THIÊN CHÚA ĐẾN ĐỂ CỨU CON NGƯỜI KHỎI TỘI


CHỦ ĐỀ ĐƯỢC ĐỀ NGHỊ CHO LỄ GIÁNG SINH 2010

Lễ Giáng Sinh lại sắp đến!
Các khách sạn, nhà hàng, siêu thị, quán cà-phê, tiệm sách nhất là tiệm sách công giáo đã được trang trí với đèn sao lấp lánh.
Các nhà thờ cũng đang chuẩn bị hang đá máng cỏ sao cho thật hoành tráng và lộng lẫy. Các hội đoàn đang tất bật chuẩn bị quà Giáng Sinh cho các ông bà già, trẻ mồ côi, người khuyết tật, bà con vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc ít người.
Cũng trong thời điểm này, các bà nội trợ mỗi lần xách giỏ đi chợ lại phải nhăn mặt lắc đầu vì giá cả leo thang từng ngày.
Trầm trọng hơn nữa là các tệ nạn tham nhũng, phá thai, trộm cướp, lừa đảo vẫn tràn lan trong xã hội. Lạm phát mỗi ngày một gia tăng, đồng tiền mỗi ngày một mất giá.
Hố ngăn cách giữa giầu nghèo mỗi ngày một trầm trọng.
Đại hội Dân Chúa của Hội Thánh Việt Nam đã kết thúc mà không đem lại niềm phấn khởi và hy vọng cho một sự canh tân sâu rộng và triệt để trong Hội Thánh và một sự tác động tích cực trên xã hội.
Trong bối cảnh phức tạp và bất an ấy, chúng ta phải mừng Lễ Chúa Giáng Sinh năm nay như thế nào cho phù hợp với ý nghĩa thánh thiêng của biến cố Thiên Chúa giáng trần?

1. Tội là nguyên nhân của mọi nỗi bất hạnh của con người
Tội là những tư tưởng, lời nói hay việc làm xúc phạm tới Thiên Chúa là Đấng Tạo Dựng vũ trụ vạn vật và muôn loài. Xúc phạm là chối bỏ hoặc phỉ báng Người trong đời sống cá nhân và xã hội
Tội còn là những tư tưởng lời nói hay việc làm xúc phạm tới con người là tạo vật được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, giống như Thiện Chúa. Xúc phạm là làm hại (tinh thần và thể chất) như đàn áp, bóc lột, khinh khi miệt thị phẩm giá và quyền làm người.
Tội có thể là của mỗi cá nhân và cũng có thể là của cả một tập thể, một xã hội.
Tội chẳng những có thể ở trong lời nói, việc làm mà còn có thể ở cơ chế, cấu trúc và chính sách xã hội, như tội kỳ thị lý lịch, sắc tộc, tôn giáo hay chính sách cho phép và khuyến khích phá thai.
Tội đôi khi do thiếu hiểu biết và ý thức. Cũng có khi do yếu đuối. Nhưng luôn do lòng tham (tham tiền bạc của cải, chức quyền, danh vọng, lạc thú, v.v…).
Cụ thể là tội phá thai là tội phá hoại sự sống, vi phạm quyền con người…
Tội tham nhũng, lừa đảo, hàng gian hàng giả, buôn bán trẻ em phụ nữ là do ham mê của cải vật chất và xem thường các giá trị đạo đức.
Tội hãm híếp, mãi dâm là do ham muốn nhục dục và thỏa mãnh xác thịt.
Tội đàn áp dân nghèo là do ham muốn quyền lực trái đạo làm người và lạm dụug quyền bính trong tay.
Tội đàn áp tôn giáo là do hiềm khích đố kỵ đối với người có đạo và chối bỏ Thiên Chúa.
Tất cả mọi thứ tội trên đều đem bất hạnh đến cho con người và xã hội, cho cả kẻ gây ra tội và kẻ là nạn nhân của tội.

2. Tội lại là lý do để Thiên Chúa đến thế gian để cứu con người khỏi tội
Thường thì những người gây nên tội đều biết tội của họ là việc làm xâm phạm đến người khác và xúc phạm Đấng thần linh. Nhưng không dễ gì mà những người ấy có thể thoát ra khỏi cảnh gây tội của mình. Tự sức họ, dường như họ không thể làm việc ấy. Vả lại cảnh vực sống cũng giam hãm họ một cách quyết liệt. Họ cần đến sức mạnh thần linh của Đấng cực thánh mới có thể thắng nổi chính mình và thoát khỏi cảnh gây tội.
Vì chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội và khả năng xóa tội của con người nên Thiên Chúa đã sai Con Một Người đến thế gian.
Khi sứ thần “truyền tin” cho ông Giu-se (trích Phúc âm Chúa Nhật IV Mùa Vọng Năm A) thì ngài đã xác định rõ ràng mục đích của việc Thiên Chúa xuống thế làm người:
"Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ"
(Mt 1,20-21)
Khúc hát của các thiên thần vang dội trên bầu trời Bê-lem:
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”
(Lc 2, 14)
chắc chắn là những lời dành riêng cho các tội nhân được Thiên Chúa thứ tha và xóa tội.

Sau này chính Chúa Giê-su đã khẳng định với người Do-thái:
“Người khỏe mạnh không cần thày thuốc, người đau ốm mới cần… Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”
(Mt 9,12-13)
Chính Người đã tha tội cho anh chàng bại liệt được đem đến với Người ở Ca-phác-na-um:
“Này con, con đã được tha tội rồi.” (Mc 2,5)

Sau này Thánh Phao-lô Tông Đồ cũng nhắc lại với ông Ti-mô-thê là cộng sự thân tín của ngài về mục đích của việc Đức Giê-su Ki-tô đến trần gian:
“Đây là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận: Đức Ki-tô Giê-su đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi.”
(1 Tm 1,15)

3. Các Ki-tô hữu phải là những người đầu tiên được cứu khỏi tội và sống thánh thiện
Được thanh tẩy bởi Phép Rửa nhân danh Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần và hằng ngày được soi sáng, hướng dẫn và bổ dưỡng bằng Thánh Kinh là Lời Chúa, các Ki-tô hữu phải là những người trước tiên được cứu khỏi tội. Nói cách khác là trong tâm hồn và đời sống của các Ki-tô hữu không còn chỗ cho những tư tưởng, lời nói và việc làm xúc phạm tới Thiên Chúa và phương hại tới đồng loại. Cũng có nghĩa là các Ki-tô hữu phải được giải thoát khỏi u mê tăm tối, yếu đuối và nhất là lòng tham (tham tiền bạc của cải, chức quyền, danh vọng, lạc thú v.v…).
Lời Chúa, các Bí tích -nhất là Bí Tích Thánh Thể và Hòa Giải-, Ơn Thánh, Lời Cầu Nguyện, Việc Hy Sinh, Hãm Mình, Phục Vụ là những phương thế cần thiết và hiệu quả giúp các Ki-tô hữu thoát ra khỏi cảnh tội lỗi. Đó chính là con đường nên thánh của các Ki-tô hữu. Công đồng Va-ti-ca-nô II đã dậy:
“Tất cả mọi người trong Giáo Hội đều được kêu gọi nên thánh, như lời Thánh Tông Đồ dậy: “Vì Thiên Chúa muốn anh em được thánh hóa….Chúa Ki-tô, Thầy dậy và mẫu mực thần linh của mọi sự trọn lành, đã giảng dậy cho tất cả và cho mỗi một môn đệ bất luận thuộc cảnh vực nào, một đời sống thánh thiện mà chính Người vừa là Đấng ban phát, vừa là Đấng hoàn tất: Vậy các con hãy trở nên trọn lành như Cha các con ở trên trời” (Mt 5,48). Bởi vậy Người sai Thánh Thần đến với mọi người, để từ bên trong Ngài thôi thúc họ yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn cùng hết sức họ (x. Mc 12,30) và yêu thương nhau như Chúa Ki-tô yêu thương h(x. Ga 13,34; 15,12). Vì thế mọi người đều thấy rõ ràng tất cả các Ki-tô hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Ki-tô giáo và đến sự trọn lành của đức Ái”
(Hiến Chế tín lý về Giáo Hội, số 39 và 40).
Mỗi cá nhân và cộng đoàn Ki-tô hữu cần nhìn xem mình có sống trong cảnh sạch tội và nỗ lực nên thánh không?

4. Các Ki-tô hữu còn được mời cộng tác với Chúa để cứu con người và xã hội khỏi tội tức được Phúc âm hóa
Các Ki-tô hữu không chỉ có trách nhiệm tránh/xóa tội riêng của mình mà còn có bổn phận cộng tác với Thiên Chúa để đầy lùi tội lỗi ra khỏi các tâm hồn và xã hội nữa. Công đồng Va-ti-ca-nô II đã nhấn mạnh đến tính riêng biệt và đặc thù của Ki-tô hữu giáo dân là tính trần thế:
“Vì ơn gọi riêng, người giáo dân có bổn phận tìm kiếm Nước Thiên Chúa bằng cách đảm nhận các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa. Họ sống giữa trần gian, nghĩa là giữa tất cả cũng như từng công việc và nghĩa vụ của trần thế, giữa những cảnh sống thường ngày trong gia đình và ngoài xã hội: tất cả những điều đó như dệt thành cuộc sống của họ. Đó là nơi Thiên Chúa gọi họ, để dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc Âm, như men từ bên trong, họ thánh hóa thế giới bằng việc thi hành những nhiệm vụ của mình; và như thế, với lòng tin cậy mến sáng ngời, và nhất là với bằng chứng đời sống, họ bộc lộ Chúa Ki-tô cho kẻ khác. Chính họ là người có nhiệm vụ đặc biệt phải soi sáng và xếp đặt những thực tại trần gian có liên hệ mật thiết với họ, để chúng không ngừng phát triển và ngày một phong phú hơn lên theo Thánh Ý Đức Ki-tô, hầu ca tụng Đấng Sáng Tạo và Cứu Độ”:
(HC tín lý về Giáo Hội, số 31)
Mỗi cá nhân và cộng đoàn Ki-tô hữu cần nhìn xem mình có sống thánh thiện và đấu tranh đẩy lùi tội ra khỏi các môi trường không?

KẾT LUẬN
Xin đề nghị hai kết luận
Một là đối với các Ki-tô hữu (Công giáo, Chính Thống hay Tin Lành) mừng Lễ Chúa Giáng Sinh trước hết và trên hết là đón nhận Hài Nhi Giê-su là Thiên Chúa đã đến để cứu con người khỏi tội. Đón nhận Hài Nhi Giê-su cũng là tuyên chiến với mọi thứ tội trong đời sống cá nhân và xã hội hôm nay:
tội cá nhân,
tội xã hội,
tội riêng,
tội chung,
tội bất công,
tội đàn áp,
tội bóc lột,
tội phá thai,
tội tham nhũng,
tội lừa gạt,
tội buôn bán trẻ em và phụ nữ,
tội nô lệ quyền lực, của cải, xác thịt,
tội nô lệ lòng tham,
tội hèn nhát,
tội ích kỷ.
Hai là tâm tình các Ki-tô hữu (Công giáo, Chính Thống hay Tin Lành) phải có trong Mùa Giáng Sinh là
tri ân, cảm tạ đối với Thiên Chúa và
yêu thương chan hòa đồi với mọi người, nhất là những người nhỏ bé trong xã hội.
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
Nguồn (https://danchua.eu/2860.0.html)

Các chủ đề tương tự trong chuyên mục này: