-
Trạng thái :  
Tham gia : Jan 2011
Bài gửi : 8
- Tên thật: duy khuong
- Đến từ: Hàng xanh
- Sở thích: an sua chua
- Nghề nghiệp: sinh vien
- Cảm ơn
- 0
- Được cảm ơn 43 lần
trong 7 bài viết
Dòng Phanxico !!!
DÒNG PHANXICO HAY CÒN GỌI DÒNG ANH EM HÈN MỌN
Dòng Anh Em Hèn Mọn, do thánh Phanxicô thành Atxidi sáng lập, là một huynh đệ đoàn, trong đó các anh em được Chúa Thánh Thần thúc đẩy đi theo Đức Giêsu Kitô sát hơn; qua việc tuyên khấn, họ được thánh hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa, là Đấng họ yêu mến trên hết mọi sự, bằng cách sống Phúc âm trong Giáo hội theo thể thức mà thánh Phanxicô đã tuân giữ và đề xướng.
LƯỢC SỬ DÒNG PHAN SINH TẠI VIỆT NAM
Đi mở nước Chúa ở những miền đất xa xôi, đầy phiêu lưu mạo hiểm, xưa nay vẫn là một truyền thống của Dòng Phanxicô.
Từ thế kỷ 12, đã có vết chân của các nhà truyền giáo mạo hiểm này vượt trùng dương, băng rừng băng núi đem ánh sáng Phúc Am đến cho các dân tộc Á đông. Từ năm 1245-1314, đã có những vị hoặc đi một mình hoặc đi thành phái đoàn, thành công mỹ mãn hoặc có đi mà không có về …
Ở Việt Nam, vào thế kỷ 16, đã có những nhà truyền giáo Phanxicô đến mở Nước Chúa. Ngay từ năm 1583 và nhất là sau năm 1680, đã có những linh mục từ Phi Luật Tân qua truyền giáo và rửa tội được rất nhiều người, nhất là ở Nam Việt và Cao Miên. Có người nói số giáo hữu lên tới 30.000 người …
Nhưng vào khoảng năm 1750, Giáo hội bị bách hại, vì thế các giáo đoàn nói trên phải tan rã. Các cha còn tìm cách trở lại nhưng không kết quả. Người cuối cùng mà sử sách còn biết tới là cha Odoric de Collodi, làm cha sở Cái Nhum 13 năm, dưới triều Minh Mạng, bị bắt ra Phú Xuân, bị án đày lên Lao Bảo với các Chân phước Gagelin, Jacquard và chết rũ tù nơi rừng thiêng nước độc ấy vào ngày 23/5/1834.
Như thế, tuy anh em tu sĩ Dòng Phanxicô đã đến truyền giáo trên giải đất Việt Nam từ cuối thế kỷ 16, nhưng cho đến đầu thế kỷ 20, vẫn chưa thành lập một nhà dòng nào cho người Việt muốn sống đời tu trì theo tinh thần Thánh Phanxicô.
Một dịp thuận tiện đã đến để liên kết Dòng với giải đất mà một số con cái thánh Phanxicô đã từng hy sinh gian khổ đem ánh sáng Phúc Âm chiếu giãi sáng ngời. Tháng 11 năm 1928, Đức Cha Colomban Dreyer, một tu sĩ Phanxicô, trước đây một thời đã hoạt động cùng Cha Maurice Bertin ở Canađa, được Tòa Thánh cử làm Khâm mạng Tòa Thánh ở đế đô Huế. Đức Cha nghĩ đến việc lập Dòng, thể theo ý Đức Giáo Hoàng Piô XI đang khuyến khích các địa phận truyền giáo mời các Dòng tu đến giúp sức.
Đầu năm 1929, với sự chấp nhận và khuyến khích của Hội Truyền Giáo Paris, và riêng của Đức Cha Eloy, Giám mục Địa phận Vinh, công cuộc lập Dòng Phanxicô Việt Nam, và nhà đầu tiên ở Vinh, được giao cho một Tỉnh Dòng Pháp đảm nhận. Và cha Maurice Bertin vừa ở Nhật Bản về định chuẩn bị lập Dòng ở Tokyo và Nagasaki, được giao cho việc hướng dẫn anh em sang lập Dòng ở Việt Nam.
Ngày 21/11/1929, cha Maurice Bertin cùng với hai anh em là cha Hugolin Lemesre và thầy Jean-Marie Couden đặt chân lên hải cảng Đà Nẵng. Và suốt 17 năm trời, mặc dầu đã ngoài 60 tuổi, cha không ngừng vận dụng hết tài năng sức lực lo đặt nền móng vững chắc cho việc đào tạo giúp Hội Thánh Việt Nam, những tu sĩ Phanxicô và phát huy cuộc đời tu hành theo tinh thần của vị Thánh Nghèo trên đất Việt.
LINH ĐẠO
Ơn gọi và chân tính, nghĩa là đoàn sủng của Dòng Anh em hèn mọn trong Giáo hội và trong thế giới, được diễn tả cách cô đọng trong điều 1 của Tổng Hiến Chương Dòng:
“Dòng Anh Em Hèn Mọn, do thánh Phanxicô thành Atxidi sáng lập, là một huynh đệ đoàn, trong đó các anh em được Chúa Thánh Thần thúc đẩy đi theo Đức Giêsu Kitô sát hơn; qua việc tuyên khấn, họ được thánh hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa, là Đấng họ yêu mến trên hết mọi sự, bằng cách sống Phúc âm trong Giáo hội theo thể thức mà thánh Phanxicô đã tuân giữ và đề xướng.
Các anh em, những môn đệ của thánh Phanxicô, phải sống Phúc âm cách triệt để trong tinh thần cầu nguyện và sốt mến và trong tình hiệp thông huynh đệ; phải làm chứng về đời sống hoán cải và hèn mọn; phải mang sứ điệp Phúc âm đến cho toàn thế giới trong tình bác ái đối với tất cả mọi người, và dùng hành động rao giảng sự hòa giải, hòa bình và công lý”
1. Chúng ta là một huynh đệ đoàn: Hội Dòng gồm những người “anh em” (frater) không tự ý chọn lựa nhau, nhưng là quà tặng của Thiên Chúa. Mỗi người được mời gọi đích danh bước theo dấu chân Chúa Kitô và chịu trách nhiệm về cả tập thể mình.
2. Chiều kích Ba Ngôi: Linh đạo của người anh em hèn mọn lấy Chúa Thánh Thần làm khởi điểm, chọn Đức Kitô làm trung tâm và quy hướng về Chúa Cha là cùng đích.
3. Sống Phúc Am cách triệt để: “Luật và đời sống” của người anh em hèn mọn là Phúc âm, là Tin vui nhập thể. Nếp sống đó được biểu lộ cụ thể như sau:
- Sống trong tinh thần cầu nguyện và sốt mến;
- Sống trong tình hiệp thông huynh đệ;
- Làm chứng về đời sống hoán cải và hèn mọn;
- Mang sứ điệp Phúc âm đến cho toàn thế giới trong tình bác ái đối với tất cả mọi người;
- Dùng hành động rao giảng sự hòa giải, hòa bình và công lý;
- Tỏ bày sự tôn trọng đối với mọi loài thọ tạo.
4. Trong Giáo hội: Giáo hội là môi trường trong đó người anh em hèn mọn được mời gọi sống Tin Mừng và trổ sinh những hoa trái thánh thiện, để nhờ đó Thiên Chúa được tôn vinh và nhiều người được ơn cứu rỗi.
5. Theo cách thức của Thánh Phanxicô: Người anh em hèn mọn luôn quy chiếu về thánh Phanxicô và xem ngài như một trung gian và khuôn mẫu để giúp mình thực hiện dự phóng: sống và loan báo Phúc âm cùng với những anh em do Chúa ban cho (x. Di chúc 14-15).
(x. Dấu Ấn Mọn Hèn, trang 112-115)
MỘT VÀI TÀI LIỆU TÌM HIỂU VỀ DÒNG
- Thánh Phanxicô Assisi (Antôn & Một nhóm tác giả. Học viện Phanxicô).
- Di cảo Thánh Phanxicô (VPTD ấn hành 2007).
- Hạnh Thánh Phanxicô (Tôma Cêlanô. Ban Tu Thư TD 2004).
- Lần Giở Trước Đèn (Maria Antôn Trần Phổ. Học viện Thủ Đức 2003)
- Dấu Ấn Mọn Hèn (Kỷ niệm 75 năm thành lập TDVN 1929 – 2004).
- Những bông hoa nhỏ (M.A. Trần Phổ)
ƠN GỌI VÀ HUẤN LUYỆN
A. Các nguyên tắc chung
1) Công tác huấn luyện trong Tỉnh dòng Phanxicô Việt Nam đã được tiến hành theo các nguyên tắc căn bản là giáo dục nhân bản, giáo dục kitô hữu và giáo dục phan sinh, nhằm đào tạo một con người tốt, một người kitô hữu tốt và một tu sĩ phan sinh tốt.
2) Trong từng hoàn cảnh cụ thể, chương trình huấn luyện được điều chỉnh để phù hợp với các ưu tiên của Giáo hội, của Dòng, của Giáo hội địa phương và của Tỉnh dòng, cũng như để phù hợp với các biến chuyển trong xã hội.
B. Một số đặc điểm
1) Từ 1929 đến 1975:
- Ở Tiểu chủng viện, các chủng sinh theo hướng linh mục được học chương trình Pháp, ban Nhân văn. Việc tuyển lựa và sàng lọc chủng sinh nhấn mạnh nhiều đến khả năng học vấn, được hướng dẫn về giáo lý đức tin và đồng hành trau dồi các đức tính nhân bản.
- Ở Nhà tập, các tập sinh ngưng việc học các môn “thế tục”, tiếp tục được chỉ dẫn về các đức tính nhân bản, đặc biệt các đức tính cần thiết cho đời sống chung cũng như được hướng dẫn để thực tập lối sống phan sinh: cầu nguyện, huynh đệ, đơn sơ, khó nghèo.
- Ở Học viện, các ứng viên cho chức linh mục (các học sĩ) học các môn do Giáo luật qui định: triết học, thần học (tín lý, luân lý, Thánh Kinh…). Đến những năm 60, bắt đầu học triết học ở ngoài (Học Viện Đa Minh, Đại Học Văn Khoa). Bắt đầu từ 1968, học thần học tại Giáo Hoàng Học Viện Piô X, Đà Lạt.
- Công tác huấn luyện theo định hướng không linh mục được tổ chức theo một hệ riêng: chủ yếu là học tu và học làm việc.
2) Từ 1975 đến 1993:
- Trong điều kiện không có cơ sở vật chất chuyên dụng, công việc huấn luyện vẫn được kiên trì tiến hành theo phương châm “giáo dục trong cuộc sống và qua cuộc sống” và được địa phương hóa; nghĩa là ở cộng đoàn nào có anh em đang trong giai đoạn thụ huấn, thì ở đó tự sắp xếp thời gian phối hợp hài hòa: việc cầu nguyện, học tu và học tập, lao động, thư giãn.
- Công tác huấn luyện cho các ứng sinh và tu sĩ có định hướng linh mục hay không linh mục tiến hành chung với nhau.
3) Từ 1989 đến nay (2008):
- Chấm dứt thời kỳ huấn luyện theo phương châm “huấn luyện qua cuộc sống và bằng cuộc sống”, và trở lại với mô hình huấn luyện tập trung theo đúng mô hình của Giáo luật (1989: Tập viện tại Du Sinh, Lâm Đồng. 1996: Học viện tại Thủ Đức, Quận 9 Sàigòn. 1998: Thỉnh viện tại Bình Giã, Bà Rịa-Vũng Tàu. 8/2008: Nhà tìm hiểu tại Thủ Đức, Quận 9 Sàigòn).
- Các giai đoạn huấn luyện được tổ chức qui củ và công tác huấn luyện được phân công phân nhiệm rõ ràng hơn trước.
- Thành lập Ban Mục Vụ Ơn Gọi: lên dự phóng tìm kiếm, tuyển lựa, huấn luyện và đồng hành ơn gọi mới trong giai đoạn tìm hiểu (thường kéo dài từ 2 đến 4 năm), trước khi bước sang các giai đoạn huấn luyện kế tiếp.
- Công tác Thường Huấn được tổ chức qui mô hơn: Ban Thường Huấn tiếp tục gởi những bài học hàng tháng đến các cộng đoàn để anh em tự tổ chức học tập với nhau. Ngoài ra còn có những khóa bồi dưỡng tập trung cho những nhóm đối tượng khác nhau: các anh em linh mục làm mục vụ, các anh em mới chịu chức và mới khấn trọng trong vòng 5 năm, các anh em khấn sinh theo định hướng không linh mục, hoặc các khóa chuyên đề (về thánh Bonaventura, về Cảnh giới trong Phật Giáo).
(x. Dấu Ấn Mọn Hèn, trang 233-237)
C. các giai đoạn huấn luyện hiện nay
1) Giai đoạn tìm hiểu:
- Dành cho các em nam đã tốt nghiệp PTTH (lớp 12/12) và có thể ghi danh tìm hiểu ơn gọi Phan Sinh tại bất cứ cộng đoàn Phan Sinh nào gần nhất.
- Trải qua một tuần lễ tĩnh tâm giúp định hướng ơn gọi, gọi là “Khóa Khám Phá Ơn Gọi”, thông thường được tổ chức hàng năm tại Tu viện Thủ Đức, vào khoảng thời gian cuối tháng bảy dương lịch.
- Diện tập trung (tại Nhà tìm hiểu Thủ Đức): đối với những ứng sinh đã trúng tuyển, không tiếp tục học thêm tại các trường Trung cấp, Cao đẳng, Đại học ngoài; hoặc đã học xong chương trình tại các trường nêu trên. Thời gian kéo dài từ 1 đến 2 năm.
- Diện tập trung (tại một số cộng đoàn như Đakao, Thủ Đức, Vĩnh Phước): đối với những ứng sinh đã trúng tuyển, đang theo học tại các trường Trung cấp, Cao đẳng, Đại học ngoài. Thời gian có thể kéo dài đến 4 hoặc 5 năm, tuỳ theo ngành học.
- Tham dự một tuần lễ dã ngoại, giao lưu, học hỏi chung với nhau, gọi là “Khóa Đamianô”, thường được tổ chức hàng năm vào khoảng cuối tháng tám dương lịch.
2) Giai đoạn thỉnh sinh:
- Dành cho các ứng sinh đã qua giai đoạn tìm hiểu và sau khi trải qua một tuần lễ giúp xác tín ơn gọi, gọi là “Khóa Đào Sâu Ơn Gọi”, thường được tổ chức hàng năm vào khoảng đầu tháng tám dương lịch.
- Sống tập trung tại Nhà Thỉnh, thuộc Bình Giã, Bà Rịa-Vũng Tàu. Thời gian kéo dài trong vòng một năm.
- Thực tập sống đời sống cộng đoàn, cầu nguyện, lao động và học tập một số môn nhập môn Kinh Thánh, Phụng vụ, Triết học …vv.
- Cầu nguyện, suy nghĩ và trao đổi với những người đồng hành thiêng liêng và hữu trách, để tiến tới chọn lựa định hướng tu sĩ không linh mục hoặc tu sĩ linh mục.
3) Giai đoạn Tập viện:
- Tiếp nối giai đoạn Thỉnh sinh, các ứng sinh sẽ nhận lãnh tu phục và bước vào giai đoạn Nhà Tập kéo dài trong vòng một năm. Sau năm tập là tuyên khấn lần đầu.
- Tại Tập viện Du sinh, thuộc Đà Lạt, Lâm Đồng, các tập sinh học hỏi và thực tập đời sống cầu nguyện, một số môn truyền thống như: Luật Dòng, lịch sử Dòng, linh đạo Phan Sinh …vv.
- Nhờ cầu nguyện và với sự đồng hành của những người hữu trách, các tập sinh xác tín ơn gọi Phan sinh và quyết định định hướng tu sĩ không linh mục hoặc tu sĩ linh mục.
4) Giai đoạn Khấn tạm:
- Tất cả các khấn sinh sống tập trung tại Học viện Thủ Đức và trải qua khóa “Thần học cơ bản”, thường kéo dài hai năm. Sau đó, các khấn sinh sẽ có một năm được gởi đi thực tập sống chung tại các cộng đoàn, hoặc các địa điểm truyền giáo quốc nội.
- Sau năm đi thực tập và trở về lại Học viện, các khấn sinh định hướng linh mục sẽ tiếp tục học thần học tại Học viện của Dòng và Học Viện Liên Dòng. Các khấn sinh định hướng không linh mục, tùy nhu cầu của Tỉnh Dòng và sự thẩm định của Ban Huấn Luyện, tùy khả năng và nguyện vọng của bản thân, có thể theo học các ngành nghề chuyên môn hoặc về sống và làm việc tại các cộng đoàn.
- Vào những dịp mùa hè, có thể các khấn sinh sẽ được chia ra thành từng nhóm và được gởi đi tham gia công tác phục vụ mục vụ hoặc xã hội trong một thời gian ngắn.
- Sau mỗi năm, các khấn sinh sẽ lặp lại lời khấn; và sau năm hoặc sáu năm, các khấn sinh có thể làm đơn xin khấn trọn.
CÁC CƠ SỞ VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG CHUYÊN NGÀNH
Bản tính con cái vị Thánh Nghèo là đến với người nghèo đói khổ cực, bệnh hoạn tật nguyền, không có điều kiện để học chữ, học và hành nghề .v.v. Ngay từ ban đầu, các Anh em hèn mọn đã quan tâm đến công tác truyền giáo xã hội và giáo dục, tổ chức những trung tâm, những trường lớp để phục vụ cho anh chị em …
Một số cơ sở tiêu biểu:
1) Về mặt xã hội:
- Nhà hưu dưỡng Lạc Thiện, Nha Trang (1946)
- Trung tâm giáo dưỡng thanh niên Pháp & Việt , Cầu Ông Lãnh, Sàigòn (6.1949)
- Trung tâm bài cùi Núi Sạn, Đồng Đế, Nha Trang (1962 – 1975)
- Trung tâm hưu dưỡng Phước Thiện, Rù Rì, Nha Trang (1956 – 1975)
- Trung tâm Hansen Cửu Long, An Giang (8.1967 – 1999)
- Trung tâm Hansen Tam Hiệp, Đồng Nai (1968 – 1975)
2) Về mặt giáo dục:
- Trường tiểu học Nam Thông, Thanh Hải, Nha Trang (1953)
- Trường tiểu học Thánh Antôn, Vĩnh Phước, Nha Trang (1958)
- Trường Lavang và trường Mẫu tâm, Tiểu Cần.
- Trường trung học Vạn Xuân, Cù Lao Giêng, An Giang (1959)
- Trường trung học Hưng Đạo, Nha Trang (1965 – 1975)
- Trường tiểu học Thánh Giuse, Quảng Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu (1992 – 1998)
- Trường tiểu học tình thương Antôn, Cầu Ong Lãnh, Sàigòn (1989 – 2008)
3) Một số khác:
- Trung tâm truyền giáo cho đồng bào ít người, Diên Khánh, Khánh Hòa
- Hợp tác xã mành trúc, Cầu Ông Lãnh, Sàigòn (1975)
- Cơ sở Giống cây trồng Phan sinh, Du Sinh, Đà Lạt, Lâm Đồng
- Công ty xi mạ Phan Sinh (1994 – 2008)
Ngoài ra, noi gương Đức Kitô, Đấng “đến không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống mình vì đoàn chiên”, tùy môi trường và điều kiện tại chỗ, cộng tác với nhiều tổ chức khác trong và ngoài nước, anh em còn tham gia hoạt động trong các lãnh vực khác với quy mô nhỏ hơn như: mở phòng khám và phát thuốc miễn phí, các lớp học tình thương tại giáo xứ; cộng tác phục vụ trong các phong trào hoặc các hoạt động như: Thanh Sinh Công, Pax Romana Vietnam, Phụng Vụ Các Giờ Kinh, Liên Tu sĩ …vv.
Nói chung, từ sau năm 1975 đến nay, hầu hết các cơ sở phục vụ xã hội do anh em trong Dòng đảm nhận không còn nữa. Hiện nay, có ba cơ sở là:
Chủng viện Phanxicô Thủ Đức (được Nhà Nước trao trả lại năm 1995), được trùng tu và mở rộng trở thành Học viện Phanxicô, để phục vụ cho nhu cầu huấn luyện và đào tạo tu sĩ trong Dòng, bước đầu với hai phân ban triết học và thần học. Tại đây, một nhà tĩnh tâm cũng được thiết lập, đáp ứng nhu cầu tìm về gặp gỡ Thiên Chúa của nhiều người.
Cơ sở Giống cây trồng Phan sinh, Du Sinh, Đà Lạt, góp phần cải thiện đời sống của anh em và tạo công ăn việc làm cho những người dân nghèo tại địa phương.
Cơ sở sở sản xuất tại Sông Bé, để anh em vừa lao động sinh sống vừa huấn luyện ơn làm việc cho các tu sĩ trong Dòng
MỘT VÀI LỄ HỘI QUAN TRỌNG
04.10 : Lễ Kính Cha Thánh Phan-xi-cô Át-xi-di (Lễ Giỗ Tổ, LễBổn Mạng Tỉnh Dòng)
08.12 : Lễ Kính Đức Trinh Nữ Maria VNNT (Bổn mạng Hội Dòng)
20.5.2004 : Tạ ơn 75 năm lập Dòng tại Việt Nam (20.5.1929 – 20.5.2004)
04.10.2009 : Mừng 800 năm lập Dòng và 80 năm Tỉnh Dòng Anh em hèn mọn Việt Nam (Anh em sẽ cử hành trong một năm trọn 04/10/2008-04/10/2009)
II. NHẬN ĐỊNH
Qua những thăng trầm của đất nước và Giáo hội Việt Nam, nhờ ơn Thiên Chúa trợ giúp, các Anh em hẹn mọn Việt Nam vẫn giữ vững được chân tính của mình, đó là sống đời sống huynh đệ trong tinh thần nghèo khó bé nhỏ, để phục vụ hạnh phúc của anh chị em mình. Anh em hiểu rằng con số các ơn gọi vẫn đến với đời sống Phan sinh là một sự chuẩn nhận và khích lệ Thiên Chúa ban cho anh em.
III. HƯỚNG TỚI
Tỉnh Dòng một đàng phải tiếp tục tìm ra những phương thức hợp thời mà huấn luyện các tu sĩ của mình, qua giai đoạn huấn luyện khởi đầu cũng như thường huấn, đồng thời phải đáp ứng tiếng gọi lên đường truyền giáo trong nước cũng như tại nước ngoài. Đấy là những thách đố mà anh em phải can đảm đón lấy và sáng suốt tìm ra các giải pháp. Với ơn Chúa Ba Ngôi trợ giúp, với sự hướng dẫn liên tục của Giáo hội cũng như của Hội dòng, và sự hỗ trợ khiêm tốn nhưng không kém phần hữu hiệu của mọi anh chị em xa gần, anh em tin tưởng rằng anh em sẽ tiếp tục đi tới trong sự phong phú và trong niềm vui.
IV. MỘT SỐ ĐỊA CHỈ LIÊN LẠC
Tu viện Phanxicô Đakao
03 Mai Thị Lựu, Đakao, Quận I, Tp HCM
Tel 08.8222294 – Email: ofmvietnam@gmail.com
Tu viện Phanxicô Cầu Ong Lãnh
18 Phan Văn Trường, Quận I, Tp HCM
Tel 08.8299810 – Email: tutinofm@gmail.com
Học viện Phanxicô Thủ Đức
42 Đình Phong Phú, Kp 2, P. Tăng Nhơn Phú
Quận 9, Tp HCM
Tel 08. 8960017 – Email: giusetiendung@yahoo.fr
Các chủ đề tương tự trong chuyên mục này:
-
Quyền viết bài
- Bạn không thể gửi chủ đề mới
- Bạn không thể gửi trả lời
- Bạn không thể gửi file đính kèm
- Bạn không thể sửa bài viết của mình
Forum Rules