“Thưa Thày nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Mc 10,17).



Câu hỏi trên đây được Đức Thánh Cha chọn làm đề tài cho Ngày Quốc tế Giới trẻ lần thứ XXV. Đề tài này cũng nhằm hướng tới Ngày Quốc tế Giới trẻ năm 2011 tổ chức tại Madrid, thủ đô Tây Ban Nha, với sự hiện diện của vị Cha chung Giáo Hội với đề tài “Được thiết lập và bén rễ sâu nơi Đức Kitô, hãy vững vàng trong đức tin” (x. Cl 2,7).


“Tôi phải làm gì?”, đó là câu hỏi của một chàng thanh niên đặt ra với Đức Giêsu vào một chiều nọ, khi Người vừa lên đường. Anh là một người giàu có, nhưng anh không thấy hạnh phúc bởi lắm bạc nhiều vàng. Mặc dù được thoả mãn những nhu cầu vật chất, anh vẫn cảm thấy tâm hồn trống rỗng và không tìm thấy niềm vui đích thực. Anh thấy cần phải đi tìm những giá trị khác không bị mài mòn bởi thời gian. Anh khao khát tìm những chân trời rộng lớn hơn cho tình yêu của mình. Điều anh tìm kiếm không phải là những giá trị ở đời này, nhưng là gia nghiệp vĩnh cửu, tức là sự sống đời đời. Trong hành trình tìm kiếm đó, anh đã mạnh dạn hỏi Đức Giêsu: “Tôi phải làm gì?”


Câu hỏi trên đây của người thanh niên cũng là câu hỏi của các bạn trẻ thuộc mọi nơi, mọi thời đại. Quả vậy, các bạn trẻ luôn băn khoăn để chọn lựa cho mình một tương lai. Cùng với những lo toan chọn lựa nghề nghiệp, chọn bạn đời, chọn môi trường sống, các bạn trẻ cũng thao thức đi tìm ý nghĩa của cuộc đời, mong dấn thân cho những lý tưởng cao đẹp. Biết bao bạn trẻ trong xã hội chúng ta hôm nay cũng đang đặt câu hỏi: “Tôi phải làm gì? ”


Nhiều bạn trẻ Việt Nam đang được hưởng một cuộc sống khá đầy đủ và sung túc. Họ là những người chưa từng trải qua những cuộc chiến tranh tàn khốc của quá khứ. Họ cũng không có kinh nghiệm về những năm tháng khó khăn của thời bao cấp, thời mà mọi người phải xếp hàng cả ngày để mua lương thực thực phẩm với số lượng hạn chế. Thiếu hiểu biết về quá khứ và thiếu kinh nghiệm thực tế, nhiều bạn trẻ đã sống buông thả, phung phí tiền bạc, sức lực, thời gian và thiếu quan tâm đến người nghèo. Có những cậu ấm cô chiêu thời hiện đại đã sẵn sàng chi phí món tiền khổng lồ cho những cuộc ăn chơi. Số tiền họ chi trong một đêm bằng người nghèo tìm kiếm bươn chải trong nhiều năm tháng. Trong khi nhiều bạn trẻ có đời sống khá đầy đủ thì lại có nhiều bạn khác phải mưu sinh trong những công việc vất vả mà không đủ sống, trước một tương lai mờ nhạt bấp bênh.



Để trả lời cho câu hỏi của chàng thanh niên đang kiếm tìm chân lý, Đức Giêsu đã dẫn đưa anh về với giáo huấn của Thập Giới (mười điều răn) được ghi trong Thánh Kinh, cụ thể là hãy tôn trọng và yêu mến tha nhân, báo đáp công sinh thành của cha mẹ. Theo Đức Giêsu, con đường dẫn tới “gia nghiệp đời đời” thật đơn giản, khởi đi từ những hành động rất gần gũi với đời thường. Nói cách khác, con người có thể đạt tới hạnh phúc đời đời từ một lối sống tốt lành đối với anh chị em mình. Họ có thể đến với Chúa qua những việc tốt lành họ làm cho tha nhân. Chàng thanh niên cũng được giới thiệu như một người tín hữu đạo đức truyền thống, tức là vẫn cặn kẽ tuân thủ các giới răn đã được dạy từ thuở nhỏ. Xem ra anh cũng chưa thỏa mãn với những thực hành đối với anh có vẻ máy móc này. Thánh sử Máccô đã ghi lại một cử chỉ thân thiện của Đức Giêsu đối với chàng trai nọ: “Người đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến”. Chính với cái nhìn thân thương trìu mến này mà Người đề nghị anh tiến xa hơn những công việc bác ái với tha nhân, đó là lời đề nghị từ bỏ. Lời đề nghị từ bỏ không dễ dàng được đón nhận.
Các bạn trẻ thân mến,
Chúng ta vinh hạnh được sống trong một đất nước không còn chiến tranh. Tuy vậy, cuộc sống đời thường đòi buộc chúng ta phải không ngừng chiến đấu để có thể đạt tới gia nghiệp vĩnh cửu. Chúng ta phải chiến đấu để chống lại sự gian dối đang hoành hành nơi số đông các bạn trẻ; chống lại thế lực của sự ác đang đè nặng nơi những bạn trẻ nghiện ngập, những bạn sống bằng nghề bất chính; chống lại thế lực của tối tăm đang có nguy cơ gia tăng trong xã hội Việt Nam chúng ta. Nếu chúng ta không giàu có như chàng thanh niên trong Tin Mừng để có thể “bán những gì mình có mà cho người nghèo”, thì chúng ta lại luôn có thể chia sẻ cho anh chị em mình tình thân thiện, nụ cười, sự quảng đại giúp đỡ, lòng bao dung tha thứ hay lời động viên an ủi.


Một sự từ bỏ lớn nhất và khó nhất là từ bỏ chính bản thân mình. Người ta có thể từ bỏ của cải, danh vọng, quyền lực, nhưng từ bỏ chính mình lại là một điều rất khó khăn. Tuy vậy, từ bỏ chính mình là sự từ bỏ căn bản nhất. Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, tác giả cuốn “Đường Hy vọng” đã viết: “Nếu con từ bỏ mọi sự mà chưa từ bỏ chính mình thì cũng giống như con chưa từ bỏ gì cả, vì chính mình con sẽ dần dần quơ góp lại những gì con bỏ trước” (ĐHV số 3). Từ bỏ bản thân cụ thể đối với chúng ta hôm nay là đón nhận anh chị em mình trong những khác biệt về tuổi tác, quan điểm hay nghề nghiệp, để sẵn sàng đón nhận ý kiến của người khác, vì ích lợi chung.
Với giọng văn đượm buồn, tác giả Máccô cho biết chàng thanh niên hôm ấy đã nhụt chí trước lời mời gọi từ bỏ của Đức Giêsu. Vâng, chính chúng ta hôm nay cũng đã nhiều lúc nhụt chí trước những đề nghị của Tin Mừng. Chúng ta hãy đến với Chúa trong tình yêu mến và những quyết tâm cụ thể để làm mới lại hành trình theo Chúa của mình. Ước mong mỗi bạn trẻ chúng ta, khi thực sự nghiêm túc đặt câu hỏi “Thưa Thày nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” sẽ tìm được hướng đi đúng do Chúa Thánh Thần soi sáng cho chúng ta.

+ Gm Vũ Văn Thiên

Các chủ đề tương tự trong chuyên mục này: