngang qua biên giới giữa hai miền Samaria và Galilêa. Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phung cùi đón gặp Người. Họ dừng lại đàng xa, và kêu lớn tiếng: "Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi." Thấy vậy, Ðức Giêsu bảo họ: "Hãy đi trình diện với các tư tế.” Ðang khi đi thì họ được sạch. Một người trong bọn họ thấy mình được khỏi liền quay trở lại lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Ðức Giêsu mà tạ ơn. Anh ta lại là người Samari. Ðức Giêsu mới nói: "Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa mà chỉ có người ngoại bang này?” (Lc. 17: 11-19).

    Tôi nghĩ câu chuyện tạ ơn của người phung cùi không dừng lại ở đây. Không dừng lại ở lời tạ ơn Chúa mà thôi. Nó gọi ta đến một đường cong sâu hơn và xa xôi hơn. Tạ ơn là tâm tình đòi hỏi một tấm lòng. Tâm tình này là bản phiên dịch của một nội tâm. Chính bản phiên dịch nội tâm này nói trung thực cho ta biết mình là ai.

    Tôi muốn nhìn vào nội tâm người phung cùi, để đi tìm chiều kích lời tạ ơn của anh ta với Ðức Kitô. Nó đến từ một đường cong sâu xa nào?

    Bối cảnh văn hóa, tôn giáo, lịch sử.
    Người Do Thái trong thời Chúa Giêsu không chấp nhận những người phung cùi sống trong làng. Họ phải sống cô lập ngoài sa mạc, xa xôi ngoài cánh đồng. Khi gặp Ðức Giêsu, họ cũng đứng "từ đàng xa” chứ không dám lại gần. Họ bị coi là những kẻ tội lỗi, bị Thiên Chúa giáng án phạt. Hiểu như thế mới thấy nỗi cô đơn của kẻ mang bệnh tật này. Trong thời đại ấy, người Do Thái cũng không chấp nhận chung sống với người ngoại giáo. Họ đối nghịch đến độ thù hận nhau.

    Cộng đoàn những người cùi.
    Theo mạch văn của đoạn Kinh Thánh, Chúa hỏi: "Còn chín người kia đâu.” Như vậy chín người kia cộng với anh cùi đến tạ ơn Chúa, tất cả mười người. Tại sao có mặt người cùi ngoại giáo trong cộng đoàn những người cùi Do Thái? Tại sao những người cùi Do Thái lại để người cùi xứ Samaria theo mình nhập bọn? Ðoạn Kinh Thánh trên tường thuật là "một người trong bọn họ.” Cụm từ "một người trong bọn họ.” Cho thấy chín người Do Thái Giáo và một người Samaria đã sống chung, đi chung một con đường, là một cộng đoàn.

    Chuyện này dường như cũng không xa lạ giữa hoàn cảnh xã hội hôm nay. Trong những hành trình gian khổ, dường như người ta vượt qua mọi biên giới để sống với nhau. Có những tình nghĩa vợ chồng, khi nghèo khó, họ sống đời đùm bọc nhau. Cùng nhau đẩy chiếc xe đạp chở ngô khoai. Cùng nhau chèo một con đò, buôn thúng bán bưng nuôi con. Rồi có thể họ mất nhau khi mỗi người có một địa vị, một công ty riêng. Lúc lâm nạn, người ta vượt qua biên giới chủng tộc, tôn giáo, để cứu nhau. Rồi người ta xây nên những thành trì, những bức tường tôn giáo khi người ta có đền thờ riêng.

    Tại sao trong cộng đoàn mười người cùi này lại có một người ngoại giáo. Tại sao họ chung sống với nhau? Khổ đau dường như có một giá trị rất sâu trong câu chuyện này. Rất nhiều trường hợp, khi hết yếu đuối, hết nghèo khó, họ xa nhau. Trên đường đi tạ ơn này, chín người kia đi về một phía, người Samaria đi về một phía. Không còn một cộng đoàn những người cùi khác tôn giáo.

    Với chín người cùi, họ có thể liên kết lại để cô lập người cùi Samaria. Nhưng ở đây, họ chung sống, chấp nhận người cùi khác tôn giáo này. Dường như trong cô đơn tận cùng vì bị xã hội chối bỏ, họ được đốt cháy hết những địa vị, tên gọi, và khi được bóc trần đến phẩm giá sau cùng, họ thấy họ giống nhau ở một tên gọi duy nhất là làm người.

    Giá trị cùng đích sau hết vẫn là: Làm người.
    Dường như tôn giáo cũng rất cần luôn luôn được thanh tẩy để khỏi bám bụi. Những giá trị ngoài nhân đức như đền thờ, tổ chức, ảnh hưởng, rất có thể đưa con người xa cách nhau.

    Mọi tôn giáo đều tìm cách dạy con người ý nghĩa của cô đơn, đau khổ. Nhưng ý nghĩa đẹp nhất của đau khổ và cô đơn lại là vượt qua mọi tôn giáo để đùm bọc nhau cho con người bớt cô đơn và đỡ khổ đau.

    Rồi tình yêu cũng thế. Tình yêu cũng cần thanh tẩy. Những giá trị ngoài nhân đức như nhan sắc, địa vị, vàng bạc, rất có thể sẽ đưa con người xa cách nhau. Trong đời sống, ai cũng cần chịu ơn nhau.
    Phải nghèo một chút để biết xin.

    Phải yếu một chút để biết nương tựa.
    Nhìn lại, người cùi xứ Samaria, trong "bọn họ", anh ta là thiểu số, anh chỉ có một thân, một mình.
    Tôi nghĩ anh ta trở lại tạ ơn Thiên Chúa vì đời anh quen tâm tình tạ ơn rồi. Ngay những ngày sống chung với chín người kia, biết mình thiểu số mà được chấp nhận, anh ta đã sống lòng biết ơn đó. Tạ ơn là một bản phiên dịch nội tâm của anh.

    Câu chuyện cộng đoàn mười người cùi được chữa lành rất đẹp vì họ đã sống với nhau. Nếu sau khi được chữa lành, tất cả đều trở lại tạ ơn Thiên Chúa thì câu chuyện kết thúc quá lý tưởng. Tại sao chín người kia không trở lại? Rất có thể chín người kia không quen tâm tình tạ ơn. Rất có thể họ chấp nhận người cùi Samaria như là cho ơn hơn là lãnh nhận.


    Tôi thụ phong linh mục năm 1989. Cũng năm này tôi được gởi qua trại Palawan, Philippines giúp đồng bào tỵ nạn. Những ngày đó, chúng tôi đã có những kỷ niệm đẹp, tôi đã viết bài "Palawan Mùa Phật Ðản", năm 1992, đăng trong báo Ðường Sống.

    Năm 1995 tôi rời trại tỵ nạn. Tôi xa khúc đường trong trại, một bên có hương trầm nhà Chùa, một bên có tiếng chuông nhà Chúa. Rồi một hôm, mười năm sau, kỷ niệm lại về như nghe tiếng mõ tụng kinh quen thuộc ngày nào đó, bên Chùa. Ðó là vào ngày 28 tháng 12 năm 2004. Sau lễ Giáng Sinh, tôi đang giúp tĩnh tâm cho cộng đoàn các Sơ Ðaminh Việt Nam ở Houston. Tôi nhận được một lời nhắn trong chiếc phôn cầm tay:

    Dạ, kính linh mục Nguyễn Trọng Tước.

    Ðây tôi là Thích Thông Ðạt từ San Jose gọi chúc mừng trong mùa Giáng Sinh với New Year. Chúc mừng linh mục dồi dào sức khỏe. Happy Merry Christmas. Happy New Year. Dạ, kính linh mục. Khi nhận được message xin cho gặp số phôn 408-926-1998. Kính chúc mừng linh mục trong mùa Chúa Giáng Sinh cũng như đầu năm mới.

    Kính linh mục.
    Tôi hết sức ngạc nhiên. Một Thầy bên Chùa đã mười năm xa cách. Từ ngày Thầy rời trại tỵ nạn Palawan, bằng ấy năm không hề gặp lại nhau. Mười năm không liên lạc. Bỗng dưng Thầy tìm phôn gọi tôi, vì Thầy muốn chúc mừng ngày Chúa Giáng Sinh. Những kỷ niệm xa xưa.

    Kính Thầy Thông Ðạt,
    Những ngày ở trại tỵ nan, những ngày ấy chúng ta có nhiều kỷ niệm quá nhỉ. Vào mùa Phật Ðản và Giáng Sinh, năm nào chúng ta cũng có những món nợ. Chúng ta cho nhau mượn cái trống, mấy sợi giây đèn. Các em Thiếu Nhi cho nhau mượn mấy mét vải, cái đầu lân để làm văn nghệ. Chúng ta đã nợ nhau tình thương mến.

    Thời gian đã xa xôi quá, như đang xóa nhòa dần đi. Bỗng dưng mười năm sau, Thầy tìm điện thoại, gọi chúc mừng ngày Chúa Giáng Sinh. Mười năm là thời gian dài lắm đó Thầy ạ. Thế là tôi lại "nợ" Thầy.

    Thánh Phaolô đã căn dặn các tín hữu của ngài: "Các con hãy nợ nhau tình thương mến" (Rom. 13: 8). Bây giờ chúng ta đã xa những ngày tỵ nạn cho nhau mượn cái bát, tô cơm. Thầy Thông Ðạt có thể nay đã có chùa riêng, có đoàn Phật Tử đông đảo. Chả ai phải mượn ai. Chùa của Thầy chăng rợp hoa đèn ngày lễ. Chả ai cần ai. Thầy gọi điện không là để mượn gì cả, cũng chẳng hỏi tôi có mượn cái đầu múa lân không, chỉ để chúc mừng ngày Chúa Giáng Sinh. Thầy gọi điện vì nhớ về khung trời tỵ nạn có những kỷ niệm bên bờ đời sống. Tình thương mến. Có những cặp vợ chồng nay mỗi người là một giám đốc. Chẳng ai phải nhờ ai. Có những anh em, không ai phải cậy ai. Xa những ngày nghèo túng rồi. Không ai phải dựa ai. Ðầy đủ. Mà sao cứ như có nỗi vắng trong lòng. Hay là người ta thiếu nhau món nợ tình thương mến?


    LM. Nguyễn Tầm Thường, S.J.
    (Trích tập suy niệm “Ðường Ði Một Mình”)

  8. Thành viên đã cảm ơn ngonluatraitim vì bài viết này:

    hoamuoi (06-08-2012)

+ Trả Lời Ðề Tài

Chủ đề tương tự

  1. Cách thức cầu nguyện cho các linh hồn
    By tho ngoc in forum Phương pháp cầu nguyện
    Trả lời: 3
    Bài mới gửi: 07-11-2012, 02:05 PM
  2. Trả lời: 15
    Bài mới gửi: 27-05-2012, 10:37 PM
  3. Xin cầu nguyện cho LINH HỒN CHA BENEDICTO NGUYỄN HƯNG vừa qua đời.
    By JB. Sĩ Trọng in forum Cầu Nguyện - Hiệp Thông
    Trả lời: 12
    Bài mới gửi: 21-05-2012, 06:17 PM
  4. Xin cầu nguyện cho Linh hồn Maria Nguyễn Phượng Hồng.
    By Sky in forum Cầu Nguyện - Hiệp Thông
    Trả lời: 4
    Bài mới gửi: 28-10-2011, 08:11 PM
  5. Cầu nguyện cho linh hồn Gioan Nguyễn Văn Nhi
    By saotinhyeu1620 in forum Cầu Nguyện - Hiệp Thông
    Trả lời: 10
    Bài mới gửi: 05-09-2011, 05:45 PM

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình