Sự Thật Về Quyển Kinh Thánh 1500 Tuổi ở Ankara
Gần đây trên cộng đồng Facebook truyền tay nhau tin tức từ trang “zeronews.us” về 1 bài báo mang tên “Một quyển kinh thánh có tuổi thọ 1500 năm nói rằng Jesus Christ chưa từng bị đóng đinh – Toà thánh Vatican sốt vó“ vậy thì sự thực về nó ra sao ? Xin thưa đây là một quả bắp cải chính hiệu và có lá cải chất lượng cao.
Theo những gì nhà chức trách của Thổ Nhĩ Kỳ và Viện Bảo Tàng Dân Tộc Học Ankara công bố và quan sát cổ vật này qua video clip thì ngôn ngữ được viết trên cổ vật là tiếng Syriac, đây là một phương ngữ Aramic, mà hiện nay dần là một tử ngữ, hiện chỉ sử dụng ở một làng nhỏ gần Damacus. Trong bài báo kia khi chuyển dịch sang tiếng Việt thì có lẽ sử dụng các chương trình dịch tự động hoặc có ý đồ xấu đã nói rằng cổ vật này sử dụng tiếng Aramic.
Một điểm rất đáng buồn cười của bài báo này là câu : “Cuốn sách này gọi Thánh tông đồ Paul là một kẻ mạo danh cũng như xác định rằng Jesus đã thăng thiên khi còn sống và người bị đóng đinh là Judas Iscariot”. Vậy ta thử nghĩ xem nếu Đức Jesus không phải là Thiên Chúa thì sao lại thăng thiên ? Vậy là chính cổ vật này cũng không phủ nhận bản tính Ngôi Hai Thiên Chúa của Người.
Điểm sai thứ ba của bài báo này là việc đề cập đến Hội Đồng Nicea, thức chất đây là Công Đồng đầu tiên của Hội Thánh Công Giáo, Công Đồng Nicea. Việc xác nhận Quy Điển Thánh Kinh (Canonicis Scripturis) gồm 73 sách thực sự không diễn ra ở Công Đồng Nicea năm 325, mà thực sự được tuyên tín vào thời Công Đồng Tridentine vào phiên họp thứ tư vào ngày 8-4-1546. Sự thiếu hiểu biết về Công đồng Nicea làm cho người ta nghĩa rằng chính Công Đồng này can thiệp vào Bộ Thánh Kinh, thực chất là từ trước đó đã có những Quy Điển Thánh Kinh như của Giám Mục Melito miền Tiểu Á năm 170, Giáo Phụ Origen miền Alexandria năm 240 được Giáo Phụ Eusebius miền Caesarea chép trong “Ecclesiastical History” viết năm 324. Riêng về phần Tân Ước, đặc biệt là các sách Tin Mừng thì quy điển của 3 Giáo Phụ Athanasius (296 A.D), Origen (185 A.D.), Irenaeus (130 A.D.) hoàn toàn giống nhau về 4 sách : Matthêu, Marco, Luca và Gioan. Ngoại trừ trong giáo phái của Marcion (85 A.D.) khác biệt là chỉ có sách của Luca, điều này cũng không khó hiểu bởi vì Marcion là phái Ngộ Đạo nên không liên kết với Hội Thánh Công Giáo và thời gian này thì Tin Mừng theo Gioan vừa ra đời và chưa phổ biến.
Riêng về những khảo sát trên cổ vật, các nhà nghiên cứu người Hồi Giáo cho biết có thể đọc dòng chữ sau (đã được chuyển sang bảng chữ hệ Latin) trên cổ vật :
“b-shimmit maran paish kteewa aha ktawa al idateh d-rabbaneh d-dera illaya b-ninweh b'sheeta d-Alpa w-khamshamma d-maran”
“ In the name of our Lord, this book is written on the hands of the monks of the high monastery in Nineveh, in the 1,500th year of our Lord.”
Dịch: Nhân danh Chúa chúng ta, cuốn sách này được chép trên tay của các tu sĩ nơi Tu Viện vùng Thượng Ni-ni-vê, trong năm thứ 1500 của Chúa chúng ta”
Nineveh là thủ đô của Assyria cổ xưa và nằm ở hiện nay ở phía bắc Iraq, gần Mosul. Nhiều lỗi chính tả trong câu này đã gây nên sự chú ý ngay lập tức cho các nhà nghiên cứu. Cụm từ “b-shimmit maran (In the name of our Lord - Nhân danh Chúa chúng ta), được viết sai là chữ 't' thay vì là chữ 'd'. Trong ngôn ngữ Assyria, chữ ‘d’ nghĩa là thuộc về, là tiền tố cho một từ phía sau. Đúng ra phải viết là b-shimma d-maran , không phải b-shimmit maran, có thể so sánh với cụm từ cuối cùng của câu này : d-maran (of our Lord - của Chúa chúng ta).
Từ đầu tiên cũng có một lỗi chính tả. Đúng chính tả cho "tên" trong ngôn ngữ Assyria là ashma , với ‘a’ là một âm lặng. Vì vậy, khi viết đúng chính tả, " Nhân danh Chúa chúng ta " cần phải được viết là b-ashma d-maran .
Từ idateh cũng viết sai chính tả, nó cần được kết thúc với một chữ 'a', idata . Khi viết là “al idateh” (trên tay) là không chính xác, cần phải viết là “b-idata” (bởi bàn tay).
Phía dưới của cổ vật có chép từ ktawa (sách), nhưng trong ngôn ngữ Assyrian Kinh Thánh không bao giờ được gọi là một "cuốn sách". Người ta sử dụng các từ awreta (Cựu Ước), khdatta (Tân Ước), hoặc ktawa qaddeesha (Sách Thánh). Điều này có thể tham khảo thêm ở các bản dịch Thánh Kinh sang tiếng Syriac (Diatessaron) hoặc ở các phiên bản Curetonian là các mảnh của các sách Tin Mừng tìm thấy năm 1842 từ sa mạc Nitrian ở Ai Cập, và lưu trữ trong Bảo tàng Anh từ năm 1847; hoặc Sinaitic Syriac tìm thấy trong tu viện của Catherine trên núi Sinai bởi bà Agnes S. Lewis và em gái bà Margaret D. Gibson năm 1892.
Một điều đáng kể là như quyển sách cho biết nó viết “trong năm thứ 1500 của Chúa chúng ta” thì niên đại của nó vào đầu thế kỷ 16 thì làm sao gọi là 1500 năm tuổi ? Vấn đề đáng lưu ý trong văn chương mà cổ vật thể hiện là thứ ngôn ngữ Assyria hiện đại, vốn được chuẩn hoá vào năm 1840 và Kinh Thánh tiếng Assyria chuẩn được xuất bản năm 1848. Lý ra với niên đại thế kỷ 16 thì nó phải thể hiện là ngôn ngữ Assyria theo lối cổ. Người ta có thể đặt nghi vấn cổ vật này được giả mạo vào cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 dựa trên phương pháp phân tích ngôn ngữ này.
Đồng thời nội dung viết trên cổ vật đề cập đến Tin Mừng theo Barnabas cũng không phải là điều mới. Hai bản thảo đầy đủ của tác phẩm Nguỵ Thư này tồn tại trong hai ngôn ngữ Ý Đại Lợi và Tây Ban Nha trong một số bản thảo tìm thấy cuối thế kỷ 16. Các thư tịch cổ đề cập đến nó sớm nhất là vào cuối thế kỷ thứ 5 trong “Decretum Gelasianum” bằng tiếng Latin và trong thế kỷ thứ 7 với tác phẩm tiếng Hy Lạp “Synopsis Scripturae Sacrae” của Anastasius núi Sinai, người ta thường biết đến dưới cái tên “Danh Sách Sáu Mươi Sách” (List of the Sixty Books). Tin Mừng theo Barnabas cần được phân biệt rõ với “ Bức Thư của Barnabas “ được viết quãng thế kỷ thứ 2 tại Alexandria. Bởi vì Tin Mừng theo Barnabas được đánh giá là được viết bởi một tác giả thông thuộc Thánh Kinh và Kinh Qur’an (cf. John Toland 1670-1722). Và điều này phải xảy ra sau năm 630 là năm tiên tri Muhammad khải hoàn tiến vào thành phố Mecca đánh dấu sự ra đời của Hồi Giáo. Vậy là nó cũng cách xa thời Công Đồng Nicea mất 3 thế kỷ.
Như thế có thể thấy rằng cổ vật tại bảo tàng Ankara không phải là điều, mà những cái bắp cải to đùng của giới truyền thông thổi phồng, phải làm Toà Thánh Vatican “sốt vó” hay “lao đao”. Ngược lại nó chứng thực một điều là Hội Thánh luôn bị công kích không ngừng 2000 năm nay, một điều mà với các định chế của loài người không thể nào đứng vững, nó càng làm sáng tỏ hơn rằng Hội Thánh là của Thiên Chúa và sẽ tồn tại mãi cho đến tận thế để chờ đón cuộc Quang Lâm huy hoàng của Hôn Phu mình là Đức Kitô.
Dom.NTP 7-5-2014
Đối chiếu : https://www.zeronews.us/2014/05/mot-quyen-kinh-thanh-co-tuoi-tho-1500.html?fb_action_ids=735706526449931&fb_action_ types=og.comments&m=0
Tham khảo :
Assyrian International News Agency : https://www.aina.org/news/2012022916569.htm
Các chủ đề tương tự trong chuyên mục này:
- Ông Xa-ra-xa-đai là ai ?
- Tầm Quan Trọng Của Luật
- Maria - Mẹ là Nữ Trinh muôn đời !
- Tay Trái - Tay Phải Của Ngày Xưa Và Hôm Nay
- Bí mật của bánh chưng xanh
- Gửi cái bao tử của huynh Tin Yêu Ca
- Rước Lễ trên tay và trên miệng : chút suy tư qua 1 bức tranh.
- Mười ba con ma : Tỷ
- Buồn Tình !
- Habemus Papam (2013)