+ Trả Lời Ðề Tài
Hiện kết quả từ 1 tới 1 của 1

Chủ đề: Gia-kêu và tiếng sét ái tình

  1. #1
    Trạng thái :   JB. Sĩ Trọng đã thoát
    Tham gia : Aug 2011
    Bài gửi : 464
    Tên Thánh:
    Gioan Baotixita
    Tên thật:
    JB. Hoàng Trọng Sĩ
    Đến từ: Giáo Xứ Chánh Tòa - Xuân Lộc (Đồng Nai)
    Sở thích: đọc sách, du lịch
    Nghề nghiệp: Giáo viên
    Cảm ơn
    3,637
    Được cảm ơn 2,936 lần
    trong 480 bài viết

    Gia-kêu và tiếng sét ái tình

    1. Cây vả : Tôi đang suy nghĩ về cây vả vì thấy trong Kinh Thánh đề cập đến nhiều lần : Có cây vả ông Gia-kêu leo lên ngồi ( Lc 19,1-10 ), có cây vả nhìn chồi lộc để biết mùa Hạ đến ( Mt 24,32-33 v Mc 13,28-32 v Lc 21,29-33 ), có cây vả bị Chúa Giêsu ( GS ) rủa chết khô ( Mc 11,20-22 v Mt 21,20-22 ), có cây vả Chúa GS thấy ông Nathanael (tức Tông đồ Bartôlômeô) đứng dưới gốc ( Jn 1,48-50 ), có cây vả diễn tả trong một dụ ngôn ( Lc 13,6-9 )... Một người bạn tôi ở Bà Rịa có đất vườn rộng, tôi bảo sao không trồng một cây vả để ngắm cho vui và có trái cũng làm thức ăn được. Bạn tôi mỉm cười và không biết nay đã trồng chưa ? Một người hàng xóm đi hành hương đất Thánh về kể cho tôi nghe cây vả ông Gia-kêu leo lên ngồi, hiện nay vẫn còn, người ta rào lại cho khách tham quan, dân ở đó gọi là cây vả Gia-kêu. Biết bao nhiêu cây vả, bao nhiêu nhà cửa dày đặc chen chúc mọc lên làm biến dạng địa hình, "lối mòn xưa bây giờ phố xá / người đầu rừng cuối rú tìm nhau", cảnh quang hoàn toàn thay đổi, đã hơn 2000 năm mà cây vả ấy vẫn còn. Phải chăng người ta muốn giữ lại một kỉ niệm đẹp ? Cây vả ấy với bóng mát phủ che cuộc đời, tuy không có cuộc hẹn hò của một cặp tình nhân, nhưng có sự gặp gỡ của một con người tội lỗi với một Đấng vĩ đại, nhờ thế mà cây vả trở nên ấn tượng. Ở VN cây vả trồng khắp ba miền. Người miền Trung biết dùng quả chế biến thức ăn, người Bắc và Nam trước đây không biết ăn trái vả nhưng bây giờ hầu như họ đều làm được những món ăn ngon. Ngay tại vùng đất Long Khánh, hiện nay cây vả được trồng khá nhiều, trái vả ở chợ thường bày ra bán, người ta mua về chế biến thức ăn.
    Mặc dù Kinh Thánh viết nhiều câu chuyện liên quan đến cây vả, nhưng tôi vẫn rất thích câu chuyện cây vả mà ông Gia-kêu leo lên ngồi nhìn xuống để thấy được Đức GS khi Ngài đi ngang qua. Đây quả là một câu chuyện hấp dẫn và đầy thú vị.


    2. Gia-kêu và Chúa GS :

    a. Gặp gỡ và sự trở lại ngoạn mục :
    Gia-kêu là người có chiều cao rất hạn chế, nhưng ông lại làm chức vụ lớn trong ngành thu thuế. Một trưởng ty thuế vụ thời đó đâu phải vừa, đi đâu ai cũng nễ sợ, nhất là giới kinh doanh buôn bán.
    Theo cái nhìn của người Do Thái, ông Gia-kêu là người thu thuế, là một kẻ tội lỗi vì phục vụ ngoại ban, tay sai cho nhà cầm quyền đế quốc Roma thời đó, tha hồ bóc lột và vơ vét của dân để trở nên giàu có. Cuộc gặp gỡ bắt nguồn từ thiện chí của chính bản thân ông : Nghe tin Chúa GS đi ngang qua thành Giê-ri-cô, dân chúng quá đông, ông lại quá lùn bị đoàn người che mắt không thể thấy được Chúa GS nên ông đã trèo lên cây vả để xem. Điều bất ngờ khi đi ngang qua Chúa GS nhìn thấy và gọi ông : "Này Gia-kêu, xuống đây mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại nhà ngươi"( Lc 19,5 ). Cách gọi này cũng như truyền lệnh buộc Gia-kêu phải vâng lời làm theo. Nghĩ cũng lạ, không quen biết gì cả mà tự nhiên bảo trụt xuống và sẽ ghé nhà. Đúng là bất ngờ và cũng làm cho Gia-kêu ngạc nhiên lắm vì không ai nói, không ai giới thiệu mà Chúa GS vẫn biết tên ông. Chúa GS gọi đích danh, ông vui mừng và hạnh phúc khôn xiết. Lời Chúa như có một quyền năng, một thần lực. Tiếng sét ái tình đã đánh trúng tim ông, Chúa GS ngước nhìn lên : ánh mắt tình yêu bắt gặp ánh mắt của một kẻ tội lỗi sám hối ăn năn. Khi gọi ông Chúa biết rõ con người ông, có thể nói đó là cuộc hành trình đức tin của Gia-kêu. Ông đang từng bước đến gặp gỡ Chúa trọn vẹn. Nhưng quan trọng hơn hết là Chúa đã đến với ông bằng tấm lòng quảng đại, bao dung và tha thứ. Người cùng thời không làm sao hiểu được ý nghĩa của cuộc gặp gỡ này, có một khoảng cách giữa những người xem mình là công chính với người tội lỗi. Tin Mừng không nói cho độc giả hay tâm trạng ông Gia-kêu thế nào trước khi ông ra đi đón gặp Đức GS. Có lẽ ông bị thúc đẩy bởi phép lạ Chúa GS chữa lành cho người mù ở cổng thành Giê-ri-cô vừa xảy ra trước đó ít lâu. Ông tò mò muốn biết Chúa GS là ai ? Hoặc ông bị lương tâm cắn rứt, muốn thay đổi cuộc sống.
    Một lần nữa, như đã nhiều lần trong cuộc đời công khai, Đức GS đã yêu thương chiếu cố đến những kẻ lầm lạc. Đức GS đã bước qua khoảng cách do con người tạo ra để đến với Gia-kêu. Ngài luôn tiếp đón, ân cần và thăm hỏi họ. Ngài thể hiện tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa ( TC ) đối với nhân loại. Chính Ngài mang trong lòng sứ mạng kêu gọi người tội lỗi ăn năn trở về : "Con người đến để tìm và cứu những gì đã mất"( Lc 19,10 ). Chúng ta ai cũng biết rằng : "Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần"- Đó cũng là câu nói của Chúa GS. Tuy nhiên, Chúa còn nói rõ hơn : "Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn"( Lc 5,31-32 ).
    Ngày nay người ta vẫn tìm mọi cách để lên án, kỳ thị, loại bỏ những người lầm lỗi, không cho họ có con đường quay trở về. Thái độ của Chúa GS trong Tin Mừng hoàn toàn ngược lại. Tin Mừng giới thiệu : "Sau khi vào Giê-ri-cô, Chúa GS đi ngang qua thành phố ấy. Ở đó có một người tên là Gia-kêu, ông đứng đầu những người thu thuế và là người giàu có. Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức GS là ai, nhưng không được vì dân chúng thì đông mà ông ta lại lùn. Ông liền chạy tới phía trước, leo lên cây vả để xem Đức GS"( Lc 19,1-4 ). Cây vả làm phương tiện để Gia-kêu leo lên, nhờ thế mà ông thấy được Chúa. Chúa luôn mong mỏi, chờ đợi những người tội lỗi tìm đến Ngài. Gia-kêu là một trường hợp điển hình cho tất cả mọi người tự ý thức mình còn nhiều lầm lỗi và khuyết điểm, đang trông chờ vào lòng thương xót của TC. Qua cuộc gặp gỡ, Gia-kêu đã hoàn toàn thay đổi cuộc sống. Chúa GS rất tế nhị, Ngài không cần nhắc đến tội lỗi của ông, nhưng ông đã tự đề ra kế hoạch sửa đổi lầm lỗi của mình. Tiếng sét ái tình đánh trúng huyệt tim ông, và hệ quả cuộc gặp gỡ là đây, Tin Mừng ghi rõ : "Khi Đức GS tới chỗ ấy thì Người ngước nhìn lên và nói với ông "Này Gia-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay ta phải ở lại nhà ngươi". Với bộ áo quần thụng thệnh, ông vội vàng tụt xuống và mừng rỡ đón rước Người( Lc 19,5-6 ). Câu sau đây làm chói sáng con người Gia-kêu, ông đứng lên thưa với Chúa GS rằng : "Tôi xin lấy phân nửa tài sản của tôi, phân phát cho người nghèo; nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn"( Lc 19,8 )- Đó là thái độ của một người có quyết tâm trở về. Luật Môisê không đòi hỏi cao như vậy. Tội gian lận theo Lê vi ký, chỉ phải đền 1/5 tài sản thiệt hại ( Lv 5,24 ), ở đây Gia-kêu "đền gấp bốn" là số nhiều. Tình thương của Chúa đã làm ông thay đổi : Biết chia sẻ với người nghèo những gì mình có, biết đền bù thiệt hại cho người khác do mình gây ra, những suy nghĩ này trước đây Gia-kêu chưa bao giờ có được. Từ việc gặp Chúa, rồi được Chúa yêu thương kêu gọi, nhờ thế mà ông đã nên Thánh. Ngày nay có nhiều người mang danh hiệu Gia-kêu, chọn ông làm Quan thầy, lấy tên ông làm Thánh Bổn mạng.
    Câu chuyện ông Gia-kêu leo lên cây vả để được thấy Chúa, kết thúc thật có hậu : "Hôm nay ơn Cứu độ đã đến cho nhà này"( Lc 19,9a ). Ân huệ Chúa dành cho Gia-kêu không những chỉ bản thân ông mà cho cả đại gia đình dòng tộc của ông. Trên cả tuyệt vời ! Như vậy, hiểu đơn giản, ơn Cứu độ là chúng ta được gặp Chúa, được Chúa yêu thương và vì Chúa mà từ bỏ tất cả mọi sự. Một người làm quan có thể cả họ được nhờ, có ai dám từ bỏ tất cả mọi sự không ? Mới nghe, tưởng dễ nhưng mà khó đấy ! Cũng có thể câu chuyện Gia-kêu hôm nay, Chúa GS muốn hiện thực hóa những dụ ngôn về lòng thương xót mà trước đây mấy ngày Ngài vừa rao giảng : "Tìm chiên lạc", "Đứa con hoang đàng".v.v...
    b. Những bài học ý nghĩa :
    Qua câu chuyện Gia-kêu gặp Chúa, Tin Mừng soi sáng cuộc sống mỗi người. Biết bao lần chúng ta gặp gỡ Chúa nhưng chúng ta vẫn không nhận ra Ngài. Chúa luôn có đó, hiện diện trong cuộc sống của chúng ta rất nhẹ nhàng, chân tình và tha thiết. Chỉ cần lòng ước muốn của ta thôi, là ta gặp được ngay. Linh mục Giuse Nguyễn Tiến Lộc đã viết trong một nhạc phẩm của Ngài : "GS Kitô, con người tuyệt diệu / GS Kitô, người anh dấu yêu / GS Kitô, tương lai với Ngài / Vinh quang cho Ngài, GS Kitô". Ta còn tìm gặp trong một ca khúc khác của Ngài, lời nhạc dễ thương sau đây : " Con đã thấy Người dừng chân bờ hồ con vẫn quen / Con nghe tiếng Người và con mon men bước theo / Cho anh Gia-kêu nghe niềm vui mới / Madalena xin cùng đi theo với. / Chúa chính là con đường / Mà Chúa đến như bạn đường / Đường ơi, bao xa... bao xa.../ Xin cho được theo Người / Từng bước lao đao chân trời / Về nơi Quê Cha... Quê Cha..."

    Chúa GS và Gia-kêu không phải là một cặp tình nhân lãng mạn, nhưng ta biết rằng dù Gia-kêu là người thế nào thì Chúa vẫn yêu ông ta tha thiết, Ngài không thể bỏ ông ta được. Chỉ có Chúa mới thấu suốt lòng dạ ông ta mà thôi, chúng ta và những người Do Thái xưa không tài nào hiểu được.


    Tình yêu này phản ánh rõ nét tình yêu TC đối với nhân loại. Cây vả, đoàn người đi qua trong đó có Chúa GS, tất cả phụ họa tạo nên một bức tranh đẹp. Giữa con người và vạn vật như quyện lấy. Cây vả, còn gọi là cây sung, phải là một cây vả lớn, một cây sung lớn, Gia-kêu mới leo lên được. Từ tiếng sét ái tình, Gia-kêu thức tỉnh, ông không phải là một nhân vật dư thừa mà trở nên nhân vật chính yếu của câu chuyện, một cuộc trở lại ngoạn mục.

    Việc Chúa GS ở lại nhà ông Gia-kêu khiến cho nhiều người cùng thời ngạc nhiên, bởi ông là kẻ phản nước hại dân, làm theo lệnh của nhà cầm quyền Roma đang cai trị. Giữa một đoàn người đông đảo hàng trăm người mà Chúa chỉ chọn một mình ông Gia-kêu và muốn vào nhà dùng bữa. Mọi người xầm xì với nhau : "Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ !"( Lc 19,7 ). Đây là vị khách không mời mà đến. Gia-kêu chưa nói lời mời, thì Chúa GS đã báo trước cho ông biết Ngài sẽ đến dùng bữa. Kể ra cũng lạ, một vị khách đi đường không quen biết trở thành một Thượng khách. Ơn Cứu độ đến với Gia-kêu dễ dàng hơn ông ta tưởng. Chúa GS đến để tìm kiếm con người tội lỗi đi lạc đường chân lý. Qủa thật, "những ai đón nhận Người, Người cho họ trở nên con TC"( Jn 1,12 ). Những người tội lỗi sẽ không thể tự mình làm lại cuộc đời, nhưng phải cậy nhờ ơn Chúa và sự cố gắng của bản thân. Chúa GS đã làm một cuộc cách mạng đổi mới cách nhìn của chúng ta. Mỗi người trong chúng ta là những Gia-kêu lùn, tức là cũng đầy dẫy những tội lỗi, nên chúng ta không thể làm quan tòa phán xét tội người khác, chỉ có TC là Đấng phán xét mà thôi. Tất cả mọi người chúng ta đều cậy nhờ ơn Chúa, cậy nhờ lòng thương xót của Chúa, do vậy, chúng ta biết chia sẻ với những anh em đã sa ngã mà chưa thể đứng dậy được vì nhiều lý do, để qua chúng ta, những anh em ấy mạnh dạn vứt bỏ những xấu xa của quá khứ, mà đứng lên đồng hành với mọi người trong ánh sáng của TC.

    Qua câu chuyện Gia-kêu gặp Chúa GS, Thánh ký Luca ghi rõ tiến trình : "Đức GS đi ngang qua thành phố...tới chỗ ấy...Người nhìn lên và gọi ông...", Thánh Kinh một lần nữa xác tín rằng : Qua Đức Kitô, TC luôn đưa mắt kiếm tìm những con chiên lạc để tình thương cứu độ sẽ mãi mãi là cuộc hạnh ngộ của yêu thương và tha thứ, của sám hối và đổi đời.

    Khiêm hạ đón nhận sứ điệp Lời Chúa và can đảm đổi đời, đó là định hướng căn bản của đức tin và là chìa khóa giải mã, là điểm tựa cho cuộc sống hôm nay và ngày mai. Một niềm tin vững vàng như thế không cho phép chúng ta dao động, lo lắng trước bất cứ biến cố nào, tin đồn thất thiệt nào, hay những thử thách gian truân. Và một niềm tin như thế sẽ biến chúng ta thành chứng nhân của yêu thương, khoan dung và tha thứ để xây dựng thế giới quanh ta ngày càng tốt đẹp.

    Trở lại vấn đề, Gia-kêu trở thành một con người lương thiện. Hậu quả, dĩ nhiên không thuộc về công nghiệp của ông mà do lòng thương xót rộng rãi của TC tha thứ cho ông. Đây cũng là kinh nghiệm của mỗi linh hồn trở lại, họ sống tốt lành để đền bù ơn Chúa. Nếu không chẳng có dấu chỉ nào chứng minh cho sự trở lại. Một vinh dự lớn vì chính Chúa GS đã trả lại gốc gác cho con người của Gia-kêu, khi Chúa nói rằng "bởi người này cũng là con cháu Tổ phụ Abraham"( Lc 19,9b ).

    Gia-kêu là con người tội lỗi, nhưng Gia-kêu là dân Do Thái chính cống. Sau biến cố này, những mặc cảm tội lỗi của ông sẽ được bôi xóa. Từ biến cố gặp Chúa GS, kích thước chiều cao Gia-kêu vẫn nhỏ bé, nhưng đến giây phút cuối cùng ai cũng ngước mắt nhìn. Ông được hoàn toàn biến đổi, bên ngoài thân xác thấp lùn, nhưng chiều cao tâm hồn và nhân cách giờ đây đã trổi vượt. Tiếng sét ái tình đánh trúng huyệt tim ông làm cho ông trở nên con người mới, cũng có thể là ông rao giảng Tin Mừng về Đức Kitô. Ông sướng quá, hạnh phúc quá rồi chứ còn gì nữa ! Tiếng sét ái tình đã xua tan nỗi nhục cho ông, cũng xem như ông "hốt hụi chót" vào những giây phút cuối đời. Muốn "hốt hụi chót Nước Trời" thì phải đem hết của cải gia tài bố thí cho người nghèo như Chúa GS đã từng nói với một thanh niên giàu có ( x Mc 10,21 v 23-25 v Mt 19,16-22 v Lc 18,18-23 ).

    Cho dù chúng ta nói "I love Jesus !" hay "Miná rakastan Jeesusta !" bằng ngôn ngữ gì ở đâu đi nữa, thì tình yêu Chúa vẫn trải rộng cho tất cả mọi người thuộc mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp, mọi dân tộc, mọi thời đại, từ trái tim đến trái tim, mà mỗi người cần phải bày tỏ. Tình yêu thuộc bản chất của Chúa nên Ngài luôn muốn được yêu.

    3. Cầu nguyện :
    Lạy Chúa GS, xin cho con cũng được như Gia-kêu, vì con cũng cảm thấy bất xứng trước mặt Chúa, con chỉ biết cậy nhờ vào lòng xót thương của Chúa thôi. "Con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh". Ôi trái tim Chúa nhân từ, xin đừng bỏ rơi con.
    Lạy Chúa, cũng xin đừng bỏ rơi nhân loại tội lỗi. Xin cứu lấy tất cả chúng con. A men !

    JB.SĨ TRỌNG.

    Các chủ đề tương tự trong chuyên mục này:


  2. Thành viên đã cảm ơn JB. Sĩ Trọng vì bài viết này:

    Người Mua Diêm (19-11-2022)

+ Trả Lời Ðề Tài

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình