Trạng thái :  
Tham gia : Aug 2011
Bài gửi : 468
Tên Thánh: Gioan Baotixita
Tên thật: JB. Hoàng Trọng Sĩ
Đến từ: Giáo Xứ Chánh Tòa - Xuân Lộc (Đồng Nai)
Sở thích: đọc sách, du lịch
Nghề nghiệp: Giáo viên
Cảm ơn 3,637
Được cảm ơn 2,936 lần
trong 480 bài viết
Chúa Phục sinh - Niềm Tin yêu, Hy vọng và Bình an
Ngày nay khoa học đã tiến bộ vượt bậc, nhưng việc làm cho người chết sống lại vẫn không phải là chuyện dễ làm. Chưa có một người nào chết đi mà sống lại được, chính vì thế con người ta không tin vào sự sống lại của Đức Giêsu sau khi Ngài bị đóng đinh và bị chết treo trên Thập tự giá. Các vua chúa thế gian muốn tìm thuốc trường sinh bất tử, thực tế chẳng có ai sống mãi với thời gian ! Sự sống đời này đã khó, sự sống đời sau lại khó hơn nếu con người sống thiếu lương thiện. Việc Đức Giêsu chết đi và đã sống lại mang đến cho nhân loại và lịch sử một chiều kích giá trị mới.
1.Tin yêu và Hy vọng :
Trong thời gian ở với các Môn đệ, có nhiều lần Chúa Giêsu đã báo trước. Thật khó tin khi nghe Chúa nói : "Hãy phá đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lạị "- Đền thờ chính là thân xác của Người, nhưng lúc ấy chẳng ai hiểu được Chúa ngụ ý nói gì. Các sách Tin Mừng cũng ghi lại nhiều lần Chúa Giêsu báo trước cuộc Thương khó và sự Phục sinh của Ngài: "Con người sẽ bị nộp vào tay người ta, bị đóng đinh vào thập giá và ngày thứ ba sẽ sống lại"( x Mt 16,21 v Mc 8,31 v Lc 9,22 ). Nếu đọc kỉ ta thấy khi báo trước mầu nhiệm Phục sinh thì mầu nhiệm Thương khó Chúa nói rõ hơn, nhưng các Môn đệ lúc ấy cũng ngớ ngẩn, họ chưa hiểu được ( x Lc 18,32-33 v Mt 20,18-19 v Mc 10,33-34 ). Câu nói sau đây ta cũng thấy rằng Chúa Giêsu dùng lối nói ẩn dụ để chỉ về việc sống lại của Ngài : "Nếu hạt lúa mì gieo vào lòng đất mà không mục nát đi thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu mục nát đi, nó sẽ sinh được nhiều hạt khác"( Jn 12,24 ). Ngài còn liên hệ dấu lạ Ngôn sứ Giôna để các Môn đệ nhận biết, nhưng các ông vẫn mù tịt : "Giôna đã là một dấu lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con người sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy"( Lc 11,30 v Mt 16,4 v Mt 12,40 ).
Chúa Kitô đã sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha - Đây là bằng chứng hùng hồn, nhờ thế mà chúng ta có niềm hy vọng vào đời sống vĩnh cửu. Không phải Chúa hiện ra một lần mà Chúa hiện ra nhiều lần với nhiều người trông thấy, có các tường thuật và nhiều nhân chứng. Thật vậy, chúng ta nên một với Đức Kitô nhờ được chết như Người thì chúng ta cũng nên một với Người, nhờ được sống lại như Người ( x Rm 6,4-5 ). Thánh Phaolô quả quyết : "Nếu Đức Kitô không trỗi dậy thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng... và anh em vẫn phải sống trong tội lỗi" ( 1 Cr 15,14-17 ).
Những ai tin Chúa sống lại thì tâm hồn họ có niềm hy vọng và sự can đảm hòa quyện vào nhau, còn kẻ không tin thì tìm mọi cách chối bỏ các chứng cứ như Thượng tế Caipha và Tổng trấn Philatô xưa kia tung tin đồn xuyên tạc với ý đồ đánh mất lòng tin của con người tin vào Chúa Phục sinh ( x Mt 28,12-15 ).
Thần Khí Thiên Chúa làm cho Chúa Giêsu sống lại, không những chấp cánh ước mơ cho nhân loại mà còn đem lại sự sống mới cho nhân loại, Thánh Phaolô quả quyết thêm : "Nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết... thì Đấng ấy cũng làm cho thân xác anh em được sự sống mới"( Rm 8,11 ).
Sự sống mới là sự sống như thế nào ? Sự sống mới là sự sống bất diệt, con người không còn phải đau khổ nữa. Nhờ tin vào Đức Kitô Phục sinh mà con người hoàn toàn không còn lo sợ. Con người biết đón nhận Thánh ý của Thiên Chúa, biết đón nhận nghịch cảnh và bình an trong mọi hoàn cảnh, tin tưởng vào sự sống đời sau chung hưởng hạnh phúc Nước Trời.
Nguyên tổ phạm tội, cả nhân loại đi vào cõi chết. Chúa Giêsu chiến thắng tội lỗi và tử thần trả lại sự sống cho nhân loại. Mầu nhiệm Chúa Phục sinh giúp con người thoát khỏi thân phận trở về cát bụi. Chính giá trị này mà sau khi Phục sinh Chúa đã nhắc lại điều Ngài đã báo trước đây, Thánh sử Luca hai lần ghi lại : "Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình rồi mới vào trong vinh quang quang của Người sao ?". "Có lời Kinh Thánh chép rằng : Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba từ cõi chết sống lại" ( Lc 24,26 v Lc 24,46 ) - Lời này lại càng quả quyết để các Tông đồ mạnh dạn đi Rao giảng Tin Mừng.
Cuối cùng, để quả quyết hơn, vị Giáo Hoàng tiên khởi của Giáo Hội đã khẳng định : "Nhờ Người, anh em tin vào Thiên Chúa, Đấng đã cho Người trỗi dậy từ cõi chết, và ban cho Người được vinh hiển, để anh em đặt niềm tin và hy vọng vào Thiên Chúa"( 1 Pr 1,21 ).
2.Sứ điệp bình an :
Lượt đi từ Kinh Thánh :
.Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các Môn đệ ở, các cửa đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói : "Bình an cho anh em !"( Jn 20,19 ).
.Các ông còn đang nói thì chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo : "Bình an cho anh em !"( Lc 24,37 ).
.Tám ngày sau, các Môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Thomas ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín, Đức Giêsu đến đứng giữa các ông và nói : "Bình an cho anh em !"( Jn 20,26 ).
.Người lại nói với các ông : "Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em"( Jn 20,21 ).
Thời ấy tuy không có Đại dịch nhưng các Môn đệ đã tự cách ly xã hội vì các ông sợ người Do Thái bách hại. Lúc đầu khi Chúa mới hiện ra, các Thánh Tông đồ ai cũng sợ, Chúa phán : "Bình an cho anh em", do đó sứ điệp Tin Mừng Phục sinh là sứ điệp bình an. Khi chạm đến Chúa Phục sinh rồi thì con người không còn sợ nữa. Vì vậy sứ điệp bình an rất quan trọng, có bình an thì các Tông đồ mới tiếp tục sứ mệnh của Thầy mình trao phó, mặc dù trước mắt là muôn vàn hiểm nguy. Nguy hiểm nhưng vẫn thấy bình an, bình an tâm hồn là thứ bình an lớn nhất vì biết có Thầy mình luôn ở cạnh bên, dù có chết đi nữa cũng để làm chứng cho việc Thầy mình Phục sinh.
Bình an là đời sống nội tâm nên không sợ đau khổ, không ai có thể cướp mất được. Người Môn đệ Chúa đã quyết chắc về đời sống đức tin, họ sẵn sàng chịu đựng những đau khổ, nếu có gặp những đau khổ thì cũng xem như thông phần đau khổ với Thầy mình trong những năm tháng Thầy mình đã trải qua, "chén đắng" Thầy mình đã uống trước.
Cảm động thay, trong những năm tháng Đại dịch, trong cảnh khốn khó có nhiều người kêu cầu cùng Chúa Phục sinh : "Lạy Chúa, xin ban bình an cho chúng con !". Có những nơi trên thế giới, từ đường phố đến công viên, bãi biển... người ta quỳ gối đưa tay và ngửa mặt lên trời để cầu nguyện. Một Thiên Chúa của họ thiêng liêng, hiện hữu, bao quát, chứ không giới hạn nơi Thánh đường.
"Chính Chúa là bình an"( Ep 2,14 ). Bình an đến từ Thiên Chúa không như thế gian ban tặng. "Người đã đến loan Tin Mừng bình an: Bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần"( Ep 2,17 ). Đó là bình an tâm hồn, niềm vui nội tâm và tình yêu giữa thụ tạo với Đấng Tạo Hóa. Đây là quà tặng Thiên Chúa dành cho những ai đặt trọn vẹn niềm tin nơi Ngài. Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta được một niềm vui sâu xa, một sự bình an bên trong và hoàn toàn tự do.
Bất cứ ai liên kết với Thiên Chúa người ấy đều có sự bình an đích thực. Chúng ta hãy để sự bình an của Chúa cư ngụ trong tâm hồn để Ngài cất bỏ sự lo âu phiền muộn. Chắc hẳn mỗi người chúng ta còn nhớ lời Chúa phán gần gũi và quen thuộc : "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi và bồi dưỡng"( Mt 11,28 ). Cùng đoạn, trong Tin Mừng Matthêu, câu 30, Thánh sử ghi nhận lời Chúa Giêsu nói : "Ách Ta êm ái, gánh Ta nhẹ nhàng".
Chúng ta cùng cầu chúc cho nhau để mỗi người đón nhận được lời chúc Bình an của Chúa Phục sinh. Hy vọng rằng bình an nội tâm sẽ là nguồn sức mạnh, động lực để mỗi người cùng với sự hiện diện của Chúa Phục sinh và với nhau, vượt qua những khó khăn thử thách trong hoàn cảnh hiện tại. Cầu chúc mọi người một mùa Phục sinh an lành, thánh thiện, ý nghĩa, đầy tin yêu và hy vọng.
3. Chiều kích giá trị mới :
Chúa của chúng ta đã chết và Ngài đã sống lại. Đây không phải là một mặc khải mà là một biến cố lịch sử. Sách Tin Mừng ghi rõ và Chúa cũng đã hiện ra cho nhiều người thấy. Cửa mồ bị bậc tung là một bằng chứng hùng hồn về sự sống lại của Ngài.
Việc Chúa sống lại có một ý nghĩa lớn lao trong đời sống đức tin của người Công giáo. Nếu Chúa Giêsu chết đi mà không sống lại thì sự rao giảng của người Công giáo trở nên vô vọng và điên rồ. Nếu Chúa không Phục sinh, tôn giáo của chúng ta sẽ là một mớ lý thuyết, và người tín hữu chẳng biết đời mình sẽ đi về đâu… Chúa sống lại thì không bao giờ chết nữa, Ngài sống miên viễn với thời gian. Ngài mang trong mình sự sống thiêng liêng của Thiên Chúa, nên Ngài không bị cản trở của thế giới hữu hình. Ngài luôn hiện diện với chúng ta.
Giữa cuộc đời này, chúng ta vẫn còn gặp bao thử thách gian truân, tức chúng ta vẫn luôn đối diện với thập giá. Trước khi Phục sinh, Chúa phải trải qua thập giá. Cái chết đau thương của Chúa là bằng chứng tình yêu, là sự hy sinh của Ngài vì tội lỗi nhân loại. Không có cái chết đau thương ấy thì chẳng có sự sống lại. Hiểu được giá trị ơn Cứu chuộc thì việc vác thập giá của ta quả là cần thiết, nhờ thế mà chúng ta cùng hưởng sự Phục sinh đích thực và trọn vẹn của Chúa sau này.
Thật vậy, chúng ta sẽ chẳng bao giờ Phục sinh, nếu như ở đời này ta chưa có sự hy sinh cho người khác. Thập giá đòi buộc chúng ta phải đón nhận. Thân thể chúng ta, dù biết bao bệnh tật, khổ đau, khiếm khuyết …nhưng ta tin sẽ được vinh hiển, vì Chúa đã Phục sinh, Ngài đã chiến thắng quyền lực của sự dữ và tử thần. Chúa Phục sinh bởi quyền năng của Thiên Chúa, Ngài cũng cho ta sống lại bởi quyền năng của Thiên Chúa như Thánh Phaolo trong thư gởi tín hữu Corinto : "Đức Kitô đã từ kẻ chết sống lại, là hoa quả đầu mùa mở đường cho những kẻ an giấc ngàn thu. Vậy sự chết bởi một người, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại. Qủa thế, như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô cũng được TC cho sống. Nhưng mỗi người theo thứ tự của mình : Mở đường là Đức Kitô, rồi khi Đức Kitô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người. Sau đó mọi sự đều hoàn tất, khi Người đã tiêu diệt hết mọi quần thần, mọi quyền thần và mọi dũng thần, rồi trao Vương quyền lại cho TC Cha"( I Cr 15,20-24 ).
Đấng đã Phục sinh không thể nào chết được. Chúng ta cũng đừng tôn thờ Ngài như một bóng ma, hay như một người cõi âm, vì khi hiện ra với các Tông đồ chính Ngài đã phán : “Thầy đây, không phải ma đâu.”( x Lc 24,39 ). Một số ít người công giáo chúng ta vẫn còn chưa gần gũi với Chúa như một người Cha, họ thờ Chúa theo cung cách của những người lương. Thật ra Chúa là Cha nhân từ, tất cả những gì Ngài làm là yêu thương chúng ta, yêu đến cùng ! Vì thế, Ngài muốn chúng ta luôn ở kề cận bên Ngài, như đàn con nhỏ nép mình bên Cha hiền, trìu mến, bao dung.
Hãy sống những giây phút hiện tại vì đời sống vĩnh cữu bắt đầu từ hiện tại. Chúa đặt để mỗi người một hoàn cảnh, để trong suốt hành trình cuộc sống con người biết hướng tới tương lai, hướng tới giờ phút cuối cùng của sự Phục sinh mà Thiên Chúa ban cho mỗi một người chúng ta nhờ lòng thương xót của Ngài.
JB.SĨ TRỌNG.
Các chủ đề tương tự trong chuyên mục này:
Thay đổi nội dung bởi: JB. Sĩ Trọng, 21-04-2023 lúc 04:47 PM