+ Trả Lời Ðề Tài
Hiện kết quả từ 1 tới 2 của 2

Chủ đề: Phỏng vấn thánh phanxicô xavier

  1. #1
    bùi nhùi
    Guest
    Trạng thái :  

    Phỏng vấn thánh phanxicô xavier

    PHỎNG VẤN THÁNH PHANXICÔ XAVIER


    Wednesday, 24 November 2010 12:25

    Để chuẩn bị mừng Kính thánh Phanxicô Xavier (03 tháng 12), Trang thông tin điện tử Dòng Tên xin đăng bài: “Phóng vấn Thánh Phanxicô Xavier” của Cha Cosma Hoàng Văn Đạt, S.J. (Nay là Giám mục Giáo phận Bắc Ninh).
    Ngày 01.12.1552, trên đảo Thượng Xuyên, gần tỉnh Quảng Đông, Trung Hoa, thánh Phanxicô Xavier, 46 tuổi, đang chờ một nhà buôn đến đưa ngài vào đất liền. Chỉ hai ngày nữa, ngài sẽ qua đời. Chúng ta đến chòi lá của ngài, để phỏng vấn ngài. Các câu hỏi do chúng ta đặt ra, các câu trả lời thực sự là của ngài.
    ***
    1) Thưa cha, cha nhất định phải vào Trung Hoa?
    Hết ngày này sang ngày khác, tôi đang chờ đợi một người Trung Hoa từ Quảng Đông đến đón (Bt 131,10) [1]. Trung Hoa là một nước rộng mênh mông bát ngát, thanh bình, và được cai trị bằng những luật lệ khôn ngoan. Chỉ có một vua mà ai nấy đều hết sức tùng phục. Đó là một vương quốc rất giàu có, tài nguyên đủ loại, không thiếu gì… Người Trung Hoa rất khéo léo và rất hiếu học, nhất là về luật lệ liên hệ đến việc trị nước. Họ rất ham hiểu biết… Họ đại lượng và nhất là rất hiếu hòa. Trong nước không có chiến tranh… Tôi đi Trung Hoa để thực hiện những việc lớn lao nhằm phục vụ Thiên Chúa (Bt 97,19). Trong Thiên Chúa, tôi rất hi vọng là một con đường sắp được mở ra, không chỉ cho anh em trong Dòng Tên, mà còn cho tất cả các dòng khác… (Bt 96,52).
    2) Cha biết đó là điều nguy hiểm chứ?
    Hai nguy cơ có thể xảy ra, theo như dân địa phương nói. Thứ nhất, người dẫn chúng tôi có thể bỏ chúng tôi trên một đảo hoang, hay ném xuống biển, sau khi đã nhận 200 cruzadoz[2][2], để tổng đốc Quảng Đông khỏi biết; thứ hai, nếu họ đưa chúng tôi đến Quảng Đông, và nếu chúng tôi đến gặp tổng đốc, chúng tôi sẽ bị đánh đập hoặc tống giam… Lệnh cấm ở Trung Hoa ngặt đến nỗi không ai được vào nếu không có phép của nhà vua, mà vua đã cấm ngặt người nước ngoài không ai được vào… Chúng tôi cho rằng những nguy hiểm phần hồn lớn hơn những nguy hiểm phần xác nhiều, nên chúng tôi thấy là thà đương đầu với những nguy hiểm phần xác còn yên tâm hơn là để mình bị nguy hiểm phần hồn trước mặt Thiên Chúa. Vì vậy, chúng tôi nhất quyết đến Trung Hoa, bất cứ bằng cách nào. Tôi hy vọng trong Thiên Chúa là chuyến đi Trung Hoa của chúng tôi sẽ thành công và sẽ góp phần vào việc truyền bá đức tin, mặc dầu Kẻ Thù và tay sai chúng có thể tung ra những cuộc bách hại. Thực vậy, “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta”(Rm 8,31; Bt 131,3.6).
    3) Có vẻ cha thích phiêu lưu mạo hiểm!
    Có những người thật là ngược đời: cố lôi kéo Thiên Chúa đến nơi họ thích, chứ không chịu đến nơi Thiên Chúa mời gọi họ tới. Có những người đang theo một con đường gập ghềnh và nguy hiểm để leo lên một ngọn đồi dựng đứng, mà sau bao nhiêu cực nhọc, chỉ chuốc lấy một kết thúc khốn khổ (Bt 6,4). Chúng tôi hoàn toàn không đi tìm những ưu đãi của người đời, và chúng tôi có làm gì cũng chỉ vì Chúa. Thực vậy, nếu phải chịu những gian truân chúng tôi đã trải qua chỉ một ngày thôi để được cả thế giới này, chúng tôi cũng từ chối (Bt 13,3).
    4) Thời gian ở Ấn Độ của cha thế nào?
    Chúng tôi rời Lisbõa đi Ấn Độ ngày 7.4.1541, và đến Ấn Độ ngày 6.5.1542 (Bt 15,2). Khu vực chúng tôi đến gọi là mũi Comorin (Bt 15,14). Tôi đưa theo 3 người bản xứ. Họ rất thông thạo tiếng Bồ Đào Nha, và thông thạo tiếng mẹ đẻ hơn nữa...Chúng tôi đi qua những làng Kitô giáo, nơi dân chúng đã theo đạo khoảng tám năm trước. Không có người Bồ Đào Nha nào sống trong các làng này, vì đất đai cằn cỗi và người ta hết sức nghèo khổ. Vì các Kitô hữu trong các làng này không được ai dạy dỗ về đức tin, nên về đạo, họ không nói được gì hơn là họ có đạo. Không có ai để dâng lễ cho họ, cũng không có ai dạy họ kinh Tin Kính, kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng và kinh Mười Điều Răn. Khi đến các làng này, tôi đã rửa tội cho tất cả trẻ em chưa được rửa tội; và như vậy, tôi đã rửa tội cho rất nhiều hài nhi “chưa biết phân biệt tay phải với tay trái”(Gn 4,11). Hễ tôi đến làng nào, trẻ em chưa cho tôi đọc kinh, hoặc ăn hay ngủ, nếu chưa dạy các em vài ba kinh. Tôi bắt đầu hiểu rằng “Nước Trời thuộc về những ai giống như trẻ em”(Mt 19,4; Bt 19,2). Xong một làng, tôi để lại một người tiếp tục công việc đã khởi sự, rồi đến các làng khác cũng làm y như vậy… Ở những nơi tôi đi qua, tôi để lại những bản viết các kinh, và cho người biết chữ viết lại, cho học thuộc lòng, rồi cho đọc hằng ngày. Tôi cũng cho mọi người họp vào Chúa Nhật để đọc kinh. Tại các làng, tôi đặt người phụ trách công việc này (Bt 20,7).
    5) Cha có kêu gọi các bạn ở Châu Âu qua tiếp tay không?
    Vì thiếu người lo những việc đạo đức và thánh thiện như vậy, nên nhiều người ngoại đáng lẽ có thể theo đạo mà không theo được. Rất nhiều khi tôi có ý định về bên nhà, đến các nơi người ta học hành, để gào thét như một người mất trí, đặc biệt là ở Đại học Paris. Tôi muốn đến Học viện Sorbonne nói với những người hiểu biết nhiều, nhưng ít muốn làm cho kiến thức của mình sinh hoa kết quả: “Biết bao linh hồn không được hưởng phúc vinh quang, nhưng phải sa địa ngục, vì quí vị lơ là”… Gần như tôi bị thúc bách viết thư cho Đại học Paris… để cho biết là hàng ngàn hàng vạn người ngoại sẽ theo đạo, nếu có được những người không bám lấy lợi lộc riêng tư, nhưng cố gắng sinh lợi cho Chúa Giêsu Kitô, nên tìm kiếm và giúp đỡ các linh hồn”(Bt 20,8)… Ôi! Nếu thay vì chỉ thỏa lòng nhờ hiểu những điều mình học, người sinh viên tìm trong việc giúp đỡ tha nhân biết họ cần gì để cảm nhận được Chúa, người ấy sẽ được an ủi hơn và sẵn sàng tính sổ linh hồn với Chúa hơn, vào ngày Đức Kitô sẽ hỏi: “Hãy tính sổ cho Ta biết ngươi đã quản lý tài sản thế nào”(Lc 16,2; Bt 20,13).
    6) Rồi chuyện ở đảo Môrô?
    Đối diện với Maluco[3], có một xứ gọi là Môrô… Trên đảo này, một số đông người theo đạo từ nhiều năm trước, nhưng vì các giáo sĩ đã rửa tội cho họ sau đó qua đời, nên họ bị bỏ rơi, không ai dạy dỗ. Vì khu vực Môrô ấy rất nguy hiểm…, dân chúng thường trộn thuốc độc vào đồ ăn thức uống đem cho người khác, nên những người có thể lo cho các tín hữu tại Môrô đã từ chối, không chịu đến đó. Vì các tín hữu tại các đảo Môrô cần được dạy dỗ về đức tin, và cần có người rửa tội cho họ để họ được rỗi linh hồn, và cũng vì tôi có bổn phận liều mất sự sống trần gian để giúp đỡ tha nhân về đời sống thiêng liêng, nên tôi đã quyết định đến Môrô để giúp các tín hữu trong những điều thiêng liêng, liều mình vào nơi nguy tử, đặt trọn hy vọng và tin tưởng nơi Thiên Chúa… Nhiều bạn hữu và những người quí mến tôi tìm cách ngăn cản tôi lên đường đến một khu vực nguy hiểm như vậy. khi thấy không thuyết phục được tôi bỏ dự tính, họ cho tôi nhiều thuốc giải độc. Tôi rất biết ơn họ đã yêu mến và quan tâm đến tôi, nhưng để đừng chất vào mình nỗi sợ hãi mình vốn không có, và hơn nữa, vì tôi đã đặt trọn vẹn tin tưởng nơi Thiên Chúa, nên để khỏi đánh mất lòng tin tưởng, tôi đã từ chối, không nhận các thứ thuốc mà vì yêu mến, họ khóc lóc để cố ép tôi nhận. Tôi chỉ xin họ luôn luôn nhớ đến tôi khi cầu nguyện, vì đây là thuốc công hiệu nhất để chống lại việc có thể bị đầu độc (Bt 55,4).
    7) Vì sao cha lại đi Nhật Bản?
    Vì nhận được thông tin rộng rãi về những thuận lợi cho việc truyền bá đức tin tại các đảo của Nhật Bản, và sau khi đã tìm hiểu nơi những người đáng tin vì đã lưu trú trên các đảo của Nhật Bản, tôi đã quyết định xin Thiên Chúa ban cho tôi ơn trọng đại này là nếu tôi đến những khu vực ấy mà phục vụ được Thiên Chúa hơn, thì cho tôi cảm nhận được ý muốn rất thánh của Người trong tâm hồn, và cho tôi sức mạnh cần thiết để thi hành trọn vẹn. Thiên Chúa uy linh đã thương cho tôi cảm nhận được trong tâm hồn là chính vì việc phục vụ Người mà tôi đi Nhật Bản, và vì vậy tôi rời Ấn Độ để thi hành điều Thiên Chúa cho tôi cảm nhận nhiều lần về việc lên đường đi Nhật Bản, với dự tính phục vụ Người (Bt 83,1).
    8) Xin cha cho biết đôi chút về thời gian cha ở Nhật Bản.
    Trước hết, chúng tôi đến Kagoshima. Chúng tôi ở lại đó hơn một năm (Bt 96,13). Trong năm ấy, chúng tôi dạy giáo lý cho các tín hữu, học tiếng và dịch nhiều điều trong Luật Thiên Chúa ra tiếng Nhật Bản… Các tín hữu cũng như những người chưa theo đạo rất thích nghe những điều ấy, vì họ thấy là đúng… Sau một năm, và vì lãnh chúa địa phương không hài lòng về Luật Thiên Chúa lan tràn tại đó, chúng tôi đến một xứ khác… Nhờ đọc cuốn sách chúng tôi đã dịch sang tiếng Nhật Bản, và nhờ nhiều buổi nói chuyện của chúng tôi, nhiều người đã theo đạo… Sau đó, chúng tôi đến Yamaguchi. Trong thành phố ấy có nhiều hiệp sĩ và những người khác rất ước mong biết Luật chúng tôi rao giảng thế nào. Chúng tôi ở lại trong thành phố ấy nhiều ngày để rao giảng trên đường phố cũng như trong nhà. Dân chúng rất thích nghe kể chuyện đời sống Đức Kitô, và họ khóc khi chúng tôi tường thuật cuộc Thuơng Khó. Nhưng ở đó có ít người theo đạo. Vì thấy ít có kết quả, chúng tôi quyết định đến một thành phố khác, thành phố quan trọng nhất trong toàn bộ Nhật Bản, gọi là Myako[4][4]. Chúng tôi mất hai tháng trên đường, phải đương đầu với nhiều nguy hiểm, vì có nhiều trận chiến trong các địa phương, mà trời thì rất lạnh, lại có nhiều kẻ cướp nữa. Chúng tôi tìm cách gặp nhà vua để xin phép rao giảng Luật Thiên Chúa trong vương quốc, nhưng không gặp được. Vì sau đó chúng tôi được biết là người ta không phục tùng nhà vua, nên chúng tôi quay trở lại Yamaguchi… Thường chúng tôi giảng mỗi ngày hai lần. Sau bài giảng là một buổi thảo luận kéo dài khá lâu. Nhà chúng tôi gần như lúc nào cũng đầy người, và thường người ta không vào trong nhà hết được. Họ đặt ra cho chúng tôi biết bao nhiêu câu hỏi, và chúng tôi giải thích cho họ bao nhiêu điều, đến nỗi họ nhìn nhận rằng Luật của các vị thánh hiền họ từng tin là sai, và Luật Thiên Chúa là đúng. Nhiều ngày sau, họ bắt đầu theo đạo, và những người đầu tiên theo đạo lại chính là những người từng tỏ ra thù nghịch nhất cả khi chúng tôi giảng cũng như trong khi thảo luận… Trong khi chúng tôi đang ở thành phố Yamaguchi, thì một lãnh chúa rất quan trọng là công tước xứ Bungo viết thư mời đã đến chỗ ông, vì có một tàu Bồ Đào Nha đã vào cảng của ông, và ông muốn trao đổi với tôi một số điều quan trọng. Hiểu là ông muốn theo đạo, và tôi cũng mong được gặp những người Bồ Đào Nha, tôi đã đi Bungo… Từ Bungo, tôi không trở lại Yamaguchi, nhưng quyết định đi Ấn Độ, trên một chiếc tàu Bồ Đào Nha, để gặp lại anh em ở Ấn Độ, và được vui mừng vì gặp lại nhau, vừa để đưa đến Nhật Bản các cha trong Dòng Tên, vì xứ ấy cần các cha, và cũng để từ Ấn Độ đem theo một số điều cần thiết mà ở Nhật Bản không có (Bt 96,13.14.16.36.40).
    9) Xem ra mọi sự có vẻ nhẹ nhàng, nhưng chắc là cha đã gặp nhiều khó khăn!
    Tất cả các thân hữu và bạn hữu tôi đều sợ lắm, vì tôi thực hiện một cuộc hành trình lâu dài và nguy hiểm như vậy. Phần mình, tôi sợ hơn họ, vì thấy họ tỏ ra thiếu đức tin. Thiên Chúa chỉ huy và có quyền trên bão tố ở biển Trung Hoa và Nhật Bản, mặc dầu chúng mạnh hơn tất cả bão tố người ta đã gặp từ trước đến nay. Ngoài gió, còn có đá ngầm, nhiều lắm, theo người ta nói, và nhiều con tàu đã tiêu tan ở đó. Nhưng Thiên Chúa là Đấng hùng mạnh. Thiên Chúa chỉ huy và có quyền trên tất cả những tên hải tặc trên biển, dù số này đông đến mức đáng sợ. Những tên hải tặc này rất tàn ác, chúng làm đủ thứ để tra tấn và hành hạ những người bị chúng bắt, nhất là người Bồ Đào Nha. Vì Thiên Chúa có quyền trên chúng hết thảy, nên tôi không sợ ai, ngoại trừ Thiên Chúa, chỉ sợ Người phạt vì chểnh mảng trong việc phục vụ Người, vì vụng về và vô dụng trong việc truyền bá danh Chúa Giêsu giữa những kẻ chưa biết Người. Còn những nỗi sợ khác, những nguy hiểm khác, những đau khổ khác, mà bạn bè nói tới, đã kể là số không. Tôi chỉ còn sợ Thiên Chúa, vì nỗi sợ đối với các thụ tạo chỉ lớn tới mức Đấng Sáng Tạo ra chúng cho phép là cùng (Bt 78,2). Vì ma quỉ không làm hại con người hơn mức được Thiên Chúa cho phép, nên vào những giờ phút ấy, phải sợ mình thiếu tin tưởng nơi Thiên Chúa hơn là sợ chính Kẻ Thù… Không ai là người yếu đuối, nếu biết tận dụng ơn Thiên Chúa ban cho mình (Bt 90,8.9).
    10) Nghe nói khi gặp nguy hiểm, cha xin Chúa đừng để mình thoát khỏi!
    Trong chuyến đi từ Malacca đến Ấn Độ, tôi đã trải qua nhiều nguy hiểm, vì bão suốt ba ngày ba đêm, bão lớn tôi chưa từng gặp bao giờ. Nhiều người còn sống đã than khóc như sắp chết, và thề sống thề chết là nếu Chúa cho thoát được thì sẽ không bao giờ đi biển nữa. Chúng tôi đã liệng hết đồ đạc xuống biển, bỏ của chạy lấy người. Khi trận bão lên đến cực điểm, tôi đặt mình trong tay Chúa… Mỗi lần gặp nguy hiểm, tôi cầu xin các thiên thần, cũng như các thánh tổ phụ, ngôn sứ, tông đồ, thánh sử, tử đạo, tuyên đạo, đồng trinh và tất cả các thánh trên trời. Và để chắc được Thiên Chúa tha thứ muôn vàn tội lỗi, tôi xin Đức Mẹ vinh hiển cầu khẩn cho mình, vì ở trên trời, Mẹ xin gì với Thiên Chúa cũng được nhậm lời. Cuối cùng, tôi đặt hết hy vọng nơi Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Chuộc và là Chúa chúng ta, Đấng đã chịu nạn chịu chết mà lập công đền tội chúng ta. Trong cơn bão tố, nhờ được giúp đỡ và phù hộ như trên, tôi thấy mình được an ủi có thể nhiều khi còn hơn cả lúc tôi thoát khỏi cảnh ngặt nghèo… Vì thế, lần gặp bão này, tôi đã xin Thiên Chúa chỉ cho tôi thoát trận bão ấy nếu Người cho tôi chịu những trận khác lớn bằng hay lớn hơn nữa, để phục vụ Thiên Chúa hơn (Bt 59,20-21).
    11) Có khi nào cha bị cám dỗ bỏ cuộc không?
    Có lần ở Ấn Độ, tôi đã phải thốt lên [5]: Bảo đảm và chắc chắn là hôm nay mà có tàu đi, tôi sẽ đi ngay lập tức… Tôi không biết còn làm gì được nữa, nếu không phải là chẳng nên mất thêm thời giờ để sống giữa những người không biết tôn trọng chi hết…Thực là tôi buồn không bút nào tả xiết (Bt 41,1.4). Tôi chán sống đến nỗi thà được chết trong khi truyền bá luật Chúa và đức tin của chúng ta còn hơn cứ phải thấy người ta xúc phạm đến Chúa mà mình không làm gì được (Bt 44,3)… Sống ở nơi người ta thờ tượng thần, nơi khó chịu vì khí hậu rất oi bức; tất cả những trở ngại ấy, nếu biết chấp nhận nhân danh Chúa, chúng sẽ trở nên nguồn phúc đức và dịp lãnh những an ủi lớn lao. Tôi tin rằng ai thực lòng yêu mến Thánh Giá Chúa Kitô sẽ tìm thấy an nghỉ khi đương đầu với những thử thách, và họ sẽ chết khi trốn hoặc thiếu thử thách. Còn cái chết nào tệ hơn đời sống của người, sau khi đã biết Chúa Kitô, lại bỏ Chúa để chạy theo sở thích và quyến luyến riêng! Thật không gì buồn hơn. Trái lại, ai chết đi mỗi ngày, đi ngược lại ý riêng, không tìm những điều thuộc về mình, nhưng là những điều thuộc về Chúa Giêsu Kitô, sẽ được bình an biết bao! (Bt 15,15). Những cám dỗ thường ngăn cản những người yếu đuối đạt đến điều trọng đại này là hiểu biết Thiên Chúa vô cùng nhân hậu thế nào, vì sống trên đời mà không cảm nếm được Thiên Chúa thì đó không phải là sống, mà là chết dần chết mòn (Bt 90,26).
    12) Dòng Tên là “hậu phương” lớn của cha?
    Tôi nghĩ rằng Dòng Tên là “Dòng yêu mến và hiệp nhất tâm hồn” (Bt 70,5)… Tất cả anh em trong Dòng hiện diện liên lỷ trong tâm trí tôi (Bt 48,1)… Ở Ấn Độ, để giải trí, tôi rất thường nhớ đến anh em trong Dòng, và nhớ đến thời gian, vì Chúa quá thương, tôi được biết anh em và sống với anh em. Tôi tự biết và cảm thấy trong lòng là, do lỗi mình, tôi đã để thời gian ấy qua đi mà không rút được ích lợi từ bao nhiêu điều chính Chúa cho anh em hiểu biết. Nhờ lời anh em cầu nguyện, và vì anh em luôn luôn nhớ đến tôi, Chúa ban cho tôi ơn rất lớn là dù xa cách anh em về thể xác, nhưng nhờ anh em nâng đỡ và giúp đỡ, Chúa cho tôi cảm thấy muôn vàn tội lỗi của mình, và cho tôi sức mạnh để đến giữa dân ngoại (Bt 20,14)… Để đừng bao giờ quên anh em trong Dòng, và lúc nào cũng nhớ đặc biệt đến anh em, tôi đã cắt tên của anh em trong các thư tử chính tay anh em viết cho tôi, để có thể luôn luôn mang trên mình, cùng với lời khấn của tôi. Điều này đem lại cho tôi nhiều an ủi… Tôi cảm thấy sung sướng khi mang tên của anh em trên mình (Bt 55,10)… Chúa biết cho là gặp anh em thì tâm hồn tôi được an ủi hơn nhiều. Vậy mà tôi cứ phải viết thư cho anh em, lại không chắc thư đến, vì từ Ấn Độ đến Rôma xa quá… Tôi nghĩ mình không lầm khi nói xa cách phần xác không làm cho chúng ta, vốn yêu mến nhau trong Chúa, bớt yêu mến và nghĩ đến nhau (Bt 48,1)… Nếu ở đời này, người ta thấy được trái tim của những người yêu mến nhau trong Đức Kitô, thì anh em Dòng Tên sẽ thấy rõ chính anh em trong trái tim tôi (Bt 90,60)… Khi nói về Dòng Tên, tôi không biết làm sao chuyển sang đề tài khác được, và không sao dừng bút được… Nếu khi nào tôi quên Dòng Tên Chúa Giêsu, thì xin cho tôi quên cả tay phải mình đi[6][6], vì nói sao thì nói, tôi biết là mình mắc nợ rất lớn đối với tất cả anh em trong Dòng (Bt 59,22).
    13) Đặc biệt với cha I-nhã?
    Chúa đã ban ân huệ lớn lao khi cho tôi được biết Cha I-nhã. Bao lâu còn sống, không bao giờ tôi trả được món nợ đối với ngài (Bt 1,6)…Trong số nhiều lời thánh thiện và an ủi của ngài, tôi đọc được những lời thế này: “Hoàn toàn thuộc về nhau. Không bao giờ quên được nhau.” Tôi đã rơi lệ khi đọc những chữ ấy, và cũng rơi lệ khi kể lại, vì nhớ lại thời gian đã qua, nhớ đến ngài đã và vẫn luôn luôn rất thương tôi, và nhờ những lời khẩn nguyện thánh thiện của ngài, Thiên Chúa đã cho tôi thoát được bao gian nan, bao nguy hiểm (Bt 97,1)… Đó là một con người hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, đời sống không có gì chê trách được (Bt 1,7).
    14) Nếu lần này Cha không vào Trung Hoa được?
    Xin Chúa thương cho ông ấy đến, như tôi vẫn ước mong; vì nếu làm sao đó mà Thiên Chúa không muốn như vậy, tôi không biết sẽ phải làm gì, hoặc là phải đi Ấn Độ hay Thái Lan, để từ Thái Lan theo phái đoàn sứ thần vua Thái Lan cử sang Trung Hoa (Bt 131,10).
    15) Có người nghĩ là cha có đầu óc chinh phục!
    Muốn sống tốt ở đời này, chúng ta phải làm khách hành hương để đi bất cứ đâu, đến nơi chúng ta có thể phục vụ Chúa (Bt 50,2).
    Đặt câu hỏi: Hoàng Sóc Sơn.

    [1] Thánh Phanxicô Xavier , Bút Tích 131, số 10.
    [2] Xem Bt 132,1: giá 1200 kg hạt tiêu.
    [3] Quần đảo Maluku, đông bắc Inđônêxia. Môrô, hay Omôrô, hoặc Các Đảo Môrô, là tên gọi chung khu vực bờ biển tây bắc đảo Hamahera và hai đảo Môrôtai và Rau. Dân địa phương gọi bờ biển tây bắc đảo Hamahera là Môrôtia (Môrô đất) và hai đảo kia là Môrôtai (Môrô biển).
    [4] Kyoto hiện nay, lúc ấy là Kinh đô Nhật Bản.
    [5] “Có lần ở Ấn Độ, tôi đã phải thốt lên”: câu này do người soạn thêm vào.
    [6] X. Tv 136,5.

    Các chủ đề tương tự trong chuyên mục này:


  • 5 thành viên đã cảm ơn bùi nhùi vì bài viết này:

    3T_thanhtuyen (03-12-2012),Honesty (03-12-2012),Lan Anh (04-12-2012),Mai Tín (03-12-2012),Ngôi Sao (03-12-2012)

  • #2
    Mai Tín's Avatar
    Trạng thái :   Mai Tín đã thoát
    Tham gia : Apr 2012
    Bài gửi : 561
    Tên Thánh:
    Martino (3/11)
    Tên thật:
    NVT
    Đến từ: Vũng Tàu
    Sở thích: Du lịch, âm nhạc, đọc sách...
    Nghề nghiệp: ...
    Cảm ơn
    2,205
    Được cảm ơn 4,123 lần
    trong 689 bài viết
    Ngày lễ kính Thánh Phanxicô Xavie, đọc lại bài này thấy hay quá. Cám ơn Bùi Nhùi.

  • 3 thành viên đã cảm ơn Mai Tín vì bài viết này:

    3T_thanhtuyen (03-12-2012),Honesty (03-12-2012),Lan Anh (04-12-2012)

  • + Trả Lời Ðề Tài

    Chủ đề tương tự

    1. Ngày 3/12 Lễ kính Thánh Phanxicô Xaviê linh mục
      By Mart.TanNguyen in forum Suy niệm - Bài giảng
      Trả lời: 0
      Bài mới gửi: 02-12-2011, 05:29 PM
    2. Hân hoan chào mừng Thầy Phêrô và Phanxicô
      By allihavetogive in forum Nhân sự - Giới Thiệu
      Trả lời: 7
      Bài mới gửi: 08-10-2011, 08:53 PM
    3. Bài Ca Của Thánh Phanxicô Xaviê
      By You Are Mine in forum Huấn từ - Sứ điệp cho người trẻ
      Trả lời: 0
      Bài mới gửi: 01-01-2011, 07:40 AM
    4. Thánh Phanxicô Xaviê người biết ước muốn và nhận định
      By bùi nhùi in forum Suy niệm - Bài giảng
      Trả lời: 0
      Bài mới gửi: 01-12-2010, 08:02 PM
    5. Mừng lễ kính thánh Phanxicô Xaviê 3/12
      By bùi nhùi in forum Thông điệp yêu thương
      Trả lời: 1
      Bài mới gửi: 27-11-2010, 01:49 PM

    Quyền viết bài

    • Bạn không thể gửi chủ đề mới
    • Bạn không thể gửi trả lời
    • Bạn không thể gửi file đính kèm
    • Bạn không thể sửa bài viết của mình