+ Trả Lời Ðề Tài
Hiện kết quả từ 1 tới 1 của 1

Chủ đề: Con đường thương khó, khó thương ?

  1. #1
    Trạng thái :   JB. Sĩ Trọng đã thoát
    Tham gia : Aug 2011
    Bài gửi : 464
    Tên Thánh:
    Gioan Baotixita
    Tên thật:
    JB. Hoàng Trọng Sĩ
    Đến từ: Giáo Xứ Chánh Tòa - Xuân Lộc (Đồng Nai)
    Sở thích: đọc sách, du lịch
    Nghề nghiệp: Giáo viên
    Cảm ơn
    3,637
    Được cảm ơn 2,936 lần
    trong 480 bài viết

    Con đường thương khó, khó thương ?

    Sau chuyến hành hương Tà pao, đi cùng MK và một em học trò, không hiểu sao tôi lại suy nghĩ về con đường Thập giá ? Tôi có nói rằng tôi viết một bài suy niệm với tựa đề "Con đường thương khó, khó thương". Qua ánh mắt em học trò tôi thấy có vẻ hơi ngạc nhiên. MK lại nghi ngờ sợ tôi viết không đúng, nàng nói : "Thương khó, sao mà khó thương được ?" Tôi đáp : "Cứ từ từ, đó mới chỉ là ý tưởng, trình bày ý tưởng phải viết đã mới hay". Thế là hôm nay tôi bắt đầu công việc ấy, vì biết rằng Chủ nhật tuần này là Chủ nhật Lễ Lá.

    1. Hướng về Thập giá :
    Ta hãy đọc lời Kinh Thánh sau đây : "Này, chúng ta lên Jérusalem và Con Người sẽ bị bắt nộp cho các Thượng tế và các Kinh sư, họ sẽ luận giết Ngài. Họ sẽ nộp Ngài cho dân ngoại hầu để nhạo báng, đánh đập và đóng đinh trên Thập tự giá, đến ngày thứ ba Ngài sẽ chỗi dậy" ( Mt 20,18-19 ).
    Tại sao nhiều lần Chúa nói trước về sự khổ nạn và sự chết của Ngài ? Các Môn đệ có phản ứng nào trước lời loan báo đó ? Những nỗi đau nào mà Chúa phải gánh chịu ? Những nỗi đau mà Chúa gánh chịu có tác dụng gì đến chúng ta ?
    Đúng là thương khó thật khó thương ! Đây là lần thứ ba Chúa Giêsu báo cho các Môn đệ biết là Ngài đang trên đường đến Thập tự giá ( Mt 16,21 v 17,22-23 ). Tin Mừng Macco và Luca cũng thêm vào những nét đặc biệt riêng của nó cho câu chuyện này và cho thấy bầu không khí căng thẳng giữa các Môn đệ, họ linh cảm một cái gì không may sắp ập đến. Macco nói rằng Chúa Giêsu đi trước một mình, "Ngài dẫn đầu các ông" và các Môn đệ lấy làm ngạc nhiên, sợ hãi ( Mc 10,32-34 ). Họ không hiểu điều gì sắp xảy ra, nhưng họ có thể nhìn thấy một dáng vẻ bên ngoài của Chúa Giêsu bộc lộ cuộc đấu tranh trong tâm hồn Ngài - Ngài là Thiên Chúa, nhưng Ngài cũng là con người thật như chúng ta mà ! Cả 3 Thánh sử Matthêu, Luca và Macco đều cho biết Chúa Giêsu đã đem các Môn đệ "riêng ra một mình" để Ngài có thể làm cho họ hiểu những gì đang chờ đợi phía trước ( Mt 20,17 v Lc 18,31-34 v Mc 10,32-34 ). Đây là bước quyết định đầu tiên cho màn cuối cùng của vở kịch sắp tới. Tại đây Chúa Giêsu chủ tâm lên Jérusalem và tới Thập tự giá.
    Sự đau thương mà Chúa đang hướng tới bao gồm một cách kỳ lạ mọi đau thương của lòng, của trí và của thân thể con người. Ngài sẽ bị phản bội, bị nộp vào tay những thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo. Ở đây chúng ta thấy nỗi đau của một tấm lòng nát tan vì bạn bè bất trung. Ngài sẽ bị người ta kết án tử hình, một sự bất công khó chịu nỗi. Ngài sẽ bị những người La Mã nhạo báng. Ngài chịu sự chà đạp nhân phẩm, sỉ nhục và mạ lỵ, Ngài phải bị đánh đập. Ít có sự hành hạ nào trên thế gian này có thể sánh với sự đánh đập, hành hạ tàn nhẫn của người La Mã, và chúng ta thấy sự quằn quại của một thân xác bị đau đớn. Cuối cùng Ngài phải chịu đóng đinh ! Tại đó chúng ta thấy nỗi đau đớn tột cùng của sự chết. Hầu như tất cả sự đau đớn của thể chất, tình cảm và tinh thần của thế gian đều tập trung trên con người của Chúa Giêsu. Nhưng Chúa không chấm dứt ở đó, Ngài kết thúc bằng lời loan báo chắc chắn về sự Phục sinh. Sau bức màn đau khổ có vinh quang chiếu rạng, sau thập tự giá là mão triều thiên, sau sự thất bại là sự đắc thắng, và sau sự chết là sự sống.

    2. Đi từ tham vọng của các Môn đệ :
    Cũng trong Tin Mừng Matthêu, tác giả ghi lại : "Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dêbêđê đến gặp Đức Giêsu, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. Người hỏi bà : Bà muốn gì ? Bà thưa : Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong nước Thầy". Chúa Giêsu phán rằng : "Thật các ngươi sẽ uống chén Ta, nhưng ngồi bên hữu hay bên tả Ta chẳng tự Ta cho được, ấy là cho những người nào mà Cha Ta đã chuẩn bị cho kẻ ấy mới được" ( Mt 20,20-23 ). Tương đương với Mc 10,35-40.
    Lời thỉnh cầu ở đây phản ánh những ước muốn nào của bà mẹ các Môn đệ và các Môn đệ ? Chúa có thái độ nào trước lời thỉnh cầu như thế ? Tại sao các Môn đệ cũng muốn mẹ mình xin như thế dầu Chúa đã nói trước về cuộc khổ nạn của Ngài ? "Chén" ở đây chỉ về điều gì ? Giacôbê và Gioan về sau phải uống "chén" nào ? Có lúc nào chúng ta có những lời cầu xin như các Môn đệ không ?
    Ở đây chúng ta thấy các tham vọng trần thế thể hiện qua các Môn đệ, nó cho chúng ta biết ba điều về họ.
    a. Họ đang nghĩ về danh tiếng, phần thưởng, địa vị, và sự thành công cá nhân chứ không nghĩ đến sự hy sinh cá nhân.
    b. Họ muốn Chúa Giêsu bảo đảm cho họ một đời sống vương giả bằng lời nói của Ngài.
    c. Trên một khía cạnh khác, không có sự kiện nào bày tỏ lòng tin sắt đá của họ nơi Chúa Giêsu bằng sự kiện này.
    Chúng ta hãy suy nghĩ đến thời điểm họ đưa ra lời thỉnh cầu. Nó được đưa ra sau những lời tiên báo của Chúa Giêsu về một Thập tự giá không thể tránh được đang chờ đợi Ngài. Nó được đưa ra ngay lúc bầu không khí nặng nề và linh tính báo trước thảm kịch sắp tới. Dầu vậy, giữa bầu không khí đó, các Môn đệ vẫn suy nghĩ đến một Vương quốc. Đó là một điều hết sức có ý nghĩa, vì ngay giữa một thế giới mà sự tối tăm đang bủa vây, các Môn đệ cũng không hề nghĩ đến sự thất bại của Chúa Giêsu. Ngay khi Chúa Giêsu nói rõ rằng chén cay đắng đang chờ họ ở phía trước, họ cũng không nản lòng thối lui, họ cương quyết uống chén ấy. Nếu chiến thắng với Chúa Cứu Thế có nghĩa là chịu khổ với Chúa thì họ sẵn lòng đối diện với sự chịu khổ đó.
    Người ta dễ lên án các Môn đệ, nhưng chúng ta không được quên đức tin và lòng trung thành nằm phía sau tham vọng của họ.

    3. Cùng uống chén với Chúa :
    Một số đoạn Tin Mừng trích dẫn ở trên soi rọi ánh sáng lên đời sống tín hữu chúng ta. Chúa Giêsu có ngụ ý nói rằng ai muốn chia sẻ vinh quang và chiến thắng của Ngài thì phải uống chén của Ngài. Chén đó là gì ? Trước mắt, đó là điều Chúa Giêsu nói sẽ xảy đến cho Giacôbê và Gioan. Thế gian đã đối đải với Giacôbê và Gioan rất khác nhau. Giacôbê là Tông đồ tử đạo đầu tiên ( Cv 12,2 ). Đối với ông, chén phải uống là sự chết vì đạo; còn Gioan, Chúa cho tuổi thọ khá cao, ông sống ở thành Êphêsô và chết một cái chết bình thường khi gần trăm tuổi. Đối với Gioan, chén phải uống là đời sống kỉ luật và chiến đấu liên tục của người tín hữu Chúa Kitô suốt những năm tháng dài.
    Do vậy, chúng ta sẽ sai lầm nghĩ rằng "chén" của những người tin Chúa là sự chiến đấu gay go, cay nghiệt, đau đớn, chết vì đạo như các Thánh tử đạo xưa. Xin thưa, không hẳn phải hoàn toàn như thế. Chén đó có thể là đời sống bình thường của tín hữu. "Uống chén" có nghĩa là theo Chúa Kitô bất cứ nơi nào Ngài dẫn đi và sống giống như Chúa Kitô trong bất cứ hoàn cảnh nào, như các tù nhân lương tâm đã chịu đựng.
    Cũng từ các đoạn Tin Mừng trích dẫn ở trên cho ta thấy lòng nhân từ của Chúa Giêsu. Mặc dù Chúa đã nói nhiều lần, thế mà các Môn đệ và mẹ họ vẫn nói về một địa vị trong một chính quyền, một vương quốc ở trần gian. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không nổi giận vì sự u mê tăm tối, hay thất vọng vì sự đần độn của họ. Ngài tìm cách dẫn họ đến Chân lý một cách nhẹ nhàng, thông cảm và đầy thương yêu. Chúa Giêsu không bao giờ thốt ra một lời lẽ nóng nảy. Điều vui nhất cho chúng ta là Chúa Giêsu không bao giờ thất vọng về con người. Chúa không nghi ngờ lòng trung thành của Giacôbê và Gioan. Họ có những tham vọng sai lầm, họ có những ý tưởng lệch lạc, nhưng Chúa không bao giờ thất vọng về họ. Ngài tin rằng họ có thể và sẽ uống chén, và cuối cùng người ta thấy họ vẫn ở bên Ngài. Một trong những sự kiện nền tảng lớn lao mà chúng ta phải nắm giữ đó là ngay cả khi chúng ta chán ghét, khinh bỉ chính mình thì Chúa Kitô vẫn tin chúng ta. Kitô hữu là người được Chúa tôn trọng và yêu thương.
    Muốn Phục sinh thì phải trải qua Thập giá. Con đường thương khó thật khó thương, hay nói cách khác : muốn thương, thương cũng không phải dễ, vì không phải ai cũng chấp nhận được. Nhưng Chúa phải gánh chịu vì yêu thương nhân loại và để cứu chuộc nhân loại, tình yêu của Chúa thật lớn lao; Ngài chấp nhận hy sinh, đổ máu để cứu lấy chúng ta.

    Con đường thương khó, khó thương
    Chính là Thập giá trên đường mình đi
    Đẹp sao, mình thấy những gì :
    Bước đi cùng Chúa những khi vui buồn.

    4. Lời nguyện :
    Chúa ơi, dù biết hướng về Thập giá là khổ nạn, nhưng vì tình yêu dành cho con Chúa vẫn đi tới, xin giúp con tận trung theo Ngài.
    Cảm tạ Chúa vì Chúa thương con, chọn con trong khi con chỉ là tội nhân. Xin giúp con cũng đối xử với những người chung quanh con đầy khoan dung và độ lượng như Ngài. Amen !


    JB.SĨ TRỌNG.








    Các chủ đề tương tự trong chuyên mục này:

    Thay đổi nội dung bởi: JB. Sĩ Trọng, 01-04-2021 lúc 06:54 PM

  2. 4 thành viên đã cảm ơn JB. Sĩ Trọng vì bài viết này:

    allihavetogive (29-06-2021),M.Goretti Ngan (18-04-2021),Người Mua Diêm (02-04-2021),Pere Joseph (03-04-2021)

+ Trả Lời Ðề Tài

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình