+ Trả Lời Ðề Tài
Hiện kết quả từ 1 tới 1 của 1

Chủ đề: Tin Mừng cho nếp sống hằng ngày

  1. #1
    Trạng thái :   JB. Sĩ Trọng đã thoát
    Tham gia : Aug 2011
    Bài gửi : 464
    Tên Thánh:
    Gioan Baotixita
    Tên thật:
    JB. Hoàng Trọng Sĩ
    Đến từ: Giáo Xứ Chánh Tòa - Xuân Lộc (Đồng Nai)
    Sở thích: đọc sách, du lịch
    Nghề nghiệp: Giáo viên
    Cảm ơn
    3,637
    Được cảm ơn 2,936 lần
    trong 480 bài viết

    Tin Mừng cho nếp sống hằng ngày

    1. Tin Mừng không dễ mừng vì đụng chạm :
    Một trong những dạy dỗ quan trọng của Chúa Giêsu ( GS ) tại Nhà hội là câu chuyện trong Phúc Âm Macco ghi lại. Ngay đến giai đoạn này, giới thẩm quyền tại Nhà hội có cái nhìn nghi ngờ mọi sự dạy dỗ của Chúa GS, nếu không muốn nói là thù nghịch. Họ không thể quên được điều Chúa đã làm khi đuổi những người buôn bán ra khỏi Đền Thờ, Ngài đã đụng chạm đến công việc làm ăn, làm hỏng mối lợi lớn mà họ đã có từ nhiều đời ( Mc 11,15-18 ). Họ đã thất bại khi tìm cách đẩy Chúa GS vào thế thủ lúc chất vấn thẩm quyền của Ngài ( Mc 11,27-33 ). Khi nêu ra ẩn dụ về người làm vườn nho ( Mc 12,1-12 ), Chúa đã đụng chạm đến xương tủy của họ, họ thừa hiểu Người đã nhắm vào họ mà kể dụ ngôn ấy ( c 12 ). Một nhóm thầy luật khác đã tìm cách gài bẫy Chúa, nhưng cũng thất bại ( Mc 12,13-17 ) và ngay cả người Saduse ( có sách phiên dịch là Xa-đốc ) cũng thế ( Mc 12,18-27 ).

    Trái với những thầy dạy luật khác đã tra vấn gài bẫy Chúa GS, ở đây, Tin Mừng Macco cho thấy một thầy dạy luật nêu câu hỏi từ tấm lòng chân thành : "Trong các điều răn, điều nào là đầu hết ?"( Mc 12,28b ). Chữ "đầu" không nhằm nói đến thứ tự ưu tiên, nhưng nhấn mạnh tầm quan trọng. Chúa GS đã trả lời ngay : Mc 12,30-31, Ngài dùng hai câu trong Sáng thế và Lê vi ( St 6,5 v Lv 19,18 ) và Chúa GS phán rằng : "Chẳng có điều nào khác lớn hơn các điều răn đó"( Mc 12,31b ) - Thầy dạy luật này không những khâm phục sự khôn ngoan tuyệt vời của Chúa ( c 32 ) mà còn đi bước xa hơn trong việc so sánh với của lễ toàn thiêu và hy lễ ( x Mi-chê 6,6-8 v Ô-sê 6,6 ). Không ai dám hỏi Chúa GS nữa ( c 34b ), không phải vì họ không hiểu cách trả lời lạ lùng của Ngài, nhưng vì Chúa đưa họ đến một toàn hảo mới mà họ chưa bao giờ kinh nghiệm. Chưa có ai nối hai điều này lại với nhau và tóm tắt luật pháp Chúa gọn trong hai điều tối quan trọng là "Kính Chúa và yêu người". Đến đây, Chúa GS nhìn ông bằng ánh mắt yêu thương với lời mời gọi thầy dạy luật này tiến bước xa hơn : Hãy đi trọn con đường và trở thành công dân chân chính của Nước Trời.

    Một đoạn Tin Mừng sau đây nghe cũng không dễ mừng, vì đụng chạm tới nỗi lo của con người, nhưng hoàn toàn ứng nghiệm cho bối cảnh lịch sử thế giới hôm nay, mặc dù đã được Chúa trấn an : "Chúa GS phán : Anh em hãy coi chừng, đừng để ai lừa gạt anh em, vì sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến nói rằng : Chính ta đây là Kitô, và họ sẽ lừa gạt được nhiều người. Anh em sẽ nghe có giặc giã và tin đồn giặc giã; coi chừng, đừng khiếp sợ, vì những việc đó phải xảy ra, nhưng chưa phải là tận cùng. Qủa thế, dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có những cơn đói kém, và những trận động đất ở nhiều nơi. Nhưng tất cả những sự việc ấy chỉ là khởi đầu những cơn đau đớn"( Mt 24,4-8 ). Cùng thời điểm này, ta thấy nhiều kẻ mạo danh Chúa tự xưng; chiến tranh xảy ra ở nhiều nước; đói kém, động đất xảy ra ở nhiều nơi...

    2. Bài giảng trên núi : Mt 5,1-12.
    "Bài giảng trên núi" hay còn gọi là "Tám mối phúc thật" vì bài giảng được Chúa GS mở đầu bằng 8 phước lành, có điều là 8 phước lành này lại mang một ý nghĩa trái ngược tiêu chuẩn thế gian. Phải chăng, đây là bài giảng không phải cho dân chúng, nhưng chỉ dành riêng cho các Môn đệ của Chúa ? Matthêu ghi rõ : "Thấy đám đông, Chúa GS lên núi. Người ngồi xuống, các Môn đệ đến gần bên. Người mở miệng dạy họ..."( Mt 5,1-2 ). Nếu vậy thì xem đây như là bài giảng dành cho những người thuộc về Nước Trời ( Xin lỗi, quan điểm cá nhân ).

    Nước Trời khác hẳn với nước trần gian, những điều mô tả người thuộc Nước Trời khó được người đời chấp nhận. Người thuộc Nước Trời nghèo khó vì họ đã học tin cậy vào chỉ một mình Thiên Chúa ( TC ), TC luôn yêu thương và bênh vực người nghèo, Ngài là hiện thân của người nghèo vì Ngài đã xuống thế trong thân phận một người nghèo và đã sống thật với tinh thần nghèo khó. Người thuộc Nước Trời than khóc khi thấy tình trạng bại hoại của thế gian và Phúc Âm bị từ chối. Người thuộc Nước Trời đói khát sự công chính vì trần gian đầy dẫy sự bất công, và họ đang trông chờ ngày mà sự công bình của Chúa ngự trị. Người thuộc Nước Trời thương xót vì họ biết rằng họ đã nhận được sự xót thương. Người thuộc Nước Trời có lòng trong sạch vì họ học biết rằng TC của họ chân thật, không bao giờ lừa dối. Người thuộc Nước Trời là người xây dựng hòa bình vì Chúa GS là sự bình an của họ. Người thuộc Nước Trời khoan dung với người bắt bớ mình vì biết rằng họ được kêu gọi không phải để sống yên hàn nhưng để trung thành với Chúa.

    Sống Nước Trời là điều khó, vì đó là con đường Thập giá. Con đường đó không đem lại những giá trị hạnh phúc theo tiêu chuẩn đời này. Con đường đó đòi sự từ bỏ lối sống an nhàn hưởng thụ. Đó là con đường nghèo khó, than khóc, nhu mì, đói khát, thương xót, trong sạch, hòa giải, bắt bớ. Đây là con đường dành cho những ai muốn thật tâm theo Chúa. Tại đây những giá trị theo tiêu chuẩn trần gian bị đảo ngược.

    Tuy nhiên, trước mặt Chúa họ là những người được phước. Đó là hạnh phúc chân chính dành cho những người bị xã hội coi là vô phước như kẻ nghèo, kẻ có tâm hồn tan nát, kẻ bị bắt bớ, kẻ bị lao tù. Đó là hạnh phúc vĩnh cửu dành cho những người sống nhu mì, trong sạch theo ý muốn TC; điều mà loài người kiêu ngạo, giả dối cho là dại dột, ngu si.
    Chúng ta - những con cái của Chúa, được kêu gọi để sống một lối sống ngược đời ! Ta được kêu gọi và tự nguyện để sống như thế, do vậy ta không phải là những nạn nhân, nhưng là những người của Nước Trời. Chúng ta được kêu gọi kiến tạo một cộng đồng những người theo Chúa, nơi đó thực sự có sự trong sạch, có sự nhu mì, có sự tha thứ, có sự chữa lành, có sự công chính; nơi đó vinh quang Nước Trời được bày tỏ.

    3. Bài giảng nơi đồng bằng : Lc 6,17-49.
    Có điều lạ là trong "bài giảng nơi đồng bằng" ta bắt gặp "bài giảng trên núi" của Chúa GS mà thánh Luca ghi lại trong Tin Mừng của mình. Một chi tiết cho thấy khá rõ, Thánh Luca viết rằng : Khi tuyển chọn 12 Tông đồ xong, "Chúa GS đi xuống núi cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó có đông đủ Môn đệ của Người và đoàn lũ dân chúng từ khắp nơi...đến để nghe Người giảng"( Lc 6,17-18 ). Nhất Lãm về nội dung nhưng không nhất lãm về vị trí địa lý, vì có thể Luca nghe được bài giảng của Chúa GS từ trên núi nhưng đến khi xuống núi ông mới nhìn và viết lại. Ở đâu cũng được, miễn là chuyển tải được thông điệp của Chúa, người viết có thể hệ thống kiến thức, sắp xếp bố cục để trình bày.

    Lời dạy của Chúa GS trong Bài giảng nơi đồng bằng ( Lc 6,17-49 ) cũng tương tự như Bài giảng trên núi, đã thu hút đông đảo người nghe. Chúa thách thức mỗi con dân Ngài đem luật vàng này vào cuộc sống. Đức tin Kitô giáo không dừng lại nơi giáo lý tiêu cực của những điều cấm kỵ; nhưng là những áp dụng tích cực, những điều phải làm, phải sống bằng một tình yêu thương thật ( Lc 6,27-35 ). Tình yêu đến từ một cảm nhận sâu xa của một lòng trắc ẩn mạnh mẽ đối với người khác. Dù cho người đó đối xử tệ thế nào, xấu xa ra sao; Chúa GS thách thức từng con dân Ngài sống với một cam kết : Chỉ mong ước người đó hạnh phúc. Tình nguyện hy sinh và cam kết sống hết lòng, hết tình; quyết tâm đối xử tử tế, nhân hậu như bát nước đầy. Trong khi Khổng Tử khuyên : "Đừng làm cho người ta những gì bạn không muốn người ta làm cho mình" có tính cách tiêu cực, đừng làm; thì Chúa Cứu Thế đưa ra mạng lệnh tích cực, luật vàng trong Luca 6,31 : "Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy". Có sách dịch : "Các ngươi muốn người ta làm cho mình thế nào, hãy làm cho người ta thể ấy".

    Tuy nhiên, nếu đọc 1 Gioan 4,7-12 - Suy nghĩ một chút, chúng ta có thể đặt vấn đề : Ta kinh nghiệm tình yêu Chúa trong đời sống mình như thế nào ? Ta đã chia sẻ tình yêu đó với người khác ra sao ? Phục Truyền 6,4-5 và Xuất Hành 20,1-3 : "Trước mặt Ta, ngươi chớ có các thần khác"( c 3 ) không những là một điều răn, một mạng lệnh, mà còn là một thách thức, một mời gọi trung thành tuyệt đối, dấn thân trọn vẹn của mỗi con dân Ngài. Chúa muốn mỗi con dân Ngài nắm vững, theo gương và noi dấu chân Ngài. Chúa muốn chúng ta yêu Chúa, yêu người ( Tha nhân ) và yêu chính mình. "Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em"( Lc 6,27-28 ). Chắc chắn nhiều người đã, đang và sẽ đặt câu hỏi : Làm sao thực hiện nỗi ? Điều này vượt quá tiêu chuẩn bình thường, đó là tiêu chuẩn của TC. Chúa bảo : "Đừng chống cự người ác"( Mt 5,39a ). Ngài còn nói thêm : "Ai vả anh má bên này, hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài thì cũng đừng cản nó lấy áo trong"( Lc 6,29 v Mt 5,39-40 ).Thế nhưng, khi Chúa bị điệu ra trước tòa Philato, một tên lính hỗn láo đã vả vào mặt Ngài; Chúa bị vả má phải không giơ má trái, ngược lại, Ngài đã to tiếng đòi hỏi công bình : "Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi ?"( Jn 18,23 ). Đòi hỏi công bình cũng là cách vạch mặt kẻ thù chứ không cần phải chống cự. Chúng ta không thể yêu kẻ thù như yêu những người thân thuộc nhất của chúng ta vì như thế là trái tự nhiên, không thể có được, đây là một trong những nguyên nhân gây nên chiến tranh; chẳng khác nào Putin và Zelenski, tình hình hiện nay không thằng nào nhịn được thằng nào nên đã đánh nhau một cách dã man, khiến dân lành phải gánh chịu tang tóc và khổ đau. Tình yêu đối với kẻ thù không những là việc của trái tim, của tấm lòng, mà còn là việc của ý chí nữa. Đó là việc mà chúng ta phải quyết tâm, phải cam kết, phải nương cậy nơi Chúa; nhờ ơn Chúa, sức Chúa, và tùy thuộc Chúa từng giây phút mới thực hiện được. Ước mơ, lý do và động cơ cho nếp sống Kitô hữu là gì ? Đó là để chúng ta trở nên giống Chúa GS, phản ánh tình thương, ân sủng, quyền năng siêu việt của Ngài. Chúa GS đã bằng lòng quên mình, hòa mình và bỏ mình để chết cho chúng ta ( Php 2,5-9 ). Đây chính là điểm cá biệt của đức tin Kitô giáo. Đây là điều mà mỗi chúng ta cần cầu nguyện cho nhau, khích lệ nhau học hỏi và thúc giục nhau thực hành.

    4. Cầu nguyện :

    Lạy Chúa, Xin Chúa giúp con từ bỏ tiêu chuẩn trần gian, sẵn sàng sống theo tiêu chuẩn Nước Trời để tìm thấy phước hạnh chân chính, trường tồn.

    Xin cho con hiểu luật Chúa là yêu thương kẻ thù để con biết yêu thương và đối xử tốt với những kẻ hoàn toàn đối nghịch với con, hầu mong hoán cải được họ.



    JB.SĨ TRỌNG.

    Các chủ đề tương tự trong chuyên mục này:

    Thay đổi nội dung bởi: JB. Sĩ Trọng, 24-02-2023 lúc 10:55 AM

  2. Thành viên đã cảm ơn JB. Sĩ Trọng vì bài viết này:

    Người Mua Diêm (19-02-2023)

+ Trả Lời Ðề Tài

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình