“Từ thiện” hay “Gặp gỡ – Chuyển tiếp – Sẻ chia”?
Dạo gần đây, cả trong Giáo hội và ngoài Xã hội, có khá nhiều người đi làm từ thiện. Người đi từ thiện thuộc nhiều thành phần khác nhau như doanh nhân, y bác sĩ, các nghệ sĩ, các hoa hậu, các nhóm xã hội, các đoàn thể, các gia đình, các tín hữu của Phật Giáo, Tin Lành, Công Giáo, v.v.. Trên các báo đài, cũng có những chương trình đề cập thẳng thắn về vấn đề này như “Đi từ thiện để làm gì? Động cơ và mục đích của từ thiện?”. Sau đó, trên mạng xã hội, có khá nhiều ý kiến đồng thuận và trái chiều về vấn đề trên.
Trong phạm vy của một bài suy tư ngắn, người viết chỉ muốn đặt lại ý nghĩa của việc “từ thiện”, và có nên sử dụng hạn từ “từ thiện” cho những chuyến đi “từ thiện” hay không?
Làm “từ thiện” nghĩa là làm một việc từ ái thiện tâm dành cho người nghèo, người đau bệnh, người bất hạnh. Tuy nhiên, người viết có cảm tưởng, trên thực tế, việc làm này như là một hành vi ban phát, làm ơn, bố thí, có khi trục lợi nữa. Thậm chí, nếu suy nghĩ tiêu cực, đi “từ thiện” như là đi tìm sự an ủi giả tạo, tìm cách đánh bóng tên tuổi, tìm sự giải khuây, tìm cách rửa tiền… Nếu hiểu “từ thiện” là như thế, có nên tiếp tục đi từ thiện và có nên sử dụng hạn từ “từ thiện” nữa hay không?
Dưới cái nhìn đức tin Công giáo, “từ thiện” có nghiã là làm việc bác ái có tính xã hội và tôn giáo. Từ thiện làm cho người ta có thêm đức tin, có thêm niềm vui và bình an nội tâm, có thêm sức mạnh để sống đức tin, để thực thi công bình và bác ái như lời mời gọi của Tin Mừng. Bên cạnh đó, từ thiện là một trong những khía cạnh của căn tính người Kitô hữu. Chúa Giêsu hướng dẫn các môn đệ cách sống sung mãn căn tính của mình bằng ba việc làm cụ thể là ăn chay, cầu nguyện và làm việc bác ái (x. Mt 6:1-6.16-18). Người còn khuyên rằng “Anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả” (Lc 6:35). Thực ra, lời khuyên của Chúa Giêsu đã có từ lâu trong Sách Cựu Ước: “Nếu giữa anh em, […] có một người anh em nghèo, thì anh em đừng có lòng chai dạ đá, cũng đừng bo bo giữ của không giúp người anh em nghèo túng, nhưng phải rộng tay và cho vay mượn tất cả những gì họ thiếu” (Đnl 15:7-8). Chúa Giêsu muốn kiện toàn lề luật bằng ý hướng “cho vay mà không mong được hoán trả” khởi đi từ một tình yêu nhưng không.
Tại sao Chúa lại giảng dạy một giáo huấn khá thanh cao và thách đố để thực thi như thế? Phải chăng, đối với giáo huấn của Chúa, mọi sự con người có đều là ân ban, đều là ơn Chúa, đều đến từ Chúa, như Manna rơi từ trời xuống, con người cứ việc hứng và cất đi để dùng dần dần. Ai hứng được nhiều thì có nhiều, và ngược lại. Cho nên, thế giới này luôn có người dư giả, kẻ đủ dùng và người túng thiếu. Ai có dư giả thì san sẻ bớt cho người túng thiếu. Được như thế, chẳng có ai đói và cuộc sống chan chứa tình người. Tuy nhiên, mọi sự đều không thể hoàn hảo, ngay cả sự san sẻ tài sản Chúa ban.
Trong đoạn Tin Mừng Mt 6:1-6.16-18, tiếng Việt dùng từ “bố thí” (Mt 6:2). Thiết nghĩ, hạn từ này không thích hợp với tinh thần vừa nói ở trên, nghĩa là giữa con người với nhau, chỉ có thể là san sẻ những gì mình có cho nhau mà thôi. Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền bố thí cho con người. Thế nhưng, Thiên Chúa có lẽ chẳng bao giờ muốn bố thí đâu! Người chỉ muốn trao ban hoặc trao tặng mà thôi. Hơn thế nữa, Người còn muốn san sẻ mọi vinh quang, danh dự và uy quyền cho con người nữa (Tv 8:6-7; Ga 13:8; Dt 2:5-12). Khi đối chiếu hạn từ “bố thí” được chuyển dịch trong Thánh Kinh tiếng Việt với bản Thánh Kinh tiếng Anh và tiếng Latin, người viết nhận thấy bản tiếng Anh và tiếng Latin có một chút khác biệt. Bản tiếng Anh của Sách Thánh Kinh bản quốc tế (New International Version) dịch từ “bố thí” là san sẻ hoặc trao tặng cho người túng thiếu (give to the needy). Bản Latin Vulgate thì dùng từ “elemosyna” (elemosynam) cho từ “bố thí”. Có thể hiểu hạn từ “elemosyna” là dâng tặng cho Giáo Hội (gifts to the Church), hoặc làm phuớc (alms), hoặc từ thiện (mercy), hoặc san sẻ lòng thương xót (pity) cho người khác. Với một sự đối chiếu nho nhỏ nói trên, người viết cảm thấy không nên dùng từ “bố thí”, mà nên dùng từ “làm việc bác ái”, hoặc “san sẻ lòng thương xót Chúa cho người khác” vì Thiên Chúa đã thương xót bản thân mỗi người chúng ta cách cá vị, v.v..
Như thế, “từ thiện” không đơn giản là ban phát, là bố thí, v.v.. “Từ thiện” là gặp gỡ, là chuyển tiếp, là sẻ chia. Bởi lẽ, khi từ thiện, chúng ta gặp gỡ đối tượng được từ thiện và san sẻ của cải cũng như tình thương, sự thấu cảm dành cho họ, cho hoàn cảnh túng thiếu, khổ đau của họ. Đôi khi chúng ta chỉ là người chuyển tiếp những món quà của người khác tới họ. Vì lẽ đó, người nghèo khổ, đau bệnh, túng thiếu lại trở thành ân nhân của chúng ta và chúng ta phải mang ơn họ, vì nhờ họ, chúng ta cảm nhận ý nghĩa cuộc đời cách rõ nét, cảm nhận một niềm vui và hạnh phúc, cảm nhận bản thân được đầy đủ về vật chất hơn họ, cảm nhận một Thiên Chúa hóa thân nơi người nghèo cách sống động (x. Mt 25:35-36), cảm nhận Thiên Chúa yêu thương và ưu ái tất cả mọi người dù họ là ai, ở đâu, làm gì.
Hiểu ý nghĩa của “từ thiện”, hy vọng sẽ thay đổi cách “từ thiện” nơi những người thành tâm, và loại bớt đi những điều tiêu cực khi từ thiện như sự khoe khoang, đánh bóng tên tuổi, mua vui, ban phát, bố thí. Người Việt thường nói “của cho không bằng cách cho”. Từ thiện không bằng cách từ thiện. Và giữa con người với nhau, không có ai cho ai cái gì, cũng chẳng có ai từ thiện cho ai, nhưng chỉ đơn thuần là một sự gặp gỡ thân tình, tôn trọng và cảm thương, để chuyển tiếp và san sẻ những gì mình có cho người đang túng thiếu, đau bệnh, bất hạnh… mà thôi. Qua đó, mọi người nhận ra Thiên Chúa đang hiện diện cách sống động nơi họ, nhận ra tất cả mọi người đều là anh chị em của nhau, đều có mối tương quan với nhau, đều có trách nhiệm trước sự đau khổ, nghèo đói, bệnh tật của người anh chị em mình.Mùa Chay năm 2017Giuse BCD
Nguồn: https://dongten.net/noidung/68218
Các chủ đề tương tự trong chuyên mục này: