LINH MỤC VÀ NHÀ TÂM LÝ HỌC DÒNG TÊN CHARLES SHELTON: “BIẾT CẢM TẠ TÁC ĐỘNG ĐẾN VIỆC THAY ĐỔI CUỘC SỐNG”

TTCG (Denver, Colorado, 26-11-2010 (CNA) - Cha Charles Shelton - một linh mục dòng Tên, nhà tâm lý học và là tác giả cuốn sách mới xuất bản, viết về lòng biết ơn - nói rằng sự lựa chọn để sống với lòng biết ơn có thể giúp cải thiện hầu như mọi khía cạnh của cuộc sống của con người.

Vị linh mục đa tài, một giáo sư tâm lý tại Đại học Regis thuộc bang Denver, gần đây đã xuất bản tác phẩm “Yếu tố Tri ân”, một cuốn sách nghiên cứu tầm quan trọng của việc cám ơn của một người cho việc làm, sự giải trí, mối quan hệ và kinh nghiệm hằng ngày về ân sủng của Thiên Chúa.

Cha Shelton đã có những đóng góp đáng kể cho lĩnh vực “tâm lý học tích cực”, một ngành của Phân khoa Khoa học Xã hội, nghiên cứu về nhân đức và sự lành mạnh. “Yếu tố Tri ân” là tổng hợp công việc của ngài trong lĩnh vực này với sự tập trung nhấn mạnh về tinh thần Kitô giáo, theo truyền thống của Thánh Inhaxiô Loyola.

Phát biểu với CNA hôm 20-11, Cha giải thích về việc chọn lựa sống với lòng biết ơn như thế nào - thậm chí khi gặp khó khăn - để có thể thay đổi cách sâu sắc về những kinh nghiệm của một người về thế giới quan. Lòng biết ơn - ngài nói - cho một chiều sâu kinh nghiệm về niềm vui, và ý nghĩa sâu sắc đối với việc ít đòi hỏi hơn - bằng việc “chấn chỉnh lại” cả hai khía cạnh quan trọng của đời sống mà một người lãnh nhận từ Thiên Chúa.

Cha nhấn mạnh rằng lòng biết ơn, đối với các Kitô hữu, có thể cảm nghiệm trước hết bằng sự hiểu biết rằng “chúng ta là con cái Thiên Chúa, và là anh chị em của Chúa Giêsu”. Đó là “cốt lõi kinh nghiệm” làm “máng chuyển, qua trái tim của chúng ta, để trở thành những cam kết khác nhau” nhằm cho phép tín hữu biết chia sẻ với người khác quà tặng mà Thiên Chúa ban cho mình.

“Càng dành ra một số thời gian phản ánh về căn tính đó trong cuộc sống của chúng ta” - ngài trình bày - chúng ta càng “trở nên giàu hơn”. Cha mô tả tình Phụ tử của Thiên Chúa như là một “tâm điểm” đối với lòng biết ơn của Kitô hữu, cho phép toàn bộ kinh nghiệm con người được xem như là những trách nhiệm Thiên Chúa uỷ thác.

Chính Chúa Giêsu - Cha Shelton lưu ý - đã cảm tạ về mọi khía cạnh trong cuộc sống làm người của Ngài: không chỉ đối với gia đình, cộng đồng và công việc, mà còn là - vị linh mục giải thích trong một đoạn văn sâu sắc của tác phẩm “Yếu tố Tri ân” - sự đau khổ và cái chết của Ngài, mà Ngài chấp nhận hầu ban sự sống mới cho nhân loại.

Cùng với một số kinh nghiệm tự nhiên truyền cảm hứng từ cảm nghiệm của lòng biết ơn, người ta làm việc, kiên nhẫn và cầu nguyện là để cảm tạ (việc mình thực hiện). Đôi khi những lợi ích trong một tình huống bị hoàn toàn che khuất, nó đòi hỏi một thái độ của đức tin (để khám phá). “Bất kể xảy ra những gì, tôi muốn là một con người biết ơn”, Cha Shelton nói. “Bạn có thể vượt qua bất cứ điều gì và rút kinh nghiệm từ đó, nếu bạn có lòng biết ơn”.

Nhưng ngay trong kinh nghiệm rõ ràng là tốt - Cha Shelton nhấn mạnh - lòng biết ơn là một nhân đức đòi hỏi sự quan tâm và nỗ lực để rèn luyện. Cuốn sách của cha cung cấp một số kỹ thuật để làm cho lòng biết ơn trở nên một phần của cuộc sống, bao gồm việc “kiểm điểm lòng biết ơn hằng ngày” theo mô hình kỹ thuật truyền thống của dòng Tên để nhớ đến sự hiện diện của Thiên Chúa.

Bên cạnh việc làm cho một người nhận thức được phước lành của Thiên Chúa, Cha Shelton giải thích rằng, lòng biết ơn giúp mọi người biết trân trọng lẫn nhau. Hành động tạ ơn - Cha lưu ý - luôn luôn hướng ngoại. “Bởi vì nó luôn luôn là một sự nhìn nhận từ người khác, hoặc cái gì khác, theo định nghĩa đó phải là một sự mở ngỏ (với người khác)... Đó chỉ là điều có được qua kinh nghiệm”.

Vì (lòng biết ơn) hướng tới những người khác, kinh nghiệm của lòng biết ơn có thể làm cho sự liên hệ với bạn bè và gia đình thêm sâu sắc một cách đặc biệt. “Toàn bộ ý tưởng về sự liên hệ, tình cộng đồng, đều do lòng biết ơn”, Cha phản ánh. “Chúng ta nhìn thấy những tài năng của người khác, chúng ta cảm tạ vì những tài năng của người khác, và tất cả chúng ta cần đến những tài năng của người khác”.

Cha Shelton cũng khẳng định rằng lòng biết ơn là tâm điểm của ngày Lễ Tạ Ơn - Thanksgiving - trong khi không có một nghi lễ phụng vụ theo đúng nghĩa của nó, nhằm có thể cung cấp cho người Công giáo tại Hoa Kỳ một cơ hội đặc thù để giúp họ chuẩn bị bước vào Mùa Vọng. Xu hướng tiêu dùng hiện đại dường như che lấp mùa phụng vụ (Mùa Vọng) đó, để nhắm tới “mùa mua sắm shopping season” đầy phấn khích.

Nhưng Cha Shelton lưu ý rằng Lễ Tạ Ơn là đúng thời điểm giúp người Công giáo Mỹ tái khám phá Mùa Vọng. Một Lễ Tạ Ơn đích thực phải cảm nghiệm được lòng biết ơn - Cha nói - để có thể giúp người Công giáo bắt đầu chuẩn bị đón nhận món quà trổi vượt về việc Chúa Giêsu xuống thế, thay vì tập trung vào mua sắm.

“Nghiên cứu cho thấy (rằng) những người cảm nhận được ân phúc thì không cảm thấy cần nhiều của cải vật chất”, ngài lưu ý. “Họ không phải tích trữ” để bù lại những lúc “thiếu hụt”. Khi mừng ngày Lễ Tạ Ơn để nhớ đến “những món quà Chúa đã ban cho... suốt năm nay, cho đến giờ này”, người Công giáo có thể dễ dàng đón nhận “ý tưởng chờ đợi” là điều định nghĩa cho Mùa Vọng.

“Nó hợp lý, về mặt tâm lý”, ngài nói. “Mặc dù đây là một ngày lễ thế tục... đối với người Công giáo Mỹ, nó trở thành một kết thúc phù hợp trong niên lịch phụng vụ - khi chúng ta thực sự phản ánh về ngày Lễ Tạ Ơn có ý nghĩa gì”.

Mặc dù ngày lễ trọng Chúa Kitô Vua trong Giáo Hội chính thức kết thúc Năm Phụng vụ và là tín hiệu khởi đầu của Mùa Vọng, ngày lễ này luôn di chuyển sát trùng với ngày lễ nghỉ dân sự - Lễ Tạ Ơn. Cha Shelton phản ánh rằng, sự kết hợp của việc cử hành quốc gia và phụng vụ có thể làm phong phú thêm kinh nghiệm cho người Công giáo Mỹ về cả hai sự kiện.

“Nếu như cảm thấy được món quà Thiên Chúa trao tặng”, ngài nói, “chúng ta có thể chuẩn bị cho mình lãnh nhận món quà lớn nhất” - đó là sinh nhật của Chúa Kitô – “món quà đó đang đến gần”.

Tom dịch

Các chủ đề tương tự trong chuyên mục này: