+ Trả Lời Ðề Tài
Hiện kết quả từ 1 tới 1 của 1

Chủ đề: Nhật Ký NKYT 21 Trăng Bình An - Nhung kể

  1. #1
    Mai Cồ's Avatar
    Trạng thái :   Mai Cồ đã thoát
    Tham gia : Jul 2010
    Bài gửi : 681
    Tên Thánh:
    Micae
    Tên thật:
    Đặng Ngọc Bình An
    Đến từ: Ho Chi Minh City, Vietnam, Vietnam
    Sở thích: Nghe nhạc thánh ca
    Nghề nghiệp: Kỹ sư điện tử
    Cảm ơn
    4,308
    Được cảm ơn 6,069 lần
    trong 826 bài viết

    Nhật Ký NKYT 21 Trăng Bình An - Nhung kể

    • Trung Thu có về không con?
    • Dạ, ..con, à không, “tụi con” không về Mẹ ơi! Trung Thu này con lại trốn nhà, trốn Sài Gòn ..Mẹ ạ!
    Nhật ký Nối Kết Yêu Thương 21 – Giới Trẻ Công Giáo

    (Bài cảm nhận mang cảm xúc và cái nhìn có phần chủ quan).


    Cháu kể anh chị em nghe, Hành trình “trốn” của “chúng ta”!

    “Tìm nơi trốn”bước chân đầu tiên để chuẩn bị cho Hành trình trốn hoàn hảo đó là tìm một nơi lý tưởng để trốn.Từ những ngày cuối tháng 7, các “cụ” của chúng ta đã mon men tìm chỗ trốn cho các bé rồi! Được giới thiệu và tìm hiểu qua các kênh thông tin - giáo họ Kon Thụp, thuộc huyện Mang Yang- Gia Lai, còn gọi là xã phong cùi, đời sống kinh tế còn khó khăn, các vấn đề sức khỏe, y tế, giáo dục cũng còn sơ sài và thiếu thốn - các cụ nhắm được ngôi làng bé bé Kon Thụp này đây.

    Nghe thôi chưa đủ, anh Trí cùng chú Trung và một vài bạn đã sắp xếp đi tiền trạm, để được tận mắt xem xét tình hình và nắm bắt những thông tin cần thiết. Cháu không thuộc nhóm đi tiền trạm, nhưng các cụ là những tín đồ sống ảo, ấy nên các cụ làm gì, ăn gì, đi đâu đều đem cúng facebook hết, Cháu thấy, Cháu thấy hết,.. Cháu thấy hình ảnh một nhà nguyện lụp xụp không đủ chắn gió đỡ mưa nhưng Thánh giá Chúa Giê-su trên vẫn dang tay như muốn ôm trọn những đứa con của Cha nơi đây. Cháu thấy các em nhỏ ngồi trong nhà nguyện với đôi mắt sáng ngời trên gương mặt ngây ngô, tóc tai lơ xơ không chải, bộ áo quần lem nhem với đôi chân trần lấm đầy đất đỏ quếch nhầy khắp sàn nhà nguyện. Cháu thấy con đường làng đất đỏ trơn bóng, lấm lem, lấm cả thảy những đôi bàn chân bé bỏng của các em. Cháu thấy Vị Chăn Chiên mà Chúa gửi về nơi đây chân chất mộc mạc và nung nấu nỗi niềm đâu đó nơi sâu trong ánh mắt, hẳn còn lo âu nhiều về Con Chiên nơi đây vì đời sống còn quá chật vật. Cháu thấy những đôi vai gánh gùi của các cô dân tộc Bahnah, gánh thức ăn, gánh nươnuộng, gánh cả cuộc sống…!

    Ấy là các cụ quyết định sẽ đem trăng về nơi đây trốn – Kon Thụp (Gia Lai).

    “Lập âm mưu đi trốn”– Tôi luôn xem đây là phần quan trọng nhất của Hành trình!

    Sau chuyến đi tiền trạm, các cụ lớn đã họp để lên chương trình để phân công chuẩn bị, cũng như dự trù mọi kinh phí cho chuyến đi.

    Chị Vân, luôn là chị, chẳng kịp suy nghĩ, chị đồng ý ngay nắm chính Hội chợ. Chị lo nắm những gian hàng trò chơi, bao nhiêu gian hàng, thiết kế trò gì, chơi như thế nào, phần quà cho mỗi gian hàng là gì, dự trù số lượng, phần quà cho mỗi gian hàng. Chị Vân đã phải chuẩn bị mọi thứ cho hội chợ từ cả tháng trước ngày đi chương trình, rồi nào là vé trò chơi, vé xổ số,..

    Nhớ hoài câu của anh Hưng (Mướp) hay hù với anh Trí là có muốn 50 người bị bỏ đói không!?! Thế là cuộc đời nở hoa hay bế tắc, bụng no ấm hay đói meo của cả nhóm được đặt vô tay anh Hưng, ảnh lo tất tần tật các bữa ăn, nội trợ kiêm luôn bảo mẫu, kho thịt, nhổ lông gà,.. à còn nữa, anh Hưng còn kiêm cả đặt xe cộ.

    Và đây là nhân vật im ắng nhưng quyền lực, Chị Đại (chị Tâm Anh). Chị là tổng thu chi mọi hoạt động của nhóm từ trước đến nay, không có chị coi như toi luôn, gặp chị Đại là xòe lúa ra ngay, một là nhận lúa đi mua đồ, hai là nộp lúa đi chương trình, không bàn cãi, quyền lực thế đấy!

    Anh Tún (Thái Tuấn) nắm chính văn nghệ thì rối bời luôn, những ngày đầu lo kiếm người tập các tiết mục văn nghệ thấy anh bấn loạn hẳn ra, kiếm được người thì lại phân chia tiết mục, tìm người biên đạo cho các tiết mục, xong thì lên lịch tập cho phù hợp với mọi người, cái hôm tổng duyệt văn nghệ là anh Tún stress đến nỗi muốn nổi loạn.

    Anh Duy mua và thương lượng tất tần tật các phần quà, món hàng, vật dụng từ lớn tới bé, từ xổ số tới hội chợ, văn nghệ, quà hộ dân, lồng đèn, quà cho hộ dân,..

    Rồi còn cả các anh chị lo khâu truyền thông, sân khấu, hậu cần,viết thư ngỏ, đăng ký thành viên tham gia. Sắp đến ngày đi lại phân chia công việc cho từng thành viên.

    “Vác balô lên đi trốn”- ai cũng chỉ chờ đến phần này của hành trình!!

    Hôm đi chương trình phải nói là ngày Cháu bị các môn trên lớp dí sát gót chân, nhưng mà tự nhủ, ráng đi, ráng đi, ráng ráng xíu thôi, tối nay thôi là bung lụa rồi, mai thôi là thức dậy nơi xa rồi. Loay hoay kiểu gì, Cháu đến muộn lịch trình luôn 20 phút, vẫn là nơi tập kết không thể nào quen thuộc hơn – Trường TH Hà Huy Tập, đối diện bệnh viện Gia Định.

    Leo lên xe thì mọi người đã đến hơn nửa, rôm rả và hứng khởi. Vài phút để kịp hoàng hồn và lấy lại nhịp thở, nhìn qua cửa xe, len lỏi ánh sáng đèn đường xuyên qua tán lá cây, các anh đang chất đồ đạc vào gầm xe, gọi hối thúc người này người kia, rồi thì có các anh chị trò chuyện cười giòn rang, tay bắt mặt mừng, có các anh chị chở đồ đến,…

    Việc của lá là phải xanh, việc của Sài Gòn là đuổi bắt nhau. Tôi luôn bắt gặp tiếng xe ở Sài Gòn, dù là 1 hay 2 giờ sáng, đêm hôm đó cũng vậy, Sài Gòn tấp nập, xe cộ vẫn bắn ngang bắn dọc, tiếng còi gần xa vẫn inh ỏi, ò í e tiếng xe cấp cứu, tiếng các cô rao xôi cúc bánh giò, ..giữa cái chen chúc náo loạn của Sài Gòn, chuyến xe “đi trốn” đã lăn bánh.


    Chiếc xe không thể nào ồn hơn, không thể nào rối bời hơn, hơn 50 con người đua nhau nói, người tìm chỗ, người hồ hởi ôm lấy ôm để nhau, người xếp đồ,.. Sau khi yên ả hơn, Cháu mới kịp phát hiện ra có những anh chị bị bỏ rơi hay gì, nãy mới thấy giờ không thấy trên xe!! Hỏi ra mới biết các anh chị đến để giúp chở đồ và chào mọi người thôi, chứ không đi được,..đâu có, thật ra các anh chị ấy để thân mình ở nhà thôi, chứ tâm hồn đu đeo theo chuyến xe này rồi í chớ!

    Không để bình yên chiếm đóng, các anh chị nhanh chóng bắt đầu chương trình văn nghệ đến tận khuya....

    Yên rồi, tắt đèn ngủ.

    12h đêm, Cháu nghe thấy các anh các chú ở phía đầu xe trò chuyện,
    1h, các anh các chú nhắc lại những chuyến đi NKYT trước,
    2h, còn vài ba tiếng thỏ thẻ trò chuyện,..
    Rồi 3h sáng, vẫn là tiếng trò chuyện ấy,
    Như rằng có hàng ngàn câu chuyện để kể cho nhau, như rằng chỉ đợi đến đêm ấy để nói cho nhau,..

    Rạng sáng 22, xe dừng lại ăn sáng nhà ông bà cố, là người quen của Cha Trực. Tầm giờ đó là giáo dân vừa đi lễ xong, bà cố cũng vừa đi lễ về, bà dẫn mọi người vào nhà để ăn sáng. Chia nhau vệ sinh cá nhân, người thì uống trà, người thì tập thể dục buổi sáng :3. Lúc bước vào nhà sau, Cháu mới thấy gia đình bà cố đã chu đáo chuẩn bị nấu nướng gần xong cả thảy rồi, chỉ chờ mọi người đến.

    Một bữa sáng ấm dạ, với xôi vò đậu xanh ăn kèm muối mè, với chén cháo gà nóng hổi thơm rịn cả mũi, nhấm nháp với ly chè ấm còn phả hơi, tất cả như gói ghém tấm lòng của ông bà cố, như chăm những đứa cháu từ xa về thăm nhà, như một cách thể hiện tình mến thương nhau mà Cha trên trời hằng dạy.. Không muốn chia tay căn nhà ấm của ông bà cố chút nào, nhưng đường tới Kon Thụp còn xa lắm, anh Trí đại diện nhóm nói lời cám ơn và chào ông bà để tiếp tục hành trình.


    Lúc này thì ấm lòng rồi nhỉ, năng lượng nạp đầy đủ, văn nghệ đâu, bắt đầu thôi!! Anh Trí chỉ kịp xin vài giây để nhắc lại bảng phân công nhiệm vụ, không biết có ai kịp nghe phân công không nữa, dứt mic ra là liveshow bắt đầu. Cứ thế, tiếng hát của các anh chị rôm rả rộn ràng không mệt đến tận Kon Thụp.

    Gần tới rồi, Cháu cảm giác gần tới rồi, hình ảnh núi rừng hoang sơ hùng vĩ liên tiếp hiện ra, Cháu thấy những khóm hoa Bixaceae (Hoa cà ri) trắng xinh ven đường, thấy những mảnh ruộng bé bé góp nhặt vài bậc thang, thấy các cô đeo gùi đi bên đường, thấy những ngôi nhà gỗ nép nép giữa cây cỏ, thưa thớt nhau..

    “Tới rồi, mọi người xuống xe giúp xuống đồ đạc nhé!”

    Tầm hơn 10h sáng, xe đã đến được “điểm trốn”. Hình ảnh đầu tiên mà Cháu nhìn thấy khi bước xuống xe, là một bác nông dân, đầu đội nón tròn vành, chân đi ủng, mang bộ đồ lao động, khoác cái áo rằn lính bự thiệt bự, chắc bác này là người bản làng, Cháu nghĩ bụng vậy.

    Anh Trí lướt tới, chìa tay ra bắt “Dạ con chào Cha!”. Vâng, người mà Cháu muốn nhắc đến đầu tiên là Cha xứ Giáo họ Kon Thụp, Cha quả là người chất phát mộc mạc, đấy, ai mà nhận ra Cha lại hòa mình vào cuộc sống ở đây đến như vậy, để gần gũi hơn với các Con Chiên, để trở nên bé nhỏ, để trở nên là người “phục vụ”, là “tôi tớ” như Chúa Giê-su đã dạy.

    Ngay sau Cha, hình ảnh chắc sẽ làm mọi người nhớ mãi, đó là gian nhà nguyện yếu ớt không thể đơn sơ hơn của giáo xứ, chỉ vừa đủ che chắn gió mưa, thiết bị eo hẹp,

    Các anh chuyền nhau chất đồ từ xe xuống, các chị thì gom hết đồ đạc cá nhân của cả xe về chỗ sẽ nghỉ ngơi, nhanh chóng xong để bắt đầu ngay công việc của từng ban.

    Anh Mướp cùng ban Ẩm thực xuống bếp chuẩn bị ngay bữa trưa.



    Chị Vân nhận ban Hội chợ qua nhà sàn để chuẩn bị các gian hàng trò chơi, có các chị gói những phần quà sổ xố,..
    Anh Tún cùng ban Văn nghệ tìm ngay một góc để dợt lại những tiết mụ. Còn lại là các anh dựng và trang trí sân khấu cho đêm văn nghệ.

    Giữa lúc mọi người làm việc của mình, chắc hẳn ai cũng bắt gặp những ánh mắt hết sức bỡ ngỡ của các em nhỏ nhỉ? Các em ngồi khắp những bậc thang gỗ ở nhà sàn nhìn các chị vẽ hình hội chợ, các em cũng ngồi chò hõ chống cằm xung quanh các anh chị dợt văn nghệ, các em cũng loay hoay nhìn ngó các anh thiết kế sân khấu, hẳn là rất tò mò hóng xem sắp có điều gì xảy ra!


    Đã đến giờ ăn trưa, anh Mướp cho ăn gì đây? Dở tay vào ăn để còn lấy sức, lấm tấm mồ hôi, nhưng mọi người vẫn rộn rã tiếng nói tiếng cười. Bữa trưa anh Mướp nấu thịt kho trứng, rau luộc và lấy nước luộc làm canh. Nom không có gì đặc sắc cho bữa trưa nắng nóng nhỉ? Vậy mà đó là bữa cơm Cháu ăn đúng ngon miệng nhất trong chuyến đi, mọi người ăn rất ngon miệng và tấm tắc khen nhau. Bữa cơm ngon là bữa cơm được nấu bằng sự cẩn thận chu đáo, là bữa cơm sau khi làm việc mệt, là bữa cơm với những người anh em cùng chung niềm hạnh phúc.


    Sau bữa cơm, đâu lại vào đấy, mọi người trở lại với công việc đang dở tay của mình.



    Mới hơn 2h chiều là các em nhỏ đã tới đông xung quanh khu vực hội chợ rồi, mùi cá viên chiên bắt đầu xông lên mũi. Nhưng chưa đâu, bây giờ là việc khác!

    Cháu lủi từ ban văn nghệ ra hóng hớt bên ngoài, dân bản làng đang xếp hàng để chờ nhận quà. Vai điệu em bé, vai thì đeo gùi, làn da ngăm rám nắng, cổ đeo chuỗi Mân Côi, quần áo lấm tấm màu đất đỏ, chân dép chân lại không dép. Điều mà Cháu phải nán nhìn, đó là họ đứng vòng tay như đi nhà thờ, họ nghiêm trang và sợ sệt như kiểu sắp được nhận lãnh những điều thật cao quý. Mỗi phần quà nhóm tặng chỉ là một thùng mì gói và một chút tiền quà nhỏ, ấy vậy mà người bản làng xem thật đáng quý, phải chi nhóm có thể cho nhiều hơn nữa, hơn nữa,..

    Đến giờ rồi, Hội chợ ơi!

    Các em nhỏ đến thật đông, bạn Lele nhận nhiệm vụ điều khiển và sinh hoạt với các em để phát phiếu hội chợ. Các em thật đáng yêu, lăn tăn hóng hớt, nhìn quanh khắp các gian hàng, các em bây giờ chỉ biết tò mò xem các trò này là thế nào thôi, có khi còn chẳng nghe được Lele nói gì, ôi trẻ con thật thích thế!Một tiết mục khá bất ngờ mà Cha xứ mang đến cho Hội chợ, mở màn là 30p múa lân rất điệu nghệ, tươi vui, tiếng trống lân cắc tùng như mang mỗi người trở về trẻ nhỏ, với quê nhà.

    Múa lân xong các em bắt đầu chơi hội chợ với các gian hàng trò chơi, vậy là bao nhiêu tò mò được thõa mãn, các em háo hức chơi các trò chơi và nhận quà. Cháu không đứng hết các gian trò chơi mà được phân công đứng hỗ trợ xếp hàng ở gian trò thảy banh vào lọ, kế bên là gian ẩm thực.


    Nhìn thấy các em đưa lấy cả hai tay cầm cây cá viên chiên, ăn từng miếng một vì sợ hết nhanh đi, cháu không khỏi nghẹn ngào, vì đây chỉ là món ăn vặt ven đường hay thấy ở Sài Gòn, nhưng nó lại trở nên ngon lành và lạ lẫm với các em đến thế.



    Chưa hết hội chợ nhưng cháu phải trở lại với ban văn nghệ để chuẩn bị cho đêm chương trình, tiếc mãi vì không có nhiều cơ hội gần các em như các ban công tác khác.

    Bao nhiêu tập tành 2 tháng qua sắp được bung lụa, đêm văn nghệ cuối cùng cũng đến rồi!Các em đã ngồi ngay ngắn dưới sân khấu vừa ăn những phần bánh kẹo nhận được, vừa hóng những tiết mục văn nghệ, các anh chị thì cứ nhả từng đoạn từng đoạn mở mở dạo, làm các em tò mò lại càng tò mò.

    Các tiết mục văn nghệ bắt đầu diễn ra, bên cạnh các tiết mục, còn có đan xen xổ số trúng thưởng và sự góp mặt của các em nhỏ nơi đây với rất nhiều tiết mục hết sức đáng yêu!

    Vâng, Tây Nguyên hùng vỹ, Tây Nguyên đại ngàn – vùng đất của những núi rừng, ngọn thác, con suối, của những người dân tộc chân chất hiền hòa, là những âm thanh của núi rừng, là tiếng cồng chiêng cuốn hút say đắm, âm thanh của cồng chiêng không chỉ đơn thuần là tiếng nhạc mà còn là sợi dây kết nối mọi người lại với nhau, kết nối các cộng đồng dân tộc lại với nhau một cách linh thiêng. Và dân bản làng đã đem tặng nhóm một món quà quý báu như thế đấy! Một tiết mục cồng chiêng vang vọng núi rừng với loạt nhạc cụ rất nhiều món và nhiều người hòa lại với nhau, các cô mang váy thổ cẩm nắm nay nhảy điệu nhảy của núi rừng, các anh chị trong nhóm cũng nắm các cô, bước chân cùng vũ điệu cồng chiên, điệu nhảy của sự hòa tan, điệu nhảy mang họ và nhóm xích lại gần nhau hơn.

    Sau tất cả các tiết mục là phần ý nghĩa nhất của đêm Trung thu, rước đèn! Khi mọi ánh đèn sân khấu tắt hết để nhường chỗ cho ánh trăng đêm rằm, nhường cho những ánh sáng của những chiếc lồng đèn. Màu vàng của ánh trăng, màu vàng của ánh sáng lồng đèn, màu vàng của những chiếc áo Nối Kết Yêu Thương của nhóm Giới Trẻ Công Giáo, màu biểu tượng cho phục vụ, hạnh phúc, ánh sáng và sự ấm áp.


    Vừa ngay kêt thúc đêm hội thì trời đổ mưa lớn, như cách núi rừng nơi đây ưu ái cho cả nhóm vậy, trời chỉ đổ mưa sau khi đêm hội hoàn tất, chỉ vừa kịp chạy nhanh để thu dọn sân khấu lại. Mọi người chắc cũng rã mệt, ngồi nghỉ chút thôi để vệ sinh cá nhân và ăn tối.
    Ngủ chưa, mọi người mệt rồi thì đã đi ngủ chưa?? Chưa nhé! Dân buôn làng nơi đây thật hiếu khách và dễ mến đến lạ lùng, giao lưu văn nghệ và chuẩn bị thức ăn khuya cho nhóm, mọi người đàn hát những ca khúc của núi rừng, giữa tiếng côn trùng rí rí râm ran và cái se se lạnh của Gia Lai, bên cạnh là bình rượu cần làm ấm lại cuốn họng.


    Ít dần ít dần những tiếng nói rôm rả trên bàn, mọi người cũng chắc đã mệt đến rã rời, ai nấy tìm cho mình một giấc ngủ…
    Gia Lai hơi se lạnh những ngày cuối thu, tinh mơ còn rả rít hơi sương, cháu thích cuộn mình nơi không gian như thế, nơi gian phòng phảng phất mùi gỗ và cây cỏ xung quanh, nghe tiếng chim chíu chít vui tai, như một cách tự thưởng an yên cho mình! Cha ưu ái dâng riêng cho nhóm Thánh lễ Chúa Nhật vào lúc 6h sáng, Thánh lễ dâng ngày, Thánh lễ tạ ơn vì mọi bình an và suông sẻ mà Chúa đã ban.

    “Đi thật xa để trở về”

    Sau Thánh lễ, mọi người ăn sáng và chào Cha để ra về.Chẳng muốn về tẹo nào, mới tới mà lại phải về, nhưng chặn đường để về lại Sài Gòn không ngắn, phải ngồi xe gần 12 tiếng mới đến được nơi, nên phải nén lòng lại thôi!

    Những cái ôm chạnh lòng, những ánh mắt trông theo, những cái vẫy tay chẳng muốn dứt, dân buôn làng và cả các em nhỏ đều đến để chào tạm biệt nhóm, càng làm nhóm chẳng muốn lên xe về Sài Gòn xíu nào.

    Xe lăn bánh rồi, đừng lưu luyến hơn nữa tâm hồn tôi à! Hãy để đó những lưu luyến, gửi họ vào những lời kinh cầu, cầu chúc mọi người nơi đây, một đời an yên hạnh phúc trong vòng tay đỡ nâng của Thiên Chúa!

    Có ai để quên gì không? Chết, cháu lại để quên rồi, não cá vàng đến thế là cùng, lần nào cũng quên.!! Cháu lại “để quên tâm hồn” lại Kon Thụp mất rồi!

    Thôi nào! Giờ là lúc chúng ta tự thưởng cho mình, tự thưởng cho nhau, đến lúc chúng ta chơi Trung thu rồi, trung thu trên chuyến xe đi trốn, nghe thú vị nhỉ? Loạt những ca khúc hit bắt đầu lên sóng, có những anh chị rời hẳn ghế để nhảy để quẩy bung lụa ngay lối giữa, này là đọc rap, là hát, này là guitar, là những câu chuyện đùa, đùa từ những “cụ” ế nhất nhóm, đùa đến tận các anh tài xế, rộn ràng suốt cả chặng đường.

    Bữa trưa, nhóm ghé lại nhà chị Uyên (chị Song Ngư), một thành viên của diễn đàn, và cũng là thành viên có tham gia chương trình lần này. Gia đình chị ấy chuẩn bị bữa trưa rất chu đáo và tươm tất, khi xe vừa đến và đã có cơm trưa ăn ngay, lại có cả khuyến mãi thêm vườn trái cây, mọi người cũng được dịp ghé thăm nhà của chị Uyên.


    Sau bữa trưa, mọi người lại tiếp tục hát hò trên xe cho đến lúc về tới Sài Gòn…

    Lại sắp tới Sài Gòn rồi, lại tiếng còi xe inh ỏi, lại tấp nập xe cộ, lại chen chúc nhau nữa rồi. Anh Trí thông báo cho mọi người sắp đến nơi, chẳng ai reo hò như lúc thông báo đến Kon Thụp nhỉ, trầm hẳn, do mệt hay do chẳng ưa về nhỉ, anh Trí nói lời cám ơn đến các thành viên và đọc kinh tạ ơn Chúa vì một hành trình bình an, đi đến nơi về đến chốn.

    “Dư âm hành trình”- Mọi người tạ ơn Chúa vì mọi bình an và cám ơn nhau!

    Sáng ra thấy tim đập tang tang, lướt facebook là hơn 30 cái thông báo, lướt newfeed chỉ thấy một màu vàng! Ôi yêu thế, yêu chúng ta thế! Mọi người tạ ơn Chúa vì mọi suông sẻ Ngài ban cho hành trình, kể cho nhau nghe về chuyến đi, viết lên những cảm nhận của mình và chia sẻ cho nhóm, niềm nở cám ơn nhau vì một Trung thu đầy ý nghĩa.

    Cháu thì chỉ đợi đến hôm sau để được về quê, mong mỏi của đứa con đi học xa nhà thôi mà, cũng 7 cái trung thu rồi chưa có cơ hội về với gia đình. Mẹ đưa đẩy: “Ba mi ơi, con gái ba mi về rồi tê, giờ mới chịu về.” Chờ có thế, chờ tôi về để cùng có cái tết Trung thu quây quần. Chiều đi lễ, Cha xứ dưới quê Cháu gọi lại bảo: “Trung thu này không thấy con về, chắc con lại đem Trung Thu của mình đi đâu đó, Cha để dành Trung Thu cho con đây!”, Cha nói xong thì đưa cho Cháu một cái bánh Trung thu! Quào, đây là món quà Trung thu đầu tiên và duy nhất của Cháu năm này đấy! À, lại sai rồi, quà Trung thu lớn nhất năm nay Cháu được nhận sớm hơn 1 ngày cơ, là những nụ cười của các em nhỏ ở Kon Thụp, sau còn nhận những lời cám ơn nhau của các anh chị nhóm Giới trẻ, nhận thêm những ôm ấp mong chờ của gia đình, nhận thêm cả những để dành của Cha xứ!

    Kỳ diệu thay, khi chúng ta dám mở lòng ra để cho đi, thì người đầu tiên nhận được sự cho đi của chúng ta không ai khác, lại chính là bản thân chúng ta. Thánh Phanxicô Assisi đã nói rằng: “Chính lúc cho đi là khi lãnh nhận”. Thế nên, khi chúng ta biết cho đi là khi chúng ta nhận lại từ chính mình. Thật vậy, cuộc sống là một quá trình trao tặng và đón nhận không ngừng. Có rất nhiều thứ chúng ta có thể trao tặng cho người khác, đâu nhất thiết chỉ là của cải vật chất, nó có thể là một lời khuyên, một trải nghiệm, một lời nói chân tình, một ánh mắt thiện cảm, hay thậm chí là một nụ cười đôn hậu, một cái nắm tay. Những hành động chia sẻ đó thể hiện tấm lòng yêu thương của chúng ta dành cho mọi người. Và chắc chắn chúng ta cũng sẽ đón nhận được không ít những điều tuyệt vời bắt nguồn từ sự cho đi cao đẹp này.

    Tết Trung Thu năm nay của Cháu là 2 ngày trốn lên “Kon Thụp” cùng Giới Trẻ Công Giáo!Còn các anh/chị/em thế nào, Tết Trung Thu của các anh/chị/em thú vị chứ?

    Tết Trung Thu năm sau chúng ta cùng “đi trốn” với nhau nhé!!

    Sài Gòn, ngày 29 tháng 09 năm 2018
    Trương Tuyết Nhung
    Gioitreconggiao.org

    Các chủ đề tương tự trong chuyên mục này:


  2. 2 thành viên đã cảm ơn Mai Cồ vì bài viết này:

    allihavetogive (06-10-2018),Honesty (06-10-2018)

+ Trả Lời Ðề Tài

Chủ đề tương tự

  1. Trả lời: 10
    Bài mới gửi: 08-10-2017, 10:19 PM
  2. Cùng Chung Tay Hỗ Trợ Chương Trình NKYT 12 : Trăng Thu K'Nai
    By anhnguyen in forum Nối Kết Yêu Thương
    Trả lời: 17
    Bài mới gửi: 05-10-2015, 08:00 AM
  3. Trả lời: 1
    Bài mới gửi: 02-10-2015, 12:08 PM
  4. BCTC - NKYT IX - Trăng Thu Hòa Bình (ngày 6 & 7 /9/2014)
    By anhnguyen in forum Nối Kết Yêu Thương
    Trả lời: 0
    Bài mới gửi: 20-09-2014, 03:05 PM
  5. Nhật kí NKYT IX : Trăng Thu Hòa Bình
    By An Vi in forum Nhật ký NKYT
    Trả lời: 6
    Bài mới gửi: 13-09-2014, 10:50 AM

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình