Trạng thái :  
Tham gia : Aug 2011
Bài gửi : 468
Tên Thánh: Gioan Baotixita
Tên thật: JB. Hoàng Trọng Sĩ
Đến từ: Giáo Xứ Chánh Tòa - Xuân Lộc (Đồng Nai)
Sở thích: đọc sách, du lịch
Nghề nghiệp: Giáo viên
Cảm ơn 3,637
Được cảm ơn 2,936 lần
trong 480 bài viết
Giai điệu hòa ca của kẻ đến trước người đến sau
1. Con người vĩ đại nhất :
Thánh Luca giới thiệu Gioan Baotixita sau khi dẫn ra một loạt các tên tuổi lớn có tiếng tăm. Đây là một nhân vật vĩ đại nhất thời ấy. Chính Chúa Giêsu ( GS ) xác nhận như vậy trong Luca 7,28. Ông quan trọng hơn bất cứ vị vua nào thuở ấy vì ông có sứ mạng vô cùng lớn lao là dọn đường cho Đấng Cứu thế ( Isai 40,3-5 ). Không những quan trọng hơn bất cứ vị vua nào thở ấy mà cả ngày nay nữa. Ông nói ra lời của chính Thiên Chúa ( TC ) để cảnh báo dân chúng, để kêu gọi mọi người ăn năn. Gần đây Đức Cha Giuse Đỗ Quang Khang trong một bài giảng lễ đã chia sẻ : Gioan Baotixita chỉ là giọng hát chứ không phải là ca sĩ. Gioan ý thức mình là khí cụ để Chúa dùng. Đức Cha nhắc đi nhắc lại Gioan khẳng định "tôi không là" để ông muốn hướng tất cả cái nhìn của mọi người về nhân vật đằng sau "là" Chúa GS.
Dân chúng khắp nơi lũ lượt đến nghe ông giảng dạy, dù rằng lời giảng dạy của ông rất nghiêm khắc. Ông gọi đám thính giả của ông là "dòng dõi rắn lục", bọn người độc địa, thù nghịch Chúa và đáng phải tru diệt. Lời lẽ của Gioan Baotixita rất thẳng thắn, diễn tả cơn thịnh nộ và sự phán xét sắp tới của TC :
a. Đừng tưởng rằng mình là hậu tự của Apraham, đừng dựa vào tôn giáo của mình, cho dù là người lãnh đạo Giáo Hội, là giáo sĩ thành công, hay dự phần bất cứ công việc nào trong Hội Thánh, chúng ta chỉ được cứu khi đời sống "sinh những hoa quả xứng đáng với lòng sám hối"( Lc 3,8b ).
b. Phải bỏ tính ích kỷ tham lam, đừng cố thu hoạch nhiều của cải ( x Lc 3,11 ).Ai có vật gì nhiều hơn nhu cầu, hãy chia sẻ với người không có.
c. Bỏ thói cậy quyền thế mà hiếp đáp người cô thế ( x Lc 3,12-14 ).Binh lính thì lương hướng không bao nhiêu nên thường hà hiếp dân chúng để kiếm thêm tiền. Chúa sẽ trừng phạt đấy. Ít lương không phải là cớ biện minh cho sự hiếp đáp. Người thu thuế có thói quen lạm dụng quyền hành để thu vượt mức đã định. Phải dừng tay lại. Gioan Baotixita dạy rằng Đức Chúa Trời không dung tha một xã hội trong đó cá lớn nuốt cá bé, một xã hội mà người giàu cứ giàu thêm mãi vì có quyền thế, còn kẻ nghèo thì không có cơ hội nào để ngóc đầu lên nỗi.
d. Tất cả người độc ác xấu xa sẽ có một ngày ứng hầu trước sự phán xét chắc chắn của TC ( x Lc 3,17 ).
Thế nhưng vua Herode nhất quyết không chấp nhận lời giảng dạy của Gioan Baotixita nên đã bắt Gioan bỏ tù ( x Lc 3,19-20 ).
Chúng ta đang chờ đợi Chúa trở lại. Nhưng Ngài sẽ đến như một quan án xử tội ta hay là Đấng Cứu rỗi để cứu ta ? Đây là thời điểm để ta chuẩn bị đón rước Ngài.
2. Đấng cao hơn Gioan Baotixita :
Ta phải biết rằng Chúa GS là TC, nhưng Ngài cũng là con người thật sự.
Ta hãy thử đặt vấn đề : Nếu Gioan Baotixita là con người vĩ đại thì Đức GS là ai ? Hãy đọc Lc 3,21-22 để biết lời phán của Chúa Cha. Cũng đọc Lc 3,23-38 là lời giải thích của chính tác giả, đọc Lc 4,1-13 về cảnh Satan cám dỗ Chúa GS - Đọc kỷ các đoạn ấy, ta sẽ thấy Đức Chúa GS có đầy đủ đặc tính của một con người.
Không có gì khiến Ngài khác biệt với người thường cho đến khi Bồ câu giáng xuống và có tiếng phán từ trời. Nhưng Bồ câu và tiếng phán cũng không phải là điều hoàn toàn lạ lùng. Bồ câu là biểu tượng của Chúa Thánh Thần, đồng thời cũng là biểu hiện của Israen ( x Ô-sê 11,11 ); còn tiếng phán từ trời là lặp lại của Isai 42,1. Khi chịu phép rửa, Chúa GS tự nhận mình cũng là một người dân của Israen như muôn người khác, hòa mình vào quần chúng, cùng cầu nguyện với họ.
Ta lưu ý rằng : Luca chịu khó kể rõ gia phả của Chúa GS, điều này bọ Tùy tôi đã bắt chước để viết gia phả của dòng tộc, kể rõ gia phả của Chúa GS cho đến A-đam con Đức Chúa Trời, kể cả những tổ phụ mà không ai biết đến tên tuổi và sự nghiệp. Như vậy, nhìn từ góc độ Thánh Kinh, Chúa GS là con TC không những do sự xức dầu trực tiếp từ TC mà còn do gia phả nữa.
Ta đều biết rằng tội lỗi đã cắt đứt dòng dõi Con Trời của chúng ta. Nhưng dòng dõi của Chúa GS thì vẫn y nguyên. Câu chuyện Satan cám dỗ Chúa cũng chứng tỏ nhận xét trên. A-đam và Israen không chịu nỗi cám dỗ, còn Chúa GS chống được cám dỗ nên ma quỉ phải rút lui. Lời viện dẫn này của Môise khuyên dân Israen phải nắm lấy Chúa. Như vậy Chúa GS tự coi mình là một phần tử của dân tộc Israen.
Các cám dỗ của ma quỉ phá vỡ nguồn gốc từ trời của chúng ta. Chúng ta bị cám dỗ dùng khả năng của chúng ta để phục vụ mục đích vị kỷ của chúng ta ( x Lc 4,3 ). Chúng ta cũng bị ma quỉ cám dỗ mưu cầu lợi lộc theo ý đồ riêng chứ chẳng theo đường lối Chúa ( x Lc 4,6-7 ), và lợi dụng Chúa để khiến cho người ta khâm phục mình ( x Lc 4,9-11 ). Nhưng Chúa GS đã thắng mọi mưu chước cám dỗ.
3. Những biểu lộ bác bỏ Tin Mừng :
Hạng người nào bác bỏ Tin Mừng ?
Có thể bảo cả Phúc Âm được thu gọn lại trong đoạn sách chúng ta đọc và suy niệm hôm nay : Lc 4,14-30. Đức Chúa GS được nổi tiếng rất cao, nhưng khi về lại Nazaret là nơi dưỡng dục Ngài thì Ngài gặp sức phản ứng mãnh liệt. Ngài đã xưng Ngài là ai, đến đây để làm gì; nhưng chính dân Ngài thì phản đối dữ dội.
Đức Chúa GS có làm điều gì kích động sự căm phẫn của dân chúng không ? Không. Ngài chỉ nói lời tử tế thôi ( Lc 4,22 ), cho đến khi dân chúng thách thức và Ngài không chịu làm những gì Ngài đã làm tại Caphanaum ( x Lc 4,23 ), chính Ngài đưa ra nhận định : "không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình"( Lc,24 ), tức các tiên tri không được trọng đãi tại quê nhà ( Mc 6,4 ). Sự chống đối Ngài mạnh mẽ lại tỏ ra Ngài là đúng. Họ làm chứng tốt về Ngài vì họ thấy hãnh diện về một người cùng quê với mình nay trở thành nổi tiếng tại Galile. Còn khi Ngài không chịu làm những việc như đã làm tại Caphanaum thì họ lại tức lên vì ganh tị.
Như vậy họ rơi vào loại cám dỗ thứ ba. Và trong tâm trạng ấy, họ bỏ ngoài tai khi Ngài dùng Isai 61,1-2 để phán với họ.
Chỉ có hạng người nghèo khổ, bệnh tật, bị áp bức mới nhận ra được phước hạnh từ Lời Ngài. Còn những người giàu có, tự mãn, ở cùng quê với Ngài thì chỉ xem Ngài như là con trai của bác thợ mộc Giuse mà chẳng thèm xét đến gia phả cao trọng của Ngài, như Luca đã làm.
Thánh sử Luca thuật lại câu chuyện này đồng ứng với Maccô 6,1-6 và giải thích rộng ra để chuyển sang đoạn nói về các công việc của Chúa GS. Tác giả thuật lại việc các người nghèo khổ, tù tội, đui mù, bị áp bức, chăm nghe Phúc Âm và được Chúa GS giải cứu bằng chính mạng sống của mình. Những ai tự mãn, không nhận ra tình cảnh đui mù, nghèo hèn của mình thì lại nổi giận khi nghe Chúa GS giảng dạy.
4. Tin Mừng về Nước Trời :
Nazaret và Caphanaum thật trái hẳn nhau. Tại Nazaret, đoàn dân kéo lên núi để ném Chúa xuống ( x Lc 4,29 ). Còn tại Caphanaum, đoàn dân vây quanh Ngài, giữ Ngài ở lại, không cho Ngài rời đi ( x Lc 4,42 ). Tại Nazaret, Ngài dùng Isai 61,1-2 để minh bạch, bảo cho đoàn dân biết Ngài là ai. Thế nhưng tại Caphanaum, Ngài lại không nói đến địa vị của Ngài và cấm luôn cả tà ma nói đến Ngài vì chúng đều biết Ngài ( x Lc 4,35-41 ). Tại sao tại Caphanaum dân chúng nồng nhiệt tiếp đón thì Ngài lại im lặng về chức vụ Messia của Ngài ? Để trả lời câu hỏi này ta hãy tìm hiểu lý do tại sao chúng muốn Ngài ở lại, và tại sao Ngài muốn ra đi. Chúng muốn Ngài ở lại để chữa bệnh thêm nữa ( Lc 4,40 ). Ngài cần ra đi để giảng dạy cho nhiều người khác ( x Lc 4,43-44 ).
Đối với dân chúng thì điều quan trọng nhất là được hết bệnh, được khỏi tật nguyền, thế thôi ! Còn đối với Chúa GS thì việc chữa bệnh tật chỉ là dấu hiệu "năm Hồng Ân của Chúa"( Lc 4, 19 ), của "Tin Mừng Nước TC"( Lc 4,43a ). Trong sách Luca có ít nhất 30 lần nói về Nước Trời, Chúa GS nói đến Nước TC đến 26 lần trong tổng số đó. Trọng tâm các sứ điệp của Ngài là giảng dạy về Nước TC ( x Lc 8,1 v 9,11 ). Chúa GS là Đấng trước hết và trên hết trong việc truyền rao Nước Trời, Ngài được "sai đi cốt để làm việc đó"( Lc 4,43b ). Vì Nước Trời chính là nơi chúng ta được đến để nhận lấy sự sống mới trong TC qua Đức Kitô. Chữa bệnh thuộc thể là một phần của sự sống mới, nhưng không phải là trung tâm của sự sống mới.
Chúa GS đã đến để công bố Nước Trời, Ngài cũng kêu gọi mỗi một chúng ta ra đi làm công việc ấy.
Giai điệu hòa ca cùng sứ mệnh của kẻ đến trước là Gioan Baotixita và người đến sau là Chúa GS, cả hai đều mang âm hưởng tuyệt diệu. Nhưng "Kẻ đến trước" tự cho rằng không xứng đáng cúi xuống cởi quai giày cho "Người đến sau", điều đó mới đáng khâm phục chứ !
5. Cầu nguyện :
Lạy Chúa, con mong ngày Chúa trở lại, xin giúp con nhớ đến sứ điệp của Gioan Baotixita biết ăn năn lầm lỗi mỗi ngày, để sẵn sàng gặp Chúa của con.
Cảm tạ Chúa là TC, nhưng khi giáng thế Ngài cũng là con người bình thường như con. Xin cho con có cái nhìn đúng đắn về Ngài để con hiểu biết Ngài hơn.
Thật điên rồ vì ngày nay vẫn có một số người bác bỏ Tin Mừng, chắc Chúa cũng lấy làm lạ ( Mc 6,6 ), con xin cảm tạ Chúa về Tin Mừng Ngài công bố, xin cho con đủ sức để chia sẻ Tin Mừng ấy với người chung quanh.
JB.SĨ TRỌNG.
Các chủ đề tương tự trong chuyên mục này: